I

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. 

Tôi như dại đi bởi cồn, từ một thứ rượu lạ ai đó mang đến hai ngày trước. Trước mắt tôi, tất cả mọi thứ từ căn phòng tối om om co rồi giãn, đôi khi nứt vỡ, đôi khi như tan loãng vào không gian. Thực tại đang vỡ nát, ký ức cuộn trào, giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh chiếm lấy trí óc mụ mị của tôi. Rượu cay xè, cổ họng tôi nóng rát. Tôi ho sặc sụa bởi hơi cay của rượu xộc lên đằng mũi.

Tôi như quay về năm năm trước, ngày người tốt nghiệp, không biết người có còn nhớ? Ngày ấy người dặn tôi phải đến, để tiễn biệt người. 

"Chị sẽ công khai tỏ tình người trong mộng." 

Tôi gào lên, tôi hét to vào cái tượng đài ký ức khổng lồ ấy, cái thứ mà tôi những tưởng nó đã tan biến dần theo thời gian. Tôi gào đến lạc cả giọng, đến nỗi cổ họng tôi đau như xé, đến mức tôi tưởng mình đã ngất đi. Thế nhưng sự thật là tôi vẫn đứng đó, và không thể tiến lại gần người. Sự thật là tôi đã không bật ra được một âm thanh nào. Sự thật là, tôi đã hèn nhát. Tôi sợ phải thấy người sánh đôi với một ai đó khác. 

Tôi tỉnh lại giữa phòng khách, trong nhà mình, sau khi trải qua một cơn mơ nữa với đôi mắt vẫn mở trừng trừng, hai dòng lệ lăn dài trên má. Mồ hôi ướt đẫm lớp áo sơ mi mỏng tang mà lúc sáng tôi mặc đi làm. Rượu vẫn đang tiếp tục thiêu đốt cổ họng tôi, có lẽ tôi phát điên mất rồi, nếu không, cớ sao hai giờ sáng lạnh lẽo tịch mịch, người lại đang ở đây, trước mắt tôi, biểu tình phức tạp như vậy? 

2. 

Tôi nhớ về lần đầu chúng tôi gặp nhau. Lúc ấy trên chuyến xe chở tôi đến trường đại học, mọi người ai cũng mang theo những chiếc balo sặc sỡ đủ màu sắc, chỉ có tôi nách cặp tay nải, dưới chân kè kè chiếc bao tải tôi dùng đựng ruột chăn. Biết rằng vào đại học rồi những thứ này đều có thể mua, nhưng tôi kham không nổi, tính chuyện học phí, tiền ăn đối với tôi đã là cả một vấn đề, có thể tiết kiệm được thứ gì thì liền tiết kiệm thứ nấy. Xe đột ngột dừng lại, mọi người đều một trận ngả nghiêng, chỉ là dường như bọn họ đều cùng một ý nghĩ, có ngã chết cũng không muốn đụng vào tôi. 

Tôi một bộ quê mùa bước xuống xe, người mang hành lí nặng trịch, đúng lúc ấy, ánh mắt người quét qua tôi, dường như mang theo tất cả dịu dàng, ôn nhu, ấm áp hơn thảy mười tám năm tôi sống trên đời. 

Bây giờ nghĩ kỹ lại, có lẽ do tôi cô độc quá lâu, nên khi lần đầu nhìn thấy ánh mắt dịu dàng như thế, đã không thể tự chủ mà dành hết tình cảm đời sau cho người. 

Tôi căng tai nghe ngóng, phát hiện người ấy họ Hứa, tên Giai Kỳ. Mái tóc dài được cẩn thận buộc lên, một bộ thanh thuần sạch sẽ, người không nề hà bộ dạng tôi trông cũ kỹ, tiến thẳng đến giúp tôi xách một bên bao tải. Người trông thế mà khỏe, bao tải tôi vác cực nhọc, người lại nâng lên nhẹ như không. 

Sau đó tôi nghe kể lại, Hứa Giai Kỳ chỉ là đi phát tờ rơi cho câu lạc bộ của người, chứ không hề có nghĩa vụ giúp đỡ tân sinh viên. Chuyện này là một người vô tình đụng tôi trên hành lang liền ác ý kể lại, cô bạn ấy còn bồi thêm, tôi trông vừa bẩn vừa nghèo như vậy, nên biết điều tránh xa người một chút. 

Tôi biết chứ, tôi muốn nói, những điều cô ta nói tôi đều hiểu, tự tôi cũng chẳng cố tiếp cận Hứa Giai Kỳ thêm một lần nào sau hôm ấy, chỉ là tôi không có bẩn, một chút cũng không. Thế nhưng cả người căng cứng không thể phản ứng, những chuyện đau lòng đó sau này chỉ có cái gối ướt đẫm nước mắt của tôi biết mà thôi. 

3.

Chuyện thích hay không thích, nói thẳng ra đây không phải loại chuyện mà tôi có thể điều khiển được. Chúng tôi học ở hai tòa nhà đối diện nhau, thi thoảng tôi sẽ bắt gặp hình bóng người vội vã chạy dọc hành lang, đuôi tóc dài bay bay, ánh mắt tràn đầy nhiệt huyết. Tôi sẽ vì những chuyện đơn giản như thế mà cảm giác hạnh phúc đến điên, cơ thể như được tiêm đủ loại chất kích thích, có làm việc bán mạng đến đâu cũng không còn mệt mỏi. 

Trời xui đất khiến thế nào, sau đó chính Hứa Giai Kỳ chủ động đến tìm tôi. 

Người hoạt động trong một câu lạc bộ múa, về sau ít có người hứng thú loại hình nghệ thuật này, thành viên càng ít đi trông thấy. Ban giám hiệu nhà trường đã dọa nếu năm nay không đủ thành viên thì sẽ cho đóng cửa câu lạc bộ. Hứa Giai Kỳ gom ngược gom xuôi, vừa vặn thiếu đúng một người, lại tình cờ gặp được người bạn chung trường cấp hai với tôi, biết được ngày xưa tôi có học qua múa, liền tới thuyết phục tôi đủ đường. Tôi tìm đủ lý do từ chối đều bị người một câu lại một câu đánh gãy, cuối cùng chỉ có thể ngoan ngoãn thuận theo. 

Ban đầu vốn dĩ tôi không định tham dự bất kỳ câu lạc bộ nào cả, vì chỉ việc học rồi đi làm cũng đủ vắt kiệt sức còm của tôi. Nhưng vì Hứa Giai Kỳ đã ngỏ lời... 

Tôi ngu ngốc lắm đúng không? 

Biết rõ đây là một đoạn tình cảm không bao giờ có hồi báo vẫn cố chấp đâm đầu, ngày một lún sâu, tận tám năm sau đó vẫn không thể thoát ra, chỉ vì một giây ánh mắt chúng tôi chạm nhau sau năm năm xa cách, chỉ vì ánh sáng thanh tú lấp lóa phát ra từ chiếc nhẫn trên tay người, đã khiến tôi tự chuốc say, khóc lóc đến thê thảm. 

4.

Thường ngày, các thành viên trong câu lạc bộ chúng tôi đều hoạt động đến tầm sáu giờ tối, chỉ có tôi bận vừa học vừa làm, đến hơn sáu giờ mới có thể đến tập múa được, đã thế đều phải rời đi trước chín giờ, tiếp tục làm việc ở một quán ăn gần nhà ga. 

Vì cơ sở của chúng tôi là được một thành viên trong câu lạc bộ tài trợ cho, nên có chút đặc biệt. Nó được đặt ở ngoài trường, không giới hạn thời gian mở cửa, chỉ cần có chìa khóa là vào được, vậy nên tôi dù giờ giấc sinh hoạt có đôi chút đặc biệt vẫn có thể sử dụng phòng tập. 

Chỉ là có một chuyện tôi không thể ngờ đến: Hứa Giai Kỳ vậy mà ngày nào cũng ở lại, miệt mài tập múa đến khuya. Vì vậy, phần lớn thời gian tôi đến đây đều tập chung với người. Ban đầu bầu không khí có chút ngượng. Cứ ngỡ người là tuýp cởi mở, dễ dàng kết bạn, thì ra lại giống tôi không giỏi giao tiếp. Vào lúc chỉ có hai chúng tôi, cách người mở lời mới thật vụng về và đáng yêu làm sao. Chúng tôi cứ thế, cứ thế, êm đềm trôi qua một năm học. 

Ngày ấy, khi tôi quyết định chọn ngôi trường này đã bị mẹ kế quyết liệt đuổi đi. Thật ra trước đó tôi sống với bà cũng chẳng yên ấm là bao, từ khi bố tôi bị tai nạn qua đời thì ác ý của bà đối với tôi càng hằn rõ trên nét mặt. Sinh hoạt phí, học phí của tôi một nửa là tiền tôi phải cật lực kiếm lấy. Bà không muốn tôi đi học, vì bà luôn cho rằng như thế rất tốn tiền. Bất chấp tất cả sự cay nghiệt ấy, tôi quyết tâm dứt áo đi khỏi ngôi nhà mà ở đó tôi đã phải vật lộn để lớn lên, tiến vào môi trường đại học với hơi thở tràn ngập sự tự do.Cũng vì vậy mà vào kì nghỉ đông, mọi người đều trở về nhà, chỉ có tôi đơn độc ở lại ký túc xá, một mình đón năm mới. 

Còn nhớ, vào ngày người bạn cùng phòng cuối cùng của tôi rời đi, đêm 29 Tết, lúc ấy mười một giờ đêm, tôi đang thiu thiu ngủ liền nghe tiếng chuông điện thoại vang lên, tiếng chuông tôi cài riêng cho số của người, Hứa Giai Kỳ. Tim tôi đập bùng lên như tiếng trống vỗ, tay run run bắt máy. 

"Tuyết Nhi, em còn thức không?" trong điện thoại xen lẫn tiếng gió. 

Đường đột như vậy tôi nhất thời không thích ứng kịp. 

"Em mau mau ra ngoài ban công." 

Hứa Giai Kỳ đứng bên dưới xoa xoa tay, trên người khoác độc một chiếc áo bông còn chưa kịp kéo khóa, mũi đỏ ửng lên vì lạnh, mặc gió cùng tuyết thi nhau đánh tới, run run vươn người chào tôi, cười thật xán lạn.

"Sợ em cô đơn nên đến chơi với em đây!" 

Chuyện tôi ở lại trường đón năm mới chỉ kể với một mình Ngu Thư Hân, vậy nên tôi đã rất bất ngờ. Một đường lao xuống nơi Hứa Giai Kỳ đang đứng, cả gan ôm lấy tất cả ngốc nghếch cùng ôn nhu của người kia, mạnh đến nỗi khiến cả hai đứa đều ngã lên nền tuyết trắng. 

"Tuyết Nhi, sao em lại khóc?" 

Lúc đó tôi nghĩ, chỉ cần tôi giấu nhẹm đoạn tình cảm này đi, vậy thì có thể cùng người bầu bạn cho đến lúc chết. 

Nhưng có lẽ cuộc đời một người sẽ không trôi qua dễ dàng như vậy đi? 

5. 

Thời gian thấm thoắt trôi, tôi đã lên năm hai, ngay ngày nhập học liền bị Hứa Giai Kỳ cùng Ngu Thư Hân lôi đi tuyển thêm thành viên cho câu lạc bộ. Năm ấy chúng tôi có thêm hai thành viên mới: Triệu Tiểu Đường - học muội ở trường cấp hai của tôi, từng cùng tôi học múa - và một người nữa. 

Dụ Ngôn. 

Nhắc đến tên em ấy lòng tôi lại một trận đau nhói. 

Từ khi Dụ Ngôn xuất hiện, căn phòng tập khi trước chỉ có tôi và Hứa Giai Kỳ nay trở thành không gian của cả ba người. Từ ngày đó, Hứa Giai Kỳ lúc nói chuyện với tôi ít nhiều đều nhắc đến Dụ Ngôn. Dụ Ngôn cũng thích múa không kém chúng tôi, lại mang đến phòng tập nhỏ bao nhiêu là nhạc cụ, cái nào em ấy cũng biết chơi. Thi thoảng vào lúc đã múa đến kiệt sức, em ấy sẽ chơi nhạc, đôi khi còn cầm lấy tay Hứa Giai Kỳ hướng dẫn cho người đánh từng nốt trên đàn guitar. Vào lúc Giai Kỳ ánh mắt lấp lánh đánh rõ từng tiếng trong hợp âm đầu tiên, tôi biết mình thua rồi. 

Thua đến thảm, không cách nào gượng dậy, cũng không thể phản công. 

Dụ Ngôn so với tôi, là sự tồn tại hoàn hảo đến chói lóa. 

Dụ Ngôn em ấy so với tôi, càng thích hợp làm người đứng bên cạnh Hứa Giai Kỳ. 

6. 

Chiều hạ, bầu trời ngập nắng vàng, ngồi trong phòng ký túc làm bài tập, hơi nóng khắp nơi cứ thế tấn công tôi. Vì không đủ tiền, tôi đành sống trong khu nhà cũ đã xuống cấp này, không có hệ thống sưởi, càng không có điều hoà, tôi cứ thế mặc quần đùi, áo ba lỗ, búi tóc thật cao cắn răng chịu trận. 

Chiều hạ, bầu trời ngập nắng vàng, Hứa Giai Kỳ cắt bỏ mái tóc dài. 

Người chạy đến khoe với tôi, trên mặt phủ một tầng mồ hôi mỏng, hai má người không biết vì nhiệt độ hay nguyên nhân gì đó khác mà đỏ ửng hết cả lên. Hứa Giai Kỳ tóc ngắn mang lại cảm giác rất khác, tôi nhìn đến mê mẩn, cũng quên mất phản ứng. 

"Đẹp không? Ngôn Ngôn giúp chị cắt đấy." 

Tôi rốt cuộc hiểu được vì sao hôm ấy Hứa Giai Kỳ đặc biệt vui vẻ, hai má cũng đặc biệt hồng, đôi mắt lấp lánh đến khiến tôi tê tái cõi lòng.

7. 

Dạ dày tôi lại đau, quặn lên từng hồi. Ảo ảnh Hứa Giai Kỳ vẫn bất động trước mắt tôi, nhìn tôi chằm chằm tràn đầy lo lắng. 

Có phải vì tôi thèm muốn điều này đến điên rồi nên mới mơ thấy nó không? 

Nghĩ lại, vì cuộc sống khi xưa ăn uống kham khổ mà tôi thường xuyên đau dạ dày, hạ đường huyết. Hứa Giai Kỳ vì thế thường nấu bữa tối đàng hoàng cho tôi vào mỗi khi tôi đến phòng tập, sau khi Dụ Ngôn gia nhập liền đổi cho em ấy nấu. Dù sao tay nghề của em ấy cũng không khác đầu bếp được đào tạo chuyên nghiệp là bao. Chỉ là, dù ngon đến đâu tôi cũng có chút không bì được với thức ăn Hứa Giai Kỳ nấu... 

8.

Hứa Giai Kỳ cùng Dụ Ngôn tựa hồ có rất nhiều bí mật. 

Đôi lúc trong khi tôi điên cuồng múa may, sẽ thông qua tấm gương lớn trong phòng tập mà phát hiện bọn họ sau lưng đang cùng xem gì đấy trên điện thoại, nói chuyện nhỏ to, cười đến vui vẻ.

Có một lần, vì mải nhìn họ qua gương, tôi mất tập trung, ngã xuống một cái liền bong gân, cả tuần không thể đi làm. Có lẽ chỉ là ảo giác của tôi thôi, nhưng dường như khi ấy Hứa Giai Kỳ đặc biệt lo lắng, đặc biệt hoảng loạn, tôi có thể chắc chắn lúc trước Ngu Thư Hân chấn thương người cũng không lo lắng đến như vậy. 

Sau này cẩn thận nghĩ lại, có lẽ Hứa Giai Kỳ nghĩ đến hoàn cảnh nghèo khó của tôi mà lại không thể đi làm nên mới lo lắng như thế.

Phải, chỉ là người quá tốt bụng mà thôi. 

9.

Có tiếng piano từ đâu xa lắm đang trôi trở lại.

Dụ Ngôn một bên, Hứa Giai Kỳ một bên, bốn bàn tay ăn ý cùng nhau chơi một bản nhạc bằng piano.

Tôi ngốc nghếch nấp sau tấm cửa kính tối màu, lạnh ngắt, cẩn thận nhặt nhạnh từng mảnh tim vỡ nát đang rơi vãi.

Giọng nói ai đó vang lên, quẩn quanh trong đầu, siết chặt lấy từng tế bào não đang tê tái vì rượu của tôi.

"Đối với chị, Khổng Tuyết Nhi là người như thế nào?"

Và rồi người trả lời.

"Khổng Tuyết Nhi à... Ngốc. Ngốc đến phiền."

Tôi còn nhớ bản thân đã bỏ buổi tập hôm ấy để chạy thẳng về ký túc.

Dùng nước mắt tưới đẫm linh hồn.

24042020

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro