Chương 92 - Ký ức đau thương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ánh trăng khuya trên bầu trời thật hiu quạnh. Có vẻ màn đêm là thứ tuyệt vời nhất bởi có thể giúp che giấu tâm sự, cũng như gột rửa tất cả bằng cái giá lạnh của mình. Tôi và Pusyseda ngồi đối diện nhau trên cái bàn đá trong sân, dường như chỉ có rượu mới có thể làm vơi đi nỗi muộn phiền trong lòng cậu ngay lúc này:

- Nếu như không phải do tôi luôn khiến phụ thân tức giận, có lẽ, ông ấy đã không mang bệnh như thế này.

Tôi lắc đầu:

- Dù cho cậu có làm gì đi nữa, trên đời này làm gì có cha mẹ nào mà không tha thứ mọi lỗi lầm cho con cái chứ.

Pusyseda ngẩng đầu uống cạn ly rượu trong tay, bàn tay bóp chặt như thể cậu sẽ ghiền nát nó trong phút chốc:

- Cô có biết điều khiến phụ thân đau lòng nhất là gì hay không? Phụ thân muốn tôi làm gì, tôi sẽ đều nghe theo, nhưng chỉ duy nhất một điều tôi không thể làm được!

Tôi ngập ngừng hỏi:

- Là...vì mẫu thân của cậu?

Đôi mắt Pusyseda lộ vẻ u buồn, nhưng giọng nói lại vô cùng phẫn uất:

- Mẫu thân chưa bao giờ quan tâm đến gia đình này. Bà hỉ một lòng muốn tu thành chánh quả, thoát khỏi luân hồi. Tôi thật sự không hiểu, thế giới cực lạc đó có thực sự tốt hơn thế giới này không? Thế giới ấy so với phu quân và hài tử thì tốt hơn hay sao?

Nghĩ đến Jiva, tôi lại thở dài:

- Tôi cũng không hiểu tại sao mẫu thân cậu lại nhất quyết xuất gia?

Pusyseda cười lạnh, tay chống cằm ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm:

- Mọi người nói bà đã từng chứng kiến mọi khổ đau của thế gian, sau đó thì ngộ đạo. Đó chính là duyên giữa bà và Đức Phật.

Chuyện này tôi đã từng đọc qua trong tiểu sử của Rajiva. Chuyện kể rằng khi Rajiva lên bảy tuổi, khi đi ra ngoài thành cùng với Jiva, cả 2 mẹ con nhìn thấy xác chết đầy đường. Bà chợt nhận ra những khổ đau sinh, lão, bệnh, tử của người đời. Chỉ có một con đường thoát khỏi những trầm luân ấy đó là sự tu tập. Sau đó, bà liền xuất gia. Tuy nhiên, đối với sự kiện này, tôi luôn cảm thấy có điểm gì đó bất hợp lý ở đây. Mọi thứ không thể đơn giản như vậy.

Pusyseda tiếp tục uống một ngụm rượu lớn, chìm đắm trong ký ức của bản thân:

- Tôi vẫn còn nhớ rõ tình cảnh bà quyết định xuất gia. Phụ thân ban đầu không đồng ý, bà liền kiên quyết tuyệt thực. Mãi đến ngày thứ sáu, mặc dù sức khỏe bà đã suy yếu, nhưng vẫn kiên quyết không ăn. Phụ thân vì quá sợ hãi nên sau cùng chỉ có thể đồng ý. Mẫu thân sợ phụ thân hối hận, nhất quyết đòi xuống tóc trước rồi mới chịu ăn uống. Cô nói xem, rốt cuộc là vì điều gì đã khiến cho bà ấy kiên quyết xuất gia đến vậy?

Giọng cậu run run, cả thân người cuộn tròn lại tựa như một đứa trẻ đang vỗ về lấy nỗi cô đơn của chính mình. Tôi nắm lấy tay cậu mong muốn có thể truyền đi sức mạnh của mình. Pusyseda nắm tay tôi run rẩy một lúc rồi mới từ từ bình tĩnh trở lại. Giọng nói trầm ấp xen lẫn nỗi cô đơn:

- Qua đến ngày hôm sau thì bà ấy liền rời khỏi phủ Quốc Sư, bắt đầu sống tại chùa Vương Tân.

Pusyseda nhìn tôi, đôi mắt ngấn lệ:

- Năm đó, tôi chỉ vừa mới bốn tuổi, chỉ vừa thoát khỏi cơn bạo bệnh. Ấy thế mà, mẫu thân vẫn nhẫn tâm rời xa tôi...

Vì đồng cảm nên tôi đã bật khóc cùng Pusyseda. Chỉ cần nghĩ đến việc một cậu bé bốn tuổi, cái độ tuổi cần rất nhiều tình thương của một người mẹ, vậy mà bà lại bỏ đi xuất gia, rời xa cậu. Điều này chẳng khác gì việc bỏ con. Làm thế nào mà một người mẹ lại có thể vô trách nhiệm như vậy? Chẳng trách, cậu lại oán hận mẹ mình đến vậy

Pusyseda hít một hơi thật sâu, lau đi nước mắt, khuôn mặt vẫn lộ vẻ đau đớn khôn nguôi:

- Rõ ràng bản thân có hai đứa con trai, nhưng trong tâm bà chỉ có một mình đại ca, không hề có tôi. Bà sinh ra tôi, chẳng qua chỉ vì để có một lời giải thích với phụ thân về quyết định xuất gia của mình. Tôi chỉ là đứa con được sinh ra với nhiệm vụ kế thừa huyết mạch, để giúp bà hoàn thành trách nhiệm của một người vợ. Năm đó tôi bệnh nặng sắp chết, vậy mà bà ấy đã làm gì? Nhanh chóng muốn rời khỏi gia đình này, nhanh chóng muốn xuất gia để thoát khỏi bể khổ. Bà đã từng bao giờ đối xử với tôi như những gì một người mẹ nên làm hay chưa? Nếu đã không thương yêu tôi, tại sao lại còn sinh ra tôi làm gì?

Tôi đau khổ:

-  Pusyseda...

Cậu lại tiếp tục uống vài ly rượu, cười lạnh một tiếng:

- Còn đại ca, sau khi xuất gia, thì huynh ấy không còn là đại ca ngày nào cùng ta chơi đùa nữa.

Tôi sững sờ trong giây lát, sự xa cách giữa anh em họ, có lẽ xuất phát từ lúc ấy.

Pusyseda nhanh chóng lấy lại vẻ mặt trêu đùa, bất cần hằng ngày. Tựa lưng vào cột đá, cậu nói:

- Tôi chưa bao giờ nói với phụ thân rằng tôi thực sự rất ghét đến chùa để gặp bọn họ. Mãi cho đến khi bọn họ lên đường đi Thiên Trúc, trong lòng tôi mới thực sự hạnh phúc vì tôi biết, tôi sẽ không cần phải giả vờ hạnh phúc khi gặp bọn họ nữa.

- Pusyseda, khi bọn họ rời đi, cậu có thực sự vui hay không? Hay cậu chỉ đang muốn dùng niềm vui giả tạo ấy để che đậy sự đau khổ vì nghĩ bọn họ bỏ rơi cậu?

Pusyseda giật mình, bàn tay nắm chặt ly rượu bỗng nhiên trắng bệch. Sau một hồi im lặng, cậu nói:

- Bà ấy đối xử với tôi như thế nào, tôi không hề để tâm. Nhưng điều tôi căm ghét ở đây là thái độ của bà khi gặp phụ thân. Sau khi bà xuất gia, phụ thân vẫn luôn nhung nhớ về bà, nhất quyết không chịu cưới người khác, một mình vất vả nuôi tôi khôn lớn. Nhưng còn bà ấy, bà đã đối xử với phụ thân thế nào? Phụ thân ngày ngày đến thăm bà sau khi bà và đại ca quay về từ Thiên Trúc, còn đích thân làm món bánh đường mà bà yêu thích nhất, sấy khô quần áo cho bà. Chỉ cần là chuyện của mẫu thân, phụ thân không cho ai đụng đến cả. Nhưng bà chỉ lạnh lùng đáp lại rằng, đời này sẽ không hoàn tục, tình duyên giữa hai người từ này chấm dứt.

Pusyseda lại nhìn tôi:

- Cô nói xem, tại sao có người phụ nữ tàn nhẫn như vậy chứ? Lòng dạ của bà sao lại độc ác đến vậy? Phụ thân đã vì bà chịu khổ biết bao nhiêu năm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro