Ăn Nữa Đi Em

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chúng tôi đến Huế vào một buổi trưa chang chang nắng. Trời khô cong và sạch tinh tươm. Làm cho mình có chút tủi thân về cái nóng ngột ngạt và nhớp nháp của miền Bắc.

Đến Huế thì nhất định phải ăn cơm Hến, đó là điều không thể tranh cãi. Thế nên việc đầu tiên chúng tôi làm là bắt taxi đi ăn cơm Hến.

Bát cơm bưng ra, thơm mùi nước mắm miền Trung, lẫn mùi cay cay của lá bạc hà. Miếng cơm ngọt nước hến, bùi vị lạc, hăng hắc vị rau thơm.

Cái cảm giác ngon lành thật khó tả.

Tôi, Lâm Cự Giải, say sưa ăn liền một lúc hai bát cơm. No căng.

Ăn xong, ngẩng lên, mới thấy một cô bạn cùng đoàn, nhớ không nhầm thì tên cô ấy là Sư Tử, vẫn đang uể oải vật lộn với bát cơm thứ nhất. Thêm được chút nữa thì cô bé đặt bát xuống. Còn non nửa bát cơm.

Tôi khẽ cười, buông ra câu trêu đùa quen thuộc của mình tôi vẫn thường dùng để trêu lũ bạn.

"Sư Tử, em ăn nốt đi, em có biết trên đời này còn bao nhiêu người đang chết đói không mà em bỏ mứa như thế?"

"Em không thể ăn được nữa." - Cô nói với tôi.

Chẳng hiểu sao, tôi nổi hứng bông đùa, buông thêm vài câu chọc người, dù không có ác ý, nhưng chẳng kém phần chua cay. Cái tính đanh đá của Cự Giải tôi thì còn ai lạ gì.

Mặt mũi Sư Tử hằm hằm, im lặng. Tôi chốt hạ: "Em đúng là không biết thương người nghèo."

Sư Tử bật khóc bỏ chạy ra khỏi quán và một thân một mình đi bộ về khách sạn giữa trời nắng như đổ lửa.

Cả lũ bọn tôi không ai can. Thương thì ai cũng thương. Những không ai ủng hộ cách xử sự trẻ con, cũng như cái việc bỏ mứa đồ ăn của cô gái. Được cái cả lũ hợp nhau nhất khoản kháu ăn.

Sau những cơn khóc lóc hờn dỗi, cuối cùng cô bé cũng bình tĩnh lại. Hai chúng tôi lại nói chuyện với nhau.

"Anh Cự Giải, quả thật là em không thể ăn nhiều hơn được." - Sư Tử phân trần. - "Em không hiểu tại sao em lại phải mất công cố ăn vào và tiêu hóa hết chỗ thức ăn đó."

"Anh thì không hiểu tại sao, việc em cố gắng ăn hết một bát cơm chẳng phải là lớn như vậy, lại được đánh giá là mất công hơn cái công sức người ta đã bỏ ra để làm một bát cơm hến với ngần đó loại gia vị." - Tôi nói.

"Nhưng anh Cự Giải cũng không thể nói là em không thương người nghèo. Chưa từng có ai nói em như vậy, vì từ xưa đến nay em vẫn luôn thường những người nghèo khổ."

(Và cô nói thực, vì quả là ở toàn soạn của Cự Giải, Sư Tử luôn nổi tiếng là viết được những bài viết cảm động nhất về trẻ em lang thang và người nghèo.)

"Sư Tử, em đã từng bao giờ đói chưa? Em đã từng bao giờ nghèo chưa?"

Sư Tử lắc đầu.

"Anh thì nghĩ rằng, từ xưa đến nay, thái độ của em đối với những hoàn cảnh khó khăn là thái độ của một người bề trên, có hoàn cảnh tốt hơn, đối với một người ở dưới tầm mình, có hoàn cảnh kém xa mình. Chứ em chưa từng ở trong hoàn cảnh của họ, vì thế không có nắng lực để đồng cảm với học." - Tôi nói tiếp.

Sư Tử im lặng.

Bát cơm hến hôm đó chỉ có đúng 5.000 đồng.

Chúng tôi không bao giờ nhắc lại chuyện đó. Tôi cũng đã quên nó đi tỏng đầu rồi. Thi thoảng, khi có một đứa bạn bỏ dở đồ ăn, tôi vẫn lôi cái câu đùa quen thuộc của mình ra trêu: "Mày có biết trên đời còn có bao nhiêu người chết đói..."

Câu chuyện bất ngờ quay trở lại trong trí nhớ của tôi vào một buổi trưa nóng hầm hập, ngột ngạt đến mức khó thở của cái tiết đầu hè giữa lòng Hà Nội.

Tôi nghỉ trưa muộn, các bạn đồng nghiệp đã đi ăn trưa cả. Bạn bè gọi thì đứa nào cũng bận. Tôi tặc lưỡi đi bộ ra ngoài ăn một mình, chọn luôn một quán cơm bình dân ngay đầu đường gần cơ quan cho tiện.

Cả sáng chưa ăn gì, nên bụng tôi đói cồn cào. Tôi lên cơn tham lam, gọi một đĩa cơm đầy ụ thức ăn. Nào là thịt rán, trứng rán, khoai tây xào, nhộng rang, lạc chao muối. Tôi hào hứng ngồi xuống ăn.

Trong lúc tôi đang hớn hở ăn uống, một người đàn ông ngồi xuống trước mặt tôi. Tóc ông đã bạc gần hết cả đầu, khuôn mặt rám nắng nhăn nheo. Đôi mắt ông hầu như không nhìn lên, đượm vẻ u buồn, khắc khổ. Ông đáng tuổi một người bác lớn của tôi, hẳn cũng đã lao động cả đời, nhưng mang trên mình bộ quần áo xộc xệch, bạc phếch. Đĩa của ông đầy ụ cơm nấu bằng thứ gạo rẻ tiền và lèo tèo vài miếng thịt luộc nhiều mỡ. Chỉ thế thôi.

Tôi len lén nhìn ông, rồi nhìn xuống đĩa cơm của mình, trong lòng dấy lên cái cảm giác gần như là tội lỗi ngây thơ, giống như một đứa trẻ nghịch ngợm bị bắt quả tang lấy trộm mấy cái kẹo trong lọ của bà. Gần như là thế.

Ngày xưa nhà tôi có kiểu, bố tôi mắng tôi là: "Cự Giải, ai cho mày dùng đồ xịn hơn bố?

Tôi không hiểu. Lúc đó tôi mới tự kiếm được tiền, có tiền là mua đồ theo ý thích thôi mà.

Bố bảo: "Người ta xứng đáng được hưởng thụ phù hợp với công sức lao động mà người ta bỏ ra. Bố lao động trước mày đến mấy chục năm, nên đương nhiên mày không đáng được hưởng thụ nhiều hơn bố rồi, đúng không?"

Bố cùng đến thế là cùng. Nhưng tôi chẳng biết cãi thế nào.

"Nói như bố, thế thì làm gì còn người giàu và người nghèo?" - Tôi lí sự.

"Đương nhiên, vì đó là cuộc sống. Những người được hưởng nhiều hơn công sức lao động của mình là những người may mắn. Còn những người được hưởng kém hơn, là những người thiếu may mắc." - Bố nói.

"Thì con may mắn là con của bố mẹ, nên con là người may mắn được hưởng hơn một chút xíu, có được không? Chả lẽ bố không muốn con là người may mắn?" - Tôi nói giọng nịnh nọt.

"Đương nhiên bố muốn con là người may mắn. Nhưng phải là may mắn bằng chính sức của mình. Và để con có thể được may mắn như vậy, thì bố muốn con trước hết phải hiểu rất rõ giá trị của từng thứ mà con có trong tay. Có như thế, con mới không bao giờ phí phạm cái sự may mắn của mình."

RẮC RỐI THẾ HẢ BỐ?

Nhưng buổi trưa ngày hôm đó, tôi cảm thấy một chút tội lỗi, vì một cách vô tình, tôi đặt cái sự may mắn của mình ngay trước mặt một sự không may mắn và tự thấy mình chướng kinh khủng.

Giá như tôi đã không để lộ sự may mắn của mình giữa chốn bình dân đông người...

Tôi cắm cúi cố gắng ăn bằng hết cái đĩa cơm đầy ụ của mình, dù đã no cứng hết cả bụng khi mới ăn được hơn nửa đĩa.

***

Bạn có biết có bao nhiêu người còn đang chết đói trên thế giới này?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro