TRAO DUYÊN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Ngày nay, văn học nước ta đang ngày càng phát triển và vươn tới một điểm hưng thịnh nhất định. Vì thế mà chúng ta phải luôn khắc ghi công ơn của những nhà văn-nhà thơ đa tài, đã cống hiến bao nhiêu là văn chương của mình trên con đường lịch sử văn học, qua ba giai đoạn: cổ đại, trung đại và hiện đại. Ở nền thơ trung đại, ta biết đến những cái tên nổi bật như: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,...Và chắc chắn không thể nào quên một cây bút sáng chói, Nguyễn Du- một nhà văn hóa, đại thi hào văn học của dân tộc ta. Ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm bằng cả chữ Hán và chữ Nôm, nhưng quen thuộc nhất chính là tập thơ "Đoạn trường tân thanh", hay còn biết đến với cái tên là Truyện Kiều. Được viết dưới dạng truyện kể bằng thơ và lấy cảm hứng từ cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân người Trung Quốc. Tác phẩm đã thành công trong việc khắc họa một cách chân thực và rõ nét về cuộc đời lênh đênh của Thúy Kiều, để lại cho người đọc biết bao nhiêu là cảm xúc cùng sự đồng cảm trước số phận hẩm hiu của nàng.

Trong đó, bài thơ để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất đó chính là bài "Trao Duyên", được trích từ câu 723-756 trong phần "Gia biến và lưu lạc". Khi gia đình Thúy Kiều bị mắc án oan và buộc nàng phải bán mình để chuộc cha và em mình. Bài thơ là cuộc đối thoại giữa Thúy Kiều và Thúy Vân, trước ngày nàng phải đi xa và từ bỏ tình yêu của đời mình. Đồng thời cũng thể hiện diễn biến tâm lý phức tạp và sự giằng xé trong tâm hồn của nàng Kiều. "Duyên" có nghĩa là duyên phận, một thứ khó lí giải và định hình, nhưng lại được đem ra để trao đi đổi lại một cách dễ dàng. Chính cái lạ lẫm ở nhan đề này đã gợi lên những dự cảm không lành và éo le của bài thơ, để lại cho chúng ta một câu hỏi phải chăng có gì đó uẩn khúc hay khó nói?

Hai câu thơ đầu tiên chính là đáp án cho câu trả lời, là lời giãi bày và thuyết phục của Thúy Kiều:

"...Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."

Từ "cậy" ở đây cho ta thấy một tình thế "tiến thoái lưỡi nan". Thúy Kiều đã hết lòng cố gắng thuyết phục và giãi bày tâm tư của mình, để Thúy Vân có thể thông hiểu và chấp nhận lời nhờ cậy này. Không những thế, từ "cậy" ở đây có thể hiểu xa hơn là sự nhờ vả và tin tưởng hết mực của Thúy Kiều đặt nơi em gái mình. Nàng không thể trông cậy vào ai ngoại trừ Thúy Vân, vậy nên nàng đã xem em gái mình như một vị ân nhân bằng tất cả sự kính trọng. Suy nghĩ đó đã được lột tả qua hành động của Thúy Kiều khi nàng tự hạ thấp vị trí của mình để "lạy" và "thưa" với Thúy Vân, chi tiết này mang một giá trị gợi tả và gợi cảm cực đắt cho câu thơ. Bởi việc này được xem như là trái ngược hoàn toàn với giáo lý thời phong kiến nhưng lại hợp lý với hoàn cảnh éo le này của nàng Kiều. Nàng phải chấp nhận sự thật rằng mình chẳng thể cùng Kim Trọng đi đến hết quãng đường còn lại, chỉ còn cách gửi gắm đoạn tình duyên dang dở này sang một trang giấy mới. Chuyện tình này vốn dĩ sẽ chẳng hề có một kết cục như thế này nếu không bị cắt ngang bởi hai chữ hoàn cảnh:

"Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai."

Là chị cả trong gia đình, vậy nên Thúy Kiều phải mang trên vai một trách nhiệm vô cùng cao quả, cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì cũng phải đặt chữ hiếu lên trên tất cả, để mà không phụ công ơn cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng. Nhưng người con gái "đứt gánh tương tư" ấy cũng chẳng thể cam tâm khi để Kim Trọng vì mình mà sinh sầu muộn. Vì thế mà mối tình này có thể được gắn kết lại giữa Kim Trọng và Thúy Vân như "keo loan" chắp vá sẽ là phương án tốt nhất. Nhân gian ta có câu: "Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên". Đối với Thúy Kiều tình yêu này chính là chân lý của đời mình và Kim Trọng tựa như cả một nguồn sống, nhưng đối với Thúy Vân thì tình yêu này có thể xem như là "thừa thãi", vì nàng chẳng hề có tình cảm với Kim Trọng. Điều Thúy Kiều mong ước và nhờ vả em gái mình thực chất chỉ là một trách nhiệm nghĩa vụ, có thể xem như là một sự thiệt thòi cho Thúy Vân. "Quạt" có hai mặt giấy hoặc tấm lụa được dán áp sát vào với nhau, vậy nên chiếc quạt mà Thúy Kiều và Kim Trọng trao tặng nhau tượng trưng như một lời nguyện ước sẽ luôn được gắn kết và hòa hợp với nhau đến suốt đời. Song song với chiếc quạt đó là những chén rượu nồng men cay, như một nghi thức bày tỏ sự chung thủy và tấm chân tình của đối phương. Từ "khi" được tác giả nhắc lại đến ba lần như để chứng minh cho tình cảm của nàng Kiều và chàng Kim rất khắng khít và sâu nặng. Thúy Kiều cũng đã khéo léo khi nhắc đến hoàn cảnh của Thúy Vân:

"Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây".

Trước tình thế bị dồn đến bước đường cùng, tình cảm chị em đã được đem ra để bấu víu. Xét về mặt tình cảm, Thúy Kiều và Thúy Vân đã đến tuổi tìm một bến đỗ riêng cho mình, vì vậy đó cũng chính là lí do thích hợp để Thúy Vân hoàn thành mong ước của chị mình. Thúy Kiều cũng đã biết lường trước cảnh ngộ của mình sau này chắc chắn sẽ lận đận và chịu đựng trăm ngàn con sóng từ mọi nơi mà đổ về. Nhưng thật tâm nàng dù cho có "thịt nát xương mòn" đi chăng nữa, thì nàng cũng sẽ "ngậm cười chín suối" khi được chứng kiến Thúy Vân yên bình cùng Kim Trọng hạnh phúc khi bên nhau. Nhưng dẫu sao, tình cảm của Thúy Kiều cũng chẳng phải nói chấm dứt là dứt hẳn được, nhất là khi giữa hai người đã trải qua bao nhiêu kỉ niệm đầy vơi:

"Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa".

Có một sự thật chắc chắn rằng tình đầu sẽ là tình đẹp nhất và cũng để lại trong lòng ta nhiều kỉ niệm nhất. Kim Trọng đang ở nơi phương xa, nào có hay biết chăng cuộc tình này sẽ hoang tàn dông dài, dù chỉ cách nhau một chân vạt nắng, nhưng vì biến cố mà chia lìa đôi ngả. "Chiếc vành" như một sợi dây liên kết giữa hai mảng tâm hồn của Thúy Kiều và Kim Trọng, "bức tờ mây" chứa ngàn câu từ yêu đương mùi mẫn, thử hỏi xem Thúy Kiều làm sao có thể vứt bỏ cho được? Mặc dù trao duyên lại cho Thúy Vân, nhưng những kỉ vật đính ước này Thuý Kiều vẫn muốn giữ lại, bởi nàng chẳng thể buông bỏ hay ngừng nhớ nhung bồi hồi. Đặc biệt là khi hai người bên nhau trong buổi thề nguyền, khi mà những thanh âm phím đàn vang lên cùng với khói hương. Thúy Kiều cũng mong sau này khi hai người đã trở thành vợ chồng thì cũng đừng quên "người mệnh bạc" này, vì vốn dĩ nàng là người yêu của Kim Trọng. Có thể nhiều người sẽ thấy Thúy Kiều ích kỉ, đã mang thân phận nhờ vả mà còn yêu cầu đòi hỏi. Nhưng chính vì lẽ ấy cho ta thấy được tấm lòng của nàng Kiều rất đỗi chân thành, nàng đã chấp nhận đau khổ để thấy người mình yêu được hạnh phúc, vậy thì cớ gì mà nàng không được nhỏ nhen chỉ một chút ấy thôi? Thật lòng mà nói thì chẳng ai muốn san sẻ tình yêu của mình cho ai khác, Thúy Kiều xem những kỉ vật ấy làm "của tin", vậy nên nàng không cam tâm trao cho người khác, kể cả đó là ruột thịt, máu mủ.

"Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về."

Thật tâm Thúy Kiều chẳng thể nào nguôi ngoai, dù mối tình này sẽ tàn phai nhưng có lẽ hình bóng Kim Trọng sẽ chẳng khi nào mờ nhạt. Khi đọc những câu thơ này ta có thể cảm nhận được sự cô độc đến xé lòng, dù là ở tuổi mười tám đẹp nhất, nhưng nàng đã nghĩ đến cái chết và chuẩn bị cho một tương lai mịt mù của bản thân. Nhưng dù có chết, Thúy Kiều vẫn luôn khao khát một cái chết thanh thản, trọn tình trọn nghĩa. Nàng muốn linh hồn mình hòa hơp với thiên nhiên, với hoa lá cỏ cây một cách nhàn nhã mà nương theo cơn gió hiu quạnh, báo hiệu cho em gái mình là nàng vẫn luôn hiện diện nơi đây. Nhưng linh hồn nàng sẽ chẳng còn vẹn nguyên, bởi vì đã lỡ khắc ghi một mối tơ duyên và một cái chết oan uổng:

"Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đến nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rưới xin giọt nước cho người thác oan."

Thúy Kiều ở một thế giới khác, là người đoản mệnh. Thương thay cho số phận tài sắc vẹn toàn nhưng lam lũ của nàng, vị tha khi nghĩ cho người khác mà quên đi bản thân mình , dù mắc phải điển cố nhưng vẫn luôn nghĩa tình, thề hẹn. Cùng với đó, những câu từ âm hưởng cô tịch như "hồn", "nát thân", "dạ đài" và "thác oan" được Nguyễn Du miêu tả một cách đặc sắc như cứa vào lòng người đọc. Mang phận "bồ liễu", chân yếu tay mềm vốn đã là một nỗi khổ, ấy thế mà lại bị hoàn cảnh đẩy đưa, bị xã hội rẻ rúng. Thúy Kiều biết mình khi về nơi "dạ đài" thì có lẽ Kim Trọng cũng sẽ dần dần quên nàng, "cách mặt" sẽ "khuất lời", như thể là hai vũ trụ song song chẳng thể cùng nhau bước tiếp. Thùy Kiều cũng là một người khiêm nhường và nhận ra mình chỉ là một thân phận bọt bèo, vậy nên nàng chỉ dám xin "giọt nước" được rưới lên để thanh tẩy tâm hồn nàng, chứ không phải là được đắm mình trong dòng nước nơi âm phủ. Nhưng nàng vẫn sẽ luôn khắc ghi nghĩa tình này với Kim Trọng:

"Bây giờ trâm gãy gương tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!"

Đối với người con gái thời xưa, "trâm" và "gương" luôn là hai vật tượng trưng cho nét đẹp và sự mỏng manh của người con gái. Nhưng giờ đây "trâm" đã "gãy" và "gương" cũng chẳng còn là hình dáng ban đầu, chi tiết này như phản ánh phận nữ nhi sầu tím của Thúy Kiều. Kỉ niệm chính là thứ nhấn chìm ta sau một cuộc tình, Thúy Kiều cũng chẳng thể thoát ra khỏi những mảng kí ức đẹp đẽ ngày xưa. Những mộng tưởng của ái tình cứ mãi ôm trọn lấy nàng, chơi vơi và dịu êm. Nàng ước gì khoảng khắc khi bên Kim Trọng được lắng đọng lại và nàng sẽ tạm quên đi cảm giác tội lỗi cùng đau khổ, chỉ còn hai người-yêu nhau say đắm. Nhưng nàng không thể làm lơ đi thực tại phũ phàng rằng"tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi", tơ vương này chẳng thể se duyên được nữa, và rồi họ mất nhau:

"Phận sao phận bạc như vôi!

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

"Ta rồi sẽ là ai, chỉ là hòn đất hay chỉ là cỏ bông lau?". Kiếp này không thể ở bên người mình yêu, Thúy Kiều xem như là duyên phận mình "bạc như vôi", như "hoa trôi lỡ làng" theo dòng chảy của hiện thực khổ tâm cô nghệ và đắng cay. Những câu thơ này chính là tâm tư của Thúy Kiều muốn gửi đến tình quân của mình, nhưng thực chất chính là lời độc thoại nghẹn ngào. "Lang" nghĩa là chồng, nhưng khi Thúy Kiều cất tiếng gọi Kim Trọng bằng hai chữ "Kim Lang" thiêng liêng ấy như thể bật tiếng khóc đến tức tưởi, xót xa đến xé lòng người đọc. Thúy Kiều đã không thể cùng Kim Trọng "trăm năm tạc một chữ đồng đến xương". Lời hẹn thề nay như làn mây trắng tinh anh, dễ dàng nhìn thấy nhưng thật khó để chạm vào.

Miêu tả tâm lí nhân vật qua những chi tiết rất đắt giá, cùng thể thơ lục bát đã gợi lên cho người đọc cảm giác xúc động và thương xót cho thân phận của Thúy Kiều. Ngôn ngữ đối thoại và độc thoại được lồng ghép vào, để nhân vật tự bộc lộ cảm xúc của mình qua từng lời nói và hành động. Qua đó, Nguyễn Du cũng muốn lên án xã hội thời phong kiến và ca ngợi phẩm chất cao cả và nét đẹp chịu thương chịu khó của người phụ nữ xưa qua hình ảnh của Thúy Kiều. Tác giả cũng biết lồng ghép những yếu tố ẩn dụ và thành ngữ nhân gian, làm cho câu thơ vốn đã sinh động lại càng thêm xót thương, day dứt. "Trao duyên" là bài thơ đã khắc họa thành công những tâm tư và cung bậc của Thúy Kiều một cách rất chân thực và xuất sắc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro