Not a ghost story.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi vẫn còn nhớ, mỗi lần ba đứa tôi hẹn gặp nhau nơi cây gạo đầu làng, thằng bé Bắc lúc nào cũng phải leo đến gần sát ngọn cây.

Sơn lắc đầu trìu mến khi nhìn Bắc nhanh nhảu đánh đu lên chiếc cành thấp nhất hướng về phía mặt trời lặn. Chỉ trong thoáng chốc, hai chân Bắc đã đặt lên đó, và rồi bằng những động tác nhịp nhàng và thuần thục đến không tưởng, nó lần hồi trèo qua những cành nhánh, những mấu gỗ và, trước khi chúng tôi kịp dặn nó phải cẩn thận, nó đã vắt vẻo cách chúng tôi một quãng xa. Bắc cười khanh khách, anh Khang anh Sơn lên đây với em đi, ở trên này nhìn được cả thế giới, đâu đâu cũng thu cả vào tầm mắt mình. Rồi nó vươn người, ngắt những chiếc lá xanh, hoặc những bông hoa gạo đỏ tươi nếu thời gian là tháng ba, thả xuống chỗ tôi và Sơn đang đứng. Sơn thường cố đuổi theo những chiếc lá mà Bắc thả rơi, còn tôi chỉ đứng chôn chân chờ hoa gạo. Trước khi đáp xuống mặt đất, từng bông hoa gạo xoay tròn, xoay tít, nom xa như một ngọn lửa cháy bập bùng.

Với tôi, Bắc giống như một chú sóc nhỏ. Chỉ có loài sóc mới ham thích trèo cây nhường đó, không phải sao? Nhưng khi tôi nói điều đó với Sơn, Sơn ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo, tao thấy thằng bé giống như một con chim nhỏ chờ ngày cất cánh. Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao. Sơn chỉ nhún vai.

"Mày không thấy nó muốn bay đến mức nào hay sao?"

Đúng là trong hai đứa lớn bọn tôi, Sơn lúc nào cũng là đứa tinh tế và giỏi quan sát hơn. Trước khi cậu nói với tôi điều đó, tôi ít khi để ý đến ánh mắt khao khát của Bắc khi hướng về phía bầu trời rộng mở, hay cái cổ ngẩng cao, hay đôi cánh tay hơi dang ra khỏi cơ thể khi thằng bé chỉ có một mình trên ngọn cây gạo. Sau đó thì, ánh mắt ấy không lúc nào tôi có thể quên đi.

Thi thoảng, trong im lặng, tôi sẽ nheo mắt ngó lên chỗ Bắc vắt vẻo trên đầu mình. Lưng thằng bé tựa vào thân cây, hai chân vắt chữ ngũ, tay kê sau gáy. Nếu không có những tiếng hát nghêu ngao từ trên cao vọng xuống, thì trông dáng bộ của thằng bé bình yên như thể đang nằm thiu thiu ngủ trên chiếc võng sau nhà vậy. Sau này tôi cứ nghĩ mãi, rằng lúc bấy giờ thay vì để tâm hồn nó thỏa thích bay cao vút trong những mộng tưởng xa vời, tại sao chúng tôi không rủ nó xuống, đưa cho nó mấy quả bàng chúng tôi tha thẩn nhặt được trên đường ra cây gạo, bày mấy trò bắn bi, ô quan, gấp giấy vở làm diều để giữ nó lại mặt đất lâu hơn một chút? Cũng như tôi thường day dứt về cách tôi hay nạt nó, mỗi lần thấy nó phụng phịu vì bị điểm kém hay bị ba mẹ đánh đòn: này, chuyện trẻ con, sao mày phải khóc nhỉ?

Và, mỗi lần nghĩ như vậy, tôi lại vô thức quay qua Sơn tìm sự đồng tình, chỉ để nhận ra, Sơn cũng đi xa mình bao nhiêu năm rồi còn đâu.

─── ・ 。゚☆: *. 🌳 .* :☆゚. ───

Trí óc con người là một thứ gì đó thật khó nắm bắt. Suốt hai mươi năm xa nhau đó, cứ vài ba tháng một lần, tôi lại mơ thấy Sơn. Lạ lùng hơn, trong giấc mơ của tôi, Sơn không bị đóng khung ở độ tuổi mười hai, mà như thể đã lớn lên cùng tôi vậy. Hẳn là cậu vẫn đang lớn lên, đang già đi ở một nơi nào đó tôi chưa từng đặt chân đến thôi, hẳn là cậu cũng đã có sự nghiệp, có gia đình, xây dựng cho mình được một cuộc sống mới. Nhưng tôi không hiểu làm cách nào tôi có thể mường tượng ra gương mặt khi trưởng thành của cậu rõ rệt đến nhường ấy. Có lẽ bởi vì Sơn vẫn luôn là một ông già trong hình hài đứa trẻ, luôn hiểu chuyện, luôn giảng hòa tôi và Bắc khi cần, luôn cười xòa trước những trò nghịch ngợm tinh quái của Bắc cũng như chẳng bao giờ để bụng tính khí thất thường của tôi.

Đôi khi tôi tự hỏi, nếu gặp lại Sơn, tôi sẽ mở lời với cậu như thế nào. Chỉ riêng suy nghĩ ấy đã khiến nội tâm tôi rối như một mớ bòng bong. Tôi không thể tách bạch những tháng năm tôi lớn lên bên Sơn với cái khoảnh khắc tôi và Bắc đứng chôn chân nhìn chiếc xe tải nhỏ chở gia đình cậu cùng lỉnh kỉnh đồ đạc hướng về phía đường quốc lộ rồi đi xa mãi. Bắc sụt sịt trong vòng tay tôi, còn tôi dù đã cắn môi ghìm lại tiếng nức nở nhưng chẳng thể nào ngăn nổi nước mắt tuôn thành dòng trên má. Thế rồi Bắc rời khỏi vòng tay tôi, và hai anh em quay về trong im lặng. Đến chỗ cây gạo, Bắc leo tót lên ngọn cây, ngồi lì trên đó đến lúc nền trời đã chuyển thành màu xanh thẫm, mặc cho tôi giục nó về nhà tắm giặt ăn cơm cho sớm sủa.

Biết đâu đấy, có khi trong những chuyến đi xa, tôi đã gặp được Sơn một lần. Một phòng chờ sân bay, một bến xe chật kín người ngày lễ, một giảng đường đại học, một đoạn đường tắc cứng khi đến giờ tan tầm. Biết đâu tôi đã từng đi lướt qua, từng chuyện trò với cậu trên điện thoại, biết đâu đường đời của hai đứa tôi đã từng giao nhau - không nhập thành một quãng dài như ngày nhỏ, nhưng len lỏi vào nhau theo một cách nào đó, như là chiếc máy tính cũ tôi mua từ cửa hàng về đã từng là của cậu, hay căn phòng trọ trong con hẻm ở phía tây thành phố ấy trước khi thuộc về cậu thì đã thuộc về tôi. Chẳng lẽ hai người bạn thân thiết thuở ấy lại không bao giờ còn có duyên gặp lại.

Giá mà mày ở lại, có lúc tôi nghĩ tôi sẽ nói với Sơn như vậy. Mọi chuyện có thể sẽ khác. Tao, mày, Bắc, biết đâu đã có thể học chung cấp ba ở đây, rồi cùng dìu nhau lên thành phố học đại học, thuê chung một căn phòng trọ cũ xì, tối tối ôm đàn nghêu ngao hát. Cái cảnh ấy thực ra tôi đã từng chứng kiến rồi, vào năm thứ hai trọ học ở thành phố. Từ chỗ làm thêm trở về, lách người qua cánh cổng với bản lề đã két dầu, tôi luôn thấy ba con người đồng hương ấy ngồi hát chung, chơi chung. Và tôi tự hỏi, liệu họ biết rằng niềm vui của họ quý giá và mong manh đến nhường nào hay không?

Tao cá là ba đứa mình hẳn sẽ có thật nhiều niềm vui, tôi tiếp tục cuộc độc thoại trước mặt Sơn trong những giấc mơ của mình. Bắc phóng khoáng, vui vẻ nhường vậy, mày cũng vị tha, nhân hậu nhường vậy. Ngay từ ngày còn nhỏ và chưa hiểu được sự đời, tao vẫn có một niềm tin mãnh liệt rằng khi lớn lên, hai đứa mày sẽ trở thành những người tốt.

Cho nên, đôi khi tôi tự hỏi, tại sao sau cùng, chỉ có mình tôi trơ trọi trong dòng đời này, giữa những kí ức này.

─── ・ 。゚☆: *.🌳 .* :☆゚. ───

Ngồi trên những chuyến xe đò, thi thoảng tôi vẫn gặp được một người hỏi đường về quê tôi. Thường họ không phải đồng hương của tôi, nhưng cũng chẳng phải những vị khách sang trọng tìm nơi nghỉ dưỡng. Làng tôi nhỏ, nằm tựa lưng vào núi, lọt thỏm giữa đất trời bao la, đến cái tên còn chẳng ai buồn nhớ thì làm gì có dịch vụ phát triển. Chỉ có mấy người du lịch bụi, du lịch phượt là tỏ ra hứng thú. Tôi ngả lưng nơi hàng ghế áp chót, cắm headphone để ngăn những lời sau lọt vào tai mình, trăm lần như một:

"Sắp đến chưa bác tài?"

"Đến đâu?"

"Cái làng có cây gạo cổ thụ bị sét đánh đó."

Và chẳng lần nào tôi thành công. Khi đã biết điều gì, thì không bao giờ có thể giả vờ như là mình không biết.

Suốt hai mươi năm qua, tôi vẫn thường bắt gặp mình dựng đi dựng lại trong đầu khung cảnh của buổi chiều mưa hôm đó, thời điểm đúng một tuần sau khi gia đình Sơn rời đi, khi những cơn mưa đầu hạ vừa tìm đến. Hàng nghìn lần, hàng vạn hàng triệu lần, tôi thấy Bắc, vẫn nhỏ xíu và mảnh khảnh như năm xưa, thoăn thoắt trèo lên ngọn cây gạo quen thuộc. Không hay biết gì về những đám mây giông vần vũ, hoặc có biết nhưng chẳng buồn để tâm. Thằng bé có khóc không? Đang buồn vì điểm kém, hay vì đòn roi của cha mẹ, hay đang nhớ người anh thân thiết vừa đi xa?

Nó chọn leo lên cây gạo, thay vì chạy qua nhà tôi để giãi bày.

Tôi giữ thói quen, đi đâu xa trở về, đều sẽ mang một phần quà đặt lên mộ của Bắc. Một túi sỏi nhiều màu, một nhành lay ơn, một thỏi chocolate, một chiếc đĩa phim nho nhỏ. Cùng với vài bông hoa gạo và vài quả bàng nhặt được trên con đường liên thôn, nay đã trải phẳng lì bê tông.

Không ai chặt cây gạo cổ thụ đi, dù nó đã không còn sống sót nổi sau trận giông tố hôm đó. Người thì mê tín dị đoan, người lại coi nó như một thứ di sản. Khoảng năm năm trở lại đây, khách phượt tìm đến chụp ảnh ngày một đông hơn. Tôi nhìn những đoàn người tíu tít nói cười, tạo dáng trên những cành nhánh, những mấu gỗ, không hiểu họ có biết rằng nơi này đã từng có một đứa trẻ bạc mệnh.

Tôi vẫn thường tìm đến cây gạo, khi không có ai ở đó. Tôi nhắm mắt lại, để những cơn gió chiều mơn man trên gương mặt mình. Đôi khi, một sắc đỏ bập bùng hiện lên nơi khóe mắt tôi, và dẫu biết rằng đó là ảo ảnh, tôi vẫn muốn tin rằng trên đầu tôi có một đứa trẻ đang tinh nghịch thả những bông hoa xuống chỗ tôi ngồi, và bên cạnh tôi, một đứa trẻ khác đang tỉ mẩn xếp lại những chiếc lá xanh. Tôi những tưởng tôi đã chai lì trước cảnh tượng đó rồi, vậy mà thế nào nước mắt vẫn lăn dài trên gò má.

╭─────────╮
11.10.2023
╰─────────╯

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro