Chương 69: Chúa tể bá dơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi "À" một tiếng ra vẻ mình hiểu lắm. Rõ ràng rồi, chưa bao giờ tôi nhìn thấy thằng bé này học hành tử tế. Nhớ hồi đầu gặp Sạ còn chơi trò "trộm long tráo phụng", đổi mấy tờ giấy không hiểu vẽ gì bằng những nét chữ đều đặn thẳng tắp khi Long Đĩnh ghé điện Long Lộc. Cũng không trách được, hồi 6 tuổi tôi còn ngồi khóc hu hu vì bài tập đánh vần chữ "ph" quá khó.

Quan điểm của tôi chính là trẻ con dưới 6 tuổi thì không ép học chữ, học chơi vui và học cách làm người. Sạ thân là hoàng tử, hơn thế nữa tính đến thời điểm hiện tại lại là con trai độc nhất của Long Đĩnh nên khó tránh phải gánh vác trọng trách trên vai. Tuổi còn chưa kịp lớn đã vừa phải học chữ vừa phải học cưỡi ngựa bắn cung. Tôi cúi đầu, nước mắt vô thức chảy ra. Long Đĩnh sẽ chẳng còn tại vị được lâu nữa, Sạ lại càng không thể nối ngôi. Chỉ e rằng sau này khi Lý Công Uẩn đăng cơ thì Sạ sẽ lành ít dữ nhiều.

Tuyệt diệt gia tộc và kẻ đồng minh của triều đại cũ bao giờ cũng là điều mà những vị vua mới lên ngôi phải làm. Nếu có trách chỉ có thể trách Long Đĩnh ngày ấy thấy Lý Công Uẩn ôm xác vua Trung Tông khóc không những không giết mà còn khen tận trung(7), ban chức tước như bây giờ. "Người nào đem lại quyền lực cho kẻ khác thì sẽ tự chọn chôn vùi chính mình.(8)"

"Chị làm sao vậy?" - Sạ ngồi xuống, đưa bàn tay trắng nõn lên khẽ lau nước mắt tôi - "Chị đau quá à, ta gọi Thái y sứ nhé?"

Tôi lắc đầu:

"Đam không sao, mà vừa nãy hoàng tử nói có tin vui gì muốn báo cho Đam cơ?"

Sạ cười mỉm:

"Đừng gọi ta là hoàng tử nữa, phụ hoàng đã sắc phong ta làm Khai Phong Vương(9) từ cách đây mấy ngày."

"Cách đây mấy ngày?" - Tôi tròn mắt.

"Phải, điển lễ cũng đã xong rồi. Thật tiếc chị đổ bệnh nên không thể đến dự cùng ta."

"Trời đất ơi! Đam đã ngủ bao lâu rồi?"

"Tính đến hôm nay thì đã là bảy ngày sáu đêm."

Tôi chết tâm.

Tôi thực sự chết tâm!

Tôi đã làm cái gì vậy?

Cái Tết đầu tiên ở Đại Cồ Việt mà nỡ lòng nào để tôi hôn mê bất tỉnh, ngủ triền miên không dứt bảy ngày trời!

Ôi thiên địa thánh thần ơi!

Kế hoạch khám phá văn hoá cổ truyền Việt Nam của tôi coi như đổ sông đổ bể.

Thấy tôi như kẻ mất hồn, bỗng dưng nằm dạng chân dạng cẳng, mắt nhìn trần nhà vô hồn Sạ phá lên cười khanh khách.

"Chị đang tiếc tiền mừng tuổi đó sao?"

Nghe đến tiền tôi quay lại, miệng không tự chủ được mà cười toét:

"Đam có tiền mừng tuổi ư?"

Sạ rút từ ống ay áo rộng thùng thình ra một xâu tiền, kẽ rung nhẹ làm mấy đồng bạc va vào nhau kêu leng keng:

"Tiền mừng tuổi của chị ta đều giữ lại cả. Giáo thụ Trần Uy, An Tường và Lịch Vũ mỗi người đều cho một ít."

Tôi mím môi, cố gắng tỏ ra mình không nề hà tiền bạc lắm nhưng trong bụng lại vui như mở cờ. Ốm có mấy hôm nhận được số tiền bằng lương bổng cả tháng thì coi như trong cái rủi cũng có cái may.

"Muốn cười thì cười đi, sao phải cố nhịn làm gì?" - Giọng nói trầm trầm từ cửa vọng lại, tôi bất tri bất giác thấy lạnh hết sống lưng.

Long Đĩnh bước vào, vẻ mặt dù năm mới hay năm cũ vẫn lạnh như tiền, vẫn khó ở như thể có thù hằn gì với cả dải ngân hà này. Y đặt túi gấm "cộp" một tiếng rất lớn lên bàn, đoạn quay sang bảo tôi:

"Bạc này nàng giữ lấy đi."

Đến lúc này thì tôi không nhịn được, có trăm hoa nở cũng không thể sánh với nụ cười rạng rỡ của tôi khi biết tin Long Đĩnh hào phóng lì xì một túi bạc. Mới đầu năm đầu tháng mở mắt ra mà lộc lá quá. Chắc chắn năm nay tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin rồi.

Tôi dằn tiếng cười hí hí đang phát ra từ đáy lòng, tỏ vẻ biết điều hiểu ý lễ độ thưa:

"Tạ ơn chúa thượng đã ban thưởng."

Long Đĩnh phẩy tay:

"Ban thưởng gì, túi bạc này là ta tiện tay nhặt về lúc nàng bị chém."

Nụ cười tươi rói trên môi tôi bỗng chốc trở nên cứng đờ, sượng trân như chó nghêu bày trước cổng đình. Tôi quay lại nhìn kỹ hơn một chút.

Tức thật! Quả là túi gấm Lịch Vũ đã đưa cho tôi đi mua đồ hôm nọ.

Chúa tể bá dơ, kẻ huỷ diệt lì xì, bà tổ tưởng bở, chiến thần nhục nhã cùng lúc gọi tên tôi!

_______

Chú giải:

(1) quá độ: thời kỳ chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác, nhưng đang ở giai đoạn trung gian.

(2) phong kiến phân quyền: Là chế độ đứng đầu nhà nước là vua nhưng quyền lực của cả nước không tập trung vào tay vua mà phân tán ở các lãnh chúa phong kiến, mỗi lãnh chúa có toàn quyền trên lãnh địa của mình về chính trị, tư pháp, quân đội...

(3) phong kiến tập quyền: Nhà nước phong kiến tập quyền là mô hình thể chế tập trung quyền lực vào trung ương và ở trung ương thì tập trung quyền lực vào hoàng đế.

(4) châu Vị Long: Chiêm Hóa, Tuyên Quang ngày nay.

(5) châu Đô Kim: Hàm Yên, Tuyên Quang ngày nay.

(6) châu Bình Nguyên: Tuyên Quang, Hà Giang ngày nay.

(7) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - đoạn chép về Trung Tông Hoàng Đế:

"Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi điều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt thụy cho vua là Trung Tông Hoàng Đế, cho Công Uẩn làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ."

**Lời tác giả:

Về việc ai là người giết vua Lê Trung Tông (Lê Long Việt) anh trai ruột Lê Long Đĩnh có nhiều nguồn sử liệu khác nhau, các sử thần cũng để lại các ghi chép khác nhau, giả như:

- Sử thần Lê Văn Hưu khẳng định: "Ngọa Triều giết anh, tự lập làm vua... "

- Sử thần Ngô Sĩ Liên chép: "Sách Dã sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông."

Cả hai lời bình trên đều trích từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Điểm khác nhau là Lê Văn Hưu khẳng định đấy là sự thật, Ngô Sĩ Liên thì cẩn thận thêm "dã sử" phía trước.

Dã sử là lịch sử ghi chép những chuyện lưu truyền trong dân gian, do tư nhân viết, phân biệt với chính sử. Nội dung có liên quan đến các nhân vật và sự kiện lịch sử tuy nhiên tính chính xác không cao.

Về việc thực hư chuyện giết anh này chỉ có tiền nhân là người hiểu rõ nhất.

(8) Trích "Quân Vương - Thuật cai trị" (Tác giả Niccolò Machiavelli, bản dịch Vũ Thái Hà).

(9) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

Bính Ngọ, /Ứng Thiên/ năm thứ 13 [1006], (Vua vẫn theo niên hiệu Ứng Thiên; Tống Cảnh Đức năm thứ 3). Mùa xuân, Tháng Hai, phong con trưởng là Sạ làm Khai Phong Vương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro