Mùa xuân của ai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời chiều lộng gió.

Tôi rút trong túi ra gói thuốc lá, và bắt đầu châm lửa hút. Chiếc xe ôm lại cùng tôi qua một cái tết nữa, nó rỉ sét lắm rồi. Đưa mắt nhìn về khu chợ Pía bên kia con đường, tôi chợt thấy thằng Sáo. Nó chỉ kém tôi chừng hơn chục tuổi, miệng lúc nào cũng ú ớ đủ thứ, nó nói được, nhưng lại chẳng có chút trí khôn nào. Tôi chẳng tội gì nhà nó nghèo, chỉ tội cái bệnh khờ của thằng Sáo, vậy mà nó vẫn thương má, thương má lắm. Cái gì cũng má trên môi, bà Lới thì nằm liệt giường, cũng gần đất xa trời rồi, họ hàng hay thân thuộc đến thăm cũng chỉ gật đầu cười trừ thôi, chứ nào có nhớ được ai, duy thằng con bả lại chẳng quên bao giờ.

Sáo năm nay ở khoảng bốn mấy, mặt xấu ghê gớm, hàm răng hếch ra, đi đâu cũng có chiếc sơ mi sọc cùng với cái quần đùi. Khi thì thấy nó cầm xấp vé số, lúc lại bịch ve chai mang đi bán kiếm chút tiền về chăm má. Được gì đâu? Mấy hôm người ta có lòng cho nó tờ năm chục lại cuống quýt chạy về đưa má nó giữ, bữa cơm là đồ dư miếng thừa người ta vứt vào sọt rác, nó lục lấy về rửa sơ qua rồi ăn, xong mua gói xôi bảy ngàn bạc ở khu chợ về má ăn qua ngày.

Cuộc sống tạm bợ ở căn "chòi" nhỏ bé, với cái võng, chiếc giường, và vài vật dụng linh tinh đặt trên kệ tủ và bàn trà, nằm gọn trong những tấm chăn rách nát móc chung quanh, không ra nhà, chẳng ra lều, họ hàng vì thế mới đặt cho cái tên là Chòi ông Sáo.

Hút được nửa điếu, thằng Sáo tiến lại chỗ tôi, nó gọi từ đằng xa:

"Chú Tư ơi, chú Tư!!!".

"Có gì mày lại đây mà nói, tao già rồi tai lãng lắm hông có nghe!" Tôi quát lại.

Sáo cầm lỉnh kỉnh chai lọ trong cái bao bố, vài mảnh sành còn chọc thẳng cả ra ngoài, nhẹ nhàng đặt xuống cạnh chiếc xe máy, nó khều tay tôi:

"Chú Tư khoẻ hông?".

"Mày làm nhớ mà cẩn thận mấy cái chai, đồ thuỷ tinh cứa vào chảy máu rồi nhiễm trùng là mệt cả hai má con, sắp Tết rồi." Tôi nhìn nó. "Nay kiếm được nhiêu?".

"Hôm nay con kím được mấy cái đồ vỡ nè, ít thì hai chục, nhiều thì bảy chục—"

"Rồi mày lấy tiền làm gì?" Tôi cắt lời.

"Mua thêm sữa dìa má uống!" Nó nói to.

"Nhiều lắm bảy chục ngàn thì sữa sung cái đéo gì, mày để dành tiền mua tạm nửa hay phần tư cái bánh chưng về mà ăn." Tôi thở dài, thế đấy, tình cảm mà nó dành cho mẹ còn hơn cả những thứ truyền thống xa xỉ lâu đời, thứ tình cảm của thằng con trai với trí khôn của một đứa nhóc sáu tuổi. Những cảm xúc lạ lùng như nghẹn lại nơi cuống họng tôi, không nói nên lời.

"Thôi con đi trước" Nó bắt lấy chiếc bao "Hẹn gặp chú Tư sau!".

Tôi đứng đó, thẫn thờ chạm vào chiếc xe gắn máy. Nhanh thật. Tôi vẫn còn nhớ những tháng ngày ba chở tôi đến trường tiểu học, trên xe địu hai giỏ bánh mì, để tôi ngồi chồm hổm đằng trước. Còn nhớ tiếng xe như rặn lên mỗi khi ba nổ máy, nó cũ rồi, nhưng đoạn đường mà nó đã chở tôi đi là cả một cuộc trường chinh chuẩn bị tới hồi kết.

Sang năm chắc tao mua chiếc mới vậy.

Chiều hôm ấy, tôi vừa chạy khách xong, ghé qua chòi chú Sáo một lát. Bước vào bên trong, một mùi hôi thối nồng nặc xộc lên mũi tôi, đến khó thở.

"Sáo, mày đâu rồi, mùi gì đây?" Tôi hét gọi.

"A... Chú Tư, lâu không thấy chú qua chơi." Nó bước vào từ chỗ bếp sau chòi, rồi quay sang bà Lới "Má ơi, con pha sữa má uống nha."

"A..à, ừ..." Bà nhỏ nhẹ đáp.

Họ đang sống trong một cái hố rác với chất thải lâu ngày của bà Lới, lúc thằng Sáo đi thì chẳng có ai lo cả, bả không đứng dậy được nên cứ nằm, cả khi tiểu, lẫn khi đi nặng, chiếc võng giờ giống một cái bô của những sự xú uế mà bất cứ ai cũng khó tưởng tượng nếu không nhìn thấy tận mắt.

"Mày còn nằm cái giường kia không vậy Sáo?" Tôi hỏi.

"Lâu lâu thôi chú Tư, con đi lục thùng rác đêm, đi buổi sáng người ta đuổi đánh, đau lắm, mấy hôm người ta còn canh đến tận một hai giờ sáng lận."

"Thế sao không đặt má mày ở trển, nằm ở đây bả ỉa tùm lum rồi, thúi quắc".

"Má kêu hổng cần, má thích cái võng hơn, để giường cho con nằm".

Dường như nghe ngóng được gì đó, bà Lới quay sang tôi, ngón tay ngoe nguẩy. Tôi bước lại gần, nói lớn bên tai:

"Chị nghe được em không?"

"C..có, m..một tí."

"Chị sao rồi?"

"Bình th..thường, thằng S..Sáo..."

"Em hiểu, em vẫn trông nó, nó thương chị lắm."

"B..bảo nó, m..má củng th..thương con l..lắm."

Lời nói bà Lới chữ được chữ không, cứ ngập ngừng, nhưng tôi nghe tất, chả thiếu chữ nào. Hẳn phải là một thứ ngôn ngữ gì đó cao siêu đến nỗi kẻ khờ cũng có thể hiểu, hay đơn giản chỉ là tình yêu người mẹ thôi. Quay sang thằng Sáo, tôi la:

"Mày làm gì dưới đó vậy, má mày bảo thương mày lắm nè."

"Đây, đây, sữa đây" Nó bước vào chòi, lấy tay chấm thử vào chiếc cốc nứt "Ủa, phải cho đường vào nữa chớ, nhạt nhách dầy sao má uống." Nó lại bước ra ngoài, thọc mấy ngón tay vào hũ đường gần hết, bốc một nhúm, cho vào, rồi lấy ống hút khuấy.

Chạy lăng xăng về chỗ tôi, nó ngồi xuống, vừa nâng li cho bà Lới húp từng ngụm nhỏ, vừa nói:

"Má cứ bảo sữa ngọt lắm, kêu con đừng bỏ đường nữa, để dành nhai với bánh mì, con phải dấu má cho thêm vào đấy."

Người mẹ già cứ nhấm nhép trong miệng mãi chưa nuốt. Đôi mắt nhăn nheo mệt mỏi của một goá phụ tần tảo đêm ngày vẫn còn lưu lại, ép thành những giọt lệ cứ liên tục ứa ra. Bà không nói được nhiều nữa, nhưng tôi, tôi hiểu hết. Những công lao chỉ để nhìn đứa con mình cưu mang lớn lên trong hoang dại và khờ khạo, chẳng gì hơn là những nhát dao đâm thấu tâm hồn đã co rúm lại của người phụ nữ khốn khổ.

"À, ừ..." Im lặng một lát, tôi đứng dậy, phủi quần "Thôi chú Tư về trước, hai má con liệu mà sống, đừng ăn bậy nhiều, nhiễm bệnh chết."

Những ngày gần Tết trời lại càng lạnh hơn, gió cứ như cứa vào da thịt, dẫu vậy thì tôi cũng đắt khách, lại toàn đi đường xa, chẳng mấy hôm đã thành người lạ trong mắt Sáo.

Chiều hôm ấy tôi dừng xe cạnh bến xe buýt, đợi mấy người về quê xin cuốc xe ôm. Rút gói thuốc nhỏ từ trong túi, tôi chợt nhớ khuôn mặt của bà Lới ngày hôm ấy, cứ móm mém như muốn nói gì với tôi. Hừ, còn chưa đủ tiền để sắm xe, hơi đâu lo má con nhà nó...

Thằng Sáo từ đâu bước tới trước mặt tôi, hú hồn. Mặt nó cứ xị xuống, hầm hầm. Tôi kéo nó lại gần, hỏi:

"Sao thế, kể chú Tư nghe?"

"Hôm qua có mí người qua chòi Sáo, họ bảo má chết hai ngày rồi, xác bốc mùi đến tận đầu đường, người ta đi hông chịu nổi, phải dọn xác, nhưng con đã bảo là má chỉ ngủ thôi, dạo này mệt má chỉ thở dốc, có người đến thăm thì má nín lại--"

Tôi lặng người.

Không thể được, chỉ mới ba mươi Tết, tôi vừa ghé thăm bả thứ sáu vừa rồi, năm ngày chứ mấy, bả còn uống sữa nói chuyện ngon lành mà. Hay là mùi thải của bả thôi, đâu có tự dưng mà lăn đùng ra thế. Nhưng lúc đến trông bả cũng yếu lắm rồi, liệt luôn trên võng...

Chưa kịp nghĩ, tôi vội khoác mũ lên, nổ máy chạy, mang theo thằng Sáo về chòi. Bật vào lều, tôi thấy mấy người mặc đồ vệ sinh một tay một chân khiêng bả đi. Tôi thét:

"ĐỨNG LẠI! CHÚNG MÀY MANG MẸ THẰNG SÁO ĐI ĐÂU ĐẤY!!!"

"Chú ơi, mụ qua đời rồi, nằm ủ trong phân lâu ngày nên bị nhiễm trùng nặng, không qua nổi".

"TỪ BAO GIỜ?!"

"Vài tháng rồi chú, không thấy triệu chứng gì sao?"

Tôi quỵ xuống, ôm mặt khóc. Tôi không muốn nghĩ thêm gì cả. Tôi cũng trắng tay, phải sống tạm bợ cạnh chiếc xe máy ọp ẹp, chẳng có nhà, không có lều, chỉ gối đá mà nằm cạnh xe, bị cướp mất thì tôi cũng chẳng biết phải làm gì, nhưng lại chả phải cái cớ để tôi không giúp họ...

Nhưng bà Lới, hẳn bà từng khổ hơn tôi như này nữa nhỉ, ông trời cướp bà đi đột ngột quá. Tết tôi dành tiền mua miếng bánh chưng rồi thì xẻ cho ai.

Một người dọn dẹp đến chỗ tôi, trao tôi một chiếc hộp thiếc đỏ:

"Đây là vật dụng của mụ khi con lục dưới giường, vì Sáo không biết đọc nên con gửi chú."

Tội gật đầu, khua tay đuổi đi, rồi mở chiếc hộp ra, bên trong là mảnh giấy nhỏ và một tấm ảnh trắng đen ngày trước.

...

"Sáo con ơi, má biết ngày này thể nào củng sẻ đến, nhà nghèo chưa di học lần nao nên chỉ việt được mấy nhiêu lời thôi. Nhớ kỉ nhé, dù cho má có chết, con củng phải tiếp tục sống, sống dù có trong cảnh đói ngheo, sống cho chính con, và sống cả phần của má nữa. Cổ lên con nhé. Má thương con lắm."

...

Đọc cho thằng Sáo xong, nó bắt đầu mếu máo, rặn không ra tiếng:

"M..Má đi rồi... Con sống với ai đây, con chăm sóc ai đây..."

Tôi vỗ vai, kéo nó lại, thằng Sáo co rúm người, rúc vào tôi, thút thít. Tôi bảo:

"Cứ tiếp tục sống, một mình cũng được, như chú Tư mày, khi nào tao dạy cho chạy xe rồi mua một chiếc mà đi".

Nó không trả lời, cứ im lặng dựa vào tôi, mắt nhắm nghiền. Chúng tôi đã ngồi ở đấy suốt đêm cho đến khi người ta dọn đi. Họ để lại một bức ảnh ngày trẻ của bà Lới bên góc tủ, cùng với cái giường và một cặp chăn gối mới.

Kéo thằng Sáo dậy, cõng nó đặt xuống giường, xoa đầu:

"Chú Tư đi đây, có gì mày cứ ra chợ Pía, tao hay đứng đó, ảnh của bả tao để ở đây nghen."

"C..cảm ơn chú..." Nó thủ thỉ, kéo tấm ảnh người đàn bà quá cố lại ôm vào lòng.


Có lẽ tôi sẽ giữ câu chuyện ấy lại, câu chuyện sẽ chẳng ai biết về một cô gái nọ trong những tháng năm đói khổ, bị một tên cướp lột sạch đồ và cưỡng hiếp suốt đêm trước khi cuỗm hết số tài sản mà cô có: xấp vé số và củ khoai lang. Người phụ nữ trẻ mang bầu và sinh con trong đơn độc, và bà cứ tiếp tục sống, một cách thần kì, đắm mình vào những đau khổ sự đời, cho đến khi con trai bà lớn lên, trong sự ngu dốt và khổ cực của cảnh nghèo vắng bóng người thân...


Hôm ấy, trên chiếc giường mục nát của Sáo, người ta không còn thấy cái giá buốt của ngày mùng một nữa, chỉ còn hương ấm tình yêu của một người con trai tay ôm ảnh mẹ, chết cứng, nước mắt vẫn còn chảy dài trên gò má.

Tôi vẫn ngồi đó, trên chiếc xe cũ hỏng, tay cầm điếu thuốc hút dở, nhìn về phía sự cô quạnh của chợ Pía, đôi mắt mỏi đến rã rời.

Những cơn gió lạnh mang mùi tang tóc buồn đau cuốn về, thổi qua tôi, và chẳng bao giờ trở lại nữa.

Hết.




Những mảnh đời cô độc vẫn còn đó, họ lang thang trên con phố, bước qua ta, và không ngoái lại nhìn. Hạnh phúc giản đơn có chi là tiếng gọi của người mẹ già, nhờ gãi lưng, pha sữa, hay đơn giản chỉ cần một nụ hôn nho nhỏ để sưởi ấm tâm hồn bà. Đôi lúc có thể là đứa con thơ với người mẹ điên một đời bất hạnh vui đùa với nhau, cha già mệt mỏi vẫn tần tảo nhìn thấy thằng con trưởng thành... Sau tất cả, như tôi đã nói, là thứ ngôn ngữ tuyệt vời của tình yêu, nó luôn ở đó, hiện hữu, và khác với những người trên con phố, tình yêu luôn ở lại.

Và giờ đây, tôi chỉ tự hỏi, mùa xuân của bạn buồn, còn họ, khi nào mùa xuân tới...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro