~~~

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm tháng khuynh thành. Mấy độ hoa tàn. Mấy mùa lúa trổ. Mấy lần trông nhạn về nam.

Chàng thư sinh năm nào vẫn một mình trên những lối đi quen, bàn chân bước qua từng bậc đá, nơi này đã phủ ngắt một màu rêu phong.

Mà.

Bình rượu cũ chôn từ mùa đông dạo trước vẫn chưa cạn hết, hương thơm quanh quẩn trong một đêm sao sáng đầy trời.

Người nào ngâm tỳ bà hành cùng với hoa thủy tiên. Người nào ngồi trên chõng tre thở dài, nghe tiếng vợ trong buồng đang hát ru con... Đêm thâu. Lại một đêm thâu...

" Chà, đã cao được từng này rồi cơ à."

Cậu lớn bây giờ đã đường đường chính chính trở thành phú ông. Bé Vọng cũng được gần sáu tuổi. Đại vạch thước lên cái cột nhà, cứ mỗi tháng lại đo xem thằng bé lớn hơn được bao nhiêu. Đại dùng gang tay ước lượng, rồi lấy que đánh dấu chỗ đấy, y bảo: " Cao được chừng này sẽ cho Vọng đi học."

Vọng nghe thế thì sợ tái hết mặt mũi, bé không biết học là gì, chỉ thấy mẹ bảo đi học là không được ở nhà. Không không, thế thì bé không muốn đi học đâu, bé muốn ở nhà cơ. Vậy là, Phú ông đã biến cái trò đo chiều cao trở thành nỗi sợ hãi của nhóc con như thế đấy. Thằng Sổ thấy run hết cả người mỗi lần nhìn ông chủ cười khi Vọng nhích lên một bậc. Nụ cười ôi sao mà gian tà. Sổ nghĩ, có lẽ mình nên đóng cửa, cơn gió độc nào bỗng làm nó dựng hết cả tóc gáy.

Đáng thương nhất vẫn là bé Vọng. Tờ mờ sáng nay bé vùng dậy vì gặp ác mộng, vội vội vàng vàng leo xuống giường, bé chạy ra chỗ cái cột giữa nhà mà đứng: " May quá, còn một đốt tay nữa." Bé thở phào rồi lại an tâm lên giường ngủ tiếp, buổi trưa hôm ấy, Vọng an tâm để bố đo chiều cao. Kết quả, người bố đáng kính nào đó chắp tay bảo: " Đi học được rồi!" Vọng nghe như sét đánh giữa giời quang, cái tay ngắn ngắn mập mập trỏ vào vạch thước cao nhất, lắp bắp: " Nhưng bố ơi..."

Phú ông như hiểu điều cậu con giai muốn nói, y cúi thấp người, đặt tay lên vai thằng nhóc, nở nụ cười đầy trìu mến: " Nguyên tắc có thể xê dịch, con giai à!"

Mắt Vọng tức thì ngập nước.

Ngày tiếp theo, bất chấp việc thằng bé khóc lóc thương tâm, bà phú xót con thở dài: " Sao không để thư thư một hai năm nữa, cứ phải bắt nó học sớm làm gì?" Ông phú vẫn hí ha hí hửng khăn gói quả mướp, chuẩn bị đưa anh bạn nhỏ đến lớp học.

Nắng hè chói chang. Hai bố con nón nhỏ nón to dắt díu nhau trên đường làng. Sen trong đầm tỏa hương ngào ngạt.

Cục trắng lớn, mặt mày phấn chấn chấn đi trước, dắt cục trắng bé ton ton theo sau. Anh bạn nhỏ được cái trộm vía, cả người tròn tròn như phật Di Lặc. Bé đội cái nón to bè, tí lại phải hếch lên không nó sụp cả mặt mũi, trông chẳng khác gì quả dưa hấu úp lá sen. Đến là buồn cười.

Người nào đó đứng ở bực cửa nhìn hai cái bóng tiến lại chỗ mình, khe khẽ thở dài.

" Tôi đến giao tâm can tôi cho thầy đây."

Vọng nép vào sau bố, hai mắt ươn ướt ngước lên nhìn thầy đồ Đức đầy lo lắng, đôi má của bé phúng phính như hai cái bánh đúc khiến một khắc kia, chàng bỗng có ý muốn nhéo nhéo thằng nhóc quá chừng. Song, Văn Đức nhanh chóng ghìm suy nghĩ ấy lại.

Thầy đồ từ tốn bảo: " Đi vào trong lớp thôi." Nói rồi, chàng xoay người.

Nghe xong, Phú ông đã nhanh nhảu bước tới sau chàng, bỏ lại nhóc con ngoài cửa ngơ ngác: " Ơ kìa bố ơi..." May là, khi bé Vọng chưa kịp khóc ré lên thì ai đấy đã ớ người nhận ra, vội vã quay lại dắt thằng bé vào:

" Suýt thì quên mất tâm can..."

Thầy đồ Đức chỉ còn biết lắc đầu.

Gian trên, sư thầy vẫn yên lặng quét chép kinh. Cửa tự hé mở. Đức Phật trông ra ngoài sân, nơi cơn gió lào xào trên những tầng cây và bầy chim chuyền cành thi thoảng bảo nhau: Lại đến một mùa hè...

" Nước chảy hoa trôi chán sự đời.

Ngày qua tháng trọn tựa đưa thoi.

Sớm chiều chớp mắt câu bay nhảy

Sóc hối gang tay yến giục đòi

Thấm thoắt xuân xanh khôn vững kéo

Lơ phơ tóc bạc gật gù coi

Khuyên ai đang lúc còn niên thiếu

Ngày tháng công phu gắng kịp thời." (*)

Vọng đọc to theo thầy bài thơ đề trước cửa lớp. Thầy đồ chắp tay, sau lưng là cây thước gỗ được hội phụ mẫu của lớp trao gửi, bên trên còn tận tình khắc dòng chữ: " Xin thầy hãy thật mạnh tay."

Văn Đức trầm ngâm:

" Trò có hiểu dụng ý bài thơ này không?"

" Dạ có."

" Vậy tại sao còn lười biếng như thế."

Thằng bé im lặng cúi đầu, hai tay vân vê vào nhau. Bộ dạng này, lại đến con mắt này, cái mũi này... Hai bố con nhà ấy sao lại giống nhau thế không biết, làm người nào, chưa kịp đánh mắng đã mềm lòng.

" Về nhà chép Tam tự kinh bài một, mười lần. "

Bé Vọng hối lỗi gật đầu.

Kỳ thực lâu dần thằng bé không còn sợ đến lớp nữa, ngược lại bé thích mê lên được ấy chứ. Đến lớp có bao nhiêu bạn này, có sư thầy dễ thương này, có thầy Đức lúc nghiêm khắc lúc lại rất hiền này, quan trọng nhất là vườn chùa có bao nhiêu trái cây này. Nhưng mà Vọng chỉ thích đến lớp thôi chứ Vọng không có thích học. Đã thế lại được gia đình có ông bố hết sức buồn cười. Bắt con đi học thầy đồ Đức bằng được đến lúc thầy ra sức rèn giũa lại ngấm ngầm dung túng con giai. Bằng chứng là một đêm trăng thanh, Vọng nhìn bố cặm cụi chong đèn viết " Nhân chi sơ tính bản thiện... " mà khúc khích cười.

Dẫu vậy, là một người bố, Phú ông ít nhiều nhận thức được sự giáo dục sai trái của bản thân, cho nên y cũng có giảng giải cậu quý tử họ Nguyễn vài câu, quyết tâm biến sai lầm thành sai lầm trầm trọng:

" Nhà mình có truyền thống học hành không ra gì."

" Vậy nên con đang phát huy truyền thống ạ! "

Ông Phú Đại cuộn sách gõ cốp vào đầu cậu con giai một phát rõ đau làm thằng bé ôm đầu tê tái.

" Ý bố là mày phải thay đổi, rõ chửa?"

" Đến bố còn không thay đổi được nữa là con."

Trọng Đại vỗ trán đầy bất lực, lần đầu tiên trong đời cảm thấy sự nghiệp làm cha có chút thất bại.

" Thực sự thì không phải có chút thất bại mà là cực kỳ thất bại."

Thằng Sổ chép miệng nhìn ông lớn nhà nó vò đầu bứt tai giữa đống giấy lộn xộn.

Đây đã là câu chuyện của ngày hôm sau, khi mà ông phú chép cho cậu Vọng xong xuôi để cậu đem nộp. Kết quả, buổi chiều tan học, đã nghe thấy tiếng cậu mếu máo từ đầu ngõ :

" Bố ơi thầy xem xong bảo con chép cũng không ra hồn... Phạt thêm năm mươi lần nữa... Bố ơi!!!"


-------

(*) bài thơ Ngày Tháng thoi đưa - trích từ Nam Thi Hợp Tuyển





Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro