Đoạn 4: Trên thế gian, có một người

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mang theo Quỳnh Trân trên con chiến mã quen thuộc của mình, Khánh Dư lao thẳng về phía Đông, không rõ hắn muốn đi đâu, chỉ là trong đêm tối, hắn cố gắng đi theo ánh sáng le lói của mặt trời. Chỉ cần mang nàng đi thật xa khỏi "nhà giam" mang tên hoàng cung. Hắn chỉ muốn như vậy.

"Dừng lại đi."

Quỳnh Trân bấy giờ như mới bừng tỉnh. Nàng ngồi trong lòng hắn trên yên ngựa, gió lạnh xộc vào lồng ngực. Hóa ra đây không phải giấc mơ. Hắn thực sự đã đến và mang nàng đi. Ấy thế mà nàng tưởng vì mình sắp phát điên nên mới tưởng tượng ra như thế.

Khánh Dư không dừng lại, hắn đưa nàng đến một căn nhà nhỏ nằm cách thành Thăng Long không xa. Bên trong căn nhà mờ tối, hắn dắt tay nàng cận thận ngồi vào cái chõng tre cạnh cửa sổ.

"Đây là nơi ta thường trốn phụ thân mỗi lần người nổi giận. Ngôi nhà này là của một người bạn cũ, tiếc là cậu ta đã bỏ mạng trên chiến trường. Từ khi phụ thân qua đời, đã rất lâu rồi ta không trở lại đây. Ta sẽ dọn dẹp một chút. Quỳnh Trân, nàng cố gắng chịu khổ một chút."

"Bây giờ có phải chúng ta đã trở thành hai kẻ tội đồ gian díu với nhau không?"

Khánh Dư đứng lặng cả người khi nghe Quỳnh Trân thốt ra câu nói tàn nhẫn đó. Nhưng nàng nói đúng. Vào giây phút hắn liều mình mang nàng đi, trong mắt người đời, hai người họ đã trở thành tội đồ. Người ta sẽ chẳng nhớ đến mối tình của họ, người ta sẽ chỉ nhớ đến tội lỗi của họ.

"Tại sao lại đến nông nỗi này? Nhẽ ra chú không nên xuất hiện nữa... Xin chú..."

Trong bóng tối, nàng bật khóc nức nở. Hắn chầm chậm đến bên nàng, ôm lấy nàng, vỗ nhịp nhàng vào lưng nàng, dỗ dành nàng.

"Nghe ta, đi cùng ta, được không?"

Nàng biết, dù nàng lựa chọn ở lại hay bỏ trốn, thì đối với nàng đều không thể an yên sống hết quãng đời còn lại. Nàng đã dối lòng rằng có thể nhắm mắt đưa chân vào phủ Hưng Đạo vương làm người con dâu thảo, người vợ hiền. Nhưng rồi nàng lại không nỡ bỏ chiếc đèn lồng của hắn. Khi nhìn thấy hắn phá cửa xông vào, trái tim nàng lại đập rộn ràng hân hoan. Ngay cả khi đang ngồi ở đây, sau khi bỏ trốn khỏi lễ cưới, nàng vẫn thấy niềm vui và thứ tình yêu nồng nhiệt đang chảy trong lồng ngực mình. Trái tim nàng không nghe theo lý trí của nàng.

Nàng biết vì sao. Vì khi ở cạnh hắn nàng cảm thấy niềm hạnh phúc của một cô thiếu nữ đang yêu, nhưng cũng là khi ở cạnh hắn, nàng thấy cắn rứt như một kẻ tội đồ.

Hắn mạnh như một con ngựa hoang vùng Tứ Mang, cũng khéo léo uyển chuyển như một kình ngư trên biển cả. Hắn không vồ vập nhưng đủ cuồng nhiệt, cuốn lấy nàng vào một cơn mê đắm. Quỳnh Trân thả trôi mình, đóng tâm trí lại và chầm chậm hòa chung một nhịp thở với hắn. Hai đôi môi nồng ấm, lẫn vào đâu đó vị mặn chát của nước mắt, quyện vào nhau, siết chặt nhau, tìm đến nhau.

Hai con người, không một ánh nến, không một ánh đèn, nhưng lại như biết tường tận từng chút một trên cơ thể đối phương, dịu dàng ôm lấy nhau, quấn quýt như con sóng nhỏ vỗ vào bờ cát. Khánh Dư xem nàng như một tia sáng mong manh, nâng niu cẩn thận trong lòng, không dám sỗ sàng dù chỉ một giây. Mỗi cử chỉ, mỗi cái chạm đều tràn ngập dịu dàng, tình ý. Vì hắn sợ, ánh nắng trong vườn ngự uyển của hắn bị dập tắt, bị vẩn đục.

Ở đây, nơi không phải là đệm nhung, chăn gấm, không phải là lầu son gác tía. Chỉ là một căn nhà tranh vách đất với chiếc giường cũ thi thoảng còn kêu ọp ẹp. Ở đây, hoàn toàn không phải là giấc mơ của nàng, càng không phải là nơi một cành vàng lá ngọc như nàng có thể mê đắm. Ấy thế mà, cả hắn và nàng đều say trong men tình đến quên trời quên đất.

Vậy là cuối cùng, người nàng yêu, người hắn thương, chân thành tìm đến nhau, chân thành trao cho nhau một đoạn ái tình ngắn ngủi mà đậm sâu.

Sáng sớm, khi mặt trời vừa lên khỏi mặt sông, Khánh Dư trở mình thức giấc, chỗ nằm bên cạnh đã lạnh tanh. Hắn khoác vội tấm áo lên người chạy ra bên ngoài. Con ngựa đã biến mất, nó đã mang theo Quỳnh Trân và biến mất. Vậy là nàng đã rời đi. Sau đêm qua, nàng vẫn quyết định rời đi. Ấy thế mà hắn tưởng, cả hai đã quyết định rời bỏ Thăng Long vĩnh viễn.

Quỳnh Trân cưỡi ngựa, con ngựa của Khánh Dư đối với nàng cũng coi như quen thuộc. Trên thế gian cũng chỉ có nàng mới cưỡi được nó ngoài hắn. Hắn đã để nàng cưỡi con chiến mã của mình không biết bao nhiêu lần. Nay con chiến mã không hề hay biết rằng, nó đang mang người con gái mà chủ nhân nó yêu thương ngày một rời xa.

"Em xin lỗi. Chàng đừng bao giờ quay lại nơi ấy nữa. Nếu không chàng sẽ chết mất."

Nàng khóc và đặt lên môi hắn nụ hôn cuối cùng. Trong khi hắn vẫn còn say giấc, nàng đã trộm con ngựa và quay trở lại kinh thành. Nàng về để chịu tội với cha, với mẹ.

Ở kinh thành, đã nhiều canh giờ trôi qua, không ai tìm được Khánh Dư và Quỳnh Trân. Chuyện cũng đã đến tai Hưng Đạo vương, ông ngay lập tức đi vào điện Quan Triều. Quan gia rơi vào tình huống khó xử. Trần Khâm ở bên cạnh cũng chỉ dám nói đỡ vài lời cho chị gái:

"Vương gia, người cũng biết chị Quỳnh Trân không phải là người có thể làm ra chuyện bại hoại thanh danh. Nhất định là Nhân Huệ vương lại làm càn."

Nói là vậy nhưng Khâm cũng thừa hiểu, chuyện đến đây thì có lẽ chẳng còn cái lễ thành hôn nào nữa. Cậu thấy hối hận vì đã nói mình sẽ chúc phúc cho chị gái dù chị ấy có gả cho Trần Khánh Dư. Khâm cho rằng nhẽ ra cậu nên dập tắt mọi hy vọng của Khánh Dư mới đúng, ấy vậy mà chỉ vì yếu lòng, thương cho hắn, thương cho chị mình mà lại vô tình khích lệ "kẻ điên" như Khánh Dư.

Mọi chuyện vẫn đang rối tung lên, tin đồn lan rộng khắp hoàng cung, thì bất ngờ nội thị cấp báo Quỳnh Trân cưỡi ngựa trở về. Nàng đến cung Quan Triều quỳ xuống ngay trước cửa điện. Đám cung nữ, nội thị tò mò đứng vây cả lại rì rầm sau lưng nàng.

Quan gia tức giận, không cho phép Quỳnh Trân đặt chân vào điện Quan Triều nửa bước. Nàng cứ thế mà quỳ ở cửa điện. Quốc Nghiễn chạy vào cung, nhìn thấy nàng đang quỳ, hắn lòng như lửa đốt lao tới nắm chặt vai nàng. Đôi mắt Quốc Nghiễn đỏ ngầu, cơ mặt hắn căng hết cả ra. Hắn hỏi nàng:

"Hai người đã xảy ra chuyện gì? Trần Khánh Dư, hắn bắt cóc công chúa phải không? Hắn đâu? Hắn đâu?"

Quỳnh Trân bị cơn phẫn nộ của Quốc Nghiễn siết chặt, nhưng nàng không run sợ chút nào.

"Không. Là ta tự nguyện đi theo chú ấy. Không có bắt cóc nào cả."

Mặt Quốc Nghiễn trắng bệch ra, méo xệch đi, nét đau đớn hiện lên trong mắt hắn. Nàng biết làm như vậy sẽ khiến Quốc Nghiễn tổn thương, nhưng không còn cách nào khác, nàng vẫn lựa chọn bảo vệ Khánh Dư. Đây là điều duy nhất nàng có thể làm sau khi bỏ rơi hắn.

Mẫu hậu đã đến, nhưng người không thèm nhìn Quỳnh Trân lấy một cái, người đi thẳng vào cung Quan Triều. Bên trong quan gia, Hưng Đạo vương, và cả Quốc Nghiễn đều đang có mặt. Sự tình rối rắm, không khí căng thẳng. Việc gian díu của Quỳnh Trân và Khánh Dư đã rõ như ban ngày. Nay Quỳnh Trân lại nhất quyết khẳng định mình tự nguyện, và muốn chịu trừng phạt thay cho Khánh Dư. Quan gia và hoàng hậu không thể nói nên lời.

"Thật là xấu hổ, thật là bẽ bàng con ơi!"

Hoàng hậu thốt lên trong đau khổ. Quỳnh Trân nhỏ nước mắt.

Hưng Đạo vương nhất quyết hủy hôn, không chỉ vậy, ông còn muốn lôi cổ tên Trần Khánh Dư về chịu tội. Nhưng không cần đến cấm vệ quân của triều đình, Khánh Dư đã tự mình quay trở về.

Quỳnh Trân cho rằng hắn không có ngựa thì khó lòng mà đi một khoảng cách xa như vậy trở về kinh thành trong nửa ngày. Nàng chỉ cần hắn không quay về, chỉ cần khiến phụ hoàng và Hưng Đạo vương ban cho nàng hình phạt. Nhưng hắn là ai cơ chứ? Khánh Dư từ chỗ căn nhà cũ đi ra bờ sông. Vào giờ Dần, có một tay lái buôn mà hắn quen ngày nào cũng đi qua khúc sông này, chở theo rất nhiều cây trái từ vùng núi phía trên, dọc theo bờ Kim Giang vào ven thành Thăng Long. Hắn chỉ mất hơn một canh giờ đã về đến Thăng Long. Sau đó chọn một con ngựa ở chợ rồi lao thẳng về phía hoàng thành.

Hắn vừa xuất hiện đã bị cấm vệ quân hô hoán nhau vây chặt. Khánh Dư bị dẫn tới thẳng trước điện Thiên An. Hắn thân là vương gia, lại làm ra chuyện đại nghịch bất đạo, làm xấu hổ thay cho tất cả cánh đàn ông trong vương thất, ai nấy đều nhìn hắn coi thường, căn hận. Đâu đó vài người khác thì lặng lẽ tội nghiệp cho một mối tình ngang trái.

Trước mặt tất cả vương gia tông thất, Khánh Dư bị trói chặt trên chiếc ghế dài, hai tên lính được điều đến từ Thẩm hình viện dùng hai cái gậy thi hành hai trăm roi hình phạt lên người hắn. Hắn nằm đó môi vẫn nở nụ cười, dù đau đớn đến mức miệng thổ huyết hắn cũng không bỏ được cái vẻ mặt tự cao tự đại của mình. Đến cuối cùng hắn cũng ngất lịm đi, nửa thân người dưới bị đánh đến mức gần như tàn phế. Những người hiếu kỳ cũng chỉ dám đứng xem một chút, hiếm có ai có thể đứng nhìn cảnh đáng sợ đó đến cuối cùng. Ai nấy đều chắc mẩm phen này hắn chết chắc rồi. Không thì cũng thành một phế nhân, thân tàn ma dại.

Sau trận đòn, hắn không chết, người ta cảm thán: "Quả là có thiên mệnh soi sáng." Nhưng ấy là thiên hạ không ai biết rằng chính quan gia lại là người âm thầm tha cho Khánh Dư một mạng. Vua không nỡ nhìn hắn bị đánh chết, vua tiếc cái tài và cái đầu đầy "sạn" kỳ dị của hắn. Thế là quan gia bí mật lệnh cho hai kẻ thi hành án đánh chúc đầu gậy xuống, giảm đi cho Khánh Dư phần nào đau đớn cũng như tổn thương.

Cuối cùng hắn thoát chết. Hắn bệnh nặng, thập tử nhất sinh. Hắn nằm liệt giường hơn một tháng trời.

Vậy là từ nay không còn ai là Nhân Huệ vương tồn tại nữa, không còn Thiên tử nghĩa nam nào, chỉ còn lại hắn, kẻ tên Trần Khánh Dư, bị tước hết binh quyền, tiền bạc, của cải. Người nhà hắn, hai tỳ thiếp của cha hắn cũng ném hắn ra ngoài. Hắn được mấy người bạn trong phường buôn cưu mang trong lúc ốm đau nhất.

Quỳnh Trân từ buổi quỳ trước điện Quan Triều đến nay vẫn luôn bị giam lỏng trong phòng. Ngày đó nghe tin hắn trở lại kinh thành nàng đã khóc cạn nước mắt. Nàng sợ quan gia sẽ đánh chết hắn. Nàng biết hình phạt đó đáng sợ đến thế nào. Nhưng mẫu hậu cho người khóa trái cửa, dù gào khóc van xin người thế nào người cũng không mủi lòng.

Ba ngày sau Quỳnh Trân bị vua cha và mẫu hậu đưa về hành cung ở Tức Mặc - Thiên Trường. Đã ba ngày trôi qua, lòng nàng vẫn như lửa đốt, không một ai nhắc về hắn với nàng, nàng cũng không biết làm cách nào để nghe được tin tức về Khánh Dư. Hắn còn sống hay đã chết, còn ở Thăng Long hay cũng bị đuổi đi một chốn xa xôi nào đó? Nàng ngồi trên thuyền chuẩn bị xuôi dòng về Tức Mặc, trái tim vẫn đau nhói không ngừng.

Một chiếc thuyền thương nhân bán vải không may va vào đuôi thuyền nàng. Nàng không được phép đánh trống khua chiêng nên chẳng ai biết thuyền nàng là thuyền công chúa, vì thế những tay lái buôn đâu sợ hãi gì, họ cau có muốn cãi nhau tay đôi xem thuyền nào mới là người có lỗi trong vụ va chạm. Trong khi hai bên đang cự cãi quyết liệt, một cô bé chừng tám tuổi từ thuyền bên cạnh bám vào mạn thuyền rướn người ra nhìn nàng chằm chằm. Cô bé mỉm cười rút ra một cây sáo ngọc chìa ra cho nàng.

Trong khoảnh khắc nhận ra cây sáo đó, nàng bật khóc, nước mắt tuôn rơi không ngừng, nàng gần như không nghe được tiếng khóc của chính mình nữa. Chỉ có cô bé tám tuổi thoáng bối rối và sợ hãi khi thấy nàng khóc. Nàng đón lấy cây sáo ngọc, bàn tay run run. Nàng nhớ hắn từng nói rằng: "Cái này ta đã định, chỉ tặng cho người ta trân quý nhất."

"Người đó còn sống không?"

Cô bé ngây thơ cười nói:

"Có một vị tiên sinh bị bệnh nặng trong thuyền của nhà ta. Ngài ấy nhờ ta đưa cho cô gái mặc áo gấm xanh lam trên thuyền. Người là cô nương đó đúng không?"

Gió lạnh thổi qua, gương mặt đẫm nước mắt của nàng lạnh buốt. Nàng gật đầu với cô bé. Cô bé nở nụ cười hồn nhiên.

"Chị đừng khóc, tiên sinh đó không chết đâu. Cha em bảo như thế."

Nàng lại gật đầu. Nàng không cất nổi một tiếng nào. Thật may, hắn vẫn còn sống. Như vậy là đủ rồi. Bây giờ nàng có phải về Tức Mặc đi tu nàng cũng không oán hận gì nữa.

"Cảm ơn em. Cảm ơn cha của em nữa. Hãy chăm sóc người đó giúp chị nhé."

Nàng nói xong thì rút cây trâm cài bằng vàng duy nhất trên người mình xuống đưa sang cho cô bé. Cô bé bị món đồ bắt mắt làm cho thích thú.

"Chị yên tâm ạ."

Hai chiếc thuyền vô tình như vậy lướt qua nhau, theo hai hướng trái ngược, người lên thượng nguồn, người xuôi về hạ lưu.

Quỳnh Trân nắm cây sáo trong tay nở một nụ cười. Trên thế gian, vẫn còn có một người như hắn tồn tại. Sau tất cả, nàng vẫn cảm thấy hạnh phúc khi nhớ về quãng thời gian mười năm quen biết Khánh Dư. Giờ đây nàng chỉ mong hắn được sống cuộc đời mà hắn muốn, sống một cách bình an là đủ.

Ngồi đến cuối buổi tiệc tàn, Khánh Dư say ngà ngà trong men rượu, hắn cảm thấy khó chịu trong bụng, không biết do rượu hay là do những ký ức đau lòng trong quá khứ bắt đầu tìm đến hắn. Hẳn thở dài mỉm cười lảm nhảm:

"Tám năm trôi qua tựa một cái chớp mắt."

Cứ ngỡ rằng cả đời này cả hai người sẽ chẳng bao giờ gặp lại nữa, nhưng tám năm sau, Khánh Dư đã trở lại. Hắn biết nàng ở Tức Mặc, hắn cũng không đi tìm. Nhưng có lẽ cả hai đều không ngờ rằng trong đại lễ mừng thọ của thượng hoàng ở hành cung, hai người lại chạm mặt nhau.

Tám năm qua, hắn đã già đi rất nhiều, dù vẫn là cái vẻ ngoài ngông nghênh ấy, nhưng hắn như được bọc bởi một lớp bụi dày đặc. Năm tháng đọng lại trên người hắn, làm cho hắn trở nên phong độ hơn. Còn nàng, ở tuổi hai mươi sáu, nàng vẫn là một mỹ nhân động lòng người. Nét u buồn trong mắt nàng khiến hắn tiếc nuối ánh nắng trong vườn ngự uyển của hắn ngày nào.

Hai người không hẹn mà gặp đều rời khỏi buổi lễ mừng thọ của thượng hoàng đi đến bên cây hoa đỗ quyên ở phía cuối giải vũ*. Trái tim cứ ngỡ đã nguội lạnh lại bất ngờ gõ nhịp trở lại trong lồng ngực nàng. Hắn cũng không ngờ sau chừng ấy năm, hắn vẫn còn vương vấn hình bóng nàng đến vậy, đến mức khi nhìn thấy nàng trong đám đông ở lễ mừng thọ, hắn đã nhận ra ngay.

"Loài hoa này trông thật đẹp. Nhưng đẹp một cách u buồn."

Quỳnh Trân thoáng ngạc nhiên, không ngờ người luôn tỏ ra thô thiển, cục mịch như hắn lại cảm thương vẻ đẹp một bông hoa.

"Ta nghe nói chú được phục vị rồi."

"Đúng vậy."

"Chúc mừng chú."

Hắn nhìn nàng, ánh mắt đong đầy, long lanh. Ánh mắt ấy khiến nàng cảm thấy thật khó thở. Tại sao sau chừng ấy năm hắn lại dùng ánh mắt như chứa cả một dòng sông tình ý đó để nhìn nàng?

Nàng sẽ không đời nào để bản thân dẫm vào dấu chân sai lầm lần nào nữa.

Đáp trả ánh mắt hắn, nàng lạnh lẽo.

Một bóng người vụt qua ở cuối hành lang, Quỳnh Trân thoáng giật mình nhìn theo. Biết chẳng thể tiếp tục gặp mặt hắn thêm, nàng gấp gáp muốn trở về phòng. Khánh Dư trong chốc lát sợ rằng nàng sẽ biến mất ngay nên vội nắm chặt tay giữ nàng đứng lại.

"Không thể nói chuyện thêm một chút ư?"

Nàng không để hắn nói thêm câu nào, rút bàn tay đang bị hắn nắm chặt ra quay lưng rời đi.

Quỳnh Trân cứ ngỡ cuộc gặp gỡ thoáng qua đó chẳng có nghĩa lý gì, ấy thế mà trong mắt người đời nó vẫn là một cuộc gian díu không hơn không kém. Giường như chẳng ai quên đi câu chuyện của họ suốt tám năm qua. Nàng bị thượng hoàng gọi đến quở mắng mấy câu. Cũng may quan gia có mặt ở đó nên đỡ lời cho chị gái. Trần Khâm giờ đây đã là một hoàng đế, nhưng đối với chị mình vẫn luôn mang cảm giác có lỗi và đau lòng.

Cuối cùng nàng đưa ra một quyết định, đó là xin thượng hoàng được xuất gia, lập miếu thờ và lập chợ giúp dân nghèo làm ăn. Nàng muốn dành nốt phần đời còn lại của mình để ăn chay niệm phật, cầu phúc cho muôn dân.

Thượng hoàng chẳng có lý do nào để từ chối nàng, mặc cho Trần Khâm can ngăn thế nào, nàng vẫn nhất quyết quy y cửa phật. Chẳng mấy bữa sau đó, Quỳnh Trân âm thầm rời Tức Mặc xuôi về ven dòng sông Văn Úc. Nàng chọn một mảnh đất hẻo lánh và dựng am, đặt tên là Thiên Tịnh Am. Vùng đất của nàng mỗi ngày một đông đúc, dân nghèo tìm đến sinh sống, trồng trọt, lập chợ. Nàng đặt tên là Nghi Dương trang.

Từ khi nàng xuất gia Khánh Dư cũng chuyển hẳn vương phủ trong kinh thành về quê nhà Chí Linh, Hồng lộ. Từ chỗ hắn chỉ cần đi thêm một canh giờ nữa là tới bên dòng sông Văn Úc. Từ bên này hắn đứng trông sang bờ bên kia sông. Nghi Dương trang hiện ra rõ mồn một. Đôi lúc hắn nghĩ không biết liệu có vô tình nhìn thấy bóng dáng nàng ở đâu đó bên kia hay không. Nhưng hắn vẫn chưa tìm thấy dù chỉ một lần.

Khánh Dư tiếp nhận công việc ở Vân Đồn, giữ cảng biển, giữ biên ải, hắn bắt đầu quay trở lại với thói quen chèo thuyền một mình đi loanh quanh trên các nhánh sông. Đương nhiên, hắn làm tướng vẫn không quên cái "thú vui" buôn bán - cái tài mà hắn cho rằng là độc nhất vô nhị ở bản thân và cũng là thứ gió chướng trong thời đại của mình.

Lòng hắn lặng như mặt sông, thong dong vẩy mái chèo, đẩy nước đi ngắm cảnh, đôi khi là uống rượu, đôi khi là mua bán mấy thứ hắn yêu thích. Có lẽ đời này, hắn là một kẻ lạc loài cố chấp, gắng gượng vượt qua những con sóng lớn mang tên thời thế, ngược dòng mà đi. Có lẽ vì hắn ngược dòng mà đi nên mới trở nên đơn độc, lẻ loi. Có lẽ hắn sẽ giống như lời nàng đã nói, trở thành một lão già lập dị, chèo thuyền lênh đênh khắp chốn đó đây...

*giải vũ: dãy nhà phụ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro