3. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


3.1. Nguyên tắc chung

~ Chữa bệnh phải tìm gốc bệnh.

Khi điều trị bệnh trước hết phải xác định được bản chất của bệnh để tập trung chữa vào bản chất của bệnh, đây là nguyên tắc căn bản trong điều trị. Thí dụ: nhức đầu có thể do nhiều nguyên nhân (ngoại cảm, huyết hư, đàm thấp, ứ huyết, can dương vượng), lúc điều trị nhắm thẳng vào nguyên nhân, và dùng các phương pháp khác nhau như giải biểu, dưỡng huyết, táo thấp, hoả đàm, hoạt huyết hoả ứ, bình can, thì đó là chữa bệnh tìm đến gốc bệnh.

~ Ưu tiên điều trị gốc hoặc điều trị ngọn

Gốc ngọn là một cặp khái niệm tương đối, để giải thích mối quan hệ chủ thứ về mâu thuẫn hai mặt của các loại bệnh. Về quan hệ chính khí, tà khí thì chính khí là gốc, tà khí là ngọn. Về phát sinh bệnh thì nguyên nhân bệnh là gốc, triệu chứng là ngọn. Về vị trí bệnh thì nội tạng là gốc, thể hiện là ngọn. Về sự phát bệnh thì bệnh mắc trước là gốc, bệnh mắc sau là ngọn, Khi chữa bệnh có những nguyên tắc sau: cấp thì trị ngọn, hoãn thì trị gốc, không hoãn không cấp thì trị cả ngọn lẫn gốc.

~ Bổ hư tả thực

Bệnh là quá trình đấu tranh giữa chính khí và tà khí. Chính khí hư thì bổ, tà khí thực thì tả. Trong quá trình diễn biến bệnh có khi phải vừa bổ chính khí vừa tả tà khí.

~ Chính trị và phản trị

Chính trị là chữa ngược với các hiện tượng bệnh. Phản trị là chữa thuận theo các hiện tượng bệnh, thường dùng trong tình huống chân hàn giả nhiệt hoặc chân nhiệt giả hàn.

3.2. Bát pháp

Là tám phương pháp dùng thuốc uống trong, bao gồm hãn, thổ, hạ, hoà, ôn, thanh, tiêu, bổ.

Phép hãn: làm cho ra mồ hôi để đưa tà khí ra ngoài. Chỉ dùng khi bệnh còn ở biểu, không cho truyền bệnh vào trong. Ứng dụng: chữa bệnh ngoại cảm, đau các dây thần kinh ngoại biên, viêm khớp dạng thấp, viêm cầu thận cấp, sởi lúc chưa mọc.

Phép thổ: làm cho nôn ra, dùng khi bệnh ở phần lý mà còn ở trên. Ứng dụng: chữa trường hợp ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc khi các chất đó còn trong dạ dày.

Phép hạ: dùng các thuốc có tác dụng tẩy, nhuận tràng để đưa các chất ứ đọng trong cơ thể ra ngoài bằng đường đại tiện. Ngoài ra còn chữa chứng nhiệt kết gây mất nước táo bón trong giai đoạn toàn phát của bệnh truyền nhiễm. Dùng khi bệnh ở phần lý và ở dưới. Ứng dụng: chữa chứng táo bón, phù thũng, cổ trướng, hoàng đản, ứ huyết ở đại trường.

Phép hoà: dùng phương pháp hoà giải để điều trị các chứng bán biểu bán lý. Ứng dụng: chữa viêm gan mạn, sốt rét, bệnh loét dạ dày hành tá tràng, ỉa chảy mạn tính, suy nhược thần kinh, rối loạn kinh nguyệt.

Phép ôn: làm cho ấm nóng, dùng chữa các chứng hư hàn thuộc phần lý trong cơ thể. Ứng dụng: chữa đau dạ dày, viêm đại tràng mạn, ỉa chảy mạn, trụy mạch, choáng do mất máu, mất nước, điện giải.

Phép thanh: làm cho mát, lạnh để chữa các chứng bệnh gây ra nhiệt hoặc cơ thể ở tình trạng dị ứng nhiễm trùng. Ứng dụng: chữa cảm, sổ mũi, mụn nhọt, viêm họng, viêm phế quản, viêm gan do siêu vi trùng, các bệnh ngoài da (lở, ghẻ, ...)

Phép tiêu: làm cho nát, tan ra, dùng chữa các chứng bệnh do tích tụ, ngưng trệ. Ứng dụng: chữa ứ huyết, khí trệ, khí nghịch, phù thũng, ăn không tiêu.

Phép bổ: chữa chứng bệnh do cơ năng hoạt động của cơ thể giảm sút, gọi là chính khí hư. Gồm có bổ âm, bổ dương, bổ khí, bổ huyết.

Bổ âm: điều trị chứng âm hư với biểu hiện thường gây miệng khô, ho khan, ho ra máu, hay gặp ở những trường hợp suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, di tinh, đái dầm, lao.

Bổ dương: điều trị những chứng bệnh dương hư, có biểu hiện đau lưng, mỏi gối, sợ lạnh, tay chân lạnh, hay gặp ở liệt dương, tiêu chảy, tiểu tiện nhiều lân.

Bổ khí: điều trị những trường hợp khí hư có các triệu chứng hơi thở ngắn, gấp, mệt mỏi, kém ăn, chậm tiêu, tiêu chảy nhiều.

Bổ huyết: điều trị những chứng bệnh do huyết hư như sắc mặt vàng héo, chóng mặt, hoa mắt, kinh nguyệt ít, thiếu máu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro