Ăn Nhà Ăn Đường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi gọi "ăn nhà" bao gồm ăn ở nhà của mình, của bạn hay của gia đình, ông bà, cha mẹ, anh chị em. Còn "ăn đường" là ăn ngoài đường, bao gồm ăn tiệc, ăn cưới, ăn trên cruise, ăn ở resort... Sở dĩ phải phân biệt như vậy, vì " tình cảm & thái độ" của mình khi ăn ở hai nơi ấy, hoàn toàn khác nhau.

Tôi nhớ ngày xưa khi còn bé, món cơm "trộn chảo" là món ngon nhất. Khi mẹ kho cá, rim tôm, rim thịt xong, thức ăn sau khi múc vô tô, vô dĩa cho bữa ăn chính của cả nhà. Còn lại cái nồi, cái chảo, mẹ sẽ cho một ít cơm nguội vào, trộn để vét sạch những gì còn sót lại trong nồi. Thường chỉ là chút mỡ và chút nước màu đặc quẹo còn dính vào thành nồi. Cơm nguội sẽ làm tróc ra tất cả, và thành nồi sẽ sạch bóng (chẳng vứt đi đâu tí nào). Cơm này gọi là cơm trộn, nói nguyên chữ là "cơm trộn nồi". Mặc dù chỉ có chút mỡ màng quện với chút mắm muối còn sót lại, nhưng vì món kho vừa xong, mùi thơm còn nồng nặc dưới bếp, nhưng chúng tôi không được phép rờ tới, vì nhà đông con, phải chờ bố đi làm về, cả nhà ăn một lượt. Thức ăn đâu có nhiều, rau luộc, rau xào hay canh thì ăn thoải mái. Nhưng món kho thì phải chia, tôm hay thịt kho tiêu để trên chén cơm trắng. Vì mặn nên phải "ăn dè" ăn nhín cho xong bữa cơm. Bố bắt mỗi đứa phải ăn đủ ba bát cơm mỗi bữa. Đứa nào có lỗi: chạy ra ngoài chơi, đi học bị giám thị phê hạnh kiểm xấu.. sẽ nằm dài trên divang ăn roi quất vào mông, tới bữa ăn còn bị phạt ăn một chén cơm không, rồi mới được gắp thức ăn. Dĩ nhiên số roi và số chén cơm trắng phải ăn tùy độ nặng nhẹ của tội. Mẹ tôi không bao giờ có ý xin gia giảm cho lũ con. Mà bố tôi toàn nghĩ ra những cách phạt "không giống ai". Để bây giờ cuộc đời trải qua bao nỗi đắng cay ngọt bùi, mới nhớ mãi những bát cơm không, bố bắt ăn khi có lỗi. Nó nhắc nhở ký ức tuổi thơ, là những gì ghi mãi trong tâm khảm về người bố thân yêu. Quả thật những cây roi quất vào mông, chẳng ai còn nhớ đau cỡ nào. Hình như cũng chỉ rát chứ không làm chúng tôi bật khóc, bởi vì mông là chỗ nhiều thịt nhất. Chỉ có bây giờ mỗi lần ăn cơm, nhìn bát cơm trắng, đôi khi tôi cũng tự phạt mình, nghĩa là cũng không gắp thức ăn, nhai miếng cơm trong miệng, mà rưng rưng nước mắt. Khi tuổi về chiều là lúc chúng ta nhớ về cha mẹ nhiều hơn, để thấy sao mình cũng có những cái y hệt cha mẹ mình hồi đó.

Các bạn của tôi ơi, trong năm giác quan: nhìn nghe ngửi nếm sờ, cái lưỡi là có trí nhớ dai nhất. Người ta bảo cái lưỡi " khôn nhất" trong năm anh em: mắt tai mũi miệng da. Bất kỳ cái gì cho vô miệng, là cái lưỡi biết ngay ngon hay dở, có nguy hiểm cho tính mạng hay không. Nó sẽ phản ứng phun ra ngay, dù chỉ là con nít chưa có trí khôn. Trái lại cái mắt cái tai cái mũi làn da, đôi khi vẫn còn " lơ mơ" không phân biệt được ngay, tức là bị "lừa", đến nỗi người ta phải than thở già đầu còn dại. Thiếu gì nhan nhản cảnh trâu già muốn gặm cỏ non về VN kiếm mấy em chân dài, để rồi thân bại danh liệt, gia đình tan nát. Các cụ hay nói "Gái tai, trai mắt" chắc không còn đúng nữa, mà phải nói "Cả gái lẫn trai" cùng bị lừa vì những lời ngon ngọt, những cái vuốt ve mơn trớn, những vẻ đẹp hào nhoáng, bên hương vị thơm tho của những bữa tiệc quyến rũ gọi mời. Nghĩa là cả bốn giác quan cùng bị lừa.

Mấy chục năm lăn lóc trong cuộc đời, ăn biết bao nhiêu sơn hào hải vị, dẫu không nhiều, chỉ một vài lần. Sao bây giờ tôi nhớ hoài món cơm trộn. Món kho của mẹ tôi thì không thể nào chê được, mùi thơm ngào ngạt khiến cho đám con không thể nào ngồi yên học được. Từng đứa, từng đứa một rón rén mò vô bếp, đúng lúc mẹ vừa nấu xong món kho. Trẻ con thì lúc nào cũng đói, thế là có màn dành nhau chí choé. Mẹ luôn luôn đưa cái nồi cho đứa lớn nhất trộn cơm, còn mẹ rảnh xong việc lên nhà trên.

Mấy đứa nhỏ bu chung quanh cái nồi chờ anh chị lớn trộn cơm xong, múc cho mỗi đứa một muỗng, tùy theo cơm nguội còn nhiều hay ít, và cũng tùy theo có bao nhiêu đứa bu quanh, mỗi đứa sẽ được một muỗng vun, hay chỉ nửa muỗng. Mấy đứa nhỏ há to miệng, như chim non há mỏ cho chim mẹ mớm mồi. Chỉ có chút xíu vậy thôi, nhưng ai cũng vui lắm, chứ không có phần, là rắc rối to. Mấy đứa nhỏ làm reo, thì mình bị la, tại mình lớn nhất mà.

Hồi 10 tuổi tôi đã là chị của năm đứa em. Ngày xưa bên VN làm gì có vụ babysister, đứa lớn bế đứa nhỏ "ẹo cả sườn" như mèo tha chuột. Năm tôi 17 tuổi chuẩn bị thi Tú Tài nhưng tôi vẫn giành ăn món cơm trộn như thường. Chỉ có điều hai ông anh lớn đã ra khỏi nhà, người đi lính, người đi dạy học xa, nên tôi là người được mẹ giao cho cái nồi, thay thế anh lớn. Tôi không hề nhớ mình đã lớn, 17 tuổi khi đi học áo dài tha thướt, nhưng về nhà, tôi hiện nguyên hình con nhỏ tham ăn, nghĩa là cũng vẫn dành ăn... cơm trộn. Tôi cũng phải có phần, chứ công tôi trộn mà!

Một kỷ niệm nhớ đời, hôm đó dưới bếp mẹ đưa nồi cá vừa kho xong. Cá kho khô, dính quẹo dưới đáy nồi nhiều lắm, nên tôi phải kì cục vét cho sạch, các em bu quanh sốt ruột. Thấy mấy đứa em cứ lải nhải, mẹ tôi bực mình đuổi hết lên nhà trên, vì mẹ tôi còn nấu món khác, mọi thứ bừa bộn trong gian bếp chật hẹp. Tôi bê cái nồi để đại dưới đất, ngay giữa lối đi, một đàn em bu theo như đám xiệc. Tôi không để ý cửa ra vào đang mở toang hoác, không biết ai vừa đi ra mà không đóng lại. Tôi đâu biết là thằng em kế tôi nghe bạn gọi, đi ra không đóng cửa vì bạn trai của tôi tới, mà anh chàng này nó quen mặt quá, nên cứ để anh chàng vô, cũng chẳng thèm nói cho tôi hay.

Nhà cư xá thì nhỏ xíu, tôi ngồi bệt dưới đất, cái nồi để trước mặt, giữa đường đi. Tôi đã chia cho đám lâu la phần cho mỗi đứa rồi, chỗ còn dư là của tôi, sau khi đảo một lần chót, chắc ăn chẳng còn gì dính ở đáy nồi. Tôi sung sướng, ngửa cổ, há to miệng để tận hưởng thành quả của mình. Tay phải giơ cao cái muỗng, tay trái đang giữ cái nồi, mặt ngước lên, miệng mở to hết cỡ (ở nhà mà). Tôi chợt khựng lại, vì một anh chàng mang kính cận, đứng ngay trước mặt đang mỉm cười. Mải mê "giương Đông kích Tây" làm uy với các em nồi cơm trộn, tôi không để ý anh bạn cùng lớp bước vô hồi nào. Tại vì cũng khá thân, mà cửa lại mở toang hoác, anh gõ nhè nhẹ nhưng mọi người đang chúi mũi vào cái nồi nên không ai biết, anh bước vô đại.

Thế là tôi hụt ăn, vội vàng đưa cái nồi cho em mang xuống bếp. Rồi ngượng ngập đứng lên tiếp bạn. Kỷ niệm này không bao giờ tôi quên. Khi ăn ở nhà, nhất là khi đi học về trễ, tôi có thể mút xương hầm nhừ, hay liếm láp tôm rim, đầu cá. Nói tóm lại, với tôi khi ăn ở nhà có đông đủ người thân trong gia đình, tôi thấy có một cái gì ấm cúng, mà người ta thường nói "Của không ngon, nhà nhiều con cũng hết".

Trái lại khi đi ăn tiệm, không được rề rà như ăn ở nhà, không được mút xương, không được cầm con cua, con tôm bằng tay để lột vỏ. Nhất là ăn tiệc cưới lại càng chán hơn. Tiệc Tây hay Ta gì cũng đều ăn trễ, Tây thì sớm hơn một chút. Tai bị tra tấn bằng tiếng loa mở hết cỡ, thức ăn thì nhiều quá. Tiệc Ta thì chú trọng tới món ăn, là tiêu chuẩn đánh giá "sang hay xoàng". Có nhiều tiệc cưới số món ăn hơn con số chục rất nhiều. Tôm hùm, cua rang muối chỉ khều khều lấy lệ, đa số là món nhiều dầu mỡ. Còn tiệc Tây thì chia ra hai đợt khác nhau, lúc đầu ăn kiểu tự chọn, cuối cùng mới tới bữa chính phải chọn khi trả lời. Không có chuyện thay đổi vào phút chót. Hình như tiệc kiểu Tây thích hợp với tuổi trẻ, nhảy nhiều hơn ăn.

Ăn tiệc cưới đã vậy, đi ăn trên cruise cũng nặng phần trình diễn, người hầu đứng chờ làm cho mình ăn cũng không tự nhiên. Người ta không phải chỉ ăn bằng miệng, mà còn có cả tim óc dự phần. Chả thế mà có câu:

Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.

Khi gia đình có con cháu quây quần, xúm xít ăn những món ăn của mẹ, của bà dù chỉ là những món ăn bình thường, sao chúng ta cảm thấy ngon hơn khi ngồi ăn một mình. Như vậy chính tinh thần mới làm chủ vật chất. Khi vui chúng ta ăn cái gì cũng thấy ngon. Khi buồn thần kinh đã bị ức chế, người ta không thể sai khiến cái miệng, bắt nó phải ăn. Ăn đường hay ăn bên ngoài chỉ hào hứng khi có cả người thân cùng ăn, đó chính là " tình cảm". Nên chúng ta sẽ thấy chỗ nào có cha mẹ vợ chồng con cái bạn bè quây quần nơi quán ăn, chỗ đó không khí vui nhộn, thức ăn có vẻ ngon hơn. Trái lại hình ảnh một người vô quán, họ chỉ ăn cho nhanh rồi đi, như thể nhét cho đầy cái bụng, không có vẻ hứng thú lắm.

Những người không có một nơi để về, người ta gọi là những người "Ngủ quán ngủ đình, cơm hàng cháo chợ". Ngày xưa mẹ tôi hay nói những người bất hạnh "Sống vô gia cư, chết vô địa táng". Tức là không có một mái nhà khi sống, lúc chết cũng không có nấm mồ để chôn.

Ngày thường, vì mải mê bươn chải kiếm ăn, người ta không nhớ đến thân phận của họ. Nhưng mỗi khi lễ Tết, những người cô độc vô cùng thấm thía nỗi buồn. Anh lính canh gác nơi tiền đồn, dẫu hát bài "Xuân này con không về", nhưng ít ra anh cũng có một bà mẹ để nhớ đến và nơi quê nhà cũng có bà mẹ chờ đợi anh về.

Còn những người không nơi trú ngụ, không có một ai thân thích để mà nghĩ đến, lễ Tết càng làm cho họ thêm buồn tủi. Không bao giờ họ được "ăn nhà" tức là bữa ăn có gia đình quây quần. Ăn quán ngủ đình, cơm hàng cháo chợ.

Mùa Đông ở phương Tây lại là mùa lễ tết. Người ta mua sắm nhộn nhịp, đây là dịp cho giới mua bán kiếm tiền, và người tiêu thụ xài tiền. Nhà cửa trang hoàng lung linh ánh đèn, cây thông được trang trí và là nơi ông già Noel tới để quà cho trẻ em.

Bố mẹ nhắn nhủ: ông Santa Claus chỉ cho quà những em ngoan. Thế là đứa nào cũng răm rắp vâng lời, các em còn có một danh sách dài những gì em muốn, để viết xin ông Noel. Học sinh trung tiểu học được nghỉ từ lễ Giáng Sinh cho tới Tết Dương lịch. Còn sinh viên đại học là dịp xả hơi sau một kỳ học dài lục cá nguyệt, những người ở xa lo thu xếp về đoàn tụ gia đình. Trong khung cảnh ấm cúng bên trong và gió lạnh bên ngoài. Người ta chạnh lòng nhớ đến những người lữ thứ đang lang thang ngoài đường trong đêm đông giá buốt. Câu chuyện về "Cô bé bán diêm" và bản nhạc "Đêm Đông" đã làm se sắt người nghe, người đọc.

Ngày Tết VN rơi vào mùa Xuân. Xen kẽ giữa những giai điệu ngọt ngào trong bài Anh cho em mùa Xuân của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, thì cũng có lời thở than của thi sĩ Chế lan Viên:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu.
Đem chi Xuân lại gợi thêm sầu.
Với tôi, tất cả đều vô nghĩa.
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

Khi người ta cô đơn thì lễ Tết lại càng làm cho người ta buồn tủi. Ăn đường ăn chợ, ăn quán ngủ đình. Người Việt mình chỉ nói đơn sơ nhưng nói lên đầy đủ cho một con người bất hạnh: Không có một mái nhà để ở, nghĩa là không bao giờ "ăn nhà", suốt đời ăn ngoài đường, ngoài chợ, ngoài quán. Không nơi trú ngụ phải nằm ngoài đình, dù rằng bây giờ người ta có dùng những từ hoa mỹ hơn là hình ảnh đình làng, quán chợ. Trung tâm cứu trợ và những bữa ăn từ thiện: với tôi, tất cả đều vô nghĩa. Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

Đêm Đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương.
Có ai thấu chăng? Người lữ khách đêm đông không nhà.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro