I. NĂM SUÔNG THÁNG TRẢI DƯỜNG LÀ MỘNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hậu chuyển dạ vào một ngày mưa to. Nghe bảo hai mươi mốt năm trước ở bãi Cửu Liên, Hậu cũng chào đời trong mưa chiều tầm tã như thế. Xưa kia tôi vẫn nghe trưởng cung nữ nói mưa là ân huệ, là điềm lành, dù ngày mưa ấy có là lễ vu quy, đưa tang, nhập trạch hay ngày trở dạ của đàn bà. Thảng hoặc tôi thắc mắc, nếu nước trên trời từ nghìn xưa đã là một ân huệ với người phàm, thì sao người phàm lại trốn miết trong nhà, hoặc đội nón tránh thứ ân huệ ấy đi?

Mãi sau này tôi mới hiểu ra, có nhiều thứ trông như tốt đấy, lại được biếu không, nhưng không thể nhận. Nếu nhận, hoặc là như người dầm mưa mang bệnh, hoặc là bị nhòm ngó như người điên vì không biết trú mưa.

Cái hôm Hậu lâm bồn tôi chỉ được đứng gác ngoài cửa ngửi hơi đất và ngóng mưa. Chốc chốc lại có cung tì bê chậu nước đầy máu ra ngoài, chốc chốc lại có người giục kẻ dưới lấy thêm món này món kia, và chốc chốc tiếng hét của Hậu lơi đi, hoặc tắt hẳn. Tôi vốn nghĩ sinh con xong người ta mệt lắm, huống hồ Hậu chảy nhiều máu và hét nhiều đến thế, cần nghỉ ngơi lại sức, ít nhiều cũng nhẵn một đêm. Thế mà nội tẩm vừa dọn sạch Hậu đã gọi tôi vào ngay. Hậu cho tôi xem đứa con mới chào đời của nàng. Thằng bé nằm gọn trong vòng tay vú nuôi, da mỏng tang, đỏ hỏn, mặt mũi nhăn nhúm, tay chân ngo ngoe. Hậu bảo ngắm, tôi thưa "vâng" rồi ngắm thật cẩn thận nhưng lòng lại lung lắm. Nếu thằng bé là ân huệ như mưa trên trời, Hậu đã nhận nó rồi, thế hai người thầy của nó thì sao?

Không để tôi nghĩ thêm, Hậu hỏi:

- Em thấy nó giống ai?

Tôi trông chẳng ra nó giống ai, đành khom người đáp mấy lời sáo rỗng:

- Hoàng tử giống Phượng giống Rồng, lại sinh vào ngày mưa, sau này ắt có phúc. Nhưng trời lạnh, gió độc, lệnh bà nên để Hoàng tử tránh vào chỗ ấm thì hơn.

Hậu ừ hử, xua tay cho bà vú bế đứa bé vào trong. Phần mình, tôi đỡ Hậu nằm xuống, đắp chăn, lau mồ hôi trên trán giúp nàng rồi giục nàng đi ngủ. Trước lúc vào giấc Hậu còn cố níu tay tôi nỉ non:

- Ta nghe lời mỗi mình em thôi. Đừng lừa ta nhé...

- Lừa gì ạ? - tôi ngơ ngác.

- Lừa rằng con ta có phúc.

Như tức cười lắm, Hậu ngẩn ra rồi bật cười khúc khích. Đôi mắt nâu sậm màu từa tựa đôi mắt người ở Cổ Pháp, mặc sức cuộn lên những luồng bất cam vẫy vùng. Cái vùng mịt mờ như đá tảng phủ rêu kia bấy giờ đã rừng rực một thứ khát khao Hậu chưa từng có.

***

Cuối tháng, tôi có thói quen ngồi trên thềm gạch lót ở hiên sau, trông xuyên qua vườn đến cửa hậu, nhìn những cung tì thay phiên nhau rời cung về quê. Mấy năm nay vì sự vụ rắc rối, ngai hậu phế lập liên tục, lại được Công chúa cậy nhờ trông nom Hậu giúp nên tôi không về quê như chúng thị tì. Mà thật ra chính tôi cũng chẳng muốn về đấy. Kể từ khi bác tôi mất, cái tiếng con cháu họ Trần của u tôi không khiến ai trong nhà thầy tôi vị nể. Chúng tôi bị hà hiếp vì dòng tộc đã thua trong cuộc tranh quyền đoạt vị vừa qua. Rồi, u tôi mất, hẳn là vì u uất, hoặc bà không còn gì để u uất nữa nên chọn ra đi.

Lần cuối tôi về Hồng Lộ là vào đám tang của u. Về sau tôi ở miết trong cung, khi may mắn còn được hầu bên thánh giá. Vào cái khắc chuyển giao oan nghiệt nọ, những người nắm quyền sinh sát trong tay được khóc được cười, trong khi con sâu cái kiến như tôi chỉ biết ngẩn ngơ trong ngục tối. Cung nhân của Lý triều khi xưa, bao gồm chúng tì có người chết trong Cấm thành, có người phải gả lên miền cao, cũng có người được ở lại hầu chủ mới. Sau rốt, chúng tôi tựa hồ hoàn toàn cắt đứt tương giao với tiền triều.

Dù vào cung từ năm lên chín, gắn bó với nơi này hơn mười năm, kinh qua cung biến triều loạn, thoán ngôi đoạt vị, chứng kiến phồn hoa trăm năm trở thành dĩ vãng trong chớp mắt, tôi vẫn thấy mình là người ngoài cuộc. Tôi cũng muốn rời khỏi Cấm thành và đi xa Thăng Long lắm vì nơi này nhiều đau thương quá. Đáng nói, đau thương ấy không thuộc về tôi. Một người muốn trở nên thân thuộc và hoà mình vào thời cuộc, tuy không nhất thiết phải vui cái vui chung nhưng phải đau nỗi đau chung. Mà tôi nào có được thế.

Chiều ấy thấy tôi ngơ ngẩn, Hậu bế Hoàng tử trên tay, hỏi tôi có muốn về quê không. Tôi hơi dùng dằng, lí nhí thưa có. Nàng hứa cho tôi xuất cung nhưng phải chờ khi nàng khoẻ hẳn. Tôi không biết Hậu cậy gì ở mình mà thường thân cận lúc nàng yếu ớt thế. Có lẽ vì ngoài tôi và phượng bào ra không thứ gì còn vương vấn bóng hình ở Cổ Pháp. Có lẽ máu tôi cùng một dòng với Hậu. Song cũng có lẽ vì phận tôi đáng buồn giống nàng, dường như không thuộc về cả họ nội lẫn họ ngoại.

***

Tôi theo hầu Công chúa từ năm tôi lên chín, khi Công chúa còn là Hoàng thái nữ tiền triều. Dù là chị em họ nhưng tôi biết một nửa huyết thống của mình thuộc về họ Đoàn, nên thân phận cách biệt với hai chị em nàng một trời một vực. So với Hậu, Công chúa ra dáng một hoàng nữ hơn. Ngoài những lúc nô đùa cùng nhau, tôi chưa từng thấy Công chúa nghịch phá hay bày trò con trẻ. Dường như cuộc nô đùa giữa những đứa trẻ cùng tuổi là thứ duy nhất vun dưỡng tuổi thơ của nàng. Ở đó chúng tôi không phân sang hèn trai gái, một lòng xem nhau là bạn.

Công chúa thường gọi tên khi nhác thấy chúng tôi xuất hiện. Nàng gọi Cảnh, gọi Tần, gọi Bất Cập, gọi Thiêm, gọi tôi. Nghe chúng tôi dài giọng đáp "vâng", nàng lại cười khúc khích. Ấy không phải nụ cười của một Công chúa đang đứng bên bờ vực triều đại. Đó chính là vỏ bọc đầu tiên nàng dày công đan lát cho mình.

Rồi qua mấy năm sau, Công chúa cởi hoàng bào, trút phượng bào, để nụ cười dần rơi theo từng tấm áo một. Nàng thường đón người bạn tên Cảnh, bấy giờ đã là chồng, bằng cái cong môi dịu dàng hờ hững. Nụ cười ấy mới thật là của người bề trên. Vẻ như bao dung, vẻ như nhìn thấu, vẻ như khoáng đạt với sự đời, nhưng chẳng ai rõ lòng Công chúa nông sâu. Kể cả tôi, kể cả Cảnh, kể cả người nàng từng gọi là mẫu hậu.

Người ngoài thường bảo Công chúa trưởng thành sau biến loạn chuyển giao, nhưng trong trí nhớ của tôi, với chính trị thời cuộc, nàng chưa bao giờ là con trẻ. Ấy cũng chẳng thấm thía! Ngồi trên ngai mà dưới chân là đống hoang tàn từ thời cha ông, dù nàng có lòng trung hưng cũng phải ngậm ngùi bỏ cuộc.

Nhưng tôi thừa biết, Công chúa đã nhận hết lỗi về mình. Trong khi lúc bị họ Trần ép phải nhường ngôi cho con, ngài Huệ Tông đã bảo nàng không có tội. Nỗi thẹn nhục với tổ tiên vì đánh mất cơ đồ hãy để ông gánh lấy. Nguyện vọng duy nhất của ông bấy giờ là hai nàng lớn lên trong yên ấm, sống hạnh phúc cho đến kỳ nhắm mắt xuôi tay.

Ngài Huệ Tông mất, tuy Công chúa còn đó nhưng ai cũng rõ nàng không sống vì nàng. Một người sống vì mình sẽ không vùi đầu trong quá khứ và khổ đau, ngấm ngầm họp binh bằng mọi giá, dẫn đến án chôn sống tôn thất họ Lý ở xã Hoa Lâm vào năm Nhâm Thìn. Nàng thuận thảo với chồng, với họ Trần, với những cặp mắt ngoài hậu cung chỉ để che giấu âm mưu lật đổ. Song những điều nàng gầy dựng kia, chỉ trong một sớm một chiều đã sụp đổ dưới tay người cậu là Trần Thủ Độ.

Cùng năm, tức năm Thiên Ứng Chính Bình thứ hai, Công chúa hạ sinh Thái tử Trần Trịnh. Công chúa thuở ấy còn chưa đầy mười lăm, sức khoẻ quá kém, lại thêm sự vụ ở Hoa Lâm khiến Thái tử sinh non ít ngày. Hai ngày sau khi chào đời và được sắc phong, Thái tử hoăng. Công chúa vừa con vừa vạch trần với Hoàng thượng, rằng Trần Trịnh mất là báo ứng của họ Trần, của nghĩa vợ chồng giữa hai người cùng huyết thống.

Duy chỉ ngày hôm đó, Công chúa thực sự xem Thái tử như quân trắng quân đen trên bàn cờ. Nhưng vì người chơi cờ với nàng là số phận chứ không phải họ Trần nên nước nào nàng đi cũng thành sai. Người đau khổ nhất là nàng, không phải ai khác.

Một lúc nào đó trong đời, có lẽ Công chúa đã yêu chồng mình. Thái tử là tình yêu thuần nhất kia, thứ mà chính Công chúa đã phủi đi khi nhường ngôi và khi hay tin họ Trần chôn sống tôn thất nhà Lý. Nhưng cái tình bấy nhiêu năm cận kề, nào phải hạt bụi mà phủi bỏ. Nó là mầm cây, chỉ hiềm mầm cây ấy có gai, mà vì không thể vặt trụi gai nên nàng phải nhổ đến tận gốc rễ.

Từ đó, cả vẻ ung dung Công chúa cũng chẳng buồn bày ra cho chồng xem nữa. Nàng không còn người thân nào kề cận, trơ trọi trong hai lớp bóng tối triều đại và cuộc đời. Những lần hiếm hoi được nàng ôm chầm, nghe nàng nức nở, tôi chẳng biết làm gì ngoài đưa tay vỗ về suông. Thật ra với cả nàng và tôi, thứ tốt nhất bấy giờ có lẽ chỉ là một cái ôm siết. Chúng tôi như nhau, đều không còn người thân kề cận, người ở xa thì không rõ sống chết, vui buồn. Ôm nhau rồi biết đâu nỗi niềm sẽ vơi đi, hoặc trong khoảnh khắc nào đó chúng tôi lại có niềm tin, rằng mình không đơn độc trong nỗi đau của chính mình.

Rõ ràng có được càng nhiều thì trách nhiệm càng nặng, và khi mất đi lại càng đau khổ. Giả như nàng là tôi, không có triều đại hoang tàn, không biết lòng người đa đoan, chỉ có một thân mẫu và một người anh họ, hẳn đau thương đã lui nhiều lắm. Tôi, u tôi và anh họ suy cho cùng chỉ là những chiếc bóng sống vật vờ không rõ nay mai và cũng chẳng cần biết nay mai, nhưng Công chúa thì khác. Nàng còn một triều đại vừa mất. Nàng còn một giang sơn, cơ nghiệp trăm năm của họ Lý đã thành phế tích. Nàng còn cả một hoàng thất họ Trần phải kiêng dè. Nàng còn bị bóng ma của tất cả những gì đã mất, đã qua ám lấy.

Có lẽ tôi là một trong số những chiếc bóng ấy, hoặc chăng, tôi là thứ gợi chúng về. Khi Công chúa đã buông bỏ hẳn, sắp đến Cổ Pháp, nàng để tôi ở lại cho chị mình. Kỳ thực nếu có cơ hội, tôi không muốn Công chúa mang chút đau thương nào theo.

Ngày xe ngựa của nàng lăn bánh rời khỏi Hoàng thành, trời sầm sập đổ mưa. Ngày Hậu khoác phượng bào của em mình mưa cũng to như thế. Nước cờ của họ Trần tạo phúc cho chính họ, nên với họ mưa là ân huệ. Còn với hai vị hoàng nữ họ Lý năm nào, mưa, vả chăng chỉ là tiếng trời mai mỉa mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro