10 | hcđ - ldc | Một ngày mùa hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Duy Cương, Công Đến | Romance | AU | Một ngày mùa hạ

-----

Warning

1. OOC. Mình gần như chỉ mượn tên nguyên mẫu.

2. Toàn bộ bối cảnh của fic là giả tưởng. Mọi trùng hợp đều là tình cờ. Các bạn đọc fic cho vui thôi, làm ơn đừng suy diễn quá nhiều nhé, tội mình.

3. Riêng chương này thì mình gợi ý mọi người chuyển page color sang màu đen khi đọc, cảm giác là sẽ hợp hơn.

-----

0.

Tôi gặp thằng bé vào một trưa mùa hè năm tôi lên chín.

Lúc ấy tôi đang trở về nhà sau giờ học buổi sáng, cặp xách trên tay, cắm cúi bước đi mà chẳng buồn ngẩng đầu lên, bụng đói rã, chỉ mong chóng chóng về nhà để ăn cơm...

Rầm!

Còn chưa kịp định hình được chuyện gì xảy ra, tôi đã thấy mình nằm đo đất. Chiếc cặp của tôi văng xa cả thước trước mặt, sách vở bên trong tung tóe ra ngoài. Chiếc áo sơ mi trắng duy nhất tôi có để mặc đi học thế là lấm lem hết cả bụi đất.

Tôi tức tối nhìn sang kẻ thủ phạm vừa gây ra một nỗi phiền toái cho mình.

Ấy là một thằng nhóc tầm tuổi tôi, đầu cắt húi cua, cũng đang mặc đồng phục đi học. Tôi mang máng là đã chạm mặt nó một hai lần ở trường, nhưng không biết tên.

Nhìn dáng bộ ngơ ngác và chiếc áo của nó, cũng lấm lem không khác gì áo tôi, bỗng dưng mọi bực bội trong lòng tôi bay đi đâu hết.

Tai nạn thôi mà.

Tôi đến đỡ nó dậy, phủi bụi trên áo cho nó. Nó nhìn tôi vẻ biết ơn, rồi dường như tới lúc đó mới để ý đến ngoại hình của người đứng trước mặt, nó bèn reo lên:

"Ơ, cậu là Duy Cương, học lớp 4A đúng không nhỉ?"

Tôi ngạc nhiên hỏi một câu mà ngay sau đó đã khiến tôi phải hối hận:

"Đúng! Sao cậu biết?"

"Cương học giỏi có tiếng mà, ai chẳng biết." Nó cười một nụ cười rất mất dạy, còn tôi bắt đầu đỏ mặt tía tai vì ở lớp tôi nổi tiếng... học dốt, đã từng bị bêu dương mấy lần trước trường. Tôi đưa tay đẩy vai nó thật lực:

"Biết thế bố không đỡ mày dậy nữa!"

Rồi bỏ đi một mạch. Thằng bé ngơ ngẩn một hồi, rồi chạy vội theo sau nắm lấy tay tôi, giọng ra chiều hối lỗi:

"Tớ đùa thôi! Tớ học còn dốt hơn cậu ấy. Chỉ là tớ vừa chuyển đến khu này, nghe mẹ bảo nhà bên có cậu bạn bằng tuổi..."

Tôi giật phắt tay ra, không buồn đứng lại nghe nó phân trần. Tôi nhặt đống sách vở vương vãi dưới đất, rồi hậm hực leo lên cầu thang khu tập thể. Thằng bé thôi không đuổi theo tôi. Vài phút sau khi đã ngồi yên vị trong nhà, tôi mới nghe loáng thoáng tiếng cửa gỗ nhà bên kêu lên kẽo kẹt buồn hiu.

-----

1.

Tôi chẳng ngờ được là ngày hôm sau thằng bé đến tận cửa lớp 4A để làm lành với tôi.

Ra khỏi lớp, tôi suýt nữa thì đâm sầm vào nó. May mà nó kịp nhảy lùi ra sau để tránh. Tôi và nó đứng nhìn nhau một hồi. Cuối cùng nó là người chìa tay ra, và với vẻ mặt hết sức thành khẩn, nó tuôn một tràng như thể đã chuẩn bị từ trước:

"Xin lỗi Cương vì vụ hôm qua. Cậu tha lỗi cho tớ nhé, tại tớ ăn nói không cẩn thận ấy. Lúc bấy giờ tớ không có ý gì, thật mà. Tớ học dốt hơn cậu mà, dốt gấp tỉ lần luôn ấy, dốt nhất nhất nhất nhất ở cái trường này!"

Tới đoạn nó lặp lại chữ "nhất" đến bốn lần thì tôi phì cười. Tôi vỗ vai nó, "được rồi mà, không sao đâu," trước khi co giò chạy xuống sân để kịp đá cầu với đám bạn cùng lớp.

Thằng bé lại tiếp tục chạy theo, xin được nhập hội. Thoạt đầu chúng tôi không đồng ý, bởi người nó nhỏ thó, không ra dáng thể thao chút nào, lại còn lạ hoắc lạ huơ, trong khi đám chúng tôi đã chơi thân với nhau từ lâu lắm rồi. Nhưng rồi một lúc sau, trong khi cả đám còn đang chia phe thi đấu, tôi liếc sang bên cạnh và thấy thằng bé đang say sưa tâng một quả cầu rụng hết lông mà đám chúng tôi vứt sang một bên, và động tác của nó khiến cả bọn phải tròn mắt nhìn.

"Nó đá giỏi thật mày ơi!" Một đứa bạn của tôi bấu lấy vai tôi, kêu lên đầy ngạc nhiên.

"Mày kiếm đâu ra thằng bạn xịn vậy trời? Rủ nó nhập hội đê!" Đứa khác đứng bên cạnh cảm thán.

Vậy là từ đó thằng bé luôn có một chân trong hội đá cầu của chúng tôi. Thậm chí những ngày nó phải ngồi trong lớp chép phạt không tham gia được, chúng tôi còn thấy trống vắng ghê gớm.

-----

10.

Thằng bé tên Đến, Huỳnh Công Đến. Cái tên cũng lạ lùng như con người. Nó giải thích rằng bố mẹ đặt cho nó cái tên đó chỉ với ước muốn giản dị rằng, khi lớn lên nó muốn đi đâu thì sẽ đến được đó.

"Thế mày muốn đi đâu?" Tôi hỏi thằng Đến, vào một buổi trưa hai đứa cùng rảo bộ từ trường về nhà. Chúng tôi ở chung một khu tập thể, chính xác hơn là ở hai nhà cạnh nhau, nên thường chờ nhau để cùng về một lượt. Tôi đi trước, nó đi sau, cách tôi một quãng khoảng hai chục mét, vừa đi vừa tha thẩn ngắm nhìn hai bên đường, thỉnh thoảng tôi lại phải dừng lại chờ nó. Khi chơi đá cầu nó nhanh nhẹn, tinh quái bao nhiêu thì những lúc bình thường nó trầm lặng bấy nhiêu. Nghe tiếng tôi gọi, nó dường như bừng tỉnh, chạy vội theo tôi. Ánh nắng buổi trưa hè chiếu xuyên qua những tán cây trên đầu, rọi xuống chỗ nó thành từng mảng xanh lơ lấp lánh.

"Gì mày?"

"Tao hỏi là sau này Đến lớn lên Đến muốn đến nơi nào?"

"Nơi nào ấy hả," Đến gãi đầu, "tao chưa bao giờ ngồi nghĩ nghiêm túc về chuyện đó. Và cũng không thấy cần thiết lắm. Cứ sống ở đây như bây giờ không phải tốt rồi sao?"

"Chưa chắc," tôi nhún vai. "Như tao nè. Tao thì muốn sau này lớn lên mình sẽ được đi thật nhiều nơi, lên rừng xuống biển, thử đủ thứ của ngon vật lạ trên đời."

"Tùy mày thôi, ai chẳng có ước mơ." Đến dùng chân đá tung mấy hòn sỏi trên đường, điệu bộ vẫn hờ hững.

"Bố mẹ đặt cho mày cái tên đó thật phí quá." Tôi trêu nó. Nhưng Đến không cười. Nó chỉ nhún vai:

"Mày chẳng sâu sắc gì cả. Những cuộc hành trình trong đời người đâu chỉ tính bằng những bước chân. Tao hoàn toàn có thể nói tao đến được một nơi nào đó không phải là một địa danh. Chẳng hạn đến được với hạnh phúc, đến được với bình an..."

Quả đúng là tôi chưa từng nghĩ mọi thứ theo hướng mà thằng Đến vừa chỉ ra. Tôi gật gù:

"Hay nhỉ. Vậy trong những điều như vậy mày muốn đạt được điều gì?"

"Có nói ra mày cũng cười tao thôi."

"Nói đi."

Nhưng Đến không nói thêm điều gì nữa.

Chỉ là, khi câu hỏi của tôi vang lên, tôi thấy ánh mắt đó đang nhìn vào chỗ nào xa xăm lắm. Chứ không phải nhìn tôi. Nên tôi nghĩ rằng cái ước mơ kia của nó, dù có là gì đi chăng nữa, cũng không có chỗ cho tôi ở đó.

Chẳng hiểu sao suy nghĩ đó làm tôi buồn phiền suốt mấy ngày trời.

-----





11.

Tám năm ròng tôi và Đến đi đi về về cùng một con đường.

Lên cấp hai, rồi cấp ba, chúng tôi đều được phân vào chung một lớp. Trường mới ở xa nhà hơn, tôi và nó được phép đạp xe đi học. Ngày nắng cũng như ngày mưa, không hôm nào chúng tôi không kè kè cạnh nhau. Mọi người gọi hai đứa là cạ cứng. Còn tôi chỉ đơn giản tin Đến là đứa bạn thân nhất đời mình.

Trường cấp ba của tôi là một ngôi trường rộng rãi, nằm tách biệt khỏi khu dân cư xô bồ. Sau trường có một cánh đồng cỏ, nơi đám học sinh chúng tôi vẫn thường ra chơi bóng, đá cầu, học bài. Càng lớn, những trò chơi càng ít có sức hấp dẫn với chúng tôi hơn, vậy là những buổi chiều sau khi tan trường, chúng tôi chỉ đem sách bút ra đó ngồi học chung, tới khi hoàng hôn buông, căng mắt ra không đọc được chữ trên trang sách nữa, hai đứa mới ra về.

Lớn lên, Đến vẫn là một đứa nhỏ người và trầm lặng. Nó chưa bao giờ ồn ào, luôn luôn ngồi phía sau và mỉm cười trước những câu chuyện phiếm của đám đồng niên vốn đã thân thiết với nó từ thuở bé. Bù lại vào đó, nó đọc rộng, hiểu nhiều, và những bài văn nó viết luôn khiến chúng tôi phải ngạc nhiên vì sự già dặn trong đó. Trong khi đám chúng tôi chỉ quanh quẩn với việc ngày hôm nay học gì, chơi gì, nó đã bắt đầu tỏ ra quan tâm đến những vấn đề xã hội xung quanh. Nó ngày càng năng nổ tham gia các câu lạc bộ dành cho thiếu niên của trường, của quận, của thành phố.

Và tôi cứ thấy nó ngày một xa cách.

Một buổi chiều nọ, tôi lại ngồi bên nó nơi đồng cỏ sau trường. Hẹn mãi mới được một ngày cả hai đứa cùng rảnh rang, khi mà Đến cứ hết họp mặt ở hội nhóm này lại chạy xô đi tham gia sự kiện khác. Tôi cắn đến móp cả cán bút bi trước đề toán thầy giáo giao, rồi lại liếc qua phía Đến đang nằm chống tay, nghiên cứu đống sách vở ngoại ngữ dày cộm của nó, chợt nhận ra từ bao giờ tôi đã sợ làm phiền nó như vậy? Và hơn nữa, tại sao chỉ một điều nhỏ nhặt đó thôi cũng khiến tôi cảm thấy tâm trạng mình thật là khổ sở?

"Đến ơi?"

"Ơi mày?" Đến đáp lại, mắt vẫn không rời khỏi những trang sách.

"Tao..." Giọng nói dửng dưng của nó khiến tôi thấy những điều mình sắp nói ra nhạt thếch. "Định kể mày là dạo này bà giáo viên Hóa trù tao quá, mà thôi, chắc mày cũng chẳng muốn nghe."

"Cô Kiều Anh đó hả?" Bây giờ Đến mới ngẩng đầu lên, và nó nhìn tôi cười, vẫn cái nụ cười khiến tôi cảm thấy mọi vấn đề của mình đều hóa ra cỏn con đó. "Cô Kiều Anh trù mày như nào?"

"Thì cô... cô gọi tao lên bảng miết, lại toàn đúng đợt tao học hành chểnh mảng. Rồi suốt ngày nhắc tên tao trong giờ, dù tao chẳng làm gì."

"Có thật mày không làm gì không, hay toàn cười đùa với cái Hiền bàn bên?"

Tới đây thì tôi cứng họng. Đúng là tôi với con bé Hiền hay nói chuyện trong giờ thật.

"Nè," Đến nhích lại bên cạnh tôi, rồi huých vai tôi. "Cô lo cho mày lắm đó. Tao nghe mấy đứa chơi thân với cô bảo vậy. Tại năm sau thi tốt nghiệp rồi, mà điểm Hóa của mày thì gần như thấp nhất khối."

Một phần lý do tôi không tâm sự được với nó chính là vì cách nói chuyện của nó. Như bề trên, cụ thể hơn là y chang bố tôi vậy, chẳng có xíu gần gũi nào hết. Nó cứ như người lớn ấy.

"Mà Cương này," bất chợt Đến cất tiếng.

"Hả?"

"Dạo này tao có làm gì khiến mày khó chịu không?"

Câu hỏi bất ngờ của nó khiến tôi ngớ ra vài giây. Thật lòng thì câu trả lời chắc chắn sẽ là , mỗi tội...

Nhưng Đến đã nhanh chóng bắt thóp tôi, khi thấy tôi ngần ngừ:

"Nếu tao làm gì sai, làm ơn hãy nói cho tao biết, để tao còn sửa được không mày?" Giọng điệu của nó bỗng chốc tha thiết đến kì lạ, và tim tôi bỗng chốc hụt đi một nhịp. Cái nắm tay của nó sau đó lại càng khiến tôi bối rối hơn. "Thời gian qua tao không để ý đến mày nhiều thật, nhưng tao vẫn quý mến mày như xưa thôi, chẳng có gì khác cả. Đừng giận tao, cũng đừng bỏ tao nha, xin mày..."

Những lời cuối, Đến gần như chỉ thầm thì. Nhưng tình cảm chứa chan trong đó thì tôi lại nghe rõ ràng hơn bao giờ hết.

Và tôi đã làm một điều mà chính tôi cũng không hiểu vì sao.

Tôi đưa gương mặt của mình tới gần gương mặt của Đến rồi, trong lúc nó còn đờ người ra, tôi nhắm mắt lại, và khẽ đặt lên môi nó một nụ hôn.

Nụ hôn nhẹ như gió thoảng, chỉ khẽ phớt qua trên môi hai đứa, nhưng tôi cảm thấy toàn bộ cơ thể mình như có luồng điện chạy qua.

Cảm giác này, tại sao lại đúng như thế?

Khi tôi thu người lại và mở mắt ra, tôi thấy Đến đang đăm đăm nhìn mình. Tôi không đọc được ánh mắt nó, không biết nó đang nghĩ điều gì. Thế rồi Đến là người vươn người tới trước, níu lấy cổ tôi, kéo tôi vào một nụ hôn sâu hơn, và tôi chẳng còn băn khoăn gì nữa.

Chỉ là, hai bàn tay Đến níu lấy tôi lúc ấy, chẳng hiểu sao có chút tuyệt vọng. Cảm giác tuyệt vọng ấy, cùng bầu trời hoàng hôn đỏ ối lúc bấy giờ, đeo đuổi tôi ngay cả khi tất cả kí ức về nụ hôn đầu đời đã lùi vào dĩ vãng.

-----









100.

Sau buổi chiều hôm ấy, thực lòng mà nói, chuyện giữa tôi và Đến không có nhiều thay đổi. Tôi cảm nhận được rằng cậu chưa sẵn sàng để tiến tới tình yêu - có thứ tình yêu nào cho hai đứa nít ranh mới mười bảy tuổi - và có lẽ cậu cũng thấy ở tôi điều tương tự, vậy nên lịch trình của hai đứa không có nhiều thay đổi. Chúng tôi vẫn đi học cùng nhau, về cùng nhau, như trước đây. Đến vẫn quay cuồng với những hội nhóm, với những bài vở tập san mà cậu được giao nghiên cứu. Tôi vẫn có chút lửng lơ, ngoài dành thời gian học đầu óc vẫn chỉ quanh quẩn với những buổi rong chơi với chúng bạn. Nhưng sắp lên năm cuối cấp, cả gia đình lẫn thầy cô ở trường đều hối thúc về kỳ thi tốt nghiệp, nên tôi có bớt chểnh mảng việc học hành hơn một tẹo.

Một hôm, Đến bắt gặp tôi khi tôi đang lân la nơi thư viện trường. Cậu ngồi xuống đối diện chỗ tôi, mỉm cười, nói một câu vu vơ không đầu không đuôi, "Cương dạo này khác xưa ghê nhỉ."

"Ai cũng giục thì phải cắp mông lên mà học thôi," tôi làm điệu bộ ôm đầu rầu rĩ, "mặc dù ôn thi chán ốm à."

"Có phải mỗi ôn thi đâu," Đến gạt đống sách tham khảo tôi đang bày bừa trên bàn sang một bên, cầm chồng nhật báo giơ lên. "Biết đọc báo, biết cập nhật tin tức thời sự rồi nè. Không còn một mình một thế giới nữa nè."

Tôi giật chồng báo lại, thấy hai tai nóng bừng.

"Mà cũng phải thôi," Đến chợt thở dài. Cậu chống cằm, hướng đôi mắt ra ngoài bầu trời xanh thăm thẳm tháng tám. Đám hoa sữa bắt đầu đến kì bung nở, và năm nào cũng như năm nào, hương hoa trên phố đậm đặc tới mức trên đường đi học về tôi và Đến cũng ngầy ngật vì chúng. "Những ngày này có không muốn cũng vẫn phải đọc báo. Mọi thứ... mọi thứ đều khác xưa rồi."

Tôi đặt tay mình lên bàn tay hờ hững của Đến, bỗng dưng thấy lòng chẳng ước ao gì hơn là được ngồi thu mình bên cậu, trong căn phòng nhỏ đầy mùi sách và cà phê này, mãi mãi cũng được. Nhưng thế giới ngoài kia rộng lớn quá. Lại phức tạp nữa. Chúng len lỏi vào cả đây rồi, trong từng trang báo được chuyển đến thư viện mỗi ngày, những tiêu đề với ngôn từ ngày một quyết liệt hơn, căng thẳng leo thang luôn hiển hiện trong từng câu chữ.

"Mà Cương, thật ra thì, mày thấy tất cả những chuyện này," Đến hất đầu về phía chồng báo, "thế nào?"

"Tao không biết," tôi lắc đầu, "tao không biết."

"Nói thật với mày," bàn tay Đến khẽ xoay lại trong tay tôi, "tao cũng vậy. Tao đã đọc, đã nghe ngóng tất cả những gì có thể, nhưng tao cũng không biết."

Sau câu nói đó của Đến, cuộc trò chuyện rơi vào im lặng. Giữa hai đứa đều không biết gì cả, thì còn chi để mà nói với nhau đây.

Tôi lần giở cuốn sách tham khảo trên tay mình, vô tình lật trúng đến một trang giấy có vài cánh phượng xếp thành hình con bươm bướm, hẳn là ai đó mượn sách trước tôi đã kẹp vào. Hẳn cũng phải vài ba tháng trước rồi, bởi hoa thì đã héo, khô quắt lại, sắc đỏ tươi chẳng còn nữa. Nhìn xa xa nom tựa vệt máu khô.

-----

























101.

Chiến tranh cuối cùng cũng nổ ra. Và rất nhanh chóng, tôi và Đến cùng thấy mình bị cuốn vào nó.

Từ cái ngày chúng tôi ngồi cạnh nhau trong thư viện nhìn trời xanh, đến khi hai đứa chính thức ghi tên nhập ngũ, chỉ vỏn vẹn có nửa năm. Nhưng nửa năm là đủ để khung cảnh thành phố bị quết lên một bầu không khí lẫn lộn đến buồn cười, nửa sôi sục lửa chiến nửa ảm đạm thê lương. Những biểu ngữ sặc sỡ chăng trên những tàng cây, in lên nền trời xám xịt ngày đông. Tiếng loa rộn ràng át mất cả tiếng người thầm thì nhỏ to nơi góc phố. Ngày ra đi, Đến đội một chiếc mũ len màu mận, tôi độn trong người ba lớp áo mỏng màu tro, không dám ngoảnh đầu lại nhìn đôi mắt đỏ hoe của người nhà. Chúng tôi đi, bỏ lại thành phố quê hương, bỏ lại cả năm cuối phổ thông với những dự định mà giờ đây nghĩ lại thấy sao thật xa vời.

Sau quá trình huấn luyện ở một vùng trung du, tôi và Đến được phân vào hai trung đội khác nhau, nhưng vẫn thuộc cùng một tiểu đoàn. Đến nhanh chóng được giao cho chân văn thư, ngòi bút năm xưa từng dùng để viết những bài xã luận sắc bén nay quanh quẩn với công việc ghi chép lại những hồ sơ tẻ ngắt - cách cậu miêu tả chúng với tôi, vào những dịp hiếm hoi hai đứa còn gặp mặt. Tôi làm anh lính bộ binh quèn, chỉ việc nào làm việc đó, từ xếp súng, lau súng, tới vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược.

Ở gần trại lính của chúng tôi có một ngôi trường cấp ba nằm cạnh một chân đồi. Người dân đã di tản hết, trường cũng chẳng còn mống học sinh nào. Đám dây leo đã thừa cơ đó mà mọc vô thiên lủng lên những cột đèn, những ô cửa gỗ, chúng hăng say tràn vào cả bên trong lớp học, như thèm khát những tri thức dang dở bên trong. Khoảng hai tuần trước khi lên đường, cái lúc cả đám còn tương đối rảnh rang bởi việc huấn luyện đã gần như xong xuôi, tôi và Đến dành ra một buổi chiều chạy qua bên ngôi trường đó. Tôi lặng người trên bục giảng nhìn những hình vẽ, những bảng biểu, những công thức ghi bằng phấn trắng trên tấm bảng đen, thấy đầu óc rỗng không, chẳng còn gợi nên được điều gì nữa cả. Kiến thức, thông tin tuột khỏi trí nhớ tôi nhẹ bẫng như vậy.

Đến đi xuống phía những dãy ghế gỗ, lần mò dưới những ngăn bàn, gom lại được một tập giấy trắng. Cậu cẩn thận bọc chúng lại đem về.

Ánh hoàng hôn buông khi chúng tôi rời khỏi nơi ấy. Ngoảnh đầu nhìn lại, tôi thấy ánh tà dương buông trên những bức tường phủ dây leo, và màu xanh không còn nữa.

-----



























































110.

Trước khi lên đường ra trận, người ta đã huấn luyện chúng tôi chai lì trước tra tấn. Trước tiếng bom đạn, trước tiếng gào rú của máy bay chiến đấu trên đầu. Phần nào đó, là trước cả cái chết. Nhưng không ai cảnh báo với tôi về sự im lặng. Im lặng đến nghẹt thở, khi tai đã ù đi vì tiếng nổ chẳng có thể nghe được đồng đội gào thét. Im lặng đến nghẹn họng, vào những buổi đêm nín thở nằm chờ đợt tấn công mới của địch. Im lặng đến xót lòng, khi sau mỗi trận đánh, lại thêm một vài hình bóng từng cười cười nói nói với tôi chỉ trước đó một ngày đã tan vào hư không. Im lặng đến héo mòn cả con tim, trong những ngày thảnh thơi hiếm hoi tôi chờ Đến, và cậu không đến.

Đến đã ở nơi đâu, trong tất cả những ngày tháng ấy? Khi tôi gặp phải thương tích đầu đời: một cành cây đâm vào chân đau điếng, trong một lần đi trinh sát bên bìa rừng? Khi tôi ngồi nhai lương khô trệu trạo, chỉ mong có ai đó bên cạnh để kể lại một ngày mệt nhoài vừa trải qua? Khi tôi tỉnh giấc giữa đêm, đầu óc váng vất vì mộng mị và chợt nhận ra lệ đang chảy dài trên má mình, giấc mơ về quê nhà, về mẹ cha, về mái trường cũ, về phòng thư viện đầy mùi sách nơi có khoảng trời xanh trong vẫn còn đó? Cái đêm giấc mơ ấy đến với tôi, tôi đang bị đau mắt, chẳng rõ là do nước bẩn hay do bệnh tật gì. Mí mắt tôi sưng lên, khiến cho tầm nhìn của tôi lúc nào cũng loang loáng màu đỏ.

Có đôi khi tôi loáng thoáng thấy cậu, giữa một rừng những đầu người. Nhưng chỉ thoáng thấy thôi, trước khi công việc kéo tôi đi một nơi khác, và tôi lại lạc mất cậu lần nữa. Tôi hỏi mọi người xung quanh, và bởi công việc của Đến tương đối đặc thù, hầu như không ai biết cậu đang làm gì cả. Tôi nảy ra ý định viết một vài lời nhắn cho cậu. Nhưng vì lý do nào đó, chúng không bao giờ đến tay cậu được. Cậu ở ngay đó, mà tôi lại chẳng có cách nào với tới.

-----
































































111.

Cuộc chiến này không bình thường.

Rơi vào bên trong nó, tôi như mất đi cảm thức về thời gian. Những đợt hành quân cứ kéo dài đến vô tận, cảnh tượng loang loáng trước mắt tôi, hết sông tới biển, hết biển lại tới rừng, dần dà lẫn lộn vào nhau. Tôi không còn nhớ lần cuối cùng tôi được ngủ một giấc ngon lành mà không bị quấy nhiễu bởi đám muỗi hay vắt rừng. Hay lần cuối cùng tôi có thể lùi lại suy nghĩ thông suốt, về tất cả mọi sự này.

Chúng tôi đã mất đi cái nhìn toàn cảnh. Cấp trên chỉ đâu, chúng tôi đánh đấy. Dần dần cũng dễ dàng hơn, cái việc bò lê bò lết trên bùn nhão trộn với máu hay dẫm ủng lên những xác người. Không có thời gian để tiếc thương, để than khóc, để nuông chiều theo những suy nghĩ vẩn vơ, hay thậm chí để ngơi nghỉ hay lơ là đầu óc. Những trận đánh diễn ra liên tục, với cường độ ngày một dày đặc hơn. Chúng tôi như những sợi dây chun bị kéo căng hết cỡ. Cảm giác có thể đứt phựt bất cứ lúc nào.

Đến ở đâu đó xa thật xa tôi. Im lặng.

Im lặng.

-----















































1000.

Chỉ huy đứng trước tấm bản đồ vừa cũ sờn lại nhàu nát, tóm lược cho chúng tôi về trận đánh sắp tới.

Số lượng địch dự kiến gấp gần ba lần quân số còn lại của tiểu đoàn chúng tôi. Đó là đã tính gộp cả một phần ba anh em đã mất một phần cơ thể, đang dưỡng thương hay đang nằm ốm trên giường.

"Cứu viện đang đến, nhưng mình không chắc có kịp hay không nữa."

Lần đầu tôi quan sát kỹ anh. Có lẽ không nhiều tuổi hơn tôi là bao. Vừa mới được thăng chức cách đây độ mươi hôm, sau khi người chỉ huy cũ của chúng tôi tử nạn sau một trận dội bom của địch. Một chàng trai thành phố đã từng hiền lành, ít nói, làm gì cũng dịu dàng. Chưa học được cách che giấu sự run rẩy trong giọng nói của bản thân - ít nhất là che giấu sự vỡ vụn khi lướt ánh mắt qua một đám tàn tạ chúng tôi.

Tôi lại thấy mình lau súng, mang ủng, mặc lên người bộ quân phục cũ. Từng động tác thuần thục như một cái máy. Trời mưa tầm tã, chúng tôi vừa vuốt nước mưa trên mặt vừa vào vị trí. Mắc kẹt ở nơi heo hút này, khi mọi liên lạc với thế giới bên ngoài đã cắt đứt, khi mọi thư từ đều không đến nơi, mọi bộ đàm liên lạc đều hỏng cả, ngay đến cả tầm nhìn cũng thu hẹp lại trong màn mưa trắng xóa, tôi có một cảm giác kì lạ về việc, chúng tôi dường như đã trượt vào một thế giới khác rồi, và sự chờ đợi này sẽ kéo dài, dài mãi, dài đến muôn đời.

Đến đang ở nơi đâu?

Ánh lửa lóe lên trước mắt tôi. Mọi ảo tưởng tan biến, thế giới bị kéo giật về phía tôi trong một giây điên cuồng.

Và tôi thôi không nghĩ về Đến nữa. Tôi giương súng lên, nã đạn vào quân thù. Hy vọng mong manh rằng từng viên đạn bắn ra, từng cái nghiến răng, từng tiếng hét của mình và của những người xung quanh có thể đẩy lùi được chúng.

Nhưng chúng tôi đang đùa với ai cơ chứ? Sự tàn khốc trong cuộc chiến này lớn hơn tất cả chúng tôi cộng lại. Và tất nhiên, tôi là ai để mà đùa giỡn với tử thần?

Một tiếng nổ, và tôi không còn biết gì nữa.

-----







































































































.     · + * . . ⋆ ✧   ˚ · .  . ✧ .   .      ✺
·       ҉ *
✧ ⊹ .   * *

.     · +

* . . ⋆ ✧   ˚
· .   . . ✧  

.     ҉ 
  ✺ ·      * ⊹ .   * ✧ *

.      · + * . . ⋆ ✧   ˚ · .  
. .   .      ✺ ·      * ⊹
.   ✧ * *

∞.

Tôi mở mắt, không chắc mình đã mở mắt, bởi tất cả những gì tôi thấy là một màu xanh nhòe nhoẹt. Của cây rừng chăng? Hay của những vì sao? Chóp mũi và những đầu ngón tay của tôi thấy lạnh. Nhưng chỉ vậy thôi. Tôi không biết rằng tôi đang nằm, hay đang ngồi dựa vào một gốc cây, hay đang chênh chao trôi nổi ở giữa một con sông. Cơ thể tôi không cảm nhận được điều gì nữa. Chỉ có một cơn đau mơ hồ, cũng chẳng rõ là đau ở đâu, hay là đau tất cả mọi chỗ. Có lẽ tôi đã quá yếu rồi, quá mệt rồi.

Một thứ gì đó chạm lên mặt tôi, khiến tôi hơi giật mình. Một bàn tay.

Bàn tay đặt trước mũi tôi, cảm nhận hơi thở rất yếu nơi đó. Thế rồi, nó được thay thế bởi một thứ gì khác. Nhồn nhột, tựa như một mái đầu.

Trời đêm càng lúc càng lạnh. Những bộ phận cuối cùng vẫn còn có xúc giác để cảm nhận của cơ thể tôi cũng tê cứng dần, và rồi chẳng còn cảm giác nào nữa.

Trường nhận thức của tôi cứ thu hẹp lại, thu hẹp dần.

Tôi dùng chút hơi còn lại trong phổi, mấp máy môi cất tiếng gọi, "Đến ơi?" Chắc hẳn chẳng còn âm thanh nào phát ra được nữa, chẳng còn gì nữa ngoài nỗi lòng cuộn xoáy rơi vào thăm thẳm trong tôi rồi tắt ngóm như đốm lửa đã lụi tàn.

Người đáp lại bằng một câu gì đó, nhưng tai tôi cũng hỏng mất rồi. Đầu tôi chỉ văng vẳng những tiếng ong u.

Màu xanh lại loang loáng hiện lên trước mắt. Tựa như màu xanh lơ của ánh nắng chiếu qua tàng cây vào một mùa hạ năm nào.

Tôi để bản thân chìm sâu, chìm mãi vào im lặng. Và vũ trụ của tôi sụp đổ về một điểm kỳ dị duy nhất.

-----

Hết.









































Cảm ơn QuanhN6 vì request của bạn. Bạn là người duy nhất yêu cầu fic Duy Cương - Công Đến ở đây, nên mình cũng muốn viết gì đó đặc biệt hơn một chút. Mặc dù thú thực là, cốt truyện này vốn ban đầu mình để dành cho hai OC của mình, chứ không phải cho hai cầu thủ này, và chà, có lẽ nó cũng không được như mong đợi.

Đối với những bạn khác đang đọc chiếc fic này, mình xin được thứ lỗi trước nếu trong truyện mình có bất cứ chi tiết nào không phù hợp hay không đúng mực. Mình sẽ tiếp nhận mọi đóng góp, mọi chỉ trích từ các bạn. Trong toàn bộ quá trình viết con fic này mình cũng thấy phân vân nhiều.

Cảm hứng chính cho fic là truyện ngắn "Schwarzschild Radius" của Connie Willis. Mình đọc truyện này trong tuyển tập "Impossible Things" của tác giả, cũng không có link ở đây để chia sẻ với mọi người.

╭─────────╮
01.09.2022
╰─────────╯

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro