Chương 1: Lúa còn chín, người Ly Nguyệt còn sống

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đạt Đạt Lợi Á hạ phàm đúng vào mùa bách hợp lưu ly nở đẹp nhất.

Năm cánh hoa biêng biếc như nước hồ mùa thu bung xòe ra, khoe sắc vàng ươm của đầu nhụy, bọc quanh bằng những lá đài con con trắng muốt. Nếu như loài nghê thường đỏ thắm chiếm thế bằng vẻ mong manh mềm mại tựa mây hồng, thì bách hợp lưu ly lại đem đến hương thơm cổ kính được ấp iu trong hàng nghìn năm lịch sử dài như núi Thiên Hoành. Từng có một lời đồn đại, nếu như ngồi xuống bên một đóa bách hợp lưu ly, thành tâm hát lên cho nó một khúc nhạc, đóa hoa sẽ tỏa ra thứ hương thơm nồng đượm, chất chứa bên trong là những ký ức xưa cũ thuộc về vùng đất Ly Nguyệt. Đất nước trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đi lên từ biết bao truân chuyên khổ nhọc, cuối cùng cũng có được ngày hôm nay. Hễ rỗi rãi Chung Ly sẽ lại đến Khinh Sách Trang, cùng đất trời hoài lại những ngày tháng nhọc nhằn, ngắm nhìn những đóa hoa ấy vươn mình lên biểu trưng cho vẻ đẹp của lịch sử sớm tối rồi sẽ hao mòn mai một, cũng giống như con người ta dần quên đi gốc cội của mình. Có chăng khi bách hợp lưu ly còn đương rộ, ngài sẽ trở thành một luồng gió mới đưa hương thơm ấy đến bốn phương trời lục địa, thay cha làm rạng danh đất nước?

- Nhà ngươi cũng thật có thời gian, lại còn đưa ta đi thăm thú cảnh vật như thế này.

Chung Ly ngồi bên bàn trà trúc, tí tách châm trà vào chén của chiến thần đang ngạo nghễ vắt chéo chân ở phía đối diện, sau đó mới rót vào chén mình. Ngài kề sát chén trà bên môi, cảm nhận mùi hương thanh thoát của trà nóng đang vờn quanh chóp mũi. Khẽ khàng uống một ngụm, ngài để cho tư vị ấm áp ngập đong đầy trong khoang miệng mình; khi nuốt xuống rồi lại cảm thấy như uể oải nhoài người của những ngày tháng qua đã bị trà cuốn trôi đi nhẹ hẫng. Chung Ly của bây giờ cởi đi áo bào mũ mão lộng lẫy, chỉ khoác lên mình một bộ quần áo của người làm nông đơn giản, trong thời khắc an nhàn này cũng ung dung cởi bỏ thân phận hoàng đế cao cao tại thượng, trở về với bản thân ngài đơn sơ và giản dị nhất: một người con của đất mẹ Ly Nguyệt như hàng triệu thần dân ngài trị vì. Rồi trong một phút chốc thư thái tưởng chừng đã quên mất đi những bộn bề vướng bận, ngài nhớ về cha.

Từ những ngày tấm bé, Chung Ly đã hiểu được vương vị khổ nhọc như thế nào qua bóng dáng tất bật của phụ thân. Dẫu rằng khác thân khác phận, nhưng con tim của người đập lên cùng một nhịp với người dân của Ly Nguyệt; những nông dân thương lái tất tả từ chập sáng khi trời còn chưa rạng, người cũng cùng họ mệt nhoài bằng vô vàn văn kiện đến tận khi Ngật Hổ Nham đã lên đèn. Dân chúng hãy còn vất vả, người làm sao nỡ lòng mà tận hưởng sự an nhiên mà sa vào lầm lạc? Chung Ly hiểu chứ, người là cha của mình, nhưng không chỉ thế, người là ngọn đèn sáng nhất ngoài khơi Vân Lai Hải, là cây trúc vững chãi cao lớn nhất Khinh Sách Trang; người là cha của mình, nhưng trách nhiệm với đất nước đối với người hãy còn cao cả hơn thứ tình phụ tử, hơn tất thảy mọi điều trên thế gian. Vì người trót gọi đất Ly Nguyệt là mẹ, trót gọi biển Vân Lai là cha, dùng hai tiếng gia đình để gọi tên những người anh em tự tứ xứ chẳng chung dòng máu, sống vì Ly Nguyệt, sống cho Ly Nguyệt.

Chín năm trước, khi triều đại Uy Nhuy vẫn còn chưa đánh dấu bước mở đầu, Snezhnaya từ phương Bắc tràn vào Ly Nguyệt.

Từ lâu đã biết, nền kinh tế của Ly Nguyệt lớn mạnh vang danh khắp đại lục, cửa khẩu mỗi ngày vẫy gió gọi buồm mời gọi thương nhân từ phương xa cập bến; tuy vậy khi nói đến nền công nghệ tân tiến hiện đại, Snezhnaya lại có mấy phần nhỉnh hơn. Ở phương Bắc khí hậu khắc nghiệt, đất đai lại cằn cỗi khô hanh làm gây cản trở canh tác, kinh tế chỉ có thể cậy trông vào ngành sản xuất vũ khí mà đi lên. Trái ngược với dị quốc giá băng ấy, Ly Nguyệt ở phía đông lại hưởng được phúc phần từ thần minh, nông nghiệp lẫn khoáng sản chẳng mất bao lâu đã bước lên bậc thềm thịnh vượng hoàng kim. Hai nền kinh tế đối lập đụng độ nhau, lại bị lòng tham che mờ mắt, Snezhnaya lựa chọn đặt bước chân kiêu hãnh lên trước, lấy thế mạnh là vũ trang làm nòng súng mà hung hãn tiến vào phía Bắc Ly Nguyệt, nổ phát đạn đầu tiên, ngạo nghễ tuyên thệ một cuộc xâm lăng không khoan nhượng đã chính thức khởi đầu. Mùa xuân năm Kiểu Khiết thứ ba mươi tư, trong dòng chảy hân hoan rộn ràng mà Tết Hải đăng dịu dàng trút xuống vạn vật, hơn ba nghìn quân Snezhnaya ồ ạt tiến vào Hổ Lao Sơn theo đường thủy, dùng khói đạn ám lên bầu không khí đương nhộn nhịp vui tươi. Bị đánh úp như vậy, phía Ly Nguyệt chẳng cách nào kịp trở tay, đành trơ mắt nhìn đồn điền ở khu vực hạ lưu bị địch bắn hạ.

Chung Ly năm đó vừa chạm ngưỡng hai mươi tuổi, đã từ lâu bước qua cái tuổi dậy thì, sớm không còn ngây ngốc dại khờ được nữa, nhưng hễ trông ra thế sự đảo điên ấy, cảm giác bất lực lại xâm chiếm thân thể và trí óc ngài, khiến Chung Ly cảm thấy mình vẫn thật khù khờ mù mịt tựa hồ một đứa trẻ lên năm không hiểu được ngoài kia thế giới có những gì. Ngài chỉ có thể mò mẫm đoán được tình hình chiến sự qua nét mặt lúc rạng rỡ lúc tiều tụy âu lo của vua cha, qua điệu cười hay tiếng thở dài nề não của các quan lại. Quả thật, Chung Ly không phải một kẻ đủ lỗi lạc để kế vị vua cha ngồi lên ngai vàng, càng không thể thay người lèo lái từng bước đi của Ly Nguyệt; thế thái nhân tình, ngài không nắm rõ được trong lòng bàn tay, vốn liếng trên người ngoài tư chất tầm thường chỉ có được bản tính chính trực cương nghị thường ngày. Chính bởi sự kém cỏi ấy của mình mà đến tận giờ phút này, ngài vẫn luôn ngờ vực, liệu ngày ấy phụ thân đã sai lầm khi để lại vương vị cho ngài.

Một năm sau phát súng đầu ở Hổ Lao Sơn, gần như toàn bộ mảnh đất của Ly Nguyệt đã nằm gọn trong tay của Snezhnaya. Bức tường cuối cùng còn chưa sụp đổ là doanh trại ở ngoại ô Li Sa và cảng Ly Nguyệt. Binh lính bỏ mạng vì công cuộc vệ quốc sớm đã lên tới con số hàng nghìn, thương vong không kể xiết. Ly Nguyệt hoàn toàn bị nhấn chìm trong màu máu thịt. Tai ương ập xuống khiến con người ta phải thở ra nặc nồng mùi khói, kê đầu ngủ bằng tiếng ho ran rát cả lồng ngực, hàng nghìn đứa trẻ con mất mẹ phải an giấc bằng âm thanh pháo nổ đùng đoàng ở phía xa. Chung Ly không ngon giấc được khi con dân ngoài kia hãy còn cất tiếng khóc thê lương, nhưng còn có ánh đèn chong từ phòng của vua cha, nguyện cùng ngài và hàng vạn người dân thao thức...

- Chung Ly, con hãy thề với ta, dẫu cho con tan xương nát thịt, dẫu cho con phải hóa kiếp tro tàn, nước Khinh Sách vẫn còn phải chảy, núi Thiên Hoành vĩnh viễn kiêu hãnh hiên ngang. Dù kẻ địch có là bão tố của thành Mond, là băng giá của Snezhnaya, hay là biển lửa bập bùng xứ Natlan muốn thiêu rụi ý chí trong con, con không bao giờ được quy hàng.

Ngầy ngật ngồi bên giường bệnh của phụ thân vào một ngày mùa đông sương giăng đầy cửa sổ, Chung Ly lắng nghe người dò dặn những lời mà ngài biết là cuối cùng. Nhưng ngài không có gan nào để đáp, ngài im lặng hòng kéo thật dài giây phút này trong tâm tưởng, để ngài được ở bên cha thật lâu nữa, để ngài được phòng vệ chút ngây ngô cuối cùng của tuổi hai mươi trước khi ngài phải tiễn biệt hai từ "thái tử", chính tức ngồi lên vương vị vua cha đã định sẵn cho ngài.

- Ta chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ hối hận. Con có biết vì sao không, Chung Ly? Trước ngày con sinh ra, đã có một bà thầy mách với ta, rằng đứa trẻ này mai đây sẽ đích thân dùng hai bàn tay thay đổi thế cục của Ly Nguyệt, trả lại bình yên về cho những người xứng đáng có được nó và hất tung đi mũi súng của những kẻ ngoại xâm. Từ thời trẻ ta đã sớm bỏ ngoài tai những lời dị đoan mê tín, nhưng nhìn vẻ mặt bình thản điềm nhiên của con vào giây phút lọt lòng, ta biết bà thầy nói đúng. Kể từ đó, ta đã giao phó vận mệnh của Ly Nguyệt cho con. Ta tin những lời đó. Ta tin con.

- Phụ hoàng, con...

- Chung Ly. - Phụ thân ngắt đi lời nói ngập ngừng của ngài, dùng chút hơi thở còn sót lại của một thân xác kiệt quệ để gọi tên đứa con độc nhất - Con hãy hứa với ta.

Trước ánh mắt kiên định chưa bao giờ già cỗi ấy, Chung Ly chẳng còn chùn bước được nữa. Ngài biết ngài không có thì giờ do dự, ngài phải thề với cha, với Ly Nguyệt và với chính bản thân ngài, trước khi người cha của ngài sức tàn lực kiệt ra đi và để lại một lời thề bỏ ngỏ, giống như trang sử của Ly Nguyệt sẽ mãi mãi dang dở ở những dòng chữ về loài ngoại xâm.

- Con thề trước mũi giáo của Thiên Nham.

Phụ hoàng nhắm mắt, khép lại cánh cửa đã mở suốt ba mươi bốn năm ròng của thời đại Kiểu Khiết. Thời đại Uy Nhuy của Hoàng đế Mộ Lạp Khắc Tư chính thức khởi đầu.

Chính sách đầu tiên Chung Ly ban bố là "Nghê Khoan", ý nói bất luận là nam hay nữ đều có sức dài vai rộng, người trẻ lại có cái nhìn mới mẻ rộng lớn hơn, nên đứng ra làm trụ cột vững chãi của giang sơn, một lòng đưa Ly Nguyệt trở về thời thịnh vượng, phát triển tinh hoa vốn có của các bậc tiền nhân, đánh đuổi ngoại xâm. Ý niệm này của Chung Ly thu hút nhiều khôn kể những bậc anh tài từ mọi miền của Ly Nguyệt, văn có võ có, nô nức đổ xô về cảng Ly Nguyệt để thi tài. Tổng thống việc binh là một Thái úy tên Tiêu, đứng đầu các quan văn trong triều là Tể tướng Cam Vũ, Hình bộ lại được Thượng thư Ngưng Quang đảm nhiệm, lại có Bắc Đẩu quản lý công việc của Binh bộ, tất cả đều được đã được Chung Ly gắt gao chắt lọc lấy, xây dựng thành một bộ máy nhà nước đứng đầu đều là những người trẻ tuổi. Đội quân đi đường lối của Thái úy Tiêu vạch ra đã dọn dẹp tàn dư do Snezhnaya để lại, từng bước một thật chậm rãi đánh lui quân xâm lược, tuy vậy vẫn khó lòng địch lại được vũ khí đạn dược tân tiến đến từ phương Bắc, chính vì thế mà qua chín năm nay chỉ mới một nửa vùng đất Ly Nguyệt được giải phóng khỏi ách đô hộ. Lại nói về nền kinh tế của đất nước, dưới bàn tay tài tình của Tể tướng Cam Vũ đã mạnh mẽ vượt lên đoạt lại ngôi vương của đại lục, thậm chí có phần thịnh vượng hơn so với Ly Nguyệt xưa kia.

Chung Ly biết, con đường hướng đến độc lập của đất nước hãy còn lắm gian truân.

Hàng ngàn năm thờ phụng của Ly Nguyệt dường như đã khiến những vị thần minh động lòng. Nếu Đạt Đạt Lợi Á đang không ngồi sờ sờ trước mắt mình, chắc hẳn Chung Ly sẽ cho rằng ngày hôm ấy chỉ là một giấc mộng hoang đàng mà thôi. Đó là một buổi chiều rực lửa trên nền trời khi Chung Ly đích thân đi thị sát. Ngày vỡ thành đôi phía xa những cánh buồm nhấp nhô đang dần rời khỏi bến cảng, để lại sau lưng một khung cảnh đìu hiu cô quạnh, đảo lộn hoàn toàn bầu không khí nô nức như vỡ chợ giữa ngày. Ngật Hổ Nham lúc ấy đã lên đèn. Những thương nhân vãn dần đi sau khi gian hàng đã gọn ghẽ, chỉ còn chừa lại những hàng quán con con đang ngóng chờ đến buổi đêm. Chung Ly bước lên một con thuyền ở dưới cảng, đón chào sự cô độc làn gió thổi lên da thịt ngài. Tê buốt, đó là những gì ngài đã nghĩ về nó, về sự cô độc mà thường ngày ngài thậm chí còn chẳng có thì giờ để ngó ngàng đến nó, về sự cô độc mà chỉ những khi thả mình giữa chốn heo hút như thế này đây ngài mới ý thức được rằng nó thật sự hiện hữu xung quanh ngài. Bên trong ngài.

Gió giật mạnh. Trời bỗng nổi cơn giông. Chung Ly chao đảo đứng trên mũi thuyền, cố gắng để bản thân không ngã rạp. Trời đất tối sầm sì. Biển lặng sóng yên theo từng bước chân của kẻ xa lạ bỗng chốc nổi lên cuồn cuộn, gió rền rĩ gặm nhấm vào da thịt của Chung Ly, lạnh lẽo đến thấu người. Một cơn sóng dữ tợn đưa một thân ảnh đến trước mũi thuyền. Cao lớn, ngang tàng. Ngài chỉ vội vàng nhận xét như thế về kẻ kia khi cẩn trọng lùi bước về phía sau, dè dặt hỏi:

- Ngươi là ai?

Kẻ đó chân đạp lên cơn sóng, ngạo nghễ đặt chân lên mạn thuyền, mặt sát mặt với Chung Ly, dõng dạc tuyên thệ:

- Ta, Đạt Đạt Lợi Á, chiến thần, tử thần, hạ phàm thể theo lời thỉnh cầu của người dân Ly Nguyệt. Kể từ nay, mũi tên cuồng chiến của ta sẽ song hành cùng ngọn giáo của các ngươi; dùng phép tinh thông mà thần linh ban tặng dẫn lối cho Ly Nguyệt. Các ngươi chĩa giáo về phía kẻ nào, kẻ đó sẽ trở thành kẻ địch ta phải diệt trừ.

Một chàng trai tràn đầy nhựa sống , vẻ ngoài chẳng khác là bao những cậu thanh niên hai mươi mười tám tuổi, lại mang chút tư vị ngông nghênh tự đắc xuất hiện trước mũi ngài, tự nhận bản thân là một vị thần hộ vệ cho Ly Nguyệt. Cứ như một trò đùa vui vậy. Màn mở màn quá sức phô trương của Đạt Đạt Lợi Á đã ăn quá sâu vào Chung Ly, luôn khiến ngài phải bật cười những khi nhớ lại điệu bộ nghênh ngang khi ấy của gã.

- Chung Ly, ngươi cười gì vậy?

Vị hoàng đế dịu dàng đặt tách trà lên bàn tre, lắc đầu nói, "Không có gì, công tử các hạ."

Bỗng, một bóng dáng thân quen lầm lũi tiến đến nơi ngài và Đạt Đạt Lợi Á ngồi thưởng trà, trịnh trọng nói:

Bẩm bệ hạ, hạ thần đã trở về.

Đạt Đạt Lợi Á ngước khỏi chén trà đương định uống, ngẩng đầu lên dòm ngó chủ nhân của giọng nói ấy. Đứng bên bàn trà của gã và Chung Ly là một kẻ Đạt Đạt Lợi Á chưa từng thấy qua trong triều đình, nom bộ dạng tả tơi xơ xác thì có vẻ là một binh sĩ, tuy vậy nét mặt oai nghiêm khiến hắn trông phải cao hơn mấy bậc liền so với cái cấp ấy. Gương mặt của hắn trẻ, vóc dáng cũng không thuộc dạng cao ráo anh dũng gì, đoán chừng là ra chiến trường sớm tận mấy năm. Đạt Đạt Lợi Á sực nghĩ, chính sách Nghê Khoan gì gì đó của vị hoàng đế ngồi trước mặt mình quả là ghê gớm, còn có thể trưng dụng cả thiếu niên như thế này.

- Công tử các hạ, đây là Thái úy Tiêu, tổng thống việc binh của triều đình.

- Thái úy Tiêu, vị này là Đạt Đạt Lợi Á, là sứ giả đáng quý từ phương xa được phái tới Ly Nguyệt. Cậu ở mặt trận chắc cũng đã nghe qua.

Đã xong màn giới thiệu, tên binh sĩ hóa ra lại là Thái úy đó kính cẩn gập người một cái. Đáp lại hắn, Đạt Đạt Lợi Á miễn cưỡng gật đầu, chép miệng, "Mình đánh giá thấp hắn ta rồi."

Đạt Đạt Lợi Á đến Ly Nguyệt đã tròn một tuần trăng. Ngần ấy thời gian đã đủ để gã nắm rõ tình hình chiến sự của đất nước này. Lãnh thổ của Ly Nguyệt được chia thành sáu vùng thì đến bốn vùng đã in dấu chân của ngoại xâm; thậm chí nơi mà Đạt Đạt Lợi Á đang ngồi đây cũng đã từng nhuộm mùi thuốc súng, nhưng đáng tự đắc là dưới sự bày binh bố trận của gã tử thần này mà vùng quê Khinh Sách Trang đã thành công giải phóng khỏi vòng tay của giặc ngoại bang. Nghĩ đến chiến công đầu tiên mà mình mang đến cho Ly Nguyệt chỉ trong một tuần ngắn ngủi, Đạt Đạt Lợi Á không nhịn được mà nhoẻn miệng cười.

Gã chỉ mới sống được đôi ba trăm trăm năm với danh nghĩa một vị thần, tức một phần chục hay thậm chí chỉ là một phần trăm nhỏ thó so với những vị thần khác. Tuổi đời của Đạt Đạt Lợi Á tuy bé, nhưng công lực của gã thì không thế; gã cho mình là hùng dũng và oai vệ, quyền năng và thượng đẳng. Đạt Đạt Lợi Á trẻ tuổi, nhưng như một lẽ nghiễm nhiên, gã trở thành mảnh ghép cuối cùng của mười một vị thần cai quản cái lằn ranh sống chết. Điều ấy cho phép gã được nói rằng sự quyền lực và mạnh mẽ của Đạt Đạt Lợi Á thừa sức đạp lên những kẻ khác; dẫu cho chúng là loài người thấp kém, hay có là những vị thần tối cao.

Bảo hộ Ly Nguyệt là nhiệm vụ đầu tiên của gã sau hàng trăm năm ôm khư khư cuốn sổ tử bên mình; dòng máu hiếu chiến còn sót lại từ kẻ phàm trần nọ vẫn chảy trong gã, như những vị thần nọ nói, và trong cái hàng trăm năm đó nó vẫn tiếp tục sục sôi lên, để bây giờ đây - ngay lúc này, thiêu cháy cơ thể đã chẳng còn tính người của Đạt Đạt Lợi Á. Bàn tay gã, đôi chân gã run lên vì thèm được vận động, chắc mẩm là thèm được chém và giết, để mùi tanh hôi của xác thịt chồng chất xộc vào mũi và đọng trên đầu lưỡi vị máu người. Nhưng đó là những khao khát của phần con trong con người, mà từ lâu gã đã chẳng còn là nữa. Gã không có thẩm quyền tước đoạt đi mạng sống của một ai đó, nếu như kẻ đó chưa tới số. Thế là gã cầm bút và sổ, thay vì cầm giáo và mác. Và dù thân là một chiến thần, gã chỉ có thể chiến đấu thông qua việc bảo hộ đất nước này. Đó là điều Đạt Đạt Lợi Á thích ở nhiệm vụ đầu tiên ấy.

- Thái úy thì không phải nên ở chốn chiến trường sao?

Gã bật ra câu hỏi. Chung Ly, ở bên kia bàn trà, bật cười, uống một ngụm trà nhỏ trước khi từ tốn nói:

- Cậu ấy cũng giống chúng ta, công tử các hạ, tìm đến chốn thanh bình này sau khi trở về từ chốn máu và thịt.

Đạt Đạt Lợi Á ồ lên, quay sang nhìn Tiêu để xác nhận liệu cậu ta đã trở về từ chiến trường đúng như lời vị hoàng đế nói, và nhận được một cái gật đầu. Gã bỗng thấy lồng ngực mình nhẹ tênh đi.

- Tiêu, công tử các hạ, hãy đi cùng tôi.

Đoạn, Chung Ly ngồi dậy khỏi bàn trà trúc, ra hiệu cho Đạt Đạt Lợi Á và Tiêu cùng đến khi ngài rẽ xuống những bậc thang. Cả hai chần chừ nhìn nhau một lát, và quyết định làm theo những cử chỉ của ngài. Trên những thửa ruộng, loài hoa mang sắc xanh mọc rải rác chen mình giữa những cây lúa đã cúi đầu. Đạt Đạt Lợi Á băng qua từng bậc ruộng như thế theo chân Chung Ly, gã đưa mắt nhìn những người nông dân bắt chước tư thế của cây lúa khi họ bắt gặp vị hoàng đế. Ngài lúc này cởi bỏ mũ mão áo bào, chỉ vận trên người bộ áo của người làm ruộng đơn giản, khiến trong một chốc không chăm chú gã tưởng những người nông dân nọ đang kính cẩn chào chính người đồng nghiệp của mình.

- Đây là mùa nở đẹp nhất của hoa bách hợp lưu ly. - Chung Ly giảng giải - Nhưng đó không phải thứ tôi muốn cho hai vị chiêm ngưỡng ngày hôm nay.

Nói rồi, ngài dịu dàng nâng lên một cành lúa chín.

- Tôi muốn hai vị chiêm ngưỡng vẻ đẹp này của cây lúa. Đó là vẻ đẹp của nghề nông, vẻ đẹp của con người miền đồng bằng và của sức sống. Công sức của những người làm nông đã trổ giữa lòng bom đạn và khói lửa. Nơi này đã luôn là nguồn sống của Ly Nguyệt, và có lẽ là của những đất nước lân cận nữa, không đợi đến khi chiến tranh diễn ra. Mặc dù vụ mùa năm nay không khá khẩm mấy, nhưng tôi nghĩ bấy nhiêu đây cũng đã đủ để cung cấp lương thực cho binh sĩ cũng như người dân cả nước.

Giờ chúng ta ở đây, giữa mùa hoa bách hợp lưu ly đẹp nhất

Giờ chúng ta ở đây, giữa mùa lúa đã hết đòng đòng

Lúa còn chín, người Ly Nguyệt còn sống

Lúa còn chín, người Ly Nguyệt còn sống...

Đạt Đạt Lợi Á cũng nâng thử một cành lúa lên, nhưng không tài nào nhìn thấy được cái vẻ đẹp hoa mỹ ấy mà Chung Ly nói. Chỉ thấy lúa đã vàng óng trong lòng bàn tay và trong không khí có mùi thơm ngọt. Gã tử thần không học được gì thêm. Nhưng Chung Ly trông rất diễm lệ giữa màu lúa và màu áo nông dân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro