Chương 177 - Trì hoãn (Tiếp theo)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đoàn Nghiệp gật đầu đồng ý:

- Đúng như công chúa nói, Lữ Đô đốc không muốn quay về lúc này. Nhưng nếu không đi, lỡ như Thiên Vương có thể vượt qua cơn nguy khốn, đến lúc đó, Lữ Đô đốc chắc chắn sẽ gặp rắc rối vì tội không tuân theo vương lệnh.

- Vậy Đoàn đại nhân muốn tôi phải làm thế nào?

Tôi bình tĩnh nhấp một ngụm trà ấm.

-  Hiện nay Pháp sư vẫn đang ở bên cạnh Lữ Đô đốc, chỉ mong công chúa nói với Pháp Sư rằng nên khuyên Lữ Đô đốc quay về Trường An càng sớm càng tốt.

Tôi lắc đầu cười khổ:

- Tôi không tin Lữ Đô đốc sẽ chú ý đến lời của Pháp sư. Không phải đại nhân không biết, giữa bọn họ đã xảy ra quá nhiều oán thù không thể xóa bỏ.

- Pháp sư là người đức cao vọng trọng, có thể đoán trước tương lai. Nếu như ngài ấy có thể dùng dự đoán của mình để nói với Lữ Đô đốc, chắc chắn Đô đốc sẽ nghe theo.

Tôi suy nghĩ rồi hỏi:

- Vì sao đại nhân muốn Lữ Đô đốc quay về?

- Như hầu hết huynh đệ trong đoàn quân, gia quyến tôi cũng ở vùng Quan trung, tôi đêm ngày thương nhớ phụ mẫu, thê tử và hài nhi, nên một lòng muốn quay về.

Đoàn Nghiệp nở nụ cười đầy ẩn ý, hạ giọng thêm nữa:

- "Hào quang xuất hiện ở Kiện Khang, nghiệp lớn sẽ thành ở Hà Tây". Tôi chưa biết Kiện Khang và Hà Tây là vùng đất nào, nhưng chắc chắn không thể là Tây Vực. Đoàn Nghiệp tôi muốn nên nghiệp lớn, không thể cứ níu chân ở Khâu Từ này mãi.

Tôi khá bất ngờ, thì ra ý đồ của ông ta là vậy! Chưa xét đến thực lực, giống như hầu hết các vị nam nhi đại trượng phu, luôn tự vỗ ngực xưng anh hùng của thời đại này, Đoàn Nghiệp cũng nuôi dã tâm lớn. Tôi trầm tư hồi lâu mới cất tiếng:

- Một mình Pháp sư không thể khiến Lữ Đô đốc hạ quyết tâm trở về. Sao Đoàn đại nhân không nghĩ cách để Đỗ đại nhân thuyết phục ông ấy?

Đoàn Nghiệp do dự:

- Đoàn mỗ chỉ mới gia nhập quân ngũ trong thời gian ngắn, sợ rằng Lữ Đô đốc sẽ không nghe ta nói.

- Vậy thì phải xem ngài đây sẽ nói gì. Nếu như là lời tốt, nói không chừng sẽ khiến cho Lữ Đô đốc sẽ có cách nhìn khác về ngài.

- Nếu vậy theo ý công chúa, ta nên nói thế nào?

Tôi ra hiệu cho Đoàn Nghiệp tiến lại gần hơn, thì thầm vài câu vào tai ông ta, vừa nói hết lời, tôi liền đứng dậy ngay sau đó:

- Tôi ra ngoài đã lâu, đến lúc phải về rồi.

Vừa về đến phủ Quốc sư, liền nhìn thấy một con ngựa đang chạy thật nhanh về phía mình. Người trên lưng ngựa là Pusyseda với vẻ mặt đầy hốt hoảng:

- Hiểu Huyên sắp sinh rồi

Tiếp đó cậu ấy nhanh chóng vào trong. Pusyseda và tôi đứng bên ngoài đợi suốt hơn 6 tiếng đồng hồ. Bao nhiêu khoảng thời gian trôi qua là bấy nhiêu tiếng kêu đau đớn của Hiểu Huyên vang lên. Pusyseda không chỉ lo lắng mà dường như tôi còn cảm nhận được cậu ấy cũng đau đớn siết bao. Tôi không có kinh nghiệm sinh con nên chỉ có thể ở bên ngoài chờ cùng Pusyseda, trái tim tôi cũng nhảy đập liên hồi theo từng tiếng kêu la thất thanh của Hiểu Huyên. Cuối cùng, bà mụ cũng bước ra khỏi phòng, bà ẵm 1 đứa bé trai trên tay và miệng cứ liên hồi nói lời chúc mừng Pusyseda. Tôi thở phào nhẹ nhõm, bỗng nhận ra rằng lưng mình đã ướt đẫm mồ hôi tự lúc nào.

Bà mụ đưa đứa bé cho Pusyseda ẵm, cậu ấy cứ lau hai bàn tay của mình hết lần này đến lần khác rồi cẩn thận, nhẹ nhàng ôm lấy đứa trẻ. Pusyseda kinh ngạc nhìn đứa bé đỏ hỏn bé tí trong tay mình. Hiểu Huyên tuy rất mệt mỏi nhưng nhìn thấy cảnh ấy, lại nở ra một nụ cười thật hạnh phúc.

Pusyseda ôm đứa bé lại gần Hiểu Huyên:

- Nàng nhìn xem, nó giống nàng y đúc.

- Khuôn mặt còn nhăn nheo thế kia, sao mà nhìn ra được giống ai kia chứ?

- Con của chúng ta nhất định sẽ rất xinh đẹp

Cậu ấy chậm rãi dùng ngón tay chạm nhẹ vào má đứa trẻ, trên mặt ngập tràn niềm hạnh phúc hân hoan mà tôi chưa từng được thấy qua bao giờ. Bỗng Pusyseda ẵm đứa bé đến tôi. Tôi nhẹ nhàng đón lấy:

- Vốn cứ tưởng sẽ không có cơ hội nhìn thấy con của cậu ra đời trước khi chúng tôi rời khỏi. Thật vui!

Pusyseda sững sờ nhìn tôi. Tôi cố gắng cười:

- Khi xuân đến, Lữ Quang sẽ quay về Trung Nguyên. Đến lúc đó, Rajiva và tôi cũng sẽ phải đi theo...

Đôi mắt Puyseda bỗng nhiên ngấn lệ, Hiểu Huyên nhìn cậu ấy và không nói gì. Sauk hi trở về vào đêm hôm ấy, tôi và Rajiva cùng nhau phân tích tình hình hiện nay ở Trung Nguyên:

- Rajiva, chàng phải khuyên ông ta trở về Trung Nguyên.

Sử sách chép rằng, Lữ Quang nghe lời khuyên của Rajiva mới quay về Trường An. Nhưng tôi không cho rằng Rajiva có sức ảnh hưởng lớn đến ông ta đến thế. Mâu thuẫn giữa họ không dễ xóa bỏ nhanh chóng như vậy. Lữ Quang chần chừ, phần vì ông ta muốn có thêm thời gian vơ vét của cải của Khâu Tử, phần vì muốn quan sát tình hình ở Trung Nguyên. Ông ta quay về, không phải vì sợ uy Phù Kiên, mà vì muốn chiếm một vùng đất sau khi Đế quốc Tiền Tần tan rã. Các quốc gia ở Tây vực giống như những ốc đảo nhỏ giữa vùng hoang mạc khắc nghiệt, thực lực yếu ớt, muốn chiếm cứ và quản lý cả vùng Tây vực, ông ta sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức. Trong khi các vùng đất ở Trung Nguyên lại rộng lớn, màu mỡ, dễ dàng thiết lập và củng cố chính quyền. Thêm vào đó, binh lính của ông ta đều là người Quan trung, xa nhà đã lâu, ai nấy đều mong quay về. Bởi vậy, sau khi cân nhắc thiệt hơn, Lữ Quang nhận thấy quay về vẫn là thượng sách. Chỉ cần Rajiva và Đỗ Tấn cùng tác động, chắc chắn Lữ Quang sẽ sớm đưa ra quyết định.

-  Ta hiểu. Nếu ông ta ra đi, đó là may mắn của Khâu Từ.

Chàng ngắm nhìn những bông tuyết trắng ngút bên ngoài cửa sổ với ánh mắt lưu luyến. Vài tháng nữa, chàng sẽ phải rời xa quê hương, không hẹn ngày trở về. Tôi đan tay mình vào tay chàng, dựa đầu vào vai chàng, cùng chàng lắng nghe tiếng tuyết rơi ào ạt ngoài kia. Đây là lần cuối cùng chúng tôi được ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp này.

Tết Nguyên đán của người Hán, Lữ Quang tổ chức rất náo nhiệt. Người Đê bị Hán hóa đã lâu, nên phong tục tập quán không khác gì người Hán. Đèn hoa chăng kết khắp nơi trong hoàng cung. Đêm giao thừa, chúng tôi được mời đến đại diện tham dự yến tiệc. Lữ Quang tuyên bố sang xuân sẽ khởi hành về Trung Nguyên, tướng sĩ hoan hô vang dội. Ông ta quay sang Rajiva, nói rằng Thiên vương Đại Tần có lời mời pháp sư đến Trường An thuyết pháp. Rajiva bình thản gật đầu. Khi màn trình diễn ca múa hát bắt đầu, Lữ Quang không cho phép Rajiva ra về, chỉ đồng ý để chàng uống trà thay rượu.

Đoàn Nghiệp cũng được thăng chức lên thành Trứ tác lang. Tuy vị trí này nghe không có vẻ quan trọng nhưng đó lại chiếm một vị trí chiến lược. Nếu có thể mỗi ngày đi theo Lữ Quang, sau này ắt sẽ có nhiều cơ hội. Đoàn Nghiệp lén kính rượu tôi trong bữa tiệc, tôi cũng nhanh chóng mỉm cười đáp trả.

Ngày hôm ấy, tại quán rượu, tôi đã nói với Đoàn Nghiệp rằng: "Đi hay ở, vốn sẽ là vận mệnh của cả toàn quân. Lữ Quang có thể ở lại Tây Vực xưng Vương, thế nhưng muốn có được chỗ đứng, về lâu dài cũng không phải là điều dễ dàng. Vốn dĩ ở Tây Vực có khá nhiều quốc gia nhỏ lẻ, để có thể thu phục toàn bộ, cần phải có một lượng quân khá lớn. Số lượng quân hiện giờ liệu có đủ hay chăng?

Trung Nguyên là vùng đất đồng bằng, diện tích trải dài hàng dặm, dân số lại đông, sản vật phong phú, thời tiết không khắc nghiệt như nơi này, rất dễ có thể đạt được thành tựu. Huống chi binh lính của ông ta đều là người Quan Trung, lâu ngày ở nơi phương xa đều một lòng mong ngóng quay về quê nhà. Làm sao bọn họ có tâm ở lại đây để cùng ông ấy lập nên đại nghiệp. Tình huống xấu nhất là có thể bọn họ sẽ gây ra cuộc binh biến.

Sau trận Phi Thủy, Trung Nguyên tan rã, Phù Kiên tuy từng là một thủ lĩnh hùng mạnh nhưng sau thất bại này, ông đã kiệt sức và sức lực cạn kiệt. Nếu Lữ Quang trở về quá muộn, thế giới phân chia có lẽ sẽ là một kết cục không thể tránh khỏi, chỉ để lại tàn dư cho ông ta.

Vì vậy tốt nhất là nên tiên hạ thủ vi cường.

Đến tận nửa đêm, khi pháo hoa rợp trời, yến tiệc mới kết thúc, vậy là năm 385 sau Công nguyên đã đến. Biến cố lịch sử lớn nhất trong năm này là cái chết của Phù Kiên. Cùng với kết cục đó, vùng đất Trung Nguyên chuyển sang một thời kỳ mới.

Cũng trong năm 385 sau Công nguyên, "người đồng tính" Mộ Dung Xung xưng đế, lập nước Tây Yên. Nhưng vì chính quyền rối ren, không lâu sau đã sụp đổ, nên Tây Yên không được liệt vào danh sách các nước nhỏ thời Thập lục quốc.

Cũng vào năm này, vị vua đầu tiên của nhà Hậu Tần – Diêu Trường đã giết chết Phù Kiên, tấn công Mộ Dung Xung ở Trường An. Năm kế tiếp Diêu Trường chiếm cứ và biến Trường An thành kinh đô của nhà Hậu Tần, cho tới khi Lưu Dục tiến hành cuộc Bắc phạt, tiêu diệt Hậu Tần.

Cũng năm này, Khất Phục Quốc Nhân – người Sabir ở Lũng Tây lập nên chính quyền ở vùng đất mà nay là phía Nam Cam Túc và phía Bắc Thanh Hải. Nhưng vì thế lực nhỏ bé, phải phụ thuộc vào các quốc gia lớn hơn, nên chỉ dám xưng hiệu là Thiền vu, Đô đốc, Tần vương. Sử gọi là nước Tây Tần.

Cũng năm này, trên thảo nguyên Nội Mông xuất hiện một nhân vật anh hùng. Bộ lạc Thác Bạt (thuộc tộc người Sabir), dưới sự lãnh đạo của Thác Bạt Khuê (lúc này mới mười sáu tuổi) đã lập ra nhà Bắc Ngụy. Năm 439 sau Công nguyên, Bắc Ngụy tiêu diệt Bắc Lương – tiểu quốc cuối cùng của thời Thập lục quốc. Miền Bắc Trung Quốc, sau 135 năm chiến tranh loạn lạc, cuối cùng đã được thống nhất, mở ra thời kỳ Nam Bắc triều kéo dài 150 năm lịch sử, cho đến khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro