Ngoại Truyện 7: Công Chúa Hòa Thân (4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xa giá của Quốc vương đã dừng trước cổng thành, ta lén tỳ nữ vén góc mành ra xem, chỉ thấy đối diện là một người đàn ông cưỡi voi trắng ngồi thẳng tắp uy nghiêm nhìn xuống ta.

Chàng mặc áo dài trắng viền vàng đính kim tuyến từ cổ xuống vạt áo, nút áo bằng ngọc cài ở giữa ngực, mũi hài thêu chỉ nổi hình chim thần kim sí điểu. Đầu chàng đội vương miện cao cao có hoa văn thú Ma Già La quấn quanh, nạm đầy những viên đá phát ra thứ ánh sáng đủ màu rực rỡ.

Tuy người đàn ông này đã gần bốn mươi, nhưng trên mặt chàng vẫn không tìm được dấu vết của thời gian, làn da chàng ngâm màu bánh mật, mái tóc dài hơi xoăn, y như chàng trai mà ta từng mơ vào bốn năm trước.

Lúc ấy ta đã nghĩ phải chăng là do định mệnh, hay do Thiên Y Thánh Mẫu đã đưa chúng ta đến với nhau?

Mọi cử động của ta bị đình trệ, cứ mãi ngơ ngẩn nhìn chàng trai cưỡi voi tiến đến ngày càng gần, đến khi gương mặt chàng đã ở ngay trước mắt, bàn tay chàng chìa ra sát bên ta ta mới hoàn hồn. Lúc này ta cũng trông thấy trên mặt chàng có một tia thất thần, nhưng rất nhanh đã che giấu kỹ lưỡng.

Bàn tay nhỏ bé của ta đặt trong lòng bàn tay to lớn rám nắng hằn đầy vết chai, ta biết đây chính là những dấu vết của người cầm kiếm, trên tay phụ hoàng và mẫu hậu ta cũng có những vết y như vậy.

Làn da trắng của ta dưới cái nắng gay gắt của Đồ Bàn và làn da ngâm mạnh mẽ của Chế Mân càng trở nên lóa mắt, người dân hai bên đường nhìn ta, có lẫn ngưỡng mộ và tôn kính, như cách họ nhìn vị quốc vương của mình.

Chàng đội cho ta chiếc vương miện vàng khắc hoa văn thú Ma Già La, dắt tay ta sải bước dần về chính điện. Trước sự dẫn dắt vững vàng của chàng, ta thực hiện hết mọi nghi lễ của nước Chiêm. Nhưng sau này nghĩ lại, cảm giác sáng bừng trước mắt làm ta mơ mơ hồ hồ, giống như phó mặc hết cho chàng trước sự bối rối.

Ban đầu ta có phần lo lắng về việc chung chạ giữa chính hậu và các con chàng, nhưng ta có ngờ đâu quốc vương đã xây cho ta một tòa tháp mới trước khi ta được gả đến đây. Tháp Cánh Tiên cao sừng sững giữa vườn Thượng uyển đầy giống hoa thơm cỏ lạ, chim chóc ríu rít cả ngày, cầu nhỏ nước chảy như chốn bồng lai. Ta có thể nghĩ ra tất cả mọi viễn cảnh, nhưng hoàn toàn không nghĩ tới cảnh tượng đẹp đẽ này.

Xứ Chiêm vốn thời tiết khắc nghiệt, nhưng tòa tháp ta ở thì đông ấm hạ mát. Ngồi bên bệ cửa có thể đón gió từ thung lũng thổi về, nhìn một vòng bao quát là đồng ruộng xanh tươi mướt mắt, những mái tranh lúp xúp san sát nhau nối dài tận chân trời.

Từ hướng cửa khác có thể nhìn thấy Điện vua, đó là một tòa điện cao rộng, phần mái trên lợp ngói nhỏ hình thuẫn, tường điện được trang trí công phu. Những lúc rảnh rỗi chàng thường tựa lan can nhìn sang ta, cho dù xa đến mức chỉ thấy bóng dáng nho nhỏ nhưng ta vẫn vươn tay với chàng. Lúc ấy tỳ nữ của ta thường che miệng cười trộm.

Những khi xong việc sớm chàng thường ngồi phía sau cầm tay ta viết chữ, mùi đàn hương nhè nhẹ phiêu đãng làm ta có chút mê man. Không gian tĩnh lặng như tờ, chỉ có tiếng ngòi bút lướt trên giấy nghe sột soạt. Thỉnh thoảng một vài con đom đóm bay lạc vào cửa sổ lướt ngang trước mắt ta.

Hơi thở chàng phả lên cổ làm cả người ta có phần tê dại.

Nhưng niềm vui dài chẳng tày gang, một năm sau, quốc vương xảy ra chuyện.

Ta đương nhiên biết được trong hoàng cung nước Chiêm này ẩn chứa một kế hoạch kinh hoàng, kế hoạch lật đổ vương vị của vương hậu Nam Dương cùng con trai lớn của ả. Ta mờ mịt biết được vào thời điểm không lâu khi đến Chiêm, có một hôm vương tử Chế Chí uống say xông vào phòng ta, không một ai ngăn cản. Gã nói với ta, vương quốc sắp thay triều đổi vị, ta nên làm kẻ thức thời.

"Làn da của nàng trắng quá, người Chiêm ta không một ai có nước da xinh đẹp như thế này."

Chế Chí quỳ một chân trên giường, vừa si mê vừa tôn kính nhìn ta nói.

Cuối cùng phải đích thân quốc vương vội vã chạy đến nơi, Chế Chí mới thôi không làm xằng bậy nữa. Gã rời đi nhưng vẫn giữ ánh mắt thách thức và nụ cười xảo trá trên gương mặt, thậm chí không thèm chào phụ vương lấy một cái. Nhìn gương mặt hao hao Chế Mân của Chế Chí, ta bất chợt cảm thấy rùng mình.

Lúc này ta mới hiểu ra, có lẽ quyền hạn của Chế Mân chỉ còn trên danh nghĩa.

Chàng hôn lên tóc ta, run rẩy thốt lên:

"Ôi, đóa hoa sứ trắng của ta."

Ta ngước nhìn chàng, cố giữ bình thản nói:

"Chàng có gì muốn nói với em không?"

Chế Mân nghe ta hỏi thế, có vẻ cũng biết ta đã nhìn ra mọi sự rồi.

Thì ra từ năm năm trước, hoàng hậu Nam Dương và vương tử Chế Chí đã cấu kết ngoại thần, cùng với người Nam Dương trà trộn trong nước Chiêm hòng lật đổ quốc vương. Chàng vốn hết mực tin tưởng bọn họ, nên lúc phát hiện ra thì đã muộn, giống như một khúc gỗ mục đã mối mọt từ bên trong.

Nhưng làm một vị đế vương, để tin người đến mức này không biết là nói chàng nhân từ hay nói chàng ngu ngốc. Quốc vương yêu dân như con, dẹp giặc ngoại xâm, nhưng đối với người nhà lại dung túng dẫn đến tai họa.

Dạo đó thực quyền vẫn còn nằm trong tay chàng, chàng bèn gửi thư cho phụ hoàng ta mời người sang chơi, nhưng thực chất là để cầu cứu, cũng trong lúc thực quyền còn trong tay, chàng đã hứa dâng cho Đại Việt hai châu. Lúc này lời đã định, Chế Chí không dám nói mà không giữ lời nên chẳng thể ngăn cản Chế Mân.

Phụ hoàng ở Chiêm chín tháng, có lẽ là cặn kẽ hết đường đi nước bước xứ Chiêm, sau đó người trở về giao cho ta trọng trách. Quân của Đại Việt không thể ngang nhiên xâm phạm vào lãnh thổ nước Chiêm mà phải cần có một cái cớ, mà ta vừa hay lại là cái cớ đó.

Có điều bốn năm qua, Chiêm Thành đấu đá không có ngày dừng, việc cầu hôn liên tục bị trì hoãn. Đến khi quốc vương thoát khỏi kiểm soát dâng thư cầu hôn cắt đất, thì Chế Chí cũng lật mặt, bắt giữ người em khác mẹ là Chế Năng.

Cho đến hôm nay, kẻ thù tứ bề, chuyện soán ngôi đoạt vị sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Quả nhiên một ngày mùa hạ tháng năm, trong lúc tế lễ ở tháp Dương Long, Chế Mân bị ám sát. Mà Chế Chí trong lúc cứu giá cũng bị thương, thành công giành được ánh mắt tán thưởng của người trong nước.

Sau đó Chế Chí được quần thần ủng hộ lên ngôi, mà ta không ngoài dự liệu bị vương hậu ép lên giàn hỏa thiêu với chàng. Vốn dĩ người chịu hỏa thiêu phải là bà ta, nhưng một người vừa mới nắm giữ quyền hành trong tay làm sao có thể cam tâm chịu chết, thế nên cho dù Chế Chí có si mê ta đến mức nào thì gã cũng phải dùng ta để đổi lấy mạng của mẹ gã mà thôi.

Nhưng gã không hề hay biết thực ra phái đoàn Đại Việt đã đậu ở bến cảng từ trước. Gã mềm lòng nghe theo lời khẩn cầu cuối cùng của ta ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về rồi sẽ vào dàn thiêu, ai ngờ đâu giữa đường quân Đại Việt ra đánh cướp, trở tay không kịp.

Ta nhìn đất Chiêm ngày một xa, trong dạ bồi hồi. Hóa ra lâu ngày dài tháng, xứ sở đó cũng trở thành tâm hồn ta.

Sau khi ta trở về Đại Việt, Chế Chí liên tục xúi giục dân ở hai châu nổi loạn hòng đòi lại đất đai của mình. Bốn năm sau, anh cả Thuyên ngự giá thân chinh, dưới trướng là Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, Nhân Huệ Vương và anh hai Chẩn, còn có Đoàn Nhữ Hài được giao chức Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước để lo việc địch vận. Quân Việt toàn thắng, nhưng theo di chỉ của phụ hoàng, anh cả Thuyên vẫn giao lại ngôi vị quốc vương cho Chế Năng.

Xuân tháng ba, hoa sứ nở trắng núi Trâu Sơn, công thần phạt Chiêm là Nhữ Hài đến tìm ta. Anh ta đứng dưới bóng cây hoa sứ, màu áo còn trắng hơn cả màu hoa, như muốn cùng cây hoa hợp lại thành một.

"Cảm ơn công chúa đã giữ lời."

Nhữ Hài mỉm cười nhìn ta, ta ồ một tiếng, hóa ra là lời hứa dạo nọ hai ta sẽ gặp lại nhau.

"Nhưng bây giờ gặp lại, Nhữ Hài đã là quan đầu triều, còn ta đã chẳng còn là công chúa nữa."

Vạt áo trắng của anh ta bay bay, ta bỗng thấy dáng dấp của chàng thiếu niên nhút nhát năm nào ở tẩm điện của anh cả Thuyên, nhưng năm nay chàng ta đã có vẻ chính chắn già dặn hơn rất nhiều. Còn ta, ta cũng không còn là cô công chúa không lo không nghĩ của ngày xưa nữa.

Nhữ Hài nhìn ta một lát, lại nhìn về phía sau ta, cười cười:

"Quốc vương mặc trang phục của Đại Việt cũng hợp lắm."

Ta quay đầu ra sau, thấy Chế Mân đã dắt Chế Năng ra trước sân, Chế Năng năm nay đã là chàng trai mười sáu, cao gần bằng cha nó rồi.

Chế Năng khuỵu một gối xuống trước mặt Nhữ Hài, kính cẩn nói:

"Cảm ơn sứ thần đã giúp đỡ."

Thấy Chế Mân vẫn khoanh tay đứng mỉm cười, Nhữ Hài có chút bối rối đỡ Chế Năng dậy, vội đáp:

"Vương tử sắp trở thành vua một nước, sao có thể quỳ trước kẻ hèn này. Lát nữa về Thăng Long hãy tạ ơn Quan gia, đó mới là người cứu vương tử đấy!"

Hôm nay Đoàn Nhữ Hài đến, là để đón Chế Năng về Chiêm nắm giữ triều đình.

Năm đó thật ra Chế Mân chỉ giả chết, lúc quân Việt ập tới, thuận tiện đưa cả hai cha con chàng trở về theo sự sắp đặt của chúng ta. Ta áng binh bất động mấy năm, một phần là để chuẩn bị lực lượng, một phần là đợi vua mới trưởng thành. Quả nhiên gốc rễ chưa vững, Chế Chí cũng chẳng dám làm chuyện vọng động.

Đến nay ta cất quân chinh phạt, nhờ sự khôn khéo của Nhữ Hài, quân ta lại chẳng tổn hao mất một mũi tên.

Chế Năng đứng dậy, lại quay sang ta và Chế Mân nói:

"Phụ hoàng và mẫu hậu hãy cùng trở về Chiêm để con được đáp đền ơn sinh dưỡng."

Chế Mân lắc đầu:

"Con đi đi, ta đã không còn ước vọng trở về nơi đó nữa. Nếu con có lòng, lúc rảnh rỗi hãy đến thăm ta."

Nhưng chỉ e chuyến đi này sẽ khó lòng mà gặp lại.

Đến khi Nhữ Hài đưa Chế Năng rời khỏi Trâu Sơn, đột nhiên trong gian nhà vang lên tiếng trẻ con khóc. Chế Mân mỉm cười ôm lấy vai ta, cất giọng tinh nghịch nói:

"Trễ rồi, vào ăn cơm thôi, ta có làm món nàng thích!"

Năm nay ta hai lăm, chàng đã bốn lăm, nhưng giữa hai chúng ta nào có khoảng cách gì đâu chứ?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro