Chương 4 - Đóa hoa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi tiếng kèn vừa dứt cũng là lúc đoàn quân đã khuất sau ngã rẽ cuối con đường. Chúng tôi trèo xuống theo lối cũ để tiếp tục cuộc hành trình còn dở dang. Bỏ lại phiên chợ sau lưng, chiếc xe tiếp tục lăn bánh trên con đường lát đá.

Vừa tiến vào cổng thành thứ hai, tôi đã phải thốt lên một tiếng cảm thán. Nhà cửa ở đây trông bệ vệ, khang trang và sạch sẽ hơn hẳn nơi khu chợ. Cấu trúc tường đá ở tầng trệt nâng đỡ cả một khối công trình trụ gỗ từ ba đến năm tầng được lấp đầy bởi hỗn hợp keo vữa cứng, trên đỉnh là từng lớp đá phiến xếp thành mái nhà hình chữ A khổng lồ, một kiểu hình kiến trúc vô cùng kinh điển và chỉ còn lại ở những thị trấn có lịch sử lâu đời. Kỳ lạ thay, dường như người ta đã tân trang lại nơi này để giữ cho chúng tránh khỏi sự ăn mòn của thời gian, một cách mà các thành phố cổ kính kinh doanh du lịch hầu như sẽ không làm vì sẽ tước đi giá trị công trình cổ đại vốn tăng dần theo năm tháng. Tường keo vữa vẫn còn sáng màu như vừa mới sơn, không hề có vết rêu phong mốc xanh mốc đỏ. Phần lớn cửa sổ đều cỡ lớn, bên trong là khung bảo vệ gồm những ô vuông vức đều nhau. Ngay bên dưới bệ cửa sổ, những khóm hoa nở rộ tô điểm thêm vài nét chấm phá rực rỡ khiến những tòa công trình không hề khô khan vô vị .

Người dân nơi đây có nước da trắng ngần và ăn vận phục trang vô cùng lộng lẫy. Phụ nữ mặc những chiếc đầm xếp tầng xòe dài phủ gót chân, áo nịt chiết eo chặt đến nổi dải đăng ten viền trên ngực áo không thể giấu đi sự hiện diện của đôi gò bông đảo căng tròn. Mái tóc tết cầu kỳ đầy phụ kiện trang sức ánh lên dưới ánh sáng mặt trời, làm nổi bật vẻ sang trọng hệt như những quý phu nhân xuất thân giàu có. 

Đi giữa những người phụ nữ kiêu sa kia là cánh đàn ông trong hai trường phái trang phục cũng phô trương không kém. Một số đội những chiếc mũ to trang trí phức tạp, mặc áo khoác dài đính khuy tinh xảo, cổ áo xếp nếp như thác nước dài đến thắt lưng, từ đầu tới chân đeo hằng hà các loại đá quý. Số còn lại ăn vận như đoàn quân mà chúng tôi vừa gặp ở khu chợ, nhưng có phần tiết chế đi nhiều. Vẫn lấy màu đỏ làm chủ đạo, họ mặc áo tay ngắn có phần lai dài đến đầu gối bên ngoài áo dài tay, dải thắt lưng đinh tán kèm thanh kiếm bóng loáng vắt ngay hông, tay đeo găng phòng vệ được kết từ những sợi xích kiêm loại cỡ siêu nhỏ.

Cảnh tượng kỳ lạ cho đến giờ khiến tôi có cảm tưởng mình đã đi lạc vào một hội chợ hóa trang, nơi mà khách tham gia có nhiệm vụ hóa thân thành nhân vật trong các bộ truyện tranh hay trò chơi điện tử đề tài trung cổ. 

Nhìn quanh các tòa nhà, tôi lờ mờ đoán được nơi đây dường như tập trung những cửa hiệu lớn nhất thị trấn với giá cả xa xỉ dành cho giới nhà giàu. Từng hàng từng kệ những khay bánh mì bày trí vô cùng công phu lướt qua mắt tôi như một cơn gió, tiếp đó là tiệm may với hai khung ma nơ canh trong trang phục đôi nam nữ bên cửa sổ. Tiếng lò rèn từng hồi từng hồi vang rền xuất phát từ tiệm vũ khí cực kỳ hoành tráng ngay bên cạnh, thu hút rất đông cánh đàn ông tấp nập ra vào.  Mùi da thuộc hăng hắc ngập ngụa trong không khí khiến tôi phải bịt chặt mũi cho đến khi đã rời xa tiệm đóng giày cả một đoạn dài. 

Chiếc xe ngựa lọc cọc dừng lại bên hông một căn nhà ồn ào náo nhiệt có lẽ là tiệm ăn. Ông bác thả ba chúng tôi xuống bậc thềm cùng vài túi nông sản rồi đánh xe đi mất khiến tôi bối rối cực kỳ. Đứa bạn đồng hành dường như đã quen thuộc với hành động ấy, nó mạnh dạn gõ lên cánh cửa gỗ sờn cũ, phải mất một lúc mới có một bà lớn tuổi, lưng còng, đầu đội khăn, mặc chiếc tạp dề cũ mở cửa cho chúng tôi. Tiếng nói cười đổ ào ra như tiếng đàn ong vỡ tổ khiến cả tôi và Berry đều giật mình hết hồn. Bà già chẳng nói năng gì, chỉ đi thẳng một mạch xuống bếp, để hai đứa trẻ con kéo lê mấy chiếc túi nặng trịch vào bên trong. Căn nhà tràn ngập mùi đủ thứ loại đồ ăn như một hình thức tra tấn mới làm cái bụng đói của tôi lại thêm một phen dậy sóng. Thằng Fig nghe thấy thế liền đưa tay bụm miệng cười, còn tôi thì xấu hổ phải biết. Sau khi nhặt hết thứ này đến thứ kia trông bao tải lên kiểm tra, bà ta chìa ra mấy đồng xu lẻ cất trong một cái túi nhỏ đeo ngang hông. Thằng Fig cầm lấy đếm đi đếm lại, rồi nó nói gì đó khiến bà già cười khoái lắm. Bà lại đưa cho nó thêm một đồng trước khi đẩy hai đứa tôi ra cửa. 

Ngay khi cánh cửa phụ đóng lại sau lưng, thằng Fig kéo tôi chạy ngược con đường vừa đi ban nãy, xông thẳng vào cửa tiệm bánh mì. Chưa bao giờ tôi được thấy nhiều loại bánh mì như thế. Có cái vừa to vừa tròn hơn cả đầu tôi, có cái nhỏ xíu như nắm tay, có cái thuôn dài như cây bút, có cái cong cong như nửa vầng trăng, có cái màu trắng ngà, có cái màu nâu hạt dẻ, lại có cái màu sô cô la, có cái rắc đường, có cái phủ đầy vụng đậu phộng... Tất cả những gì trông cửa hàng này cùng với cái mùi béo ngậy của nó làm tôi thèm đến chảy nước miếng. Thằng bạn tôi nhanh chóng lấy ra một đồng xu đưa cho ông chủ tiệm. Ông chủ đưa nó một ổ bánh mì nâu đơn giản cũng khá to. Tôi đứng kế bên nhìn ông ta chằm chằm trong lúc đợi ông đưa lại tiền thối. Nhưng người đàn ông ấy chỉ đứng đó nhìn lại tôi (hoặc có thể là cái đầu không có tóc của tôi) mà chẳng nói gì. Cùng lúc đó, Fig lại kéo tay tôi ra ngoài. Ra đến cửa là cậu ta hớn hở chia ngay ổ bánh ra làm ba, cậu ta một cái, tôi một cái, Berry một cái. Chúng tôi vừa đi vừa nhai cái bánh, bụng tôi nhanh chóng no căng nhưng đầu thì vẫn còn điều chưa thỏa đáng: Không lẽ một xu duy nhất thằng bạn tôi kiếm được từ sáng đến giờ chỉ đủ mua một ổ bánh mì? 

Đã quen với cảnh ăn nhờ ở đậu, bấy lâu nay tôi quên khuấy mất không để ý thằng Fig, người bạn đã cưu mang tôi, làm thế nào mà nuôi được ba miệng ăn như thế này. Từ hồi tôi tỉnh lại cho đến nay, mỗi ngày hai bữa tôi đều được cho ăn soup thuốc và khoai tây nướng vào buổi sáng trước khi cậu ta ra ngoài và buổi chiều tối sau khi cậu ta trở về. Nhìn đồ đạc trong căn chồi là biết, hầu như cậu bạn tôi chẳng có đồng nào để mà tiêu pha. Tôi còn không hình dung được với công việc chăn cừu như thế, cậu ta sẽ được trả công bằng cách nào. Và với cái chồi gió lùa hở trên hở dưới như thế, cậu ta làm cách nào cất giấu được mấy đồng tiền công? Có lẽ cậu ta không nhận được một xu tiền nào, mà đổi lại trả công bằng hiện vật là mấy củ khoai tây. Có lẽ mấy củ khoai tây tôi đã ăn chính là tất cả gia sản cậu ta có được để tự nuôi sống bản thân mình. 

Nhìn đứa bạn nhai ngấu nghiến miếng bánh mì mà miệng tôi bỗng trở nên đắng chát. Miếng bánh lúc nãy vẫn còn thơm mùi bơ giờ đây trở nên thật rệu rạo vì tôi không biết có nên nuốt xuống hay không nữa. Vẫn còn lại nửa mẫu to tướng, tôi loay hoay kéo cái lai áo dài quá khổ gấp ngược lên cao thành một chỗ cất đồ rồi buộc nó lại một cách tạm bợ, định rằng sẽ ăn dè ăn xẻng cho đến khi nghĩ ra cách trở về nhà. Mà đến cả bộ quần áo đang mặc trên người cũng không phải là của tôi nốt. Tôi lại vừa đạp nhầm vũng nước khiến lai quần bên trái ướt sũng dính dớp vào chân cực kỳ khó chịu. Nhìn xuống bên chân còn lại thấy cái ống quần tôi lê lết cả ngày đã lủng một lỗ do chà sát liên tục dưới đất, một công tắc cảm xúc trong tôi như được bật lên, khiến tôi bắt đầu rơm rớm nước mắt.

Trông thấy bộ dạng tôi lúc này, thằng bạn tôi dường như đã đoán ra vấn đề. Cậu ta lại kéo tôi đi một đoạn khá xa, phải rẽ qua liên tục mấy góc đường đến trước một tòa nhà có bậc thềm cao dẫn đến một cánh cửa cực kỳ lớn. Vừa đúng lúc chiếc chuông trên đỉnh tháp kêu lên mấy tiếng, cánh cửa được trạm khắc công phu mở toang. Một không gian thờ nguyện giản dị xuất hiện trước mắt tôi, nổi bật bởi vách gỗ trắng đầy nắng chiều chiếu xuyên qua khung cửa sổ gothic. Trên bàn lễ phía dưới cửa sổ trung tâm, là bức tượng nhỏ hình cái cây không lá. Thân cây cao có nhiều vệt khắc nằm ngang, các cành tỏa ra ở vị trí gần sát đỉnh. Căn phòng đem đến cảm giác đơn sơ và mộc mạc đến nổi nếu không có hai hàng ghế tạo ra lối đi ở giữa, tôi sẽ không thể nhận ra nó thiếu mất đi bóng dáng của những vật thường thấy trong các nhà thờ cơ đốc. 

Chính giữa gian phòng, một người đàn ông trong chiếc áo chùng đen chào đón chúng tôi bằng nụ cười phúc hậu. Thằng Fig cởi chiếc mũ rơm, kính cẩn cúi chào vị tu sĩ. Tôi cũng làm theo, không quên bắt Berry (lúc này đang được tôi bế trong tay) cũng phải thực hiện hành động kính cẩn như thế. Chúng tôi đi giữa hai hàng ghế tiến đến trước mặt ông, cậu bạn tôi trình bày với ông có lẽ là chuyện liên quan đến tôi, chỉ thấy ông gật gù tỏ vẻ đồng cảm. Sau đó ông mời chúng tôi ngồi xuống một chỗ trong hai gian ghế, còn bản thân thì loay hoay với giấy tờ và quyển sách trong tay. Một lát sau, lác đác vài người dân cũng tiến vào nhà nguyện, cùng ngồi xuống hai bên gian ghế. Khi chỗ ngồi đã ổn định, tất cả đều đứng dậy cất tiếng hát bài bình ca. Khi giai điệu hợp xướng không nhạc đệm kết thúc, vị tu sĩ bắt đầu đọc một lời cầu nguyện, và tất thảy mọi người đều nhắm mắt cúi đầu. Buổi lễ sau đó diễn ra tương đối ngắn gọn so với suy nghĩ của tôi. Mặc dù không hiểu nhân vật chính của buổi lễ đang nói gì, nhưng tôi đã cố hết sức không gây tiếng động nào phiền nhiễu những người xung quanh. May mắn làm sao Berry cũng lăn ra ngủ say như ngất. 

Kết thúc buổi lễ, vị tu sĩ nhanh chóng đánh xe đưa chúng tôi đến một căn nhà cách đó không xa. Lần này người phụ nữ mở cửa cho chúng tôi trông bộ dạng tiều tụy hết chỗ nói. Không còn hình ảnh của những dải đăng ten hào nhoáng, người đàn bà trung niên mặc trang phục tối màu, mái tóc búi cao, hai mắt sưng húp vì khóc. Chiếc khăn mùi xoa trên tay chốc chốc lại quệt đi nước mắt nước mũi trên khuôn mặt khi bà nói chuyện với người đàn ông. Sau một hồi trò chuyện, bà mở cửa mời ba chúng tôi vào trong. Bà lôi từ phòng ngủ ra một chiếc hòm gỗ cũ kỹ, bên trong là mấy bộ quần áo trong còn khá mới. Trước khi tôi kịp phản ứng, bà đã ướm thử nó lên người tôi. Không biết trông tôi có vừa mắt bà hay không, chỉ thấy bà lại bưng mặt khóc nứt nở. Nhờ sự an ủi của vị tu sĩ, bà lại lau nước mắt cố lấy lại vẻ bình tĩnh. Bà dẫn tôi vào phòng, thay quần áo cho tôi như cách mà tôi vẫn thay quần áo cho mấy con búp bê của mình. Rồi bà đưa mắt nhìn tôi một lượt từ trên xuống dưới trước khi lấy trong tủ ra một chiếc khăn màu xanh lá có họa tiết hoa và buộc nó lên đầu tôi nhằm che đi mái đầu không có tóc. Cuối cùng, nhờ tấm lòng cảm thông của bà, tôi được cho cả hòm quần áo mà trong đó khoảng chừng có đến năm sáu bộ. Thằng Fig cúi đầu chào bà vẻ vô cùng biết ơn. Tôi cũng bắt chước lặp lại hành động và lời nói đó. Bà tiếc nuối vỗ vai hai đứa tôi rồi tiễn chúng tôi ra xe đi về. 

Về đến tòa nhà có đỉnh tháp chuông, người đàn ông dẫn chúng tôi ra bãi đất trống bên cạnh. Bao quanh bởi bờ giậu xanh um là rất nhiều phiến đá xám, mỗi phiến đều được khắc chữ và bao phủ bởi rêu phong. Như thể đã quá quen thuộc với nơi này, đứa bạn tôi cùng người đàn ông đi băng băng qua một loạt các phiến đá trước khi dừng lại.

Chữ trên phiến đá trước mặt chúng tôi không phải là chữ la tinh. Tôi cố lục lọi trong trí nhớ mình xem đó có thể là chữ viết của quốc gia nào nhưng chẳng thể nào nhớ được. Nhưng không khó để tôi nhận ra hình khắc bên dưới những dòng chữ đó là chân dung một đứa bé gái có mái tóc xoăn dài và đôi mắt to tròn đáng yêu. 

Người đàn ông rút ra từ quyển sách ông cầm trên tay một nhành cúc trắng. Nhành hoa không nhỏ lắm, nhưng chẳng hiểu sao tôi chẳng để ý thấy ông mang nó theo bên mình trên suốt quãng đường. Ông cẩn thận đặt nó xuống rồi đọc to một lời cầu nguyện trước khi tất cả chúng tôi đều cúi đầu chào. 

Rồi thằng bạn kéo tôi đến một phiến đá nhỏ hơn nằm khuất sâu trong góc vườn. Chữ trên phiến đá này ít hơn nhiều, và rất khó để người ta biết được hình dạng vị chủ nhân của nó. Cậu bạn tôi cũng đọc một lời cầu nguyện và bất chợt, cúi xuống hôn lên bia đá lạnh giá như thể trao một nụ hôn nồng ấm dành cho người thân trong gia đình. Điều này làm tôi chợt nhớ đến đóa cúc dại mình đã gắn trên cổ áo từ ban trưa, thế là tôi lấy nó ra, tuy đã rơi mất một cánh nhưng trông vẫn còn tươi lắm. Tôi đưa cho Fig bông hoa của mình, nó vui mừng cầm lấy đặt lên trước khối bia, bịn rịn một hồi trước khi rời đi.

Chia tay người đàn ông trước bậc thềm, thằng Fig nói lời cảm ơn vì sự giúp đỡ nhiệt tình của ông. Giờ thì tôi cũng đã học được cách nói lời cảm ơn theo ngôn ngữ của họ nhờ học được từ đứa bạn tôi, một đứa trẻ ngoan và hiểu chuyện. Chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt ông rồi nặng nề khiêng hòm quần áo đi về lối cũ. 

Lúc này, nắng chiều vàng ươm đã hắt bóng cây đổ dài trên đất còn mặt trời đã xuống lấp ló sau những rặng cây.  Chúng tôi gặp lại bác đánh xe trước cửa tiệm ăn nơi bác đã cho chúng tôi xuống. Mấy túi nông sản của bác đã vơi đi khá nhiều để lại chỗ trống đủ để hai đứa tôi nằm ườn ra đánh một giấc. Những tưởng đã đến lúc trở về, ấy thế mà cuộc hành trình của chúng tôi vẫn tiếp tục khi bác đánh xe đi thẳng con đường chính, tiến về phía lâu đài. 


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro