56. Làm người tốt không dễ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giỗ tổ nghề đúc đồng năm đó, người trong vùng bu đến đền Châu đông như kiến cỏ.

Cũng chẳng phải cái hội to tát gì cho cam, ngặt vì dân mường họ ham chơi, cứ thấy có đám lễ rình rang là rủ nhau đi trẩy. Nghe bảo giai nhà đúc đồng đấy ngon cơm ra phết! Biết đâu đấy, lại chả rước về được mấy mối mặn nồng?

Cậu Hai Dương vì thế phải khăn áo nhận nghề trước con mắt mê man của một bầy gái Táy.

Số là... theo tục làng này, trai thợ nhận nghề phải cởi trần rót mẻ đồng đầu vào khuôn đúc khánh. Mà cậu Hai đây vì được vợ rèn gánh nước hết mấy con trăng, đã thế đêm còn mò đi học bơi học lội, học chán rồi về làm tình làm tội con vợ trên giường, thân thể ngày nay cứ phải nói là mơn mởn cái lòng xuân đám gái non thì lắm lắm...! Bởi thế mới ra cái cảnh kệch cỡm này, trong lúc cậu phải nhọc nhằn vác nặng và nóng, chúng nó lại cứ khúc khích đứng ngoài dải vũ trêu vào. Gái bản mường có khác, bạo gấp mười gái kinh kỳ, cái hoang đường gì cũng nói ra được. Cậu tuy nghe hiểu tiếng được tiếng không, nhưng ngụ ý thì cũng ra được mấy câu phải lòng láo lếu, nào là đôi ta đã từng lăn ổ trên non trên đồi chàng nhớ chăng chàng hỡi...?

Rặt một đám mất nết! Người làng nghe không hiểu thì thôi, nhưng con vợ cậu thì có đấy!

Cậu Hai nhà này căm vô cùng, vốn cậu đã ưa gì cái bọn đàn bà đa dâm? Đã thế còn phải cởi đồ cho chúng ngắm? Cảm thấy bị vấy bẩn ghê gớm, nọc nó bốc lên nóc luôn đây này! Sẵn đang cầm vại đồng lỏng trong tay, liền đó muốn tạt luôn qua bên ấy. Đàn bà đời này không ai được nhìn cậu với loại ánh mắt dâm tà như vậy, trừ vợ!

Nhớ đến à mình còn con vợ, thế là thôi không tạt nữa, khéo lại mất trắng vài mảnh tình mới cấy. Thôi, ông tha cho chúng bây lần này.

Lễ xong, cậu nắm tay con vợ lôi ra bụi chuối sau đền, đầu ghé xuống thì thầm nói khẽ.

"Tôi đời này là trọn vẹn của em, thật đó. Mặc xác chúng nó, toàn láo cả!"

Vợ cậu hết nói nổi, chỉ biết trợn mắt nhìn. Vong nào ốp cậu nữa đây? Không dưng như đàn bà trinh liệt thề thốt với phu quân đánh trận xa nhà thế này?

"Thật, cái việc kia... chỉ là đời trước. Còn đời này, tôi chỉ có một người đàn bà là em."

Ô hay, không nhắc thì thôi, nhắc đến mợ nhà này lại anh ách nha! Đời trước đời này nàng chỉ có mình người ta, người ta lại lăn lóc chán chê với ả khác, đã muốn quên giờ còn khoe hả? Bực mình, Vũ giẫm lên chân chồng một cái rồi toan bỏ đi. Dương gấp quá bèn nén đau kéo giật nàng lại.

"Đừng lẫy...! Biết đâu ả đấy lại cũng chẳng là em trong tiền kiếp...? Thế thì tôi đúng là có mỗi mình em thật, thề!"

Mợ Hai tròn mắt nhìn gã đàn ông trước mặt mình.

"Tiền kiếp nào? Kiếp trước em vẫn là Lưu Vũ mà?"

Cậu Hai chớp mắt. Thôi rồi.

Đúng là, không có cái dại nào bằng cái dại gái thật...

Từ ngày đó, vợ cậu nhìn cậu kỳ ghê lắm. Ừ thì cũng bình thường mọi lẽ ở ăn, cũng dịu dàng lúc mồi chài lúc rù quến, khác nỗi nàng không hề truy cùng khui tận cái bí mật hãi hùng kia của cậu. Có lẽ nàng không đoán ra được, cậu thở phào, cảm thấy thật là may...

Cho đến một đêm, sau cuộc gối chăn đưa cậu lên đến tận chín tầng mây, nàng mới mỉm cười ôm cổ khẽ thì thầm vào tai cậu.

"Sao rồi, mùi vị gái non kém mình năm lần tuổi, ngon không hả cụ?"

Hai Dương thề, cậu chưa bao giờ rơi từ mây xuống nhanh như vậy. Rơi tự do không người đạp kéo luôn.

Thế ra, không chỉ mỗi cậu là đứa nhớ dai...!

(Sợ mọi người lâu rùi nên không nhớ, tui nhắc nhen, Dương đã từng đưa năm ngón khi Vũ hỏi cậu hơn mình bao tuổi)

Thấy chồng đờ người, cô ả nào đó vỗ vỗ má chồng, mềm giọng ỏn ẻn thưa.

"Bẩm cụ, cụ sao rồi? Không tính chết giấc ngay trên người con đấy chứ ạ...?"

"..."

Sau đợt ấy, mợ Hai Dương bỗng phải vác thêm một thứ của nợ bên mình. Ấy là một con hình nhân bằng gỗ đào cao chừng gang tay, trên có khắc đầy những ký tự gần như phạn ngữ, mà cũng dường như không phải.

"Tín vật định tình, phải giữ cho kỹ, đi tắm cũng phải đem theo bên người, em nhớ đấy," cậu sốt sắng dặn dò.

Mợ Hai lom mắt ngó chồng, rồi lại ngó xuống hình nhân gỗ trong tay, ngoan ngoãn gật đầu đáp dạ. Mới xoay người quay ra gian tìm rổ kim chỉ, vợ ai đó đã lắc đầu thở dài, miệng còn bất lực lầm bầm.

"Đem đồ trù ếm làm tín vật định tình. Đúng là già đầu khắm khú nên có phần đụt đụt..."

Vèo vèo, cậu Hai lại lần nữa rơi tự do rồi làng nước ạ...

Ừ nhưng được cái lẽ, thứ đồ trù ếm thằng đụt khắm khú cho, mợ Hai nhà này rất quý rất yêu. Không những cắt vải may đồ cho nó, còn làm hẳn một cái túi da dê để đeo sát bên người. Cậu Hai ngó mà ưng ghê lắm.

Vốn chỉ là kiếm bừa cái cớ để vợ chịu đem cái bùa ấy bên người nhằm mục đích giữ mạng, ngờ đâu thấy nàng tin thì lại đâm u mê theo cái lý ấy thật, có lần thấy nàng chăm chút thay đồ cho cái của nợ ấy, tự dưng mở miệng cay cú.

"Thế của tôi đâu?"

Mợ Hai chớp mắt ơ một cái, nhưng cũng kéo cái tráp lại mở nắp lôi ra một cái quần đang may dở.

"Đây ạ, của ông lớn thì to tướng quá nên may hơi lâu, nhưng là có hết đấy ạ. Gớm đàn ông gì ăn ớt dữ thế, đành hanh với cả cái tín vật."

Cậu Hai thế là im luôn. Nhưng con vợ nào đã chịu tha? Được một lát lại theo gái đà gái ngoa nghêu ngao ngâm hát.

"Cọp nằm kẽ đá mài răng
Mấy thằng ghen vặt, bắt ăn cho rồi..."

Thấy chồng nheo mắt đặt sách xuống, chị ả lại vội vàng hát chữa.

"Ăn rồi ruột để đấy tôi
Tôi đem ngâm rượu thắm môi ông chồng..."

Hạ chân xuống sửa lại thế ngồi cho ra sáng đạo mạo, cậu Hai bình tĩnh xộc tay ngang ra chỉa về phía vợ.

"Của tôi đâu?"

Vũ nghễnh ra. "Ơ còn cái gì nữa ạ?"

"Tín vật."

"..."

"Tôi đem tôi ấp như trứng, hôn hít mân mê các kiểu, xem mợ Hai có ăn ớt lại không thì biết."

Mợ Hai nhà này mắt đảo một vòng, cong môi nguýt chồng một thôi, cuối cùng lôi luôn tay cậu sang cắn xuống.

Dương chỉ rên nhỏ vì bất ngờ chứ không dám giật tay lại, để mặt nàng cắn đến tươm máu thì thôi.

"Rồi đấy," lau máu dính khóe môi, mợ Hai nhoẻn miệng  rất chi là tình. "Giờ cậu Hai gắng để thành sẹo lồi đi, là thành tín vật định tình rồi đấy."

"..."

"Ấp ôm hôn hít kiểu nào cũng được, đây chẳng buồn ghen."

Nói rồi, lại khoan thai cầm quần lên khâu, bộ dáng hiền hậu đoan trang có thừa.

Mãi mà không thấy chồng nói gì, tưởng cậu đau, nàng lo lắng ngẩng đầu tính xem thế nào, ai ngờ lại bắt gặp anh ả đang nhìn tay ngơ ngáo mỉm cười, vẻ mặt như thể là ưng ghê lắm.

"Tín vật này của mợ cũng được, tôi chịu đấy."

Thế rồi, bình tĩnh đưa vết cắn còn rươm rướm máu lên môi hôn nhẹ, mắt trầm xuống một màu tình ý ném về nàng.

"Hôn này lại chả như hôn miệng mợ? Tôi chịu."

Chả hiểu phải gió ra sao, ăn nằm chán chê thế rồi, vậy mà có cái ám muội bé bé con con, mợ nhà này cũng không chịu nổi, má hồng hồng nhìn đi nơi khác.

Thẹn thùng tình tứ được vài hơi, lại thấy môi đỏ nhoẻn cười.

"May là ban nãy em không cắn vào mông anh đấy."

"..."

"Không thì mỗi đợt muốn hôn vợ, cậu Hai chả phải gập đôi người lại lòn ngược ra sau?"

Ừ thôi, bỏ đi, cậu Hai không thắng nổi cái miệng này.

Miệng này chỉ để hôn thôi, không nên cãi lại.

.

Rồi thì vợ chồng cũng yên ấm để tình tang đưa đẩy được đến thêm mươi ngày, lại phải vật đầu ra chơi gia đấu. 

Ừ thì... nhà cao cửa rộng mà, có để ai yên ấm được lâu?

Trận lần này, là từ ông Cả mà ra. Cả Phát nay đã được tháo xiềng cấm túc để quay về quản việc. Nhưng dường như ông vẫn chưa nguôi cái nết ngang tàng ngày đó của cậu hay sao ấy, thế là ông lại tiếp tục lôi thằng con thứ ra để rèn luyện đích trưởng tử. Cậu mợ Hai đều biết tỏng ý ông là thế, song giời đã ban lộc, không ăn thì phải tội giời, nên là cứ đâm đầu chén thôi.

Ông cho cậu hai nắm quyền đám thợ cả, phụ trách việc đúc tượng cho chùa Vát Hồng lần này.

Chùa này được dựng bởi dân mường và quan quân sở tại vào những năm thời Lý, từ đó đến nay hương quả vô cùng hưng thịnh. Dân mường tuy tin chúa trời, lại cũng tin phật, vì thế qua các triểu đại đã gom góp để đúc ra vô số đồ thờ cúng và tượng phật bằng đồng. Nhất là phần tượng thờ tượng cúng, ở vùng này không nơi nào được bằng cái chùa Vát Hồng. Sáu mươi ba pho tượng đồng lớn nhỏ chỉ nhờ vào hương quả phẩm oản qua vài trăm năm, thật không phải chùa nào cũng phúc đủ dày để kham nổi con số ấy. 

Năm nay, nhờ vào tài ăn nói của Hai Dương đợt qua Mường Muổi lúc giáp tết, lại là Tình Nghĩa Đồng Đạo được sư thầy trụ trì tin tưởng giao cho đúc một pho Phật Di Lặc cỡ vừa. Tượng này dự định sẽ được thượng bệ vào khoảng đầu tháng năm; để còn kịp làm lễ Chách Vặt, Chách Và* vào cuối con trăng ấy. Đầu năm vừa nhận được tin của sư trụ trì, ai nấy đều đã xắn tay áo chuẩn bị hết thảy các thứ; chỉ chờ qua tết cậu Cả cúng tổ đâu đó và ra lệnh khai lò là bắt đầu vào việc. Ấy thế mà vì cái sự anh em tranh nhau, năm nay lại biến to như thế, ai nấy đều không khỏi ngơ ngác lắc đầu.

(*Chách Vặt, Chách Và: Lễ tắm tượng, rửa tượng.)

Đành là cậu Hai Dương nay đã đổi thay tâm tính, lại một đêm nổi danh tài tử, đem lại vinh hạnh cho làng này. Nhưng với nghề đúc, cậu cũng chỉ là tài sơ học thiển, làm sao có thể gánh vác trọng trách quan trọng này? Ông Cả sao lại ra quyết định như vậy? Có muốn rèn luyện con thứ cũng đâu thể giao sinh nhai cả cái gia tộc vào một tay dở nghề kém nghiệp?

Cố nhiên, phần lớn thợ trong xưởng đều không muốn nghe theo đứa con thứ này rồi. Không biết là có người giật dây hay không, một số lão kỳ cựu bỗng đồng loạt tìm đến ông Cả xin can, số khác thì ngồi thinh xem gió. Nhưng nói cho cùng con số trước lại ưu thế hơn hẳn.  

Duy có cụ Thường và một số thợ phó không mấy lành nghề, hẳn là do ăn được vài bát mật mỡ từ vợ chồng Hai Dương hồi đầu năm, là chịu đứng ra ủng hộ. Cụ này tuy tay chân tàn phế, nghiệp chẳng tròn nhưng nghề vẫn còn lành lắm, nếu dưới tay có vài đứa ra trò thì vẫn có thể miễn cưỡng đúc được cái tượng phật đúng chuẩn nhà thiền.

Chỉ là, đám thợ phó và thợ phụ giỏi, đều đã có phe cánh hết rồi, đa số là theo bọn lão Tô, mà lão này thì mười mươi là người của vợ chồng Cả Phát. Nhắc đến sự này, Cả Phát đáng ra phải biết ơn con vợ nhiều lắm, bởi lão Tô đó giờ là người chính trực, vốn chỉ muốn an ổn theo nghề chứ chả buồn phe cánh chi đâu. Ngặt vì lão mến tài thị Ly vô cùng, nhà lại có đứa con gái theo hầu y thị. Lão Tô tuy cũng họ Nguyễn, lại là dòng nô được chủ thương ban họ, con cái gì đều tự chọn cho mình một người chủ theo hầu trong dòng tộc. Ấy là cái lệ xưa nay, có đâu từ thời Lý, thời Trần rồi.

Cho nên, nhìn tổng thể, tình huống của Hai Dương chẳng tốt chút nào.

Cơ mà đã tốt, thì còn gì gọi là gia tộc đấu đá? Ông Cả tuy có tiếp chuyện các lão thợ cả, lại nhất nhất làm theo ý định ban đầu, còn bảo ông tin thằng con thứ có khả năng chèo chống! Đám thợ cả đành chỉ lắc đầu ngán ngẩm ra về, lòng ai nấy thầm nghĩ ông trưởng họ càng già càng lẫn, càng già càng thiếu minh mẫn rồi...!

Sự thể ra đến nỗi này, họ đành phải đi xin ý cậu Cả thôi. 

"Thì các thầy các bác cứ theo lời thầy cháu đi ạ," Cả Phát lễ độ trả lời, sau còn thở dài ra chiểu cam chịu. "Thằng Dương tuy có chút kém nghề, cũng là người tài hoa, nay lại có các bác lo toan mọi sự phía sau, còn sợ không ra nổi một cái tượng Di Lặc sao ạ?"

"Cậu nói thế mà nghe được ạ?" một ông bác trong họ vỗ phản ra chiều kẻ cả. "Tài hoa thi phú thì dùng được cái đác gì vào việc đúc đồng hả? Đến cả cái khánh nhập đạo mà nó còn đúc chẳng ra hồn, sá gì đến cái tượng linh thiêng? Việc lần này đúng là có chúng tôi tất sẽ trót lọt, nhưng về lâu dài cứ thế mãi sao? Kẻ trưởng quản gia nghiệp mấy đời có đâu lại thế được? Họ ta xưa nay không thế bao giờ!"

"Đúng thế đấy cậu Cả ạ," một kẻ khác chen vào. "Với cả phen này mà sự thành, cụ Cả sẽ nghĩ tất đều công cậu Hai, rồi cụ ấy lại tin vào cái lẽ vớ vẩn là không cần nghề cũng có thể thành nghiệp, trao cái cơ nghiệp mấy trăm năm này vào tay cậu ấy! Thế thì họ ta còn gì hả giời?"

Phía sau, dĩ nhiên còn nhiều nữa, nhiều nữa những lời can gián thấm thía tim gan... Kỳ tình, phần lớn trong số họ đều là thật lòng lo cho tổ nghiệp mấy đời, chứ cũng không vì lòng riêng chi hết. Họ cũng chẳng muốn làm quá lên thế này đâu, ngặt vì sáng nay vừa được chiêm ngưỡng cái khánh Hai Dương rót đồng hôm nhận nghề, khuôn vừa được dở ra, ai nấy đều xám nghoét mặt mày. 

Ôi là nó thảm! Nó thương! Đã lỗ chỗ thì chớ, còn chỗ dày, chỗ mỏng! Thua cả cái khánh mà thằng dở nghề nhất làng làm ra năm lên tám!

Ngữ ấy làm sao cho trưởng quản cho được, giời ơi! Thế mà ông Cả mù quáng thế nào, nhìn cái khánh xong lại dửng dưng cho qua, còn cho cậu ta quản cái việc hệ trọng của chùa Vát Hồng, chết mất!

Sự này không thể, các lão nghiêm túc lắc đầu. Vốn dĩ họ cũng chẳng tha thiết gì cuộc chiến giành ghế chủ vị này của anh em chi Nguyễn Hoài, nhưng đến thế này thì muốn họ không can vào, là không thể.

Đúng là, sống trong cái tộc đại gia, muốn làm người tốt thành ra không dễ...!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro