Chương 29: Đứa con lai - Phần 1: Tuổi thơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đây là chương truyện được kể theo ngôi thứ nhất, từ góc nhìn và cảm xúc của nhân vật Đăng Duy.

Tôi tên là Phạm Đăng Duy, một đứa con lai Việt - Mỹ bị cha đẻ của mình bỏ rơi khi còn trong bụng mẹ. Sinh tôi được hơn năm tháng thì mẹ đi lấy chồng, chồng của mẹ lại là bạn thời thơ ấu, người mà sau này tôi gọi bằng cha. Trong ký ức của tôi, cha dượng là người rất dịu dàng và ấm áp, ông thương tôi như con đẻ, chưa bao giờ nặng lời với tôi dù chỉ một lần trong suốt những năm tháng sống cùng nhau.

Kể sơ qua về gia thế của mẹ tôi, mẹ tôi là con độc nhất của ông bà ngoại. Cả gia đình ba người sống ở huyện Bình Chánh, người ta gọi nó là vùng ngoại ô của Sài Gòn. Dù sống ở ngoại thành nhưng gia đình mẹ tôi thuộc dạng khá giả, ông bà ngoại tôi bán vàng ở chợ Hưng Long, hồi xưa là cái tiệm vàng lớn nhất khu đó. Nhà ông bà tôi dư giả đến nỗi xây bốn, năm lầu mà chỉ ở có hai tầng. Ông ngoại tôi có thú vui chơi lan, cây kiểng và xây hồ nuôi cá cảnh. Chưa hết, bà ngoại tôi còn thuê cả người giúp việc để mẹ không phải động tay đến việc nhà, mà chỉ lo ăn lo học. Đấy, mẹ tôi chính cống là tiểu thư ngọc ngà, chứ không hề sống cơ cực.

Đáng ra, tôi không biết chuyện mình là con riêng của mẹ đâu, nhưng vì họ hàng sợ tôi không biết bản thân được sinh ra từ một chủng tộc khác, nên được dịp sang chơi, cứ gọi tôi bằng những biệt danh rất mỹ miều như là "thằng Mỹ con", "thằng Tây nhỏ". Cứ hễ thấy ông Tây nào mắt xanh, da trắng đi ngoài đường là họ đều trêu ghẹo đó là cha tôi.

Mẹ tôi kể, lúc lên ba tuổi, da tôi trắng hơn cả mấy bà xài kem trộn, tóc thì vàng hoe và hai má lúc nào cũng ửng hồng. Đối với người lớn thì tôi là một đứa bé kháu khỉnh, xinh đẹp nhưng với bọn trẻ trong xóm, tôi cứ khác lạ làm sao.

Mẹ tôi sau khi cưới chồng, thì hai người quyết định ở Việt Nam sống cùng với ông bà ngoại tôi chứ không qua Mỹ định cư, mặc dù cha dượng tôi là Việt kiều, và đã lấy được quốc tịch xứ cờ hoa. Mẹ tôi không thích nước Mỹ, có lẽ vì còn nỗi oán hận nào đó dành cho cha đẻ của tôi. Thế là hai vợ chồng ở lại cái huyện nhỏ không mấy xô bồ, nơi mà cả hai cùng nhau lớn lên, đi học chung ngõ, đi về chung đường. Dượng tôi mở lớp dạy tiếng Anh gần tiệm vàng của ông bà, mẹ thì ở nhà nội trợ, chăm lo cho tôi.

Nhưng trước đó, mẹ tôi từng là sinh viên đại học Y dược TP HCM, mẹ tôi đích thị là con nhà người ta, chăm ngoan học giỏi, là niềm tự hào của ông bà ngoại. Nhưng rồi tới năm mười chín tuổi, tôi xuất hiện và phá hỏng tương lai được trở thành bác sĩ của mẹ. Mẹ nghỉ học, gác lại ước mơ, tập trung cho sự chào đời của tôi. Khi tôi lớn hơn một chút, mẹ cũng không quay trường học, đơn giản vì mẹ muốn dành nhiều thời gian ở bên cạnh và uốn nắn tôi. Trẻ con thường lớn nhanh lắm, nếu người mẹ không ở cạnh chúng trong những năm tháng đầu đời, dạy dỗ và giúp chúng hoàn thiện tính cách, thì sau này chúng sẽ trở thành những đứa trẻ khó dạy bảo.

Những ngày tháng êm đẹp của đại gia đình năm người, gồm ông bà ngoại, cha mẹ và tôi cứ thế êm đềm trôi qua. Nhà ông bà ngoại tôi khá giả, nên cái ăn cái mặc chưa bao giờ là vấn đề, đặc biệt là ông bà dư sức nuôi nếu mẹ và dượng có sinh thêm ba bốn đứa con nữa. Nhưng chẳng hiểu sao, cho đến lúc ly hôn, mẹ và dượng tôi cũng chẳng sinh một đứa em nào.

Năm tôi lên sáu, cái tuổi mà đáng ra phải vào lớp một thì mẹ tôi lại nhất quyết không cho tôi đến trường. Ông bà khuyên rất nhiều nhưng mẹ đều bỏ ngoài tai, cứ khăng khăng là phải để tôi ở nhà mới an toàn.

Thú thật, từ lúc bé, tôi cũng không được đi học mẫu giáo, mẹ kiêm luôn vị trí cô giáo ở nhà trẻ, trông nom và dạy tôi đọc viết, chứ không để người ngoài chạm vào một sợi tóc của tôi. Mẹ bảo vệ và bao bọc tôi một cách thái quá, khiến ông bà vô cùng bất lực, mẹ thường xuyên tranh cãi với dượng cũng vì chuyện này. Mẹ luôn rào cửa không cho tôi ra ngoài chơi với mấy đứa hàng xóm, lúc nào tôi cũng thèm thuồng nhìn lũ trẻ chơi đùa qua khung cửa sắt. Dượng bảo mẹ làm vậy là đang cướp mất tuổi thơ bình thường của tôi, nhưng mẹ thì khăng khăng cho rằng đó là điều tốt nhất mẹ có thể làm để bảo vệ tôi. Nhưng bảo vệ tôi khỏi cái gì? Khỏi ai? Lúc đó tôi còn rất nhỏ, không hiểu được lý do tại sao mẹ làm vậy, nhưng ông bà và dượng tôi thì có lẽ rõ hơn.

Năm đó tôi lên bảy, vẫn chưa được đến trường, dù vậy tôi đã biết đọc mặt chữ và làm toán cộng trừ. Trong ký ức của một đứa trẻ bảy tuổi, tôi còn nhớ như in cái ngày hôm đó. Ông ngoại chở tôi đi thả diều đến sáu giờ tối mới về, dựng xe trong sân, ông thả tôi đứng xuống một bên. Thì từ trong nhà, dượng kéo cái vali to đùng bước ra, hai mắt dượng đỏ hoe, giọng nói nghèn nghẹn:

- Con xin lỗi ba, con với Trâm không sống với nhau được nữa.

Lúc đó ông ngoại không nói gì, nhưng nét mặt ông buồn lắm, ông vỗ vai dượng, đầu cứ gật gật như thể nói rằng ông hiểu mà.

Sau khi ôm giã từ ông ngoại, dượng bước về phía tôi, rồi nhấc bổng lên, dượng ôm và hôn tôi thắm thiết.

- Con đi Mỹ với cha nha, qua đó cha nuôi con. - Dượng vừa nói vừa khóc rấm rứt.

Mẹ tôi lúc đó cũng từ trong nhà bước ra, giọng mẹ chua chát:

- Anh đâu phải cha nó, lấy quyền gì mà đòi dẫn nó đi.

Dứt lời, mẹ sấn ra giành lấy tôi từ tay dượng, mặt mẹ rất khó chịu.

- Anh đi thì đi một mình, đừng có mang con tôi theo.

- Em giam lỏng con như vậy mà nghĩ là tốt cho nó hả? - Dượng lau nước mắt, bắt đầu đôi co với mẹ.

- Đó là con tôi, bảo vệ nó là trách nhiệm của tôi. Anh đâu có đẻ, anh làm sao hiểu?

- Em đừng có sống trong ám ảnh nữa được không??? - Dượng gần như quát lên.

Tôi được mẹ bồng trên vai, lần đầu tiên thấy mẹ và dượng cãi nhau, tôi sợ đến òa khóc. Mẹ không ngừng vỗ lưng tôi và trấn an không sao đâu.

Thấy tôi khóc, dượng cũng không dám to tiếng hơn nữa, từ từ dượng tháo nhẫn cưới đeo ở ngón áp út ra, đặt lên bàn tay bé nhỏ của tôi. Mẹ thấy cảnh này thì như chết lặng. Dượng không nói thêm gì mà chỉ quay mặt bước đi.

Dượng đi ra tới cổng thì mẹ mới hoàn hồn lại, thả tôi xuống đất rồi chạy theo ôm sau lưng dượng, miệng không ngừng nài nỉ dượng hãy suy nghĩ lại. Lúc đầu hai người cãi nhau, mẹ muốn ly thân và đuổi dượng về Mỹ, đợi cả hai bình tĩnh rồi thì nói chuyện phải trái, nhưng bây giờ, dượng lại muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này.

Trong phút chốc, hình ảnh người cha hiền lành và ấm áp trong lòng tôi bắt đầu tan biến, dượng gỡ tay mẹ ra rồi lạnh lùng kéo vali ra khỏi cổng nhà. Mẹ ngã khụy xuống đất, ôm mặt khóc nức nở. Ông ngoại tôi chỉ biết đứng ngây ra đó, nhìn cuộc hôn nhân của con gái mình đi vào ngõ cụt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro