Chương 118: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Kinh thành Hoa Lư chủ yếu là nơi tập trung của vua quan, cùng lắm ở vòng ngoài thành bảo vệ còn có thêm mấy ngàn binh lính. Ngoài việc họp chợ ngày hai buổi sáng chiều hay những dịp hội hè lễ lạt, gần như hiếm khi có dân chúng vào thành. Cũng chính vì vậy mà một kẻ ham vui như tôi hễ nghe ở đâu có chuyện gì thú vị tập trung đông người là nằng nặc đòi đi bằng được.

Ví như hôm nay, không rõ là ngày lễ nào của Phật Giáo nhưng cả Giáo thụ, cô Nhạc Hà và Lý An Tường đều sửa soạn tươm tất, ngó ra ngoài cửa thì thấy người nườm nượp đổ về chùa Nhất Trụ(1) nên tôi giả vờ mình đã luyện chữ xong, bám gót theo Tường. Tường có giải thích qua loa về tên ngày lễ này rồi nhưng là tiếng Phạn, tôi nghe không hiểu. Phàm là ở đời cái gì khó quá mình nên bỏ qua, tôi cũng không có chấp niệm phải hiểu tường tận làm gì cả.

Đại Cồ Việt vừa bước ra khỏi 1000 năm Bắc thuộc, Nho giáo hay Lão giáo đã được truyền sang nhưng cả hai đều chưa được phổ cập rộng rãi trong dân chúng. Thời kỳ này Phật giáo đang thịnh trị, người người nhà nhà đều tôn sùng. Dễ thấy nhất là từ thời Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đã đưa tăng sĩ vào hàng Thái miếu, định phẩm trật, nhiều tăng thống còn giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Nói xa lại phải nói gần, tôi đến Đại Cồ Việt chưa được bao lâu nhưng không nơi nào tôi từng đặt chân qua mà thiếu bóng dáng chùa chiền. Chùa giữa kinh thành Hoa Lư càng khác biệt, so về quy mô thì khó có nơi đâu bì kịp.

Vừa đến cổng chùa Nhất Trụ tôi dừng lại, thấy điệu bộ phân vân của tôi Tường quay lại, bảo:

"Nếu anh không muốn vào thì đứng ở đây chờ, hoặc có thể về phủ Đô chỉ huy sứ."

Y biết tôi không phải là người sùng đạo nên không muốn làm khó, dù rằng tôi mới là người chủ động đòi đi theo. Tôi đút hai tay vào túi áo, lục tìm một hồi lấy ra vài đồng bạc, mua ngay hai bó hoa sen trước cổng chùa. Tường tròn mắt:

"Anh mua hoa dâng kính Phật đấy ư?"

Tôi gật đầu, lúi húi bỏ tiền thừa vào túi:

"Đến chùa tay không thì hơi thất lễ, dù tin hay không thì tôi cũng phải tỏ chút lòng thành kính, trước là với Phật, sau là với mọi người."

Tường gật đầu lấy lệ, có tiếng người lanh lảnh:

"Nếu lúc nào cũng biết điều như thế thì có lẽ đã không bị đấm rồi."

Nghe đến đây mặt tôi nóng bừng, ngó ra thì thấy Bạch Vỹ đang từ phía sau lưng Tường đi lại. Khoan đã! Nếu Bạch Vỹ ở đây thì lẽ nào Long Đĩnh cũng...

Hiểu được sự hoảng hốt của tôi, Bạch Vỹ thong thả đi lại, trên tay lủng lẳng giỏ trái cây, đôi môi anh đào xinh xinh khẽ cong lên trêu chọc:

"Chúa thượng không có ở đây. Ngươi cần gì? Muốn ta chuyển lời không?"

Tôi trộm thở phào, lắc đầu thật mạnh:

"Ta thì có cái gì cần nói với chúa thượng chứ?" - Mà thực lòng tôi tin là Long Đĩnh cũng đâu cần phải nghe nguyện vọng của đầy tớ như tôi? Đến đây tôi kệ Bạch Vỹ, quay lưng ngoan ngoãn theo Tường vào chùa.

***

Chùa Nhất Trụ nổi tiếng gần xa, nhiều người hành hương cả tháng, thậm chí cả năm ròng chỉ để đến nơi kính Phật. Trong lúc buổi lễ đang diễn ra thì tôi tha thẩn chơi một mình, vãn cảnh thưởng hoa, ngắm những pho tượng Phật thiền định. Giữa sân chùa Nhất Trụ đặt một cột đá lớn, dễ thường phải cao cả trượng, một vòng tay người lớn ôm mới xuể(2). Cột có đế tròn, thân bát giác, đỉnh hình hoa sen chớm nở, trạm trổ cầu kỳ đến mức khiến bất kỳ ai đi ngang qua cũng phải nán lại ngắm nhìn, nhẩm đọc kinh rồi bái lạy. Chà chà, thật lắm công phu. Không biết người thời này để làm ra được một cột đá tinh xảo như thế cần bao nhiêu công sức, bao nhiêu nhân lực nhỉ?

Tôi tiến lại gần, chữ khắc rất dày xung quanh. Vì nhìn không rõ nên tôi vừa chạm tay lên cột kinh, di theo nét chữ, vừa nhẩm đọc:

"Bát nhã việt hải chi thu huề hương... Đại Thánh Minh Hoàng Đế Lê tổ thừa thiên mệnh đại định sơn hà thập lục niên lai..."

(Thuyền bát nhã trước vượt sóng biển, mang về bản hương (kinh), [kể từ khi] Đại Thánh Minh hoàng đế tổ họ Lê, tự mình kế tiếp mệnh trời, cả định non sông lên ngôi đến nay là 16 năm).

Vậy ra cột kinh ở chùa này do vua Đại Hành lập, bảo sao vừa nãy tôi lại gặp Bạch Vỹ ở đây, có lẽ là do Long Đĩnh đặc biệt cử đến. Ngoài cột "nhất trụ" kia ra trong khuôn viên chùa còn vài bảo tràng(3) khác nữa, kích thước có nhỏ hơn đáng kể nhưng biết đâu lại có nhiều thông tin thú vị? Vì đang cao hứng lại rảnh rỗi nên tôi cũng lân la lại gần, chắp tay sau lưng, tỏ vẻ mình là một người có tri thức, đọc:

"Phật đỉnh gian trì diệu chương cú

Cửu thập cửu ức Như Lai truyền."

Cũng là bảo tràng nhưng sao cột này hơi lạ? Đọc không hiểu gì hết. Thấy có vài người đang nhìn mình tôi giả vờ như chưa có gì xảy ra, lại quay người sang mặt bên cạnh của cột kinh, dõng dạc:

"Nãng mô bà nga phọc đế đát lại lộ chỉ dã bát..."

???

Lần này thì một dãy chấm hỏi tự động hiển thị rồi chạy ngang não tôi. Kinh Phật đều khó hiểu như thế này ư? Tôi bỗng chốc thấy thương cảm cho Tôn Ngộ Không, lúc bị sư phụ niệm chú hẳn cũng đau đầu như lúc tôi đọc cột kinh này là cùng.

Lùi lại mấy bước rồi gật đầu như mình vừa chiêm nghiệm được thứ gì đó giá trị lắm, tôi phải giả vờ giả vịt để đỡ quê. Đến khi nhận định không ai chú ý đến mình, vừa hí hửng quay lại thì tôi đã va ngay vào Bạch Vỹ. Tôi toan đấu võ mồm với y thì đã bị kéo lại một góc, vẻ mặt có đến mấy phần bực dọc. Tôi theo tầm mắt Bạch Vỹ nhìn theo thì hoá ra là Hành Quân Vương - người từng theo sứ thần Trung Quốc về và được tôi chữa chứng hoàng đản.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro