Mưa rơi lặng thầm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong các bệnh án tôi đã tiếp xúc, bệnh nhân này đứng thứ ba về mức độ khiến tôi đau đầu, tôi rất đau khổ. Tiếp xúc với cô ấy mất quá nhiều công sức, hẳn bảy tháng. Không phải kiểu bảy tháng mỗi tháng gặp một lần, mà là bảy tháng cứ ba bốn ngày lại gặp một lần!

Vấn đề của cô ấy thật ra khá phổ biến đối với các bệnh nhân mắc bệnh thần kinh: trầm lặng.

Nói thật, tôi thích các bệnh nhân nói đủ thứ chuyện đông tây kim cổ, tuy họ không phải dạng đơn giản nhất, nhưng ít ra tiếp xúc với họ không phức tạp, cứ từ từ nói chuyện rồi cũng sẽ ra manh mối. Nếu tính theo phần trăm, kiểu bệnh nhân nói liên tục chiếm nhiều nhất, hơn một phần ba, trong đó có những thành phần nói gì không ai hiểu; kiểu trầm lặng cũng một phần ba, có thể chưa đến; còn lại là kiểu phức tạp, không dễ phân loại. Nhiều lúc chỉ có thể chia chúng thành: ảo giác nghe, ảo giác nhìn, hoang tưởng, chứng hysteria... Chẳng còn cách nào khác, các bác sĩ thần kinh + học giả tâm lý + các loại bác sĩ liên quan có thể trực tiếp tham gia điều trị trên toàn quốc trung bình mỗi người chỉ có thể thăm khám cho số bệnh nhân trong phạm vi ba chữ số. Đây không chỉ là vấn đề cường độ lao động, muốn bước vào tâm hồn bệnh nhân, hiểu được thế giới quan của bệnh nhân để tìm phương pháp điều trị (nhấn mạnh: không phải chữa khỏi bệnh, mà là tìm phương pháp điều trị) cần rất nhiều thời gian, đầu tư tốn công sức. Tiếp xúc với người bình thường còn mất nhiều thời gian, đây lại là bệnh nhân thì khỏi phải nói. Những người có tên tuổi trong ngành này cơ bản đều tư duy logic, bản năng phân tích khách quan rất mạnh. Chú ý, tôi không nói đến năng lực, mà là bản năng, bởi nếu không bản năng hoá sẽ rất dễ bị lay chuyển. Hơn nữa còn phải có đặc trưng tâm lý một lòng cố chấp, nói dễ nghe là kiên trì. Nếu không như vậy sẽ rất nguy hiểm, không phải chưa từng có trường hợp bác sĩ thần kinh biến thành bác sĩ bị bệnh thần kinh. Vì vậy, có lúc tôi thấy thật may mắn vì mình không phải bác sĩ thần kinh.

Vừa rồi nói đến các kiểu bệnh nhân tâm thần, loại gọi là trầm lặng không nhất thiết phải lạnh lùng hoặc ảm đạm, họ chỉ không chịu nói chuyện, hoặc có thể không thèm nói chuyện với người bình thường, nói chung tự chơi với mình rất tốt. Trầm lặng có thể phân thành ba loại: một loại có kèm theo chứng tự kỷ; một loại cho rằng tư duy của người khác không theo kịp họ, không có gì để nói; loạ icuối cùng rất bi quan, trầm cảm. Trên thực tế, đa số bệnh nhân tâm thần đều là kiểu phức hợp, nếu chỉ một kiểu đơn lẻ cơ bản sẽ không bị xếp vào bệnh nhân tâm thần, trừ các trường hợp đặc biệt.

Bổ sung thêm là, kiểu trầm lặng không phải kiểu có nhiều thiên tài nhất. Kiểu nói liên tục mới là kiểu có nhiều thiên tài nhất, tất nhiên người khác có thể phát hiện ra không lại là vấn đề khác. Trong số đó có một bộ phận rất giảo hoạt, thích giả ngu ngơ ngây ngô đấu trí đấu mưu, chưa làm người khác gà bay chó nhảy vò đầu bứt tai thì chưa kết thúc, họ coi đấy là thú vui.

Cô gái tôi muốn nhắc tới thuộc đặc trưng thứ nhất và thứ hai của loại trầm lặng. Chứng tự kỷ của cô ấy cũng không quá nghiêm trọng, vấn đề là tính cách cô ấy rất mạnh mẽ, chỉ một câu nói không đúng chỗ thôi, buổi gặp mặt coi như vô dụng. Qua lần tiếp xúc thất bại đầu tiên và liên tiếp những lần thất bại sau đó, tôi bắt đầu mặt dày, không có việc gì là tới, có việc làm xong cũng tới. Tôi giống như theo đuổi tán tỉnh cô ấy vậy.

Cuối cùng, cánh cửa tâm hồn cô ấy cũng bị tôi mở ra.

Tôi: "Tôi vẫn luôn muốn hỏi cô nhưng không dám hỏi."

Cô ấy cười: "Tôi không nghĩ anh là kiểu người nhát gan."

Tôi: "Ừm... có lẽ vậy. Tôi có thể hỏi cô vì sao lại dùng băng dính bọc tivi không?"

Cô: "Vì họ (chỉ bố mẹ cô ấy) làm việc ở đài truyền hình."

Tôi: "Không được, cô phải giải thích rõ ràng quá trình bên trong, tôi thật sự không hiểu."

Cô ấy là một cô gái cực kỳ thông minh, sớm biết nói cũng sớm biết chữ, bà nội chỉ dạy một chút không hiểu vì sao vẫn tự lĩnh ngộ được. Năm tuổi biết tự cầm báo chăm chú đọc, không phải giả vờ, mà là đọc thật. Giáo viên tiểu học cảm thấy buồn cười liền hỏi cô ấy báo nói gì, cô ấy không ngẩng đầu lên, cứ thế đọc từ tiêu đề đến nội dung, là thần đồng được công nhận.

Bố mẹ cô ấy đều làm việc ở đài truyền hình, từ khi cô ấy được sinh ra bố mẹ không chăm sóc mấy, đều do bà nội một tay chăm chút, vì vậy cô ấy thân nhất với bà nội. Năm cô ấy mười một tuổi, bà nội qua đời, cô ấy cầm tay bà khóc một ngày một đêm, ai kéo ra là cô ấy cắn, rồi mệt quá mà ngất đi, sau khi tỉnh dậy thì ốm một trận nặng, từ đó không nói chuyện với người khác nữa. Bố mẹ cô ấy không có cách nào, cũng chẳng có thời gian, mấy cô bảo mẫu đều bị doạ chạy mất dép. Có điều thiên tài vẫn là thiên tài, cô ấy cứ thế một mạch lên đại học, bố mẹ không cần lo lắng gì. Sau khi tốt nghiệp, bố mẹ sắp xếp cho cô ấy làm ở đài truyền hình, cô ấy nhất quyết không chịu, tự tìm một công việc liên quan đến nghệ thuật. Hằng ngày cô ấy cứ thầm lặng ra ra vào vào nhà mình, chẳng nói chuyện với ai. Nếu không phải vì cô ấy làm một số việc kỳ quặc, tôi đoán bố mẹ cô ấy cũng sẽ mặc kệ như vậy. Có lẽ nhiều người sẽ hoài nghi, có kiểu bố mẹ như vậy ư? Tôi xin trả lời, có, là có thật.

Cô ấy cau mày: "Họ làm các tiết mục truyền hình, tôi ghét những gì họ làm nên bọc kín tivi lại."

Tôi: "Hiểu rồi, tôi cứ tưởng lý do cổ quái nào cơ, hoá ra là vậy."

Cô: "Ừm, tôi cứ nghĩ anh sẽ bảo tôi không bình thường, rồi khuyên tôi sau đừng làm vậy nữa."

Tôi: "Bọc thì bọc thôi, cũng không phải tivi nhà tôi, cần gì ngăn cản."

Cô ấy cười.

Tôi: "Vậy sao cô thay ổ khoá cửa lại chỉ đưa bố mẹ cô hai người một chìa khoá ?"

Cô ấy đột nhiên trở nên lạnh lùng: "Dù sao mỗi lần họ cũng chỉ về một người, một chìa là đủ rồi."

Tôi: "Ồ... Nguyện vọng thứ hai mãn nguyện rồi, cái cuối cùng tôi phải suy nghĩ thật kỹ."

Cô ấy chăm chú nhìn tôi: "Tôi không phải thần đèn."

Tôi: "Câu cuối cùng tôi chưa hỏi vội, tôi thử đặt giả thuyết nhé. Cô thường đeo kính gọng đen này chắc không phải vì đẹp mà để lẩn tránh, để có cảm giác an toàn phải không?"

Cô: "Anh đoán sai rồi, không phải kiểu an ủi tâm lý anh nghĩ đâu."

Tôi ngẩn người: "Cô đọc qua tâm lý học rồi..."

Cô: "Sau lần đầu tiên anh tìm tôi, tôi đã đọc."

Hoá ra cô ấy cũng đang quan sát tôi.

Tôi: "Nguyện vọng cuối cùng chẳng biết có nên hỏi về gọng kính không? Thật băn khoăn... có thể thêm một nguyện vọng không?"

Cô: "Đương nhiên là không, chỉ ba câu thôi. Anh phải nghĩ thật kỹ có hỏi vấn đề gọng kính hay không nhé." Có thể thấy cô ấy rất vui.

Trực giác mách bảo tôi vấn đề gọng kính rất quan trọng.

Tôi: "... Quyết định rồi, vì sao cô lại đeo kính gọng đen này?"

Cô: "Bị anh phát hiện rồi?"

Nói thật tôi vẫn chưa phát hiện ra điều gì, nhưng vẫn gật gật đầu giả vờ cao thâm.

Cô ấy nghĩ ngợi kỹ càng: "Được rồi, tôi nói cho anh biết vì sao, đây là bí mật lớn nhất của tôi."

Tôi: "Ừm, tôi sẽ không nói lại với người khác."

Cô: "Tôi đeo gọng kính này để không phải nhìn thấy màu sắc của mỗi ngày."

Tôi: "Màu sắc của mỗi ngày?"

Cô: "Các anh đều không thấy, nhưng tôi có thể nhìn thấy màu của mỗi ngày."

Tôi: "Mỗi ngày... ý cô là ngày nắng, ngày âm u à?"

Cô: "Không, không phải thời tiết."

Tôi: "Màu sắc của bầu trời?"

Cô: "Không, mỗi sáng sớm tôi tỉnh dậy đều sẽ nhìn ra bên ngoài trước, trong nhà nhìn không thấy, bắt buộc phải ra ngoài, có màu sắc đấy."

Tôi: "Là khái niệm như thế nào?"

Cô: "Chính là màu sắc của mỗi ngày."

Tôi: "Cái này cô phải kể cụ thể, không như mấy tháng trước được."

Cô: "Ừm... tôi biết anh có ý tốt đến giúp tôi, ban đầu tôi không để ý đến anh không phải vì những câu hỏi của anh, mà vì anh là người họ (chỉ bố mẹ cô ấy) tìm đến. Nhưng tôi không bị bệnh, tôi rất bình thường, tôi chỉ không thích nói chuyện."

Tôi: "Ừm, tôi có thể hiểu, họ không hiểu cô nên mới cho rằng cô không bình thường, như vấn đề tivi hay việc cô thả hết cá đi chẳng hạn."

Cô ấy từng thả hết mấy con cá nhà nuôi vừa quý vừa đắt. Lý do không phải để phóng sinh mà khá phức tạp: Không giống nuôi chó nuôi mèo phải cho ăn cố định thời gian lại mất nhiều công sức, giờ nuôi cá đều tự động hết, tự động lọc nước, tự động thả đồ ăn, tự động cân bằng nhiệt độ, nếu có điện thì mấy tháng liền cũng không cần quan tâm đến chúng, cứ nhìn ngắm là được. Cô ấy cảm thấy cá quá đáng thương, đến những quan tâm nhỏ nhặt nhất cũng không có, chỉ để ngắm, vì vậy cô ấy thả hết chúng đi. Đó là điều cô ấy đã kể với tôi không lâu trước đây.

Cô: "Ừm, thật ra... việc tôi có thể nhìn thấy màu sắc của mỗi ngày tôi mới chỉ kể với bà nội, bà chẳng hề cho rằng tôi không bình thường, nhưng sau hôm này có thể anh sẽ cảm thấy tôi không bình thường đấy."

Tôi: "Ồ, chưa chắc, tôi không phải kẻ nhát gan, hơn nữa cũng từng gặp không ít người cổ quái kỳ lạ hiếm thấy. Nguyện vọng thứ ba của tôi là cô hãy giải thích về màu sắc của mỗi ngày, tôi sẽ không nuốt lời đâu."

Cô: "... Mỗi ngày vầo buổi sáng tôi đều ra ngoài, tôi sẽ nhìn thấy một màu sắc tràn ngập toàn bộ tầm nhìn, ví dụ đen, vàng, xanh lá, xanh biển... từ bé đã vậy rồi. Nếu là màu xám nhạt, ngày hôm đó sẽ rất nhạt nhẽo; nếu là màu vàng, ngày hôm đó sẽ có sự việc bất ngờ xảy ra, không phải việc xấu, cũng không phải việc tốt; nếu là màu xanh biển, ngày hôm đó chắc chắn có rất nhiều chuyện tốt lành xảy ra, vì vậy tôi thích màu xanh biển; nếu là màu đen sẽ xảy ra việc khiến tôi không vui."

Tôi: "Chuẩn vậy sao? Trước giờ chưa từng sai sót?"

Cô ấy cười: "Sai sót?... Chưa từng."

Tôi: "Hiểu rồi, cô đeo cái kính này để không phải nhìn thấy nữa đúng không?"

Cô: "Ừm, hồi học trung học tôi tình cờ phát hiện nếu đeo kiểu kính này sẽ không thấy màu sắc của ngày nữa, tôi cũng không biết vì sao."

Tôi: "Hình như vừa rồi cô không nhắc đến màu hồng? Đúng không?"

Cô ấy trở nên nghiêm túc: "Tôi không thích màu đó."

Trong phòng cô ấy không có vật gì màu hồng hay đỏ.

Tôi: "Vì sao?"

Cô: "Màu hồng là màu không tốt."

Tôi: "Ừ... cô có thể giải thích không?"

Cô: "Nếu là màu hồng, sẽ có người chết."

Tôi: "Người cô quen?"

Cô: "Không phải, có thể chỉ là tôi đọc được một vài tin tức .Người chết vì thiên tai đăng trên báo, trên mạng, hoặc không thì cũng là đồng nghiệp, bạn học báo với tôi người thân, bạn bè của họ vừa qua đời"

Tôi: "Hoá ra là như vậy... Hoá ra màu hồng là màu không tốt nhất..."

Cô: "Màu đỏ mới là không tốt nhất."

Tôi: "Ồ? Màu đỏ? Rất... rất không tốt sao?"

Cô: "Ừm."

Tôi: "Có thể ví dụ không? Nếu cô không muốn thì ta nói chuyện khác. Đúng rồi, có màu nào rất phức tạp cô không biết không?" Tôi không thể không thận trọng.

Cô: "Chính vì có màu tôi không biết, nên tôi mới học mỹ thuật...

Tôi chỉ từng nhìn thấy màu đỏ hai lần."

Tôi: "Đó là..."

Cô: "Một lần là hôm bà nội mất, một lần là hôm người bạn cấp ba rất thân với tôi mất."

Tôi: "Là như vậy à... Đúng rồi, cô nói tràn ngập là như kiểu mây mù à ?"

Cô: "Là hơi phát quang, trừ hai lần đó."

Tôi cảm thấy cô ấy muốn nói tiếp, nên không ngắt lời.

Cô ấy cắn môi do dự một lúc: "Ngày bà nội qua đời, sáng dậy tôi đã cảm thấy không thoải mái, tôi kéo rèm cửa sổ, sợ chết khiếp, tất cả đều là một màu đỏ máu, rất chói mắt. Tôi sợ tới mức trốn trong nhà không dám ra ngoài, đến tối thì nghe tin bà nội trong bệnh viện không ổn, mẹ dẫn tôi tới bệnh viện, tôi nhắm mát khóc mà đi, trên đường ngã mấy lần, chân rách cả da. Mẹ mắng tôi, nói tôi khôngh iểu chuyện... Đến bệnh viện, thấy trên người bà nội là ánh sáng màu xanh biển, nhưng xung quanh toàn màu đỏ máu, tôi không rời tay khỏi người bà, chỉ khóc... cũng vì sợ. Bà nội nói với tôi rất nhiều, bà nói màu sắc của mỗi ngày thật ra chỉ là màu sắc của mỗi ngày thôi, không đáng sợ. Bà còn nói bà cũng có thể nhìn thấy, vì vậy bà biết tôi không nói dối. Cuối cùng bà nói với tôi, mỗi ngày bà đều cảm thấy tự hào về tôi, vì tôi có cái người khác không có... Sau đó bà nói để lại màu xanh cho tôi, không mang đi, rồi một đám màu xanh in lên lòng bàn tay tôi... Mỗi lần tôi thấy vui, màu sắc đều rất sáng... Khi tôi buồn, màu sắc lại rất tối... Tôi biết bà tôi luôn bảo vệ tôi..."

Mắt cô ấy rơm rớm, nhìn lòng bàn tay phải của mình.

Tôi nín thở im lặng lắng nghe cô ấy, lắng nghe tiếng mưa bên ngoài cửa sổ.

Sau một lúc lâu, cơ thể cô ấy dần dần thả lỏng.

Cô ấy ngẩng đầu lên: "Cảm ơn anh."

Tôi: "Không, phải là tôi cảm ơn cô đã nói cho tôi biết bí mật của cô mới đúng."

Cô: "Sau này không còn là bí mật nữa rồi, tôi sẽ nói cho người khác biết nữa. Có điều, tôi vẫn sẽ đeo cái kính này, không phải vì sợ, mà bởi tôi không thích một số màu."

Tôi: "Vậy cứ đeo thôi... Tôi có màu không?"

Cô ấy nghĩ nghĩ rồi chỉ áo khoác của tôi: "Vậy phải xem anh mặc cái gì."

Chúng tôi cùng cười.

Coi như trao đổi công bằng, tôi cũng kể một số bí mật của mình, cô ấy cười rung cả người.

Thật ra người nhẹ nhõm lại chính là tôi. Tôi biết cô ấy đã gạt bỏ đi được thứ nặng nề nhất trong tâm hồn, tuy mới chỉ là bắt đầu.

Lúc chuẩn bị ra về, tôi dùng một cây bút màu xanh đổi lấy một bí mật của cô ấy: Cô ấy thích trời mưa, vì theo như cô ấy nhìn thấy mưa có màu xanh nhạt, mỗi giọt đều vậy.

Xuống dưới nhà, tôi ngẩng đầu lên, thấy cô ấy đang dựa cửa sổ ló nửa cái đầu ra, tay vẫy vẫy cây bút màu xanh.

Hình như tôi đã cười.

Đi trên đường, tôi gập ô lại, cứ để mình bị ướt.

Mưa rơi thầm lặng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro