Chương 62: Bóng Ma Cô Gái Nhà Họ Hứa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Chú Hỏa (1845 – 1901) nổi lên với danh tiếng một thương gia tài giỏi bậc nhất Sài Gòn cùng với ngôi biệt thự 99 cửa bề thế của gia tộc họ Hứa. Tồn tại hơn 100 năm nay, căn biệt thự cổ nằm ở khu tứ giác đắc địa từ đó đến nay vẫn chìm đắm trong màu sắc tâm linh bí ẩn với câu chuyện về “con ma nhà họ Hứa”.

Biệt thự của gia tộc gốc Trung họ Hứa và hồn ma gây ám ảnh cho người Sài Gòn. 

Có rất nhiều giai thoại xung quanh gia đình của gia tộc này nhưng có lẽ nổi tiếng nhất và khiến người Sài Gòn luôn hoài nghi mỗi khi nhắc đến đó chính là: Con ma nhà họ Hứa – bi kịch của nàng tiểu thư xinh đẹp Hứa Tiểu Lan.

Câu chuyện được truyền lại rằng: Chú Hỏa có 3 người con trai và 1 cô con gái út xinh đẹp tên Hứa Tiểu Lan. Vì là con gái duy nhất, lại xinh đẹp nên Tiểu Lan rất được chú Hỏa cưng chiều. Không may sau đó, cô lại mắc bệnh Phong cùi mà thời đó Y khoa chưa chữa được nên khiến cả cô lẫn gia đình tuyệt vọng.

Vì quá thương con gái, sợ cô không chịu được miệng lưỡi người đời nên ông đã giam lỏng tiểu thư trong một phòng tối trên tầng cao nhất của tòa biệt thự. Hằng ngày, giao cho kẻ ăn người ở thay nhau đưa đồ ăn, thức uống cùng quần áo cho tiểu thư thông qua một khe cửa và đặc biệt, tất cả mọi người đều phải đi lùi, không được nhìn mặt tiểu thư.

Vốn là một tiểu thư đài các muôn phần xinh đẹp bỗng nhiên biến thành một quái nhân ghẻ lở khắp người, mặc cảm bản thân cộng thêm việc bị đẩy vào một căn phòng tách biệt với xã hội nên Tiểu Lan cả ngày lẫn đêm đều gào khóc trong vô vọng. Thời gian trôi đi, Tiểu Lan qua đời trong đau đớn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, ông Hỏa không thể chấp nhận được sự ra đi của người con gái xinh đẹp nên ông quyết định không khâm liệm mà đặt thi hài tiểu thư trong một quan tài bằng đá có nắp là một tấm kính dày 5cm và hằng ngày vẫn có một bà vú mang thức ăn lên phòng như khi Tiểu Lan còn sống.

Ngày giỗ đầu của tiểu thư, ông đặt may một bộ váy trắng, một con búp bê biết nháy mắt và một đĩa cơm gà để cúng. Sau khi khách về hết, bà vú lên phòng dọn dẹp thì bất ngờ hét lớn rồi chạy bán sống bán chết xuống dưới, miệng luôn lặp lại một câu nói: “Cô chủ về rồi! Cô chủ về rồi!…”

Trong căn phòng ngập âm khí, nắp quan tài bằng kính bị bật tung, con búp bê đứng hẳn trên lồng kính, đôi mắt nháy không ngừng, còn đĩa cơm thì vơi đi một nửa. Biết đó là chuyện chẳng lành, gia đình ông Hỏa đành lòng bí mật đem thi hài Tiểu Lan đi chôn cất tại một nơi cách xa thành phố.

Kể từ đó, mỗi khi đêm về, người ta lại nghe tiếng khóc than ghê rợn phát ra từ hướng căn phòng cũ của cô tiểu thư hồng nhan bạc mệnh. Ngày nay, người Sài Gòn ai cũng truyền tai nhau về hồn ma nhà họ Hứa nhưng cho tới tận bây giờ vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng nào xác minh được sự tồn tại của hồn ma này.

Sau những biến cố, gia tộc họ Hứa di tản sang Pháp sinh sống để lại ngôi dinh thự này cho chính quyền mới tiếp quản, đến năm 1987 thì dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đến nay, hầu như tất cả các căn phòng trong biệt thự đều được tận dụng làm triển lãm, tuy nhiên vẫn có một số căn phòng bị đóng kín và dán niêm phong cẩn thận và giờ hoạt động của bảo tàng khá ngắn: từ 9h đến 17h mỗi ngày.
   

                                         

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro