Nắng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xứ ôn đới, chiều lặng yên, nghe từng cơn gió cuốn lá xào xạc, mây đen kèm sấm nổi đì đùng lấp một mảnh trời tối om om, để Gott nấp sau đám vần vũ đen kịt, tinh nghịch vẩy những giọt trong suốt, mát lạnh xuống nhân thế, lộp độp va vào nhựa đường nóng rát chưa kịp xì xèo cháy đã bắn tung thành những ngọn cỏ tí hon, và rồi lại ào ào dội mạnh, gấp rút như ban lũ.

Mưa.

Vạn vật tất thảy đều bị nhúng chìm trong dòng xối xả nước đổ từ Trời, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thôi ráo hoảnh, ướt sũng và lầy lội thành từng vũng to con vào độ mấy giây sau. Mặt đường tối đen như hũ nút, loang loáng những vệt sáng bóng bẩy như đang được rửa sạch, trôi hết bụi bẩn, gột luôn cả tiết oi bức của mùa hè Duetschland.

Bên hiên nhà nhìn ra hồ Alpsee sâu hoắm, sắn nhấm từng viên Gelato dẻo queo mà anh chủ Gelateria mới thân gửi đến, tôi xuýt xoa tận hưởng cái mát mẻ vừa đến. Nhìn mưa giăng trắng Schwangau, lại nhớ đến mùa này quê mình, mưa to gãy trám, lan man một hồi lại nhớ về anh và lời hứa hẹn ngày bòng rám nắng năm ấy...

Một chiều mưa, mưa tầm mưa tã, mưa thối đất thối cát, mưa trắng xóa cả một vùng. Mưa, đem mặt trời lẩn đi sau những đám mây đen sì, để lại một mảnh tối om trên nền trời hỗn tạp kia.
Hừm, tháng 7 mưa gãy cành trám, mưa suốt nhiều ngày nay rồi. Mưa, mang theo khí lạnh và hơi ẩm đến, đuổi bay những cái nóng oi bức của mùa hè xứ quê. Nhưng tối om tối òm thế này, người ta vẫn thích có chút nắng hơn.

Mẫn Doãn Kỳ ngồi bên hiên cửa, nhấm nháp cái túi kem (nói là kem nhưng thực ra chỉ là nước ngọt rót vào túi nilon rồi đông thành đá), nó nhìn trời tối thui, miệng rít từng hơi nước ngòn ngọt, tặc lưỡi:

-Mưa thế này rồi nghỉ mất thôi.

Mà nó chờ ngày nắng biết bao nhiêu, nó chán cảnh ru rú trong nhà lắm. Nó có kèo đá bóng với lũ trẻ con xóm bên mà mấy nay bão về, chúng nó buộc phải nghỉ đá. Mưa thì thích thật đấy, mà mưa ít thôi, mưa quá cũng buồn!

-Giờ mà có nắng lên thì hay nhỉ?

Mẫn Doãn Kỳ muốn đi chơi! Đối với trẻ con, đi chơi là nhất kia, ăn không ngồi rồi chán lắm, mà Doãn Kỳ đích thị là đứa trẻ năng động, thể nào cũng khó chịu đến cố kiếm chuyện chơi.

Thế là nó mặc kệ trời mưa như trút nước, miệng ngậm túi kem, tay bọc đống báo trong bịch nilon trắng, đầu không mà chạy lông nhông ngoài ngõ. Không đá bóng thì ông mày vẫn có cái chơi, ông mày ra sông thả thuyền giấy.

À mà, chơi một mình thì không có vui, đi rủ thêm vài nhóc con loi choi nữa. Khổ nỗi, đứa ốm, đứa thì bố mẹ không cho, đứa thì ngại trời mưa lầy lội, có đách đứa nào chịu đi cả. Mẫn Doãn Kỳ tức ách một cục, một lũ nhát gan! Nó cũng chán lắm cơ, giờ mà đào đâu ra được thằng bạn nào đó chịu cùng nó lông bông thì ổn nhỉ?

Mẫn Doãn Kỳ cũng học đòi mấy ông thần thám trong phim, đưa tay sờ cằm nhẵn nhụi của mình, ra chiều nghĩ ngợi. Còn đứa nào chưa ới nữa không ta?

Rồi nó vỗ vỗ cái trán bẹt, ra rồi! Hình như còn thằng cu Tích nữa mà? Cái hồi hôm nọ, nó về đấy thôi, để đi ới nó liền.

Vốn dĩ Mẫn Doãn Kỳ tính không nhớ đến cu Tích đâu, bởi cu Tích, tên là Trịnh Hiệu Tích, con bá Trịnh giàu sù sụ trong làng, thằng này ít khi ló mặt ra lắm. Ông già nó cũng cưng chiều thằng cu này, giấu con chưa kịp cơ. Năm nó 3 tuổi là được bay sang tận bên Đức ở với cô chú nó rồi, lúc nó về thì mới tháng nay thôi, im ỉm im ỉm như sợ lộ ấy. Cả xóm cả ngõ chẳng đứa nào mướn chơi với cu Tích cả, chúng nó sợ bá Trịnh đánh lắm. Nên suy cho cùng thằng cu Tích vốn chẳng nằm trong danh sách bè bạn của Mẫn Doãn Kỳ đâu.

Nhưng hôm nay khác, Doãn Kỳ không ai chơi, mới nhớ đến nhóc nhà bên này. Cũng vừa vặn bá Trịnh với già Trịnh không có nhà, để thằng Tích thui thủi với đống đồ chơi nhựa đắt tiền. Trong cái tòa nhà rộng rãi nguy nga hệt cái lâu đài Neusch gì đó của Đức, cu Tích một mình trong nhà, hẳn cũng chán đấy, cô đơn thế mà. Thế là Kỳ nó ới phát, cậu ấm gật đầu cái rụp, đi luôn.

Điều này làm nhóc Mẫn hơi ngạc nhiên, nó tưởng rủ Tích đi chơi phải khó lắm, bởi theo ông bà già nó tám với nhau rằng mấy ông bá bà già giàu nứt đố đổ vách thường kiêu căng lắm, so ra Tích có vẻ không như thầy u nó kể nhỉ? Ngẫm thấy thì cu Tích cũng hiền lành, Doãn Kỳ nói gì nó đều một dạ hai vâng, chẳng dám ti toe hó hé, liệu cu Tích có thiệt là cậu ấm nhà Bá Trịnh sĩ diện kiêu căng không ta? Nói nó ra sông chơi nó cũng chịu, mắt nó còn híp híp lại, cười nhe răng, sáng lạn như ánh nắng, cậu ấm thích cực kỳ!

Doãn Kỳ cứ thế mà ấn tượng tốt về cu Tích. Nó nhìn cu cậu cười mà từng dòng nước ấm len lỏi vào tim nó, nó không hay.

.

Bờ sông vắng lặng, và mưa vẫn tầm tã, mưa ngập mưa lụt, nước sông cũng vì thế mà dâng cao, cuộn trào. Đối với đứa nhát cáy như cậu ấm Tích, thế là nguy hiểm vãi đái ra quần được, thế nhưng Doãn Kỳ lì lợm gan to bằng đầu thiết nghĩ, chỗ này lí tưởng gớm.

-Dào ơi, chỗ này có gì phải sợ đâu, tao bơi qua còn được.

Nó nói không ngoa, nó biết bơi, nhưng thiệt ra nó mới biết bơi chưa lâu đâu, cũng mới ngót nghét mấy ngày chứ à. Nhưng bắt gặp cặp mắt ngưỡng mộ của cu Tích, Doãn Kỳ muốn phổng mũi lắm cơ, tự dưng tính Giời sinh bốc phét của nó lại trỗi dậy. Thế là nó kéo Hiệu Tích ngồi lên đám cỏ lau nhầy lầy nước, bản thân ngồi toẹt cái xuống nền đất bên cạnh, gỡ ra vài mẩu giấy báo to to, nó vừa gập thuyền vừa đóng vai bé người gỗ.

-Này thì sông này có sâu bao nhiêu, anh mày vẫn bơi được hết. Nói thật chứ hồi nhỏ anh mày học bơi, thầy u khen anh bơi giỏi lắm. Đến bá Trịnh cha mày cũng khen lấy khen để luôn.

Nó đưa cho Hiệu Tích chiếc thuyền giấy, đợi cu cậu thả xuống nước xong xuôi mới cởi áo, nói thi bơi không? Cu Tích lắc đầu, Doãn Kỳ ỉu xìu, 'xì' một tiếng, thôi thì xem bản lĩnh anh mày đây.

Rồi mặc trời mưa tháng bão lạnh run, Doãn Kỳ mặc độc cái quần đùi mà nhảy xuống bờ sông mà vùng vẫy. Nó ngụp, nó lặn, bơi như chú cá chết đuối.

Phải, nó chết đuối đấy, vì nước sông như thế, nó không khởi động mà nhảy ùm xuống, chả trách bị chuột rút. Doãn Kỳ kêu ú ớ mấy tiếng, khiến nước tràn vào họng mà sặc, vẫn không quên vẫy nước lao xao. Để phía này Hiệu Tích trông mà hoảng, nó tròn mắt nhìn thần tượng lòng nó như con chó sắp chết trôi. Nhảy cẫng mấy hồi, Hiệu Tích nhìn lòng sông mà cắn môi, í ới gọi người đến mãi đến mà không thấy ai sang. Không được rồi, chắc phải "hy sinh thân mình" để cứ anh Kỳ thôi, nó cởi áo, xoay khớp tay chân mấy nhịp rồi lao vào lòng sông chảy siết.

-Anh Kỳ, em cứu anh.

Hiệu Tích ngụp lặn, bơi năng nổ lắm, mấy chốc là nó ra đến giữa lòng sông rồi. Nó quờ quạng, túm lấy túm để. Lúc thì vào da thịt Doãn Kỳ, khiến cậu trai to lớn đau muốn khóc, rốt cùng, Tích ta với được cạp quần của Doãn Kỳ, ra sức bơi trở vào trong.

Hiệu Tích lôi cặp mông tròn của Doãn Kỳ lên bờ, đặt nó nằm xuống nên cỏ xanh sũng nước, Tích ta lại vỗ vỗ ngực Kỳ, xén xíu hà hơi thổi ngạt cho nó. May sao Kỳ kịp thời tỉnh lại, phun ra một ngụm nước to. Nó ngồi dậy, há mồm to như trái trứng, thở hông hốc. Lau miệng, mắt nhìn Hiệu Tích đang cười tươi rói, nghi ngờ.

-Sao... Sao mày bơi giỏi vậy Tích?

-Hồi 5 tuổi cô với dượng em có cho học bơi.

Thảo nào, cu Tích mới 13 mà đã bơi giỏi vậy, té ra là học từ năm lên 5. Doãn Kỳ muốn đem ánh mắt ngưỡng mộ nhìn cậu ấm cười tươi như nắng, lại thấy chính mình quê một cục, mặt điển trai sụ thành một đống.

Nhưng lại nghĩ thế nào, nó cười haha, tự dưng Hiệu Tích ngây ra, cũng sững sờ. Theo ánh sáng mới lên, nó thấy sao cu này đẹp thế nhỉ?

À mà, mưa tạnh rồi kìa, ngoài kia nắng đang lên. Tự lúc nào trời hửng sáng, ấm áp. Và tiếng hai đứa trẻ cười đùa bên bờ sông, làm sinh động hơn mùa bão vừa dứt.

.

Sau hôm ấy, tế nào mà Kỳ với Tích lại chơi với nhau thân ơi là thân, mà như các cụ ví von "gần mực thì đen gần đèn thì rạng", hai đứa nó lây nhau hoài (thì cũng có hao hao nhau mới "trâu bò ở với nhau lâu được" chứ!).

Biết anh Kỳ "theo đạo kem", con chiên ngoan đạo với Chúa là cu Tích đây cũng học hỏi, nhen nhóm đem kem trở thành tín ngưỡng hàng đầu, mê tiệt mớ túi nước ngọt đóng đá đắng nghét đường Tàu đến nỗi chính mình đề cử "ngày của Kem": ngày 3 cữ, cữ ba que.

Doãn Kỳ thì nhờ quen thân với cậu em lắm tiền nhiều của nhưng tính tình keo kiệt thâm căn cố đế, tri thức mở mang được cũng kha khá. Tỷ như những lúc cậu ấm hào phóng bất chợt, nó hiếm hoi được biết thế nào là vị kem dừa, kem sầu béo ngậy, thế nào là cục kem to như cục bida của nước ngoài, ghê-la-tô hay gì ấy. Kem bùi bùi, đặc quánh, ăn dẻo dẻo tan nhanh trên đầu lưỡi, Doãn Kỳ chỉ bặm một chóp đã ê cứng hàm, sướng muốn xỉu! Thành thử ra nó lại càng quý mến cu cậu.

Hơn hết là nó quý cả cốt cách lẫn con người Hiệu Tích hơn. Qua những bận trốn thầy u ra triền đê chơi mát thả diều, hay những ngày trời tang tảng sáng đi lượm sầu riêng rụng, xâm xẩm chiều tối lại hò nhau đi bắt ếch, Hiệu Tích đúng là giàu mà hổng có kiêu, một dạ hai vâng, bảo gì nghe đấy, nói gì nó cũng chịu. Hợp rơ cái cái tính bộp chộp, ưa sĩ diện hão của Doãn Kỳ. Không thân mới lạ!

Vui vẻ như thế, mùa bão cũng bớt kém tươi đi nhiều lắm, nên Doãn Kỳ vẫn hay vui mồm trêu cu Tích:

-Tích, mày thấy đó, từ dạo có mày, chơi với mày mà nắng bể đầu con chấy luôn, chẳng mưa dầm dì gì cả, đẹp quá trời! Có mày là có nắng, nên mày ráng ở đây dài dài heng, cho tới hết mùa trám, mày ở chơi với tao heng?

-Ở đây dài để anh Kỳ được ăn kem ngon nữa hỉ?

Doãn Kỳ lắc đầu, dí dí cái trán rô của đứa trẻ đang cười ngả ngớn, nó trừng lớn mắt, mà tai đổ hồng:

-Rộn chuyện, tao chả thèm!... Ờ cơ mà nó cũng ngon thiệt, dẹo quẹo, còn ngọt sớt chứ. Phải mà buồn miệng buồn đời hay buồn gì gì đó mà có vị như kem thì hay biết mấy, buồn bã ủ ê mà có mấy cục kem đó ăn là bái bai buồn à.

Ngó cái dáng nhìn xa xăm của nó, chi mà giống ông cụ non quá vậy? Hiệu Tích tủm tỉm cười, đầu nhỏ gật lên gật xuống lia lịa, cái gì anh Kỳ nói cũng đúng hết.

Nên chi trong một khắc nào đó, cậu ấm nhà Bá Trịnh tự thấy lòng mình xốn xang, kiểu như, gần Doãn Kỳ có mưa cũng ấm như nắng sưởi, tim có khỏe cách mấy cũng bùng binh, trời có lạnh cũng thấy nong nóng, sao lại thế được nhỉ? Nó chịu biết, cũng như việc ấn tượng về nó cứ thế tốt đẹp, in sâu vào tiềm thức Doãn Kỳ bằng hình ảnh đẹp đẽ nhất, tươi tắn nhất, hệt như tia nắng sau mưa, thì nó cũng chẳng mảy may biết tí gì.

.

Chả gì thì cả làng cũng biết Kỳ Tích là đôi bạn thân cực thân, thì âu cũng mấy lần lù lù trước mắt là cảnh chúng nó quàng vai bá cổ tung tăng đi giữa nắng trưa hay ngồi bên hàng phố, ríu rít chia nhau những túi kem xanh đỏ, ai không biết thì đúng đui chứ lị!

Cũng có khi, mấy bà mấy chị cùng xóm với chúng nó thì còn rõ mồn một, vẫn hay rủ rỉ nhau nghe về hai đứa, cứ hễ thấy là lại tủm tỉm cười, ầm ĩ góc xóm, rồi lại tặc lưỡi hùi hụi, cái gì mà "Giá cậu ấm là gái thì có phải hơn không, đỡ tiếc cho nhà Bá Trịnh một đám dạm".

Sau này lời đồn đến tai Trịnh Hiệu Tích, chính đương sự cũng phải gật gù tán dương, phụ nữ đúng là tính tế đáo để.

Bị gán ghép lung tung nhưng Hiệu Tích không lấy làm khó chịu, nó khá thích.

Vì đúng như những gì mọi người rỉ tai nhau, tình cảm Hiệu tích dành cho Doãn Kỳ dường như không chỉ đơn thuần là bạn thân, thậm chí đã tới mức nó mơ ước về một đám dạm mất rồi. Cậu chàng thích Mẫn Doãn Kỳ, không hề phủ nhận chính mình muốn lắm được đi chơi với anh Kỳ, mình anh Kỳ chứ chẳng ai khác, cũng tự thấy bản thân rõ ràng có xu hướng muốn chạm da với anh nhà bên nhiều hơn, muốn choàng vai thiết thân hơn nữa.

Muốn gần Doãn Kỳ, nhưng cu Tích không dám, sợ lộ liễu, anh Kỳ biết được khuyng hướng tình cảm không mấy đứng đắn của mình. Nó biết, chí ra, cái đất nước mang tiếng truyền thống vẻ vang này vẫn còn là nước chưa phát triển, còn lạc hậu lắm. Cái chốn này cũng nào có phóng khoáng dư dả như bên trời Đức, có ưa gì cái gọi là đồng tính luyến ái mà người châu Âu thường ngợi ca và đối xử bình đẳng. Mẫn Doãn Kỳ chắc cũng thế thôi, kỳ thị đồng tính. Cũng có khi ghét bỏ nó mất.

Thế nên ba chữ "Ich Liebe Dich", Trịnh Hiệu Tích mãi vẫn chẳng dám nói ra.

-Nhưng mà, ngày xưa phong kiến cổ hủ, Ludwig Đệ Nhị của Bayern ấy cũng yêu tha thiết người đồng giới, thì thế giới giờ hiện đại hơn rồi, không yêu người khác giới thì đã sao đâu hỉ? Chỉ cần không nói thì anh biết đâu, không lộ mà, nên chi không cần tự ghê tởm hay thấy có lỗi.

Nên chi, cứ để mặc mọi chuyện tự biên tự diễn, đến đâu thì đến. Để rồi mải miết với những suy nghĩ mình bịa ra để tự an ủi, cho đã đời, Hiệu Tích quên béng mất một điều: Chẳng ai tinh tế bằng đấng sinh thành, không gì qua mắt được họ, Bá Trịnh từ lâu vẫn để mắt đến nó, nên chỉ một động thái nhỏ của nó, Bá cũng biết được.

Và Bá lo sợ con trai quý tử đang mê mải thằng bần sát vách.

Bá Trịnh nghĩ thế âu cũng phải, tư tưởng bá cổ hủ thế cũng đúng thôi, nơi này đâu phải xứ Đức mà phóng khoáng như chỗ dì dượng bá đâu? Bá biết cu Tích từ sớm đã nhiễm cái tư tưởng đồng tính từ dì nó, nên khi biết cậu ấm giao du với Doãn Kỳ là lo. Tìm hiểu thì hay hai đứa dính lấy nhau như thế, thỉnh thoảng nghe cu con khoe mẽ về anh hàng xóm với giọng điệu vui sướng, bá để ý lắm chứ, muốn tách hai đứa ra lắm đầy, mà chưa có cách nào thôi.

.

Cho tới một hôm, cả Kỳ lẫn Tích đều biết được thế nào là nắng mùa bão, nhanh tắt mau phai. Thế chỗ cho những ngày ấm áp đó là những ngày mưa dầm dề tiếp theo. Cuộc chơi của hai nhóc nhỏ cũng chỉ vỏn vẹn đến thế.
Bà Bá đi chợ, nghe bọn trẻ con hàng nước ti toe nhau về anh Tích, rồi người lớn lại rủ rỉ tai nhau về cái ngày suýt có người chết đuối ấy. Thế là Bá Trịnh cũng theo vậy mà đến tai, lòng xót con vô hạn đã sang nhà bên mắng Doãn Kỳ xối xả. Hiệu Tích thì ra sức bênh anh Kỳ của nó, càng làm bá Trịnh thêm cáu. Bá quạt cả hai đứa nó một trận rồi lôi Hiệu Tích về nhà. Bá cấm cửa Hiệu Tích, không cho nó chơi với ai cả, bá còn đặt vé máy bay, tính tống nó sang với dì dượng nó nữa, cuối cùng cũng có lý do chính đáng tách hai đứa nhỏ ra.

Khoảng thời gian ấy, trời mưa ngập úng ruộng đồng, tối tăm y hệt tâm trạng hai đứa nhỏ.
Hiệu tích vẫn thường nhân lúc nhà vắng người, tranh thủ sang gặp Doãn Kỳ, hai đứa nhỏ lưu luyến bịn rịn, nước trào ra từ hốc mắt có khi còn nhiều hơn nước đổ từ đấng trên.

Ngày Hiệu Tích bị tống đi, Mẫn Doãn Kỳ canh chừng ngoài cửa mãi mới gặp được cu nhóc nói chuyện mấy câu. Hai đứa bịn rịn nhau mãi, sau cùng mới lưu luyến chia tay. Và cậu ấm Trịnh đã nói một câu này, làm nhóc Kỳ nhớ mãi.

-Anh Kỳ, đợi em nhé, hết mùa bão, tháng 8 em lại về, cùng anh ra sông thả thuyền giấy nhé?
Nhờ câu ấy mà Doãn Kỳ quyết chờ đợi ngày cậu ấm trở về. Nó dành riêng ra một góc chùm bòng trong vườn, định bụng ngày bòng trổ trái cu cậu sẽ về, đem tặng cu cậu, hớn ha hớn hở đếm ngày máy bay về nước.

.

Nó ngồi bên hiên nhà, ngậm túi kem, tới nay đã bao mùa rồi, hiệu Tích nào có về nữa, nó không giữ lời, nó biệt tăm.

Bòng vẫn trổ trái, rám đượm màu nắng.

-Em ơi, có em là có nắng, sao nắng gắt rồi vẫn chưa thấy em?

End.
#Dư

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro