Night.4. Việt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếp tục là một bài reup :))) Bài này mình viết từ tháng 12 năm ngoái, còn tranh thì mới gần đây thôi. Đến giờ thì design Việt Nam của mình vẫn không có thay đổi gì nhiều lắm.
———————————————

Khi xây dựng nhân vật Việt Nam, mình đã suy nghĩ rất nhiều, và phải thừa nhận mình sẽ không bao giờ có thể miêu tả Việt Nam trong suy nghĩ của mình một cách trọn vẹn nhất, và thậm chí là trong tưởng tượng thì mình cũng chưa bao giờ có thể hình dung Việt Nam của mình một cách trọn vẹn.

  Mình đã từng nói, các CountryHuman là tập hợp ý thức hệ của người dân ở nước đó. Vậy nên CountryHuman là các tạo vật phức tạp nhất thế gian.
  Có bạn khi nghĩ về CH Việt Nam sẽ cho rằng đó là một người yếu đuối và hay bị bắt nạt, có bạn thì lại cho rằng CH Việt Nam là một người mạnh mẽ và giỏi chiến đấu. Có người thích một Việt Nam nhỏ bé, hiền lành, luôn vui vẻ. Có người lại thích Việt Nam ngầu, nghiêm túc và cục súc.

Mình thì chẳng ủng hộ ý kiến nào, và cũng chẳng phản đối ý kiến nào cả.
  Với mình thì mọi thứ phức tạp hơn thế. Chẳng có đúng sai, cũng chẳng có gì là tuyệt đối, không có trắng đen, chỉ có một màu xám. Với mình thì Việt Nam là một màu xám.

Mình chưa bao giờ muốn biến Việt Nam thành một người hoàn hảo. Mình cũng chưa bao giờ cho rằng Việt Nam là người tốt đẹp thuần khiết. Anh ta có ưu điểm và nhược điểm, có tính tốt và tính xấu, anh ta không độc ác nhưng cũng chẳng có lòng vị tha như Phật.

  Với mình, thứ đầu tiên khi nói đến CountryHuman là tính ích kỉ. Bất cứ việc gì họ làm, bất cứ điều gì họ suy nghĩ đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, tất nhiên là thế. Chúng ta không thể yêu hết cả 9 tỉ người trên thế giới, vậy nên chúng ta phải lựa chọn yêu một số người và bỏ qua những người còn lại, trong trường hợp này thì đó là những người cùng chung một dòng máu với chúng ta. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Anh ta hoàn toàn có thể xâm phạm lợi ích kẻ khác để phục vụ lợi ích của chính mình. Tất nhiên Việt Nam không phải kẻ tùy tiện, anh ta vẫn có lòng tốt vừa đủ để không làm hại những người khác một cách tiết chế nhất có thể (chứ anh ta không tốt đến mức đi lo chuyện bao đồng như kiểu bênh vực kẻ yếu hay gì đó). So với việc tranh giành quyền lợi với kẻ khác, anh ta thích giải quyết theo hướng đôi bên cùng có lợi hơn. Tuy nhiên vẫn luôn có một số lợi ích mà các quốc gia không bao giờ có thể chia sẻ với nhau, và Việt Nam luôn có một số điểm mấu chốt không thể chạm tới như thế.

  Những cường quốc luôn phải suy tính để giữ vững vị thế cường quốc, còn những nước nhỏ hơn thì lại càng phải suy tính để có thể phát triển giữa sức ép của các nước lớn. Tất cả mọi người đều phải tính toán, tất cả mọi thứ đều có thể đặt lên bàn cân. Nhưng cường quốc thì có nhiều lựa chọn hơn và nhiều cơ hội hơn, còn nước nhỏ thì không.
  Việt Nam không phải là một cường quốc, cái này phải thừa nhận. Vậy nên mỗi đường đi nước bước của anh ta phải tính toán một cách cực kì tỉ mỉ, vì chỉ một bước sai là cả vạn kiếp bất phục. Về vấn đề này, mình thì không cho rằng tính toán chi li là xấu, nhất là khi liên quan đến mệnh hệ dân tộc.

  So với việc khắc họa nội tâm thì miêu tả tính cách bên ngoài có lẽ sẽ thống nhất hơn. Nên vẽ Việt Nam mang bộ mặt thế nào? Lầm lì ít nói? Lạc quan yêu đời? Hay nói hay cười? Hay ngại ngùng xấu hổ?

  Suy đi tính lại thì mình cảm thấy bộ mặt cao ngạo hay lạnh lùng ít nói là ngu ngốc nhất. Việt Nam không phải loại người đi mặt nặng mày nhẹ với người khác. Mà kể cả nếu tính cách anh ta có lạnh nhạt thật thì anh ta cũng đang không ở cái vị thế có thể thể hiện cái cá tính lạnh lùng đó. Nói chung bộ mặt nào cũng ổn, hay nhiều mặt cũng ổn, chỉ trừ cái đó ra.

  Anh ta nên cười, cười thật nhiều. Mình nghĩ thế.

  Người Việt Nam rất coi trọng mặt mũi, và cũng rất hiếu khách. Họ luôn nở nụ cười niềm nở và có thể cười ở cả những tình huống không có tính chất gây cười. Mình không nhớ lắm nhưng trong bảng xếp hạng người dân cười nhiều nhất thì Việt Nam cũng xếp hạng khá cao đấy. Chúng ta chưa chắc đã hạnh phúc nhất, nhưng chắc chắn là chúng ta cười rất nhiều. Không phải là giả tạo gì, chẳng qua là thói quen mà thôi.
  Những nhà lãnh đạo của chúng ta cũng cười rất nhiều, dù là đang đối mặt với kẻ thù nguy hiểm nhất.
  Vậy nên CH Việt Nam cũng sẽ chẳng tiếc gì dăm ba nụ cười, dù là trong bất cứ trường hợp nào thì nụ cười của anh ta là thứ bất biến, thì không ai lại đi đánh vào mặt kẻ đang cười cả đúng không. Cười đến một lúc nào đó thì đến cả những người ngay cạnh anh ta cũng không thể đọc ra hàm ý trong nụ cười đó nữa, không ai đoán được anh ta suy nghĩ gì, định làm gì nữa. Nói tóm lại là một kẻ khó đoán.

  Theo mình thì tính cách xuyên suốt của Việt Nam là dẻo dai. Nghĩa là dùng những phương thức mềm dẻo để phục vụ mục đích cứng rắn. Cái này thì chắc ai chăm để ý lịch sử với các sự kiện của quốc gia nói chung đều thấy rồi, nên mình không nói lại nữa. Nếu vẫn thắc mắc, thì cứ nhớ lại cách mà chúng ta giải quyết vấn đề ở biển Đông là đủ hiểu.

  Cái nữa là Việt Nam sẽ không thể hiện thái độ quá cực đoan với bất cứ ai, trừ một số ít trường hợp, theo hướng tiêu cực là với Trung Quốc (mà theo mình nghĩ cái này nhất thiết cần thay đổi), theo hướng tích cực là với Cuba (vì chúng ta gần như trung lập với mọi tình hình trên thế giới, trừ Cuba).
  Ngay cả với Pháp và Mĩ, hai kẻ xâm lược ngay ở thế kỉ trước, chúng ta vẫn chào đón họ một cách nồng nhiệt, như cái cách dân Việt Nam vẫy cờ chào đón Obama. Nhiều người nghĩ rằng dân Việt Nam là những kẻ rộng lượng, nhiều người lại cho rằng chúng ta đã lãng quên quá khứ quá nhanh. Thực tế thì ngay từ hồi còn kháng chiến, chúng ta đã luôn được tuyên truyền rằng hãy ghét kẻ cầm quyền, đừng ghét người dân ở quốc gia đó. Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta cũng đã làm công tác tư tưởng rất nhiều để khiến người dân mở lòng với nước Mĩ. Đó không phải sự ngẫu nhiên, mà là cả một sự tính toán cho tương lai lâu dài.
  Ngay cả Bác Hồ cùng từng nói chúng ta không thể trở mặt hoàn toàn với Mĩ, sau khi kết thúc chiến tranh thì phải hòa giải với họ ngay. Ương ngạnh với kẻ mạnh là một sự ngu ngốc. Trong suốt 2000 năm bang giao với cường quốc vĩ đại như Trung Hoa chúng ta đã học được điều này. Sau mỗi lần kháng chiến thành công, chúng ta lại cống nạp và xin tước. Vua Quang Trung đại phá quân Thanh nhưng sau đó vẫn cống tượng vàng. Nếu ai đó cho là hèn nhát cũng được, nhưng với Việt Nam, anh ta hiểu rất rõ giá trị của chiến tranh và hòa bình, nên anh ta sẽ dùng mọi cách để duy trì sự hòa hảo đó, dù có thật tâm hay không (thường thì là không thật tâm =]]]]).

Nếu Việt Nam có tỏ ra yếu thế, thì mình cho là có hai lí do:

Thứ nhất là tâm lí chê bai và tự nhục. Không cần nói thêm nữa, một số người Việt rất bất công với chính đất nước mình. Với họ Việt Nam lúc nào cũng bất công và yếu kém.

Thứ hai là chính bản thân Việt Nam cũng không muốn phô trương lực lượng. Với anh ta thì việc đóng vai kẻ yếu sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn là cứ cố gồng tỏ ra mạnh mẽ.

  Cái cuối mà mình muốn nhắc đến, là đừng bao giờ nghĩ Việt Nam chỉ biết xử lí mọi việc bằng vũ lực. Anh ta khôn ngoan hơn thế nhiều. Anh ta có thể là một chiến binh mạnh mẽ, nhưng anh ta cũng là một nhà ngoại giao kiệt xuất. Nếu là chuyện ngoại giao có thể giải quyết được, thì không việc gì phải chiến đấu cả. Năm xưa có Nguyễn Trãi cầm bút đánh giặc, thì thời hiện đại chúng ta cũng đẩy lui 20 vạn quân Tưởng mà không mất một viên đạn. Thời xa xưa thì không chắc, nhưng ở hiện tại thì Việt Nam không phải kẻ hiếu chiến, chắc chắn là vậy.

  Đó là một vài nét chung chung trong cảm nhận của mình về Việt Nam. Việt Nam như một chiếc lăng kính vạn hoa, và mình cũng không nhìn ra đâu mới là bản chất thật của anh ta. Có điều dù là tốt hay xấu, thì đây vẫn là Việt Nam duy nhất mà mình yêu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro