Ngoại Truyện 10: Nguyên Đào (3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Được dăm hôm vợ ta chịu không nổi nữa, trốn miết trong phòng ta, lúc thì mài mực, lúc thì may áo, tự biến mình thành kẻ bận rộn nhất nhà. Con nhóc bèn ỉu xìu đi tìm cha ta, ai ngờ cha lại chẳng nề hà con trẻ phiền phức, vui vẻ tự giác làm kẻ tiếp theo bị con bé quấy rầy.

Trước nay ta lại không biết cha thông thuộc ca dao như thế, lúc đọc còn rất để tâm giảng giải. Ánh mắt người ánh lên vẻ tươi sáng của tuổi trẻ, giống như từng câu từng chữ đều đã nằm lòng.

"Bao giờ cây chuối có cành,
Cho sung có nụ, cho hành có hoa.
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.
Bao giờ cây cải làm đình,
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta."

"Ông ơi, chạch đẻ ngọn đa là sao ạ?" – Nhóc con thắc mắc hỏi.

Cha xoa đầu con nhóc, cười đáp:

"Đại loại như một việc gì đó con rất muốn làm nhưng không tày nào làm được."

"Trên đời này có việc gì bản thân muốn nhưng không làm được ư?" – Nhóc con lại ngây thơ đặt nghi vấn.

"Ồ, có những chuyện phải đợi lớn lên con mới có thể thấu đáo."

"Vậy con sẽ ăn thật nhiều để lớn lên thật nhanh."

Lúc này cha chỉ vuốt râu cười cười, ánh mắt nhìn ra xa xăm như muốn nói "Thực ra làm người lớn rất mệt mỏi, đến khi con lớn lên chắc chắn sẽ cảm thấy câu nói ngày hôm nay hết sức buồn cười."

Năm nay cha đã sắp sáu mươi, việc trên triều ta cũng khuyên người nên hạn chế. Ban đầu cha không để tâm lắm, dẫu sao lão già Trần Khắc Chung – kình địch của cha đã làm đến chức Tả phụ, còn ông em rể Ngũ Lão của cha tuổi cao nhưng vẫn dũng mãnh đánh tây dẹp đông, lần lượt được ban Hổ phủ, Vân phù, Quy phù. Cha nào chịu thua kém, vẫn cần mẫn lên triều, cần mẫn dùng lời lẽ sắc bén của mình để mắng Khắc Chung.

Cũng may con bé nhà ta thông minh hiểu chuyện, nhìn thấy tình cảnh như thế thì như hiểu lòng ta, trong lúc ở cạnh cha thì nó luôn bảo:

"Ông nội vất vả vì nước cả đời, đến nay cũng nên nghỉ ngơi đi thôi, nhà chúng ta còn có cha mà!"

Những lời này ta chưa từng nói với con nhóc, chẳng biết sao nó lại có thể nói cặn kẽ rõ ràng. Ta và Thượng Trân nhìn nhau, cảm thấy sau này những việc không làm được cứ để cho con gái. Quả nhiên sinh con gái tốt thật.

Sau đó chẳng biết là vì mưa dầm thấm đất hay vì lời nói của con nhóc làm rung động quả tim vì nước quên thân của cha, cha thật sự ít màng tới triều chính nữa, ngày ngày cùng hai đứa cháu nhỏ lấy việc trồng rau nuôi cá làm niềm vui. Kể cả mẹ ta cũng hiếm hoi được cha quan tâm đến, trên gương mặt đầy nếp nhăn của cha cũng bắt đầu nhiều hơn những nụ cười.

Vợ ta đứng nấp sau vách nhà, nheo mắt nói với ta:

"Bây giờ thì em biết tại sao chàng lại cười đẹp như thế rồi, nhìn xem cha đã già nhưng cười lên vẫn đẹp trai như vậy! Ái chà, nhìn đến giống như được gột rửa hết mọi phiền não âu lo. "

Ta đắc ý đáp:

"Thành Vạn Kiếp này chưa ai qua được cha đâu, trong số bốn vị vương tử năm đó thì cha là xuất sắc nhất đấy. Đương nhiên là cả ngoại hình lẫn tài năng. Còn ta thì giống cha.!"

Thượng Trân xì một tiếng, bảo:

"Chàng ư? Còn thua xa lắm!"

"Thời này của chúng ta, quả là chẳng thể sánh bằng thời của cha được." – Ta thật lòng đáp.

Rời khỏi quan trường được hơn một năm thì cha mất. Lúc nằm trên giường hấp hối, cha nắm tay ta đặt lên tay nàng, dặn ta phải đối xử tốt với nàng, một đời một kiếp một đôi. Ta hứa với cha, nhưng cho dù cha không dặn, trong lòng ta cũng tâm niệm đời này chỉ có mỗi một mình nàng.

Vợ ta ôm hai đứa nhỏ khóc như mưa, còn mẹ thì chỉ lặng lẽ rơi nước mắt, nhưng trong mắt bà ta thấy giống như mất đi một thứ gì đó quan trọng lắm, như là cả linh hồn.

Các chị trên kinh về không kịp, lúc tề tựu đầy đủ thì cha đã đi rồi. Ta mặc đồ tang đứng ở cửa, ngước mắt lên nhìn trời, đời này của cha đúng là khó khăn quá.

Quan gia truy phong cho cha làm Thái úy, nhưng người đã mất rồi ấy mà, chút vinh quang này có cảm nhận được đâu. Huống gì sinh thời cha còn là kẻ chẳng hám danh hám lợi.

Sau này có lần mẹ nói với ta, trong lòng cha quả thật có người khác. Chỉ là người này không thể được, về tình về lý đều không thể được, vĩnh viễn cũng không thể được.

Ngày đó có lần vì chần chừ cha đã để lỡ hẹn với người con gái mình yêu, tuy lần lỡ hẹn đó kỳ thực là may mắn, nhưng nó đã để lại nút thắt khó cởi trong lòng cha. Ngày ấy, không cần nói cũng biết cha đã hối tiếc như thế nào.

Nếu hỏi trong lòng cha có mẹ không? Đáp rằng có, nhưng chẳng qua đó lại không phải là thứ tình cảm cốt lõi trong mối quan hệ vợ chồng, nhìn qua thì thật sự êm đềm đầm ấm, thực tế lại lạnh lùng băng giá đến thấu xương. Trái tim của cha rõ ràng vẫn còn một chỗ dành cho người nọ, tuy không nhiều nhưng nó vốn đã trở thành tâm niệm và tín ngưỡng, mãi mãi cũng khó lòng mà thay đổi được.

Nếu đáp rằng không e lại chẳng thoả đáng, bởi ăn đời ở kiếp với nhau bao nhiêu năm, có với nhau ba mặt con thì tính bằng gì? Có trách thì chỉ trách cha quá cố chấp, mãi mãi cũng chẳng tài nào tháo gỡ được nút thắt trong lòng.

Nhưng ta tin vào đoạn cuối cuộc đời, có lẽ con bé nhà ta đã làm cho cha sáng tỏ. Tuy muộn, nhưng có còn hơn không.

Mẹ ta nói ra, giống như kể một câu chuyện xưa, vô cùng bình thản.

Năm dài tháng rộng, giữa vườn hoa cúc vàng ươm, hai đứa trẻ nhà ta dần trưởng thành. Ta cảm thấy mình may mắn hơn cha rất nhiều, ít nhất giữa cuộc đời đầy chông gai này ta biết mình muốn gì và cần gì, đương nhiên quý giá nhất vẫn là giữ trong tay thứ mình muốn.

Cha, hẳn là lúc cưới Thượng Trân cho ta, cha xem như đã đạt thành tâm nguyện rồi.

Cưới Thượng Trân được mười năm thì hay tin cô em vợ Thiên Trân bệnh mất, ta đưa vợ buồn bã đến đưa tang thì thấy Trần Văn Bích khóc lóc lăn lộn trên mặt đất, phải nhờ người đỡ mới có thể ra tiếp vua. Vợ ta cảm động trước tấm chân tình như thác, vừa quệt nước mắt vừa hỏi ta:

"Nhỡ may sau này em chết, liệu chàng có buồn không? Ôi, nghĩ tới cảnh này em vừa muốn vừa không, vừa không muốn thấy chàng buồn bã mà cũng chẳng muốn chàng sẽ nhanh chóng lãng quên mình."

Ta hậm hực nhìn nàng, đáy lòng dâng lên một nỗi khó chịu, đáp:

"Nàng chỉ cần không nói gỡ là ta đã đội ơn nàng rồi!"

Lúc đó ai nấy kể cả ta cũng cho rằng Văn Bích sẽ không lấy vợ khác, nhưng rồi ít lâu sau gã lại lấy công chúa Huy Thánh.

Kể ra thì triều ta có lệ phò mã thì không được tái giá, có điều Văn Bích bất chấp luật lệ như thế quả khiến ta nhìn gã bằng một con mắt khác. Loại người nói một đằng làm một nẻo này chẳng biết lấy tư cách ở đâu mà có thể ngần ấy năm đem so với ta.

Nhưng Thượng Trân và Thiên Trân vốn là một cặp song sinh, ba năm sau khi Thiên Trân mất nàng cũng đổ bệnh nặng rồi nằm liệt giường dù ta đã cố hết sức để giúp nàng giành lại sự sống.

Đêm đó nàng tựa vai ta ngửa đầu ngắm trăng, bàn tay nắm chặt lấy tay ta chẳng muốn rời. Nhưng cuối cùng chính nàng lại bảo:

"Ngày mai em chết, chàng hãy như Uy Túc công mà lấy vợ khác, đừng bận lòng cho em. Việc này là em nói thật, không phải nói lẫy chàng. Em không có đức, chỉ sinh cho chàng hai đứa con, chàng đừng vì cái chức danh phò mã vô dụng đó mà làm trễ nải. Nguyên Đào, chàng là người văn võ toàn tài, không ham vinh hoa, gả cho chàng kỳ thực.. em không xứng. Nhưng em chấp nhận trèo cao, em rất hãnh diện vì được làm vợ chàng."

"Ta sẽ làm theo ý nàng muốn."

Ta bật cười, cười đến rơi cả nước mắt.

Đêm đó Thượng Trân vĩnh viễn bỏ lại ta, đột nhiên ta hiểu được cảm giác của mẹ dạo ấy.

Ngày đưa ma nàng ta chẳng rơi nỗi một giọt nước mắt, có lẽ những đêm trông nàng ốm, nhìn nàng giành giật mạng sống với tử thần đã trút cạn đi nước mắt của ta. Ta bình thản nhìn họ làm lễ, nhìn họ khóc lóc, đáy lòng chẳng dâng lên nỗi một gợn sóng nào. Quan gia đanh mặt chất vấn ta, ta cũng tự hỏi, chả nhẽ ta lại là người vô tình đến thế ư?

Chỉ là từ đó quả tim ta như khoét đi một lõm, ta thật tình chẳng thể đối với người khác nảy sinh mảy may chút tạp niệm, trong đầu cả đêm lẫn ngày chỉ là nụ cười và giọng nói của nàng.

Ta biết vợ ta trước lúc lâm chung nói như thế để an ủi ta, trên đời này làm gì có người đàn bà nào lại thực lòng muốn chồng mình lấy người khác chứ. Ta bảo sẽ làm theo ý nàng muốn, chứ đâu hứa sẽ cưới người khác đâu.

Nhìn thấy cuộc đời chẳng còn gì ý nghĩa, cuối cùng ta tìm về cửa Phật, chẳng hỏi hồng trần. Đám bạn thơ hay qua lại với ta gọi ta là Cúc Đường chủ nhân, đó cũng là việc cuối cùng mà ta có thể dùng để tưởng nhớ về nàng.

"Trên sông gió nhẹ mơn man,
Rượu trong, chiều xuống mênh mang, nghiêng bầu
Nước dâng, xào xạc khóm lau
Nhạn chìm mây biếc nhuộm màu trời xanh.
Chuông ngân khói bến bồng bềnh
Chèo khuya tung nước xô ghềnh lạnh thay!
Kinh xa tưởng nhớ vơi đầy
Thuyền neo sông vắng đêm này ngắm sao."

Người đương thời đem ta so sánh với Văn Bích, ta lại không mấy để tâm, dẫu sao trước giờ ta và gã bị so sánh cũng không ít lần. Nhưng lần này xem như ta đã thắng gã một ván rồi vậy.

Đời này của ta bình yên lớn lên, bình yên cưới một người con gái, bình yên trải qua cuộc sống quan trường, cuối cùng bình yên với câu kinh kệ. Hẳn ta được xem như là kẻ may mắn nhất rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro