0-2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

00.

Trần Thước nhớ khi còn nhỏ, cậu rất thích ăn sủi cảo nhân thịt cừu. Thịt cừu non mềm được bọc trong lớp vỏ mịn màng, sủi cảo khi nấu chín được đặt trên đĩa sứ, dưới ánh đèn hiện lên màu hồng mịn mướt. Cắn vào một miếng, nước dùng nóng hổi bên trong sẽ chảy ra, vị mặn ngọt hài hòa kích thích vào từng kẽ răng. Ngoài ra còn có gừng ăn kèm để bữa ăn không bị quá ngấy.

Anh trai Trần Vũ của cậu rất thích ăn gừng cùng các loại gia vị khác, hắn thường trộn tỏi băm với rau mùi và giấm, thỉnh thoảng cho thêm một ít hạt tiêu, ăn vào cảm giác nồng đến đỏ mắt. Ngược lại, Trần Thước lại chỉ cần ăn sủi cảo trắng, nhạt vị cùng nước dùng đã có thể khiến cậu vui vẻ ăn đến mồ hôi đổ đầm đìa.

Trần Vũ nói cậu nhạt nhẽo và không giống đàn ông.

Trần Thước im lặng, cậu từ nhỏ đã thế. Cậu không thể chịu được những thứ quá nóng bỏng và kích thích.

Một dĩa sủi cảo lớn, hai anh em bọn họ ngấu nghiến ăn như chết đói. Họ đấu nhau bằng đũa, đếm xem bản thân đã ăn bao nhiêu cái sủi cảo rồi.

Mẹ hai người luôn nấu lẻ sủi cảo, không biết có phải bà là cố ý không. Nhưng cái sủi cảo cuối cùng sẽ luôn là của Trần Vũ.

Trần Thước cắn môi, nhìn hắn ăn.

Nước bọt cùng sự bất mãn tràn ngập trong khoang miệng, khiến vị ngọt của thịt cừu cũng biến thành vị đắng.

01.

Trần Thước làm việc tại hàng ăn sáng của dì cậu và kiếm được khoảng một nghìn tệ mỗi tháng.

Quán ăn nhỏ nằm cạnh một điểm du lịch, nghỉ hè là mùa cao điểm, từ 6 giờ đã có rất nhiều khách du lịch xếp hàng, công việc làm ăn phát đạt, lương của cậu cũng có thể tăng thêm bốn trăm.

Đối với một thanh niên như Trần Thước mà nói, mức lương trên một nghìn thực sự không phải là nhiều. Cậu vốn đã có thể tìm được một công việc khác.

Nhưng dì cậu luôn nói rằng bà sinh ba cô con gái, về già sẽ không có ai quan tâm, nên bà phải tự kiếm đủ tiền hưu khi còn có thể. Trần Thước vì vậy bị ràng buộc phải làm việc đây trong vài năm.

"Người một nhà sao lại nói lời hai nhà*?" Cuối tháng, dì sẽ nở một cười đầy tự trách với Trần Thước.

*Nhất gia nhân bất thuyết lưỡng gia thoại (一家人不说两家话): người trong cùng một nhà thì không nên nói lời khách khí như người ngoài.

"Tiểu Thước, cái gì của dì cũng là của con – nếu con ăn ở tiệm chúng ta, làm việc ở tiệm chúng ta hoặc được trả tiền, đây đều là tiền tiêu vặt dì cho con! Hãy giữ lấy."

Trần Thạc cầm túi giấy xếp thành một chồng mỏng.

1000 tệ, nếu là tiền lương thì đương nhiên được xem là số tiền nhỏ, nhưng nếu coi là tiền tiêu vặt cho hậu bối, thì lại là chuyện khác.

"Mày tin bà ta sao? Bà ta cũng chỉ là lão cáo già biết tính toán mà thôi!" Trần Vũ phàn nàn với em trai hắn.

"Bà cô già này, chị của bà ta mỗi tháng đều gửi cho bà ta mấy vạn. Dù bà ta có thành người thực vật cũng sẽ có kiệu xe đưa đón, đến lúc đó bà ta còn quan tâm mày không?"

"Đủ rồi..." Trần Thước không dám nhìn anh trai, "Hai người chúng ta cũng không tiêu bao nhiêu tiền."

"Mày nói nhảm cái gì vậy?" Trần Vũ chỉ hận rèn sắt không thành thép, "Mày hiện tại độc thân, cả nhà ăn no, đương nhiên là thấy đủ. Còn sau này lấy vợ thì sao? Đã lớn đầu rồi mà không biết suy nghĩ gì cả..."

Hắn đánh mạnh lên đùi mình, muốn đến đòi công bằng cho em trai – làm sao một người có thể đối xấu như vậy với cháu mình được chứ? Một người đã đãng trí, thì cho dù có đặt tiền vào gối cũng không thể ấp ra một con gà được.

Bà dì đang sơn móng chân, lúc hắn đến chỉ khẽ liếc nhìn rồi nói rằng Trần Thước mỗi ngày ăn không ít, sắp cạn kiệt đồ ăn nhà bà rồi. Nhưng thứ bọn họ ăn cũng không phải đặc sản núi rừng gì, nên thôi cũng chẳng sao.

Trần Vũ nhìn mái tóc vừa uốn về của bà, sau đó lại nhìn mái đầu bù đẫm mồ hôi của Trần Thước, hắn tức giận đến mức để lại mấy trăm tệ rồi bỏ đi.

"Không phải bà ta nói mày ăn đồ nhà bà ta sao? Mấy trăm tệ này là tiền ăn tháng này của mày, ngày mai còn đến nữa thì là cún!"

Trần Thước rời khỏi cửa hàng, cúi đầu hỏi anh trai: "Còn lời bố dặn thì sao?"

Bố của họ đã qua đời, trước khi mất, ông dặn họ hãy chăm sóc thật tốt người dì góa chồng từ sớm, nhà bà không có con trai. Nếu không vì chuyện này, Trần Thước đã theo thầy cậu đi nhảy từ năm mười bốn tuổi, chứ sao lại làm cu li ở một nơi như thế này.

"Anh không biết!" Trần Vũ rất tức giận, "Người cũng đã hóa thành tro, mày còn quan tâm ông ấy nói gì làm gì?"

Đối với một người như Trần Thước, ngay cả khi hai trăm năm mươi tuổi, bị người ta lừa chết cũng vẫn là một con ma lương thiện.

Mấy cuộc cãi vã như vậy đã xảy ra nhiều lần nhưng Trần Thước cuối cùng vẫn ở lại quán của dì. Một thanh niên độ hai mươi, tay chân nhanh nhẹn, có thể trèo lên cao lắp đèn, cũng có thể nằm xuống sửa ống nước, một người lại có thể làm việc của nhiều người.

Hàng xóm thích nhìn cậu làm việc, ở nhà có rau nhưng không nấu, lại đặc biệt đến đây ăn, có mấy cô gái đưa mã QR của mình làm mã thanh toán, để cậu quét Wechat, thế nhưng bọn họ không phải thực sự muốn thêm cậu, họ chỉ là muốn nhìn xem phản ứng của Trần Thước khi phát hiện sẽ như thế nào. Loại thú vui này, không khác gì mấy trò của yêu tinh trong Tây Du Ký thích trêu chọc Đường Tăng.

Có một điều người dì kia nói đúng – sức ăn của Trần Thước không tầm thường. Buổi sáng ăn một bát bún lớn, trưa lại ăn một món thịt và một món rau, vẫn có thể gặm thêm ba cái bánh bao, 9 giờ tối sau khi đóng cửa, lại đem ba gói mì đi nấu, ăn xong vài giờ trước khi đi ngủ lại thấy đói.

Ở quê bọn họ thường có câu: Phụ nữ biết ăn biết đẻ; đàn ông biết ăn biết làm.

Khi học lớp năm, Trần Vũ đã biết câu này có nghĩa là gì. Khi mấy tên con trai tụ tập với nhau để nói mấy chuyện tục tĩu, Trần Vũ lúc đó mặt chỉ lạnh lùng và mắng chúng là những kẻ xấu tính.

Còn Trần Thước thì sao?

Cậu chưa bao giờ hiểu được câu nói đó là gì và chỉ nghĩ "biết làm" có nghĩa khi lớn sẽ làm nên chuyện.

Trần Vũ mới đi làm, thường xuyên phải làm ca đêm, Trần Thước sẽ nấu mì cho hắn, mì được nấu cùng nước sốt sệt đỏ, sau đó sẽ cho vào hộp giữ nhiệt để mang đến đơn vị.

Trần Vũ vừa ăn mì vừa xem hồ sơ vụ án, Trần Thước trong lúc đợi hắn đã chợp mắt rồi vô tình ngủ quên trên ghế sô pha của Cục Cảnh sát. Những người không biết đều cho rằng cậu là một chủ hàng rong đáng thương, hàng quán bị quản lý thành phố tịch thu.

Căn phòng tối om, một luồng sáng trắng chiếu lên khuôn mặt người đàn ông, khiến đôi mắt hắn sáng hơn và lông mày cũng sậm màu hơn, làm hắn nhìn còn soái hơn cả ngôi sao điện ảnh Hồng Kông.

Trần Vũ dường như đang trò chuyện với ai đó, đầu ngón tay đang gõ bàn phím với tốc độ không chậm, lại đột nhiên mỉm cười.

Trần Thước không biết chuyện gì: "Anh?"

Hai anh em nhìn nhau, Trần Vũ mất tự nhiên, nhét điện thoại vào túi: "Đứng dậy, về nhà ngủ đi. Anh đi trực, tiện đường đưa mày về."

Sau khi lên xe cảnh sát, Trần Thước hỏi hắn vừa nói chuyện với ai. Trần Vũ cười nói: "Chú Ngô, chú ấy nói muốn giới thiệu cháu gái cho anh. Lão già này không chết, ngày nào cũng muốn đi làm mai làm mối."

Trần Thước chỉ cười. Miệng anh cậu quá độc.

"Mày muốn không?" Trần Vũ hỏi, "Mua một tặng một."

"Em không cần." Trần Thước lắc đầu.

Tình yêu đối với cậu là một khái niệm mơ hồ, thiêng liêng và huyền bí như cái hố không đáy bên bờ biển Argos, Hy Lạp.

Trần Vũ có duyên với phụ nữ hơn cậu. Vì sao lại nói thế? Dù là anh em song sinh nhưng cậu luôn nghĩ anh trai soái hơn mình.

Trần Thước từng nhỏ đã bị anh trai áp chế, nên rất phục tùng người kia, dần dà đã thành thói quen.

Trần Vũ luôn rất sắc bén – Chưa đến Hoàng Hà chưa bằng lòng, chưa đụng tường Nam chưa quay đầu*.

*Bất đáo Hoàng Hà tâm bất tử, bất tràng nam tường bất hồi đầu (不到黄河心不死,不撞南墙誓不休): ý chỉ người cố chấp, quyết tâm đến cùng.

Lúc đến nhà, Trần Vũ nói: "Yên tâm, cho dù anh có chị dâu, cũng sẽ không bỏ rơi mày. Công việc anh đã hỏi rồi, sau Tết Nguyên đán thì đến Hàng Châu."

Trần Thước gật đầu, đột nhiên hỏi hắn nếu có chị dâu, hắn có mang người kia về nhà sống cùng không? Cậu sống ở đây có bất tiện không?

"Chuyện còn chưa gì cả, mày đã sốt ruột vậy rồi à?" Trần Vũ buồn cười. Ngay cả khi mọi việc thật sự suôn sẻ thì hắn cũng không có lý do gì sống cùng người kia chỉ sau hai ba ngày hẹn hò.

Em trai hắn nếu không phải là quá thật thà sao?

Mọi chuyện còn chưa có dấu hiệu gì cả, Trần Thước đã nghĩ đến việc tránh né.

Hai người sau đó tạm biệt, Trần Vũ cả đêm không về nhà, ngày hôm sau lại liên lạc với cậu vì Trần Thước bị dì mắng.

Lúc Trần Vũ gọi điện, em trai hắn đang buồn bực trước chậu rửa bát lớn.

"Chuyện gì vậy? Bà ta vẫn muốn gây rối phải không?" Trần Vũ nhai bánh mì và ngồi xổm trước cửa nhà nghi phạm.

"Anh đã nói mày mau nghỉ việc này rồi về nhà nghỉ ngơi vài ngày. Chẳng bao lâu nữa đã đi nơi khác, hà cớ gì phải chịu sự khó chịu của bà ta..."

"Không cần đâu, anh, nếu em đi, ở quán chỉ còn một mình dì." Trần Thước lau mồ hôi, "Mấy ngày nay tốt nhất em vẫn nên làm xong việc."

Cậu bị mắng vì mua sai thực phẩm.

Dì bảo cậu đi chợ mua rau và thịt lợn ở cửa hàng ở cổng phía tây. Thế nhưng Trần Thước cảm thấy thịt ở cửa hàng đó không tươi, đến gần ngửi còn nghe được mùi chua, vậy nên mới bán rẻ. Sau một thời gian đấu tranh, cậu chọn mua thịt tươi đắt tiền hơn, vì vậy đã vượt quá ngân sách.

Lúc trở lại cửa hàng, dì tức giận và bảo một nhân viên khác đi mua thịt hư rẻ tiền hơn. Dù sao bọn họ cũng băm nhỏ thịt làm nhân xíu mại, vị thịt vốn chẳng bao nhiêu.

"Bà ta không phải là đang lừa người sao? Bà ta không sợ làm hỏng dạ dày người ta à!" Trần Vũ tức giận nói.

"Với số tiền kiếm được mỗi thàng, bà ta cho vàng vào xíu mại còn được! Có hai lạng thịt cũng keo kiệt... Đúng là của cải của địa chủ đều được làm ra bằng cách đào tiền chúng ta."

Trần Thước bất lực nhìn món xíu mại lần lượt được bán hết, trong lòng càng cảm thấy khó chịu. Cậu tắt máy và dảnh cả buổi sáng để rửa bát ở sau bếp.

Cậu chưa bao giờ làm chuyện trái với lương tâm trong cuộc đời mình.

Cậu không phải kẻ mưu mô, bản thân thà bị trừng phạt còn hơn trở thành kẻ xấu. Khi còn nhỏ, cậu đã trộm giày thể thao của anh trai, nhưng chỉ vừa đi khỏi nhà được năm mươi mét, trong lòng Trần Thước đã cảm thấy không yên. Thế là cậu vội vã chạy về nhà rồi thay giày. Chuyện đó cũng không ai phát hiện.

Cậu rất thích đôi giày thể thao đó nhưng đó là phần thưởng anh trai nhận được khi đạt hai trăm điểm trong bài kiểm tra.

Từ khi còn nhỏ, những điều tốt đẹp và những thứ tốt nhất, cậu chưa bao giờ có được.

02.

Chuyện sau đó đúng như dự đoán của Trần Vũ – sáng sớm hôm sau, có người đau bụng và đến gây rối.

Trần Thước lúc đó đang lau bàn, trở thành người đầu tiên bị tóm. Đối phương mắng cậu một trận thê thảm, nhưng cậu chỉ ngây người đứng đó chịu trận, thậm chí còn không thèm giải thích, tiếng động càng lúc càng lớn, khiến người dì chú ý.

Để tránh mọi việc tệ hơn, dì của cậu đã kêu Trần Thước theo người kia đến bệnh viện và nói với cậu rằng dù có phải trả viện phí thì cũng phải nói rằng đó là phí quan tâm từ cửa hàng để chia sẻ một phần cho họ chứ không phải là tiền đền bù cho việc người kia bị ngộ độc.

Trần Thước gật đầu và đi theo, không ngờ người lương thiện đi đến đâu cũng bị bắt nạt, khi nhìn thấy kết quả chuẩn đoán nói hệ vi khuẩn đường ruột vượt quá mức cân bằng, đối phương lại đòi cậu mười ngàn tệ.

"Cô à, cô có phải quá khoa trương rồi không..." Trần Thước có chút hoảng hốt, cậu muốn gọi điện thoại cho dì, nhưng không ngờ đối phương nắm thóp trước, nói đồ ăn của họ không sạch sẽ rồi lại hỏi cậu có phải muốn trốn tránh trách nhiệm có phải không?

"Viêm dạ dày cấp tính, sắp khỏi rồi - Nhiều nhất chỉ phải uống thuốc mấy ngày thôi. Bà muốn mười ngàn à? Ruột với dạ dày bà đều làm bằng vàng sao?"

Trần Thước nghe vậy liền ngẩng đầu, cậu nhìn thấy một bác sĩ đang nhìn người khách kia với nụ cười và giọng nói châm chọc.

Anh nhẹ nhàng bước tới, lấy kết quả chuẩn đoán trong tay người kia, rồi đưa đến trước mặt để cậu xem, động tác nhanh đến mức không ai kịp phản ứng.

Trần Thước sửng sốt. Vị bác sĩ này không chỉ đến giúp đỡ mà anh ấy còn nói những điều giống hệt anh trai cậu.

Sau khi ăn món xíu mại bọc vàng, bụng người kia hẳn cũng hóa vàng.

Suy luận như thế có vẻ rất hợp lý.

Người gây rối không chịu nghe, đối phương liên tục nói mấy thứ vô nghĩa, nhưng đều bị vị bác sĩ nọ vặn lại, lời nói của anh sắt như dao, từng câu từng chữ đều mang lực sát thương.

Cuối cùng, người kia thất vọng bỏ cuộc và được y tá đưa đi truyền dịch. Trần Thước đứng đó thấy vị bác sĩ nọ đang nhìn mình, ánh mắt anh lạnh lùng nhưng sáng như ánh trăng, có chút đồng tình, cũng có chút trách móc.

Trần Thước nhìn thấy anh trong lòng không khỏi run lên, cậu vừa định nói gì đó thì nhìn thấy bác sĩ vỗ vai mình: "Quầy thanh toán ở bên kia."

"A, cảm ơn anh."

Trần Thước nhìn hàng dài người xếp hàng trước các quầy thanh toán. Nhiều người đã chứng kiến trò hề mà cậu là nhân vật chính bị tống tiền, bọn họ đang không ngừng xì xào bàn tán.

Lúc cậu nhìn lại, vị bác sĩ nọ đã rời đi. Bước chân của anh nhẹ nhàng, tựa như một chú mèo tuyết trắng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro