Levi x Erwin ; Sắc.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chú ý: Lấy ý tưởng, cảm hứng và bối cảnh từ cuộc chiến tranh giữa Mĩ và Việt Nam những năm 1945 đến năm 1975. Fic không bám sát lịch sử, không mang ý nhạo báng bất cứ cá nhân, tổ chức, quốc gia nào. Tất cả những tình tiết đều xuất phát từ trí tưởng tượng của tác giả.

Bảng tên:
- Levi Ackerman = (Lý) Duy.
- Hange Zoe = (Trần) Gừng.
- Eren Yeager = Diệp.
- Mikasa Ackerman = Mi.
- Armin Arlert = Mẫn.
- Jean Kirschtein = Trung.
- Marco Bott = Khang.
- Connie Springer = Lâm.
- Sasha Blouse = Tư.

-

Sột soạt.

Cánh rừng kêu. Những khóm cây chuyển động, những tán lá nghiêng ngả va vào nhau, những lớp mùn khô rơi lả tả xuống mặt đất cứng lạnh. Âm u từ đâu một thanh điệu vang vọng, chẳng rõ bắt nguồn chỗ nào, do con người hay thứ gì tạo ra, cũng chẳng hay biết gì về thứ tiếng ấy, không hình dung ra nổi phải miêu tả thế nào. Nắng trời ngoài kia rực rỡ đến chói mắt, vậy mà cũng chỉ hoá thành đốm sáng li ti vô tình rớt xuống cành khô nào, rồi vấn vương không nỡ rời.

Rừng là như thế, một sinh vật bí ẩn.

"Nhưng thế cũng có cái thú của riêng nó". Rừng nguy hiểm, bởi tối đen, đậm đặc và tịch mịch. Vẫn rừng, lại an toàn để che giấu những bí mật không thể để lộ, những điều chỉ được phép quanh quẩn trong lòng mình lẫn trong lòng thiên nhiên.

Và Lý Duy - hiện tại đây - là một trong những người hiểu rõ nhất về sự thật đó.

Mặc quân phục, trên vai cùng lưng còn phủ thêm vài lớp lá khô còn loáng thoáng xanh, anh giắt theo khẩu súng bên hông, chậm rãi hoà mình vào gam sắc khu rừng. Lý Duy cẩn trọng trong từng bước đi; đối với một người lính như anh, chỉ một tiếng động nhỏ cũng đủ quyết định nay sống hay bỏ mạng. Và dẫu rằng anh ngờ ngợ nhận biết được, ở quanh khu vực anh đang lén lút bây giờ chẳng có mống kẻ thù nào cần bị tiêu diệt, nhưng lồng ngực Lý Duy vẫn nghẹn lại, bức bối, tuyệt đối không cho phép anh buông lỏng cảnh giác.

Đến khi Lý Duy tìm thấy nơi mình đang hướng đến rồi, anh vẫn chưa một lần hạ bức tường phòng vệ xuống, bàn tay luôn giữ chặt lấy khẩu súng đeo bên hông mình. Anh dùng tay còn lại lần mò quanh các hốc cây, đôi mắt phảng phất tâm tư khó bày tỏ. Lý Duy có chút nóng vội, hàng lông mày chau lại một cách cáu bẳn, và dường như giới hạn của anh sắp bị phá vỡ. Cũng may, bàn tay của Lý Duy, lẫn ánh nhìn đau đáu nghiêm túc ấy, đã chạm được đến mục tiêu kiếm tìm của anh.

Một cái hang dưới lòng đất.

Hoặc, đúng hơn thì, nó là một cái hố.

Lý Duy cũng chẳng rõ phải gọi nó thế nào; anh chỉ nắm chắc trước kia, nơi này từng được sử dụng như một kho vũ khí, cho đến khi quân đội vô tình phát hiện ra số lượng súng đạn bị thiếu hụt trong một lần kiểm tra lại. Chắc mẩm có kẻ gian đã đột nhập được vào đây, ăn cắp súng, đạn dược cho mục tiêu xấu xa nào đó; tệ hơn, có khả năng kẻ ấy là do thám của bên đối địch. Vụ việc ấy ầm ĩ trong doanh trại khu vực này một thời gian ngắn, để rồi cuối cùng đội trưởng bắt quả tang thủ phạm là đám nhóc ở làng, táy máy nghịch ngợm, thấy ngầu thấy thích nên không rõ hậu quả mà tự tiện đem vũ khí về chơi.

Sau lần ấy, kho chuyển hẳn sang nơi khác. Quân đội cho rằng, đến cả lũ trẻ còn khám phá ra được, thì việc quân thù mò đến chỉ còn là bài toán thời gian.

Từ đó, cái hốc này vắng hoe, chẳng ai ghé đến, cũng chẳng ai tận dụng. Lý Duy thấy thế, cộng thêm việc chốn này nằm dưới gốc một cây cổ sâu tít trong khu rừng đằng sau làng, cùng với ý nghĩ chủ quan rằng nếu từng bị phát hiện một lần rồi, thì sau người ta sẽ ít để ý đến nó hơn, vậy nên anh đã chọn nó làm nơi trú ẩn cho riêng mình.

"Giờ cũng chẳng phải của riêng nữa." Lý Duy nghĩ thầm, tai vểnh lên theo tiếng động phát ra từ trong hốc cây. Anh gạt nhẹ mấy lớp lá lẫn cành khô chắn ngang lối ra vào, chỉ để một phần nhỏ ánh sáng lọt vào trong. Lý Duy nghiêng mình, ánh mắt xoáy lấy bóng tối dày cộm như một sự hiện diện cụ thể cầm nắm được bằng tay. Chút nắng vàng lơ phơ lất phất thoảng qua đôi đồng tử sẫm màu, và bắt lấy ánh nhìn anh là một sắc xanh biêng biếc tựa trời độ thu.

Một gã người Mỹ.

Phải, một gã người Mỹ giữa cuộc chiến này.

Gã ta chắn hai tay trước mặt, che đi phân nửa gương mặt góc cạnh điển trai. Lý Duy đứng trầm ngâm bên trên hố một lúc, trước khi nhảy xuống mặt đất bên dưới. Quần áo lấm bùn đất hết cả, mà cũng không vấn đề gì, dẫu sao nó vốn bẩn thỉu sẵn rồi, chẳng trông ra cái màu xanh rêu đặc trưng của đồng phục bộ đội cụ Hồ nữa. Nhưng chính ra, Lý Duy lại thích gam sắc mờ nhoè, đốm nâu đốm xanh như thế này. Đấy là biểu trưng cho hành trình vất vả đã kéo dài mấy chục năm, và vẫn còn tiếp diễn đến sau này, cho đến khi lá cờ Việt Nam giương cao trên thế giới.

Lý Duy thôi những suy tư vụn vặt ấy đi, để tập trung vào gã đàn ông đối diện. Cái hố không bé, thừa chỗ cho hai thằng trai ngồi ẩn nấp. Lý Duy dựa lưng vào bề mặt đất dựng đứng, dù đã thả lỏng thân thể phần nào, vẫn kiên quyết không hạ thấp phòng ngự của bản thân. Anh hướng mắt về phía tên lính Mỹ - gã người Tây ăn bận y chang lũ lính ở phe đối địch. Bên hông gã còn đeo theo bao súng, giấu trong đó một khẩu đã hết đạn. Quân phục gã cũng lấm lem, nhưng nhòm vẫn còn sạch sẽ chán so với anh.

Lý Duy thở dài, ngẫm lại sao anh lại vác gã Tây vừa to vừa thô này về đây chứ nhỉ. Hồi ức về hai tháng trước dạt về tâm trí anh, mở ra lại cảnh tượng về ngày hôm ấy, cái ngày Lý Duy bất ngờ bắt gặp tên lính kia đang hấp hối ngay bên trên mép hố trú ẩn của anh.

Ban đầu, thứ duy nhất lòng Lý Duy cảm nhận được là nỗi phiền phức. Anh chưa bao giờ ngần ngại tiễn một tên Mỹ về với Chúa của gã, nên lẽ ra anh đã dự định rút súng, đưa người đàn ông đi kia một đoạn đường. Tệ hại một điểm, đạn không thể uổng phí dễ dàng như thế, cho một sinh mệnh sẽ sớm lụi tàn; hơn nữa, gã ngã đâu không ngã, ngã trúng chốn nghỉ của anh, còn gần làng nữa, mấy đứa trẻ hay dạo chơi loanh quanh bìa rừng, lỡ chúng nó nghe thấy tiếng nổ thì toi.

Lý Duy đành lôi tên lính Tây xuống hố. Anh không chữa thương gì, cũng chẳng có dụng cụ y tế để chữa thương, cứ để mặc gã nằm gọn một góc, bao giờ chết thì chết. Lý Duy không phải lúc nào cũng mò ra được cái hốc này; chỉ khi kiệt quệ quá, không muốn ai tìm đến mình, anh mới dành thời gian cho nơi trống vắng này. Thành ra, tình trạng người đàn ông tóc vàng hoe kia ra sao, Lý Duy không hề biết.

Sau lần đầu gặp mặt ấy - cũng không rõ có nên tính là một lần gặp mặt hay không, bởi chỉ có anh nhận ra gã đương lúc ngất xỉu, còn gã chưa chắc đã phát hiện ra sự tồn tại của anh - Lý Duy không hề quay lại hốc cây đó suốt hai tuần. Ngày hoàn thành nhiệm vụ, anh trở về làng, nhưng bao mệt mỏi quấy nhiễu tâm lý lẫn thân thể khiến anh không có nhã hứng tay bắt mặt mừng với người dân, nên Lý Duy âm thầm lẻn vào rừng. Khi bước chân anh dừng ngay trên lối xuống hố, Lý Duy chợt nhớ ra dưới này còn có một cái xác người.

"Chết tiệt." Lý Duy thở dài. Cậu lính trẻ ngồi sụp xuống quanh rìa lớp lá lấp trên miệng hố, đắn đo không biết có nên nhảy xuống hay không. Lỡ tên đó chết rồi, cái xác đang tiêu huỷ, đống giòi bầy nhầy lúc nhúc dưới đấy thì ghê rợn người. Lý Duy bắt buộc phải bỏ nơi này nếu trường hợp ấy xảy đến.

Lý Duy nhẹ nhàng nhấc lớp lá bên trên lên, và nhận ra không hề có mùi thối rữa nào. Anh lại lặng lẽ úp đống lá xuống, càng phân vân hơn về lựa chọn xuống hoặc không. Chưa có mùi, tức gã kia chưa chết. Chưa chết, nghĩa là vẫn sống. Mà vẫn sống, suy ra anh sẽ phải đối mặt với gã. Giả sử gã có súng, hai người phải đấu một trận, người còn kẻ mất, đánh động đến cả dân làng ngoài rừng. Giả sử gã mất súng, súng hết đạn, gã chưa chắc đã chịu ngồi yên. Không có vũ khí thì mình vật tay đôi. Mà giả sử gã chịu yên thật, anh vẫn phải tốn thời gian giải thích tình huống cho gã. Nhưng, hai người có hiểu ngôn ngữ của nhau đâu...

"Mẹ nó, phiền vãi."

Lý Duy lầm bầm chửi. Rốt cuộc, anh vẫn quyết định chui tọt xuống hố. Trái ngược hoàn toàn với tất cả khả năng anh vừa nêu ra, gã lính Tây im ắng nhìn anh, và cũng không có vẻ gì khó hiểu với tình huống hiện tại.

Thế cũng hay, đỡ nhọc. Lý Duy gác một chân, tựa lưng vào tường đất, mắt đăm đăm quan sát gã đàn ông trước mặt. Gã cũng làm như thế, cũng lặng thầm đánh giá cậu trai nhỏ gầy trong bộ quân phục đối diện gã; chỉ khác, gã ngồi ngay ngắn hơn, và có chút co quắp lại, vì vết thương bên sườn vẫn còn chưa được băng bó cho tử tế. Máu thấm qua lớp vải thô cứng, tang thương đượm sắc đỏ trên nền xanh bộ đội, quần áo xộc xệch và mũ cũng lạc đâu mất tăm.

Đôi mắt hai người thăm thẳm cuốn hút nhau. Ánh nâu trầm trong đôi mắt đặc trưng của người châu Á phảng phất qua mặt hồ thu óng ả. Từng đường nét trên gương mặt đối phương đều được khắc hoạ lại vào tâm trí mỗi người, mà không ai trong họ hay chăng vết chạm ấy gắn chặt lấy cả con tim. Trông họ như một bức tranh hai miền đối lập, đáng ra sẽ chẳng có nổi khả năng liên quan đến nhau, vậy mà giờ đây lại tụ họp.

Hai gã lính trẻ cứ theo dõi nhau như thế, mãi đến khi Lý Duy kìm không đặng, liếc xuống vết thương nặng bên sườn người đàn ông kia. Anh chẳng còn lạ gì với những vết thương, máu me và xương xẩu, thậm chí có lần, Lý Duy còn tận mắt chứng kiến đồng đội mình bị bác sĩ cắt hẳn một bên chân. Thế mà, thu vào trong tầm mắt Lý Duy lúc ấy không chỉ cảnh tượng rõ ràng về một góc sườn đã khô lại, đỏ đen lẫn lộn, mà còn là chút rùng rợn khó diễn tả.

Chẳng nói chẳng rằng, Lý Duy đột ngột đứng dậy, trèo lên trên rồi đi về phía làng. Anh định âm thầm đột nhập vào nhà mình, trộm vài miếng bông băng với hộp thuốc y tế trước khi quay lại chỗ cũ. Người tính không bằng trời tính, con Gừng - bạn thân của Duy - cũng vừa về sau nhiệm vụ trước.

"Ô, Duy đấy à?"

Giọng Gừng chưa bao giờ nhỏ, khẳng định là chưa bao giờ nhỏ cho vừa ý Lý Duy. Đến giờ anh vẫn không hiểu, có phải bẩm sinh gia đình nó đã gắn loa vào trong miệng nó rồi hay không, mà lần nào nó nói chuyện cũng như sợ cả làng không nghe thấy. Bắt sóng được chị Gừng ngay lập tức, luôn là thằng Diệp - nỗi phiền không bé cho lắm, sống ngay sát nhà Gừng, cách nhà Duy vài ba bước chân.

Có thằng Diệp, sẽ có con Mi.

Có con Mi, sẽ có thằng Mẫn.

Có thằng Mẫn, sẽ có thằng Trung.

Có thằng Trung, sẽ có thằng Khang.

Có thêm thằng Lâm cuối làng với con Tư đầu làng nữa là đủ bộ.

Cái "âm thầm" trong kế hoạch của Lý Duy vỡ nát, chỉ vì sự có mặt bất ngờ của Trần Gừng. Anh bỏ ngoài tai mấy tiếng léo nhéo như: "Anh Duy về rồi à?", "Anh Duy về bao giờ đấy?", "Anh Duy ơi trên chiến khu có gì ngon không? Chị Gừng vừa mang kẹo về phát nè." Lý Duy tập trung vào công việc của mình, lấy đồ rồi đi, chỉ thế.

"Ô, bạn không định chào bọn tôi một tiếng à? Người cùng làng gì mà kì cục." Gừng trêu chọc Duy mấy câu, cốt yếu chỉ để giữ cậu bạn thân này lại cho đám nhóc nhì nhèo. Cả làng có mỗi hai đứa trạc tuổi, cùng đi lính, hai đơn vị cách nhau không xa, lần nào về cũng vô tình trùng lịch. Thế mà cậu ta luôn trốn mấy vụ dân làng mời rượu, hoặc đám trẻ bâu lấy đòi hỏi, ném hết sang cho cô, khiến cô mỗi đợt về còn mệt hơn cả ở chiến khu.

"Chào." Và Duy quay lưng bỏ đi.

Lũ nhóc chưa từng hứng thú với Duy hơn Gừng, nên hiển nhiên, một lần nữa, Gừng lại vuột mất cơ hội lôi thằng bạn chìm chung. Trong lúc Duy chạy liền chân về phía rừng, Gừng tiếp tục kể mấy đứa nhỏ nghe chuyện trên đơn vị. Gừng lén liếc theo bóng lưng Duy khuất giữa đám cây cối trong rừng, tự hỏi tại sao anh lại gấp gáp tới vậy.

Duy quay lại khi gã Tây kia đã thiêm thiếp ngủ. Có vẻ niềm cô đơn lẫn nỗi mệt mỏi, cùng vết thương đã rút kha khá số lượng máu khỏi cơ thể, nom gã tiều tụy đến đáng thương. Duy lặng lẽ gỡ tay gã ra khỏi bụng, cho tiện băng bó lại nơi máu khô đóng vảy đen đặc ấy. Nhưng hệt bản năng đã được trui rèn qua cả quá trình gian khổ trong quân ngũ, gã đột ngột tỉnh giấc, chộp lấy cánh tay Duy, và ném cho anh một ánh mắt cảnh cáo, cũng loáng thoáng có chút tò mò anh đang muốn làm gì với gã.

Gã không nắm cánh tay anh quá chặt, vậy nên Duy dễ dàng hất ra. Anh chẳng biết có phải vì gã mất rất nhiều sức do vết thương này, hay gã - bằng cách nào anh không rõ - lờ mờ đoán ra được anh là người đã che giấu gã, thành ra gã không làm khó anh.

Duy tặc lưỡi, gãi đầu. Anh cảm giác như mình vừa rơi vào một cái hố nguy hiểm, đang lưng chừng giữa và vẫn chưa tìm được cách leo lên. "Thôi thì", đã lỡ rồi, anh nên tập trung vào vấn đề trước mắt thì hơn.

Duy giơ miếng băng gạc lên trước mắt gã Tây, để gã hiểu anh đang cố làm gì. Dường như bắt được tần sóng với Duy, gã ngồi im thật, mặc anh tùy ý xử lý vết thương trên cơ thể gã. Duy không rõ cách chữa trị đối với vết thương lớn thế này, cũng chỉ biết loanh quanh dán băng gạc vào, che đi cho đỡ khó coi.

"Lỡ có nhiễm trùng thì, kệ mẹ hắn. Đằng nào chả chết." Duy trộm nghĩ, trong lúc tay đang băng bó nốt miếng gạc cuối cùng.

Xong xuôi, anh lùi về chỗ mình hay ngồi, để mặc gã ở đấy. Gã nhìn chằm chằm vào vết thương đã được Duy băng bó, dù không cẩn thận lắm, nhưng vẫn khiến lòng gã ấm lên. Gã quan sát Duy như mọi lần, và cũng như những lần trước đó, gã lại phát hiện một điểm mới ở anh - ở anh, hay ở người châu Á nói chung, gã không đủ tự tin để phân định.

Vóc người anh nhỏ thó, thế mà vừa in trong bộ quân phục, cứ như dẫu cơ thể anh bé ra sao, anh cũng sinh ra để chiến đấu.

Gương mặt anh cọc cằn, trông như thể vô tâm vô tính, vậy nhưng lại tỉ mẩn băng bó cho gã, mặc dù hai người hai đầu chiến tuyến đối địch nhau.

Gã cứ tưởng anh đi khỏi đây, để mặc gã đơn độc chết dưới hố này. Hoá ra anh đi tìm kiếm băng gạc, giúp vết thương của gã đỡ tồi tệ đi phần nào.

"Thank you" (Cảm ơn). Gã nói, giọng trầm và êm dịu, nhưng trong không gian nhỏ bé này, âm thanh từ gã dễ dàng vang vọng.

Lý Duy giật mình đôi chút. Đầu não anh nhất thời không xử lý được câu nói vừa rồi. Anh và gã vốn dĩ không cùng dân tộc, hiển nhiên sẽ không chung ngôn ngữ. Vả lại, đương thời chiến khắc nghiệt này, thêm cảnh gia đình khốn khó nghèo khổ, Duy không có mấy kiến thức, chỉ toàn vụn vặt học lỏm. Cho nên, tự nhiên nghe được một lời từ người ở đằng bên kia thế giới, Duy không cả hiểu ý nghĩa câu nói ấy, nói gì đến trả lời.

Duy mơ hồ nhớ lại vài mảnh kiến thức được truyền tụ lại qua mấy thế hệ anh em trong quân đội. Vài từ tiếng Anh bập bẹ, thông dụng, hay gặp trên chiến trường nhất, chỉ để hiểu lũ địch kia nói gì, và để mình giao tiếp với chúng nó. "Hình như thằng cha kia vừa nói cái gì thanh thanh ấy, thanh kiu à?", Duy vắt óc hình dung lại mấy câu từ tiếng Anh được đồng đội dạy cho.

"À, à. Hắn nói cảm ơn thì phải?" Duy ngộ ra, rồi lại không chắc chắn về suy nghĩ của mình. "Đúng không ta?"

Duy chưa từng nghi ngờ điều gì về bản thân, ngoại trừ kiến thức. Anh gãi đầu, mò lại giữa đống ký ức ngổn ngang xem có cái nào hữu dụng hay không. "Mẹ nó, đi đánh nhau, học mấy thứ này để làm gì." Duy bất chợt nghĩ tới, anh vẫn chưa biết tên gã, hỏi gã thế cho qua chuyện đi, chứ cứ ngấp ngứ ở đoạn này mãi thì biết bao giờ hết suy tư.

"Tên trong tiếng Anh là gì ý nhỉ?"

Trong lúc Duy đang vật lộn để hồi tưởng lại kiến thức đã được dạy, gã Tây lại tưởng anh không để tâm đến gã, bởi khuôn mặt anh chẳng lộ ra biểu cảm nào. Chắc mẩm anh không muốn giao du với mình, gã yên lặng dựa lưng vào tường đất nghỉ ngơi, lòng hơi chạnh.

Đương khi đang để tâm trí chìm vào thế giới riêng, gã nghe được Duy hỏi: "Nêm?" (Name). Gã ngớ người, không ngờ Duy lại bắt chuyện với mình. Mà, chính gã cũng từng không nghĩ bản thân sẽ mở lời với anh. Gã chậm rãi đáp lại: "Erwin."

Nhận được câu trả lời như ý muốn, Lý Duy vừa mừng rỡ vì mình không áp dụng sai kiến thức, vừa - một cảm xúc lạ lẫm dấy lên trong anh, Lý Duy cũng chẳng biết lý giải nó thế nào, dẫu sao anh vốn không phải người có học đàng hoàng. Chỉ là, Duy cảm thấy dường như cái tên này rất hợp với gã, mặc dù đây là cái tên Tây đầu tiên anh được nghe.

"Ơ-ru-uyn" - tên gọi của mặt hồ xanh rờn ấy.

*

Vài tháng lững lờ trôi. Lý Duy lẫn Erwin vẫn cứ duy trì với nhau như thế. Gã nhận ra tên lính Việt này chẳng biết chữ tiếng Anh nào cả, và gã cũng không rõ bất cứ từ tiếng Việt nào, thế nên hai người dùng ngôn ngữ cơ thể trò chuyện với nhau, hoặc ú ú ớ ớ, hiểu thì hiểu, không hiểu thì thôi. Thế mà gã nắm được kha khá thông tin về Lý Duy chứ đùa.

Không hay liệu có phải do tiếng nói bình thường không chạm được đến nhau không, Erwin và Lý Duy đã trở thành một mối quan hệ mà chỉ một ánh mắt lướt ngang qua nhau cũng đủ để dò được suy nghĩ của đối phương, cả tâm trạng được chôn sâu trong lòng. Càng gắn bó với cậu trai người Việt ấy, Erwin càng ngẫm, giả như gã không sinh ra là người Mỹ, giả như Lý Duy không phải người An Nam, giả như hai người không xuất hiện ở thời đại này, lỡ đâu...

Đằng sau cái "lỡ đâu" ấy, là những điều mãi mãi tồn đọng trong tưởng tượng hư vô.

Mỗi lần dõi theo từng biểu cảm, từng cử chỉ của Lý Duy, Erwin lại thấy bản thân mình thật lạ. Gã chắc chắn, lồng ngực gã không nên rối loạn như thế, cũng chắc chắn, nhịp đập này sẽ sớm lặng yên rồi trôi vào dĩ vãng. Gã tự hỏi, lý do cho mớ cảm xúc bòng bong trong gã bây giờ có chăng là tại Lý Duy đã cứu giúp gã?

Erwin nhận ra, ánh mắt gã bị cuốn hút vào mái tóc đen tuyền như trời đêm tĩnh lặng, lẫn đôi mắt sâu hoắm hệt hố đen quánh đặc. Gã là một trong những người biết rõ, rằng người châu Á ai ai cũng thế, cũng có đặc điểm kỳ bí như vậy, nhưng bằng cách nào, Erwin lại để tâm trí mình trôi theo bóng tối của Lý Duy, chứ không phải bất kỳ một dân phương Đông nào khác.

Nét yếu đuối mờ nhạt ẩn dưới vẻ ngoài gai góc ấy, một tâm hồn trống rỗng khi ngẫm về điều gì khác ngoài đấu tranh, tâm thái bình thản mỗi lần mường tượng về tương lai độc lập không có mình cùng hưởng. Có lẽ, ấy là những điều khiến Lý Duy mạnh mẽ, và có lẽ, ấy cũng là những điều khiến lính Đông Dương mạnh mẽ.

Ở cạnh Lý Duy, Erwin mới hiểu tại sao đối diện gã là tinh thần bất khuất, bất diệt đến như vậy.

Trong khi Erwin nhấn chìm bản thân dưới đầm lầy tư ngẫm vẩn vơ ấy, Lý Duy lại chầm chậm khảm vào lòng mình mỗi một ấn tượng anh có ở gã. Chẳng rõ vì sao, mỗi lần chia sẻ với Erwin chung một không gian bé nhỏ này, anh lại ngửi được vị nắng ấm xen lẫn hương muối mặn, trái ngược hẳn với mùi ẩm gắt tới khó chịu vào ngày đầu anh tìm thấy gã. Lý Duy - một người con của miền Bắc Tổ quốc - chưa bao giờ chứng kiến vẻ mĩ lệ của biển khơi, nên ban đầu anh đã ví von màu xanh xinh đẹp trong đôi mắt Erwin là nước hồ, hay bầu trời độ thu sang. Rồi, những lắng đọng dưới đáy ánh nhìn ấy, những sâu thẳm xoáy vào tâm can anh khiến Lý Duy ảo giác rằng dường như bầu trời, hoặc mặt hồ là quá nhẹ nhàng để miêu tả đôi mắt gã. Lý Duy không biết nữa, rốt cuộc sắc xanh biếc và hương muối ở Erwin là gì?

Từ quan sát một gã lính Tây, Lý Duy chuyển sang ngắm nhìn một người đàn ông bình thường, có mái tóc từ nắng đan lên, và có đôi mắt đẹp nhất anh từng thấy. Lý Duy đi tìm câu trả lời cho đôi mắt của Erwin trong chính ánh nhìn phảng phất xanh ấy. Một cảm giác dịu nhẹ êm ả, mà cũng cuồng nhiệt sâu lắng bám lấy Lý Duy mỗi khi anh chiêm ngưỡng nét đẹp của Erwin, tựa như chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật.

Lý Duy không hiểu về hội hoạ, và chưa từng có cơ hội tiếp xúc với hội hoạ bao giờ, nhưng nếu được hỏi nghệ thuật là gì, hẳn giờ anh sẽ trả lời thành thật hai tiếng: Erwin.

Một tác phẩm có bụi bặm và máu tanh, có bùn đất lấm bẩn, lẫn cả yên ả vương trên mái tóc, giấu sâu dưới đáy mắt xanh lam. Ấy, là Erwin trong tiềm thức Lý Duy.

Thời gian đi qua họ như thế, bình lặng, an nhiên, như thể chiến tranh bên ngoài chẳng liên quan tới họ, như thể cuộc tranh đấu ngoài kia xa xăm ở thế giới nghiệt ngã khác. Lý Duy vô thức coi chốn hẹp nơi có gã Tây này là nhà, còn Erwin lại vô thức ngóng chờ một bóng hình châu Á nhỏ con lấp ló hiện ra sau lớp lá chắn ngang lối vào.

Lý Duy dự tính sửa lại cửa hố. Từ ngày thân thiết hơn với Erwin, vài viễn cảnh xấu về giây phút gã bị phát hiện quanh quẩn bám riết lấy anh. Anh nơm nớp lo lắng, cứ sợ sệt rằng giả sử anh đi vắng mấy hôm vì nhiệm vụ, quay lại đã thấy xác Erwin trơ trọi dưới hố.

Dù còn hơi xa so với trường hợp tệ nhất Lý Duy tính toán đến, nhưng quả thực, anh chưa kịp làm một cái nắp hố vững chắc hơn, sự tồn tại của Erwin đã bị mò ra.

*

"Duy, thế này là sao?" Gừng nắm chặt lấy bả vai cậu bạn, tức giận hỏi, tuy vẫn điều khiển được tông giọng của mình. Cô đã lờ mờ đặt ra nghi vấn, khi phát giác những biểu hiện lạ của Lý Duy. Những lúc anh được nghỉ phép ở đơn vị, Lý Duy cũng không có mặt tại nhà riêng. Gừng luôn loáng thoáng trông thấy hình bóng anh lấp ló trong rừng, điều đó dấy lên nghi ngờ trong cô. Gừng quyết định bám theo vết chân của Lý Duy, rồi tìm ra một sự thật đáng kinh ngạc.

Lý Duy đang che giấu cho một tên lính Mỹ.

Tên lính ấy, lại còn là gã mà đồng đội cô đã vuột mất sau khi đả thương.

"Gừng, nghe tôi đã." Lý Duy cố gắng làm dịu lại cơn bực tức của bạn mình bằng cách nhẹ giọng yêu cầu, hai tay xoa bả vai cô.

"Cậu là Việt gian à?" Gừng sốc nặng, không tin vào suy đoán của chính mình, nhưng cũng không nén nổi phẫn nộ mà quy cho Lý Duy một danh phận không vẻ vang gì như thế. Lý Duy sửng sốt, ngay cả trong cơn ác mộng tồi tệ nhất, anh cũng không tưởng tượng ra được mình bị nghi là Việt gian, mà còn bị chính bạn thân nghi ngờ.

"Điên à?! Tôi không phải Việt gian!"

"Thế sao cậu che giấu kẻ thù?! Cậu có biết hắn đã bắn bao nhiêu dân mình rồi không?!"

Lý Duy khựng lại. Suốt khoảng thời gian bên cạnh Erwin, anh đã không hề nghĩ tới chuyện này. Hay chính xác hơn, tâm thức anh lặng lẽ lãng quên đi hiện thực ấy. Anh chĩa nòng súng về phía đồng bào Erwin, vậy gã giết hại bằng hữu anh, bản chất mối quan hệ giữa hai người chính là như thế.

Lý Duy đờ người. Bàn tay anh tuột xuống khỏi vai Gừng, buông thõng, như thể sức sống trong cơ thể anh đột ngột tàn lụi. Gừng đã ép buộc anh nhìn thẳng vào thực tế mà anh đã trốn tránh mấy tháng nay, để cắt bỏ thứ tình cảm đang ngày càng đong đầy trong lồng ngực. Lý Duy hé miệng, nhưng không một từ ngữ nào có thể cất lên. Tưởng, anh đã suy kiệt đi chỉ trong vài phút ngắn ngủi.

Gừng chứng kiến bạn mình trở nên như vậy vì một gã Tây, cô vừa thương xót cho anh, vừa uất hận tên lính Mỹ ngồi yên dưới hố kia. Gừng ném xuống gã một ánh mắt căm phẫn, khinh thường, tất thảy tâm trạng tiêu cực nhất một con người có thể kinh qua đều gói gọn trong ánh nhìn ấy. Gừng thấm thía lời khuyên từ một người đồng đội, rằng bọn Tây đều là hồ ly, dùng nhan sắc của mình để quyến rũ người khác, cho nên tuyệt đối không được dính dáng gì đến chúng nó.

Minh chứng là cô gái đã từng chung chăn chung gối với Gừng, vì một thằng Tây mà chạy trốn khỏi quân đội.

Minh chứng là cậu trai đứng trước Gừng hiện tại, vì một gã Mỹ mà tàn tạ cả đi.

Erwin trông thấy sắc mặt Lý Duy bỗng dưng tái xanh đi, bợt bạt, như người đang chịu đựng cơn đau ốm hành hạ. Gã tưởng cô gái đối diện anh đã đe doạ Duy; tuy gã mù mờ tiếng Việt, nhưng với trí óc nhạy bén, Erwin vẫn hiểu được tình huống bây giờ. Gã bị dân An Nam khác tìm ra, và Lý Duy đang gặp rắc rối lớn bởi vì gã. Erwin khệnh khạng đứng lên, nhưng gã chỉ mới ló mặt ra khỏi cửa hố, dăm nòng súng đã hướng về phía gã.

Một toán lính Việt gồm bốn người đã tập kích, bao vây từ bao giờ. Chính Lý Duy cũng bất ngờ, anh ngay lập tức quay sang Gừng, tưởng rằng cô đã phát hiện ra từ lâu, nên trước khi đến dò hỏi Lý Duy, cô đã thông báo cho bằng hữu. Nhưng vẻ mặt Gừng nói với Duy rằng: không phải cô gọi. Anh lạnh sống lưng, "vậy ai là người đã tin báo?"

Lý Duy chẳng còn đủ thời gian đã ngẫm đoán. Một phát súng nổ, máu bắn ra, đỏ thẫm và tanh nồng. Vầng trán trắng xanh, cao rộng - mà Lý Duy từng áp lòng bàn tay lên để kiểm tra nhiệt độ cơ thể gã xem có ốm sốt gì không - bất chợt xuất hiện một lỗ nhỏ vừa bằng kích cỡ viên đạn. Dòng máu đượm đỏ đượm đen chảy dài xuống sống mũi, xuống gò má, xuống cổ, và thấm vào mảnh áo quân phục xanh rờn. Đôi mắt biêng biếc xanh khắc gương mặt chết lặng của Lý Duy, trước khi thân hình cao lớn kia đổ rạp xuống phần mặt đất dưới hố.

Trong khoảnh khắc Erwin ngã vật ra đất, Lý Duy trông thấy thấp thoáng một dáng người nhỏ con, một ánh mắt vừa ngập tràn thù hận vừa tròn đầy thoả mãn lấp đằng sau thân cây lớn gần đó.

- Diệp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro