BI BI VÀ MẶT ĐEN, BỘ TRUYỆN CỔ TÍCH THỜI HIỆN ĐẠI ĐẶC SẮC, BỔ ÍCH -18

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bộ sách "Bi Bi và Mặt Đen" này ra đời từ tình yêu thương vô bờ bến của ông Ngoại với cháu Bi, cháu gái vừa sinh ra đã phải chịu đựng nhiều vất vả nhưng đã kiên cường vượt qua tất cả...

Đây là món quà mà ông Ngoại dành cho các cháu Trang, Bông, Bi, Na, Ỉn – những cháu bé ngoan, rất thích nghe ông Ngoại kể chuyện cổ tích thời hiện đại, cùng tất cả các cháu thiếu nhi, với mong muốn các cháu có cuộc sống bình yên, hạnh phúc!

BI BI VÀ MẶT ĐEN, BỘ TRUYỆN CỔ TÍCH THỜI HIỆN ĐẠI ĐẶC SẮC, BỔ ÍCH

Nguyễn Phan Hách

Nhà văn Phạm Việt Long trưởng thành từ một nhà báo chiến trường. Suốt 7 năm, chàng phóng viên ở lứa tuổi hai mươi lăn lộn trên các mặt trận nóng bỏng nhất Khu Năm - Trung Trung Bộ để tác nghiệp. Hàng trăm bài báo mặt trận của anh thật sự là một tư liệu quý. Có thể nói anh là điển hình của lớp nhà báo chiến sĩ tô đậm vinh quang cho thế hệ, cầm bút phục vụ sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước.

Sau này, Phạm Việt Long luôn gần gũi với lớp nhà báo trẻ, truyền cho họ nhiệt huyết và kinh nghiệm mà trong giáo trình chính thống không thể chuyển tải được.

Nhà báo chiến trường trẻ tuổi Phạm Việt Long ngay từ những ngày ở mặt trận, đã mang tâm hồn một nhà văn, sau chiến tranh anh hoàn thành cuốn "B. trọc" ngồn ngộn chất liệu chiến trường mà anh quan sát ghi chép được, đã thật sự thành một tác phẩm văn học giá trị.

Hoạt động trên nhiều lĩnh vực: viết tiểu thuyết, làm ca khúc, làm báo... gần đây Phạm Việt Long để lại dấu ấn sâu đậm bởi sức sáng tạo tiềm năng, tâm hồn phong phú nhậy cảm như dây đàn ngân vang lên khúc ca "Cổ tích thời hiện đại" mà anh đã viết nó với tình yêu trẻ thơ vô bờ bến. Không có tình yêu ấy không thể khơi nguồn được mạch cổ tích tiềm ẩn trong cuộc sống, trong tâm hồn bao lớp người. Nghìn trang sách trong bộ "Bi Bi và Mặt Đen" là kết tinh của tài năng và tình yêu cũng như trách nhiệm với thế hệ măng non đất nước.

Trong bối cảnh sách thị trường hiện nay, đầy rẫy những tranh truyện giải trí đơn thuần có các yếu tố không lành mạnh cuốn hút trẻ em, hầu hết phụ huynh đều lo lắng, thì nghìn trang truyện thiếu nhi trong trẻo, đầy chất nhân văn, tính giáo dục hướng thiện, hấp dẫn bằng "giọng cổ tích" dưới góc độ hiện đại, thấm đẫm văn chương... của Phạm Việt Long ra đời, quả thực là đáng quý và kịp thời. Đó là lương tâm, trách nhiệm của nhà văn.

Chẳng nhẽ chúng ta nhắm mắt khoanh tay, để mặc cho một loại mang danh sách thiếu nhi có yếu tố không lành mạnh làm gợn vết hoen trong tâm hồn các em?

Chúng ta phải đưa đến cho các em những sáng tác văn học nghiêm túc. Nghìn trang truyện Cổ tích thời hiện đại được in thành 5 cuốn, với đánh giá của tôi, có thể là một dẫn chứng.

Phạm Việt Long có một đứa cháu ngoại 4 tuổi. Buổi tối, trước khi đi ngủ cháu xin ông kể chuyện cho nó nghe. Kể gì cho một đứa trẻ 4 tuổi chịu nghe, khó thật. Chuyện gì cho nó thích rồi chìm dần vào giấc ngủ. Chuyện không hay, không hấp dẫn, lập tức nó sẽ bật ti vi kênh hoạt hình, hay mở Ipad chơi Game. Phạm Việt Long phải "cạnh tranh" với hai thứ này. Với tình yêu cháu bao la, anh phải vắt óc nghĩ ra những câu chuyện phù hợp hấp dẫn mà nội dung phải có tính giáo dục. Đố một người ông nào dám kể chuyện "không lành mạnh" cho cháu nghe. Vậy là chuyện của anh đã được OTK ngay từ phút đầu rồi.

Đứa bé 4 tuổi rồi 5 tuổi và 10 tuổi - suốt 7 năm nghe kể chuyện, và "Nhà văn ông ngoại" Phạm Việt Long mỗi đêm phải sáng tác đều đặn. Chiếc máy ghi âm để đầu giường, và thế là suốt 7 năm, mạch "Chuyện cổ tích hiện đại" do anh bịa ra tuôn trào như suối. Cho đến một ngày kia, dòng "suối cổ tích" ấy cạn kiệt, Phạm Việt Long sắp xếp lại các file ghi âm, chỉnh sửa viết lại thành 1000 trang sách.

Câu chuyện nghe như "giai thoại" nhưng đúng là sự thực. Đứa cháu đã nghe đủ dòng sông suối cổ tích của ông, nếu không có cái gì đó mà nó say mê thì làm sao nó có sự kiên nhẫn để nghe?

Có thời kỳ nó thấy, có một nhân vật luôn làm việc tốt, nhưng luôn có số phận nghèo khổ, nó phản đối: Tại sao như thế. Ông hãy cho người ta được hưởng sướng vui với chứ! Đứa trẻ đã tham gia điều chỉnh cốt truyện. Tâm hồn ngây thơ, trong trắng của em thể hiện khát vọng chân lý công bằng ở đời. Nhà văn Phạm Việt Long phải tuân theo nguyện vọng ấy.

Kho chuyện của Phạm Việt Long bắt nguồn từ thế giới thần tiên trẻ thơ, nơi một bông hoa là nàng công chúa, con bướm là chàng hoàng tử. Bất cứ một chiếc lá, gợn gió, làn mây... đều có tính cách, tâm hồn, đời sống. Trí tưởng tượng của tác giả bay bổng. Trên gương mặt người, có lúc đôi môi, cái tai cũng tách ra thành một nhân vật riêng rẽ và như vậy tác giả có thể phát triển thành muôn vàn chuyện. Những truyện cổ tích nổi tiếng quen thuộc từ xưa, như một mạch nguồn góp vào dòng chảy nghìn trang của tác giả. Rất nhiều truyện được cấu tứ theo mô típ: Em bé của ngày hôm nay, lạc vào thế giới cổ tích, và thành nhân vật điều chỉnh lại các tình tiết, diễn biến của cổ tích theo hướng nhân văn, nói lên khát vọng chân lý đơn sơ, công bằng, hướng thiện... của trẻ thơ.

Truyện "Hố vàng hố bạc" là một ví dụ: Bi Bi và Mặt Đen (nhân vật hiện tại) đi lạc vào rừng, trăng sáng, gặp một người nằm ngủ, Bi Bi bảo đây là "Chú em" trong truyện "Hố vàng, hố bạc" (một truyện cổ tích). Câu chuyện mới được tiếp tục theo tình tiết cũ, nhưng luôn có sự tham gia của nhân vật hiện tại, đối thoại với nhân vật cổ tích, điều chỉnh hướng phát triển mới. Bi Bi đã hô lớn để lũ khỉ trong cổ tích không quẳng nhân vật "Chú anh" (một nhân vật phản diện) xuống vực sâu theo chuyện cũ... Cứ thế, các câu chuyện "Cổ tích thời hiện đại" của tác giả phát triển và anh đã viết được một truyện mới hấp dẫn, có tính giáo dục rõ rệt.

Nhiều truyện, tác giả đã xoay lại chủ đề của cổ tích. Nhân vật tham lam trong truyện "Gặp Phượng Hoàng và cây khế", ôm túi bảy gang đựng vàng nặng trĩu, cưỡi lưng Phượng Hoàng, phải thả bớt vàng cho nhẹ, để chim bay được (thay vì rơi chết chìm như truyện cổ tích). Nhân vật hiện tại yêu cầu nhân vật cổ tích phải chia bớt vàng cho người nghèo, nhân vật hiện tại trả ơn nhờ gió cuốn cây khế bứt khỏi mặt đất, bay về xứ sở của chim Phượng Hoàng, để Phượng Hoàng sở hữu, tự do ăn khế. Đây là phần sáng tạo độc đáo của tác giả.

Tấm Cám là chuyện quá quen thuộc với mọi người. Nhưng ở đây, các em được tham gia vào diễn biến của câu chuyện. Bi Bi và Mặt Đen đã xuống sông bắt cho Tấm đầy giỏ cá mới (sau khi bị Cám trút mất cả giỏ cá cũ). Hai em giúp bà cụ mở quán và can thiệp để Tấm hiện nguyên hình. Đặc biệt phần kết từ xưa người ta vẫn phản cảm chi tiết Tấm làm mắmCám (sự trả thù quá khốc liệt). Bi Bi và Mặt Đen đã can thiệp để Cám chỉ bị bỏng, được Bi Bi bôi thuốc. Mụ dì ghẻ cũng dần tỉnh ngộ, ân hận, tu chỉnh mình v.v... Phần giáo dục nhân văn, hướng thiện, luôn được tác giả đặt lên hàng đầu...

Nhà viết truyện thiếu nhi Phạm Việt Long đã thể hiện hết mình ở mọi chủ đề, mọi phong cách trong nghìn trang chuyện này và hoàn toàn không dễ tính, không đơn giản trong khi kể chuyện cho trẻ thơ.

Chủ đề cao siêu, sâu sắc được gài cắm ở đâu đó trong câu chuyện tưởng như chẳng có gì. Khí Hy-đờ-rô được nhân cách hóa trong truyện "Quả bóng bay" là một ví dụ. Hàng vạn "bạn" Hy-đơ-rô bị nhốt trong quả bóng bay chật hẹp và đòi chui ra. Bóng bay lên cao, bóng nổ và các "bạn" hy-đờ-rô ra ngoài bay lượn trên bầu trời tự do.

Song song với mạch cổ tích huyền thoại, Phạm Việt Long có một mạch chuyện khuôn vào chủ đề giáo dục những đức tính thiết thực, cần thiết cho một đứa trẻ. Việc đơn giản nhưng lại lại là nền tảng cho nếp sống sau này. Đơn cử truyện "Đồ chơi nổi loạn". Bừa bãi, đồ chơi vứt lung tung. Các đồ chơi bất mãn, làm loạn. Ô tô nhựa bóp còi inh ỏi, dàn nhạc tự động cất lên âm thanh, búp bê đấm lưng nhau, gấu bông trèo lên trần nhà, ong bay vù vù v.v... Kết chuyện là bé phải xắp xếp lại đồ chơi cho gọn gàng. Chủ đề giáo dục như vậy có cần không. Ai dám bảo không cần.

Nhiều chuyện của tác giả, không chỉ giáo dục trẻ em mà còn giáo dục cả người lớn trong ứng xử với trẻ em. Một bà ngoại tắm cho cháu (trong truyện Nóng đâu mà nóng, đau đâu mà đau), cháu kêu nước nóng quá thì bà gắt "Nóng đâu mà nóng". Kỳ cọ cho cháu mạnh quá, cháu kêu đau, thì bà bảo "Đau đâu mà đau". Người lớn chủ quan áp đặt ý của mình, không tôn trọng thực tế khách quan. Bà đã pha nước hơi nóng thật. Chỉ đến khi ông Ngoại "khách quan" hơn, điều chỉnh lại, thì đứa bé mới trở thành vui thích mỗi khi được tắm. Người đọc không khỏi mỉm cười khi đọc truyện này, nhưng cũng giật mình, không biết mình có lúc nào áp đặt chủ quan lên con trẻ không...

Cấu tứ truyện Phạm Việt Long không theo một mô hình nào. Nhưng có thể lấy truyện "Xúc xích dính mũi" ra làm ví dụ. Chuyện một em bé đói quá, trót ăn cắp một cái xúc xích. Nào ngờ xúc xích dính chặt vào mũi, thành bộ phận cơ thể. Bây giờ em phải làm ba việc tốt, thì xúc xích mới rời ra. Mọi người đều không giận em, mà thương hoàn cảnh nghèo đói, thông cảm cho lỡ lầm của em. Bác chủ quán xúc xích cũng xúm vào giúp. Chuyện có yếu tố cổ tích "siêu thực" là xúc xích dính vào mũi. Nhưng lại đặt trong bối cảnh cuộc sống đường phố hôm nay. Em bé nhặt được ví tiền đem trả, cứu giúp người bị tai nạn giao thông, để dành phần sữa cho em nhỏ ở nhà...Một truyện "luận đề" mà không khô cứng. Vẫn hấp dẫn, ly kỳ...

Văn học thiếu nhi có đặc thù của nó. Cổ tích của anh Long kế thừa các yếu tố của cổ tích Việt Nam, của Ăng Đéc Xen, Gờ Rim, pha trộn với truyện sinh hoạt đời sống hôm nay. Không có tay nghề vững không điều khiển nổi.

Một ngàn trang truyện của Phạm Việt Long mà không quá nhiều với các em. Giọng văn trong trẻo, tươi xanh, mạch lạc, giản dị, anh đã tặng cho tuổi thơ món quà quý giá.

Hà Nội, mùa thu 2016 - NPH



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro