Chương 1: Kẻ Giảng Đạo (tt)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Các em mười ba tuổi nhỉ. Tóm lại, độ tuổi là gì vậy?

Chắc các em vẫn chưa quên "vụ sát hại gia đình năm người ở thành phố T". Trong suốt dịp nghỉ hè, mỗi ngày hung thủ lại trộn một ít thuốc vẫn được nhắc đến trong truyện trinh thám vào bữa tối của gia đình, sau đó ghi lại triệu chứng của từng người lên blog. Tuy nhiên, thấy triệu chứng nhẹ hơn mình tưởng tượng, hung thủ không hài lòng bèn bỏ kali xyanua vào món cà ri để sát hại bố mẹ, ông bà và cậu em trai học lớp Bốn. Hung thủ là học sinh lớp Bảy, khi ấy mười ba tuổi, là chị cả. Câu cuối cùng hung thủ đăng trên blog là: "Dù gì thì rốt cuộc kali xyanua vẫn hiệu quả nhất!" Đài báo đã đưa tin về vụ này không biết bao nhiêu ngày.

"Vụ án Lunacy?" Như em Sone nói, các em đều nhớ vụ án đó bằng cái tên này. Luna trong thần thoại La Mã có nghĩa là mặt trăng hoặc nữ thần mặt trăng. Tương đương với Selene trong thần thoại Hy Lạp. "Em không biết." Không sao. Còn "lunacy" lại có nghĩa thần kinh bất ổn, rối loạn tâm thần, hoặc những hành vi điên rồ. Vì cô bé hung thủ dùng cái tên này trên blog nên các phương tiện truyền thông gán luôn cái tên Lunacy cho vụ án, thậm chí còn dựng nên thuyết đa nhân cách là "một cô bé trầm lặng biến thành nữ thần Lunacy điên loạn", xôn xao đến buồn cười. Án phạt dành cho cô bé ấy như thế nào à, có bao nhiêu người trong số các em ở đây biết được điều đó? Vụ án được gán cho cái tên hoành tráng ấy, do hung thủ vị thành niên nên chân dung và tên thật đều bị giấu, chỉ góc khuất trong tâm hồn cô bé là bị phóng đại bởi tính chất tàn bạo của vụ việc và những suy đoán mà thôi. Vụ án cứ vậy chìm vào quên lãng mà chẳng ai biết được sự thật cốt yếu. Đưa tin như vậy có được không? Cách truyền thông đưa tin về vụ này chỉ khiến một bộ phận những đứa trẻ có tâm hồn tăm tối khắc ghi vào đầu sự tồn tại của những kẻ ác lập dị không có tính người như Lunacy, hay khiến những đứa trẻ trầm uất sùng bái bọn tội phạm điên rồ. Cô nghĩ nếu không công khai chân dung và tên tuổi vì chúng là trẻ vị thành niên thì cũng đừng công khai cái tên mà chúng sung sướng tự đặt làm gì. Trên blog xưng Lunacy mà tên thật lại được công khai là cậu bé A, cô bé A thì cứ làm mờ phần đó đi và đặt một cái tên giả đáng xấu hổ khác như "kẻ đần độn" hay "kẻ ị bậy" cho xong. Còn vụ sát thương trẻ nhỏ tại thành phố K, dù không công khai chữ ký viết tay ấy thì cũng chỉ cần cười khẩy rằng: "Hắn đã phiên âm Hán tự thật đỉnh cho một cái tên tầm thường. Chắc muốn khoe có thể viết được chữ Hán khó đây."

Các em đang tưởng tượng cô bé tự gọi mình là Lunacy ấy trông như thế nào à? Bình tĩnh suy nghĩ nhé. Một cô bé xinh đẹp có tự gọi mình là Lunacy không? Nếu không công bố ảnh thì có thể công bố tranh chân dung đã cố tình tô đậm đường nhân trung hoặc nếp nhăn khi cười. Chỉ cần làm cho thật giống con người là được. Càng đối xử đặc biệt, càng làm ầm ĩ thì những tên tội phạm vị thành niên kia càng tự huyễn hoặc bản thân. Rồi những đứa trẻ ngốc nghếch ngưỡng mộ bọn chúng cũng tăng lên theo. Nếu ngay từ đầu biết hung thủ là trẻ vị thành niên thì nhiệm vụ của người lớn là chỉ nói về vụ án ở mức tối thiểu, nghiêm khắc quở trách sự ngu xuẩn của những đứa trẻ quá huyễn hoặc bản thân. Cô bé phạm tội chỉ phải ngồi viết tập làm văn ở một tổ chức hỗ trợ trẻ em hay gì đó rồi vài năm sau lại có thể quay về xã hội với khuôn mặt ngây thơ vô tội.

-------------------------------------------------------------------------------

Nhưng trong vụ này, các em có biết là có người bị chỉ trích nặng nề hơn cả cô bé đó không?

Là giáo viên môn khoa học ở trường cấp hai mà cô bé đó theo học. Cho phép cô được gọi là thầy T để tôn trọng sự riêng tư. Thầy T là người cực kỳ tâm huyết với việc giảng dạy, rất xem trọng vấn đề an toàn. Mấy năm gần đây thầy ấy lên tiếng phản đối những giờ khoa học và tích cực xây dựng các biện pháp an toàn trong thực hành và thí nghiệm, đến nỗi những thí nghiệm hơi nguy hiểm cũng bị ngăn cản. "Người quen của cô à?" Thực ra, vài ngày trước khi sự việc xảy ra, cô đã có cơ hội nói chuyện với thầy ấy ở Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc dành cho học sinh cấp hai và cấp ba. Trước khi nghỉ hè, cô bé kia đã năn nỉ thầy T: "Em để quên vở trong phòng hóa học nên xin thầy cho em đi lấy ạ." Do chỉ còn vài phút nữa là thầy T, tức giáo viên chủ nhiệm, sẽ họp với phụ huynh nên thầy ấy chẳng hề nghi ngờ gì cô học sinh bình thường rất ngoan và ít nói này, bèn đưa cô bé cả chùm chìa khóa. Sau này người ta phát hiện ra phần lớn hóa chất dùng cho thí nghiệm là cô bé mua ở hiệu thuốc gần nhà hoặc trên mạng, duy chỉ có kali xyanua được lấy từ trường về. Thầy T đã bị dư luận chỉ trích gay gắt về việc lơi lỏng quản lý. Thậm chí người ta còn dựng lên những tin đồn vô căn cứ kiểu như "Có khi chính thầy T đã xúi giục cô bé đấy" và dồn ép thầy tới mức buộc phải xin nghỉ việc. Thầy T không chỉ bị công kích trên phương diện công việc. Sau nhiều ngày bị chửi rủa, phỉ báng, tinh thần của vợ thầy T kiệt quệ, cho đến bây giờ khi sự việc đã lắng xuống cô ấy vẫn phải nằm viện. Cậu con trai học lớp Ba được gửi tới nhà người bà ở xa, lấy họ mẹ để đi học tiếp. Tạm gác chuyện cô từng gặp thầy T sang một bên, là một đồng nghiệp, ngay sau vụ án, cô nhận được thông báo từ Hội đồng giáo dục về việc thắt chặt quản lý vật nguy hiểm. Giờ khoa học ở trường cấp hai không dùng tới kali xyanua, chắc thầy T có lý do riêng của thầy. Đang giữ thứ như vậy mà lại dễ dàng đưa chìa khóa cho học sinh thì bị quy trách nhiệm quản lý là đúng rồi. Nhưng ngay cả ngôi trường này, tuy không có kali xyanua song lại có đầy những dược chất có thể làm chết người. Chìa khóa tủ để những chất ấy cất ở nơi học sinh không lấy được, song chỉ cần lấy gậy bóng chày đập vỡ kính là xong. Thế con dao trong bếp thì sao? Đến sợi dây nhảy trong kho thể chất cũng có thể giết người được. Giáo viên bọn cô biết học sinh nhét dao trong túi quần cũng không tịch thu được. Học sinh ấy mang dao để sát thương ai đó nhưng chỉ cần nói với giáo viên là để tự vệ trước kẻ khả nghi trên đường đi học là xong. Báo cáo lên cấp trên thì cấp trên cũng nói "Nhắc em ấy phải cực kỳ cẩn thận". Chỉ khi có sự cố hay tai nạn gì xảy ra từ con dao ấy thì mới có thể tịch thu. Đương nhiên, khi ấy đã muộn. Lúc đó lại bị chỉ trích rằng "Biết học sinh mang dao mà sao không phòng được sự cố, tai nạn từ trước?" Kẻ có lỗi thực sự là ai? Là người giáo viên đã không thể nhắc nhở nghiêm khắc sao?

Vậy cô phải làm thế nào mới được đây?

-------------------------------------------------------------------------------

Đám tang Manami diễn ra lặng lẽ trong phạm vi gia đình. Nhiều người muốn tham dự lễ tang nhưng cô xin phép từ chối. Cô cũng muốn Manami được nhiều người đưa tiễn, nhưng trên hết, cô muốn để bố Manami đưa tiễn con gái mình. Manami và bố mới gặp nhau có một lần. Đó là hồi cuối năm ngoái. Buổi tối, khi đang xem tivi, Manami bỗng chỉ vào màn hình nói "Hôm qua, Manami đã gặp chú này đấy". Cô những tưởng tim mình ngừng đập. Theo lời Manami thì anh ấy đứng ngoài hàng rào nhà trẻ nhìn con bé chơi xích đu. Khi Manami nhìn thấy, anh ấy vẫy tay gọi nên Manami tiến lại gần hàng rào. Anh ấy hỏi "Cháu là Manami à, hằng ngày cháu đều vui chứ?" và Manami trả lời: "Vui ạ." Anh ấy cười bảo "Vậy tốt rồi" và đi mất. Chắc chắn là bố của Manami rồi. Gần đây các biện pháp phòng chống tội phạm ở nhà trẻ đã được thắt chặt, đến cả người dân sống gần đấy nếu đi ngang qua mà nhòm vào cũng bị kiểm tra gắt gao. Song là anh ấy, nếu có bị hỏi chắc cũng đưa ra được lý do nào đó. Không biết chừng còn được hoan nghênh và mời vào trong cũng nên. Cô thắc mắc sao lại là lúc này nên đã gọi điện cho anh ấy, lần đầu tiên kể từ khi chia tay. Cũng gần năm năm rồi. Nhờ vậy, cô biết cuối cùng anh ấy đã phát bệnh. Các nhân vật trong sách thường phát bệnh trong nháy mắt, song thông thường thời gian ủ bệnh của HIV là năm đến mười năm. Trường hợp của anh ấy là mười bốn năm, nên nói là giữ giỏi hay chịu đựng giỏi đây. Trong lúc cô chưa biết nói gì thì anh ấy thều thào nói: "Chuyện đó sẽ không xảy ra nữa." Giọng nói ấy chẳng thể khiến cô liên tưởng được tới vẻ khát khao của anh ấy trên tivi. Cô gợi ý cả nhà sẽ đi đâu đó xa xa vào dịp nghỉ đông. Không phải là cô tỏ lòng thương hại khi thấy anh ấy không sống được bao lâu nữa. Cô chỉ muốn ba người được ở bên nhau. Nhưng cô vẫn bị giọng nói yếu ớt ấy từ chối. Khi Manami lần đầu tiên được bố ôm vào lòng thì linh hồn con bé đã không còn nữa. Anh ấy ôm thi thể Manami, tự trách về những sai lầm của bản thân trong quá khứ đã gây ra cái chết của Manami và khóc suốt đêm. Người ta hay nói là khóc đến khô nước mắt, song không đúng với cả cô và anh ấy. Cô chỉ mong nước mắt khô đi. Cô hối hận vì nếu biết thế này, lẽ ra cô nên cố sắp xếp thời gian để ba người ở bên nhau.

Từ nãy tới giờ cô cứ nhắc đi nhắc lại từ "hối hận" nhỉ.

Sau lễ tang, có rất nhiều người tới nhà cô chào tiễn biệt Manami. Giáo viên và các bạn ở nhà trẻ, giáo viên và học trò trường S, cô từ chối tiền phúng viếng nhưng mọi người lại đặt những chú thỏ Watausa nhồi bông hay những túi kẹo trước bàn thờ Manami. Manami đang yên giấc, xung quanh là các bạn Watausa mà con bé yêu thích. Cô tự thuyết phục mình như vậy để dần chấp nhận cái chết của Manami. Tuần trước bà Takenaka tới nhà cô ngay khi vừa ra viện. Tròn một tháng kể từ cái chết của Manami. Bà Takenaka nước mắt lưng tròng đứng trước bàn thờ chắp tay nói "Xin lỗi cháu nhé". Tờ báo địa phương viết "Bé gái bốn tuổi ngã chết khi lẻn vào hồ bơi cho chó ăn" nên bà Takenaka đau buồn như thể cái chết của con bé là lỗi ở mình. Vì tai nạn xảy ra ở trường học nên thầy hiệu trưởng đã thay mặt người mẹ nát lòng này kiểm tra bản thảo bài báo. Cô hối hận vì lẽ ra mình phải đích thân kiểm tra. Cô lại nói "hối hận" rồi. Bà Takenaka cho tất cả đồ Manami để ở nhà bà vào một cái túi giấy và mang đến cho cô. Lẫn trong những kỷ vật về con bé như quần áo, đồ lót, thìa, đũa, những đồ chơi nhỏ như thú bông... là chiếc ví lông hình Watausa. Chiếc ví Manami rất thích nhưng rốt cuộc cô đã không mua. Tại sao nó lại ở đây. Mỗi khi được bà Takenaka hay ai khác mua hoặc cho thứ gì đó, dù chỉ là viên kẹo Manami đều kể với cô. Bà Takenaka tìm thấy cái ví trong chuồng của Muku. Bà ấy nói cô mới để ý là cái túi đã bị sờn, chắc do Muku nghịch. Nhưng bà ấy vẫn mang tới cho cô vì nghĩ "không có bạn Usa, Manami sẽ buồn, tội nghiệp con bé". Cô nói lời cảm ơn bà Takenaka đã luôn yêu quý Manami, cảm ơn bà đã đến thăm dẫu vẫn chưa hoàn toàn bình phục và lấy xe đưa bà về tận nhà. Trong khu vườn lâu ngày không được chăm sóc, Muku đang chơi với quả bóng chày. Bà Takenaka nói, "Quả bóng bay từ bên trường sang đấy". Song cầu thủ đập thứ tư của đội bóng chày dù có cú home-run tuyệt vời đến đâu cũng không thể vượt qua rào chắn bóng, càng không thể tới được bể bơi. Bà Takenaka bảo thỉnh thoảng sau giờ học lại nhìn thấy có học sinh vừa lau dọn xung quanh bể bơi vừa chơi ném bóng nên chắc là quả bóng đó. Cô nhớ ra một trong những hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm nội quy ở mức nhẹ là lau dọn bể bơi và nhà kho phòng thể chất. Năm học này lớp mình cũng có bạn bị phạt, vậy mà cô quên béng mất.

Ngày hôm đó có phải chỉ có một mình Manami ở bể bơi? Câu hỏi ấy chợt hiện lên trong đầu cô. Về đến nhà, cô cầm thử cái ví Watausa lên. Chiếc ví này có thật là của Manami? Nếu vậy thì ai đã mua cho con bé? Cô giơ cái ví lên trước mặt lắc thử, phát hiện ra nó nặng hơn hẳn so với chất vải. Cô mở khóa ra thì thấy bên dưới lớp vải mỏng dán bên trong có một vật nom như cuộn dây đồng. Cố nén linh cảm xấu đang dâng lên trong lòng, ngày hôm sau cô gọi riêng hai học sinh đó ra.

Ngoài hành lang ồn quá nhỉ. Các lớp khác đã xong cả rồi chăng. Bạn nào phải sinh hoạt câu lạc bộ hay có giờ học thêm, kể cả những bạn muốn ra ngoài vì lý do khác đều có thể ra khỏi lớp. Nãy giờ cô cứ dông dài mãi một câu chuyện khó chịu nhưng chuyện tiếp theo đây còn khó chịu hơn, nên bạn nào không muốn nghe hãy về luôn từ bây giờ. Không có ai à? Vậy coi như các em tự nguyện muốn nghe câu chuyện của cô nên cô sẽ tiếp tục.

Từ bây giờ cô sẽ gọi hai hung thủ là A và B nhé.

 -------------------------------------------------------------------------------

Hồi mới vào trường, A là một học sinh không mấy nổi bật. Có vẻ như cậu ta cũng ngầm được vài nam sinh kiêng nể song cô không biết chuyện đó mà chỉ chú ý đến A kể từ sau bài kiểm tra giữa kỳ học kỳ một. Môn khoa học ở học kỳ một là môn Sinh, A được một trăm điểm bài kiểm tra đó. Vì cả khối chỉ có một học sinh được một trăm điểm nên chuyện A đạt điểm tuyệt đối không chỉ được công bố ở lớp mình mà cả các lớp khác. Lớp mình thì tán dương "Giỏi quá!", nhưng ở lớp khác, ngoài những lời tán dương, còn có những lời xì xào khiến cô chú ý. "Thằng đó làm thí nghiệm trên vật sống mà lại." Người lẩm bẩm với vẻ khinh bỉ đó là em C, học chung tiểu học với A. Chẳng hiểu sao những lời ấy cứ khiến cô bận tâm nên sau giờ học, cô gọi C tới phòng thực hành Hóa. "Mong cô giữ kín những gì em sắp tiết lộ," C rào trước rồi kể cho cô là những năm cuối tiểu học, thỉnh thoảng A lại nhặt chó hoặc mèo đem về nhà, dùng một dụng cụ kỳ quặc cậu ta chế ra, nghe nói A gọi đó là "máy hành quyết", liên tục hành hạ bọn chúng và cuối cùng là giết chết một cách tàn bạo. Lức mới kể, mắt em C còn cụp xuống nhưng đến đoạn cuối thì trông hân hoan như thể đang kể một giai thoại anh hùng của bản thân vậy. "Nó còn chụp ảnh lại rồi đăng trên trang cá nhân đấy ạ." Cô nhớ mình đã rùng mình khi nhìn nét mặt của cậu ta. Em C cho cô cả địa chỉ trang của A. Ngay lập tức, cô đã truy cập bằng máy tính ở phòng giáo viên, nhưng trên trang web tiêu đề "Phòng thí nghiệm của tiến sĩ thiên tài" chỉ độc một dòng viết bằng phông chữ rờn rợn "Đang nghiên cứu loại máy mới. Đừng bỏ lỡ!" Bản khảo sát do trường tiểu học gửi tới trước khi nhập học, trong mục "khuynh hướng" của A hoàn toàn không đề cập gì tới chuyện này. Để chắc chắn, cô gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm lớp Sáu[1] của A thì nhận được câu trả lời nhẹ bẫng: "Chuyện đó tôi chưa nghe thấy bao giờ. Em A rất chăm chỉ, thành tích học tốt, là một học sinh ngoan." Từ đó, cô luôn để mắt đến A, song A ở trường rất ngoan, thái độ học tập và sinh hoạt đều không có vấn đề gì, thậm chí có thể coi là học sinh gương mẫu. Chẳng biết từ khi nào cô cũng dần bớt chú ý đến A. Vì thời gian này nhiều học sinh có hành động dại dột cũng đủ khiến cô bận bịu.

*[1] Cấp tiểu học ở Nhật là từ lớp 1 đến lớp 6

Lúc ấy là giữa tháng Sáu. Sau giờ học, khi cô đang chuẩn bị cho giờ thực hành của học sinh khối Chín trong phòng Hóa học thì A bước vào. A nhìn những dụng cụ thực hành đầy vẻ thích thú và hỏi: "Chuyên môn của cô là gì thế?" Khi cô trả lời là "hóa học", A liền hỏi lại "Thế còn điện cơ?" Cô cũng biết đại khái về Vật lý, song chợt nhớ tới công việc của bố A nên cô đáp: "Cái đó thì bố em rành hơn chứ?" Thế là đột nhiên A chìa một cái ví ra trước mặt cô. Chiếc ví bằng da tổng hợp màu đen có khóa kéo, loại dùng để đựng tiền xu, chẳng có gì đặc biệt, giống loại vẫn bán ở cửa hàng một trăm yên. Cô đang thắc mắc không biết là cái gì thì A khẽ cười, nói: "Bên trong có thứ hay ho lắm, cô thử mở ra đi." Chắc lại trò nghịch ngợm gì đây. Cô cầm lấy cái ví nhưng vẫn cảnh giác. Nó hơi nặng so với vẻ ngoài nên cô nghĩ không biết bên trong có gì. Nếu là mấy thứ như ếch hoặc nhện thì chẳng đáng giật mình. Cô tự cổ vũ mình như thế và chạm vào khóa kéo thì... Một luồng điện chạy qua đầu ngón tay. Cô cứ tưởng là tĩnh điện. Thế nhưng đang là tháng Sáu, hôm ấy trời còn mưa. Cô đang ngẩn ra hết nhìn đầu ngón tay lại nhìn cái ví thì A đắc chí nói: "Tuyệt đúng không cô, mất hơn ba tháng em mới hoàn thành đấy." Sau đó còn tặc lưỡi bảo: "Cơ mà tác dụng không được như em nghĩ." Cô không tin vào tai mình. Cô hỏi, "Em lấy cô làm vật thí nghiệm à?" song A chẳng tỏ vẻ gì sợ sệt, vẫn nhăn nhở nói: "Thì bởi những người làm thí nghiệm Hóa hay Lý có trót uống tí thuốc hay bị điện giật thì vẫn vô tư mà." Cô nhớ lại câu chuyện C kể. Cô nhớ lại dòng chữ "đang nghiên cứu loại máy mới" trên website. Đầu ngón tay vẫn còn tê tê, cô nghiêm giọng bảo A: "Sao em lại chế tạo một thứ nguy hiểm thế này? Em định dùng nó làm gì? Để giết động vật à?" A phác một điệu bộ chán nản như người nước ngoài vẫn hay làm. "Sao cô phải nổi đóa lên thế? Em quá thất vọng khi cô không hiểu được sự tuyệt vời của cái này. Thôi được rồi, em sẽ đi thử chỗ khác." Nói rồi cậu ta lấy lại cái ví từ tay cô và bỏ đi.

Trong buổi họp hội đồng tuần ấy, cô đã báo cáo chuyện A làm ra cái ví có dòng điện chạy qua khóa kéo, mối nguy hiểm có thể gây ra thương tích từ cái ví ấy và câu chuyện cô nghe từ C. Song, ai nấy đều gạt đi vì dòng điện quá nhỏ, hiệu trưởng cũng chỉ chốt một câu: "Hãy nghiêm khắc nhắc nhở em ấy để đề phòng trường hợp rủi ro." Cô còn gọi điện đến nhà A, nhắc nhở mẹ A thỉnh thoảng hãy để mắt tới cậu ta tránh trường hợp xảy ra tai nạn điện giật chứ không hề trách mắng A. Vậy mà chỉ nhận được lời đáp đầy mỉa mai là: "Nghe nói cô giáo cũng có con, vất vả thế mà hóa ra rảnh quá nhỉ." Ngày nào cô cũng kiểm tra website của A. Vì cô nghĩ "chỗ khác" mà A nói chắc chắn là ở đây. Nhưng trên website vẫn chỉ có dòng chữ "Đừng bỏ lỡ!"

Tuần tiếp theo, A mang theo một tờ giấy, tập hồ sơ và cái ví đến chỗ cô và nói: "Em muốn cô đóng dấu vào đây." Đó là giấy đăng ký tham gia "Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc dành cho học sinh cấp hai và cấp ba" có dán thông báo ở cuối lớp. Hạn chót cuối tháng Sáu. Vì phải nộp trước kỳ nghỉ hè nên cô chỉ nói sơ sơ với các em lớp Bảy. Cô không hề nghĩ tới chuyện A sẽ đem cái ví đi triển lãm. Ô tiêu đề trong tờ đăng ký ghi: "Ví giật mình chống trộm", ô mục đích ghi: "Để bảo vệ những đồng tiền lẻ quý giá khỏi kẻ trộm". Những mục cần thiết khác như họ tên, tên trường đều được điền đầy đủ, chỉ còn ô chữ ký của giáo viên hướng dẫn là để trống. Cái ví mới được thêm tính năng ngắt điện theo cơ chế không gây nguy hiểm cho chủ nhân, nhưng nếu người lạ mở khóa khi chưa ngắt điện, dòng điện sẽ chạy qua khóa kéo. Bên trong tập hồ sơ có kèm một báo cáo chi tiết bao gồm cả bản vẽ về quá trình chế tạo cái ví. Cuối báo cáo có nêu khuyết điểm của cái ví là chỉ dùng được một lần, phần "đường hướng sắp tới" có nêu ra một giải pháp giả định với trình độ cỡ sinh viên đại học nhưng lại kết luận đặc kiểu trẻ con: "Em sẽ cố gắng hơn nữa để người già cũng có thể an tâm sử dụng!" Toàn bộ bản báo cáo được viết bằng tay dù nhà có máy nên gợi được cảm giác là em học sinh cấp hai này đã rất cố gắng. Đợi cô xem qua một lượt bài báo cáo, A nói: "Em làm cái này không phải do cô hướng dẫn nhưng không có chữ ký của cô thì em không nộp được. Cô là giáo viên chủ nhiệm, lại dạy khoa học nên em mới nhờ." Tuy nhiên cô không thể đóng dấu ngay. Thấy cô lưỡng lự, A nói: "Em làm cái này vì chính nghĩa. Nhưng cô lại nói nó là vật nguy hiểm. Hãy để cho các chuyên gia phán xét." Cảm giác như cô vừa nhận được một lời tuyên chiến vậy. Kết quả, nếu nói chuyện thắng thua thì là cô thua. Bởi vì "Ví giật mình chống trộm" đã giành giải thưởng của thống đốc tỉnh, được đi dự thi toàn quốc, giành giải đặc biệt tương đương với giải Ba ở khối cấp hai và được đánh giá rất cao.

 -------------------------------------------------------------------------------

Cô gọi A tới phòng hóa học để xác định sự thật về cái chết của Manami. Khi ấy, cô đã nghĩ mình thật vô dụng. Cô đã tự cắn rứt lương tâm như thế. Nói là sau giờ tan học, song vì giờ học được rút ngắn lại do sắp đến kỳ nghỉ nên quá trưa A đến gặp cô với bộ mặt vô tội. Cô chìa cái ví Watausa ra và nhắc lại lời A từng nói: "Bên trong có thứ hay ho lắm, em thử mở ra đi." Đương nhiên là A không dám chạm vào. Tiếc thật. Vì cô đã cải tiến để nó có cường độ tương đương với một cây súng gây mê. Đúng thế. Cái này chỉ cần học một chút là ai cũng làm được. Còn làm hay không lại là quan niệm đạo đức của mỗi người.

Cuối cùng A cũng nhận ra. Đoán được lý do cô gọi tới, A hân hoan nói ra sự thật như thể đã chờ ngày này từ lâu. Cái ví đó đúng là máy hành quyết A đã nhắc tới.

Sản phẩm hoàn chỉnh được A thử trên những đứa bạn cùng hội xem phim người lớn với cậu ta trước tiên. Dù được khen "ngầu thế" nhưng mức độ phản ứng chỉ như chiếc hộp giật mình khiến A không hài lòng. Bọn này không hiểu được "độ ngầu" của mình, phải cho kẻ hiểu được xem. Vì lẽ đó nên A mới mang đến chỗ cô. Phản ứng của cô khiến A rất hài lòng. Nhưng A đã lầm. Cô cảm thấy nguy hiểm không phải vì cái ví mà là quan niệm đạo đức của A. A cứ đinh ninh rằng cái ví nguy hiểm, tin chắc qua đó mọi người sẽ biết đến sự đáng sợ của máy hành quyết, đã vậy còn nói ra những lời khiêu khích cô. Song A đã dự đoán sai. Bởi kết cục, chỉ có cô làm om sòm lên. A nghĩ thế này. Có đưa cái ví lên trên website thì cũng chỉ đến được toàn những kẻ không hiểu được sự xuất sắc của cái ví này. Nếu thế thì phải đưa tới cho những kẻ hiểu được xem.

Thế nên cậu ta mang nó tới "Triển lãm sáng tạo khoa học toàn quốc dành cho học sinh cấp hai và cấp ba". Ban giám khảo không hiểu sao lại có cả nhà văn khoa học viễn tưởng, nhưng phần lớn đều là những người có tiếng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhờ được những người nổi tiếng chỉ trích về mức độ nguy hiểm giữa chốn công cộng mà máy hành quyết được thừa nhận, còn bản thân A được để ý tới như một nhân vật nguy hiểm. Đây là điều mà A mong đợi. Tuy nhiên, bị coi là vật nguy hiểm và loại ngay từ vòng sơ khảo thì không được. Do vậy cậu ta cố tạo ra vẻ trẻ con và tinh thần chính nghĩa hết mức có thể ngay từ bản báo cáo. Có lẽ tốn công cũng có ích nên từ đầu chí cuối, A đều được đánh giá là một học sinh cấp hai lành mạnh. Tại cuộc thi toàn quốc, A được một giáo sư đại học nổi tiếng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên chương trình đố vui khen ngợi: "Cháu giỏi thật đấy, đến ta cũng không chế ra được thứ như thế này đâu." Đây là lời khen dành cho ý tưởng chú trọng tới biện pháp chống trộm, gắn hệ thống chống trộm vào luôn cái ví chứ không phải ở bộ phận còi báo bởi có quá nhiều các tác phẩm dự thi là người máy giúp việc. Song A nhầm tưởng rằng kỹ thuật và tài năng của mình được đánh giá cao. Dù sao A vẫn là trẻ con mà. Chưa được coi là một nhân vật nguy hiểm song A trả lời phỏng vấn của tờ báo địa phương đầy vẻ tự mãn: "Tuy không như mong đợi nhưng thế cũng được rồi." Nhìn A vui mừng trả lời phỏng vấn, cô cũng yên tâm nghĩ: "Cậu bé này chỉ muốn được mọi người chú ý thôi, cứ giữ năng lượng theo hướng tích cực như thế." Dù trong lòng vẫn còn rối bời nhưng cô cho rằng vậy là đã giải quyết xong.

Nửa cuối kỳ nghỉ hè, ngày tờ báo địa phương đưa tin về A cũng là ngày "vụ án sát hại gia đình năm người ở thành phố T" xuất hiện trên trang nhất. Từ đó, tivi hay tuần san chỉ nói về vụ đó. Bước vào học kỳ hai, sau lễ khai giảng, dù đã được tuyên dương trước toàn thể học sinh song chẳng ai đả động gì đến chuyện A được lên báo hay được một vị giáo sư nổi tiếng khen ngợi. Chủ đề bàn tán chỉ có vụ Lunacy. Dù được khen đã làm một việc tốt nhưng không ai chú ý. Chẳng phải vậy sao? Lunacy thì có gì ghê gớm. Kali xyanua? Chỉ là giết người bằng thứ có sẵn thôi mà. Nếu là mình, mình còn có thể tự chế ra thứ dùng để giết người. Nếu vậy sẽ càng được chú ý hơn. Vụ việc càng xôn xao, lòng đố kỵ của A càng lớn. Rồi cậu ta đắm mình vào việc phát triển máy hành quyết.

 -------------------------------------------------------------------------------

Từ khi mới nhập học B đã luôn là một học sinh dễ mến. Ở cậu ta toát ra một không khí yên bình, khiến người ta nghĩ chắc cậu ta được chăm sóc ân cần trong vòng tay của bố mẹ và hai chị gái hơn nhiều tuổi. Hỏi chuyện A xong, cô gọi điện ngay cho B, khi ấy đã về nhà, và bảo ra bể bơi. Nghe địa điểm như thế chắc B đã đoán ra nên không đồng ý, bảo cô hãy đến nhà. Cuối giờ chiều cô đến nhà B. B hỏi cô là mẹ ngồi cùng được không. Mẹ cậu ta có vẻ bối rối trước cuộc viếng thăm bất ngờ nên cô nghĩ bà ấy không hay biết gì cả. Khi cô đồng ý, B với mẹ ngồi bên cạnh đã lần lượt thuật lại tình hình từ lúc mới nhập học.

Nhập học xong B tham gia câu lạc bộ tennis ngay. Cậu ta muốn thử chơi một môn thể thao nào đó, tennis lại nhìn có vẻ rất oách nữa. Nhưng gia nhập cậu mới biết, những người chơi từ cấp một thì đến tháng Năm là được vào sân tập, trong khi đó những người lên cấp hai mới chơi thì toàn rèn luyện thể lực, sang tháng Năm rồi mà vẫn chưa được cầm đến cây vợt. Tuy B cũng lên cấp hai mới chơi nhưng đa số thành viên mới đều giống vậy nên cậu ta không để tâm mấy. Đến tháng Sáu, cuối cùng cậu ta cũng được cho cầm vợt. Cầm túi vợt đi học khiến cậu ta ít nhiều thấy mình oách hẳn. Tới kỳ nghỉ hè, thầy huấn luyện Tokura đưa ra bảng luyện tập theo nhóm. Trong khi có các nhóm tăng cường tấn công, nhóm tăng cường phòng thủ thì B lại được phân vào nhóm tăng cường thể lực. Các nhóm khác có sáu người trong khi nhóm của B chỉ có ba. Một người là cậu D, vừa gia nhập đã nhanh chóng trở nên nhạt nhòa. Người còn lại là E, với biệt danh Kathy, lùn, da trắng và điệu. Ngày này qua ngày khác, B chỉ toàn cùng Kathy chạy vòng quanh trường. Vì không thấy thể lực mình có gì kém hơn so với người ở các nhóm khác nên B khá bất mãn. Ngày nọ, một bạn nữ cùng lớp đang tham gia câu lạc bộ khác hỏi: "B này, sao cậu tham gia câu lạc bộ tennis mà chỉ chạy thôi vậy?" Chuyện ấy đối với B là điều cực kỳ nhục nhã. B quyết tâm đến xin thầy Tokura cho chuyển sang nhóm khác. Thầy Tokura hỏi: "Em không thích chạy hay không thích chạy cùng Kathy?" Đương nhiên ý của B là vế sau song không nói ra. Thấy B im lặng, thầy nghiêm khắc nói: "Nếu em cứ để ý ánh mắt xung quanh thì không mạnh lên được đâu. Chỉ còn một tuần luyện tập theo nhóm nữa thôi, cố lên đi." Thế nhưng hôm sau, B nhờ mẹ gọi điện xin nghỉ câu lạc bộ tennis, chuyển sang đi học thêm. Đó là một trung tâm luyện thi có tiếng là tận tâm ở trong thành phố.

Bước vào học kỳ hai, thành tích vốn chẳng mấy nổi bật của B tiến bộ rõ rệt. Điểm trung bình kiểm tra giữa kỳ cao hơn học kỳ một gần mười lăm điểm. Ở trung tâm học thêm cũng vậy, ban đầu chia theo kết quả học tập thì cậu ta ở lớp E, lớp đứng thứ hai từ dưới lên, sau hai tháng được lên hẳn lớp B. Cậu F cùng tầm điểm như B hồi mới nhập học cũng bắt đầu đi học trung tâm đó từ tháng Mười một. Ban đầu F được phân vào lớp D. Đặc trưng của tuổi dậy thì là có một thời điểm, các năng khiếu như học hành, thể thao hay nghệ thuật sẽ phát triển mạnh mẽ. Càng học thì điểm số càng tăng nên sẽ thấy tự tin và cố gắng hơn. Có rất nhiều người trở nên tự tin thái quá về năng khiếu của mình. Tuy nhiên, giống như vận động viên nổi tiếng cũng có thời kỳ sa sút phong độ, năng khiếu khi phát triển tới một mức độ nào đó là chạm đỉnh. Thực ra từ đây mới là thời điểm quyết định thắng thua. Những người thối chí rằng mình chỉ làm được đến thế cứ vậy tuột dốc. Những người không nóng vội, tiếp tục nỗ lực thì giữ vững tình trạng hiện tại dù chưa có kết quả. Những người cho rằng đây là thời điểm cần bứt phá nên nỗ lực hơn nữa sẽ tiến thêm được một bước. Từ khi làm giáo viên chủ nhiệm lớp Chín, trước kỳ thi cô hay nghe phụ huynh bảo rằng: "Con tôi mà đã làm thì sẽ làm được", song hơn nửa số "con tôi" đã tuột dốc ngay tại ngã rẽ này. Không phải "đã làm thì sẽ làm được" mà là "không thể làm được".

B cũng bắt đầu đến ngã rẽ ấy.

Bước vào kỳ nghỉ đông, điểm số của B vẫn giậm chân tại chỗ, sau đó có dấu hiệu đi xuống. Thấy bảng điểm khá bèn ăn chơi thả phanh vào dịp năm mới nên tuột dốc ngay! Sau Tết, ngay đầu học kỳ ba, B bị giáo viên ở trung tâm học thêm mắng mỏ thậm tệ với mục đích khích lệ trước mặt cả lớp, hệt như cảnh quảng cáo trên tivi. Chẳng phải B bị mắng trước mặt mọi người vì kết quả hơi sa sút hay sao. Cậu ta thấy cực kỳ bất mãn. Nhưng có chuyện còn khiến B bực mình hơn. Ấy là B thì vẫn ở lớp B, còn F lại được lên lớp A. Mang tâm trạng cay cú, hết giờ học thêm, B không về nhà ngay mà tạt vào quán game. Đúng đợt vừa có tiền mừng tuổi ví đang căng. Mải mê chơi game, khi tỉnh ra thì B thấy mình bị một nhóm học sinh cấp ba bao vây. Suýt bị chúng cướp mất ví, B chống trả nhưng bị nện lại gấp mấy lần. Đúng lúc đó có cảnh sát tuần tra đi qua nên B được cứu và đưa về đồn. Hình như lúc đó là hơn 11 giờ đêm, cảnh sát gọi điện đến nhà cô. Cô gọi luôn cho thầy Tokura. Thấy người đến đón mình không phải giáo viên chủ nhiệm, đã vậy còn là thầy Tokura nên B rất sốc. "Sao cô Moriguchi không đến ạ?" Đáp lại câu hỏi của B, thầy Tokura trả lời: "Vì cô là phụ nữ mà." Nghe vậy, B lại hiểu thành vì hoàn cảnh gia đình cô. Rằng một giáo viên là mẹ đơn thân thì sẽ ưu tiên con mình hơn học sinh. "Chắc em dỗi vì bị giáo viên lớp học thêm nói là vô dụng hả. Em lúc nào cũng sợ mọi người để ý, mới bị mắng một tí đã dỗi. Ra xã hội còn nhiều chuyện khó chịu hơn đấy." Thầy Tokura nói trong khi lái xe đưa B về nhà. B có nói những điều rất ngây thơ kiểu như "Bạo lực bằng ngôn từ khiến em tổn thương" song cô thì rất cảm kích bởi thầy Tokura không chỉ mắng mà còn quan sát rất kỹ học trò.

Trong lúc B kể, bà mẹ cứ nhắc đi nhắc lại "tội nghiệp con tôi". Đúng là một phụ huynh lú lẫn. Nghĩ vậy song cô không khỏi ghen tị bởi bà ấy có một đứa con để yêu thương tới mức lú lẫn như thế. B tuy là người bị hại, nhưng trường S có quy định cấm học sinh vào quán game. Hình phạt dành cho B là: "Dọn vệ sinh khu bể bơi và phòng thay đồ một tiếng sau giờ học trong vòng một tuần".

 -------------------------------------------------------------------------------

 Đầu tháng Hai, A thành công trong việc tăng điện áp ở khóa kéo lên ba lần. Dù gì đi nữa cậu ta cũng nóng lòng muốn thử. Khi ấy, trong giờ học, A nhìn thấy B ngồi bên cạnh nguệch ngoạc viết chữ "chết đi" vào lề vở. Tớ có băng phim hay lắm, B có xem cùng không? Sau giờ học, A làm bộ tình cờ bắt chuyện với B. B vốn đã tò mò với video của A từ trước nên câu chuyện nhanh chóng trở nên rôm rả. Khi B đã thoải mái hơn, A mới hỏi. Cậu có muốn trừng phạt ai đó không? Rồi A giải thích cho B lúc ấy đang bối rối. Tớ đã tăng điện áp cái "ví giật mình" nhưng vẫn chưa đem thử. Cái ví này làm ra để trừng phạt kẻ xấu nên tớ nghĩ thử nghiệm cũng phải thử với kẻ xấu. Đương nhiên B biết về cái "ví giật mình", nghĩ rằng chuyện dự thi toàn quốc là rất oách. Ngay lập tức B nêu tên thầy Tokura. Song thực chất A cũng chỉ là một đứa nhát gan chẳng làm được gì nếu không dựa vào công cụ nên lập tức loại ngay những người mạnh hơn cậu ta: "Tớ không muốn dây vào ông thầy đó." Tiếp theo, B nêu tên cô. Cậu ta hướng sự bất mãn vào cô vì đã nhờ thầy Tokura đi đón. A cũng gạt đi nốt. Lý do là cô sẽ không bị lừa hai lần bởi cùng một trò. Cậu ta cũng hiểu rằng dù cô có bị lừa đi nữa thì chuyện cũng sẽ không trở thành ầm ĩ. Khi đó B nhớ ra đã trông thấy Manami lúc dọn bể bơi. Con gái Moriguchi thì sao? A đồng ý ngay. A cũng biết chuyện sau giờ học ngày thứ Tư, cô thường đưa Manami đến trường. B kể cho A nghe chuyện Manami một mình vào bể bơi, chuyện con bé cho chó ăn, chuyện con bé đòi mua cái ví ở trung tâm mua sắm. Nghe đến từ "cái ví", A liền nảy ra một ý.

Thứ Tư tuần sau đó, sau giờ học, A và B nấp trong phòng thay đồ của bể bơi. Manami một mình đi tới. Con bé đi thẳng về phía Muku rồi bắt đầu cho Muku ăn bánh mì giấu trong áo len qua hàng rào. A và B từ đằng sau tiến lại gần. "Xin chào, em là Manami đúng không. Bọn anh là học sinh lớp mẹ em. Nhớ không, anh mới gặp em hôm trước ở Happy Town ấy." B bắt chuyện với một nụ cười thân thiện. Manami cảnh giác. A đoán con bé sợ mẹ biết chuyện mình vào bể bơi nên nhẹ nhàng hỏi Manami, tay vẫn giấu sau lưng. Em thích chó à? Bọn anh cũng thích lắm. Nên thỉnh thoảng bọn anh cũng đến cho nó ăn như em vậy. Manami không còn cảnh giác trước những anh lớn cho Muku ăn nữa. Đến đây, A đưa Manami xem cái ví đang giấu sau lưng. Mẹ không mua cho em đúng không. Hay là mẹ mua rồi? Manami lắc đầu. Đúng là chưa mua nhỉ, vì mẹ em đã nhờ bọn anh mua mà. Ừ, tuy hơi sớm, nhưng đây là quà Valentine của mẹ em đấy. A quàng cái ví vào cổ Manami. Nghe đây là quà của mẹ, Manami vui lắm. Bên trong có sô cô la đấy, em mở ra xem đi. Đó là khoảnh khắc Manami chạm tay vào khóa kéo theo lời của A. Manami ngã xuống ngay tại chỗ, không kêu tiếng nào. Trong bóng chiều chạng vạng, Manami nằm im không nhúc nhích. "Làm được rồi!" A lẩm bẩm với nụ cười mãn nguyện. B không thể tin nổi chuyện vừa xảy ra trước mắt mình. Là sao đây, chuyện này là sao. Nó không cử động nữa kìa. B hỏi dồn A bằng giọng run rẩy. Cứ nói với mọi người đi. Nói đoạn, A hất bàn tay B đang đặt trên vai mình ra rồi hớn hở đi về. Con bé chết rồi sao. Chỉ còn lại một mình, B hoảng sợ, không dám nhìn thẳng vào Manami. Ánh mắt cậu ta bắt gặp cái ví Watausa. Nếu người ta phát hiện nguyên nhân cái chết là vì cái này thì mình sẽ bị xem là đồng phạm mất. Vẫn ngoảnh mặt đi chỗ khác, B tháo cái ví khỏi cổ Manami đang nằm bất tỉnh, dùng hết sức ném sang bên kia hàng rào. Đúng rồi, phải làm như bị ngã xuống bể bơi. B nhấc Manami lên rồi quăng xuống làn nước lạnh lẽo, đục ngầu. Sau đó B bỏ chạy thục mạng. Lúc đó em quá sợ hãi nên không nhớ được mấy. Cuối cùng, B có nói thêm câu ấy, nhưng kể được đến đây là đã đủ rồi.

Vừa rồi là sự thật về cái chết của Manami.

Dù cô đã biết sự thật, A và B vẫn đi học như bình thường. Cũng chẳng thấy cảnh sát tìm đến trường. Tại sao vậy? Cô hỏi A khi cậu ta thú nhận xong với vẻ mặt sung sướng. Dù sao đây cũng chỉ là một vụ tai nạn. Người ta không coi đó là vụ giết người kỳ quặc như cô muốn đâu. B thở phào sau khi thú nhận, còn mẹ B thì lặng đi trước lời thú tội của con mình. Cô đã nói với hai mẹ con thế này. Là một người mẹ, tôi muốn giết cả A và B. Nhưng tôi còn là một giáo viên. Người lớn có trách nhiệm nói sự thật với cảnh sát để bắt chúng phải nhận hình phạt thích đáng, song một giáo viên lại có trách nhiệm bảo vệ học sinh. Nếu cảnh sát đã nhận định là do tai nạn thì tôi cũng không có ý định khơi lại nữa. Các em có thấy đó là một phát ngôn đậm chất thầy tu không? Bố B sau khi đi làm về, biết chuyện liền gọi cho cô tỏ ý muốn bồi thường tiền song cô từ chối. Nếu cô nhận tiền thì với B, chuyện này coi như xong. Cô muốn B sẽ đi theo con đường đúng đắn mà không quên tội lỗi mình gây ra. Khi nào tội lỗi ấy đè nặng khiến B không chịu đựng nổi nữa thì xin bố B hãy dịu dàng che chở và nâng đỡ B. Như vậy cũng rất tốt. 

Nếu A lại giết người nữa thì sao?

 -------------------------------------------------------------------------------

Các em bình tĩnh thật, chứng "não game"[2] đây chăng? Chuyện giết người mà các em có thể bình tĩnh nghe hơn cả chuyện HIV, cô thấy hơi khó hiểu. Tuy nhiên, bảo A lại giết người là sai. Buổi tối hôm bà Takenaka đến nhà cô, cô đã quay lại trường, tháo cái ví ra, nối lại mạch điện và đo điện áp. Bỏ qua con số chi tiết, chỉ nói về kết luận thì trừ người bị bệnh tim, cái ví đó không thể làm cho tim ngừng đập, kể cả một đứa trẻ bốn tuổi. Cô đã trực tiếp chạm vào để thử song còn chẳng bằng lần cô để tay ướt chạm vào dây máy giặt bị hở điện. Cô nghĩ khi ấy Manami chỉ bị bất tỉnh. Khi nãy cô cũng đã nói, nguyên nhân cái chết của Manami là "chết đuối". Sau hôm xảy ra vụ việc, biết tin Manami được phát hiện trong bể bơi, A đã truy hỏi B: "Sao cậu lại làm cái chuyện thừa thãi đó." Cô cũng muốn hỏi B câu tương tự, tuy là vì mục đích khác. Không cần cậu ta phải gọi người tới cứu, chỉ cần cậu ta cứ để nguyên như thế mà chạy đi thôi...

*[2] Cụm từ chỉ vấn đề não chịu ảnh hướng xấu từ việc chơi trò chơi điện tử nhiều.

Nếu làm vậy, Manami chắc chắn vẫn còn sống.

Cô không có ý định trở thành giáo sĩ đâu.

Cô không nói sự thật với cảnh sát là vì không muốn giao phó hình phạt của A và B cho pháp luật. A có ý đồ giết người nhưng không trực tiếp xuống tay. B không định giết người nhưng lại thành kẻ ra tay. Dẫu có giao cho cảnh sát thì không những chúng không phải vào trại giáo dưỡng mà có khi chỉ bị quản thúc hoặc được tha bổng. Cô đã nghĩ hay là làm cho A chết vì điện giật. Hoặc khiến B chết đuối. Nhưng làm vậy thì Manami cũng chẳng thể quay về. Vả lại, cũng chẳng khiến hai kẻ kia hối hận về tội ác của mình. Cô muốn chúng biết được gánh nặng và sự quan trọng của sinh mệnh. Từ đó, chúng sẽ hiểu được gánh nặng của tội ác mà mình gây ra và phải sống với gánh nặng ấy. Vậy nên làm thế nào nhỉ?

Đúng là có những người đang sống như vậy trên đời này.

Từ chuyện thiếu canxi mà cô đi đến chủ đề này, song cái các em còn thiếu không chỉ có canxi đâu. Từ xưa người Nhật đã có cái lưỡi tinh tế để thưởng thức hương vị từ nguyên liệu của món ăn nhưng gần đây, càng ngày càng có nhiều những đứa trẻ không phân biệt được cà ri cay hay cà ri ngọt. Người ta cho rằng nguyên nhân là do thiếu kẽm gây nên rối loạn vị giác. Lưỡi của các em, không, lưỡi của A và B thì sao? Hình như các em uống hết sữa rồi nhỉ? Các em thấy có gì không ổn không, ví dụ như có mùi sắt hay có vị lạ? Vì sữa đựng trong túi không nhìn thấy bên trong nên cô đã pha một ít máu mới lấy sáng nay vào sữa của hai em đó. Không phải máu của cô. Với mong muốn hai em đó trở thành những đứa trẻ ngoan, cô đã lén lấy một ít máu của người thầy cứu rỗi, thầy Sakuranomiya Masayoshi.

Có vẻ hầu hết các em đều nghĩ ra rồi nhỉ?

Có hiệu quả hay không thì chưa thể biết ngay được. Hai, ba tháng nữa nhớ đi xét nghiệm máu nhé. Nếu bị nhiễm thì bình thường vẫn sống được từ năm đến mười năm, trong thời gian đó hãy thong thả cảm nhận gánh nặng và sự quan trọng của sinh mệnh. Cô thật lòng mong đợi hai em đó hiểu được sự nghiêm trọng của tội ác mình gây ra, thật lòng hối hận và tạ lỗi với Manami. Sẽ không có chuyện luân chuyển lớp nên cả lớp đừng cô lập mà hãy ân cần để ý tới hai bạn đó nhé. Chắc lớp mình sẽ không còn ai gửi những tin nhắn nông nổi nói là "em muốn chết" nữa. Cô vẫn chưa quyết định sẽ sống tiếp thế nào. Có lẽ sẽ không có nhiều lựa chọn cho cô. Nếu vậy chắc thời gian tạm hoãn là đến khi biết hiệu quả hay không. "Nếu không hiệu quả thì sao?" Phải rồi, cô cũng nhắc nhở các em trước là phải chú ý đề phòng tai nạn giao thông nhé.

Kỳ nghỉ xuân này cô định ở cùng với bố của Manami, người lẽ ra cô đã lấy làm chồng, người mà cô đã dọn về sống chung sau vụ việc vì cô muốn dành cho anh ấy những ngày cuối cùng bình yên nhất. Các em cũng hãy có một kỳ nghỉ hè thật ý nghĩa nhé. Cảm ơn các em trong suốt một năm qua.

Giờ học kết thúc ở đây.

+++

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro