Chương 3: Ở trọ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm đó rời nhà vào Sài Gòn học, cũng là lần đầu một mình đến một nơi xa lạ, đúng nghĩa vừa xa vừa lạ.

- Má trời gì mà nóng, nóng thấy tía thấy má tao luôn!

Cậu bạn ngồi bên cạnh cậu ở giảng đường vừa cầm cổ áo lắc lắc, vừa than thở bằng giọng đặc miền Tây, mà ấy là sau này nó nói thì cậu mới biết, chớ lúc mới đến, đối với cậu tất cả đều được định nghĩa là giọng miền Nam, chẳng thể nào phân biệt được Đông Tây thì khác nhau chỗ nào. Than thở nhăn nhó được một lúc, cậu ta quay sang, cười xởi lởi:

- Tao tên Huy. Còn mày tên gì, ở đâu?

- Sao, ở khách sạn.

- Hả? Tao có ở khách sạn đâu, nghèo rớt quần, lấy đâu ra tiền ở khách sạn ba! Mà mày tên gì, người ở đâu? Tao người Bạc Liêu.

Sao cười, đáp:

- Tên khai sinh là Sao, Star ấy. Mình ở Hà Nội.

- Uây, "chai" thủ đô luôn, hèn chi trắng như cùi dừa. Mà mày nói mày ở khách sạn hả? Chưa kiếm được chỗ trọ phớ hông?

- Ừ, mình... à tao chưa kiếm được, phần là chưa biết đường xá gì. Biết chỗ nào thì chỉ tao với.

Huy vỗ vai cậu một cái rõ mạnh, mắt sáng, cười hớn hở:

- Tao đang tìm một đứa ở ghép chung nè, mày muốn qua ở chỗ tao hông? Gần trường lắm, sạch sẽ. Ban đầu tao tính thuê để... ở cùng với bạn gái, nhưng mà lên đây rồi mới biết là học kỳ đầu tiên ẻm học ở Thủ Đức, ở đây đi lại xa quá, nên là ẻm vào ký túc xá. Giờ tao mềnh ênh, chịu chừng đó tiền trọ chắc nhịn ăn.

- Ờ... hay lát về tao qua coi sao đã, rồi tính.

Ngày cậu rời Hà Nội, bố đưa cho cậu một chiếc hộp, bảo rằng ông đã nhờ người mua một căn hộ nhỏ gần trường, trong chiếc hộp này là chìa khoá, giấy tờ và một tấm thẻ ngân hàng. Cậu không thể từ chối, lại cũng không muốn nhận, vậy nên mọi thứ vẫn nằm trong chiếc hộp ấy, chưa một lần mở ra. Cậu không tin giữa Sài Gòn rộng lớn này, cậu không thể tìm được một nơi cho mình, ấy vậy mà khó thật, trong suốt một tuần rong ruổi, cậu vẫn chưa thể tìm được chỗ trọ có thể ở lâu dài. Lại nói trong kế hoạch "Nam tiến" của thằng con trai vừa qua 18, cậu luôn tâm niệm bốn chữ "Tự lực cánh sinh", tiền để nuôi bản thân đều phải tự mình kiếm về. Tiền tiết kiệm vẫn nghĩ là nhiều, nhưng đó là khi cậu ở nhà, mọi thứ đều bày ra sẵn trước mặt, thậm chí còn nhiều hơn mức cần thiết. Cho dù ngày bé mẹ con cậu đã sống những ngày không dư dả, nhưng tuyệt nhiên cậu chưa khi nào tự mình chi tiêu cân đong đo đếm. Ngày thứ hai bước chân đến Sài Gòn, cậu đã tiêu một khoản kha khá để mua một chiếc xe máy mới rồi... nhờ anh nhân viên trong tiệm chở cả người cả xe về khách sạn. Anh nhân viên nhìn cậu ánh mắt hoài nghi:

- Chưa thi bằng lái hả?

- Vâng ạ! Em chưa.

- Chời, chú mày cũng cẩn thận quá, chớ từ tiệm về khách sạn có đoạn chút xíu, vừa đặt mông lên là đã đến rồi, có công an nào đâu mà lo.

Cậu cười trừ, không dám nói với anh ta rằng thì mà là cha sanh mẹ đẻ, chưa từng lái một chiếc xe máy bao giờ.

Mấy ngày sau đó, cậu nhờ được một nhân viên khách sạn, tan ca có thể dạy cậu đi vài vòng, mặc cậu đòi trả công cán đầy đủ, "thầy giáo" hất tay cậu, nói:

- Hoy, hổng có lấy tiền sinh zien, tập đi rồi nhớ lấy bằng, chớ không có ngày bị phạt là hết tiền ăn luôn đó. Ờ mà cậu có tiền ở khách sạn, chắc cha mẹ cũng khá.

Khách sạn cậu ở là một khách sạn nhỏ bình dân nằm trong một con hẻm gần trường mà cậu đặt trên mạng vài ngày trước khi lên máy bay. Hẻm nhỏ nhưng luôn tấp nập, sáng sớm bước chân ra đường đã thấy xe cộ nườm nượp, hàng quán san sát, và cứ như thế cho đến tối muộn như thể người Sài Gòn không cần ngủ.

Buổi chiều ngày học đầu tiên, Huy đưa cậu đến một căn nhà lớn 4 tầng ở một con hẻm khác, cách trường vài cây số. Căn nhà ấy mỗi tầng đều chia thành các phòng nhỏ có hành lang chung hướng ra mặt đường, phòng của Huy ở cuối dãy tầng 3, lớn hơn những phòng khác một chút, phòng vệ sinh ở luôn bên trong.

- Chỗ này mới xây được 1-2 năm gì đó thôi, căn này là ông anh cùng xóm tao trước thuê, giờ ổng ra trường, đi Cần Thơ làm, vừa lúc tao lên học nên thuê lại luôn, haizz mà giá hơi chát. Mày ở chung hông? Tao xuống báo chị chủ nhà. Mỗi tầng có một gian bếp nhỏ cuối dãy, đứa nào muốn nấu ăn thì tự mua bếp ga mini, bếp điện gì đó dùng, tiền điện gom luôn trong tiền phòng.

Thằng Huy cứ thế nói thao thao bất tuyệt, còn cậu ngó nghiêng một lúc rồi ra hành lang nhìn xuống con đường nhỏ phía dưới, bỗng thấy nhớ Hà Nội đến nao lòng.

Hôm qua gọi cho Ánh, con bé trả lời rất thờ ơ lạnh nhạt, nhưng ánh mắt thì không nói dối được. Mẹ cậu bảo từ lúc cậu đi, nó cũng không sang nhà cậu chơi nữa, vậy nên cũng ít gặp mặt, chỉ đôi lần thấy con bé đi lanh quanh trong khuôn viên, người trước mèo sau ngồi vắt vẻo trên cây, hát vu vơ gì đó.

Mấy hôm sau cậu chuyển vào căn trọ của Huy, mua thêm một tấm đệm đơn đặt trên sàn, đặt ở góc đối diện đệm thằng Huy, lại thêm một chiếc bàn xếp nhỏ, vậy là đủ hành trang sinh viên. Hai thằng con trai chẳng thằng nào có tâm huyết chuyện nấu nướng, mà hàng ăn đầu ngõ hay gần trường đều không thiếu. Cậu thường chỉ đi một cửa hàng tạp hoá gần nhà mua trái cây và ít mì ăn liền để sẵn.

Thằng Huy cứ đến cuối tuần lại mượn xe cậu chạy xuống Thủ Đức gặp người yêu. Con xe wave cũ nhàu của nó không gánh nổi đoạn đường dài như thế. Cậu bắt đầu tìm công việc làm thêm, nghĩ là dễ mà chẳng dễ một chút nào, chỗ thì vướng lịch học ở trường, chỗ khác công việc không phù hợp. Thật ra mẹ cậu vẫn gửi tiền sinh hoạt vào tài khoản cho cậu, chỉ là cậu đã mở thêm một tài khoản khác, trong đó chỉ có số tiền cậu đã tiết kiệm được, và dự là sẽ được thêm vào từ tiền cậu làm thêm. Người tính là như thế, nhưng người khác cũng chưa hẳn ủng hộ sự tính toán ấy của cậu, bởi vì mỗi ngày trôi qua, tiền chi ra rất đều đặn, mà công việc thì chẳng có tí khả quan nào.

Thằng Huy lại khác, nhờ cái mã đẹp trai, mồm miệng nhanh nhẹn, đến tuần thứ hai nó đã kiếm được công việc chạy bàn trong một quá bar, lương cũng rất khá, mà chủ yếu làm từ sau 8h tối nên chẳng lo ảnh hưởng đến giờ lên lớp. Chỉ là nó tan làm khá muộn, có hôm 4h sáng mới mò về phòng, quăng người xuống nệm là ngáy khò khò được vài tiếng rồi lên lớp... ngủ tiếp.

Một thời gian sau cậu mới biết thằng Huy là thủ khoa đầu vào của khoa, một đứa sinh ra với đủ trí tuệ, ngoại hình và tính tình phóng khoáng hào sảng, vậy nhưng cái duy nhất nó không có tại thời điểm ấy là tiền. Cho dù công việc làm thêm cũng cho nó thêm kha khá thu nhập, nhưng giữa Sài Gòn đắt đỏ này thì chỗ ấy cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Có lần nó ngồi bần thần cả tối, sau đó nói với cậu mà như tự nói với chính mình:

- Hồi đó Lục Bình có một đôi hoa tai vàng của bà nội để lại cho, đối với mấy đứa nhà nghèo như tụi tao, mấy món ấy chỉ dám cất, không dám đem ra xài. Năm đó ba tao đi hái dừa thuê cho người ta, chẳng may bị té, nằm viện cả tháng. Cô ấy đưa tiền cho tao, nói mốt có thì trả. Mãi sau này tao mới biết cổ mang đôi bông đó đi bán. Đợt này tao tính gom đủ tiền sẽ mua cho cô ấy một đôi khác, nhưng mà mấy hôm trước gọi điện về, em tao nói má bệnh, khám dưới đó hoài không có ra được cái gì hết. Má tao sức khoẻ bả mấy năm nay xuống dữ lắm. Tao tính vài hôm nữa đưa má lên đây khám coi sao.

- Mày thiếu tiền thì nói tao, tao còn.

- Tiền tao đi làm tiết kiệm được chắc đủ, chỉ tiếc là lần lữa mãi vẫn chưa mua được món đồ ấy cho cổ.

- Tụi mày còn dài lâu với nhau, sau này đừng nói 1 đôi, 10 đôi vàng gắn kim cương mày cũng mua được. Đừng nghĩ ngợi quá, tao thấy cô ấy nếu tiếc đôi hoa tai ấy thì đã không bán đưa cho mày.

- Đời này tao chỉ mong tụi tao có thể sẽ bớt khổ hơn đời ba má của cả hai đứa.

Lục Bình là người yêu của Huy, Sao cũng chỉ mới nhìn thấy qua ảnh, nếu nói về vẻ bên ngoài thật ra so với nó có lẽ ít nhiều chênh lệch. Cậu đã từng nghĩ bạn gái nó hẳn phải xinh hoặc rất xinh, hoặc ít ra phải có gì đó xuất chúng nhưng Lục Bình lại bình thường hơn cả bình thường. Thằng Huy được coi như là nam thần, nam khôi của khoa với cái danh thủ khoa, lại khí chất ngời ngời, thu hút không ít trái tim của các cô nàng cùng lớp, cùng khu trọ, và có khi cả chỗ làm thêm. Nhưng nó lại cứ kè kè bên cậu như hình với bóng, làm dấy lên không ít nghi ngờ giới tính của cả hai thằng. Tất nhiên, nó chẳng lấy gì làm phiền, còn cậu nhờ vậy mà cậu yên tâm tận hưởng cuộc sống tĩnh lặng của mình. Xét cho cùng, yêu đương như cậu đã từng chỉ làm cho cuộc sống thêm nhiều phức tạp và... tốn kém, thậm chí vô cùng tốn kém.

Sau rất nhiều nỗ lực, cậu tìm được công việc gia sư nhờ vào Hội sinh viên trường, thù lao chỗ này cũng không cao lắm, học trò không xuất sắc nhưng rất nghe lời và chăm chỉ, học trò cũng tầm trạc tuổi Ánh, đôi lúc cậu thầm nghĩ có phải con bé ấy cũng đang cặm cụi học hành cho kỳ thi cuối cấp năm nay. Thi thoảng Ánh gọi cho cậu, huyên thuyên kể chuyện con Lì buồn rầu vì mới bị triệt sản nên bỏ ăn cả ngày, lại đến chuyện đứa bạn thân nhất của nó vừa theo gia đình đi định cư, rồi chuyện anh Phong kỳ nghỉ này không về... lần nào chốt lại nó cũng đều hỏi một câu giống nhau: "Khi nào anh về nhà?"

Lúc ấy cậu chỉ trả lời qua loa, vốn nghĩ rằng dĩ nhiên đến kỳ nghỉ thì sẽ về. Xét cho cùng lúc ấy cậu vô tâm hoặc không nghĩ ngợi nhiều, cũng không đủ nhạy cảm để nhận ra một điều gì đó đằng sau câu hỏi ấy. Thằng Huy vẫn nghĩ Ánh là em gái cậu, lâu lâu nó đi ngang, tò mò nhìn vào video, sau đó nhận xét "Anh em trông chằng có nét nào giống nhau". Cậu chỉ nói gọn lỏn "Em họ".

Lại nói về chuyện dạy gia sư, cậu cũng được xem là một gia sư tâm huyết, luôn giảng bài rất kỹ, những hôm có bài kiểm tra đều cố gắng ở lại thêm giờ để ôn tập cho học trò. Chắc có lẽ vì thế, mẹ của học trò giới thiệu cho cậu thêm một mối dạy nữa, là một cặp anh em ở cùng chung cư tầng dưới, nhờ vậy mà thu nhập cũng tàm tạm gọi là. Cậu dần dần nhận ra Sài Gòn không khó sống như cậu vẫn nghĩ, cứ bình tĩnh mà sống tử tế, rồi mọi chuyện sẽ ổn theo cách của nó. Ánh hỏi "Anh thích Sài gòn rồi à?", thế rồi cậu tự nhiên mà "Ừ!", "Vậy anh thích người Sài Gòn không?", "Thích".

Người Sài Gòn hào sảng trời cho, mỗi lần mua gì cũng thường hay cho thêm một chút này một chút nọ, câu cửa miệng của mấy chị bán hàng trong ngõ lúc đầu khiến cậu thấy ngài ngại, nhưng quen rồi lại thấy gần gũi vô cùng "Ăn gì cưng?", "Mai ghé ăn nữa đi, mai có món mới ngon bá cháy, tặng cho mấy đứa ăn thử", "Nắng quá chời quá đất, trà đá hông cưng, miễn phí cho sinh viên". Mà thật ra cậu cũng chẳng biết được ai là người Sài Gòn gốc ở cái nơi hội tụ dân tứ xứ nhiều hơn bất cứ tỉnh thành nào.

Đợt ấy má thằng Huy lên khám bệnh, ở phòng cậu mấy hôm, cả Lục Bình cũng lên để cơm nước chăm sóc, cậu thấy bất tiện nên lấy cớ sang nhà bạn làm bài luận, quay lại khách sạn đã từng ở trước đây ở vài ngày. Thằng Huy nhìn cậu với ánh mắt ít nhiều áy náy, cậu vỗ vai nó, nói:

- Lo cho bác trước, cần gì thì nhắn tao. À, lấy xe tao mà đi, tao lấy xe mày.

Trước đây cậu cũng có một nhóm bạn cùng hội với Oải Hương, nhưng cảm giác có một người bạn thì bây giờ cậu mới hiểu. Hiểu rồi lại tự trách một chút, ngày đó bạn thân duy nhất của Ánh đi, nó hẳn phải buồn đến dường nào. Vậy thì ngày cậu đi, con bé...

Một vài lần cậu về phòng trọ lấy ít đồ dùng cá nhân, gặp Lục Bình đang loay hoay ở căn bếp chung, thấy cậu đi ngang, cô nàng cười rất tự nhiên, hỏi:

- Bình đang nấu cơm trưa, Sao ăn với tụi Bình luôn hông?

- Bác sao rồi?

- Khám, xét nghiệm đủ hết, mỗi ngày làm vài thứ. Chắc ít hôm mới có kết quả đầy đủ.

- Ừm. Mình về lấy vài thứ rồi đi ngay. Gửi lời hỏi thăm bác hộ mình.

- Ở lại thêm chút anh Huy đưa mẹ về rồi ăn cơm luôn cho vui đi Sao. Chắc cũng sắp về rồi đó.

- Thôi, mình có hẹn bạn rồi, để lần sau vậy.

Cậu phải thừa nhận với bản thân rằng Bình không đẹp nhưng lại có một đôi mắt khiến người ta bị thu hút, đôi mắt biết cười, đôi mắt khiến người đối diện có cảm giác dễ chịu vô cùng, và giọng nói ngọt như một cốc nước mía mát lạnh giữa một ngày Sài gòn nắng đến cháy da.

Cảm giác thoáng qua đó chỉ gói gọn trong một từ "thiện cảm", cậu cũng không nghĩ ngợi thêm gì sau đó. Khi mẹ thằng Huy và Lục Bình về rồi, thằng Huy ôm cậu đầy cảm xúc:

- Tụi mình cắt máu ăn thề kết nghĩa Kim Lang đi!

- Lạy bố, máu mày mà dư thì đi hiến máu nhân đạo đi, còn giúp được cho người khác.

Thằng Huy bảo bác sĩ nói mẹ nó bị suy nhược, bị huyết áp thấp nên thường mệt mỏi, lạnh chân tay, rối loạn tiền đình nên dễ chóng mặt mất thân bằng. Bệnh này nghỉ ngơi nhiều, tránh việc nặng nhọc nhất là dưới trời nắng nóng, và phải ăn uống theo hướng dẫn, ít tháng nữa tái khám. Tóm lại có bệnh thì chữa nhưng rồi sau này nó sẽ phải gánh bớt thu nhập gia đình thay cho mẹ nó. Nghĩ tới nghĩ lui, nó đăng ký chạy grab vào những ngày không có tiết học, ăn uống tiêu pha cũng phải tiết kiệm từng đồng. Cuối tuần nó không chạy xuống Thủ Đức để gặp Lục Bình như trước đây mà nhận giao hàng cho một công ty chuyển phát, từ sáng sớm đến chiều, có khi tối mới về đến phòng trọ. Lục Bình thi thoảng đi xe bus lên Sài Gòn, nấu cho ba đứa một bữa cơm rồi lại bắt xe đi về. Dần già rồi cậu không còn thấy xa lạ với cô ấy nữa, nói chuyện cũng tự nhiên thân thiết từ lúc nào.

Hết học kỳ đầu tiên, thằng Huy về quê sửa nhà cho ba má nó, cậu nhận làm giúp thay nó ở quán bar, cũng phải năn nỉ mãi ông chủ mới đồng ý. Công việc cũng không có gì nặng nhọc nhưng thực sự không phù hợp với người yêu thích sự tĩnh lặng như cậu, chỗ ấy người ta luôn mở loa lớn đến mức nếu không ghé vào tai nhau, có lẽ hai người ngồi cạnh nhau cũng chẳng nghe rõ người kia nói gì. Có lẽ lương cao là để đền bù cho sự tra tấn tột cùng cho đôi tai chăng? Có hôm đi làm, cậu đi ngang một cửa hàng piano mới mở, tự dưng nghĩ không biết bao lâu rồi chưa từng chạm vào mấy chiếc phím đen trắng ấy, vậy là mở cửa đi vào, xin anh chủ tiệm cho đánh thử một chút. Còn nhớ khi ấy cậu vừa mới học piano, Ánh thường ngồi trên ghế sofa sau lưng, chốc chốc lại bảo cậu sai nốt, sai nhịp, sai hợp âm, vân vân và mây mây. Vậy mà lần ấy bố ghé phòng trọ thăm cậu lại mang theo một cây piano mini, nói:

- Quà sinh nhật con bé Ánh nhờ bố chuyển cho con.

Sự xuất hiện của bố làm xóm trọ bàn tán vài ngày sau đó, còn thằng Huy nhìn cậu khắp một lượt, nhíu mày hoài nghi, cuối cùng cũng nói:

- Mày nói xem có phải trước giờ bố mẹ nói dối mày về tài sản gia đình không? Sao đột nhiên mày có một ông bố xịn sò như thế?

Biểu cảm của nó khiến cậu phì cười:

- Ông cố nội tao mới trúng số!

- Ông cố nội mày? Ủa ông cố mày bao nhiêu tuổi?

- Để tao nói bố tao thắp nhang hỏi thử chớ tao chịu.

- Tao quánh nha thằng quỷ!

Học kỳ mới nên Lục Bình cũng sẽ chuyển lên cơ sở ở Sài gòn. Hai thằng tính toán một hồi, cuối cùng cậu quyết định chuyển ra ngoài. Dù sao một thân một mình, lại là đàn ông, tìm một chỗ mới cũng dễ dàng hơn. Vừa lúc đó tầng trên có người dọn đi, thế là nhất cử lưỡng tiện, cậu dọn lên trên đó, chẳng cần phải đi đâu xa.

Mọi thứ tưởng cứ thế mà bình lặng trôi qua, thi xong một học kỳ nữa cậu sẽ về nhà, về nhà để một người nào đó không hỏi mãi, về nhà để xem "em cao hơn cả anh rồi" rốt cuộc đã cao đến đâu. Thi thoảng mẹ cậu lại chuyển cho cậu rất nhiều quà vặt, đồ dùng, cậu lại khệ nệ bưng xuống cho Huy và Lục Bình. Những hôm không phải đi làm thêm, lại được cả Sài gòn vào mùa mưa "nẫu gan nẫu ruột", Lục Bình lại nấu một nồi lẩu rau khói nghi ngút, rồi ba đứa chén anh chén chú, nghe Lục Bình hát vọng cổ, thằng Huy gõ nhịp... trật lất. Những lúc ngồi một mình, cắm tai nghe vào đàn, chơi lại một vào bản cũ, cũng có chút cảm giác nhớ nhà, nhớ căn phòng có ô cửa sổ hướng sang một ô cửa sổ khác, nhớ một một buổi chiều xa xăm nào đó, một cậu bé cõng một cô bé trên lưng, đạp lên những bong bóng mưa băng ngang sân trường, ký ức đó không ngờ lại lưu giữ trong tâm trí cậu mãi đến những năm sau này.

Một ngày Lục Bình đi làm thêm, Huy chạy lên phòng cậu ngồi một lúc lâu mới nói:

- Sao, thầy mới báo là tao nằm trong danh sách xét tuyển học bổng du học của trường đợt này, đi Úc. Thầy nói đồ chừng suất có bao gồm học phí và chi phí ăn ở chắc chắn thủ khoa của trường rồi, còn mấy đứa thủ khoa á khoa của khoa như tao thì sẽ xét điểm kỳ vừa rồi và kỳ này để xem sẽ nhận được 100% hay 50% học phí. Chắc... tao làm đơn xin rút quá, chớ tiền đâu mà lo ăn ở? Hơn nữa còn gia đình, còn cả Lục Bình...

- Mày muốn hay không muốn đi? - Cậu bước lại ngồi xuống đối diện với thằng Huy.

Nó thở dài đánh thượt một cái, tặc lưỡi:

- Đi du học biết đâu là cơ hội sau này gia đình tao có một cuộc sống tốt hơn, nhưng mà hoàn cảnh tao bây giờ... tao đi rồi ai lo cho nhà ở quê, còn hai đứa em còn đi học... chắc là thôi đi.

Nói là nói vậy, nhưng mấy hôm sau đó trông nó rất ủ dột. Hoàn cảnh khác nhau khiến con người có những mong muốn khác nhau chăng, cậu đã từng dứt khoát không đi du học, mặc cho mẹ cậu giận, bố cho suy nghĩ lại vài lần và Oải Hương mắng cậu là thằng điên.

Hôm ấy Lục Bình gọi cậu xuống ăn vịt nấu chao, món khoái khẩu của thằng Huy. Ăn xong cô ấy nói:

- Chỗ em có một ít tiền, thêm chỗ em giữ cho anh nữa, anh nhắm đủ cho học kỳ đầu không? Sau đó em ở đây kiếm thêm gửi qua cho anh. Chị của bạn em đang học ở đó, nói nếu anh thuê nhà ở ngoại thành, share chung với người ta thì cũng sẽ đỡ hơn là ở ký túc, hơn nữa ở đó có chợ người Hoa, giá cả cũng rất ổn. Chỉ nói trong nhóm sinh viên Việt Nam ở đó có mấy người có xe, có thể cùng nhau đi làm nấm hay gì đó, thu nhập cũng được lắm, anh qua đó mọi người sẽ giúp đỡ anh. Chuyện nhà của anh...

- Gia đình mày tạm thời tao sẽ giúp, mày quên ông cố nội tao vừa trúng số à?

- Thằng quỷ...

Huy vỗ vai cậu đánh bốp, uống một hơi cạn cốc bia, nhìn Lục Bình một hồi rồi lại nhìn xuyên qua cửa sổ ra lan can ngoài kia, lại lắc đầu.

- Thôi, bỏ đi. Học ở đâu mà chẳng được. Nhiều vấn đề như vậy tao cũng không muốn đi đâu nữa.

- Anh muốn đi, em biết. Anh đi đi, em nói thật. Coi như em đầu tư cho anh, sau này anh mua cho em một căn villa to nhất Bạc Liêu là được.

Ngày hôm sau trường thông báo thằng Huy nằm trong danh sách được học bổng học phí 100%, nhưng mỗi năm đều sẽ xét lại mức học bổng tuỳ vào thành tích, nếu điểm số tốt, nó có thể có được học bổng kèm chi phí ăn ở, còn thành tích không đủ thì sẽ bị hạ xuống 50%, thậm chí cắt học bổng. Thằng Huy nằm vắt chân lên trán suy nghĩ hết mấy ngày, và không biết Lục Bình rủ rỉ gì bên tai nó, nó quyết định sẽ đi.

Cậu về nhìn lại số tiền trong thẻ riêng, rồi lần đầu tiên từ khi rời nhà, cậu kiểm tra số tiền trong tài khoản cũ mà mẹ cậu vẫn chuyển tiền vào mỗi tháng, rút ra một con số kha khá, đi mua đô Úc rồi đưa cho Huy, nói:

- Bụt cho con vay, khi nào con giàu, trả lại cho Bụt cả vốn lẫn lãi.

- Mày lấy đâu ra...

- Đại gia đây có ông cố nội trúng số!

Hai thằng cùng cười mà mắt thằng Huy đỏ hoe:

- Chắc tao tu mười tám kiếp nên hôm đó mới ngồi cạnh mày!

- Điên! Tính không trả tiền lại cho tao à? 10 năm nữa bố mày đòi cả vốn lẫn lãi, biết chưa? Chuyện nhà, mày không cần lo, tụi tao ở đây sẽ thay mặt mày trông nom. Tất nhiên cộng nợ cũ lẫn nợ mới, 10 năm sau phải trả toàn bộ. Mày quỵt nợ là bố đấm vỡ cái mặt đẹp zai của mày.

- Đẹp trai có mài ra ăn được đâu, cho mày đấm, bố không tiếc.

Nó nhại giọng cậu, âm giọng lơ lớ chẳng giống ất giáp nào.

Lúc đưa Huy ra sân bay rồi về lại nhà trọ, cả cậu và Lục Bình đều không nói với nhau câu nào, lẳng lặng ai về phòng nấy. Thời gian ngắn sau đó cũng ít gặp mặt nhau bởi vì điểm chung là thằng Huy của cả hai bây giờ đã không còn ở đây nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro