Trận chiến đảo Corregidor

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bây giờ xin trở lại cứ điểm cuối cùng còn lại của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân là hòn đảo nhỏ Corregidor nằm chơi vơi ngoài vịnh Manila . Tướng Homma bắt đầu cho nã đạn dữ dội vào đảo để xua quân đổ bộ đánh dứt điểm càng sớm càng tốt . Ngày 29 tháng 04 , có lẽ để ăn mừng ngày sinh nhật của Thiên Hoàng nên cường độ pháo và bom của họ rót vào đảo Corregidor tăng lên một cách khủng khiếp , tưởng chừng như cây cỏ đất đá ở đây đều bị nghiền nát dưới một hỏa lực kinh hồn . Lại thêm hai kho đạn bị nổ tung khói bay mù mịt , khu rừng hoang bị bắt lửa cháy lan đỏ rực một góc trời . Từ xa nhìn lại hòn đảo nhỏ đã như biến đâu mất , chỉ còn lại một đám khói lửa mù trời dưới tiếng rầm rú của phi cơ và bom đạn . Và cứ như vậy cho đến ba ngày liên tục , hỏa lực của Nhật lại tập trung vào hai khẩu đội pháo Geary và Way . Đây là chốt phòng thủ chính chận đường tấn công từ đất liền ra mà Nhật cần phải triệt hạ trước khi cho quân đổ bộ . Ngày 02 tháng 05 hai chốt phòng thủ cứng ngắt này đã hứng đủ hàng ngàn quả pháo nên dù kiên cố đến đâu cũng phải trở thành bình địa . Bấy giờ sự phòng thủ ở Corregidor chỉ còn trông cậy vào 4 ngàn tay súng nhưng đã có gần 1000 lớp chết lớp bị thương do những cơn mưa bom pháo liên tục mấy hôm rồi . Tuy nhiên , trong số 3000 quân còn lại này chỉ có khoảng 1300 tay súng được huấn luyện kỹ vì họ thuộc Trung đoàn 4 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ , phần còn lại là một nhóm hỗn hợp của quân Phi Luật Tân , pháo thủ và những người tị nạn từ Bataan tới . Sự sinh hoạt bên ngoài địa đạo tuy nhiều nguy hiểm song cũng còn có chút thoải mái vì nhờ không khí khoảng khoát và ánh nắng mặt trời , nếu so với cả 10 ngàn người đang chui rúc trong những hầm hố chằng chịt tăm tối bên trong thì họ còn may mắn hơn nhiều . Nên biết hệ thống địa đạo chằn chịt của đảo Corrigedor được thiết lập từ lâu . Những lối đi ăn thông với nhau sâu trong lòng núi và những hầm trú ẩn rộng lớn với đầy đủ tiện nghi có thể chứa đến vài ngàn người .

  Nhưng trong tình trạng mõi mòn kiệt quệ như lúc này , con số 10 ngàn đã là quá chật chội lại thêm trên đầu mưa pháo cứ tuôn xuống không ngừng nghỉ . Tướng Homma đã quá mất mặt với Đông Kinh nên ông rất nóng lòng muốn nhổ đi cái gai trước mắt càng sớm càng tốt , ông cho tập trung tất cả đại pháo và phi cơ của cả quân đoàn quyết san bằng đảo Corrigedor cho được mới nghe . Với một hỏa lực kinh hồn như vậy dù sắt thép cũng phải tan huống chi là núi đá và hầm hố nhân tạo . Nhưng hầm hố ở đây quá kiên cố , tuy không bị hề hấn gì nhưng cũng phải rung rinh khiến cho những ai đang sống bên trong càng cảm thấy lồng ngực mình như bị vỡ tung ra , bên cạnh khói lửa bụi mù cứ tuôn vào làm cho nhiệt độ tăng lên gấp bội , không khí như bị tắc nghẽn . Lại thêm những xác chết trong căn hầm bệnh viện xông ra nồng nặc càng làm cho những kẻ sống sót cứ ngỡ như mình đang ngồi trong hỏa ngục chịu cực hình .   

  Ngày 03 tháng 5 Tướng Wainwright được thuộc cấp báo cáo là lượng nước dự trữ sắp cạn . Ông vội điện về cầu cứu với Tướng Mac Arthur . Hôm sau , pháo lại nã vào dữ dội . Hơn ngàn tay súng của đội phòng thủ cuối cùng đều kinh hoàng rút sâu vào các giao thông hào cạn nằm chồng lên nhau , trong khi hơn 10 ngàn người phía bên trong địa đạo lại thêm một phen ù tai ngột ngạt , nhiều thương binh vì sức quá yếu chịu đựng không nỗi chết nằm la liệt . Chỉ huy trưởng đơn vị phòng thủ này là Tướng Wainwright , ông nhìn thấy tình hình đã quá tồi tệ , Nhật có thể tiến chiếm cứ điểm này bất cứ lúc nào . Ông Tướng được Mac Arthur phó thác làm Tổng tư lệnh liên quân trên toàn lãnh thổ Phi Luật Tân bây giờ chỉ còn ngót hơn ngàn tay súng và 10 ngàn người tị nạn sống chui rúc trong các địa đạo đang đối mặt với bệnh tật và đói khát , trong khi hỏa lực địch càng lúc càng tăng dần khiến cho ông thấy trách nhiệm của mình thật khó mà đảm đương . Ông tuyệt vọng càng nghĩ càng thở dài ảo nảo .

  Trong khi ấy lịch trình tiến chiếm đảo Corregidor của Homma đã bị đình trệ hơn hai tuần , lý do vì cơn dịch sốt rét rừng bùng phát dữ dội ngay tại điểm dừng quân trong một thung lủng miền Nam bán đảo Bataan , bắt buộc họ phải tạm hoản chiến dịch chờ thuốc kí-nin chuyển tới từ Nhật Bản . Vì thế vị chỉ huy trưởng Homma càng thêm nóng ruột với cái gai khó nhổ khiến mình càng thêm khó ăn khó nói với cấp lãnh đạo ở Đông Kinh .

  Chiều ngày 04 tháng 05 , Tướng Homma đứng trên một bến tàu nhỏ nơi cuối mõm Bataan , băn khoăn nhìn theo đoàn tàu chuyển quân đang từ từ tiến về hướng Corregidor . Một đoàn quân đổ bộ gồm 2000 quân nhân cùng vài chiếc chiến xa được lệnh tiến công vào điểm cuối cùng mà họ nghĩ là sau mấy ngày mưa pháo đã nghiền nát đội phòng thủ ra tro bụi . Sự suy tính này không đúng hẳn bởi vì hiện tại dù tình hình quá đen tối nhưng trên đảo Corrigedor vẫn còn hiện diện một con số dân sự cũng như quân sự hơn mười ngàn , một con số mà Tướng Homma không thể nào ngờ được .

  Hai ngàn binh sĩ Nhật được tàu lớn đưa ra đảo , họ chia ra làm hai điểm đổ bộ ở phía Bắc đảo rồi từ đó chia ra làm hai cánh tiến về phía bờ Tây , nằm phục kích trên ngọn đồi Malinta chờ cho thêm một trận mưa pháo nữa sẽ trút xuống vào đêm sau rồi mới xung phong dứt điểm . Không ngờ thiên bất dung gian , trong màn đêm mù mờ chiếc tàu chở quân đầu tiên bất định được phương hướng trong khi nước thủy triều rút cạn nên phải ủi bừa vào một bãi trống . Rũi thay , bãi đổ bộ mà họ vừa cập lại đúng là ổ đại liên của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ chực sẳn . Trước những mục tiêu xuất hiện rất gần , những khẩu đại liên đồng loạt nhả đạn và hàng chục bóng người gục ngã ngay trên những bước chân đầu tiên vừa chạm các . Đại tá Sato , chỉ huy trưởng tức tối ra lệnh cho đoàn tàu mau mau lui ra nhưng đã quá chậm , hai chiếc đầu tiên cập bến bị hỏa lực Hoa Kỳ tiêu diệt còn lại mấy chiếc khác vội vã chuyển hướng sang bờ phía Đông , tức là ngay phía cửa miệng của địa đạo Malinta .

  Giữa đêm đó tin đưa về địa đạo báo cáo với Tướng Wainwright rằng có khoảng 600 quân Nhật vừa đổ bộ . Trước bản tin bất ngờ , vị tướng chỉ huy im lặng xuất thần gần ba tiếng đồng hồ . Rồi tin báo cáo thứ hai đến , toán phòng thủ mặt tiền cách miệng địa đạo chỉ một dặm đã bị tràn ngập . Thật trớ trêu làm sao , ngay trong lúc phải dối diện với giây phút sinh tử , một điện tín từ Tổng Thống Roosevelt gửi tới cho vị chỉ huy trưởng liên quân Phi Luật Tân mang theo một thông điệp kêu gọi toàn quân cố gắng chiến đấu , một chiến thắng vẻ vang đang chờ đợi không xa .

  Trước lúc bình minh , một toán thủy thủ 500 người , họ là một đội quân không một chút kinh nghiệm chiến đấu trên cạn , một đơn vị trừ bị cuối cùng của Tướng Wainwright được lệnh rời địa đạo ra ngăn giặc . Đội quân này kết hợp cùng những sĩ quan chỉ huy Thủy quân lục chiến còn sống sót tấn công vào những đơn vị tiền phong của Nhật khiến cho họ phải một phen kinh hoàng và bị ép thối lui về sau . Nhưng chỉ được vài tiếng đồng hồ yên lặng để chính đốn lại đơn vị , quân Hoa Kỳ giật mình khi phát giác ra tiếng rầm gú của xe tăng đang ùn ùn kéo tới . Wainwright hoàn toàn thất vọng khi biết rằng địch đang xử dụng xe tăng để đàn áp con cái của mình ngoài kia , ông lắc đầu than thở “Coi cái mòi này thì mình không thể kình chống họ lâu hơn nữa được rồi” . Và ông lại tưởng tượng ra hình ảnh xe tăng địch chúi mõm vào cửa địa đạo mà khạc lửa đốt ngạt những người đang trú ẩn bên trong . Một phiên họp cấp tốc được mở ra , ở đây Wainwright ra lệnh cho Thiếu tướng Lewis Beebe chuẩn bị liên lạc với địch quân để bàn việc đầu hàng . Đoạn ông trở về phòng làm việc đánh một bức điện tín cuối cùng trình bày với Roosevelt về tình hình quá tồi tệ và để tiết kiệm xương máu của những người vô tội ông quyết định đầu hàng . Waiwright tỏ lời xin lỗi với tổng thống rằng ông lấy làm hỗ thẹn khi sứ mạng bất thành .

  Lúc này Tướng Homma đang ngồi ở bộ chỉ huy chờ đợi kết quả nên chẳng biết rõ những gì đã xảy ra ở Corregidor . Một báo cáo đầu tiên gởi về làm cho ông lo ngại hết sức là đợt đổ quân đầu tiên khi tàu cập bến gặp sức kháng cự mạnh mẻ của quân trú phòng gây thiệt hại trầm trọng . Một đợt đổ bộ khác được lệnh rời bến ngay với 21 tàu lớn chuyển một số quân gấp đôi và theo tình hình mới này , âm mưu đổ bộ đã bị địch quân phát giác nên kế hoạch phi pháo không còn cần thiết nữa . Homma ôm đầu nghĩ ngợi ra vẻ lo lắng vô cùng , nếu lần này mà còn thất bại nữa thì cầm chắc Đông Kinh sẽ cho ông về nhà cầm chổi đuổi gà cho vợ chớ không sai .

  Bất ngờ một sĩ quan tham mưu chạy ùa vào văn phòng như cơn lốc với một báo cáo mới làm cho Homma phấn chấn lạ thường là Corregidor đã trương cờ trắng , Wainwright buông súng đầu hàng . Homma cười híp mắt thở phào và ra lệnh cho Tướng Nakayama tức tốc dẫn độ Wainwright vào Bataan .

  Buổi chiều cùng ngày , lúc 4 giờ , bại tướng Wainwright khó nhọc chống một chiếc gậy lê bước theo những sĩ quan tham mưu giữa đám quân Nhật trên con đường áp giải để đến một địa điểm mà họ đã chọn sẳn gặp ông . Nhóm sĩ quan Hoa Kỳ được đưa vào một ngôi nhà nhỏ nằm giữa khu rừng đước um tùm . Ở đây họ được phát nước uống và đối diện với một nhóm phóng viên nhà báo Nhật , họ đang bu quanh chụp ảnh và phỏng vấn ồn ào .

  Lúc 5 giờ chiều , một chiếc xe nhà binh đổ tới , Tướng Homma xuất hiện với bộ tướng đường bệ trong bộ quân phục gọn gàng . Homma bước vào nhà , giơ tay chào theo đúng quân cách rồi mĩm cười , nhỏ nhẹ thăm hỏi sức khỏe hết thảy các sĩ quan . Wainwright lên tiếng cám ơn rồi tất cả cùng ngồi xuống quanh một chiếc bàn , ông trao ra một văn bản đầu hàng của Corregidor và ba hòn đảo phụ cận thuộc quyền kiểm soát của quân đội Hoa Kỳ trong vịnh Manila là : Forts Hughes , Drum và Frank . Tướng Homma dù rất thông thạo Anh ngữ nhưng vì muốn các sĩ quan tham mưu của mình hiểu rõ hơn nên ra lệnh cho thông dịch viên đọc lại bằng Nhật ngữ . Khi người thông dịch đọc xong văn bản đầu hàng của Wainwright thì vẻ mặt của Homma trở nên lạnh lùng , ông bảo “Tôi chỉ chấp nhận đầu hàng trong điều kiện tất cả binh sĩ trên toàn lãnh thổ Phi Luật Tân cùng buông súng đầu hàng một lượt”. Wainwright vội giải thích rằng lực lượng phòng thủ ở quần đảo Visayan và Mindanao không nằm dưới quyền chỉ huy của mình . Những căn cứ trên hai quần đảo này nằm dưới sự chỉ huy của Tướng Sharp , một vị tướng trực tiếp nghe lệnh của tư lệnh Mac Arthur .

  Homma cau mày ngẫm nghĩ “À , cái thằng này định chơi khăm ông đây mà !” . Rồi ông bảo viên thông dịch hãy nói rõ cho Wainwright biết rằng chính phủ Nhật Bản đã có đủ bằng chứng từ Hoa Thịnh Đốn chứng tỏ rằng ông là một vị chỉ huy tối cao cho toàn thể lực lượng hỗn hợp trên chiến trường Phi Luật Tân . Wainwright cố bào chửa rằng vì nhận lệnh trực tiếp của Mac Arthur nên Tướng Sharp sẽ không bao giờ chịu nghe lệnh của mình . Homma không giằng được cơn giận , ông nắm chặc hai tay đấm mạnh xuống bàn và quay lại nhìn thẳng vào vị tân tham mưu trưởng của mình là Trung Tướng Takaji Wachi mà hỏi “Chúng ta nên làm gì bây giờ hả Wachi ?” . Wachi chỉ đáp lại mỗi một câu “Hắn ta đang nói láo !” . Homma nhìn sòng sọc vào Waiwright nhấn mạnh từng lời “Nếu thế thì không còn chuyện thương lượng nữa !” Và giọng ông ta trở nên cứng ngắt như ra lệnh “Nếu ông không phải là vị chỉ huy tối cao ở Phi Luật Tân thì sự hiện diện của tôi ở đây không cần thiết nữa” Nói xong ông vùng đứng lên định bước ra . Những sĩ quan Hoa Kỳ hiện có mặt đồng kêu lên “Xin hãy chờ một chút đã” rồi đưa mắt nhìn nhau như ngầm hội ý . Trong một thoáng Wainwright đã hiểu rõ ý tứ của anh em nên hướng về phía Homma , lấy hết nghị lực mà nói “Sự thật thì đây là một cuộc đổ máu quá vô ích . Tôi xin hứa sẽ đứng ra kêu gọi toàn thể lực lượng Hoa Kỳ trên lãnh thổ Phi Luật Tân buông súng đầu hàng mặc dù tôi biết mình sẽ bị chính phủ của mình phản đối”. Trước sự thay đổi thái độ bất chợt của Waiwright khiến cho Homma càng hoài nghi thiện chí của vị chỉ huy quân đội Hoa Kỳ , ông gật đầu rồi nhẹ nhàng bảo “Thôi mấy ông hãy về đảo Corregidor để suy nghĩ kỹ lại đi . Nếu như muốn thật sự đầu hàng thì liên lạc với viên sĩ quan trung đoàn trưởng trung đoàn hiện đang có mặt ở đảo Corregidor , ông ta sẽ tháp tùng cùng ông đến gặp tôi sau ở Manila . Cuộc gặp gỡ đến đây coi như chấm dứt . Thôi xin chào , chúc một ngày tốt lành đến với các ông” . Đoạn ông bước ra xe khoát tay bảo tài xế vọt đi thẳng , để lại cho đám sĩ quan chiến bại ngồi ngơ ngác trơ mắt nhìn nhau . Tướng Wainwright trầm ngâm bên khói thuốc , giây lâu ông ngước nhìn lên và hỏi Nakayama , người sĩ quan thông dịch “Bây giờ mấy ông muốn chúng tôi phải làm gì ?” . Nakayama trả lời cụt ngủn “Về lại căn cứ của các ông ở đảo Corregidor chớ còn đi đâu mà hỏi” .

    Vì bất đồng ngôn ngữ nên sự trao đổi giữa hai bên phải qua trung gian của viên sĩ quan thông dịch nhưng khổ nổi anh này là một người có thể liệt vào hạng lười nói nên không thể diễn đạt được hết ý của hai phía , việc tệ hại này dẫn đến hoang mang nhiều cho nhóm tướng tá Hoa Kỳ . May thay trong lúc đó có Kazumaro Uno , một nhà báo xuất thân từ một gia đình sinh sống nhiều năm ở Hoa Kỳ , anh lớn lên và đi học ở bang Utah nên nói thông thạo hai thứ tiếng . Uno lên tiếng ngõ lời chia buồn cho cảnh ngộ khốn khổ của nhóm sĩ quan Hoa Kỳ và cắt nghĩa rõ cho Nakayama biết rằng Wainwright thật sự rất muốn hợp tác với chính phủ Nhật , ông sẳn sàng kêu gọi lực lượng đồng minh ở Phi Luật Tân buông súng đầu hàng .

  Nakayama dường như hiểu ra và bảo rằng ông sẽ hiệp đi cùng Wainwright trở về đảo Corregidor . Nhìn vào vẻ mặt hốc hác của Wainwright , Nakayama nói “Việc làm đầu tiên ngày mai là ông phải đi gặp Tướng Homma cùng với văn bản đầu hàng mới , cũng như hứa phải liên lạc với các lực lượng còn lại trên toàn lãnh thổ Phi Luật Tân để kêu gọi họ đầu hàng

  Lúc khoảng nửa đêm Tướng Wainwright cùng ban sĩ quan tham mưu được áp giải trở về cửa phía Tây của địa đạo Malinta . Trên đoạn đường chật hẹp này họ phải len lỏi xen qua những nhóm tàn binh Hoa Kỳ và Phi Luật Tân , họ đứng nghiêm khi Wainwright đi ngang qua , vài người trong bọn họ bạo gan bước ra đưa tay nắm lấy bàn tay vị chủ tướng bại trận và thì thầm vài câu trấn an “Chắc không sao đâu thưa Trung Tướng” , có kẻ lại an ủi “Dù sao thì Trung Tướng cũng đã tận lực tận tâm rồi” . Wainwright bịn rịn trước tình cảnh gắn bó huynh đệ chi binh , chân ông chầm chậm bước đi trong khi dòng lệ nghẹn ngào đang dâng trào nơi khóe mắt .

  Sáng hôm sau , người Nhật ra lệnh Wainwright cho vời viên sĩ quan hành quân của ông là Đại tá Jesse Traywick vào phòng bàn việc . Vì cùng ngày hôm ấy họ sẽ mang vị Đại Tá này đến đảo Mindanao nên buộc Wainwright phải viết một lá thư khuyến dụ đầu hàng giao cho Traywick trao tận tay Tướng Sharp và kể rõ tự sự cho ông hiểu . Wainwright bất nhẫn trong lòng nhưng không thể nào cưỡng lại được đành riu ríu làm theo . Họ còn ra lệnh cho Đại Tá Traywick nếu trường hợp Tướng Sharp nghe theo thời thôi bằng chống lại thì phải bắt sống hoặc bắn hạ ông ta ngay . Wainwright nghe qua mặt mày nhăn nhó , ông thầm nghĩ “Tụi khốn nạn này chơi cái trò độc địa thiệt đa . Nó dùng uy quyền của mình để chiêu dụ thuộc cấp của mình đầu hàng . Ôi cái tin này mà bay về Hoa Thịnh Đốn thì ta đây thân bại danh liệt ngay” . Ông cúi đầu miệng thì thầm “Thật là cái tụi lùn này nó đang cố tình làm nhục mình đây mà” . Càng nghĩ ông càng oán họ đến thấu xương nhưng thân là bại tướng thì đành ngậm đắng nuốt cay mà thở dài .

  Chiều hôm ấy họ đưa ông và nhiều sĩ quan tham mưu khác xuống một chiếc tàu chiến để vào Bataan . Ở tại bến Lamao , phải chờ đến hai tiếng đồng hồ sau cả bọn mới được cấp phát bửa ăn đầu tiên sau hai ngày trời . Một chút cơm nguội và nhúm cá khô , đây là một ân huệ đặc biệt của lính Nhật dành cho nhóm tù binh cao cấp Hoa Kỳ .

  Ăn uống xong còn phải đợi đến lúc tối hẳn họ mới cho xe đến rước đi về thủ đô Manila . Đến 11 giờ khuya , xe của họ đổ lại đài phát thanh Manila , ở đây họ được gặp Trung úy Kano , người sĩ quan thuộc bộ phận tuyên truyền . Trung úy Kano từng đi du học ở tiểu bang Newyork và New jersey . Gặp Wainwright , Kano tỏ ra niềm nở ân cần , mời những sĩ quan Hoa Kỳ dùng trái cây tươi .

  Tại đài phát thanh , Wainwright được Nhật trao cho một bài diễn văn viết sẳn và bảo ông đọc , đại ý bài diễn văn kêu gọi đầu hàng cũng giống như lá thư mà họ đã viết sẳn để trao cho Tướng Sharp vừa rồi , chỉ thêm thắc chút đỉnh cho trơn tru giọng đọc mà thôi .

  Đến lúc nửa đêm , Tướng Wainwright với khuôn mặt bơ phờ hốc hác và thân hình tiều tụy , đứng trước máy vi-âm đôi môi mấp máy mãi mới nói thành lời . Với một giọng nói khàn khàn đứt quãng , ông ra lệnh trực tiếp đến Tướng Sharp cùng lực lượng phòng thủ phải lập tức buông súng đầu hàng .

  Sau đó Trung úy Kano dẫn cả bọn Wainwright vào phòng riêng , anh ta tự tay rót rượu mời từng người trong khi các sĩ quan tham mưu thì bu quanh cố trấn an vị chủ tướng mạc vận đang lâm vào bước đường cùng  .

  Lời kêu gọi của Waiwright được phát đi ngay trên làn sóng phát thanh thủ đô , cả binh lính hỗn hợp Mỹ-Phi đang chiến đấu trên hai hòn đảo còn lại cũng nghe được . Họ thắc mắc tự hỏi có phải đây là lời kêu gọi đầu hàng của chính vị tư lệnh của mình chăng ? Nếu đúng , có lẽ có một khẩu súng đang chỉa vào đầu ông ta chớ chẳng không . Tướng Sharp thì lúng túng không quyết định được gì cả nên vội đánh một điện tín sang báo cáo sự việc với Mac Arthur . Mac Arthur một mặt báo cáo về Hoa Thịnh Đốn rằng ông không thể tin lời kêu gọi của Wainwright là sự thật , một mặt trả lời ngay cho Tướng Sharp :

  “Lệnh đầu hàng của Wainwright coi như không có giá trị . Cố gắng phân tán lực lượng thành những đơn vị nhỏ và dùng chiến thuật du kích chiến . Riêng Trung Tướng thì dĩ nhiên được toàn quyền quyết định . Tôi rất tự hào về sự dũng cảm của Trung Tướng , hãy cố liên lạc thường xuyên với tôi

  Bức điện này tuy không có gì cam đoan chắc chắn với Tướng Sharp và cũng chẳng làm sáng tỏ vấn đề nhưng chính nhờ nó mà ông đi đến một quyết định cho mình là cố chờ đợi người liên lạc của Tướng Wainwright . Nhưng hai ngày trôi qua chẳng thấy gì cả , đến lúc này Sharp nghĩ chắc Wainwright đã thật sự đầu hàng rồi . Bất giác ông cảm thấy có một cái gì đó không ổn nếu cứ chờ đợi mãi như thế này nên cuối cùng đành ra lệnh cho các vị sĩ quan chỉ huy đơn vị phải lập tức ngưng ngay mọi hành động có tính cách chống đối lại quân đội Nhật Bản để tránh những cuộc đổ máu vô ích . Đoạn ông điện về Mac Arthur báo cáo Wainwright đã thật sự đầu hàng , kéo theo toàn bộ lực lượng đồng minh đang có mặt ở trên lãnh thổ Phi Luật Tân . Đến lúc Mac Arthur đọc xong bức điện này thì ông lắc đầu chép miệng nói trong chán nản “Tình hình coi ra không còn phương cứu vãn nổi . Đã quá muộn , thật đã quá muộn rồi

  Cuộc chiến xâm lược của Nhật ở Phi Luật Tân cuối cùng cũng kết thúc bằng một chiến thắng hoàn toàn , nhưng những kẻ chiến thắng thì chẳng lấy gì làm phấn khởi vui mừng . Tướng Homma mất mặt không ít với Đông Kinh , bộ Tổng Tham Mưu quân đội thì khiển trách ông không chịu giải quyết chiến trường mau lẹ cứ để nhùng nhằn kéo dài thời gian gây nhiều bất lợi . Còn Tướng Hisaichi Terauchi , quyền Tổng tư lệnh quân đội vùng Nam Á đại bản doanh đóng ở Sài Gòn , thì không hài lòng với Homma về sự khoan dung nhân hậu đối với thường dân Phi Luật Tân . Trong suốt cuộc chiến Homma đã cấm tuyệt quân của ông không được cướp phá hãm hiếp thường dân vô tội , ông ra lệnh cho họ không nên đối xứ với người bản xứ như kẻ thù và nên tôn trọng những tập tục truyền thống lâu đời và các sinh hoạt văn hóa cũng như tôn giáo riêng của họ . Việc này Homma biện minh rằng đó chính là ông căn cứ đúng theo ý nguyện của Thiên Hoàng là mang ánh sáng văn minh từ Nhật Bản đến soi sáng vùng Đông Nam Á .

  Không bắt bẻ được Homma , Terauchi bực tức cố tìm thêm một vấn đề khác để hài tội . Ông ta bảo Homma đã bắt được và cố tình diếm đi một tập tài liệu quan trọng , trong đó có ghi lại đầy đủ những sự bất công ngược đãi của binh lính Hoa Kỳ đối với người dân nghèo khổ Phi Luật Tân . Homma nổi xung thiên , đôi mắt long tức tối , ông nhìn thẳng vào mặt Terauchi mà nói như quát “Hoa Kỳ có lợi dụng hoặc đối xử tàn nhẫn với người Phi bao giờ đâu , những chuyện quá vô lý như thế làm sao ông có thể dựng lên mà nói cho được chớ hả ?” Đoạn ông xuống giọng như đang nói với chính mình “Họ mặc dù chiếm Phi Luật Tân làm thuộc địa nhưng lại đối xử với người bản xứ thật là nhân từ và rộng lương . Nhật Bản ta cũng nên theo lối hành xử này mà làm mới đúng lẽ” .

  Trong một phút nóng giận Homma đã không kiềm chế được và cũng bởi cái bụng thẳng thắn của ông nó đã hại ông . Tướng Terauchi vốn là một con người nhỏ mọn thâm độc , hành động chống đối thượng cấp quá lộ liễu vừa rồi của Homma đã làm cho Terauchi phẫn nộ và nhất quyết hạ cho bằng được đối thủ . Terauchi một mặt gửi bản báo cáo về Đông kinh , nội dung đầy bất lợi cho Homma , một mặt gọi đàn em thân tín của mình là Đại Tá Tsuji lo âm mưu tìm phương trả đũa . Đại Tá Tsuji , Đông Phương giáo chủ của thời đại , đó là cái danh hiệu đặc biệt mà binh lính đã gán cho ông vì cái tính khí ngang ngạnh bất thường nhưng cũng là một tên hung thần ác sát , người đã lập nhiều thành tích vẻ vang cho cánh quân Nam chinh , hai bàn tay viên Đại Tá này đã thấm đầy máu của vô số oan hồn uổng tử từ Tân Gia Ba sang Phi Luật Tân từ sau khi cuộc chiếm đóng bắt đầu .

  Terauchi và Tsuji âm thầm dùng quyền lực và danh nghĩa của Homma để ám hại ông ta .

  Trong khi ấy Homma đâu có ngờ nên chẳng hay biết gì cả . Cho đến hai hôm sau khi Wainwright đầu hàng , Trung Tướng Kawaguchi , chỉ huy trưởng lực lượng chiếm đóng ở Visayan (vùng trung đảo nam Phi) chạy ùa vào văn phòng của Homma , gặp Homma đang ngồi nơi bàn làm việc , Kawaguchi hỏi ngay lý do tại sao Homma ra lệnh xử tử Abad Santo . Santo , một vị thẩm phán tối cao của chính phủ Phi đã bị Nhật bắt ở đảo Negros cùng với người con trai của ông và đang giam giữ tại Tổng hành dinh của Tướng Kawaguchi ở Cebu từ hồi tháng 4 , khi Bataan thất thủ .

   Santo sẳn sàng hợp tác với chính phủ Nhật nên Tướng Kawaguchi điện về Manila định tiến cử vào chính phủ mới của Phi Luật Tân . Nhưng Manila lại trả lời rằng tội của Santo không thể nào tha thứ được , hãy mang ông ta ra xử tử ngay lập tức và đồng thời đứa con trai của ông cũng không được ngoại lệ .

  Kawaguchi bàng hoàng trước một mệnh lệnh kỳ quặc , nó quá tàn nhẫn khi xuống tay giết một người sẳn sàng hợp tác với mình . Hành động này thật tiểu nhân đáng khinh bỉ , nó đi ngược lại tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản . Kawaguchi lúng túng chẳng biết nên hành xử thế nào , vâng lệnh Manila thì ông không thể còn nếu chống lại thì cũng chẳng xong , ông lần lựa nấn ná đến hai tuần sau , cho đến một hôm nhận được điện từ Manila ra lệnh thúc hối ông phải lập tức áp giải hai cha con Santo tới bộ chỉ huy trung đoàn Davao ở Mindanao để hành hình . Kawaguchi phẫn nộ vò nát bức điện tín và vẫn im lặng như trước . Manila lại gửi Inuzuka xuống tận Cebu , tổng hành dinh của Kawaguchi để thúc hối ông thi hành mệnh lệnh và trực tiếp giám sát buổi hành hình Santo . Thấy tình hình không thể nào cưỡng lại lệnh của thượng cấp được nữa nên Kawaguchi cho vời hai cha con Santo tới mà nói “Tôi đã làm đủ mọi cách để bảo vệ sinh mạng cho hai người nhưng bây giờ họ bắt buộc tôi phải mang người cha ra mà hành hình . Thôi thì tôi xin hứa danh dự để cho ông yên tâm rằng tôi sẽ bảo vệ đứa con của ông cho đến cùng” . Santo hốt hoãng khi nghe mình sắp bị mang ra hành hình , nhưng không bao lâu sau đó ông trấn tỉnh lại đôi chút , nhìn Kawaguchi bằng đôi mắt tha thiết biết ơn rồi từ tốn nói “Tôi chưa hề có ý dám chống lại chính phủ Nhật các ông . Nhưng thôi , âu cũng là mạng số . Đến nước này thì tôi cũng chẳng biết nói gì hơn , tấm lòng nhân hậu của ông đối với cha con tôi thật là cao cả làm sao , tôi chẳng biết lấy gì đền đáp trong khi vận số đã sắp tuyệt” .

  Rồi Santo bị Inuzuka đưa đi ngay , chiều hôm ấy ông bị xử bắn trong một khu vườn dừa rậm rạp .

  Homma chết lặng sau khi nghe Kawaguchi báo tin Santo bị xử tử . Chính vị Tướng Tư lệnh này cũng rất có cảm tình với Santo và ông đã chấp thuận lời tiến cử của Kawaguchi để cho Santo phục vụ trở lại với chính phủ mới do người Nhật chỉ định , công tác này ông đã giao cho Hayashi lo liệu rồi kia mà . Trước một việc quá bất ngờ , Homma cảm thấy quá mất mặt với Kawaguchi , ông thở dài nói như than thở “Tin này làm cho tôi đau lòng và bức rức quá ông ạ”.

  Ngày hôm sau , tình cờ Kawaguchi chạm mặt Hayashi . Trung Tướng Hayashi , một sĩ quan hành chánh quân đoàn vốn là người bạn đồng song với Tướng Kawaguchi từ thuở nhỏ . Vừa nom thấy ông ta từ đàng xa là Kawaguchi chạy nhanh tới trước mặt trợn mắt quát lớn “Mày đã làm cái giống gì vậy hả ?” . Hayashi thảng thốt không hiểu gì cả , nhưng rồi ông nhớ lại lúc ban sáng Homma đã cảnh báo cho biết là Kawaguchi rất nóng giận về việc xử tử Santo . Hayashi vội chống chế “Nhưng việc này đâu phải do tôi . Vì mấy ổng ở trển cứ khăng khăng bắt buộc phải xử tử cho bằng được Santo mới thôi” . Kawaguchi quắc mắt nạt lớn “Mày nói mấy ổng ở trển là ai mới được chớ” , Hayashi buông thỏng một câu gọn lỏn “Đông phương giáo chủ Đại Tá Tsiji đó” . Rồi Hayashi như phân trần thêm cho Kawaguchi hiểu “Cái ông trời con đó ra lệnh thì có ai mà dám cưỡng lại được chớ” . Cũng nhờ sự nóng giận của Kawaguchi mà Homma hiểu rõ nội tình , kẻ chủ mưu xử tử Santo lại chính là phe cánh của Terauchi , Đại tá Tsuji , một sĩ quan đầy quyền uy và thế lực mà cũng chẳng kém phần hung ác bạo tàn .

  Vài tuần lễ sau , khi Tướng Munuel Roxas , cựu Chủ tịch hạ nghị viện Phi Luật Tân bị bắt sống ở Mindanao . Một mật lệnh gửi đến từ Manila ra lệnh cho Ikutao , chỉ huy trưởng Mindanao phải lập tức bí mật xử tử ngay Roxas . Mật lệnh ấy do Tướng Homma ủy quyền và đóng dấu ký tên bởi Tướng Hayashi cùng ba vị sĩ quan tham mưu khác .

  Còn nhớ lúc tàn chiến trận ở bán đảo Bataan , Tướng Ikuta đã từ chối lệnh thủ tiêu tập thể những tù nhân Phi-Mỹ bị bắt và bây giờ ông lại nhận được một lệnh tương tự như thế nữa . Ông nghĩ mình khó có thể thi hành một mệnh lệnh quá ư tàn nhẫn nên trao trách nhiệm này lại cho viên sĩ tham mưu trưởng của mình là Đại tá Nobuhiko Jimbo . Jimbo vốn là một tín đồ Ki Tô ngoan đạo , ông lấy làm ray rức khi phải thi hành mệnh lệnh . Trên đường áp giải nạn nhân ra nơi thụ hình , ngồi cùng một xe với Roxas và một tử tội khác cũng là nhân vật cao cấp trong chính quyền cũ , lòng Jimbo chùn xuống trong một nỗi đau khôn tả như chính ông đang là thân của kẻ tử tội vậy . Chiếc xe chầm chậm di chuyển theo con lộ ngoằn ngoèo khúc khuỷu , hết khu rừng mía bạt ngàn lại đến rừng dừa thăm thẳm mênh mông . Tiếng kêu khóc lóc thảm thiết của nạn nhân phía sau cứ rót vào tai ông triền miên khộng dứt , lúc to tiếng kêu oan khi thì thầm ta thán . Chẳng có một dũng sĩ Samurai nào có lòng hào hiệp như Jimbo , ông quyết định phải cố gắng cứu lấy sinh mạng của họ bất cứ giá nào . Khi đến điểm hành quyết , ông gửi tạm hai tử tù cho nhân viên an ninh rồi quay trở lại Davao , tìm cách thuyết phục Tướng Ikuta bãi bỏ lệnh xử tử . Tướng Ikuta trong lòng chỉ mong có được như thế thôi , vậy là hai người dự định dùng Roxas để khẩn cầu thượng cấp xét duyệt lại hầu thay đổi cách đối xử với tù binh địch , đây mới chính là điều mà Ikuta thiết tha mong mõi nhưng từ lâu vẫn giữ kín trong lòng chẳng dám tiết lộ cùng ai .

  Nhưng dự tính của họ chưa đi đến đâu thì Manila đã phát giác ra việc Jimbo bất tuân thượng lệnh nên gửi người phát trát tòa buộc ông phải ra tòa án binh về cái tội danh hành động “độc đoán” của mình .

  Jimbo vội vàng bay thẳng tới Manila và tự mình đi tìm gặp Homma . Lúc ấy Homma không có mặt ở phòng làm việc nên Jimbo đành phải trình bày tự sự với tham mưu trưởng của Homma là Tướng Wachi . Wachi nghe qua ngạc nhiên vô cùng , ông không tin là ở Bộ chỉ huy đã ban ra một cái lệnh kỳ quái như vậy , đặc biệt là sau cái vụ Santo bị xử tử và khi biết được Tướng Homma đã nỗi giận đùng đùng .

  Jimbo vội lấy ra tờ mật lệnh có đóng dấu và ký tên hẳn hòi . Wachi bảo Jimbo theo ông đến phòng làm việc của Tướng Hayashi . Tới cửa , Jimbo đứng chờ ở bên ngoài còn Wachi mở cửa đi thẳng vào . Từ ngoài cửa Jimbo còn nghe rõ tiếng của Wachi hỏi rất to , giọng của ông đầy phẫn nộ “Ở đây ông nào đưa ra cái lệnh tử hình Tướng Roxas chớ hả ?” . Lúc ấy Hayashi cùng bốn vị sĩ quan tham mưu đang ngồi họp , bỗng thấy Wachi bước vào quát hỏi làm ai nấy ngẫn ngơ . Họ đều lắc đầu bảo không có và ngầm thắc mắc không biết nguyên do tại sao Wachi lại hỏi mình câu hỏi ấy . Tướng Wachi vội hướng ra phía cửa gọi “Đại tá Jimbo , ông vào đây !”.

  Jimbo bước vào , mọi người có mặt ban đầu còn ngạc nhiên đưa nhìn sững vào con người vừa xuất hiện , chợt sau đó họ tỏ ra giận dữ khi nhìn thấy tờ mật lệnh mà ông đang cầm trong tay , một minh chứng xác thực khiến cho họ không thể nào chối cãi được là lệnh xử tử Roxas do chính những người này ban xuống . Một phút bàng hoàng im lặng trôi qua , Hayashi quay lại nhìn thẳng vào Đại tá Jimbo và quát “Mày đã làm một việc báo hạicho tụi tao hết sức !

  Tối hôm ấy Tướng Wachi có đến thăm Jimbo ở khách sạn Manila . Wachi còn cho Jimbo biết là Tướng Homma rất hài lòng về việc làm của ông , Homma đã thu hồi lệnh xử tử Roxas và hơn nữa ông cũng trình tấu sự việc lên Thiên Hoàng kể cả hành động khí khái của Jimbo .

  Thế là Roxas được cứu thoát nhưng ngược lại chính nó đã là một dấu chấm hết , kết thúc một cuộc đời binh nghiệp của Tướng Homma . Ở Đông Kinh , người ta đã phê phán rất nhiều về vị chỉ huy đầy lòng nhân đạo này và chỉ chờ một cơ hội nào đó có dịp sẽ hất ông ra khỏi guồng máy chỉ huy ngay . Là một Tư lệnh tối cao ở chiến trường , Homma đã không tỏ ra hung hăng tàn độc như Đông Kinh mong muốn , đối với thường dân bản xứ nơi đảo quốc Phi Luật Tân thì ông đối xử quá khoan dung nhân hậu , đã đi ngược lại chủ trương của phe quân phiệt Đại Nhật , điển hình là sau khi chiếm đóng và ổn định tình hình ở Phi Luật Tân rồi , Homma tự chuyên cho thả tất cả những tù binh bỗn xứ đang bị giam tại các trại tập trung .

  Nhân cơ hội này Đông Kinh liền ra tay ngay với Homma . Không bao lâu sau đó Tướng Homma bị triệu hồi về Đông Kinh và bắt buộc phải về hưu non tức giãi ngũ vĩnh viễn . Ông đã bị thất sũng từ đó .

  ( Người viết xin dài dòng một chút , theo tài liệu mà tôi đã đọc được nay xin viết ra cho các bạn cùng đọc để hiểu thêm một chuyện bên lề thời hậu chiến . Roxas là người tốt số đã thoát chết mà còn lên hương , đến sau chiến tranh chấm dứt ông là Tổng Thống Phi Luật Tân . Năm 1946 , khi được biết viên Đại tá năm xưa đã cứu mình thoát chết bây giờ đang ngồi trong tù ở Bắc Trung Hoa để chờ ngày ra tòa với bản án tội phạm chiến tranh , Roxas tức thì viết một lá thư tay gửi ngay cho Tưởng Giới Thạch xin ân xá cho Đại tá Jimbo . Không bao lâu Jimbo được thả và trở về sống tại Đông Kinh – Còn Tướng Homma thì sao ? Sau khi chiến tranh chấm dứt , dù ông đã hồi hưu nhưng vẫn bị mang ra thụ án tử hình vì bị tòa xử là tội phạm chiến tranh . Người xử ông chính là vị Tướng ngày xưa ở Phi Luật Tân đã bị ông đánh chạy xịt khói , bây giờ là người chiến thắng , là Thống Tướng Mac Arthur . Người ta còn tìm được lá thư tuyệt mạng ông gởi cho Fujiko , người vợ thân yêu trước khi bị hành hình . Trong thư ông viết “Trong hai mươi năm yêu đương mặn nồng của đôi ta , cuộc đời đã trãi qua không biết bao nhiêu là đau thương sóng gió . Yêu thương và hờn giận , lúc tha thiết ngọt ngào khi thì giận hờn gấu ó . Tất cả bây giờ chỉ còn là kỷ niệm , một kỷ niệm đẹp một thời bên nhau . Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải chia lìa , phải mang về bên kia một kỷ niệm đẹp một thời . Hai mươi năm , một mốc thời gian ngắn ngũi nhưng cũng đã là quá dài , nó đã cho anh những ngày diễm tuyệt . Em ở lại với con của chúng mình , đó là nguồn an ủi duy nhất còn lại , là dấu tích tình yêu của đôi ta . Em hãy thay anh mà răn dạy chúng nó sống sao cho nên người . Em sẽ sống với chúng cho đến khi nào trông thấy những đứa cháu thân yêu của chúng ta ra đời và những đứa chít nữa . Và đến khi nào em sang bên kia thế giới , gặp nhau em phải kể cho anh nghe tất cả những gì về chúng nó nghen em . Thôi chào vĩnh biệt người vợ mà anh hết lòng yêu mến” .

  Một lá thư thứ nhì Homma viết cho con của ông , có đoạn như sau “Ở đây có cha cùng 5 người bạn tù nữa sắp bị mang ra hành hình . Tốt nhất là cứ để cho cha bị bắn chết ngay giữa trận tiền , có như thế mới là cái chết vinh dự còn hơn phải ngậm hờn mà thác trong khi thân chiến tướng lại bị hành hình với thân phận của một tù binh . Hãy mạnh dạn lên nhé các con thân yêu của cha . Hãy cứng rắn mà đi vào đời mặc dù đường đời bao giờ cũng đầy chông gai thử thách , linh hồn cha sẽ theo phò hộ cho các con suốt đoạn đường dài . Linh hồn của cha sẽ được an vui nếu các con biết chọn được con đường ngay nẻo phải mà đi còn hơn là mang những bó hoa vô tri đến cúng tế cho một phần mộ vô giác của cha . Vĩnh biệt các con thương yêu”)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#thế