9. Đình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

11/10/2020
--------------

- Ấy ơi! Điện thoại không có sạc đâu nghen, mà có thông báo hay cuộc gọi nhỡ gì đó, chớp chớp hoài kìa!

Chiến thay quần áo xong, vẫn tỏ ra bình thường, nói chuyện với Bác. Người kia không thoải mái lắm, ậm ừ cho qua chuyện, nhưng lại chú ý một điều khác. Chiến gọi Nhất Bác là "Ấy ơi!"

Trời ơi dễ thương!

Bác lấy điện thoại, lướt nhanh qua mấy cuộc gọi nhỡ coi như không thấy, đọc hết cả tin nhắn, nhưng không trả lời.

- Ăn cơm!

Suốt bữa cơm trưa, Chiến cứ lâu lâu lại nhìn Bác một cái. Hôm nay Bác thật lạ.

- Sao vậy? Thấy sắc mặt hơi kém nha. Có sao hông?

Bác lắc đầu, quay mặt vào tường. Giấc ngủ trưa hôm nay cứ chập chờn trong mộng mị.

********

Trên đảo Lớn có nhiều đình, là nơi thờ thần biển, thần nông và các vị tiền hiền từ thời mở đất.

Bác theo Chiến đến đình làng An Hải. Đình này thờ thần Nông, là vị thần cai quản nghề nông vì người dân ở đây hầu như đều trồng hành tỏi. Còn ở những làng chuyên đi biển thì thờ cá Ông, thờ thần Nam Hải. Đa số đình trên đảo đều được xâu dựng theo hình chữ Tam, gồm ba gian nhà theo tuần tự thượng - trung - hạ với những hoa văn chạm trổ, điêu khắc mang đậm dấu ấn của một thời hưng thịnh.

Bác giơ máy ảnh lên, hết sức cẩn thận ghi lại tất cả những điểm đặc sắc trên các bức hoành phi, cột nhà, bệ đá trong đình. Ngôi đình xây trên nền đá, niên đại đã mấy trăm năm, những sớ gỗ trên cửa, những bao lam xung quanh đều đã nhuốm màu thời gian. Dẫu vậy, ngôi đình vẫn sừng sững nhìn ra biển, mang trong mình bao nhiêu hy vọng, tin tưởng của người dân trong làng.

- Đẹp quá!

Bác từ đầu đến cuối chỉ có thể thốt lên hai từ ấy khi đứng từ cửa đình nhìn ra biển. Bầu trời trong xanh, điểm vài đám mây xốp trắng bồng bềnh, mặt nước biển xanh chàm long lanh ánh bạc. Gió thổi mạnh, không gian rộng mở cực hạn. Bác vươn tay lên, cảm nhận sự đãi ngộ của thiên nhiên bằng những luồng gió đậm nồng hương vị biển.

Chiến rủ Bác ngồi xuống bậc đá dưới gốc một cây đa, giới thiệu:

- Đình làng này là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ cầu ngư, lễ giỗ các vị tiền nhân đã có công lập làng. Ở đây còn có lễ đua thuyền tứ linh, có hội dồi bòng nữa.

Bác nghe tiếng địa phương rõ hơn rồi nhưng vẫn không nghe kịp được tên của lễ hội cuối cùng, nghĩ mãi không ra.

- Hội gì?

- Hội dồi bòng! Dồi là ném á, từ này cũ rồi, tiếng cổ. Từ này bây giờ chỉ có mấy ông bà già dùng, thanh niên bây giờ do giao thoa văn hóa vùng miền nên không dùng nữa. Bòng là trái cùng họ với trái bưởi á, không phải là trái bòng gáo đâu.

- Chơi như thế nào?

- Ông trưởng làng cúng bái một lúc rồi thỉnh trái bòng trên bàn thờ xuống, tung lên rồi cho bọn thanh niên bắt lấy, giành giật nhau bầm dập á. Nhưng mà vui! Ý nghĩa là cầu mặt trời, vì trái bòng hình cầu, dạng như mặt trời. Người đi biển chỉ mong trời nắng, không mưa không bão, cũng mong cho lứa thanh niên khỏe mạnh cường tráng, tiếp tục theo chân ông cha mình, giữ lấy cái nghề truyền thống.

Bác gật đầu. Đúng là đi du lịch là phải kẹp nách một thanh niên người địa phương mà xách theo như thế này này!

Những chuyện không vui đã bị gió biển thổi bay, Bác tạm thời dùng tâm trạng hồ hởi theo Chiến đến một địa điểm khác.

Chiến chạy xe, nhìn qua gương chiếu hậu quan sát Bác. Anh cứ thắc mắc hoài thái độ của Bác, cũng không biết là có nên hỏi thăm hay không.

- Qua giờ bị sao á? Thấy kiểu buồn buồn vậy?

Bác lắc đầu, tiếng cười thật nhẹ hòa cùng tiếng gió.

********

Hai người di chuyển trên con đường hẹp đầy nắng, ghé ngang qua miếu bà Thiên Y A Na. Miếu thờ thần nữ trong văn hóa Chăm pa, là nơi thờ tự tín ngưỡng lớn của người dân trên đảo. Miếu bà trong lòng cư dân trên đảo là chốn linh thiêng, hằng năm tổ chức rất nhiều nghi lễ theo tín ngưỡng dân gian.

- Đền thờ Bà Thiên Yana là công trình thể hiện sự giao thoa Việt - Chăm tiêu biểu không chỉ của đảo Lý Sơn nói riêng mà cả Việt Nam nói chung. Đền thờ thánh mẫu Thiên Y A Na hay còn gọi là Dinh bà trời, khu này ngày xưa hoang hóa hơn bây giờ, dân ở đây gọi là rừng Dinh, bởi vì trên đó có Dinh bà.

- Trên đảo có nhiều điểm giao văn hóa Việt Chăm quá nhỉ? Hôm trước tôi thấy có mấy ban thờ trong chùa Hang không giống kiến trúc Phật giáo.

- Ừm.

Điểm đến tiếp theo trong hành trình của hai người là đình làng An Vĩnh. Ngôi đình này có từ lâu đời, là cơ sở thờ tự và lưu giữ rất nhiều tài liệu về các gia tộc lâu đời trên đảo. Bác theo sự hướng dẫn của Chiến, cẩn thận thăm thú và đánh giá, tưởng tượng về một thời hùng tráng.

Bác cũng thật có duyên, lần đầu ghé thăm đình đã gặp được đội nghi lễ đến luyện tập. Bọn họ hình như có quen biết với Chiến, chào hỏi rất nhiệt tình.

- Dẫn khách hả mày?

- Dạ! Mấy chú với mấy anh tập hả?

- Ờ! Tập chớ để lâu quá mấy đứa nó quên hết.

Họ là một đội gồm khoảng hai mươi người, diện trang phục nhiều màu. Giữa sân xuất hiện mười hai cái mái chèo được sơn vẽ tỉ mỉ, có một con mắt, và mặt kia có xoáy âm dương. Bác chưa biết gì, cứ liên tục bấm máy tạch tạch.

- Đây là đoàn hát bả trạo của xã. Hát bả trạo là một loại hình diễn xướng dân gian của người dân vùng biển, còn gọi là hò hầu linh, hò cầu ngư.

- Bả trạo? Tôi đọc đúng chưa?"

- Ừ, bả trạo có nghĩa là cầm chắc mái chèo. Tui cũng không biết từ này là tiếng Việt hay tiếng Chăm, từ thời ông bà đã nghe gọi như vậy rồi.

- À~

Đoàn hát bả trạo xếp đội hình mười hai người, thành hai hàng song song, có thêm ba người mặc trang phục khác biệt hơn. Chiến nói ba người đó là tổng mũi, tổng khoang và tổng lái. Tổng mũi là người đứng ở mũi thuyền, điều khiển toàn bộ nhân lực trên thuyền, tổng khoang là người lo các việc hậu cần, tổng lái là người giữ vai trò chèo lái con thuyền. Tuy đây là hình thức diễn xướng thôi, nhưng vẫn tái hiện rất rõ những hình ảnh thực tế.

Tổng mũi lấy hơi, cất tiếng gọi lớn:

- Bả trạo ơi!

Đoàn người đáp lại:

- Dạ!

Tiếng hô vang như vọng lại từ biển rộng mênh mông. Lời ca lúc nhanh lúc chậm, những luyến láy, ngắt nhịp khéo léo tạo nên những giai điệu thật đặc biệt. Bác nghe không hiểu hết được, nhưng cũng biết thể loại này vừa là âm nhạc dân gian vừa mang yếu tố nghi thức tâm linh.

- Mấy chú đó hát hay quá à!

Chiến gật đầu tán thành. Các chú trung niên là thành viên chủ chốt của ban tế lễ ở các đình, cũng kiêm luôn đội nghi lễ. Các chú đang rất trăn trở về việc truyền lại các nghi thức này cho đời sau, trong tình hình là bọn trẻ bây giờ đa số đều xa quê hết.

*********

- Giờ muốn đi đâu nữa hông?

Bác hôm nay không có tâm trạng lắm. Cậu đứng trước cổng đình, nhìn ánh nắng chiều đã bắt đầu dịu xuống thật lâu.

- Ra biển.

Chiến gãi đầu:

- Mai đi đảo bé rồi, nay ra biển chi nữa?

- Đảo bé để từ từ. Nhà anh chuẩn bị thu hành đúng không? Tôi ở lại mấy bữa nữa.

Bác cười tươi tắn, vui vẻ đi trước ra đến chỗ dựng xe máy. Họ chạy dọc những con đường nhỏ, hai bên có những ruộng hành tỏi bây giờ chỉ còn cát trắng. Nắng chiều ngả bóng, hai dáng người nghiêng nghiêng trải dài trên đất.

Bác chạy xe về phía hang Câu, im lặng không nói gì. Cậu ngồi trên dải đá nham thạch đen, nhìn từng đàn hải âu bay theo những con thuyền ngoài xa.

- Nay sao vậy? Thấy không có tinh thần gì hết!

Bác ngả người ra sau, đưa chân xuống khuấy nước tung bọt trắng. Cậu cười nhếch miệng, chỉ chuyên tâm nhìn bầu trời chứ không đáp.

Chiến hỏi hai lần đều bị lảng tránh, quyết định không nhắc nữa.

- Anh có người yêu chưa?

- Hiện tại thì chưa.

Nhất Bác gật đầu.

- Đã từng yêu chưa?

- Rồi, lớn vầy mà chưa yêu sao được!

Cuộc trò chuyện rơi vào ngõ cụt. Bác không nói, Chiến cũng đành im luôn.

Hoàng hôn xuống, biển được nhuộm một lớp màu nửa vàng nửa tím. Bác từ nãy đến giờ đã từ chối không ít cuộc gọi từ một số điện thoại rất quen.

- Ở đây có bán hủ tiếu không?

- Có, ở ngoài cầu cảng. Ngán hải sản rồi hả?

- Không. Tự nhiên muốn ăn vậy à.

Chiến gật đầu tỏ ý mình đã hiểu, đôi mắt anh lại chú ý đến cuộc gọi nhỡ vừa mới bị Bác thẳng tay gạt tắt trên màn hình.

*********

Nhất Bác cứ ngồi mãi ở đó, tận lúc mặt trời khuất hẳn, xung quanh đã lên đèn mới chịu về. Cậu chạy xe chậm rãi, nghe cái gió về đêm dịu mát lướt qua, nghe luôn cả tiếng hát nho nhỏ của Chiến bên tai.

- Anh hát hay ghê!

- Hì hì!

Tắm rửa sạch sẽ, gọi về nhà nói chuyện vài câu xong, Bác lại theo Chiến ra cầu cảng. Hai người đi bộ, vừa đi vừa ngâm nga mấy câu hát không rõ ràng.

Xe hủ tiếu nhỏ đậu bên một góc đường vắng. Cô chủ thoăn thoắt bày biện, mang ra hai bát hủ tiếu nóng hổi. Bác với tay lấy lọ tương ớt, để thật nhiều vào bát của mình. Màu của nước dùng chả mấy chốc mà đổi sang màu đỏ sậm.

- Ăn nhiều ớt vậy?

- Thấy ngon.

Hai ngày nay Bác nói chuyện khá gọn, không hẳn là cộc cằn, mà là kiểu lười nói dài dòng.

- Bên kia bán gì á?

- Chè, trái cây, sinh tố các loại.

Bác đứng dậy, đi qua gọi hai chén chè bắp, hai cốc nước ép. Chiến trợn mắt không hiểu Bác ăn kiểu gì.

- Ăn gì mà dữ vậy cha nội?

- Cha nội nào? Cho kêu lại lần nữa!

Chiến cười trừ, quay sang xử lý chén chè. Bác ăn từng ngụm lớn, loáng một cái bát chè đã sạch veo.

Đồ ăn có thù hằn gì với Bác hả?

Xong bữa tối, hai thanh niên đi bộ ra cầu cảng. Đi bộ cảm giác khác hẳn với chạy xe máy, Bác cảm nhận rõ mùi vị biển cả, thấy rõ nụ cười của các cô chú đi thể dục ban đêm, và cũng thấy thật rõ khuôn mặt đẹp rất ôn hòa của Chiến.

Giá có thể ở đây cả đời thì tốt!

[...]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro