Người Đàn Bà Không Miệng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Truyện sưu tầm; 

Nguồn copy: http://japanest.com/forum/showthread.php/14942-Truyen-ngan-Am-Duong-su

Âm Dương sư

Tác giả: Yumemakura Baku

Người dịch: Nhất Như

Người đàn bà không miệng

(Nguyên văn: Kutinasi no onna. "Kutinasi" nghĩa là hoa dành dành, nhưng cũng có thể hiểu là không có miệng)

Một

Minamoto no Hiromasa đến thăm dinh thự của Abe no Seimei ở đại lộ Tsuchi no Mikado vào giữa tháng năm Âm lịch, khi mạ ngoài đồng đang lên xanh mơn mởn. Theo lịch hiện đại là vào khoảng trung tuần tháng sáu. Minamoto no Hiromasa no Ason là một võ sĩ trong triều. Cánh cổng dinh thự mở toang như mọi lần. Hiromasa đứng trước cổng nhìn vào thấy cỏ hoang vươn đầy trong vườn. Toàn cảnh trông giống như một bức tường trắng bao bọc xung quanh một bãi cỏ dại hơn là một dinh thự có người ở. Bức tường chạm trổ kiểu Tàu bao lấy toàn bộ dinh thự, phía trên có lợp ngói xanh.
Hiromasa thẫn thờ nhìn vào bên trong bức tường, buông tiếng thở dài. Ánh tà dương chiếu xiên vào bên trong khu vườn, nơi những khóm cỏ mùa hạ đang đu đưa theo gió. Trong vườn có một lối đi nhưng chẳng phải là do cố tình tạo ra mà chẳng qua chỉ là người ta đi mãi tự nhiên thành đường mà thôi. Trông giống như một lối nhỏ thú chạy. Bên trên lối đi, cỏ cũng ngập kín cả. Nếu đi vào đây ban đêm hay sáng sớm thì chắc là vạt áo sẽ hút sương đọng trên cỏ mà nặng lên mất. Nhưng giờ này bãi cỏ đang khô ráo trong ánh nắng chiều.
Hiromasa không lên tiếng mà lần vào bên trong cổng.
Hiromasa mình mặc áo phông Suikan, hông đeo thái đao đỏ lắc lư theo từng bước chân như cái đuôi thú trong bãi cỏ. Vạt áo dài kéo lê trên đầu lá cỏ kêu sột soạt.
Giờ này mọi năm đã vào mùa mưa phùn rồi nhưng năm nay vẫn chưa thấy dấu hiệu gì cả. Trong đám cỏ lẫn một mùi hương hoa ngọt ngào thoang thoảng đến khoang mũi của Hiromasa. Đó là mùi hương của hoa dành dành. Hình như đây đó trong khu dinh thự này có cây dành dành đang nở hoa.
Hiromasa đứng trước cửa dinh thự trầm ngâm.

– Lúc nào cũng bất cẩn thế này đây...

Cánh cửa mở toang hai bên tả hữu từ bao giờ.

– Quan bác có nhà không, Seimei?

Hiromasa cất tiếng gọi.
Không có tiếng trả lời.

– Ta vào nhé!

Hiromasa nói rồi cất bước vào trong nền đất.

– Bỏ giầy ra đi, Hiromasa.

Chợt nghe tiếng gọi dưới chân, Hiromasa đưa mắt nhìn xuống thì thấy một con chuột đồng trên nền đất đang đứng bằng chân sau, giương cặp mắt đen lay láy ngước nhìn mình. Vừa chạm ánh mắt của Hiromasa, con chuột rít lên rồi vụt chạy mất.
Hiromasa cởi bỏ giàu da nai, bước lên thềm.

– Ở đằng sau à?

Hiromasa lần theo hành lang ra phía sau dinh thựu thì thấy Seimei trong chiếc áo Kariginu trắng tinh đang nằm gối đầu lên cánh tay phải, mắt nhìn ra vườn. Trước mặt Seimei là một bình rượu và hai bát nhỏ. Trên cái đĩa sứ bên cạnh là một đĩa cá mòi nướng muối hãy còn đang bốc khói nghi ngút

– Quan bác đang làm gì thế?

Hiromasa cất tiếng.

– Ta chờ đến mỏi cổ rồi đấy!

Seimei vẫn nằm im dưới sàn, đáp. Hình như đã biết Hiromasa sẽ đến từ lâu rồi thì phải.

– Tại sao lại biết ta đến?
– Có phải lúc đến đây, quan bác đã đi qua cây cầu Modori bashi không?
– Ừ, quả nhiên là có!
– Có phải lúc đó quan bác đã nói thầm rằng không biết Seimei có nhà không?
– Ừ, đúng là ta có nghĩ như vậy nhưng làm sao quan bác lại biết.

Seimei không đáp, chỉ cười khúc khúc rồi bật dậy ngồi xếp bằng trước mặt Hiromasa.

– Nói thế tức là con shikigami nào đó đã cho quan bác hay à? Ta nghe nói quan bác đang nuôi shikigami dưới gầm cầu Modori bashi.
– Ừ thì cứ cho là vậy đi. Nào, ngồi cái đã, Hiromasa!

Seimei nói.
Abe no Seimei dáng người cao ráo, trắng trẻo, đôi mắt long lanh ánh lên vẻ khôi ngô tuấn tú. Trên đôi môi đỏ như tô son kia nở một nụ cười tủm tỉm. Trông người thì chẳng thể nào đoán được tuổi tác. Nói là đã quá bốn mươi cũng đúng nhưng lại có vẻ gì đó của bọn thanh niên chưa đến ba mươi.

– Lúc nãy có con chuột đông nói với ra, mà đó chính là giọng của quan bác đó, Seimei!

Hiromasa cũng ngồi xuống xếp bằng bên cạnh Seimei, nói.
Seimei với tay lấy miếng cá nướng trên đĩa, xé nhỏ rồi ném ra vườn. Chít! Có tiếng rít lên, con chuột đồng lúc nãy khéo léo đớp lấy miếng cá Seimei ném cho rồi biến mất trong đám cỏ.

– Ta vừa trả lễ cho nó đấy!

Seimei nói.

– Ta luôn thấy quan bác thật là khó hiểu.

Hiromasa vươn vai nói, giọng thành thật.

***
– Chà, hoa dành dành tỏa hương thơm thật đấy!

Hiromasa đưa mắt ra vườn, sau một góc vườn có điểm vài bông hoa trắng. Hương hoa ngọt ngào theo gió thoảng đến khoang mũi Hiromasa

– Thật là hiếm có!

Hiromasa vừa nói thì Seimei tủm tỉm cười, đáp lại.

– Hiếm có? Vì sao?
– Vì quan bác đến đây không nhắm rượu mà lại bàn chuyện hoa cỏ thì thật lạ chứ sao!
– Thì ta cũng có tâm trạng thưởng lãm cái đẹp mà lại.
– Ta hiểu rồi. Quan bác là người tốt mà lại.

Seimei nhón tay lấy bình rượu rồi rót vào hai cái bát trước mặt.

– Hôm nay ta đến chẳng phải để uống đâu.
– Nhưng cũng chẳng phải đến để từ chối rượu chứ?
– Mồm mép quan bác tinh vi thật.
– Vị của loại rượu này càng tinh vi hơn đấy!

Seimei đã nắm chặt chén rượu trong tay. Hiromasa vươn vai, đưa tay lấy chén rượu.

– Nào!
– Nào!

Vừa cất tiếng, hai người đã uống cạn chén rượu. Lần này Hiromasa lại rót đầy hai chén.

– Tadami có ổn không?

Vứa đưa chén thứ hai lên miệng, Seimei hỏi.

– Ừm, những đêm túc trực trong cung thỉnh thoảng lại thấy.

Hiromasa đáp.
Tadami ở đây chính là Mibu Tadami. Vào tháng ba năm ngoái trong nội lý của điện Seiryo có tổ chức hội thi thơ, Tadami chính là người đã thua Taira no Kanemỏi trong hội rồi không ăn uống gì mà chết. Lúc đó Tadami ngâm một bài thơ rằng

Ôi mối tình ta
Tiếng đàn vang xa
Mà đã phai mờ
Ta thương người nhớ
Từ thuở còn thơ

Kanemori làm một bài thơ đáp lại rằng

Ta giữ riêng mình
Mối tình ngày nào
Mà sao thiên hạ
Bàn ra tán vào
Tiếng lòng lao xao

Đó là bài thơ khiến Tadami thua cuộc. Khắp trong cung loan tin đồn rằng vì thua cuộc mà Tadami đã bỏ cả ăn uống rồi chết, oan hồn thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong cung. Lắm kẻ thấy Tadami đi lởn vởn trong bóng tối, miệng thì thàm bài thơ của mình rất sầu thảm một chặp rồi biến mất, không tác oai tác quái gây hại gì cho ai.

– Này, Hiromasa!
– Gì thế?
– Lần sau hai người chúng ta cứ mang theo rượu, vừa nhắm vừa nghe Tadami ngâm thơ.
– Đừng có nói tầm phào chứ!

Hiromasa vừa nghiêm mặt nhìn Seimei.

– Như thế chẳng phải tốt sao?

Vừa nói, Seimei vừa đưa chén rượu lên miệng.

– Gần đây ta bỗng thấy bâng vơ quá! Suốt ngày chỉ toàn nghe thấy những chuyện kỳ lạ.
– Ồ!
Seimei vừa nhấm nháp miếng cá mòi vừa nhìn mặt Hiromasa.
– Thế quan bác đã nghe chuyện quan hữu đại thần Ono no Shiya no Sanetsugu thấy ma chưa?
– Chưa nghe.
– khoảng bảy ngày trước Sanetsugu sau khi từ hoàng cung trở về thì thấy một bình dầu nhỏ trước cỗ xe bò phía Nam địa lộ Omiya.
– Ồ!
– Bình dầu đó nhảy nhót lung tung trước xe cứ như là vật sống vậy. Sanetsugu thầm cho làm quái lạ thì bình dầu đã dừng lại trước cổng một dinh thự.
– Rồi sao nữa.
– Nhưng lúc đó cổng đang đóng nên nó không vào được. Thế là nó nhằm hướng lỗ khóa mà lao vào. Lao đến lần thứ mấy thì nó chui tọt vào bên trong rồi mất hút...
– Hay nhỉ?

Seimei thì thầm.

– Sau khi về đến nhà thì Sanetsugu không khỏi lo lắng nên đã cho người đến khu dinh thự đó dò xem tình hình thế nào.
– Ồ, thế ở đó có ai chết chăng?
– Quan bác đoán đúng đấy, Seimei, theo lời bọn tả hữu về báo lại cho Sanetsugu thì trong dinh thự ấy có một cô gái trẻ nằm trên giường bệnh từ trước đến giờ, mãi đến trưa hôm ấy thì mất.
– Vậy sao?
– Trên đời này lại có loại tinh linh như vậy sao?
– Thì hẳn là thế rồi!
– Này Seimei, những thứ chẳng phải là con người hay động vật như vậy mà cũng có thể tác quái được sao chứ?
– Đương nhiên!

Seimei thờ ơ đáp.

– Nhưng nó là thứ không có sinh mạng mà!
– Dù không có sinh mạng thì nó vẫn linh hồn.
– Lẽ nào lại thế?
– Lẽ nào lại thế là thế nào? Linh hồn luôn trú ẩn trong vạn vật, bất kể đó là gì.
– Trong bình dầu cũng có à?
– Đúng rồi!
– Thật chẳng thể tin được!
– Không chỉ có bình dầu thôi đâu. Đến ngay hòn đá lăn lóc ngoài kia cũng có linh hồn đấy.
– Thế nghĩa là làm sao? Con người và thú vật có linh hồn thì ta hiểu được, nhưng hòn đá và bình dầu cũng có linh hồn nghĩa là sao?
– Hà hà, thế linh hồn trú ẩn trong con người và động vật chẳng phải là chuyện rất lạ sao?
– Thế chẳng phải là chuyện đương nhiên à?
– Thì ta hỏi quan bác cây này nhé! Tại sao con người và động vật có linh hồn lại không phải là chuyện lạ?
– Ừ thì đó là...

Hiromasa nói chưa dứt lời đã nín lặng.

– Thì con người và động vật có linh hồn là chuyện đương nhiên mà.
– Nhưng tại sao lại thế?
– Ừ thì là vì...

Hiromasa lại lấp lửng.

– Ta không hiểu. Cứ nghĩ rằng mình hiểu rõ lắm nhưng nghĩ lại thì thấy mình chẳng hiểu gì cả.

Hiromasa nói, vẻ thành thực.

– Này Hiromasa, nếu con người và động vật có linh hồn không phải chuyện lạ thì bình dầu có linh hồn cũng chẳng phải chuyện lạ.
– Ừm.
– Vậy thì linh hồn vốn là cái gì?
– Đừng hỏi ta nhưng điều khó như vậy chứ, Seimei!
– Linh hồn cũng là thứ giống như chú thuật đấy.
– Lại là chú sao?
– Nếu xem linh hồn và chú là hai thứ khác nhau thì cũng có thể xem chúng là một. Chẳng qua chỉ là cách nhìn nhận mà thôi.
– Hahahaha

Hiromasa gật đầu, vẻ mặt chẳng hiểu mấy.

– Cứ cho là ở đây có hòn đá đi!
– Ừm.
– Tức là bản thân nó sinh ra đã có sinh mệnh và mang trong người chú thuật được gọi là "hòn đá".
– Ừm.
– Rồi ta lấy hòn đá đó ném chết một kẻ nào đó.
– Ừm.
– Thế thì hòn đá chính là đá hay là vũ khí?
– Ừ..ừm

Hiromasa ậm ừ rồi tiếp lời.

– Hẳn là hòn đá đó vừa là hòn đá vừa là vũ khí?
– Đúng rồi đây, Hiromasa. Quan bác hiểu rõ đấy.
– Chuyện này thì ta hiểu.

Hiromasa gật đầu, vẻ mặt lộ rõ nét vũ cốt.

– Thì chuyện linh hồn và chú giống nhau cũng là như thế.
– Ừm.
– Tức là ta đã niệm chú gọi là vũ khí lên thứ gọi là vũ khí.
– À ta nhớ rằng trước đây quan bác có nói rằng chú ngắn nhất trên đời này chính là tên gọi phải không?
– Chú thì cũng có nhiều loại lắm. Tên gọi, hay là sử dụng hòn đá như vũ khí, về bản chất thì cũng giống như việc niệm chú thôi. Đó là điều có bản chất về chú mà ai cũng có thể làm được cả.
– Ừm
– Thế này, từ ngày xưa người ta cho là linh hồn hình hài có tương ứng với nhau và đó là sự thật.
– ...
– Hình hài cũng là một loại chú đấy.
– Ừ ừm..

Hiromasa lại lộ vẻ mặt ngây ngô.

– Cứ cho là ở đây có tảng đá mang hình người đi.
– Ừm.
– Tức là tảng đá đó bị nguyền chú tên là con người. Nếu nó càng giống hình người thì càng bị nguyền mạnh. Trong linh hồn của tảng đá thì phần nào cũng mang ít nhiều linh tính của con người. Và vì nó giống hình người nên nếu mọi người đến sung bái nó thì linh tính của người trong tảng đá càng mạnh. Tức là con người đã chú nguyện mạnh hơn lên tảng đá.
– Hahaha
– Tảng đá thỉnh thoảng lại tác yêu tác quái chính là tảng đá được con người sung bái trong nhiều năm.
– Vậy sao?
– Này nhé! Ban đầu chỉ là nắm đất bình thường thôi nhưng sau khi nhào nặn rồi cho vào lò nung nó lại mang hình hài của một chiếc bình. Tức là ta đã chú nguyện loại chú gọi là bình, nhào nặn rồi cho vào lửa nung nắm đất đó. Vì vậy nên một trong những chiếc bình đó hóa thành quỷ mà tác quái gây họa cho người cũng chẳng phải là chuyện khó hiểu.
– Thế chuyện chiếc bình của Sanetsugu cũng là như thế à?
– Đó có lẽ là một con quỷ không có thực thế nào đó đã mang hình hài của chiếc bình dầu.
– Nhưng làm sao con quỷ lại hóa thành hình dạng của chiếc bình dầu được?
– Làm sao mà ta biết được chứ? Ta có tận mắt nhìn thấy nó đâu?!
– Nhưng mà ta an tâm rồi.
– Tại sao?
– Vì ta nghĩ rằng quan bác cái gì cũng biết cả, nhưng nếu thế thì chẳng phải là dở hay sao?
– Hà

Seimei tủm tỉm cười, nhón từng miếng cá, nhấp một ngụm rượu rồi nhìn Hiromasa, vẻ cảm khái.

– Gì thế?

Hiromasa hỏi.

– Ta đang lấy làm lạ lắm.
– Lạ chuyện gì?
– Là chuyện quan bác có mặt tại đây, hay hòn đá lăn lóc ngoài kia.
– Lại nữa rồi, Seimei!
– Tồn tại là chuyện lạ nhất trên đời.
– Ta thấy chuyện bùa chú của quan bác càng lạ lùng hơn.
– Hahaha
– Này Seimei, đừng làm mọi chuyện trở nên phức tạp thế này chứ!
– Ta làm nó phức tạp sao?
– Quan bác luôn giỏi trong việc phức tạp hóa vấn đề. Hòn đá thì cứ là hòn đá, còn ta thì vẫn cứ là ta chả phải tốt hơn sao? Cứ nghĩ đến chuyện đó là lại không uống được!
– Nhưng ta lại thấy vừa uống rượu vừa nói những chuyện này với quan bác cũng là một cái thú đấy.
– Ta chẳng thấy thú tí nào.
– Thế thì xin lỗi nhé!

Trên khuôn mặt Seimei chẳng lộ một vẻ gì ái ngại cả. Vừa rót rượu vào cái chén đã cạn của Hiromasa, Seimei vừa nhìn người bằng hữu.

– Này, Hiromasa, thế hôm nay quan bác đến tìm ta có việc gì?
– Thực ra là ta có việc muốn nhờ quan bác giúp cho.
– Ồ!
– Đây là việc mà không thể không nhờ đến Âm Dương học sỹ như quan bác.

Âm Dương học sỹ là một chức danh của Âm Dương Sư, cai quản việc bói toàn, chiêm tinh trực thuộc bộ phận Âm Dương đạo trong đại nội Lý. Họ là những người xem phương vị, bói toán, dùng huyễn thuật, phương thuật nhưng trong số các Âm Dương Sư thì Seimei là một người khác hẳn số đông. Về mặt bí sự trong Âm Dương đạo thì Seimei là người không nhất thiết phải tuân theo những quy tắc cổ lai mà thường hay vứt bỏ những phần nghi thức phiền phức mang tính trang trí để hành xử theo lối riêng của mình. Seimei là người có thể vứt bỏ những phần lằng nhằng trong khi hành đạo Âm Dương ngay cả ở những nơi tập trung ánh mắt của nhiều người, không ưa câu nệ vào những lề thói cổ hủ chỉ cốt lòe thiên hạ. Seimei lại là người thỉnh thoảng bàn tán những chuyện như bọn du nữ bán mình ở kinh đô, hệt như một kẻ phàm phu ít hiểu sự nhưng cũng có lúc triều đình mở hội gì đó thì lại thoăn thoắt viết ra những dòng Hán Thi khiến giới quý tộc vốn ưa sự thanh cao lịch lãm phải thán phục. Seimei chính là người như một đám mây chẳng có thực thể, chẳng có chỗ nào để nắm bắt, lúc thì thế này, lúc lại thế kia.
Cũng thật là lạ khi một Seimei như vậy và một Hiromasa bộc trực thuần túy như một khúc gỗ lại có thể hợp nhau, thỉnh thoảng lại có thể ngồi chung nhau chén rượu mà giữ vững mối quan hệ ấy.

– Thế quan bác muốn nhờ ta chuyện gì?

Vừa được Seimei hỏi, Hiromasa bắt đầu hàn huyên câu chuyện.

Hai

– Trong số các võ sĩ ta quen trong triều có kẻ tên là Kajiwara no Sukeyuki.
Hiromasa nhấp một ngụm rượu rồi nói.
– Ừm.

Seimei vừa nhấm nháp từng tí một vừa lắng nghe câu chuyện.

– Sukeyuki này năm nay vừa ba mươi chín, trước đây hắn là quan lại sao chép bảo quản văn thư trong cung nhưng gần đây đã cạo đầu đi tu rồi.
– Tại sao lại thế?
– Gần một năm trước đột nhiên phụ mẫu của hắn không hẹn mà cùng mất cả. Thế là từ đó không biết hắn nghĩ gì đó mà lại cạo đầu.
– Hà.
– Và hắn đến tu ở chùa Diệu An gần song Keigawa phía tây đại lộ Nakamikado.
– Rồi sao nữa?
– Thế rồi lấy pháp danh là Jusui, quyết tâm ngày ngày phải chép kính Bát Nhã (1) để cầu siêu cho song thân.
– Ồ!
– Một ngày mười lần và hắn muốn sao chép liên tục trong một ngàn ngày.
– Tinh tấn nhỉ?!
– Ừ thì thế! Đến nay thì cũng đã hơn trăm ngày rồi. Nhưng tám ngày trước thì hắn sinh phiền não vì bị hồn ma quấy nhiễu.
– Hồn ma thế nào?
– Hồn ma là một người đàn bà.
– Đàn bà sao?
– Thực ra là một người đàn bà mỹ miều.
– Quan bác thấy rồi sao?
– Không, Sukeyuki, à, Jusui nói với ta như thế!
– Thôi được rồi, thế đầu đuôi như thế nào?
– Chuyện là thế này, Seimei.

Hiromasa vươn tay với lấy chén rượu, hớp một hơi rồi bắt đầu kể.

Đương đêm.
Jusui đi ngủ vào quá canh Tuất một tí trong một tăng phòng rời không nằm chung với những tăng phòng khác. Thầy tăng Jusui luôn đi nằm một mình trong ngôi chùa bé tí như thế này. Trong chùa nếu tính luôn cả Jusui cũng chỉ đến tám người. Thực ra đây chẳng phải là ngôi chùa bình thường dành cho người thế tục muốn xuất gia tu hành mà chỉ là một nơi trú thân dành cho giới quý tộc, võ sĩ hoặc những người có chút danh vọng như vậy khi muốn ẩn cư. Mà sự thật nó cũng được sử dụng vào mục đích này. Các thầy tăng ở đây không phải tu hành khổ hạnh như các tu sĩ mật giáo mà thỉnh thoảng những người họ hàng vẫn ghé thăm chùa, dúi cho ít tiền. Họ cũng vốn không bị ràng buộc bởi giới luật của Phật môn, nếu muốn thì cũng được phép sử dụng những tăng phòng rời như phòng riêng của mình và thỉnh thoảng cũng thấy xuất hiện ở những nơi ăn chơi thanh nhã.
Đêm đó, thầy Jusui bất chợt tỉnh giấc.
Ban đầu chính thầy cũng không hề hay biết rằng mình đã tỉnh giấc mà vẫn tưởng rằng mình còn đang chìm trong giấc ngủ. Jusui mở mắt, nhìn chằm chằm lên trần nhà đang chìm trong bóng tối.
Tại sao thầy lại tỉnh, không ai hay.
Thầy Jusui quay mặt nhìn ngang ra cái cửa lùa đối diện với mảnh vườn, ánh trăng xanh rơi vãi trên chiếc lá phong ngoài vườn, in bóng lên mắt thầy. Trên tấm cửa lùa còn có một cửa sổ nhỏ, đó là mốt thịnh hành lúc bấy giờ.
Hình như có chút gió khiến bóng lá phong khẽ lay động. Ánh trăng chiếu lên tấm cửa lùa khiến bóng tối trong phòng cũng nhuốm một màu xanh ngắt. Ánh trăng chiếu qua cửa rồi rọi lên mặt khiến thầy bất giác hay rằng mình đã thức giấc. Không biết trăng ngoài kia thế nào nhỉ?
Jusui cảm thấy thích thú, bật khỏi giường ngủ rồi kéo cửa lùa. Một luồng khí đêm lạnh lẽo tràn vào phòng.
Jusui thò nửa mặt ra ngoài, ngước nhìn lên thì thấy một vầng trăng thượng huyền tuyệt đẹp trên đỉnh cây phong ngoài vườn.
Tán lá phong khẽ đu đưa.
Bất giác thầy Jusui cảm thấy muốn ra ngoài.
Thầy mở cửa xuống hành lang. Đó là một hành lang lót ván đen mà không có vách ngăn với bên ngoài. Bình thường ván gỗ trên hành lang phải màu đen tuyền nhưng ánh trăng xanh chiếu xuống khiến bề mặt bóng loáng của nó như một phiến đá xanh đen được mài nhẵn thin.
Jusui vừa ngửi thấy mùi cây cỏ ngoài vườn tràn ngập trong bầu khí đêm. Thầy tăng bắt đầu cảm thấy có người.
Từng bước, từng bước thầy tiến ra phía đầu hành lang thì thấy một bóng đen cuộn tròn trên sàn gỗ. Không hiểu cái bóng đã xuất hiện ở đó tự bao giờ. Rõ ràng là lúc đầu bước ra hành lang thì đâu có nó! Không chắc là mình nhầm rồi, có thể nó đã ở đó từ đầu rồi cũng nên. Jusui dừng bước. Đằng kia là một bóng người.
Một người đàn bà đang ngồi chính tọa trên hành lang, mặt hơi cúi xuống. Mình mặc độc một chiếc áo đơn bằng vải mỏng, hình như dưới lớp áo chẳng còn lớp vải nào nữa thì phải.
Ánh trăng chiếu lên mái tóc dài quấn quanh đầu, toát ra ánh sáng bóng loáng. Rồi, người đàn bà ngẩng mặt lên. Nói là ngẩng mặt lên nhưng chỉ là khẽ hướng lên trên một chút và vì thầy Jusui đứng trên cao nên không nhìn rõ toàn bộ khuôn mặt người đàn bà.
Từ ống tay áo bên phải áp sát miệng, năm đầu ngón tay trắng nõn nà thò ra. Vì bị bàn tay và ống tay áo che khuất nên thầy không thấy được miệng của người nọ.
Người đàn bà chỉ khẽ ngước mắt lên nhìn thầy Jusui. Đôi mắt đẹp, to và đen lay láy. Ánh mắt đó như muốn nói điều gì ấm ức với thầy Jusui. Ánh mắt thật buồn rầu, đau khổ.

– Ai đó?

Thầy Jusui cất tiếng hỏi. Nhưng không có tiếng đáp lại. Chỉ có tiếng lá phong xào xạc đu đưa.

– Ai đó?

Jusui lại hỏi. Nhưng cũng không có tiếng đáp lại.

– Có chuyện gì?

Jusui hỏi. Người đàn bà vẫn nín thinh.
Ánh mắt bà ta ánh lên một nỗi buồn mênh mang.
Thầy Jusui tiến lại một bước, thầm nghĩ rằng đây chẳng phải con người trần thế.

– Là tinh à?

Jusui vừa cất tiếng hỏi thì người đàn bà chợt buông cánh tay che miệng ra. Thầy Jusui bật tiếng ra khỏi lồng ngực.

Ba

– Này Seimei, quan bác có biết rằng khi bà ta buồn tay ra thì thế nào không?
– Thế nào thì quan bác cứ tiếp đi!

Seimei đáp, chẳng nghĩ ngợi gì.

– Chậc...

Hiromasa tặc lưỡi, mắt nhìn Seimei, giọng như nhỏ lại.

– Bà ta không có miệng.

Nói rồi Hiromasa ngước nhìn Seimei vẻ như muốn dò la ý tứ.

– Rồi thế nào nữa?

Seimei hỏi một cách bình thản.

– Thế quan bác không thấy bất ngờ sao?
– Thì có. Nhưng cứ tiếp đi!
– Thế rồi bà ta biến mất.
– Thế là hết à?
– Không, chưa hết đâu, vẫn còn đấy.
– Ồ!
– Rồi lại xuất hiện nữa.
– Bà ta á?
– Đêm hôm sau đó...

Vào đêm hôm sau, thầy Jusui lại tỉnh giấc vào lúc nửa đêm. Lần này thầy cũng không hiểu tại sao mình lại tỉnh giấc. Ánh trăng vằng vặc chiếu qua tấm cửa lùa, bất chợt thầy nhớ lại chuyện đêm qua nên nhòm ra hành lang.

– Rồi ở đấy cũng thầy người đàn bà như đêm trước.
– Lần này thế nào?
– Cũng giống như đêm trước, bà ta vừa nhấc ống tay áo để lộ cho thấy khuôn mặt không miệng ra thì biến mất.
– Hay nhỉ?
– Hằng đêm đều như vậy cả!
– Hả?
Không hiểu sao cứ đến nửa đêm thì thầy Jusui lại mở mắt, đi ra hành lang thì lại thấy người đàn bà ở đấy.
– Nếu không ra hành lang thì sao?
– Nhưng cũng vẫn tỉnh giấc.

Lần này tỉnh giấc nhưng không ra ngoài hành lang thì chẳng biết tự bao giờ đã thấy người đàn bà ngồi bên gối thầy Jusui dùng ống tay áo che miệng mà nhìn xuống thầy.

– Thế những thầy tăng khác có biết chuyện không?
– Hình như chưa một ai biết cả. Vì hắn chưa nói cho ai khác thì phải.
– Ta hiểu rồi, hẳn là chuyện đó kéo dài trong bảy ngày.
– Nếu như đêm qua cũng xảy ra nữa thì được tám ngày liên tục.
– Thế quan bác gặp Jusui từ bao giờ?
– Trưa hôm qua.
– Ừm.
– hắn biết mối quan hệ giữa ta và quan bác nên nhờ vả trong khi còn chưa ai biết.
– Nhưng ta cũng đâu biết mình làm được gì?
– Sao thế? Lại có chuyện mà Seimei không làm được à?
– Thôi được rồi. Ta đi thử xem sao.
– Đi thật sao? Thế thì đa tạ!
– Vì ta cũng muốn xen mặt người đàn bà kia thế nào.
– À đúng rồi, ta chợt nhớ ra chuyện này.
– Chuyện gì?

Seimei hỏi.

– Đêm hôm thứ bảy thì lại khác lúc trước một chút.
– Khác như thế nào?
– Hượm đã..

Hiromasa cho tay vào cái túi lấy ra một tập giấy, đưa cho Seimei.

– Quan bac xem cái này.
Trên tập giấy có dòng chữ viết.
– Gì thế này? Thơ à?
Seimei vừa liếc mắt nhìn tập giấy vừa nói.

" Ta muốn chạm tay vào bông hoa dành dành trên núi Miminashi. Khi tay nhuốm màu hoa thì tình yêu của ta không lọt vào tai thiên hạ, không trở thành tin đồn của thiên hạ. Như thứ không tai không mũi..."

Đại khái bài thơ cổ trong tập giấy mà Seimei đọc là như thế.
– Có lẽ đây là bài thơ trong tập " Kokinshu" (2) nhỉ?

Hiromasa thốt lên.

– Những người đã từng làm một, hai bài thơ rồi thì ai cũng biết cả mà.
– Thế mà ta không biết đấy!
– Thì quan bác đâu cần biết làm gì?
– Này, đừng khinh thường ta chứ!

Vừa nói, Hiromasa đưa ngụm rượu cuối cùng vào cổ họng.

– Thế bài thơ này và người đàn bà kia có quan hệ gì nhỉ?
– Ừm, vào đêm thứ bảy thì Jusui có mang đến bên gối, vừa đọc tập thơ Konkinshu vừa cố thức khi còn có thể, đến khi buồn ngủ thì đi ngủ. Hắn nghĩ rằng nếu làm thế thì chắc nửa đêm không phải tỉnh giấc nữa.
– Vậy sao?
– Nhưng làm vậy cũng chẳng ích gì vì nửa đêm hắn lại tỉnh giấc. Vừa dứt cơn mê đã thấy bà ta ngồi ngay bên gối, còn tập thơ Konkinshu thì mở ra đúng trang có bài thơ này.
– Ồ!
– Rồi người đàn bà đó dùng tay trái mà chỉ vào bài thơ này.
– Thế rồi?
– Thế rồi hết chứ sao! Jusui vừa chạm mắt vào bài thơ thì bà ta đã biến mất.
– Hay nhỉ?

Seimei thì thầm.

– Nhưng không biết có sao không nhỉ?
– Có làm sao không thì làm sao ta biết được! Nhưng tại sao bà ta lại chỉ vào bài thơ này nhỉ?
– Ta cũng không đoán được...
Ánh mắt Seimei lướt trên dòng chữ ghi trên tập giấy trong tay mình.

" Ta muốn chạm tay vào..."

Dĩ nhiên Hiromasa hiểu ý nghĩa của bài thơ cổ đó nhưng vấn đề là tại sao người đàn bà lại chỉ tay vào bài thơ này. Đây là một bài thơ khuyết danh trong tập "Kokinshu". Ngọn núi Miminashi được nhắc đến trong bài thơ là một ngọn núi nhỏ ở Nara và tên của nó cũng đồng âm với từ "không có tai". Hoa dành dành cũng có âm trùng với từ nghĩa là "không có miệng".

– Người đàn bà đó không có miệng, vậy có liên hệ gì với hoa dành dành trong bài không nhỉ?

Hiromasa nói. Nhưng ngoài việc đó ra thì tất cả chỉ là một mối mù mờ.

– Thế nào? Quan bác có hiểu được điều gì không hả, Seimei?
– Ta chợt nghĩ ra vài điều.
– Thế hả?
– Nhưng dù gì thì ta cũng đến ngôi chùa Diệu An đó thử xem sao.
– Ồ, khi nào đi?
– Đêm nay được đấy!
– Đêm nay sao?
– Ừm!

Seimei gật đầu.

– Đi thôi.
– Đi thôi.

Rồi mọi chuyện kết thúc tại đó.

Bốn

Bầu khí đêm lạnh căm căm như cắt da cắt thịt.
Seimei và Hiromasa vừa ngắm trăng vừa chờ đợi trong một bụi cây rậm rạp trong vườn. Chẳng còn bao lâu nữa là đến nửa đêm, thời khắc người đàn bà nọ xuất hiện.
Mặt trăng tròn vành vạnh treo mình trên bầu trời tây, ánh trăng tràn ngập khu vườn, nhuốm xanh cả một vùng. Ánh trăng cũng chiếu thẳng vào hành lang nơi tăng phòng phía đối diện với bụi cây hai người đang nấp.

– Sắp rồi đấy!

Hiromasa nói.

– Ừm.

Seimei khẽ đáp rồi đưa mắt nhìn khu vườn đang tắm mình trong ánh trăng. Một làn gió mang đầy hơi nước trong không khí rít qua những rặng cây trong vườn kêu xào xạc.

– Ồ!

Seimei kêu lên vì khoang mũi như bắt được thứ gì trong làn gió.

– Làm sao thế?

Hiromasa cất tiếng.

– Ngọn gió này...

Seimei thì thầm.

– Ngọn gió này làm sao?
– Sắp vào mùa mưa phùn rồi.

Vừa lúc đó thì toàn thân Hiromasa như cứng lại khi đưa mắt nhìn về phía tăng phòng.

– Cửa mở rồi kìa!
– Ừm.

Seimei gật đầu. Cánh cửa tăng phòng đã mở rồi thầy Jusui bước ra.

– Bà ta kìa!

Seimei nói. Quả nhiên có một cái bóng đổ dài dưới hành lang. Đứng cạnh cái bóng là một người đàn bà như Seimei nói, trên làn da nõn nà là một tấm áo mỏng dính như họ đã nghe trong câu chuyện. Lúc này sư thầy Jusui đang hướng về phía bà ta.

– Đi thôi.

Seimei thì thầm rồi bước ra khỏi bụi cây tiến về phía hành lang. Theo sau là Hiromasa. Đến cạnh hành lang trong vườn thì Seimei dừng lại. Người phụ nữ để ý đến sự có mặt của Seimei, ngước mặt lên nhìn.

Quả nhiên là bà ta đang dùng một bên tay áo mà che mặt, đôi mắt đen huyền như muốn hút lấy đối phương vào đang chằm chằm nhìn Seimei. Seimei đưa tay vào túi lấy ra một tấm giấy. Dưới ánh trăng chỉ thấy rõ một con chứ được ghi trên tấm giấy đó.
Người đàn bà đưa mắt nhìn tấm giấy, ánh mắt bỗng láy lên một màu mừng rỡ. Rồi người đàn bà bỏ tay áo ra, quả nhiên là trên khuôn mặt kia không có miệng. Bà ta vừa nhìn Seimei vừa gật gật đầu.

– Bà muốn gì?

Seimei cất tiếng hỏi.
Người đàn bà chỉ lặng lẽ quay mặt về phía sau rồi vụt biến mất.

– Biến mất rồi, Seimei!

Hiromasa nói, giọng hưng phấn.

– Quan bác cho bà ta xem gì trên tờ giấy thế?

Hiromasa đưa mắt nhìn tờ giấy vẫn còn trên tay Seimei. Trên tờ giấy chỉ ghi mỗi một chữ Hán là "như".

– Bà ta biến mất rồi!

Sư thầy Jusui nói.
Seimei cất tiếng hỏi thầy Jusui, tay chỉ về hướng lúc vừa nãy người đàn bà quay mặt về.

– Đằng đó là gì thế?
– Là phòng riêng mà ban ngày bần tăng vẫn hay sao chép kinh sách mà.

Thầy Jusui đáp.

Năm

Sáng sớm hôm sau, ba người Hiromasa, Seimei và thầy tăng Jusui tề tựu tại căn phòng riêng của thầy. Ngay giữa căn phòng là một cái bàn đọc sách, bên trên có đặt một quyển "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh".

– Ta xem được chăng?

Seimei hỏi.

– Chớ khách sáo!

Thầy Jusui gật đầu.
Seimei cầm lấy quyển kinh lật qua một loạt, mắt đảo từng trang rồi bổng cả tay và mắt đều dừng lại ở một chỗ trong kinh.

– Hóa ra là đây sao?

Seimei nói.

– Gì thế?

Hiromasa đưa mắt nhòm qua vai Seimei. Giữa hàng chữ trong quyển kinh có một chữ bị bẩn đi.

– Đây chính là thực thể của người đàn bà kia.

Seimei thì thầm.

Đoạn kinh viết bằng Hán tự rằng:

" Sắc tức thị không
Không tức thị sắc
Thụ, tưởng, hành, thức
Diệc phục nữ thị"

Chính là chữ "nữ" trong hàng này. Đáng lý ra câu này phải viết là " Diệc phục như thị" mới đúng. Bên phải của chữ nữ (3) có một vết mực đen làm bẩn đi.

– Tại sao đấy lại là thực thể của bà ta chứ?

Thầy Jusui hỏi.

– Vì đấy là do một chữ trong " Bát nhã tâm kinh" này hóa ra mà thành vậy.

Seimei nói.

– Đây có phải là do thầy làm bẩn không?

Seimei hoi Jusui, tay chỉ lên vết bẩn bên cạnh chữ "nữ".

– Vâng, đúng rồi. Trong lúc bàn tăng đang chép kinh thì có một giọt mức rơi xuống làm bẩn cả.
– Nếu thế thì xin thầy chuẩn bị cho ta bút mực và một ít keo dán.

Rồi thầy Jusui mang ra những thứ như được yêu cầu ra. Seimei cắt một miếng giấy nhỏ dán lên bên chỗ vết mực bẩn cạnh chữ "nữ". Đoạn dùng bút lông chấm vào mực rồi viết them một chữ "khẩu" (miệng) lên chỗ giấy vừa dán. Chữ "nữ" lúc nãy sau khi được viết them chữ "khẩu" bên cạnh đã thành chữ "như" đúng theo kinh văn.

– Hóa ra là như vậy sao, Seimei?
– Vì vậy mà người đàn bà đã không có miệng đấy!

Seimei không đáp, khẽ vỗ tay.

– Như thế này thì bà ta sẽ không xuất hiện nữa đâu.
Hiromasa trong long hết sức than phục, nhìn Seimei.
– Như trước đây ta có nói với quan bác rằng đồ vật cũng có linh đấy.

Hiromasa gật đầu như trong long đã hiểu ra điều gì sâu sắc.
Seimei quay lại nhìn Hiromasa rồi khẽ thúc chỏ vào sườn bạn.

– Thế nào hả? có đúng như ta nói không?
– Sao?
– Thì đã bắt đầu mưa phùn rồi!

Seimei nói.
Hiromasa đưa mắt nhìn ra ngoài thì thấy từng sợi mưa mỏng như kéo lụa đang âm thầm giăng kính mảnh vườn đang tràn ngậm trong màu xanh mơn mởn. Những lá cỏ bắt đầu trĩu xuống vì nước mưa.
Và từ đó người đàn bà nọ cũng không bao giờ xuất hiện nữa.

......................
Thị cố không trung
Vô sắc, vô thụ, tưởng, hành, thức
Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý (4)
Vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp
.......................

__________________________________________

Chú thích

(1) Kinh Bát Nhã: tên đầy đủ là Phật thuyết Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, gọi tắt là Bát Nhã Tâm Kinh (Hannya Singyou). Kinh do nhiều người dịch nhưng bản dịch của ngài Huyền Trang Tam Tạng là nổi tiếng hơn cả. Đây là một trong những kinh điển ngắn nhất của Phật giáo và được nhiều người thuộc lòng nhất. Bản dịch của ngài Huyền Trang chiếm một ví trí quan trọng trong Phật giáo Nhật Bản cũng như ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hóa của đất nước này. Những câu như "sắc tức thị không, không tức thị sắc" trong kinh được rất nhiều người biết đến.

(2) Kokinshu: gọi tắt của Kokin waka shu, một tập thơ cổ gồm 20 quyển được Thiên Hoàng Godai ra lệnh cho các thi nhân trong cung như Kino Tsurayuki tuyển chọn các bài thơ hay năm Engi thứ 5 (905) và được hoàn thành năm thứ 13 cùng niên hiệu. Tập thơ gồm hơn 1000 bài, phong nhã không thua kém gì tập Manyoushu thời Nara.

(3) Trong Hán tự, chữ "như" gồm có chữ "nữ" đứng bên trái và chữ "khẩu" đứng bên phải. Cả hai chữ "nữ" và "như" đều được phát âm là "nyo" trong tiếng Nhật.

(4) Một đoạn trong "Bát Nhã Tâm Kinh". Nguyên nghĩa: các pháp (hiện tượng) đều ở trong cái không mà chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.....

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro