Chương 41: Gợi ý đến từ Quảng Tây

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nếu sắp xếp các bức tranh chạm trổ quanh mâm sắt này theo hàng ngang, vậy thì bức tranh lớn nhất nằm ở ngoài cùng bên trái, là hình một con "Hống", ở giữa là những người cụt tay phải đang tháo chạy, còn ở ngoài bên phải là nhóm người dân tộc thiểu số mặc trang phục kỳ quái. Cuối cùng bên phải, là ba lỗ hổng sâu hoắm.

Điều làm tôi chú ý nhất là chiều hướng của kết cấu tổng thể bức tranh này, xem xét nội dung bức tranh, có thể thấy con Hống kia mặc dù đang bị trói trên mâm sắt, nhưng động tác của nó vẫn mang tính truy đuổi.

Những người cụt tay phải ở giữa quay lưng về phía con Hống, thể hiện dáng vẻ đang chạy trốn. Mà yếu tố then chốt chính là hình tượng của nhóm người dân tộc thiểu số kia, bọn họ quay mặt về phía nhóm người chạy trốn, như vậy tức nghĩa là, những đao khách dân tộc thiểu số đang cùng con Hống đối đầu với nhóm người ở giữa, tạo thành một thế gọng kìm.

Bố cục như vậy có nhiều cách lý giải, cảm giác đầu tiên của tôi là, chẳng lẽ đây là một trận quyết đấu có hai phe, một thú một người đang vây đánh nhóm người cụt tay phải này?

Nhìn vào bố cục toàn bộ bức tranh thì đây là lời giải thích hợp lý nhất, nhưng nếu thế, vậy tổng thể bức tranh này có ý nghĩa gì? Quả thực tôi không nghĩ ra.

Tôi gần như có thể khẳng định bức chạm trổ cụ thể như thế chắc chắn là để truyền tải một ý nghĩa nào đó, chứ không phải chỉ đơn thuần là để trang trí. Những hoa văn trang trí thường là những hình rồng hình phượng, cái loại họa tiết có thể sao chép ra hàng ngàn lần, hơn nữa, còn phải đem lại một cảm giác hoàn chỉnh.

Nếu không phải lý giải như thế, vậy thì, ở đây vẫn còn những khoảng trống cần phải phỏng đoán thêm, ví dụ như, có thể đây là một cảnh phục kích?

Những đao khách người dân tộc thiểu số mai phục ở phía trước, những người cụt tay chịu trách nhiệm làm mồi nhử, nhưng mà nếu như đối thủ là con Hống thực - tôi vẫn không tin trên đời lại có sinh vật như thế này - thì mấy đao khách kia phỏng chừng sẽ bị thiêu sạch thành tro than trong vòng chưa đầy một giây.

Thông thường các loại điêu khắc chạm trổ thường sử dụng thủ pháp phóng đại, rất có thể là thế này: lúc đó bọn họ gặp phải một thứ gì đó mà họ không tài nào lý giải nổi, nên mới sử dụng một hình tượng trong thần thoại để miêu tả.

Suy đoán như vậy, hoàn toàn chẳng có phương hướng gì, tôi dí sát mặt lại gần để nhìn cho kỹ tất cả các chi tiết nhỏ trên tranh chạm khắc, cũng phải cảm tạ cái máy ảnh cơ chuyên nghiệp, ảnh chụp ra rõ nét đến mức nhìn thấy rối một nùi vào với nhau.

Nhưng mà, càng nhìn kỹ lại càng thêm thất vọng, nét chạm khắc ở đây vốn đã không hề chi tiết tỉ mỉ chút nào.

Nếu đặt giả thiết là từng phần bức tranh này không nối liền nhau, mà mỗi phần lại mang một ý nghĩa độc lập khác nhau, vậy thì lại càng không thể phân tích nổi.

Càng xem càng lắc đầu, ngay cả phương hướng để suy đoán cũng không có, Tiểu Hoa tựa về phía sau một chút, nói: "Trông có vẻ giống khóa Thiên Lý. Xem ra, chắc phải quay về chỗ cái mâm sắt đó một chuyến mới làm cho ra nhẽ được."

Tôi im lặng gật đầu. Tôi từng nghe nói, khóa Thiên Lý là một loại kế sách, là một phương án phòng bị vô cùng hiệu quả, chứ không phải là một loại khóa thật sự. Có một công việc như thế này, để giải quyết được công việc đó cần một khoản chi phí như thế này, vậy làm sao để đối thủ phải bỏ ra gấp mấy lần khoản chi phí ban đầu đó mới hoàn thành được công việc? Cách tốt nhất là đem yếu tố tiên quyết để hoàn thành công việc đó bỏ đến một nơi đủ xa. Ví dụ như, cánh cửa vốn ở cực Nam, ta liền đem chìa khóa vứt ở tận cực Bắc. Trong thần thoại Bắc Âu, ác quỷ bị giết chết, sau đó thường bị phân thây thành trăm mảnh, vứt rải rác ở khắp các ngóc ngách trên thế giới. Làm như vậy, cho dù có kẻ mưu đồ hồi sinh ác quỷ, thì cũng phải làm một chuyến chu du khắp thế giới kéo dài đến hàng mấy thế kỷ thì mới xong được việc.

Tuy nhiên, nếu đã có cơ chế mở khóa, chứng tỏ tòa lầu cổ của Trương gia này vốn không phải là một huyệt mộ, tôi đoán, có lẽ tòa cổ lâu có liên quan đến chế độ chôn cất tập thể của gia tộc này, có lẽ, cứ cách mấy đời, dựa theo tổ huấn, những người nhà họ Trương đã chết đều được chuyển vào bên trong tòa cổ lâu này.

Chẳng qua là không biết chuyện này thì có liên quan gì đến Dạng thức Lôi. Dạng thức Lôi rõ ràng mang họ Lôi, hoàng tộc Mãn Thanh rõ ràng mang họ Ái Tân Giác La, chẳng có lý gì lại phải "trả tiền" thay cho nhà họ Trương bí ẩn này.

Ở bên kia, Muộn Du Bình đang đối mặt với một tảng phong thạch có cơ quan xảo diệu vô cùng, bí quyết để mở khóa tảng phong thạch ấy chắc là nằm trong bốn hình vẽ này, mà cái mâm sắt ở chỗ tôi có lẽ chứa đựng những manh mối để giải mã thông tin ẩn giấu trong bốn hình vẽ đó. Cụ thể như thế nào, quả thực phải đến tận chỗ cái mâm sắt đó thì mới biết được.

Nghỉ ngơi thêm mấy ngày nữa, thể lực của chúng tôi cũng khôi phục lại. Vết thương của Tiểu Hoa đã cầm máu từ lâu, quay lại đó cũng không còn nguy hiểm gì lớn nữa, bởi vậy chúng tôi bèn bắt tay vào chuẩn bị. Nghĩ đến cái lối đi phiền phức kia, chúng tôi không thể thường xuyên đi qua đi lại chỗ đó được, cho nên, chúng tôi chuẩn bị một lượng lớn thức ăn và nước ngọt đủ dùng trong một tuần. Sợ không khí lưu thông trong hang quá chậm, tôi bèn lắp nguyên một cái quạt thông gió đặt ngay trước cửa hang, thực ra nó vốn là cái máy quạt thóc do mấy người anh em Thành Đô mượn dưới thôn lên, còn mua thêm cả một bó dây điện to tướng để giòng dây từ trên núi xuống đến tận chỗ bình ắc-quy của cái máy cày ở tít bên dưới nữa.

Thực ra, ý tưởng của tôi vốn là làm nguyên vài thùng xăng, đốt thẳng băng một đường, thế là đầu xuôi đuôi lọt. Nhưng trong hang núi chật hẹp này, làm vậy rất dễ đốt hết sạch khí oxi, khiến hang động bị bí, rất khó để cháy lan vào trong được. Hồi tôi học kiến trúc đã được học những kiến thức về lĩnh vực này, nếu như sử dụng quạt máy để thổi gió vào trong, đẩy lửa đi, thế thì bên trong sẽ biến thành một cái lò nung nhiệt độ siêu cao, mà kết cấu núi đá ở đây lại không quá ổn định, ngộ nhỡ lại thiêu sập cả hang động thì tiêu.

Tiểu Hoa không còn thi triển được tuyệt kỹ phi diêm tẩu bích của mình nữa, chúng tôi trèo xuống cửa hang, kiểm tra hai bộ áo sắt kia, mới phát hiện bên trong bộ áo sắt nhuốm đầy máu của Tiểu Hoa đã mọc đầy lông tóc đen sì, phải dài đến tận cổ tay. Khiếp thật, cái thứ này cứ như là khuẩn nấm ấy.

Tôi giũ bộ áo sắt của mình ra. Trái lại, áo sắt của tôi vẫn còn khá tốt, chỉ có những chỗ dính máu Tiểu Hoa là bị lây tóc thôi, còn lại đều không có vấn đề gì.

Tiểu Hoa nói, có máu tôi ở đây rồi, khỏi sợ cái chi nữa, tôi cứ thế mà chui vào chắc chẳng làm sao đâu, còn cậu ta thì mặc áo sắt, rồi cõng tôi vào theo là được.

Bộ áo sắt kia đã nặng trịch rồi, cậu ta còn đòi cõng thêm tôi nữa, chắc chắn là không làm nổi, với cả, trần hang này rất thấp, ngay đến đứng còn không đứng thẳng được, huống hồ là cõng thêm một người trưởng thành? Bàn tới bàn lui, cuối cùng Tiểu Hoa nghĩ ra một cách.

Tôi đeo mặt nạ phòng độc, mặc bộ áo sắt, tiến vào trong trước, vừa đi vừa đóng mấy cái móc leo núi lên trần hang, mắc lên đó một sợi thừng trơn, như vậy, một người đứng ở đầu bên kia chỉ cần kéo sợi thừng, người còn lại cứ bám trên sợi thừng đó mà theo vào. Dù sao cậu ta cũng nhẹ cân, có thể treo mình trên sợi thừng theo cách này được.

Tôi nghe vậy, cũng biết đây đã là cách cuối cùng có thể dùng được rồi, thế là làm theo, treo đống móc leo núi lên, Tiểu Hoa giúp tôi mặc bộ áo sắt vào. Hình như cậu ta còn thấy hay hớm gì lắm, cứ gõ coong coong vào bộ áo sắt của tôi, thế là tôi chui vào trong hang động dưới sự cổ vũ nhiệt tình của cậu ta. Cái tên này về bản chất sao cứ y chang Bàn Tử, chẳng đáng tin cậy tẹo nào.

Tôi dùng búa đóng mấy cái móc leo núi vào các kẽ nứt trên trần hang động. Tôi từng học kết cấu công trình, biết rõ phương pháp tam giác lực, cho nên tôi dự định đóng khoảng ba đến bốn cái móc ở cùng một vị trí, như vậy cho dù có nguyên một ông tuyển thủ sumo treo mình ở trên đó cũng không thành vấn đề.

Xong xuôi mọi việc tốn khoảng ba tiếng đồng hồ, tay tôi cũng đã tê rần, nhưng không gặp nguy hiểm gì. Đến cuối hang động, cái mâm sắt vẫn y như cũ, thế mà vẫn còn những tiếng gõ nhè nhẹ vọng lên từ bên dưới cái mâm, nhưng không phải là tiếng gõ chát chúa như lúc trước nữa, tiếng động bây giờ nghe như tiếng vật gì treo lơ lửng, bị gió thổi liền va đập phải cửa sắt vậy.

Tôi cởi bộ áo sắt xuống, thấy toàn thân mình đã ướt đẫm mồ hôi, ướt như chuột lột vậy, thế là tôi bắt đầu kéo Tiểu Hoa vào. Tôi treo một ngọn đèn mỏ lên, còn chất sẵn một đống củi ở ngay trước cửa hang đá, tưới xăng lên đó, đề phòng bọn tóc dài kia tập kích. Chúng tôi đặt thực phẩm và rượu trắng lên cái mâm sắt, rồi bắt đầu so sánh hoa văn trên mâm sắt với hoa văn trong các bức ảnh ngay.

Cả hai đứa đều đeo mặt nạ phòng độc, nên lần này cổ họng không bị mất tiếng nữa, có điều cái mặt nạ đó nặng lắm, tròng vào cổ khó chịu vô cùng. Tiểu Hoa đề nghị chúng tôi tốc chiến tốc thắng.

Hoa văn khắc trên vách đá trong các bức ảnh quả nhiên cũng chính là hoa văn trên cái mâm sắt này, tất cả các hoa văn đều hoàn toàn giống nhau, chỉ là, xung quanh mâm sắt lại không hề có ba bức tranh chạm trổ như trên vách đá kia.

Cái mâm sắt từ tốn quay quanh trục theo chiều kim đồng hồ, Tiểu Hoa biết hai lĩnh vực kiến trúc và máy móc có nhiều điểm giao nhau, mới hỏi tôi: "Làm thế nào?"

Tôi nghĩ thầm, với máy móc, thông thường người ta phải tìm hiểu rõ ràng cơ chế vận hành của nó ra làm sao đã, tôi bảo cậu ta giúp đỡ, trước tiên là xoay thuận chiều cái mâm sắt, để xem xem nó tốc độ vận hành của nó có tăng hay không. Nhận thấy, nếu xoay mâm sắt theo chiều kim đồng hồ quả nhiên tốc độ xoay có tăng nhanh, chứng tỏ khi xoay theo chiều kim đồng hồ thì không kích hoạt cơ quan nào cả. Thế là chúng tôi lại thử xoay cái mâm ngược chiều kim đồng hồ, vừa mới thử xoay, liền phát hiện có điểm không ổn.

Vừa thử xoay, tôi cảm thấy rất cố sức, lực rất rất rất rất nặng, nhưng không phải là kẹt cứng, tôi có cảm giác cứ như đang vặn dây cót của một cái đồng hồ hay máy hát vậy, tôi cố sức xoay, dùng hết sức bình sinh, cái mâm sắt bắt đầu bị tôi xoay ngược chiều, gần như là cùng lúc đó, từ bên dưới cái mâm vọng lên một chuỗi những tiếng xích sắt nặng nề.

Đáng tiếc, tôi chỉ xoay nó đi được khoảng năm mươi độ thì hết sức, dù Tiểu Hoa với tôi gồng hết sức đến cỡ nào, thì vẫn không đẩy cái mâm kia nhích thêm được một chút nào nữa.

Nhưng tôi vẫn cảm thấy rất rõ là vẫn chưa phải xoay đến hết cỡ, mà chỉ là do sức chúng tôi không đủ mà thôi. Tôi hít sâu một hơi, gần như là gào lên một tiếng, điên cuồng đẩy về phía trước, chẳng qua là mọi âm thanh tôi phát ra đều bị bít trong cái mặt nạ phòng độc, đâm ra nghe hơi bị buồn cười. Thế rồi tôi trượt chân một cái, mất chân trụ, sức một mình Tiểu Hoa không đủ để chống đỡ, cuối cùng cái mâm sắt lại xoay vòng theo chiều kim đồng hồ về lại chỗ cũ.

"Chắc cậu phải vác trâu lên đây mới được." Tiểu Hoa tựa vào vách hang, thở hổn hển nói.

Tôi bị trẹo chân, đau muốn chết, nghĩ thầm giá mà Bàn Tử ở đây thì tốt rồi, cái công việc cần đến thể lực này đâu đến phiên tôi làm chứ.

Nhưng mà chúng tôi vẫn không hề nhắc đến việc gọi người bên dưới lên hỗ trợ, vì dựa vào cảm giác vừa rồi thì vẫn chưa phải là do chúng tôi không đủ sức, mà chủ yếu là vì cái mâm tròn vành vạnh này chẳng có chỗ nào thích hợp để tỳ tay, thậm chí các hoa văn bên trên cũng bị mài đến trơn láng cả ra rồi, căn bản là không có điểm tựa, giá mà có cái đòn bẩy thì chắc cũng không đến nỗi này.

Thế là tôi lục mấy món công cụ có hình dạng dài ra, tìm xem quanh mâm sắt có chỗ nào để cắm vào hay không. Mò mẫm cả buổi, thấy toàn bộ cái mâm sắt chẳng có chỗ nào có thể mượn lực được cả, mặc dù phía trên mặt mâm toàn là hoa văn, nhưng hoa văn này quá nhẵn, không đủ để mắc vật gì vào.

Tôi nhớ lại kinh nghiệm cuộc sống trước kia, tình cảnh bây giờ của tôi giống như là đang phải vặn nắp một chai nước khoáng, nhưng tay lại dính nhễu đầy dầu mỡ, cố sức mãi cũng không vặn nắp ra được.

Cách đơn giản nhất là tăng lực ma sát trên bàn tay, ví dụ như dùng khăn lông hay cái gì đó để bọc tay lại rồi mới vặn nắp, ở đây không có khăn lông, nhưng quần áo trên người thì vẫn được.

Thế là tôi bèn cởi quần áo ra. Chúng tôi kiểm tra chất liệu vải, xem có chỗ nào bề mặt vải thô ráp một tí hay không, đúng lúc này, Tiểu Hoa chợt phát hiện ra điều gì khác thường. Cậu ta chỉ vào quần áo tôi hỏi: "Cái gì kia?"

Tôi cúi đầu nhìn, thấy cả một mảng quần áo mình đã đen sì sì, đúng vị trí vừa nãy tỳ vào cái mâm sắt.

"Tróc sơn à?" Tôi ồm ồm chửi một tiếng, xoa xoa lòng bàn tay, mới phát hiện lòng bàn tay mình cũng đen sì.

Nhưng đó lại không phải sơn, mà là thứ gì đó trông như vụn than đá, tôi lấy làm lạ, chẳng lẽ người ta lại bôi một lớp than đá lên cái mâm này?

Tôi cầm đèn pin chiếu vào lòng bàn tay mình xem, nhón tay vân vê thử một cái, mới thấy đó không phải là vụn than đá, thứ này trông thì là dạng hạt vụn, đến khi lấy tay xoa một cái liền trở nên nhẵn mịn. Tôi phát hiện hình như tôi nhận ra được thứ này.

Tôi lấy đèn pin chiếu lên mâm sắt kia, mới thấy trên mặt mâm cũng bị phủ một lớp như thế, mắt thường khó nhìn rõ được, tôi lấy vật nhọn cọ ra mấy đường, cậy một cái, dùng ngón tay nắn vỡ, tôi kêu "A" một tiếng, quay lại nói với Tiểu Hoa: "Không xong, đây là máu."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro