Phần X.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong phần này, Socrates quay lại đề tài thi ca, và mô phỏng tổng quát. Ông đặt câu hỏi, thế nào là nghệ thuật mô phỏng? Lấy ví dụ chẳng hạn chiếc giường hoặc chiếc bàn. Ta có: (1) hình trạng hoặc nguyên mẫu của chiếc giường thần linh sáng tạo; (2) chiếc giường thợ mộc làm thành; (3) chiếc giường họa sĩ miêu tả, chiếc này mô phỏng chiếc thứ hai, chiếc thứ hai lại mô phỏng chiếc thứ nhất. Theo cung cách tương tự, thi sĩ mô phỏng, không phải hình trạng, thực thể duy nhất, mà chỉ là hiện tượng trong đời sống thường nhật, và ý kiến phổ biến trong đám người ít học. Hoặc để ý sự thể sau đây. Mọi vật dụng, chẳng hạn bộ cương ngựa, hình thành là do ba nghệ thuật tách biệt: nghệ thuật dạy cách sử dụng, nghệ thuật dạy cách sáng tạo, nghệ thuật dạy cách mô phỏng. Người sử dụng chỉ sở đắc hiểu biết tinh tường với vật dụng, bảo người làm cách làm vật dụng; bởi thế người làm sở đắc ý kiến chính xác. Trái lại, không thể nói người mô phỏng sở đắc hiểu biết tinh tường hoặc ý kiến chính xác, mà chỉ có khái niệm mơ hồ về vật dụng người đó mô phỏng. Hơn thế, nghệ thuật mô phỏng nhắm vào phần nào của tâm trí? Chắc chắn không phải phần duy lý, phần cao cả hơn hết trong bản tính con người, nhưng là phần thấp kém, luôn luôn do áp lực của bất hạnh, sẵn sàng nhượng bộ, thay đổi và lo âu, và vì thế đổi lại là phần cung ứng địa bàn rộng rãi cho việc mô phỏng. Vì thái độ thầm lặng, nghiêm túc không lôi cuốn thi sĩ mô phỏng, và sẽ không đền bù xứng đáng công sức mô phỏng, hoặc sẽ được thưởng thức bởi số người thi sĩ thường quen chú tâm giãi bày. Nhưng tệ hại hơn hết là thi ca làm nhụt trí, mềm lòng do dẫn dắt ta bày tỏ cảm tình quá ư sâu sắc với đau khổ của người khác, do vậy đẩy đưa ta tới chỗ bất lực không đủ sức chống đỡ hay chịu đựng phiền muộn của chính ta. Bởi thế ta buộc lòng phải quy định nguyên tắc, mặc dù không muốn tí nào, chỉ có ca khúc vinh danh thần linh, tán ca đề cao vĩ nhân và việc làm cao cả được chấp nhận cho vào thành quốc hoàn hảo. Bởi lẽ muốn trở thành người tử tế không phải dễ dàng. Cái gì chống đối, ngăn chặn ta tiến bộ về đạo đức phải tránh né hết sức thận trọng.

Đề tài kết thúc, Socrates quay sang bàn luận phần thưởng đạo đức mang lại, phần thưởng được đề cao vô tận. Khi đưa ra nhận thức linh hồn bất tử, ông kèm thêm phần giải thích ngắn ngủi. Mọi thứ ở đời đều có tật xấu hoặc nét xấu đặc biệt đính kèm, do tật xấu, nét xấu đó, và chỉ tật xấu, nét xấu đó thôi, thứ đó có thể bị hủy hoại. Chứng mù hủy hoại thị giác, nấm mốc hủy hoại lúa mì, chứng mục hủy hoại ván gỗ. Nét xấu đặc biệt gắn liền với linh hồn là bất công, vô độ, hèn nhát, u mê. Mấy thứ vừa kể có thể tiêu hủy linh hồn không? Không, chắc chắn không. Vì mấy thứ đó không thể tiêu hủy linh hồn tức khắc, như chứng bệnh tiêu hủy thân thể. Dẫu có thể, song mấy thứ đó tiêu hủy linh hồn qua trung gian, người này chết là do người khác gây nên; sự thể hoàn toàn khác hẳn. Trái lại, nếu nét xấu không thể, không cái gì có thể tiêu hủy linh hồn; bởi thế linh hồn bất tử. Bây giờ, sau khi thuyết phục bản thân công bình chính trực là phần thưởng quý giá, ta nên giải thích vinh dự và phần thưởng thần linh và con người ban cho người công bình chính trực. Bởi ta thầm hiểu người đó được thần linh yêu thương, mọi phần thưởng thần linh đều dành cho người đó, ngay cả khi phần thưởng hình như hết sức trái ngược. Dẫu vậy con người vẫn yêu quý và kính trọng người đó, đến khi, nếu không phải trước khi, người đó chấm dứt cuộc đời. Tuy nhiên, phần thưởng đó chẳng là gì khi so với phần thưởng sau khi vĩnh biệt cõi thế đang chờ đợi người đó. Muốn tô thắm điều này Socrates kể cho mọi người tham dự hay huyền thoại Er, con ông Armenius. Huyền thoại kết thúc cuộc đàm đạo.

Toronto, tháng 10/2010 ĐỖ KHÁNH HOAN

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro