Lục Bình Tim Tím

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khác với các loại bèo ta, bèo tấm, bèo hoa dâu, người miền Bắc gọi thứ bèo to lớn, mập mạp du nhập từ "thời mồ ma thực dân Pháp" sang Việt Nam này là bèo Tây, người miền Nam kêu nó là cây lục bình.

Người dân quê tôi thả lục bình trong ao, đìa để nước trong và mát. Ao trồng sen cũng làm nước trong và mát, có thể thu hoạch được củ sen, bông sen và lá sen. Tuy nhiên, cái giống sen "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" đó nó khó tánh, trồng sen ao phải sâu, nước thiệt nhiều thì sen mới chịu. Ao thả lục bình thì ngược lại, chỗ nào có nước ngọt là nó sống, sâu hay cạn bọn lục bình không quan tâm tới. Thời hiện đại, người ta dùng thân lục bình khô làm hàng mỹ nghệ xuất cảng, còn hồi trước ở quê người ta thả lục bình trong ao để có thức ăn cho cá, gia súc lẫn người. Cá thì rỉa ăn những chùm rễ lục bình lòng thòng dưới mặt nước, người thì hái bông lục bình ăn, gặp lúc rau cỏ eo hẹp, người ta cũng vớt lục bình lên bằm nhỏ rồi trộn chung với cám, tấm, các thứ cá vụn, phân tôm... nấu cho heo, gà, vịt ăn.

Lục bình có hai loại: Loại thân thẳng như một đoạn gậy và cao chừng 5-6 tấc, lá lớn thường được hái để gói đồ thay cho lá chuối, lá sen; loại nhỏ hơn thân phình rộng chính giữa và túm nhỏ hai đầu, cao nhất khoảng một gang tay người lớn, lá cũng nhỏ hơn, loại này thân mềm nên được chuộng làm thức ăn gia súc hơn.

Năm sáu bảy tuổi, tôi rất thích lội xuống ao vớt lục bình đem về chơi nhà chòi. Lá lục bình xanh mướt, hơi xốp, dai và mềm, hình dáng như cái quạt tròn tròn một đầu nhọn. Lá này dùng để làm lá gói "xôi" (làm bằng xác dừa khô trộn màu xi-rô). Thân lục bình dài chừng một tấc, mập no tròn giống y cái bánh mì thì giả làm "ổ bánh mì". Bọn con nít tụi tôi lấy con dao nhỏ cũng mổ "ổ bánh mì" ra, nhồi "thịt" vào rồi bán qua bán lại, chuyên nghiệp chẳng kém bà bán bánh mì xíu mại ở chợ gần Đình.

Trên các sông nước ngọt vùng Cần Thơ, Phụng Hiệp, lục bình trôi thành từng dề xanh mướt đầy cả mặt sông. Xuống xa hơn một chút, vùng bán đảo Cà Mau gần biển thì sông rạch có hai mùa nước ngọt (mùa mưa) và nước lợ (mùa nắng), lục bình chỉ xuất hiện trên sông vào mùa nước ngọt, có lẽ do mưa lớn nước dâng cao, lục bình trôi từ các ao, đìa ra ngoài rồi tràn xuống các con sông, kênh đi khắp chốn. Mùa nắng, nước ở sông, kênh bị nhiễm mặn nên bọn lục bình chúng chỉ sống trong ao, đìa thôi. Vì vậy mà dân miệt này có câu ca:
"Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương
Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát
Xuồng câu tôm đậu sát mé nga
Thấy em cha yếu mẹ già
Muốn vô phụng dưỡng biết là đặng không?"

Lúc tôi còn nhỏ xíu, tôi có hỏi mẹ tôi: "Tại sao người ta kêu nó là lục bình?". Mẹ tôi nói: "Thì người ta phải đặt cho nó một cái tên gì đó cho khỏi lộn với cây khác vậy mà". Tôi không chịu với cách "giải nghĩa đùi" đó, nhưng tại sao thì tôi vẫn chưa nghĩ ra. Mãi hơn chục năm sau, tôi mới biết những cái bình sứ, bình đồng, bình gỗ kiểu đầu đít túm nhỏ, chính giữa bụng phình tròn, dáng thuôn thuôn, dân quê thường kêu là "cặp lục bình". Các loại đồ xây dựng bằng gỗ hay đúc sẵn bằng xi măng cốt thép có hình dáng tương tự "cặp lục bình", dùng làm hàng rào những ngôi nhà sang trọng, người ta cũng kêu nó là cái hàng rào lục bình. Tôi nghĩ có lẽ người miền Tây thấy hình dáng cây bèo Tây này cũng giống mấy thứ lục bình kia, nên mới đặt cho nó cái tên là lục bình chăng?

Năm tôi mười mấy tuổi, không còn vớt lục bình chơi nhà chòi nữa, mà cái đói quay quắt giữa vùng quê lúa khiến cho cả xóm tôi thi nhau đi hái bông lục bình về làm thức ăn. Đi hái lục bình chỉ cần đem theo cái thúng, cái rổ tre hay cái thau nhựa hơi lớn một chút, cột dây đeo trên vai. Lúc lội xuống nước thả nó ra cho nổi trên mặt nước, chỉ cần cột cọng dây quanh bụng cho chắc để cái thúng (rổ, thau) khỏi trôi mất là được, lội tới đâu kéo cọng dây lôi nó theo đến đó. Bông lục bình hái nguyên cả chùm, chớ không tách rời từng bông, hái được bao nhiêu cứ liệng hết vào thúng (rổ, thau), hái đầy mới đi về. Thấy nhiều vậy chớ nó xốp xộp, xẹp lép.

Bông lục bình đem về rửa sạch, để nguyên vậy chấm cá kho ăn với cơm là ngon "trên cả tuyệt vời". Cánh bông lục bình mỏng như lụa, dễ dập nát nên khi rửa bông phải cẩn thận "Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" thì rửa xong bông mới còn nguyên. Vị bông ngòn ngọt, mát mát, nhai vừa mềm và giòn xốp nhờ phần đài hoa. Nếu chấm với cá kèo kho lạt ăn cơm, với tôi, không thứ rau sống nào ngon bằng. Ăn hết cơm, hết rau, hết cá mà cứ muốn ăn hoài.

Bông lục bình cũng có thể đem xào tép rất ngon. Nhưng tôi chưa bao giờ được ăn món bông xào, một thúng bông mà xào chín nó xẹp xuống còn có một dĩa nhỏ. Nhà đông người quá, hái một thúng bông chỉ đủ cả nhà ăn sống, đem xào thì "ai ăn ai nhịn", thôi cả nhà nhịn ăn bông xào hết là "công bằng xã hội".

Lục bình hầu như nở bông quanh năm, nhưng vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán khoảng hai tháng là bông lục bình nở rộ nhiều nhứt. Bông lục bình gồm nhiều búp bông nhỏ mọc vây quanh một cái lõi xốp (kiểu như bông huệ trắng) vươn lên chính giữa bụi lục bình, cái lõi này tức là đài hoa. Trên một đài hoa thường có trung bình từ tám đến chín búp bông, khi nở rộ xòe ra bốn mặt, có đỉnh chóp như một trái thông. Những chùm bông lục bình màu tim tím, cánh bông cao nhất có đặc điểm khác biệt so với những cánh bông khác là trên chính giữa cánh bông có một vùng đậm màu tím xanh bao quanh một "mặt trăng" màu vàng sậm tỏa ra giống y như "mặt trăng" trên chiếc lông đuôi công. Mùa lục bình trổ bông rộ, cả cánh đồng, cả mặt ao tím biếc một màu tím giản dị, tinh khiết nhưng không kém phần rực rỡ và lộng lẫy.

Bông lục bình nở rộ từ sáng sớm, khi sương đêm còn đọng ướt trên từng chiếc lá xanh. Đến chiều, mặt trời lặn cũng là lúc bông tàn héo. Vì vậy, muốn hái được nhiều bông tươi ngon phải đi hái lúc sáng sớm, cả ao có bao nhiêu cứ hái hết bấy nhiêu, không cần "tiết kiệm" hay "để dành", đến chiều khuất ánh mặt trời nó cũng héo hết, rất uổng báu vật trời cho. Hái xong nhanh chóng ba chân bốn cẳng dông về nhà ngâm rửa liền, để xa nước lâu bông cũng héo rũ hết.

Cách đây bảy năm về trước, khách về miền Tây phải đi ngang hai bến bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, tha hồ đứng trên phà ngắm lục bình tim tím trôi dập dềnh trên sóng nước đậm phù sa. Bây giờ không còn bến bắc nữa, xe chạy cái vèo ngang cầu nên cái thú của khách đi xe ngắm lục bình trên sông Tiền, sông Hậu cũng không còn.

Bông lục bình là một thứ "hoa đồng cỏ nội" có lẽ vì vậy mà người thành thị Sài Gòn chẳng bao giờ được có diễm phúc thưởng thức món ăn dân dã tuyệt vời này. Ở Mỹ lại càng không, tôi đã thấy chợ Việt ở Nam California bán đủ lại rau đồng của Việt Nam nhưng chưa bao giờ trông thấy bông lục bình ở bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Nhớ quá bông lục bình thôn dã sắc tim tím đơn sơ mà quá đỗi ngọt ngào.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro