Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngày còn ở Hạ gia, Hạ Vân đã được Hạ phụ nói qua thân thế và gia cảnh của phu gia tương lai mà y sắp đến. Giang gia cũng là một gia đình phúc hậu. Ở Giang Châu nhắc đến Giang gia không ai không biết.
Giang phụ Giang mẫu thường xuyên làm việc thiện tiếng lành đồn xa, được người dân truyền tụng là đại thiện nhân.
Một lần trùng hợp Giang gia phụ mẫu gặp được phu thê Hạ gia đang bị người truy đuổi, Hạ mẫu còn xém chút là sảy thai. Nhờ lần gặp gỡ này hai nhà liền kết làm bằng hữu. Giang mẫu và Hạ mẫu vừa gặp đã thân, trước khi chia tay còn định luôn hôn sự cho hai đứa trẻ, tính vật là đôi ngọc bội song ngư mà Giang phụ mang theo bên người.

Giang phụ tên gọi Giang Hải Long, là trưởng tử trong một gia đình có bốn huynh đệ. Bổn gia của Giang gia ở huyện Hoài Nghĩa, Tô Châu cách Phụng Dương, Giang Châu gần ba ngày đi đường. Sinh ý Giang gia chuyên về tơ lụa. Giang Hải Long là con trưởng lại giỏi kinh thương nhưng dù tài giỏi là vậy Giang Hải Long cũng là người đáng thương. Ông từ nhỏ đã không được lòng cha nương. Tính tình ông thẳng thắn không biết dua nịnh lấy lòng như những đệ đệ trong nhà vì vậy so với các đệ đệ của mình Giang Hải Long có phần thua thiệt. Một mình ông chạy ngược chạy xuôi khắp đại giang nam bắc tìm kiếm nguồn hàng, trao đổi giao thương, còn các đệ đệ của ông chỉ việc mỗi ngày ra cửa hàng nhìn vài cái là xong. Vậy nhưng, xảy ra chuyện gì người chịu quở mắng là ông, kinh doanh phát triển người được khen thưởng chưa bao giờ có ông. Giang Hải Long đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng.

Dù vậy Giang Hải Long lại là một người hiếu thuận cha nương, thương yêu huynh đệ. Dù nhận về thua thiệt cũng chưa từng oán trách một lời.

Lần duy nhất ông trái lời nương chính là vì việc chung thân đại sự của mình.

Năm Giang Hải Long hai mươi tuổi, nương ông muốn ông lấy cháu gái của bà con gái của cữu cữu Giang Hải Long làm vợ. Giang Hải Long trước nay là đứa con có hiếu luôn nghe lời cha nương chỉ có chuyện này là ông kiên quyết từ chối. Giang Hải Long một lòng muốn cưới nữ nhi của Đào Gia Bảo, Đào Thục Anh.

Đào Gia Bảo là tiêu cục danh tiếng bậc nhất ở lục châu, nam quận, Đào gia ở Huyện Hoài An cách Hoài Nghĩa cũng chỉ nữa ngày đường. Hàng hóa của Giang gia mỗi lần vào nam ra bắc đều do tiêu cục của họ áp tải, Giang gia đối với họ có phần nể nang.

Giang Hải Long vì thường xuyên chạy thương mà quen thân với huynh đệ Đào gia. Một lần đến Đào gia làm khách ông gặp gỡ Đào tiểu thư. Hai người vừa gặp đã phải lòng nhau, Đào gia cũng xem trọng nam nhân tài giỏi như Giang Hải Long. Hai bên lại thường xuyên giao thương, Đào lão gia cũng có ý chọn Giang Hải Long làm hiền tế. Đào lão gia chỉ có một nữ nhi duy nhất dĩ nhiên phải chọn người hiền đức cho con.

Giang phu nhân ban đầu không đồng ý, so với một người ngoài bà dĩ nhiên thiên vị cháu gái hơn, bà biết bản thân mình thiên vị những đứa con khác nên lo lắng Giang Hải Long sau khi thành thân sẽ ly tâm với mình, nên mới muốn để cháu gái đến kềm chế Giang Hải Long. Nào ngờ Giang Hải Long thế mà lại một hai không thỏa hiệp làm bà không khỏi tức giận. Bà đem chuyện này nói với trượng phu không ngờ Giang lão gia nghe xong lại đồng ý bà cũng không tiện phản đối nữa.

Giang lão gia là người biết nhìn xa trong rộng, kết thông gia với Đào gia đối với với việc làm ăn sau này của Giang gia trăm lợi mà không một hại. Vừa hay ông cũng đang có ý định này,  Giang Hải Long vừa đề cập đến Giang lão gia liền đáp ứng ngay. Giang Hải Long được như ý nguyện cưới người trong lòng càng thêm ra sức vì gia đình mà bương chảy.

Khắp phố lớn ngõ nhỏ Tô Châu còn vì hỉ sự này mà bàn tán xôn xao. Nhà nhà người người đều ngóng xem hôn lễ hoành tráng này. Giang Hải Long là nhân tài kinh thương, Đào Thục Anh là mỹ nhân dịu dàng, tài hoa, hai bên trai tài gái sắc khiến nhà nhà người người tranh nhau hóng hớt.

Ai biết Đào Thục Anh ngày đầu làm dâu đã nhận lấy cái nhìn khinh rẻ của bà bà, lúc dâng trà còn phải quỳ gần một nén hương để nghe giáo huấn. Giang lão gia là người bận rộn vừa xong kính trà liền gọi Giang Hải Long đi bàn chuyện để lại Đào Thục Anh một mình cam chịu. Nói ra cũng thật ra nực cười Giang phu nhân cho rằng nữ nhân quá đẹp đều là loại lẳng lơ không đoan chính. Không thì một khuê nữ danh môn sao có thể xuất đầu lộ diện để câu dẫn nhi tử của bà, còn làm cho đứa con trai luôn ngoan ngoãn nghe lời chống đối lại nương của mình nhất quyết rước người vào cửa chứ?

Vì đã có thành kiến từ trước bà ta đối với Đào Thục Anh làm khó đủ đường, thường xuyên chỉ cây dâu mắng cây hòe, làm sao cũng thấy nàng không vừa mắt. Cho dù nàng có hầu hạ bà tốt đến đâu, có nhẫn nhịn như thế nào cũng không làm bà hài lòng. Lúc có mặt phu quân cùng nhi tử thì một dáng vẻ mẹ chồng thấu hiểu vừa khuất bóng con trai lời cay nghiệt gì cũng nói ra. Đào Thục Anh thời gian đó đều là lấy nước mắt rửa mặt.

Không lâu sau, Giang phu nhân lại để nhị nhi tử cưới cháu gái Chu Uyên vào cửa. Nàng ta cũng theo cô mẫu của mình bắt nạt Đào Thục Anh. Nàng ta luôn cho rằng Đào Thục Anh đã cướp mất vị trí của mình. Chu Uyên từ nhỏ đã thích Giang Hải Long một lòng muốn gả cho ông. Cha nương và cô mẫu cũng hứa chắc khi nàng ta lớn lên sẽ được gả vào Giang gia làm đại thiếu phu nhân. Lúc ước nguyện sắp thành lại nhảy ra một Đào Thục Anh nàng ta không tức, không hận mới là lạ.

Một bên là mẹ chồng cay nghiệt, một bên là em dâu ghen tức ngày tháng ở Giang gia của Đào Thục Anh khổ không sao tả xiết.

Dù chịu uất ức là thế nàng cũng chưa từng kể khổ một lời nào với trượng phu, chỉ biết cắn răng chịu đựng. Nàng sao mà không nhìn ra, phu quân ở trong nhà cũng có bao nhiêu gian nan. Nàng không muốn Giang Hải Long thêm lo nghĩ. Trong thâm tâm của nàng luôn nghĩ, chỉ cần nàng một lòng hiếu thuận cha mẹ chồng đến một ngày nào đó mẹ chồng nàng chắc chắn sẽ nhận ra tấm lòng của nàng. Ai biết, nàng mỗi ngày dốc tâm dốc sức cũng chỉ nhận về sự khinh miệt, hắt hủi.

Khi nàng mang thai, Giang Hải Long phải đi chạy thương ở xa, không thể kề cận chăm sóc cho nàng, trước lúc đi còn nhờ nương thay ông chiếu cố thê tử. Giang phu nhân ngoài mặt vui vẻ đồng ý, người vừa đi liền sai người đem Đào Thục Anh giam lỏng trong viện của mình, ngoài tỳ nữ hồi môn tiểu Đào ra không cho phép ai đến phụ giúp chăm nôm. Bởi vì cùng lúc đó Chu Uyên cũng mang thai, cả Giang phủ đều tập trung vào nàng ta, không ai rảnh rỗi để ý Đào Thục Anh.

Đợi đến khi Giang Hải Long phong trần mệt mỏi trở về nhìn thấy thê tử tiều tụy, trong viện trừ nha hoàn hồi môn của nàng không có lấy một người sai vặt nào khác. Cơm lạnh canh nguội so với thức ăn của hạ nhân trong nhà còn kém hơn nhất thời tức giận vô cùng.

Ông chạy đến tìm nương mình chất vấn.
Giang phu nhân không những không cảm thấy mình làm sai mà còn  thản nhiên nói, năm nay Đào Thục Anh khắc tuổi bà ta, còn xung khắc với cả cái thai của Chu Uyên nên không cho phép nàng ra khỏi viện.

Giang Hải Long đã quen với việc nương bất công lại không nghĩ đến mức này. Ông bật cười chua chát, bản thân là trưởng tử so với các đệ đệ không được yêu thương ông chấp nhận nhưng thê tử của ông là trưởng tức lại vì một câu xung khắc với đệ muội mà bị giam lỏng, bị bỏ mặc trong khi đang mang thai thì bất nhẫn vô cùng.

Giang lão gia hoàn toàn không để ý đến những chuyện này mặc phu nhân của mình muốn làm gì thì làm.

Nếu Giang phu nhân chỉ cấm túc Đào Thục Anh không cho ra khỏi cửa viện thôi thì không nói đằng này, trong viện đến một người hầu cũng không có, còn không cho phép lấy thức ăn từ trù phòng. Đào Thục Anh thai nghén, muốn ăn chút mức quả đồ bổ đều phải để nha hoàn dùng tiền riêng mua. Đôi khi tiểu Đào vừa mua đồ về đến cổng đã bị người lấy mất. Đào Thục Anh chỉ có thể cắn răng chịu đựng chờ đến khi Giang Hải Long trở về.
May mắn đứa nhỏ có vẻ rất ngoan không đến nỗi hành nàng như những thai phụ khác.

Giang Hải Long lần đầu tiên tức giận như vậy. Ông cảm thấy nương mình thật quá đáng. Ông vất vả chạy ngược chạy xuôi để lo việc làm ăn cho gia đình, bình thường cha nương bất công với mình thì thôi đi đằng này đối với vợ con ông lại tàn nhẫn như vậy. Giang Hải Long lúc này hoàn toàn thất vọng với cha nương của mình. 

Sau cùng vì không muốn để thê tử chịu cảnh bị mẹ chồng, em dâu chèn ép, áp bức Giang Hải Long tìm đến Giang lão gia xin phân gia, còn quyết định sẽ ra đi với hai bàn tay trắng. Thà rằng chịu tiếng bất hiếu chứ không thể để thê tử của mình chịu ủy khuất thêm nữa.

Giang lão gia làm sao lại không biết phu nhân nhà mình đối xử bất công với dâu trưởng, chỉ là ông không xem chuyện đó có gì quá đáng. Trước nay, Giang Hải Long là đứa con ông hài lòng nhất cũng bất công nhất, vì ông biết đứa con này có bao nhiêu hiếu thuận, nói gì nghe nấy, lại chịu thương chịu khó. Trong lòng ông không hề có ý định để Giang Hải Long phân gia lúc này, nhưng cũng không có ý định để ông lên làm chủ gia đình.

Giang lão gia cho rằng việc mẹ chồng nàng dâu là chuyện thường tình, lẽ ra Đào Thục Anh không nên đem chuyện này nói với Giang Hải Long, trong lòng đối với đứa con dâu này rất không vừa lòng.

Giang Hải Long vốn tưởng cha ông ít ra cũng là người thấu tình đạt lý, ngờ đâu lại nghe được cha mình đối với thê tử lại có ý trách mắng nói nàng không hiểu lễ nghĩa gây xào xáo gia đình, còn nói cái gì mà thê tử không có người này thì có thể cưới người khác, sự nghiệp Giang gia sau này đều sẽ giao cho ông, vì một tiện phụ mà bất hiếu với cha nương người thiệt thòi sẽ là ông, sau này tài sản Giang gia sẽ không chia cho ông dù chỉ một đồng. Hơn nữa làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hai bên Giang gia và Đào gia đối với việc làm ăn trong nhà sẽ bất lợi.

Giang Hải Long càng nghe càng thấy châm chọc. Nếu biết nghĩ đến quan hệ của hai nhà sẽ xấu đi sao còn đối với thê tử của ông tệ bạc như vậy? Vừa muốn thê tử ông chịu bị chèn ép vừa muốn giữ gìn quan hệ với Đào gia mới  buồn cười làm sao.

Giang Hải Long làm sao không nhìn ra, cha ông chỉ muốn ông làm trâu làm ngựa cho nhà mình, nếu thật sự muốn giao quyền cho ông thì đã giao từ lâu rồi. Sở dĩ ông cố gắng chạy ngược chạy xuôi là vì muốn tận hiếu. Nay đã đến cớ sự này, ông cũng nên buông tay thôi. 

Đào Thục Anh thấy phu quân một mực vì mình trong lòng cảm động, thầm nghĩ mình không chọn sai người. Tuy không muốn tướng công mang tội danh bất hiếu nhưng nàng quả thật đã không còn sức chịu đựng nữa rồi. Sau một hồi đấu tranh kiên quyết cuối cùng cả hai như nguyện, tay trắng phân gia dắt dìu nhau rời đi. Đào Thục Anh đem toàn bộ của hồi môn bán hết cộng thêm sự trợ giúp của Đào gia cùng Giang Hải Long chuyển đến huyện Phụng Dương bắt đầu cuộc sống mới.

Chuyện Giang Hải Long tay trắng phân gia chẳng mấy chốc truyền khắp huyện Hoài Nghĩa. Ai mà không biết Giang gia phụ mẫu bất công con trưởng, nay nháo đến độ phân gia đa số người dân đều cho rằng là Giang Hải Long bị ép đến đường cùng. Cũng có một số người chỉ trích ông bất hiếu đến khi nhìn thấy Giang Hải Long mang theo thê tử đang mang thai mà gầy yếu tiều tụy đến phát hoảng mới ngâm miệng. Phu thê hai người cũng không để ý đến lời đồn gì đó, nhanh chóng bán hết tất cả cửa tiệm điền trang hồi môn của Đào Thục Anh rồi lên đường đến Giang Châu.

Huyện Phụng Dương là quê ngoại của Đào Thục Anh, trước khi hai người lên đường bên kia đã có thân thích giúp tìm kiếm nơi ăn chốn ở đâu ra đó cả rồi. Cùng với sự giúp đỡ của Đào gia và tài năng của Giang Hải Long qua mấy năm đã tao dựng cho mình một chỗ đứng vững chắc.

Cẩn tắc vô áy náy, vì tránh xung đột với bổn gia Giang Hải Long không làm sinh ý về tơ lụa nữa mà chuyển sang kinh doanh trang sức ngọc khí và đồ dùng cho nữ tử ca nhi, trước đây khi chạy thương xuôi ngược ông cũng tiếp xúc qua không ít thương nhân trong lĩnh vực này, nên cũng dễ dàng mà tìm được nguồn hàng chất lượng.  Quyết định đến Giang Châu cũng vì không muốn ở gần bổn gia, không muốn thấy cảnh thêm buồn, càng không muốn đụng mặt những người được gọi là huynh đệ kia.

Giang gia mất đi trụ cột, việc làm ăn về sau cũng chỉ dừng lại ở những gì mà Giang Hải Long đã tạo dựng được chứ không phát triển thêm nữa. Lúc này các đệ đệ của Giang Hải Long mới biết việc làm ăn không dễ như họ tưởng. Không có Giang Hải Long bọn họ chỉ là những con ếch ngồi đáy giếng. Nếu không phải Giang lão gia vẫn còn minh mẫn e rằng Giang gia đã sớm không trụ nổi. Dù vậy, trên dưới Giang gia không ai cảm thấy mình có lỗi mà đem mọi chuyện đổ hết lên người Đào Thục Anh.

Trái ngược với bổn gia, phu thê Giang Hải Long ở Phụng Dương làm ăn ngày càng càng phát triển, phân điếm mở rộng ở khắp các châu huyện, trở thành phú thương một vùng. Chỉ là tuyệt nhiên không có một cửa tiệm nào của Giang Hải Long mở ra ở huyện Hoài Nghĩa.

Những tưởng những ngày tháng sau này sẽ êm ấm bên thê nhi. Ngờ đâu biến cố lại ập đến khiến Giang gia từ một gia đình hạnh phúc qua một đêm liền ngập tràn tan thương đau khổ.

Năm đó phu thê Giang Hải Long rời khỏi Giang gia đến Phụng Dương lập nghiệp. Không lâu sau, Đào Thục Anh hạ sinh một nam hài. Tiểu hán tử mập mạp khỏe mạnh được Giang Hải Long đặt tên là Giang Thành Hạo. Giang đại công tử hoạt bát thông minh mới ba tuổi đã biết đọc sách, sáu tuổi đã biết phụ cha tính toán sổ sách, tương lai nối nghiệp gia đình. Không ai là không hâm mộ Giang gia có phúc.

Ai biết vào năm hắn mười tuổi, theo cha nương đi chúc thọ nội tổ phụ, lại đột nhiên lâm bệnh cả người nóng sốt, phát ban.

Năm nay, bổn gia muốn tổ chức tiệc mừng thọ Giang lão gia, bắt buộc con cháu đều phải có mặt. Đào Thục Anh đã mang thai tám tháng, thân mình nặng nề cũng phải bôn ba về theo.

Giang Thành Hạo phát sốt, lúc đầu mọi người đều cho rằng là do đường xa mệt nhọc, hơn nữa lúc này ai ai cũng bận rộn, lại thêm Giang phu nhân không thích một nhà con trưởng  nên không ai quan tâm đến bệnh tình của đứa nhỏ. Đại phu được mời đến cũng chỉ khám qua loa. Sau khi bắt mạch liền nói Giang Thành Hạo chỉ nhiễm phong hàn, uống vài thang thuốc sẽ không có việc gì.

Ai ngờ, Giang Thành Hạo uống thuốc liên tục ba bốn ngày vẫn không hạ sốt, trên người khắp nơi đều là mẫn đỏ, không ai dám đến gần vì sợ bị lây bệnh. Đào Thục Anh thai lớn nặng nề, hơn nữa không biết có phải vì nàng mang thai khi đã lớn tuổi hay không mà thời gian gần đây luôn cảm thấy mệt nhọc, nay lại vì lo lắng quá độ cũng đổ bệnh theo con. Giang Hải Long gấp không chờ được, nhờ người mời đại phu lần nữa cũng chẳng khá hơn là bao.

Giang gia trong lúc này vậy mà lại truyền ra lời đồn nói hai mẫu tử họ sớm không bệnh muộn không bệnh lại vào ngày mừng thọ của Giang lão gia liền đỗ bệnh, không biết có phải bị bệnh nặng thật không hay định gieo tiếng xấu cho Giang gia.

Còn có người nói đại thiếu phu nhân và tiểu thiếu gia mang theo xui xẻo đến bổn gia ngay lúc lễ mừng thọ này khác nào mang điềm xấu đến cho lão gia.

Trên dưới trong ngoài đều là lời nói khó nghe. Nói giống như mẫu tử Giang Thành Hạo là tội nhân của Giang gia vậy.

Nhị lão Giang gia càng nghe càng khó chịu, đứa con dâu này từ khi vào nhà trước thì làm đại nhi tử ly tâm với cha nương, nay lại đem đến xui xẻo. Ai biết nàng ta có đem đến bệnh truyền nhiễm gì đó hay không lỡ lây sang họ thì nguy.
Giang Thành Hạo tuy là đích tôn cũng là cháu trai duy nhất trong nhà nhưng Giang Hải Long đã phân gia, đối với bổn gia đã không còn liên quan. Dưới sự xúi giục của người trong nhà, phu thê hai người liền mang cả nhà con trưởng đuổi đi.

Giang Hải Long không thể tin được cha nương cùng các đệ đệ lại nhẫn tâm với mình đến thế. Nhìn thê nhi thân mang bệnh nặng lại phải lưu lạc bên ngoài. Đường trở về nhà xa xôi cách trở làm sao mà chịu được. Giang Hải Long lúc này đã triệt để chết tâm với bổn gia rồi.

Cùng đường Giang Hải Long mang theo vợ con đến nhà nhạc phụ xin giúp đỡ. Đào lão gia tử trong lòng phẫn nộ nhưng tánh mạng nữ nhi và ngoại tôn vẫn là quan trọng. Ông lập tức cho mời đại phu đến xem, cũng khuyên nhủ Giang Hải Long bình tĩnh lại.

Vị đại phu nọ xem xong liền lắc đầu ái ngại.

Đào lão gia bệnh của tiểu thư là do lo lắng quá độ, khí huyết hư nhược. Tiểu thư lại đang mang thai nếu không tỉnh dưỡng tốt thì e rằng khó giữ được thai nhi mà bản thân tiểu thư cũng lưu lại mầm bệnh.

Còn về tiểu thiếu gia. Vị đại phu nọ thở dài.

Bệnh tình của tiểu thiếu gia thoạt nhìn giống như phong hàn nhưng  mạch tượng của cậu ấy vô cùng loạn, kinh mạch đảo lộn, ngũ tạng suy yếu.
Lão không dám đoán bừa nhưng thứ lão phu nói thẳng, bệnh tình của tiểu thiếu gia đến nước này đã không có cách nào chữa trị.

Nếu ngay từ đầu được điều trị tốt có lẽ sẽ không đến nỗi như bây giờ. Lão phu y thuật kém cỏi cũng đành bó tay.
Lời phán ra như sấm sét giữa trời quang.

Giang Hải Long hoàn toàn suy sụp. Trách ông, trách ông không nên mang theo thê nhi trở về bổn gia, nếu không vợ con ông sẽ không rơi vào kết cục này. Năm nay bổn gia gửi thư đến nói phải làm mừng thọ cho cha ông mặc dù Giang lão gia chỉ mới ngoài năm mươi, vì vậy mà ông phải mang theo thê tử đang mang thai và đại nhi tử cùng nhau trở về. Ai biết bổn gia vốn dĩ không chào đón gia đình ông. Giang Hải Long hối hận rồi đáng tiếc đã không còn kịp nữa.

Đào lão gia cũng bị tin tức này làm cho kinh sợ. Khi thấy con rể đau khổ tự trách ông cũng chỉ biết thở dài khuyên nhủ. Thục Anh đang mang thai, không thể quá xúc động tạm thời vẫn nên giấu nàng, con cũng đừng tự trách mình nữa, có trách thì trách lòng người hiểm ác.

Tạm thời các con cứ ở lại đây, ta sẽ bảo Dực nhi cùng Tiềm nhi đi mời các danh y ở khắp nơi, chắc chắn sẽ có người y thuật cao minh chữa trị được cho đứa nhỏ mà.

Giang Hải Long cũng biết hiện giờ ông phải thật vững vàng để làm cho dựa cho thê nhi. Đào Thục Anh đã có nương và đệ muội chăm sóc, còn Giang Hải Long thì ngày đêm túc trực bên giường của nhi tử.

Đào gia sau đó liên tục mời đến không biết bao nhiêu đại phu ở khắp huyện Hoài An. Tất cả các vị đại phu được mời đến đều lắc đầu rời đi.

Linh cảm của một người mẹ, Đào Thục Anh làm sao không hoài nghi.

Sau đó không lâu, Đào Dực tìm được một vị thần y ở một thành trấn nhỏ. Vị thần y này miễn cưỡng giữ được tánh mạng của Giang Thành Hạo nhưng lại nói hắn sẽ không thể sống quá hai mươi lăm tuổi.

Lúc vị thần y kia nói chuyện Đào Thục Anh ở ngoài cửa nghe được tin dữ liền ngất đi. Sức khỏe nàng đã yếu cộng thêm cú sốc vừa rồi nên chuyển dạ sinh non. May mắn vị thần y kia ra tay cứu giúp. Trải qua thập tử nhất sinh Đào Thục Anh  khó khăn hạ sinh một tiểu hán tử. Đứa trẻ sinh ra vừa nhỏ vừa yếu, tiếng khóc nhỏ như tiếng mèo kêu sợ rằng rất khó để nuôi dưỡng, Đào Thục Anh thì tổn thương thân mình. Quá nhiều biến cố xảy ra. Giang Hải Long sau một đêm bạc trắng cả đầu.

Nói gì thì nói Giang Hải Long cũng phải gắng gượng mà chăm sóc cho vợ con. Kể từ ngày đó Giang Hải Long không còn trở lại Giang gia thêm một lần nào nữa. Làm con, ông theo lễ hàng năm gửi quà về bổn gia đã xem như tròn bổn phận rồi.

Trở lại huyện Phụng Dương, ngoài việc tiếp tục việc làm ăn để duy trì Giang gia, chuyện mà Giang Hải Long bận tâm nhất là tìm kiếm danh y khắp nơi hy vọng một ngày nào đó sẽ có kỳ tích xảy ra.

Mười năm trôi qua, vẫn chưa có vị danh y nào làm được. Vì mong muốn nhi tử có người kế tục Giang Hải Long đành tìm đến Hạ gia nhắc lại chuyện hôn ước trước kia.

Chuyện nhi tử khổ mệnh của ông đã lan truyền từ lâu thật lòng Giang Hải Long cũng không muốn làm lỡ cả đời của con nhà người ta nhưng là người làm cha ông lại thiên vị con mình hết thải.

Mấy năm qua bổn gia cũng bắt đầu đầu xuất hiện tranh đấu giữa các huynh đệ với nhau. Đào Dực mỗi lần đến thăm đều sẽ nói đến một chút. Giang Hải Long không mấy quan tâm, với ông bổn gia từ lâu đã không còn liên quan gì. Ngẫu nhiên nhắc tới cũng chỉ vậy mà thôi.

Hạ gia sau khi nhận được tin, cũng rơi vào rối rắm. Nếu không gả con sẽ mang tiếng là bội ước với chính ân nhân của mình. Còn bằng nhận lời sẽ làm lỡ dở cuộc đời của nữ nhi. Làm gì có cha mẹ nào lại muốn đẩy con mình vào hố lửa.

Trăm tính ngàn tính, mới phải ra hạ sách tìm người thế thân này. Hạ Vân lúc nghe được câu chuyện chẳng những không hề tức giận vì mình là người thay thế mà còn cảm thương cho tấm lòng phụ mẫu. Thì ra trên đời này không phải chỉ có y là khổ. Người nghèo có nổi khổ của người nghèo. Người giàu có khổ của người giàu. Không ai tránh khỏi hai chữ số phận.
Y hận gia gia bất công tàn nhẫn. Hận nhị thúc nham hiểm độc ác. Hận Lý gia xem y như món hàng. Nhưng trên đời này đâu đâu mà không có bất công. Nghèo khó như Lý gia hay giàu có như Giang gia đều như nhau không phải sao? Cha y là con trưởng so với Giang phụ có khác nhau là bao. Cũng đều vì gia đình chạy ngược chạy xuôi vợ con đều chịu cảnh bị chèn ép khinh rẻ. Cha nương y thì mất sớm. Con trai Giang gia thì bệnh tật quấn thân. Còn đám người chẳng ra gì lại nhởn nhơ mà sống, cũng chỉ vì bất công mà ra.

Hạ Vân lúc đó có một suy nghĩ, hy sinh mình y mà có thể vẹn toàn được cả hai nhà, thật ra cũng đáng giá đó chứ?

Có người từng nói với y, số của y phải trải qua một hồi khúc chiết. Nếu đã là ý trời vậy thì y cũng vui lòng mà chấp nhận. Trời cao có mắt sẽ không để người tốt chịu thiệt thòi mãi đâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro