Chương 1: Nhà mới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm đó cậu 13 tuổi, mẹ cậu lấy chồng. Chuyện mẹ cậu lấy chồng khiến cậu thở phào nhẹ nhõm, dù sao thì mẹ cậu cũng còn trẻ, cũng cần có người để yêu thương, đầu ấp tay gối. Bố cậu đã bỏ đi lâu rồi, một dòng liên lạc từ ngày ấy cũng không có, ký ức của cậu về ông ấy đã không còn, khuôn mặt ông ấy đối với cậu chính là chàng thanh niên trẻ tuổi trong mấy bức hình ít ỏi mà mẹ cho cậu xem, có lẽ bây giờ ông ấy trông đã khác, lướt qua nhau có khi cũng chẳng ai nhận ra ai nữa. Cậu đủ trưởng thành để hiểu mẹ cậu đã phải trải qua những gì, chịu đựng đến mức nào. Vì vậy khi mẹ cậu giới thiệu người đàn ông ấy, người sẽ cho mẹ cậu một gia đình mới, cậu đã cố gắng tỏ ra hiểu biết, thân thiện, và có lẽ ông ấy cũng thế. Có lẽ cả hai người đàn ông đều cùng một mục đích, làm cho người phụ nữ họ yêu thương hạnh phúc, vậy là đủ.

Đám cưới đơn giản được tổ chức xong, cậu và mẹ dọn về một căn biệt thự ở ngoại thành, khuôn viên rất rộng dùng chung cho hai gia đình ở hai căn biệt thự ngăn cách nhau bằng một hồ bơi chung ở giữa, một bên là gia đình mới của cậu, bên kia là gia đình của chị gái của chồng mẹ cậu. Cậu gặp họ đến ngày ấy là hai lần, một lần khi mẹ cậu ra mắt trong bữa cơm gia đình trước đám cưới, lần thứ hai là tại đám cưới. Cảm nhận về họ không quá rõ rệt, không có ác cảm cũng không có cảm giác gần gũi. Cậu chỉ cảm thấy mẹ cậu rất e dè, mẹ luôn dặn cậu phải biết điều, phải chừng mực, phải biết cân nhắc lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động, phải... và phải... nhiều đến mức cậu bắt đầu tự hỏi "Liệu mẹ cậu có thực sự hạnh phúc không?"

Cậu chưa từng nghĩ xuất thân sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân, nhưng hình như không phải, một "phó thường dân" như mẹ con cậu, bước chân vào phú gia cũng chẳng phải cứ thế mà tận hưởng nhung gấm cả đời, "sống đúng" cũng không dễ dàng gì. Cậu chỉ sống theo tôn chỉ "Mọi chuyện sẽ đều nghe theo mẹ và bố dượng, đặt đâu ngồi đó, không đòi hỏi, không chống lệnh".

Việc đầu tiên cậu làm theo yêu cầu là đổi xưng hô, từ "Chú" sang "Bố", chuyện ấy cũng không có gì to tát. Cậu sẽ có anh em họ, chính là con cái của nhà bên cạnh. Nhà bên ấy có ba chị em, chị lớn đã đi học ở Pháp, người con trai thứ hai lớn hơn cậu vài tuổi, cũng chuẩn bị du học, cuối cùng là đứa con gái út 8 tuổi, tròn mũm mĩm với cặp mắt to màu đen nâu là lạ, người mà lần đầu tiên gặp cậu đã lúng túng không biết nên xưng hô như thế nào, cuối cùng thốt lên một danh xưng có phần kỳ quặc "Chị bé" khiến cho người lớn cũng phì cười, còn con bé ấy thộn mặt ra hỏi:

- "Chị bé" là cái gì?

Cậu có hơi đờ người ra không biết nên giải thích sao cho phải, cậu lúc ấy nghĩ con bé ấy là "chị họ" của cậu, nhưng từ "chị" ấy thốt ra miệng cũng cảm thấy rất không thỏa đáng, chị nào mà bé tí teo thế kia, cuối cùng đành thêm từ "bé" bổ nghĩa đằng sau, xem chừng còn hợp lý một chút. Bố dượng vỗ vai cậu, cười lớn:

- Gọi bằng em thôi, không phải gọi là chị đâu. Cứ theo tuổi tác mà xưng hô cho tiện.

Ừ nhỉ, cũng đâu phải là "chị họ" thật, cậu cũng đâu phải là con ruột của ông ấy. Nhưng không thể phủ nhận rằng ông ấy đối xử với cậu rất tốt, là vì ông ấy yêu mẹ cậu, hay là vì ông ấy không có con, lý do nào cũng không quan trọng, cậu vốn không đặt một loại kỳ vọng nào, càng không đòi hỏi bất cứ sự yêu thương nào, chỉ cần mẹ cậu vui, vậy là đủ rồi. Đợi sau khi cậu vào đại học, cậu sẽ tìm cách dọn ra ngoài, sống cuộc sống mà cậu mong muốn. Biết đâu ít lâu nữa mẹ và bố dượng sẽ có những đứa con chung, vậy là viên mãn.

Ánh, tên con bé ấy, mà ở nhà thi thoảng cậu nghe mẹ con bé gọi nó là Củ Hành, nghe đâu nó xuất hiện "ngoài dự định", đã thế lúc mang thai mẹ nó còn nghén đủ chín tháng cho đến lúc sinh, vậy nên từ lúc nó còn nằm trong bụng đã bị gọi là "Củ Hành". Tên vịn vào người có khi là đúng thật, vì con bé Củ Hành ấy tròn như củ hành tím, khuôn mặt phúng phính, lại cả tóc búi thành viên tròn hai bên. Cậu không ấn tượng gì nhiều với nó, mà nó cũng chẳng nói chuyện với cậu, nó đang bận xin xỏ mẹ nó cho ăn thêm thịt gà, thịt viên trên bàn thay vì mớ rau xanh trong bát, mặt phụng phịu, chân mày nhíu vào một chỗ tỏ vẻ bất mãn, cậu nghe cả tiếng con bé lầm rầm khẽ trong miệng:

- Rau, rau, lúc nào cũng rau. Mẹ đem con ra ngoài vườn mà trồng thành cây cho rồi.

Cậu nửa buồn cười, nửa thấy tội nghiệp. Con bé nhìn sang đĩa trước mặt cậu được người lớn để đầy nào đùi gà chiên, nào thịt heo viên, liếm liếm mép, liếc cậu một cái rồi lại thở dài, dùng nĩa xiên một bông cải cho vào miệng, nhai một cách uể oải. Lúc mẹ nó vừa đứng dậy đi vào bếp để dặn mấy chị người làm chuẩn bị thêm ít nước quả, con bé nhanh tay xiên một viên thịt trên đĩa của cậu cho nhanh vào miệng, động tác nhanh đến nỗi cậu không kịp phản ứng, chỉ trố mắt ra nhìn nó, nó cũng nhìn cậu, má căng to vì viên thịt khá lớn. Cậu không biết nói gì, ngó sang chỗ khác, rồi lại tiếp tục ăn phần xôi trong bát. Đoạn hội thoại đầu tiên của cậu với con bé ấy chỉ là từ ánh mắt đến ánh mắt và lý do chỉ vì một viên thịt.

Năm học mới, cậu chuyển trường theo ý bố dượng, sang cùng trường với Ánh, con bé học bên khuôn viên tiểu học, còn cậu ở khối trung học cơ sở. Buổi sáng cứ đúng 8h là tài xế của gia đình sẽ đưa hai đứa đến trường, từ nhà đến trường mất 30 phút, điều duy nhất con bé ấy làm là ngủ từ lúc lên xe cho đến khi xe dừng lại. Thời gian đầu cậu nghĩ hẳn là nó thức khuya học bài nên mới thế, vậy nhưng không phải, nó chẳng thức khuya bao giờ, nhưng sức ngủ cũng ngang ngửa với sức ăn, chẳng bao giờ là đủ. Vì vậy mà đi chung xe một thời gian, đôi bên cũng chẳng nói với nhau câu nào, cậu còn không chắc con bé ấy có nhận biết cùng băng ghế với nó còn một người khác nữa không.

Trường mới của cậu là trường quốc tế, mọi thứ đều học bằng tiếng Anh, thứ mà cậu không mấy giỏi. Vậy nên ngoài giờ học chính, cậu phải học thêm vài tiếng buổi chiều với giáo viên kèm riêng tiếng Anh tăng cường, còn Ánh thì tham gia mấy lớp nhạc họa. Ngoài lúc trên xe đi – về, mỗi tuần cậu sẽ giáp mặt con bé ở trường hai lần, ấy là vào giờ học bơi, hai lớp có giờ học bơi trùng nhau, chỉ là bên cậu dùng phần bể sâu cho người lớn, còn con bé học bên phần bể nông cho tiểu học. Một lần con bé chạy về phía chỗ cậu đang đứng khởi động, hỏi:

- Lớp anh, phòng nào?

- Phòng B05-07! – Cậu trả lời như cái máy, còn chưa kịp hỏi có chuyện gì thì nó đã chạy tót về lại bên kia.

Sau giờ học bơi về lại lớp vào giờ bài tập buổi chiều, cậu đang ngồi làm bài tập toán thì có đứa đập vào vai:

- Ê, con bé nào tìm mày kìa!

Cậu ngó lên, thấy Ánh đang đứng lấp ló trước cửa phòng học, vẫy tay ý bảo cậu ra ngoài. Cậu hơi phân vân rồi cũng đứng lên đi ra, con bé nhìn cậu, xòe miệng cười, tay xoa xoa bụng:

- Em đói! Anh có tiền không?

- Có, nhưng mà... buổi trưa em chưa ăn à?

- Ăn rồi, nhưng mà bơi xong lúc nào cũng đói. Mẹ không cho tiền, mẹ sợ em ăn nhiều sẽ béo. Mà em thấy em đâu có béo.

Cậu nhìn con bé, kiểu gì thì thấy mẹ nó nhìn nhận không sai là mấy. Cậu đi vào lớp, lấy ví trong cặp ra, hỏi nó:

- Em cần bao nhiêu, anh cũng không có nhiều...

Con bé ngó ngó vào ví rồi nói:

- Cho em 1 tờ là được!

Cậu đưa cho con bé hai tờ, nói:

- Cầm đi, nhưng đừng ăn nhiều quá... ờ, ý anh là... nên nghe theo lời mẹ!

Con bé gục gặc, tiếng cảm ơn còn chưa kịp bay ra ngoài miệng, nó đã chạy biến về cuối hành lang ra thang máy. Cậu bất giác phì cười, cuộc hội thoại thứ hai, vẫn là vì thức ăn mà ra, một ý nghĩ thoáng vụt qua đầu cậu "Con bé ấy mà củ hành gì, gọi nó là Thịt Viên mới đúng, tròn như thịt viên".

Viên thịt ấy không chỉ đến một lần, thi thoảng học bơi xong nó lại chạy đến lớp cậu, cuối cùng mỗi lần thấy con bé thập thò trước cửa lớp, cậu lại xin giáo viên trợ giảng cho ra ngoài, đích thân áp giải viên thịt ấy xuống căn tin của trường, giám sát con bé ăn uống xong, đưa về lớp rồi mới trở lại lớp cậu. Mãi rồi bạn bè trong lớp, giáo viên trong lớp đều nghĩ cậu có em gái học cùng trường, bày tỏ sự ngưỡng mộ trước một thằng anh trai chuẩn mực có một không hai. Việc cho Củ Hành "ăn dặm" sau giờ bơi đã trở thành bí mật giữa cậu và con bé, mà dạo ấy con bé cũng cao lên trông thấy, nên mẹ nó vẫn không nhận ra nó đã có suất ăn "ngoài quy chuẩn". Con bé bắt đầu nói với cậu nhiều chuyện hơn, kể cho cậu nghe những chuyện mà nó cho là "bí mật". Thỉnh thoảng cuối tuần nó lại ôm tập vở sang phòng cậu, quăng bừa lên bàn rồi leo lên giường cậu ngủ một giấc cả tiếng, sau đó lại ôm tập vở, xỏ dép đi về, nó bảo:

- Ở nhà mẹ gọi dậy sớm, em buồn ngủ lắm. Em ôm tập nói sang anh chỉ bài.

Lần đầu tiên cậu chẳng nói gì, đến lần thứ ba, cậu nghiêm túc bảo nó:

- Em cứ sang đây rồi về mà chưa làm bài thì cũng không được đâu!

- Em làm hết ở trường rồi, hì hì, em lừa mẹ em đấy!

- Này, trẻ con mà nói dối, lừa người lớn là không tốt. Anh không bao che cho em mãi được đâu!

Con bé rơm rớm nước mắt, ôm tập vở, ra đến cửa còn mếu máo, nói:

- Không có ai thương em!

Cậu cũng có chút áy náy lúc ấy, nhưng rồi cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều, dù sao đối với cậu lúc ấy Ánh vẫn chỉ là một con bé con được nuôi lớn trong sự cưng chiều lẫn kèm cặp của mẹ nó, một người phụ nữ thành đạt, hiện đại, nhưng cũng rất nguyên tắc. Những ngày sau con bé không sang chỗ cậu nữa, cũng chẳng thấy nó đến lớp cậu sau giờ bơi, trên xe cũng chẳng hé răng nói chuyện nửa lời, mọi chuyện lại trở về như trước đây. Bạn cùng lớp hỏi "Em gái mày dạo này không thấy qua tìm vậy?", cậu cũng chỉ ừ cho qua chuyện, những ngày đầu cậu cũng hay nhìn ra cửa ngóng xem con bé có đến không, sau này thì thôi không chờ nữa. Ngồi trên xe, cậu cũng không biết có nên mở miệng nói gì đó, nghĩ một lúc lại thôi, dù gì thì cũng đâu phải là em gái cậu thật, có khi là không cần cậu nữa nên không tìm cậu, vậy thôi. Tình thân đâu dễ mà có, dăm ngày vài bữa cũng chỉ là vì con bé ấy bụng đói vớ được thức ăn miễn phí, nghĩ lại thấy cũng chẳng hơn gì. Cậu lại nhớ lời mẹ hay nhắc "Chưa biết nhà họ thế nào, cứ sống thu mình lại thôi con ạ!".

Người ta bảo trẻ con dễ giận cũng dễ quên, vậy mà con bé này giận rất có quyết tâm. Cũng chỉ còn ít nữa là hết học kỳ thì nó lăn ra ốm. Hôm ấy cậu nhớ là buổi thi môn đầu tiên, cậu ngồi lên xe còn cắm mặt vào sách coi lại bài vở, xe chạy một lúc mới để ý là băng ghế sau chỉ có mình cậu, tò mò hỏi chú lái xe mới biết con bé bị ốm, chú cũng biết có vậy thôi, còn vì sao ốm, ốm như thế nào thì chú không rõ. Mấy hôm nay trời đã bắt đầu lạnh, chắc con nít được chăm kỹ quá nên chỉ cần thay đổi thời tiết là hắt hơi sổ mũi, cậu thầm nghĩ. Suốt một tuần ấy con bé không đi học, cũng không bước chân ra khỏi cửa nhà. Tối tối cậu đứng ở cửa sổ phòng cậu, nhìn sang ô cửa đối diện sáng đèn, băn khoăn người ở trong phòng ấy thế nào. Cuối tuần, bố dượng đi công tác về, đưa cho cậu một hộp lớn, nhờ đưa sang nhà bên cạnh. Cậu chẳng chần chừ mà ôm hộp quà to bằng nửa người đi nhanh như chạy, nếu tính là có bánh xe gắn vào chân thì cũng không ngoa. Vậy nhưng người nhận là chị giúp việc, cậu chần chừ mãi mới dám hỏi thăm, chị giúp việc chỉ cười bảo Ánh không sao rồi bưng thùng đồ đi nhanh vào bếp, coi sóc mấy chiếc nồi nấu dở trên bếp. Cậu ngó nghiêng một lát rồi cũng ra về, lại nghe tiếng bước chân chạy thình thịch xuống cầu thang, cậu vừa ngoảnh lại nhìn đã bắt gặp đôi mắt tròn ngự phía trên đôi má mũm mĩm, chưa kịp hỏi chuyện, con bé vừa nhìn thấy cậu đã hất mặt rồi chạy ngược lại lên trên. Cậu nhìn theo bước chân khuất hẳn, nghĩ "Bé tí đã thù dai. Trông ra cũng khỏe, chắc lại lười học, sợ thi". Cậu vừa bước ra đến cửa đã nghe tiếng nó nói vọng xuống:

- Cô ơi, nhanh lên, cháu đói lắm, đói lắm, đói sắp ngất ra nhà rồi!

Chị giúp việc vừa nhanh tay múc cháo vào một bát lớn, vừa sắt thịt gà cho lên trên. Chị vừa đặt cháo lên tay lại nghe tiếng chuông ai đó bấm ở cổng. Từ nhà ra đến cổng phải đi một quãng xa, chị có vẻ lúng túng không biết nên làm việc gì trước, thấy vậy, cậu nói:

- Em đem cháo lên cho Ánh, chị ra xem khách nào đến. Khách của nhà mình em cũng không rành!

- Ờ, thế nhờ em!

Cậu bưng khay cháo lên nhà, cấu trúc căn nhà này y hệt nhà cậu, đúng hơn là nhà bố dượng, nên việc tìm vị trí phòng Ánh cũng chẳng có gì là khó. Cậu gõ mấy tiếng cốc cốc lên cửa, nghe từ bên trong vọng ra:

- Cô vào đi ạ!

Cậu kéo cần cửa bước vào, Ánh đang ngồi đọc sách trên giường của nó, người mặc một bộ pyjama dày mùa đông, tóc buộc cao, không còn búi thành hai củ hành như cậu vẫn thấy, da hơi tái, mặt có lấm tấm hạt đỏ. Con bé vừa ngẩng mặt lên thấy cậu đã vội lấy sách che mặt:

- Ai cho anh lên đây? Anh đi ra ngoài đi!

Cậu đặt khay cháo lên bàn, cười hỏi:

- Ốm thế nào đấy? Mặt sao mà phải che?

- Chả sao cả, em không muốn thấy mặt anh. Đi ra đi!

Cậu không hỏi nữa, xoay người bước ra cửa, dừng chân lại một nhịp, sau đó với tay khép cửa lại, trước khi cửa khép hẳn, cậu còn thấy một chiếc má bầu bĩnh ló ra một bên sách nhìn lén. Mấy hôm sau cậu mới biết con trai thứ hai nhà đó đi du học. Hôm gia đình đưa anh trai ra sân bay, con bé không đi theo, cậu ngồi trên chiếc xích đu trong khuôn viên nhìn lên tấm rèm cửa sổ phòng Ánh hé hé mở, cậu anh trai chất đồ lên xong cũng ngoái đầu nhìn về hướng ấy, đưa tay vẫy vẫy, chiếc rèm cửa khép lại như giận dỗi. Cậu chưa từng có anh chị em, cũng không hiểu được trong đầu đứa bé ấy nghĩ gì, là nó không can đảm nhìn anh nó đi xa chăng? Sau đó mẹ cậu nói với cậu rằng con bé ấy vốn không ốm, nó vờ lấy bút đỏ chấm lên mặt, nghĩ rằng có thể giữ anh trai ở nhà với nó, có điều kế hoạch thất bại, chỉ là cả nhà vờ vịt tin rằng con bé ốm thật, cho hai anh em thêm một chút thời gian.

Tuần sau đó Ánh lại đi học như cũ, những môn nó bỏ thi được nhà trường sắp xếp cho một số buổi thi riêng. Kết quả thi của nó không khá cũng chẳng tệ, làng nhàng cũng lên lớp. Bố dượng nói anh chị của con bé đều rất xuất sắc, chỉ có con bé đó không rõ là không thông minh thật hay là do bản tính nó chẳng tập trung vào học hành cho lắm. Cậu cũng lấy làm lạ, với sự nghiêm khắc của mẹ con bé, nó có thể nhởn nhơ với thành tích học tập lẹt đẹt như thế mà chẳng phải nhận bất cứ hình phạt nào. Trường cho nghỉ giữa kỳ một tháng, đận ấy thầy dạy nhạc của anh trai Ánh chuyển sang dạy nó, mỗi lần đi ngang qua, cậu lại nghe tiếng con bé ấy tập đàn một cách vụng về không liền mạch, thi thoảng lại nghe tiếng nó luyện thanh "Mi mi ma ma" rất buồn cười, nghĩ cũng nghĩ không ra được làm sao nó có thể hát với cái chất giọng nghe chua chua chói chói như thế.

Con bé ấy vẫn không nói chuyện với cậu. Một vài lần cậu trải bạt nằm đọc sách trên bãi cỏ, con bé ấy ôm con mèo mà anh nó mua cho trước khi đi, nó bước ngang qua cậu, có đưa mắt nhìn một cái rồi thôi. Con mèo con lông xám mặt nom ngơ ngơ, kêu nheo nhéo, chạy chơi với trái banh cao su bé tí trong khi chủ nhân của nó trèo lên một nhánh cây thấp, ngồi tựa lưng vào thân cây, mở túi đồ ăn giấu trong áo khoác nhai nhóp nhép. Cao kế thật, trèo lên cao ngồi ăn thì chẳng ai thấy được cả. Ai bảo là trẻ con ngây thơ, ai bảo con bé ấy không thông minh, rõ là nó chỉ có một thói xấu duy nhất: Lười biếng.

Cậu không nhìn về phía ấy nữa, lại tiếp tục đọc sách. Bố dượng có một thư viện lớn trong nhà với sách đủ thể loại, được sắp xếp dán nhãn và có hệ thống theo dõi ghi nhớ như trong thư viện trường. Cứ vài ba ngày cậu lại đọc hết một cuốn, đủ thể loại, tùy theo cảm hứng, có cuốn đọc say sưa xuyên đêm, có cuốn chán ngắt nên bỏ dở nửa chừng. Khu vực cậu không bao giờ chạm đến là sách nhạc, đơn giản bởi vì các thể loại khác đều là chữ cái Latin bình thường, cho dù tiếng Anh hay tiếng Việt đều có thể hiểu được hoặc tra cứu để hiểu, còn cái mớ ký tự nhạc nhảy múa kia chắc chắn là cậu và chúng ở hai thế giới song song không thể có cơ hội va chạm vào nhau. Mặc dù đang được nghỉ nhưng cậu vẫn học tiếng Anh với gia sư dạy kèm 4 buổi/ tuần, vẫn có bài tập, vẫn phải học hành, có chăng là so với học kỳ chính thức thì đỡ hơn một chút. Cậu không thích ở trong phòng, mỗi buổi sáng đều ôm bạt, ôm sách vở đến bên cạnh một cái cây lớn trong khuôn viên, nương nhờ bóng mát của nó cho đến tận trưa. Ánh cũng hay chơi ở một cây khác cách đó một khoảng cùng với con mèo của nó, giữa cậu và con bé ấy vẫn có một bức tường chắn ở giữa, thi thoảng cậu lại ngước nhìn về phía đó, một lúc lại quay về với loạt bài tập phải hoàn thành. Cậu chưa từng gặp một đứa trẻ con nào có tính giận dai như thế, thấy cũng buồn buồn, dù gì trong cái khuôn viên rộng lớn có hai ngôi nhà, cả cậu và con bé ấy đều vô tình mà đơn độc. Người lớn có việc của người lớn, ai ai cũng rất bận rộn, chỉ có trẻ con tự tìm cách cân bằng thời gian của chính mình.

Con bé ấy còn có một sở thích lạ thường, bất kể mùa đông hay mua hè, nó đều có thể bơi. Việc nó đang chơi, đang nằm ngủ, đang ngồi trên cây rồi bỗng nhiên chạy đến hồ, quăng dép rồi nhảy ùm xuống khua khoắng vài vòng cũng chỉ làm cậu kinh ngạc lần đầu tiên, còn người trong nhà dường như đã quá quen. Chị giúp việc dường như lúc nào cũng có sẵn khăn khô ở đâu đó, cầm khăn chạy ào ra nhanh như một cơn gió. Ngày nắng thì còn đỡ, ngày đông lạnh, cậu bỗng thấy tội cho chị phải trông chừng một con nhóc dở dở ương ương. Chị cứ đứng trên bờ năn nỉ nó đi lên kẻo cảm lạnh, còn con nhỏ khó bảo ấy hết bơi chó rồi lại nằm ngửa thư giãn như rái cá. Chỉ khi nào có mẹ con bé ở nhà, bà chỉ cần gọi một tiếng "Ánh!" là con rái cá nhăn mặt phụng phịu, lóp ngóp ngoi lên đi vào nhà. Dù sao nó cũng đã được học bơi một cách bài bản nên cũng chẳng phải là chuyện đáng lo lắng cho lắm. Có lần mẹ con bé nói "Nó không thấy lạnh, vậy thì chắc không sao". Nói chung nó là một thể loại "tiểu thư nhà giàu" không giống những tiểu thư khác, ngay cả những đứa bạn cùng lớp đến dự sinh nhật con bé cũng chẳng giống nó chút nào. Con bé ấy không thuộc dạng hiền lành như mì, cũng không phải lanh lợi lém lỉnh, đâu đó nó có chút hoang dại nghịch ngợm của Moana, lại có tí ngốc nghếch của công chúa tóc dài sống một mình trên tháp.

Phải, chính vì ngốc nghếch nên chẳng biết có lúc thợ lặn giỏi nhất cũng có thể gặp nạn. Ấy là lúc chị giúp việc vừa ra cổng để đưa công văn bố con bé để quên ở nhà cho tài xế đem đến công ty, con bé ấy lao xuống hồ bơi để đưa con mèo của nó lên, đó là một ngày đông rất rất lạnh, nó vùng vẫy cố ngoi lên khỏi mặt nước, con mèo đã tự mình bơi vào thành hồ rồi leo lên, kêu méo méo, còn cô chủ nhỏ của nó ko rõ vì sao lại chìm dần chìm dần vào làn nước lạnh ngắt như hồ băng.

Cậu lúc ấy đang đứng tựa cửa sổ phòng, gió thổi từng đợt quét qua mặt. Cậu bỗng nhớ tới cảm giác ở căn phòng trọ ngày trước, hai mẹ con có một tủ lạnh nhỏ, cậu có sở thích mở ngăn đông để hơi lạnh ấy ùa lên mặt, cảm giác khoan khoái vô cùng. Từ lúc mùa đông gõ cửa, mỗi ngày cậu đều thích đứng bên cửa sổ một lúc lâu để tận hưởng cái lạnh buốt ấy, thói quen này theo cậu đến cả những năm sau này, khi cậu đứng ở một nơi xa thật xa, nhìn ra ngoài cửa sổ phủ bởi một tầng tuyết trắng. Cậu nghe tiếng mèo kêu, nhìn xuống hồ bơi, trong vài giây vẫn cười, nghĩ rằng con bé dở hơi ấy lại nhảy xuống hồ làm trò. Nhưng chỉ trong một tíc tắc sau đó đã cảm thấy có điều không ổn, cậu chạy nhanh ra khỏi phòng, không rõ đã lướt qua bao nhiêu bậc cầu thang, đẩy mạnh cửa phóng ra ngoài, lao người xuống hồ, ôm một thần hình bé nhỏ lên mặt nước. Cậu lúc ấy không còn biết cảm giác nóng hay lạnh, chỉ theo bản năng lo sợ đến nghẹt thở, vỗ vỗ vào mặt con bé gọi dồn:

- Ánh, Ánh, dậy đi! Ánh...

Cậu luống cuống không biết nên làm động tác hô hấp cho người đuối nước như thế nào, những thứ được học ở trường bỗng trở nên hỗn loạn, nên ép tim trước hay hô hấp nhân tạo trước. Bình tĩnh lại một chút, cậu hét lớn gọi chị giúp việc, lại dùng hai tay chồng lên nhau ép ngực, rồi hà hơi thổi ngạt, cứ như thế vài phút thì con bé tỉnh lại, nước tuôn ra một bên miệng, người cử động chậm chạp. Chị giúp việc vừa chạy đến thì luống cuống, làm rớt cả điện thoại đang định gọi cho bác sĩ gia đình xuống thảm cỏ. Được một lúc thì xe cấp cứu và bác sĩ cũng đến, Ánh lúc này đã tỉnh táo hơn, bàn tay nắm chặt lấy tay cậu, mặt nó tái nhợt, môi mấp máy muốn nói gì đó. Xe chỉ cho một người nhà đi cùng nên cậu đành gỡ tay con bé ra để chị giúp việc đi theo cùng, mặt chị còn hốt hoảng, xanh còn hơn bệnh nhân đang nằm kia. Cậu hiểu ý, nói với chị:

- Chị lo cho Ánh đi, em sẽ báo với mọi người.

Thực ra chị giúp việc đã kịp gọi cho bố mẹ Ánh, nhưng lúc ấy chị hoảng loạn quá, nói lắp bắp chẳng được rõ ràng. Cậu gọi cho bố dượng và mẹ xong thì ngồi thừ ra một lúc, chần chừ suy nghĩ, cuối cùng lấy xe đạp đi thẳng mấy cây số đến bệnh viện, quên cả việc thay bộ quần áo ướt vẫn ướt dính vào người, gió thổi tạt từng đợt lạnh thấu da thịt. Bầu trời hôm ấy kéo mây xám xịt một màu, sẽ có giông chăng?

Mưa lắc rắc rồi bắt đầu nặng hạt, cậu vừa dựng xe vào hầm gửi xe bệnh viện liền nghe sấm giật bên ngoài. Rút điện thoại gọi cho bố, ông ấy bảo Ánh vẫn đang nằm trong phòng cấp cứu ở tầng 5, mọi người đều đang ngồi ở hành lang chờ đợi. Cậu đi thang máy lên đến nơi, thấy chị giúp việc khóc thút thít, bố con bé ngồi trên ghế tay nắm chặt vào nhau, người mẹ nghiêm khắc có vẻ bình tĩnh, nhưng những ngón tay không ngừng văn vê, cứ vài ba phút lại ngó lên đèn phòng cấp cứu. Cậu ngồi ở một dãy ghế xa hơn, tựa lưng vào tường, bỗng nhớ đến bàn tay nhỏ nắm lấy tay cậu, cả đôi môi mấp máy không rõ muốn nói gì, một lời cầu nguyện nho nhỏ vang lên trong tâm trí "Em ấy nhất định không sao, sẽ không sao".

Cậu còn nhớ ngày con bé về nhà, nó dường như quên luôn câu chuyện ngã hồ bơi suýt chết đuối ấy, nó ngồi trên cành cây, thò hay chiếc chân xuống đu đưa, hỏi cậu:

- Chị em nói người nhà sẽ luôn ở bên nhau, nhưng mà cả chị cả anh đều bỏ em ở lại! Anh có phải là người nhà của em không? Sau này anh cũng đi giống như họ đúng không?

Cậu im lặng một lúc, trả lời:

- Ừ! Ai trưởng thành rồi cũng phải xa người nhà thôi! Mà tụi mình cũng... không hẳn là người nhà!

- Không phải người nhà thì là người dưng à?

Cậu ngước lên nhìn con bé, cười, lắc đầu, bản thân cũng không rõ cái lắc đầu ấy của mình có ý gì, có thể chỉ là cậu không biết câu trả lời mà thôi. Đâu đó lại nghe lời mẹ cậu vang lên trong đầu "Người nhà phú gia, giữ khoảng cách an toàn mới tốt con ạ!".

Ngày ngày tháng tháng qua đi, lá cây đổi màu mấy bận, cậu dần hiểu ra rằng cái sự kiện chết đuối hụt ấy không phải là sự kiện đầu tiên, mà càng không phải cuối cùng. Mặc dù người mẹ bận rộn kia đã thuê thêm một bảo mẫu, ấy thế nhưng con bé ấy lúc thì ngủ quên trên cây té xuống gãy chân, lúc thì về quê ra đồng chơi với họ hàng bị rắn cắn, lúc trốn học trèo rào ra ngoài bị lạc đường làm cả nhà thất kinh hồn vía. Bảo mẫu đã thay đến người thứ ba mà vẫn không thể nào chịu được lắm trò nghịch ngợm của nó, bố mẹ vỗ đầu bồm bộp, cho đến một hôm trong một bữa cơm gia đình, con bé bước vào nhà cùng người bảo mẫu, cả hai đều lấm lem ướt nhẹp. Cô bảo mẫu thở dài xin nghỉ, mẹ nó thở hắt ra, hỏi nó:

- Con muốn thế nào? Cả nhà không thể bỏ hết công việc để đi theo con mãi được!

Con bé ấy nhìn mẹ, nhún vai, nhìn ngang ngó dọc, cuối cùng nó nhoẻn miệng cười, chỉ tay vào cậu:

- Anh, có anh đi theo con là được, không cần cả nhà đâu ạ!

Thằng con trai 14 tuổi là cậu vẫn còn chưa hình dung được điều gì chờ đợi trước mắt, tuổi thơ dữ dội hay tương lai mù mịt, cuộc đời nở hoa hay cuộc sống bế tắc. Cậu muốn từ chối, cậu có thể từ chối không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro