anh đi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

người ta bảo, cuộc tình không nhuốm sắc bi thương thì không phải một mẩu tình đẹp. nếu vậy, em nguyện chết ngạt trong biển u sầu, cùng anh.

nhưng em chưa kịp

thì,

anh đi.

anh ra đi vào một chiều tháng sáu, bên thềm đầy nắng và những bức tượng sáp chực khắc xong. anh đi vội vàng quá, đột ngột quá, lướt vội như nét bút nghiêng nghiêng trên tờ thư tình vàng úa bỗng cạn mực, để mặc đầu bên kia chờ một tiếng "em ơi" đến mòn đến mỏi. em sẽ mãi vậy, phải không anh, chờ đợi một lá thư không bao giờ gửi tới.

ký ức ngày anh chợt đến hẵng còn đậm sâu trong tim em quá, mỗi ngày và mỗi đêm, lúc còn có anh và lúc vắng màu tóc đen tuyền ngủ bên, em đã sống lại giờ phút đó không biết bao nhiêu lần. và đắm chìm vào mùa xuân năm ấy mà quên đi rằng, tựa như một cơn gió, người có thể đến thì hẳn nhiên là sẽ đi. người ta thường ghét những đấng phong lưu, những công tử đầu bóng lộn chuyên trêu hoa ghẹo nguyệt, đánh cướp trái tim nàng thiếu nữ trong tà áo trắng chỉ để giày xéo nó dưới chân. nhưng anh ơi, anh có biết chăng, em thà rằng anh là kẻ trăng hoa. để người bước vội qua đời như một cơn gió, và chẳng để lại gì ngoài cái run mình hết nhanh. nếu có kiếp sau, xin anh đừng ở lại dài lâu. đừng mặc em ở lại đây với nỗi đau âm ỉ, chảy tong tong, hệt dòng máu rực đỏ tràn ra khỏi mảnh xác thịt lạnh lẽo lúc trong lúc chú bé liên lạc tường thuật về sự hi sinh anh dũng của anh. rằng nhặt được xác anh đã là điều may mắn.

tuấn ơi, anh có nhớ không? lớp học điêu khắc ngoài giờ của trường đại học con con năm ấy, nơi chúng mình biết mặt lần đầu tiên. em sao có thể quên, cách anh bước vào nhẹ bẫng như bay, gót chân hồng hào và bé xinh làm sáng bừng toàn gian phòng ảm đạm. anh bước vào, mang theo tiếng chim ríu rít ở hiên, mang trảng ánh sáng tươi rói như mẻ bánh cuốn buổi sáng của lão lê cạnh bến chèm, ngọt lành và đọng sương, tóc anh cài hoa giấy, tay anh dìu nữ thần mùa xuân. anh là sứ giả của vị thần tuyệt đẹp ấy, phải không anh, hay bản thân anh là một sự thần thánh? mùa của sự sống, với em, bắt đầu từ lúc đó, ngày em khẽ khàng gọi người "persephone."

em thích cách anh chăm chú khắc hoạ mỗi bức tượng điêu khắc. em thích cái tinh tế của ngón tay anh khi nó miết trên bề mặt nhẵn thín của một sống mũi tạc, phác hoạ dải ngân hà tí hon từ vụn cẩm thạch lóng lánh giữa vầng nắng mai, và làm vẩn đục bầu không khí lặng tĩnh xung quanh. trong căn phòng yên ắng, nơi những kẻ lạc loài, đôi khi là đem lòng thù ghét thế giới này - cụ bà đeo kính gọng vàng, chàng hoạ sĩ thất nghiệp, cô kỹ sư xuề xoà, viên kẹo mút vị dâu chảy một nửa trên môi - tụ họp lại chỉ để trốn tránh, còng lưng, và thả hồn nơi dòng tơ tưởng, anh trở thành sự sống duy nhất ở đây. anh bàn luận hăng hái với giáo viên. anh thổi hồn vào từng phiến cẩm thạch lạnh băng hệt thần mùa xuân trút nhựa lên từng mầm lá ngủ. tự lúc nào, những bước chân trên vỉa hè đá vỡ chuyển thành nhảy chân sáo, lộp rộp những phiến lá khô, hoà nhịp với bài hát rộn ràng trong nỗi chờ mong trên con đường đến lớp điêu khắc mỗi thứ ba. em muốn nhìn anh một chút, một chút thôi, nhìn người chạm khẽ vào cằm bức tượng tựa chuẩn bị đặt nụ hôn nồng lên môi nhạt tình lang.

người bảo, kẻ lạ thường gọi người là apollo, là hermes, là poseidon. chưa ai đặt tên anh bằng thần mùa xuân cả. apollo quá sáng rực, hermes quá ranh mãnh, người thống trị biển cả quá đỗi tự kiêu. anh là nụ hoa đào nở sớm, là nốt nhạc đầu tiên trong bản sonata cung đô thăng thứ, là chữ cái viết hoa, còn đọng vết mực in, mở đầu quyển tiểu thuyết ba xu ngọt ngào, lãng mạn trên tay nàng thiếu nữ tuổi tròn trăng. anh là thế, luôn luôn xuất hiện với vương miện tự đan, những cánh hoa sương đẫm theo mùa được anh hái dựa vào mười hai bộ cánh của hà nội xưa: tháng hai sưa trắng, tháng ba gạo sắc đỏ, tháng tám hoa xoan tím, tháng mười hai cải vàng ươm. anh than thở vì không thể tôn vinh tháng năm, tháng sáu, bàn tay thần thánh nào đan được vòng hoa từ sen và phượng đây? - thôi nghiên tuấn. là anh đấy, anh ơi. persephone của em, persephone của hà nội.

"đừng hút thuốc khi đang nhào nặn linh hồn.", anh nghiêng người, chăm chú nhìn bức điêu khắc chân dung vị nữ thần mùa xuân, mỉm cười khi chạm mắt với hai con ngươi xinh đẹp phỏng từ bản thân rồi, bằng ngón trỏ và ngón giữa xinh xinh, nhẹ nhàng rút điếu thuốc khỏi môi em, đem bỏ.

"làm vậy, tức là vấy bẩn sự sống ngây dại chớm nở bằng sự dơ cạn của thế giới vật chất, của dục vọng thuần tuý, và của những gì nhơ nhuốc ở lòng ta. ừ thì, nghệ thuật là gương soi tỏ thế giới ngoài kia. nhưng đây là cuộc sống mà ta mong muốn ư, sinh linh nhỏ bé bị cướp đi quyền trong trắng từ những phút đầu tiên?"

không. em mong muốn một cuộc sống thanh bình, nơi căn nhà gác xép, tại hà nội, đèo người trên xe đạp lách cách xinh xinh. có lẽ là từ phút ấy, hoặc sớm hơn, giấc mộng viển vông quá đỗi trở thành thức nghiện mới của đời em. đừng cong cong khuôn miệng mọng ấy chứ, anh, đừng tự hào rằng mình đã đưa một người tới niềm đam mê khoẻ mạnh hơn. nào có, anh ơi, nó tai hại chẳng kém thứ khói thuốc xám xịt lan tràn buồng phổi ta. có chăng, đó chỉ là một kiểu trốn chạy tạm thời, một lối tắt, né tránh cái chết đau đớn, quằn quại ở giường bệnh bằng việc ngả mình vào mộng tình ngàn năm.

"một hộp thuốc lá đáng bao xu?"

"năm xu."

"ngừng mua thuốc lá, và dành dụm tiền để chiếm lấy anh đi.", giữa những khuôn mặt xám xịt độc thoại với bức tượng đá khô khan chẳng kém là bao, persephone dựa vào lòng em, một kẻ lạ, áo trễ nải, chào đón, quyến luyến, lẳng lơ, "chỉ khó ở chỗ rằng, ai định giá được một người đáng quý bao nhiêu?"

"chẳng một ai. nên là, người ơi, cho phép tôi chiếm lĩnh người như hades bắt cóc persephone.", bởi vì người là một kiệt xác. kiệt tác ấy mà, một số được loài người đào lên, tăm tia, soi mói và chỉ trích và mổ xẻ bằng những ngón tay cáu bẩn hoặc ống kính hiển vi, trước khi được trưng bày trong viện bảo tàng, nằm yên trong lồng giữa vòng bảo vệ của bốn kẻ lực lưỡng, cao to, nhưng lại thiếu một trái tim để sống chết vì nó như hiệp sĩ sống chết vì nàng công chúa dấu yêu, và lại tiếp tục bị săm soi dưới mắt vẩn người đời. hoặc, chiếm phần lớn hơn, chúng vùi sâu cùng năm tháng, cạnh những bộ xương queo quắt, nằm trong vòng tay thương mến của đất mẹ - bất kể quý hiếm, đáng giá ra sao, thoát khỏi mọi bình phẩm của người ta. và bởi chẳng có một ai, nó sống chỉ vì một ánh mắt thôi: thần địa ngục, "người có nguyện ý chăng?"

"thế nào cũng được, miễn người chiếm lấy anh.", quanh quẩn vành tai tôi, giọng anh thổn thức, nỉ non, "đi nào. cùng anh chạy tới điểm cuối của thời gian, nơi kim giờ chạy ngược."


phố vắng.

mùa thu không anh đang tới, trên những tán lá bàng ráng đỏ, trên mái hiên vơi bớt ánh chói chang, và trong cõi người lạc loài cô độc. mùa thu không anh, trời quạnh ngắt, gió hắt hiu, em chẳng buồn đuổi theo mùi hoa sữa đượm đà bao phủ từng ngõ tối, lối sâu, đọng nơi khoé mắt nhăn nheo của lão sáu đạp xích lô leng keng, leng keng. cần gì phải làm thế hở anh, khi chẳng còn bờ môi cong cho em nếm trọn vị thu buồn tháng chín? những cơn mưa rào lượn lờ, rải rác, ngày càng thêm thưa thớt: dường như ông trời trên cao cũng đã chán ngấy nỗi buồn ứ nghẹn cổ họng của em. chẳng một đám mây buồn khóc thương, chẳng một đoá hoa sưa nở trái mùa, trắng toát, để cùng xót xa cho cái chết của mùa xuân, cho đời ngủ say của người yêu muôn thuở. cuộc sống bước tiếp hệt vốn dĩ, thây kệ tình dở dang.

anh ơi, nơi cao xa ấy có gì đẹp đẽ chăng anh? đẹp đẽ hơn em, trái tim chắp vá mảnh vỡ nát từ những vết thương, trái tim gồ ghề sứt mẻ anh nâng niu hơn cả tượng cẩm thạch láng mịn như nhung, đẹp đẽ hơn buồn rầu hà nội? tử thần đã dùng vần thơ nào, tình thẳm nào để quyến rũ môi anh, để anh không cưỡng được lời mời gọi của cái chết tuổi hai mươi, hỡi anh, vị thần chết trẻ?

nếu bỏ nỗi sầu người ở lại một bên, ra đi có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của đời anh: mùa thu năm nay nhàm chán biết bao. như bức tranh ngắm mãi rồi cũng ngán, như tấm voan chồng quá nhiều vết tàn của lá và vàng ươm của nắng tới héo rũ đi, rã tan đi, như tấm áo rách vai mặc đến nhàu nhĩ mà anh tiếc số tiền đã mua. vẫn cảnh như thế, y năm ngoái, vẫn phạm khuê thổn thức với khoảng lặng vồn vã, vẫn thái hiền nao lòng trước phím đàn trắng đen, vẫn là nàng thơ của mọi tâm hồn say đẹp. phải chăng, bức tranh tơi tả ở mắt em, vì người ngắm cùng không buồn ngoảnh lại?

em đang thơ thẩn dọc phố thuốc bắc, những muốn ướm đượm trái tim rỉ máu bằng mùi thuốc sực nức từ các gian hàng xập xệ, nhỏ bé hai bên. em đang bước dưới tán đa xưa, cây đa trăm tuổi - hoặc hơn, những muốn hỏi loạt câu hỏi nhức nhối trong tim, về anh, và cả đời. nó đã chứng kiến bao trận khói súng? nó đã ru ngủ bao cậu bé bán báo, đánh giày, bán lạc rang? nó đã canh chừng mấy chiếc xe đạp vứt chỏng chơ, trong khi những cẳng chân gầy rộc và bé thơ mải chạy theo quả bóng tròn? và anh ơi, nó chứng kiến bao cuộc lìa đứt tựa chúng ta. em muốn mượn tán đa già, thành chú cuội leo đến cung trăng. em biết, em biết chứ, anh đang đi lạc ở một vì tinh cầu nào đó trên bầu trời vô tận vì sao. có lẽ anh đang mải mê tìm loại đá hoàn hảo cho tác phẩm tiếp theo - tượng nàng venus dưới ánh trăng, thậm chí là đang điêu khắc dải ngân hà trong mê say, chẳng nhớ em dù chỉ một lần.

nhưng em chẳng thể nhìn thấy điều huyền diệu, hùng vĩ và tráng lệ, cùng anh. vì em còn ở dưới trần gian. em, cậu sinh viên khoa văn gốc hà thành đương tuổi mười chín, thân thuộc hơn với lũ trẻ loắt choắt đáng thương xin em mua tờ vé số, với tiếng cụ lê rao bánh dày, bánh giò, bánh bao đây, với nàng nữ sinh nhẹ nhàng thả vành xe đạp cho ngọn gió lướt qua, và với dăm chục kiếp tàn tự đóng mình trong cỗ quan tài quần âu, mũ nồi, áo sơ mi, chúi mũi đọc dòng chữ bé tí hin trên tờ báo "ngày nay", hay tranh luận nhau về ông này bà nọ. ly cà phê đắng ngắt, nhạc trữ tình ủ ê, phải chăng chúng quá đời thường, quá trần tục với thần thánh như anh? ngay cả mối tình chúng ta, từ phút đầu tiên, đã khác xa một mối tình trần tục.

em đang đi bộ trên vỉa hè, nặng nề dẫm lên thềm lá úa, lốp cốp, lốp cốp, chào buổi sáng bác hà bán món cháo sườn thơm. em lướt vội mái ấm của chúng ta, chẳng dám dừng chân, nhưng lại không thể kiềm con ngươi ướt đẫm xuyên qua ngàn ngàn tán lá đan xen, tìm kiếm hoài bóng một sống lưng cong mải miết chạm khắc hồn. anh bảo mình cùng nhau về điểm cuối, rồi nắm tay em đến căn nhà ba tầng đánh số mười lăm. em đã mê mẩn biết bao, cái cảnh anh nép mình bên rừng hoa giấy đổ ào ào từ mái ngói, loang lổ tràn bậc ốp đá xanh, màu cánh tím man mác tựa tà áo của nàng thơ: người con gái nghiêng nghiêng vành nón lá trên con đò xứ huế mộng mơ, thả trôi trên sông hương như tình ta trôi qua đôi môi chạm.

xin người đừng vội trách em cạn kiệt tình ái. xin đừng trách trái tim sầu tội quên người quá nhanh, anh ra đi khắc chớm hạ, sang thu em đã vội bỏ tình mà đi.

chỉ là, anh ơi, em không còn chịu nổi. em không chịu nổi chiếc giường đơn chỉ có một người. nhân loại lắm bận thật xuẩn ngốc biết bao, phân chia đơn đôi theo số lượng xác thịt một cái giường chứa được. họ chẳng biết rằng, khi hai trái tim chen chúc nhau trên chiếc giường sắt rỉ nát và cập kênh, khi chúng hoà chung một nhịp đập với nhau, và thề nguyền dưới ánh rằm tháng năm, đó mới là đôi lứa cận kề. em không chịu nổi, người lạ bước gần thềm cửa, mà em tưởng là tiếng gót chân anh nhảy giữa nền the second waltz trên đài phát thanh, điên dại theo từng lần nhiễu sóng, xoay, xoay, xoay, xoay tròn nơi tâm tưởng. em không chịu nổi, chiếc áo len anh đan dở nằm chỏng chơ ở ghế bành, giữa đống sách phân tích nghệ thuật ngổn ngang, em không chịu nổi, đêm trường mơ ngủ, ác mộng, thức trắng, vừa khóc vừa hoàn thành món quà mùa đông, tặng bân, chàng nghệ sĩ tháng mười hai. tấm thiệp viết vội được anh đề thế vậy. em không chịu nổi, tiếng vĩ cầm ảo não, rỉ rên của nàng sinh viên năm nhất thất tình luôn, có sao đâu, anh thích, anh nói, khiêu vũ xuyên đêm. tiếng đàn khóc, que vô tình chọc vết cắt nhỏ đóng vảy trong lòng bàn tay, đau. em khóc.

tổ ấm nhỏ nhắn của chúng mình được trao cho một cặp vợ chồng già với mái tóc bạc phơ, tựa ông bụt trong truyện cổ tích mẹ kể em nghe, mẹ ru em ngủ. tình yêu loé lên trong ánh mắt đục mờ của họ, tuấn ơi, nó giống hệt luồng sáng khi anh nhìn hồn em. khi anh thuộc về em. họ giống đôi ta đến rùng rợn, bà là nhạc sĩ, ông là nhà văn, một mối tình lãng mạn và đằm thắm chẳng giống ai, cũng chẳng cần tuân theo trình tự nào cả. và hai mảnh hồn già nua đã vỡ oà, rằng đây là chốn thiên đàng để thả mình vào sáng tác, để sống và để yêu. tuyệt vời lắm, đúng không anh, cái chết của mối tình chúng ta là khởi đầu cho chương mới của một cuộc tình chẳng kém bi thương, hay, như em đề ở trên, chẳng kém đẹp.

không hẳn là cái chết, bởi họ đồng ý cho hồn người ẩn trú tại căn nhà số đánh số mười lăm. sẽ không ngòi bút nào rời cuốn sổ. sẽ không ấm mì ăn dở bị vứt bỏ. những mẩu giấy báo nguệch ngoạc anh nhắc bản thân dậy đúng giờ, nhắc mình giặt quần áo, nhắc em ngủ đủ giấc và sống vui, chúng sẽ rải rác quanh nhà hệt như anh vẫn ở đây, đợi anh trở lại. rằng không một bức tượng điêu khắc nào sẽ dịch chuyển, dù chỉ một li. ông bảo, với một cái ôm ấm, với nụ cười giản đơn, như chính vần thơ và nét bút của ông, rằng con luôn được chào đón, con có thể trở về bất cứ hôm nào lòng bối rối nhớ anh.

bà hỏi, cháu ổn không? em mỉm cười, cháu ổn.

anh ơi, anh gọi tình mình là tình đầu, anh gọi nhà mình là điểm cuối. vậy, tại sao, trả lời em đi anh, chân em bước qua giàn hoa giấy nhà ta, và con đường phủ lá khô vẫn chùng chình, trải rộng?

và vì sao, giữa biển người ngược xuôi, cuộc tình thứ hai chẳng tồn tại?



đầu trần.

mưa rơi rả rích lên những mái nhà. mưa rơi rả rích trên con đường xám xịt phút cuối thu. mưa rơi rả rích, xót thương cho cái số vô danh buồn của nó và những chị em, chúng cứ ở đó, đi rồi đến, chẳng kẻ lạ để tâm như mưa phùn, chẳng cặp nhân tình trẻ tuổi chạy trốn như mưa ngâu, chẳng vụt bóng trong vần thơ gieo vội, nguệch ngoạc, thậm chí không tên. ai đặt tên cho mưa nhẹ đầu đông? mưa rơi rả rích, luyến lưu mùi hoa sữa nồng nàn dưới phố, cố gắng níu hồn thu phai nhạt, trước khi cái lạnh buốt giá đặc trưng của mùa đông hà nội đổ tới, phết gam màu chán chường trên từng phiến đá rêu phong. sao trách nó đây? suy cho cùng, mọi sự sống trên đời chỉ quan tâm tới chính mình và những người nó yêu. hà nội không yêu anh, cớ sao nó buồn chặn gót hồng người lại?

nhưng đôi mình vẫn mù quáng đơn phương thành phố ấy. nhưng, sau tất cả, em vẫn không thể bỏ hà nội như không thể bỏ anh. bởi vì, hà nội cũng giống em, đều là nghĩa địa bung nở những khóm hồng vì chuyện tình của ta, đều là nơi chôn màu kỷ niệm. từng ngõ hẻm, từng góc phố, lẩn quất quán cơm bụi anh kéo em đi. đâu đó gánh phở thơm ngạt ngào buổi sáng sớm, hay quầy bánh mì chả lụa nhanh nhách thơm ngon, sưởi ấm đôi mình giữa tháng mười giá lạnh.

đôi khi, em tự hỏi, hà nội liệu có một nàng - hoặc chàng - thơ, hà nội sừng sững cùng tháng năm vì thứ gì? người ấy, người may mắn được hà nội yêu thương, và có lẽ còn nhiều hơn đôi ta yêu nhau ấy, là ai? còn sống hay đã chết? nếu người đã chết, như tình đã chết, như anh mỉm cười trên di ảnh đã chết, thì hà nội mới đáng thương thay! chúng em - hà nội và em - mở cửa cho dòng người dạo chơi trong tâm hồn, mong sao tìm được kiếp sau của gót hồng thân thuộc. hà nội giống em quá, giống đến đớn đau, vì hiểu lòng nhau nên không thể xa biệt.

nói vậy, phải chăng, từ khoảnh khắc người bung nở trong căn phòng học tối tăm, em chưa từng hiểu thôi nghiên tuấn của em như mơ tưởng?

bà vừa gọi điện, báo rằng cơn mưa không tên bất chợt và mái nhà đương dột đã phá huỷ vài bức tượng sáp của ta. khuôn miệng móm mém của bà xin lỗi luôn, rằng dù không quen anh, huống gì đến chuyện gặp anh, tim bà vẫn vỡ tan trước cảnh tượng sáp chảy bết ra, nhơ nhớp đi, giọt lệ trời bào mòn phân nửa khuôn mặt. bà thủ thỉ, cảm tưởng như đang nhìn người ấy chết. không sao, em an ủi, bà yên tâm. bức tượng đó chẳng có hồn đâu. tiếng lộp độp vọng khắp mái tôn che lấp giọng nức nở của đầu bên kia. em nhờ bà đặt tên cho trận mưa hôm nay, rồi đơm lời tạm biệt.

chà, nếu anh còn ở đây, hẳn rồi, anh sẽ nhủ, tại sao tượng điêu khắc lại trôi nửa hồn đi? anh ơi, anh không hiểu. anh không hiểu, rằng trước ngày anh đến, mọi bức tượng với em đều giống nhau. chúng chỉ là một cục sáp hoặc tảng đá lạnh băng, chẳng một hơi thở sự sống, ở đó chỉ như một trò giết thì giờ vụt qua, một điểm dừng chân như mọi điểm dừng chân trên hành trình tìm kiếm mục đích cuộc đời. và rồi anh đến, nắm lấy tay em, rồi bằng tay em, anh thổi hồn vào đôi môi đương nở. những ngón tay thanh mảnh bọc lấy tay em thô ráp, giọng người vẩn vương từ nơi hiu vắng, đừng run, anh bên em. bằng cánh môi khép hờ, người nói với em, bức tượng này thể hiện niềm vui trong đêm thân trần quyện vào nhau. bức tượng này là nỗi buồn một chiều tháng tư, ngày em hờn dỗi chẳng về nhà. bức tượng này là đau khổ, xương sườn bục khỏi da, dáng vẻ quằn quại, tựa cái nhức nhối trong tim em mỗi lần xa thành hà nội. hôm nay chúng ta hôn nhau lần đầu tiên, anh rất vui, mình có thể cùng khắc hoạ mảnh tượng hạnh phúc chăng? hôm nay là kỷ niệm ba năm bên nhau, em muốn hoạ điều gì?

nghiên tuấn, nhờ có anh, từng bức tượng trở thành đặc biệt, mỗi dáng vẻ đều là một cột mốc trong truyện tình của chúng ta. anh nắm tay em, dạy em thế nào là vui, buồn, hờn, thương, dạy em thế nào là cảm xúc. anh nắm tay em, cho em chạm vào nốt trầm bổng thăng giáng, những tầng cảm xúc hư ảo và khẽ khàng tới mức em vẫn tưởng là mơ, cho đến khi một cặp mắt sáng ngời ánh ô liu nhìn thẳng vào em, moi móc chúng ra, và nhào nặn chúng thành thứ vật chất diệu kỳ sờ, nắn được. qua bàn tay anh nắm tay em, sự giận dữ chạm vào lớp da thô, ran rát. cái buồn trơn tuột, nỗi nhớ mượt như tơ, niềm vui khúc khuỷu trên đầu ngón tay tựa cuộc phiêu lưu trong tâm tưởng chàng thiếu niên, nhiệt thành và cuồng dại.

anh đi, gót hồng bước đi, thuỷ triều cảm xúc ấy nối chân anh. và những bức em từng đêm ngày ngắm nghía, tự hào vì kỹ thuật lên tay của bản thân, nay chỉ còn cái vỏ bọc mục ruỗng. cặp mắt vô hồn. khoé môi vểnh cứng đơ. có chăng bởi, từ ngày còn nhỏ, em đã bị chủ đề về cái chết thu hút hơn hẳn những món đồ chơi, mọi thứ, với em, là mồ chôn của một điều. vạn vật chỉ có ý nghĩa khi chúng là mồ chôn. những bức tượng điêu khắc từng là bia đá của dòng cảm xúc, của những dấu chân quan trọng trên hành trình bước trên triền cát gọi "đời" của chúng ta. sóng gầm, trời nổi bão, em quay lại, và dấu chân ấy đã bị gió cuốn trôi, rơi vào hư ảnh.

chẳng còn lý do gì để em thương chúng nữa.

mưa vẫn rả rích rơi, năm này, tháng nọ. em chẳng rõ mình đã lang thang bao lâu. em chẳng biết phải chờ đợi điều gì. chừng như là một tiếng lạch bạch, lõm bõm, một bước chân tiến gần, mười ngón chân trong tất thủng rướn thật vội vã. chừng như là một tán ô che, là lời trách cứ nhẹ, "sao lần nào cũng quên ô vậy hả, bân?". em quên, em cố ý quên, cầu người bên em lâu như thế đó. mưa vẫn rả rích, ô vẫn treo lơ lửng trên khung cửa sổ tầng hai của nhà ta, oằn bộ khung vặn vẹo với gió kêu. năm ngón tay dính sáp vội nắm lấy cán ô? - mãi mãi là kiệt xác. mãi mãi vùi dưới đất nghĩa địa cằn cỗi.

anh nghiên tuấn, anh đã thề với em, tóc xanh đôi mình sẽ ngả bạc cùng nhau. sao nay đời chỉ còn mình em, đầu trần, sũng sượi? và có chăng, lời hứa bên nhau chỉ là sự an ủi. tuấn ơi, em sẽ để đầu trần đi theo nắng tháng sáu, mưa tháng giêng, mây mù tháng ba, cơn giông tháng chín. em sẽ mặc đầu trần, cho nó phai sắc xuân thì theo nhịp giờ xiết mạnh. em sẽ bước đi mãi dưới tán bàng xanh, cho chân tóc đượm sắc hoa sưa, đi tới từng ngõ ngách hà nội đôi ta chưa biết, đến khi hai chân mỏi nhừ và tóc mái trắng phau.

nay, em hiểu, vì cớ gì hà nội tồn tại, hít thở ngay trên phần mộ của người tình nó mến thương. cũng giống như em, nó không sợ chết đi. và cũng giống như em, nó mong muốn mai này, ngày đẹp trời nào đó, nếu máy bay địch đánh bom, đốt cháy từng khúc xương, nếu thiên tai gõ cửa, chẳng đoái hoài sinh mạng của đàn kiến lúc nhúc dưới ngói tranh, hoặc chỉ đơn giản là nó tàn lụi, bị bỏ mặc, và chết trong nỗi cô đơn, nó sẽ giữ gìn thật nhiều câu chuyện để kể cho người tình nhân. để người tình nhân trung trinh, từ mẩu chuyện vụn vặt kia, khắc hoạ những mảnh hồn sống động, thổi bừng sự sống từ đống tro tàn của hà nội băm sáu phố phường thuở ngày xưa.

nghiên tuấn, persephone, phần hồn của bức tượng, áo len đan dở, điệu nhảy trên cặp gót hồng của em,

anh có biết chăng, chuyện hà nội ngàn năm phải lòng mùa hoa tàn ngắn ngủi?

hỏi khó quá, bân ơi.

thế anh có biết chuyện đời đôi mình cần nhau?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro