II. MỞ MẮT CHIỀU HÔM ĐÃ ĐẾN RỒI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bàn về việc buông bỏ, thứ tha, tuy Công chúa ít lời nhưng lòng nàng lại thấu suốt nhất. Tôi đinh ninh thứ dằn vặt nàng bấy lâu là giang sơn của họ Lý và giang sơn của muôn dân. Giang sơn không phụ thuộc vào triều đại, giang sơn nằm ở lòng dân, mà mỗi một vị minh quân đều muốn an dân an nước. Công chúa từ bỏ họ Lý vì lòng nàng có thiên hạ. Nàng lấy yên vui của thiên hạ xoa dịu lòng mình, xoa dịu vong linh tổ tiên, chấm dứt những dằn vặt đeo đẳng nhiều năm.

Hậu nói Công chúa không oán hờn nữa, nên thành ra Hậu lạc lõng trong hận thù của mình. Công chúa mượn nghĩa xã tắc để xoá hận thù, còn Hậu chẳng có điều gì lớn lao để dựa dẫm. Trước nay nàng chỉ có một nguyện vọng, mọn mằn mà xa xỉ, là sống yên ổn đến cuối đời. Thậm chí có những lúc Hậu phải vờ không nhớ chuyện xưa để nguôi ngoai, nhưng đổi lại, họ Trần hết lần này đến lần khác khơi dậy gánh hận thù ấy.

Hạnh phúc với Trần Liễu là điểm tựa nhỏ bé duy nhất đã bị tước đoạt vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ sáu. Vậy nên sau khi tiến cung, Hậu luôn nhìn Hoàng thượng bằng cái nhìn lạnh lùng hờn căm. Hoàng thượng bảo Hậu khác Công chúa ở chỗ đấy: một đôi mắt. Hậu không có được sự bao dung đến hững hờ của em mình, nên trông thật hơn, người hơn, dù xưa nay nàng vẫn thường ưa đóng vai chiếc bóng. Mỗi vị thế sẽ dưỡng thành một tính tình riêng biệt. Nếu tính của Công chúa khiến Hoàng thượng day dứt, tính của Hậu lại khiến ngài muốn kề cận, dựa dẫm hơn.

Một đêm sau mấy tuần Hậu sinh hoàng tử đầu tiên, Hoàng thượng ghé đến hậu cung thăm nom, buột miệng tỉ tê. Hoá ra người đầu tiên đồng ý việc phế lập là ngài, không phải ai khác. Ngài muốn bảo bọc Công chúa. Chỉ cần còn ở Hoàng thành một ngày, ngày đó Công chúa không thể sống yên và con cái của nàng cũng thế. Không chỉ mình Hậu, cả tôi ở ngoài cửa cũng thảng thốt đến ngẩng phắt đầu dậy. Thấy Hậu cười gằn, Hoàng thượng nhẹ giọng:

- Hậu biết không, nếu là Phật Kim chắc nàng ấy chỉ "ừ" lấy lệ. Dường như Phật Kim biết hết từ đầu.

Lời so sánh ngầm ấy khiến Hậu an lòng. Nàng nói với tôi mà như nói một mình, rằng Hoàng thượng còn mong nhớ Công chúa nhiều lắm. Nhờ đó, Hậu sẽ sống thơi thảnh thêm vài năm.

Quãng "vài năm" trong lời nàng kia chỉ được hai, ba năm. Có điều lần này đối mặt với Hoàng thượng, Hậu dửng dưng hẳn. Đến sau rốt, Hậu vẫn muốn trả thù.

Tôi biết hôm ấy Hoàng thượng ngỡ ngàng đến độ nào. Ba năm sau ngày giã biệt cố nhân, có ngờ đâu áy náy và dằn vặt bất thần ùa về trong một khoảnh khắc. Ấy là khi ngài nhìn sâu vào đôi mắt Hậu. Đôi mắt ấy có khiến ngài bàng hoàng, choáng ngợp? Có một sát na nào Hoàng thượng tưởng như mình lại bị bỏ rơi? Nếu cả Hậu cũng không giống người, vậy ngài sẽ sống với ai? Ngài sẽ sống với một giang sơn lạ lẫm, với lợi ích dòng họ khiến cảm xúc ngày một chai lì. Ngài sẽ đi đến cuối đời với chiếc bóng của tiền triều khiến ngài xót xa, dằn vặt hoài trong dạ.

Hậu tự kể và tự hỏi, có khi nào ngài ấy phát điên không. Thế rồi nàng lắc đầu. Tôi hỏi còn nàng thì sao, Hậu vậy mà cười giòn, bảo mình không biết. Hậu chỉ biết người đàn ông ấy rồi sẽ khổ sở đến cuối đời, và cái giá là Hậu cũng khổ hệt như thế.

Tôi không được chứng thực những đau đớn chồng chéo mà người trong hoàng tộc tự gieo lên nhau. Ba năm sau khi Thái tử Trần Hoảng ra đời, Hậu cho tôi về quê như lời hứa. Bấy giờ tôi lại chần chừ không muốn đi, vì biết nếu tôi đi rồi Hậu sẽ chẳng còn chiếc bóng nào bên cạnh nữa. Vả lại tôi không về quê như tôi từng nói mà đến Đông Phù Liệt tìm anh họ. Sau khi cậu mất, phủ của cậu ở Phù Liệt bị cháy, anh họ tôi cũng bặt vô âm tín. Việc ấy tôi giấu Hậu, nhưng vì cách nào đấy, Hậu vẫn biết. Thế nên Hậu giục tôi lắm, vẻ như nàng chẳng biết cô độc là gì. Hoặc là tôi lo quá xa, vì đôi khi tôi cũng chỉ là ma quỷ họ Trần như trong lời nàng, nàng phải đuổi đi cho khuất mắt.

Theo hầu cận Hậu ít năm hơn Công chúa nhưng tôi lại thương Hậu hơn. Hoàng thượng thấy day dứt với những người không buồn hận thù, còn tôi, tôi lại nặng lòng với người quá cố chấp và thường giãy giụa giữa yêu hận. Bởi từ những người đó, tôi lại soi thấy mình trong cái tình với họ Đoàn của thầy tôi.

***

U tôi họ Trần, là con gái thứ ba trong nhà. Thầy tôi tên Đoàn Văn Lôi, là Hồng hầu vùng Hồng Lộ thuở ấy. Năm Kiến Gia thứ mười, u tôi được bác Tự Khánh gả cho thầy hòng thu phục Hồng Lộ, vậy nên tình nghĩa giữa hai người chẳng có bao nhiêu. Trước khi tôi vào cung, u có dặn phải tìm lại con trai của bác và giúp đỡ anh khi cần. Người anh họ tôi không nhớ rõ mặt kia là Trần Hải. Vì u tôi là em ruột của bác nên bác thương u con tôi hơn cả, nhưng vì bận bịu chiến sự nên trọng trách trông nom chúng tôi được giao cho anh họ.

Tôi vẫn nhớ mỗi lần đến phủ họ Đoàn ở Tứ Kỳ, anh thường bế tôi ra phố chợ chơi, dù khi ấy tôi còn rất nhỏ. Từ dưới trông lên tôi chỉ thấy chiếc cằm dần có nét rắn rỏi và khoé môi anh tôi luôn nở nụ cười. Mãi đến nhiều năm sau, ký ức rõ nét nhất của tôi về bác và anh họ chỉ gói gọn trong lời truyền miệng của người ta. Rằng, bác tôi là dũng tướng đánh đông dẹp bắc, kiến lập cơ nghiệp họ Trần giữa nhiễu nhương. Rằng, anh họ tôi là người cầm gươm ra chiến trường mà vẫn không mất đi vẻ hào hoa, nhã nhặn, tựa hồ lưỡi gươm của anh chưa vấy máu dù chỉ một lần.

Tôi tìm thấy anh họ ở nhà tranh vách đất dựng trên tàn tích phủ đệ Phù Liệt của bác năm xưa. Độ ấy mùa xuân, mưa bụi phất phơ giăng, những cành song mai quanh nhà nở hoa trắng xoá, tang tóc hơn cả những cơn mưa tôi từng trải. Anh họ nhận ra tôi dù chúng tôi xa cách đã lâu lắm. Anh bảo nét mặt tôi không đổi, thứ thay đổi duy nhất là đôi mắt. Còn tôi, tôi không nhận ra nét nào quen thuộc ở anh trừ chiếc cằm đã lún phún râu. Bởi sau khi bác mất, anh tôi bị đuổi cùng giết tận rồi mắc kẹt trong một đám cháy. Chính đám cháy ấy đã để lại trên mặt anh vết bỏng rộng, sém cả một bên mắt biết cười.

Tôi quỳ sụp ngay trước cửa nhà, trong cơn mưa đã ban ân huệ để anh em chúng tôi nhận ra nhau. Giá như mưa hôm nay đổ sớm vài năm và đổ to một ít, đủ để dập tắt ngọn lửa năm nào, anh tôi đâu cần mang vết thương này suốt kiếp. Nhưng ví thử trên mặt anh không có vết bỏng, cuộc tương phùng này sẽ có hay không?

Số mệnh là một sợi xích sắt mà ở đó từng mắc xích liền khớp với nhau rất chặt, rất đúng. Người ta khó lòng tưởng tượng ngày nào đó một mắc mất đi hoặc bị thay thế, hay chính ra không ai dám liều tay làm sợi xích đứt đoạn. Vậy nên cho dù là bi kịch, người ta cũng chỉ biết chấp nhận mà thôi.

Mắc xích chính của cuộc đời anh tôi là việc anh cầu hôn Hậu vào năm Kiến Gia thứ mười ba. Ấy đã là chuyện rất xưa, ngủ yên đã hai mươi mốt năm rồi. Anh bảo tôi, kì thực anh chỉ vâng lời cha chứ nào biết người mình "muốn" cưới trông ra làm sao. Phải đến sau ngày dâng lễ vật ở điện Thiên An anh tôi mới được thấy mặt Hậu. Anh bật cười ngay khi biết nàng chỉ là một đứa bé mới lên sáu. Trong mắt anh, vị hoàng trưởng nữ ấy rồi sẽ được vua Kiến Gia truyền ngôi và diễn vở nhường ngai vị cho chồng theo sự sắp đặt của họ Trần. Thay vì nói anh gặp được một đứa trẻ, bảo anh gặp một con rối dát vàng lại đúng hơn.

Không ai ngờ những mường tượng của anh về cuộc đời Hậu lại ứng vào cuộc đời của Công chúa. Còn anh mất thầy, mất mẹ, vuột tay khỏi giấc mộng hoàng quyền, ôm vết sẹo lẩn tránh một "họ Trần khác" đến cuối đời.

Họ Trần có rất nhiều "họ". Họ Trần của bác tôi bị Trần Thái Tổ trừ đi giữa chiến loạn. Họ Trần của người ở An Sinh sống dưới hiềm nghi của hoàng triều, trong thù hận của việc bị đoạt vợ. Để Hoàng thượng ngồi vững trên ngai, những vở chèo cứ liên tiếp được biên ra, nên bấy giờ đớn đau không chỉ riêng những phận đàn bà.

Lần này, tôi không phải quay về Hoàng thành nữa. Tôi như chia xa những nỗi đau nạm vàng ngọc kia mãi mãi mà không tiếc nuối gì. Có chăng, tôi chỉ thấy nặng lòng mỗi khi hầu chuyện anh tôi, kể anh nghe về người anh suýt lấy làm vợ và hai người chồng của nàng. Họ đều là người thân của anh em tôi cả.

Năm năm sau, Hậu băng. Ngày tin Hậu tạ thế loan ra cũng là ngày tôi được nội thị bên cạnh Hậu trước kia tìm vời vào cung. Những tưởng việc Hậu mất có điều khuất tất nên người trong cung gọi tôi đến thăm hỏi, nhưng không. Người tuyên tôi vào hầu chuyện là Hoàng thượng. Ngài nằm trên long sàng, làn da tuy không sạm màu như xưa nhưng nhiều vết nhăn hơn, thoạt trông rất tiều tụy. Khi tôi vẫn còn khom người vái chào, Hoàng thượng xua tay miễn chước, thì thầm:

- Trông ngươi giống một người lắm!

Nhìn đôi mắt đen bình lặng của ngài một lúc tôi chỉ biết ngài đang nhớ chuyện cũ, nhưng chuyện cũ đó có hình bóng những ai, tôi tìm không được. Có lẽ là hai vị chủ cũ của tôi, Công chúa và Hậu. Có lẽ là bác Tự Khánh của tôi, cũng là chú của ngài, người năm xưa từng theo Phụ hoàng ngài cầm quân bình nội loạn. Cũng có lẽ không là một ai cả, mà đơn thuần là kí ức cũ theo ngài từ lúc hầu cận Nữ đế tiền triều, khi ngài chưa nếm trải vị đắng của bất lực và chia xa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro