193. BÍ QUYẾT TUYỆT VỜI ĐỂ NÂNG CAO EQ CỦA BẠN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

8 BÍ QUYẾT TUYỆT VỜI ĐỂ NÂNG CAO EQ CỦA BẠN

Đầu tư phát triển trí tuệ cảm xúc EQ còn quan trọng hơn cả IQ, đó là loại trí thông minh giúp bạn tồn tại tốt nhất trong xã hội.

1. Suy nghĩ tích cực

Theo dõi tin tức vào bất kỳ giai đoạn nào bạn sẽ thấy chúng chỉ là một chu kỳ vô tận của chiến tranh, tấn công bạo lực, các nền kinh tế mong manh, các công ty thất bại và các thảm họa môi trường. Rất dễ dàng nghĩ rằng hành tinh này đang trên đà đi xuống.

Tuy nhiên, người thông minh cảm xúc không lo lắng điều đó, vì họ không để bị cuốn vào những điều mình không thể kiểm soát. Họ tập trung năng lượng để điều hướng 2 thứ mà họ hoàn toàn có thể kiểm soát: sự chú ý và sự nỗ lực của chính mình.

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy người lạc quan có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn người bi quan. Họ cũng có năng suất làm việc tốt hơn.

2. Sử dụng “kho” từ vựng cảm xúc phong phú

Tất cả mọi người đều trải qua nhiều cảm xúc, nhưng chỉ có một số ít người có thể định nghĩa chính xác khi chúng xảy ra. Nghiên cứu của TalentSmart cho thấy chỉ 36% người có thể làm điều này. Bởi vì nhiều cảm xúc khó gọi tên rất dễ bị định nghĩa sai, dẫn đến việc chủ thể đưa ra những lựa chọn bất hợp lý hoặc những hành động phản tác dụng.

Những người có chỉ số EQ cao làm chủ những cảm xúc của họ bởi vì họ hiểu chính mình, và họ sử dụng “kho” từ vựng cảm xúc phong phú để làm điều đó. Trong khi nhiều người mô tả cảm xúc của mình với những từ đơn giản như “tệ hại”, “kinh khủng”, người thông minh cảm xúc có thể xác định chính xác là họ đang cảm thấy “cáu kỉnh”, “thất vọng”, “lo âu”, hoặc “bị đè nén”…

Từ ngữ bạn chọn càng cụ thể, bạn càng xác định chính xác cảm xúc mình đang cảm thấy, biết được nó từ đâu đến và nên làm gì với nó.

3. Quyết đoán

Những người có chỉ số EQ cao luôn biết cách cân bằng lòng tốt, sự đồng cảm với việc khẳng định bản thân và thiết lập những ranh giới. Sự kết hợp khéo léo này là yếu tố lý tưởng để giải quyết xung đột. Vì trên thực tế, khi xung đột xảy ra, chúng ta thường dễ trở nên giận dữ hoặc thực hiện các hành vi mang tính thụ động.

Người thông minh cảm xúc duy trì trạng thái cân bằng và thể hiện tính quyết đoán bằng cách tránh xa những phản ứng cảm xúc không chọn lọc. Điều này giúp họ có khả năng “vô hiệu hóa” những người “khó nhằn” mà không tạo ra kẻ thù.

4. Tò mò về người khác

Không quan trọng họ là người hướng nội hay hướng ngoại, người thông minh cảm xúc tò mò về tất cả mọi người xung quanh mình. Sự tò mò này là sản phẩm của sự thấu cảm – một trong những tố chất của người có chỉ số EQ cao.

Càng quan tâm đến người khác và những gì họ đang phải trải qua, bạn càng có thêm nhiều sự tò mò về họ.

5. Tha thứ, nhưng không quên

Người thông minh cảm xúc sống theo phương châm “Lừa tôi một lần, lỗi tại bạn; lừa tôi 2 lần, lỗi tại tôi”, nghĩa là, nếu bạn cho phép người khác lừa mình đến 2 lần thì chỉ nên trách chính bản thân mình.

Người có EQ cao tha thứ để tránh hận thù, nhưng họ không bao giờ quên. Những cảm xúc tiêu cực của việc ôm một mối hận thù có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, và người thông minh cảm xúc biết cách tránh xa chúng bằng mọi giá.

Tuy nhiên, việc tha thứ không có nghĩa là họ cho phép người làm sai một cơ hội thứ hai. Người thông minh cảm xúc sẽ không để bị "chết chìm" bởi việc bị người khác đối xử tệ, vì vậy họ sẽ nhanh chóng bỏ qua mọi thứ và quyết tâm bảo vệ mình khỏi những mối nguy hại trong tương lai.

6. Không để người khác giới hạn niềm vui của mình

Khi cảm xúc hài lòng của bạn xuất phát từ việc so sánh bản thân với người khác, bạn đã không còn làm chủ niềm hạnh phúc của riêng mình nữa. Khi người thông minh cảm xúc cảm thấy tốt về việc gì đó mình đã làm, họ sẽ không để những thành tựu hoặc ý kiến của bất kỳ ai cướp đi cảm xúc tích cực đó.

Dù không thể “tắt” các phản ứng đối với những điều người khác nghĩ về mình, nhưng bạn không phải so sánh mình với người khác và đừng xem những ý kiến của người khác là chân lý. Nghĩa là, bất kể người khác nghĩ gì hoặc làm gì, giá trị của bạn đến từ bên trong. Bất kể mọi người nghĩ gì về bạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có một điều chắc chắn là, bạn không bao giờ tốt hoặc xấu như họ nói về bạn.

7. Không để bị xúc phạm

Nếu bạn thật sự thấu hiểu một cách vững chắc về bản thân mình, người khác sẽ khó thể “chọc tức” được bạn.

Người thông minh cảm xúc luôn tự tin và có tư duy mở, điều này giúp họ tạo ra cho mình một “lớp da” khá dày.

8. Bỏ qua những màn tự vấn tiêu cực

Một bước lớn trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc là ngừng tự vấn bản thân một cách tiêu cực. Càng “nhai đi nhai lại” những suy nghĩ tiêu cực, bạn càng trao cho chúng nhiều quyền lực hơn. Hầu hết những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta chỉ là những… suy nghĩ, không phải là sự thật.

Bạn có thể “tắt” những “tiếng nói” tiêu cực, bi quan bên trong mình bằng cách viết chúng ra. Vì khi dành thời gian để làm chậm đà tiêu cực của các suy nghĩ này, bạn sẽ đánh giá tính xác thực của chúng rõ ràng hơn. Và bạn hoàn toàn có thể khẳng định rằng những tuyên bố của mình là không đúng sự thật bất kỳ khi nào bạn dùng những từ như “không bao giờ”, “tồi tệ nhất”…

Nếu những tuyên bố này vẫn trông có vẻ giống sự thật ngay cả khi bạn đã viết chúng ra, hãy trao đổi với một người bạn để xem anh/cô ấy có đồng ý với bạn không. Rồi sau đó bạn sẽ dần tìm ra sự thật.

#Truong_doanh_nhan_HBR
#TonyDzung
#Ky_nang
Theo: Doanh nhân Sài Gòn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro