THẾ ĐẤT (Phần A)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thế Đất ( PHẦN A).

Đứng ở chỏm núi cao nhất nhìn xuống: Núi hoàn toàn là một con rồng. Gọi chung là núi Dạm. Làng tôi ở giữa núi nên gọi Sơn Trung hay Dạm Giữa. Tên "Dạm" hình như thuộc về tình yêu.
Quay mặt về hướng đông, thị xã Lam Dương bám vào các "chân rồng" bên trái, thoai thoải. Xã Sơn Trung bám vào bên phải.
Chỏm núi cao nhất, chả biết bao nhiêu thước, nhưng cao lắm. Tôi lên đến đỉnh rồi quay về mất một buổi sáng, mệt thừ. Dân làng, có người suốt đời chưa đặt chân đến đó. Ở làng, nhìn người trên ấy chỉ bằng cái tăm nhòe. Núi trọc. Đỉnh đầu rồng này có một phiến đá vuông vuông, nhẵn lì, bằng tấm phản hai người nằm. Dân làng bảo đấy là "bàn cờ tiên". Mỗi tháng, cứ đêm rằm, khi trăng lên đỉnh núi, thì có tám cô tiên bay xuống đánh cờ. Canh năm, gà gáy tiếng thứ nhất, trăng gác non Đoài, tám cô tiên bay về giời. Khi các cô xuống, đỉnh núi ửng lên một màu hồng hồng...Tôi cứ hình dung tám cô đẹp như các cô tiên người ta vẽ ở vỏ bánh pháo. Tôi mòn mắt đợi chờ mọi đêm rằm. Rồi một hôm, đoàn quân Nhật về tập. Chúng hốt hoảng, vội xúm đen xúm đỏ như đàn bọ, chúng hò hét inh ỏi và lật sấp bàn cờ xuống. Các cụ già nghiến răng ken két, cau mày: "Nó quỷ quyệt thật! Nó yểm đất đấy. Nó sợ  cái bàn cờ để ngửa thì vùng này sẽ có nhân tài đứng lên". Bàn cờ bị lật sấp, nhưng mãi mãi, dân làng vẫn gọi là "Núi bàn cờ tiên". Bên cạnh cái bàn cờ có một hòn đá xanh, nhẵn lì, lúc nào cũng như mọng lên. Hai bên nổi hai gờ khum khum, ở giữa có một cái khe. Các cụ bảo đấy là "của tiên". Mỗi khi trời mưa, nước đọng lại trong văn vắt, nhìn thấy đã ngọt lừ. Khi vừa lên đỉnh núi khát bỏng, ai múc được nước ấy mà uống thì khước quanh năm. Vì thế, dân làng còn gọi đây là núi "Của Tiên". "Của Tiên" ấy sẽ đẻ ra những anh hùng hào kiệt văn nhân, thi sĩ. Mà lạ thật, ở xa xa như núi Và nhìn vào, từ Lim nhìn tới, ở Nhồi, ở Ó nhìn sang, núi lại biến thành người đàn bà nằm ngửa. Hai cái đùi mập mạp rạng hai bên, hai cái tay xải ra, có cả tóc dài, cái đầu là phía núi Lãm Dương. Cái núi "Của Tiên" hoàn toàn giống cái bụng chửa to lắm, sắp đẻ. Khi mưa to, nước trào từng dòng trắng xóa từ "ngực" cô Tiên như những dòng sữa tràn trề, no ấm, cả làng tha hồ bơi lội trong sữa. Anh hùng hào kiệt, thi sĩ văn nhân nhiều lắm. Nhưng tôi thấy các Người cứ im lặng hình như ẩn dật, buồn bã hoặc chờ thời đứng dậy!
☆♡☆♡☆♡☆♡******☆♡☆♡☆♡☆
Dưới "đầu rồng" có cái thung lũng. Thung lũng có cái chùa của cả Tổng, nổi tiếng tỉnh Bắc Ninh. Ấy là chùa Hàm Long, gọi tắt là chùa Hàm. Giữa chùa có tượng Thích Ca cao chọc nóc chùa, đâu mười lăm thước thì phải, bằng đồng đỏ chóe. Tôi ngẩng mặt nhìn Ông, tôi lọt thỏm giữa cánh áo cà sa của Ông. Chị Cún, cô Phan bảo tôi: "Đừng chỉ trỏ, cụt tay đấy". Nhiều lần tôi chỉ trỏ mà chả thấy cụt tay hay là sau này mới cụt? Cách xa mấy cánh đồng, có quả núi như quả thị bổ đôi, úp xuống. Các cụ bảo đấy là núi Ngọc, Thôn Sơn Nam ở đấy, núi Ngọc ở đúng phía Hàm Long hướng ra.
♡☆♡☆♡☆♡☆******♡☆♡☆♡☆♡
Lưng chừng đầu rồng có cái cột bằng đá sừng sững, mốc tha mốc thếch, rồng bay xung quanh, rêu đóng thành vẩy. Các cụ bảo đấy là cột cờ, cột cờ từ thời vua nhà Lý. Núi này còn được gọi là "núi Cột Cờ" nữa. Nghĩa là núi rất nhiều tên. Tên nào cũng hay quá.
Cạnh cột cờ lại có cái chùa. Chùa cao quá nên gọi chùa Cao; chính nó là chùa Dạm. Nó có bao nhiêu là nền, xây toàn đá mà khi tôi lớn lên mái đổ từ bao giờ. Mẹ bảo: "Trước nó rất nhiều mái, có những trăm gian, trăm cửa. Cứ đêm mười tám, chập tối, chú tiểu đi đóng cửa chùa, đóng từ cửa thứ nhất đến cửa một trăm thì ông giăng lên." À ra, câu ca ở vùng tôi: "Mười tám đóng cửa chùa Dạm" là như vậy. Không biết chùa thờ ai, nhưng chắc là được làm cùng với cột cờ.

                         (HẾT THẾ ĐẤT (Phần A))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro