mấy khi tình đầu kết thành duyên mong ước.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


- Rồi! Chạy đi! Chạy đi!

Tôi phất cao cánh diều dưới ngọn gió lớn, chẳng mấy chốc đã bay lên, vượt cả những ngọn dừa xanh mướt. Nói gì chứ về ba cái khoảng thả diều này, mấy đứa nhỏ trong xóm chưa đứa nào dám bì lại tôi. Trấn nhìn cánh diều bay vút trên cao, lim dim mắt mà vẫn nhoẻn miệng cười. Hình như nó còn thích thả diều hơn cả tôi nữa.

So với việc giành thả diều với Trấn, thì tôi lại thích nhìn nó cười hơn.

Tôi đưa diều cho Trấn, bàn tay nó nhỏ xíu, đón lấy cuộn dây bằng tất cả niềm vui sướng. Mỗi lần như vậy, Trấn luôn nhìn tôi với con mắt chất đầy ân huệ. Nó không giỏi thả diều nhưng rất thích được cầm dây, nên chuyện tôi chạy rong rong thả giùm cho Trấn cũng không có gì xa lạ. Tôi có lấy làm mệt nhọc gì đâu, bởi nó đã trả công cho tôi bằng một cái cười ngọt lịm, ngây ngất hồn tôi tự buổi thiếu thời.

Thạc Trấn là con ông Sáu, chủ điền vang tiếng khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Không ai trong xóm này mà không nợ lão vài công ruộng. Đất nhà lão cò bay thẳng cánh, trải dài khắp cái dãy Vĩnh Long mặn mà phù sa này. Ông Sáu tuy giàu có, đất đai lại bạt ngàn, của cải thì ăn mấy đời không hết nhưng chỉ có một người con là Trấn. Từ thủa còn bé xíu, nó đã được người trong làng kính cẩn gọi tiếng "cậu hai".

Trấn không giống những công tử khác, dù khoác lên mình vải gấm hay phi bóng phẳng phiu, nó cũng không hề có chút kiêu căng nào. Xung quanh đứa trẻ đó là biết bao trọng trách to lớn hơn cả tuổi đời. Tía má tôi hay dặn, đừng nên làm thân với Trấn, lỡ mà nó có chuyện gì, nhà tôi có bán cũng không lo đủ. Nhưng tôi nỡ nào làm vậy, người ta nói ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên, biết mần sao được, tôi lỡ thương cái Trấn mất tiêu rồi!

- Ngoài đó nắng lắm! Lại đây ngồi nè! Mày mà cảm nắng là ông Sáu đánh tao chết!

Trấn quay mặt lại, đưa đôi mắt lanh lợi nhìn tôi. Mắt nó trong như nước ở cái giếng đầu làng, ngó vào lại thấy thấp thoáng bóng dáng mình trong đó. Tôi không biết tả làm sao cho đủ cái bồi hồi trong mỗi lần chạm mắt Trấn. Một đôi mắt xanh ngời, trong sáng, mong manh, như gió thu, nắng hạ, như búp sen non còn đọng giọt hồng sương sớm. Làm tôi ngẩn ngơ mấy hồi. Mỗi lần như vậy tôi đều giả đò ngó lơ đôi mắt như chực khóc của Trấn, chứ thiệt ra lòng dạ đã chóng xuyến xao.

Nó xụi lơ đặt cuồn dây xuống, rồi lấy đất chiêm lại cho khỏi bay đi. Ruộng đồng đốt đến cháy đen, bàn chân hai đứa tôi cũng dính đầy tro bụi. Trấn ngồi bẹp xuống, phủi phủi lớp đất vướng trên đôi guốc mộc, quay sang nhìn tôi.

- Tuấn nè, sao Tuấn cứ xưng mày tao với tôi vậy? Tôi lớn hơn Tuấn hai tuổi lận mà?

Bàn tay tròn lẳn của nó chìa ra hai ngón trước mặt tôi đầy chất vấn. Tôi ráng nén trận cười đã đầy ứ bụng lại vì sợ làm Trấn khóc, nhưng mà tự nhiên cũng thấy hơi chột dạ. Phải rồi ha, Trấn lớn hơn tôi tận hai tuổi mà! Lớn hơn vài tháng cũng là lớn hơn, đằng này tới hai tuổi lận. Nhưng tôi không thích kêu nó bằng anh đâu, anh gì mà thấp hơn tới nửa cái đầu, nhìn sao cũng hổng thấy giống người lớn hết!

- Thì...thì tại tao hổng thích! Đi dìa!

Tôi đứng lên, phủi đít đi trước. Trấn cũng lồm cồm ngồi dậy, lon ton chạy theo bóng lưng tôi. Chúng tôi luôn kết thúc những buổi chiều như vậy bằng mấy câu hỏi ngẩn ngơ của Trấn. Người gì đâu lạ lùng, gặp cái gì cũng hỏi. Nhưng nếu Trấn hỏi thì tôi sẽ trả lời, hiểu thì gật gật, không hiểu thì lắc đầu ngúc ngắc. Chẳng biết tự bao giờ mà tới mỗi cái lắc đầu của Trấn tôi cũng thấy dễ thương.

Những mái lá nằm san sát bên nhau tỏa khói chiều, làm cái bụng tôi lại cồn cào đánh trống. Tôi thì không mấy khi thấy Trấn như mình, cũng phải, má tôi từng nói người giàu không biết đói. Chỉ có tôi chiều nào cũng đánh trống ì đùng, hối Trấn mau về mau.

Mấy năm nay mùa màng thất bát, tía má bữa nào cũng đi mần mướn tới tối om. Người ta nói khổ nào hơn khổ vì tiền, sao mà đúng quá. Bằng chứng là cái tuổi thanh xuân mà biết bao nhiêu người níu giữ ấy, rồi cũng trôi theo những giọt mồ hôi mặn chát đổ ngoài đồng. Cho nên tôi buồn lắm, buồn khi dòm cái lưng khom khom của tía, rồi tới đôi bàn tay đen thui, gân guốc và chai sạn của má. Ôi, tiền bạc có thể làm con người ta đẹp đẽ hơn, bóng bẩy hơn thì cũng có thể khiến họ già nua và xấu xí. Tôi thấy thương cho cái tuổi xuân trễ tràng đó, biết bao.

Phải mà nhà tôi cũng giàu thì hay biết mấy.

Tôi năm tám tuổi ước sau này có thể giàu như ông Sáu.

○◇○

Thuở còn thơ, Trấn rất thích hoa sen, nhất là sen trắng. Có lẽ vì Trấn cũng đơn thuần và trong sạch như loài hoa ấy. Biết là Trấn thích, nên mỗi lần nó giận, tôi chỉ cần lội sông bẻ cho nó vài búp sen vừa chín tới là nó hết giận liền. Người gì đâu dễ dụ hết sức ( nhưng mà dễ thương ).

Hồi đó quê tôi mọc rất nhiều sen trắng, cứ đi dọc chiều về, sẽ thấy trên đê có đứa nhỏ ôm bó bông sen. Hình ảnh đó gắn liền trong kí ức của tôi những khi nhìn nắng chiều đổ xuống sông quê. Nó vẫn im lìm ở đó mặc cho năm tháng đi qua, người ta bạc lòng chia cắt. Mãi đến sau này khi Trấn đã rời đi, tôi vẫn thương đến xót xa cái mùa hoa xưa ấy.

Sông quê tôi trải dài khắp các nương lúa, là nơi cung cấp nước cho cả vùng. Có lẽ vì phù sa bồi đắp nên sen sống rất tốt. Mỗi độ sen nở, hương thơm ngào ngạt khắp một vùng quê, mấy ai đi xa lại hay nói thấy nhớ mùi sen trắng. Tôi thì chưa xa quê lần nào, nên nghe người ta ngợi ca cũng thấy ngồ ngộ. Chắc là do văn vẻ điêu ngoa, nhớ ai thì nói chứ ai lại đi nhung nhớ một loài hoa bao giờ.

Làng tôi nghèo, không mùa nào mà trốn được nạn đói. Những cơn đói day dẳng và triền miên ấy đuổi rít lấy tuổi thơ tôi, bao trùm lên những mái lá nghèo và dòng sông cằn cõi. Có xa lạ gì đâu những bữa ăn với khoai mì, củ sắn để cầm hơi. Cả mười hai tháng trời dãi nắng dầm mưa, người ta mới ấm êm được vài ba ngày tết. Gọi là ấm êm, chứ xá chi những nhọc nhằn vơi bớt. Chỉ là người ta vui đời hơn, khi nhìn con nít buổi sớm đầu năm ríu rít đi chúc tết, nhành mai nhà ai đã đơm thắm nhụy vàng và cánh én phương xa rôm rả trên trời già, ôm trọn một chiều xuân yên ả.

Thuở ấy tôi thích nhất là ăn tết, vì năm mới tôi lại được đón tuổi mới, sẽ được đi xa thật xa, chơi đùa thỏa thích mà không sợ tía má la rầy. Cho đến bây giờ, khi đã dần khôn lớn, hễ mỗi dịp tết đến xuân về, tôi lại thấy lòng mình xốn xang.

Én bay về tổ, rợp trời hoang
Cỏ non trải dọc trên đường làng
Hoa mai đua nở khoe sắc thắm
Đượm thắm tình anh, thắm duyên em

○◇○

Chiếc ghe nhỏ chèo xuôi dòng chảy, Trấn với tay vọc mặt nước lăn tăn. Nụ cười em thơ dại rọi xuống dòng sông, làm con tim non nớt của tôi cũng rộn ràng đến lạ.

Nghe tiếng cười nói râm ran, Trấn quay lưng lại, trân trân đôi mắt nhìn sang bên kia bờ. Dòng người rước dâu ríu rít đi dọc triền đê, nào là màu áo trắng của anh thanh niên bưng đầu heo, nào là mảnh nhung hồng của cô thiếu nữ tay ôm mâm quả, nào là xanh xanh đỏ đỏ những áo quần tươm tất của lũ trẻ thường ngày trần truồng chạy khắp chợ quê. Trấn lom lom đôi mắt nhìn cô dâu chú rể, tôi chợt thấy được đâu đó trong ánh nhìn thơ ngây ấy, là niềm hy vọng màu xanh biêng biếc.

Tận đến bây giờ, mỗi lần thấy đám rước dâu, tôi lại buốt lòng xa xót bởi một ánh nhìn lay láy chờ mong ngày đó.

Tôi biết, Trấn cũng có một giấc mơ xa xôi.

Tự thuở yêu nhau, ( thuở mà con người ta còn đủ dại khờ để mộng mơ về một tổ ấm hai người tròn vẹn ) em chưa lần nói đến chuyện trăm năm. Có lẽ Trấn biết tôi nghèo, nên cũng không thuận miệng. Ông bà có câu, "nói trước bước không qua" chắc cũng vì lẽ đó. Mà hơn hết thảy, ở cái xã hội khắc nghiệt này, tôi biết tìm đâu cái nơi sẽ dung túng cho một tình yêu mà với luân thường đạo lý luôn là sai trái ?

Đó là một tình yêu, chỉ có hò hẹn nhưng chưa từng hứa hẹn điều gì.

Mong manh.

Mong manh như sương khói.

○◇○

Đêm mười bốn trăng nghiêng trên đỉnh đầu, Trấn vọc chân xuống sông, đôi mắt em buồn hiu nhìn ra hàng dừa nước rũ rượi bên kia bờ.

- Ngày mai tôi đi rồi. Tuấn có gì muốn nói với tôi không?

Buông tiếng thở dài, tôi cúi đầu lặng lẽ. Có chứ sao không, có rất nhiều là đằng khác. Nhưng tôi phải nói gì đây ? Rằng Trấn ơi, tôi thương Trấn biết nhường nào. Nếu mà Trấn đi, chắc tôi sẽ không thèm lấy vợ. Rằng Trấn đã quên rồi sao ? Một rằm tháng tám năm nào chẳng rõ, có hai mái đầu từng ríu rít chuyện tình yêu?

Tôi bật cười, mối duyên đầu mà tôi từng ấp ủ, thì ra còn mong manh hơn cả khói ban chiều.

- Ừ...ừ thì Trấn đi thôi...Tôi có biết nói gì đâu.

Có lẽ Trấn buồn nên cũng im re không dám nhìn tôi. Mỗi lần cái khờ khạo của tôi làm đau lòng Trấn, em đều như vậy. Trấn không nhìn tôi, chỉ bâng quơ quẳng ánh nhìn xuống dòng sông biếc lặng, như đang tìm kiếm bóng hình của những ngày thơ ấu thân thương. Hoặc có khi chỉ thẫn thờ ngó về con đường dẫn ra chợ lớn - nơi mà người ta vẫn thường bỏ xứ ra đi.

Tôi luôn nơm nớp một cơn ác mộng trong những lần nghe tin ở cái xứ trần ai này, lại có kẻ theo tiếng gọi thị thành mà bỏ đi biệt tích. Biết đâu một ngày, kẻ đó sẽ là sen trắng của tôi...

Đêm nay mới mười bốn mà trăng tròn vành vạnh, rọi xuống mặt nước bóng hai mái đầu xanh. Thời thơ ấu chất chứa bao vui buồn rồ dại, cứ thế mà lặng lẽ lướt qua tôi. Trấn cũng rời xa cái mảnh đất bạt ngàn này để đi tìm giấc mơ ở một miền đất mới. Bỏ lại tôi chơi vơi với những hồi ức xưa cũ mãi chẳng chịu phai màu.

Trấn ơi, sao Trấn nỡ lòng quên ?

- Tuấn cầm đi. Sau này có khó thì lấy mà sài, liệu thân rồi sống. Mai tôi đi, Tuấn ở lại mạnh khỏe.

Em gói vào tay tôi cái túi nhỏ rồi đứng dậy rời đi. Một gói bạc tiền, một gói tin yêu, một gói tiễn biệt - nằm trọn trong cái túi nhỏ em đưa. Bước qua cây cầu dừa lắc lẻo bên sông, Trấn khẽ quay đầu lại. Cái quay đầu chừng như nghĩ ngợi, chần chừ, chừng như xót xa, luyến tiếc, lại chừng như oán trách, giận hờn. Cái quay đầu như không chỉ để nhìn kẻ bạc tình ở đó, mà khẩn khoản với tay níu cả thuở nguyên vẹn nồng nàn.

- Tuấn...đã hết thương tôi rồi sao?

Tôi cúi đầu, ngậm ngùi chua chát. Đóa sen xưa đó tôi hái trao tay Trấn, chắc giờ đã héo hon. Trấn ơi, có bao giờ tôi hết thương em? Nhưng nếu hai mình thành đôi lứa, chắc gì mình dám đi qua hết bãi bể nương dâu ? Hay là ta sẽ lủi thủi trong gian nhà nhỏ, âm thầm tiếc nuối cho một tuổi xuân lỡ làng ? Tôi có thể chết trong lời sỉ vả của người đời, vì tôi chỉ là một kẻ trắng tay tàn tạ để mưu sinh. Còn Trấn không giống tôi, Trấn có tương lai, có biết bao ngày xanh đang vẫy gọi, vì sao phải vướng bận một kẻ chẳng thể cùng em đi đến bạc đầu ?

- Tôi xin lỗi...

Bẽ bàng, lỡ làng.

Một nụ cười tàn héo nở trên khuôn mặt Trấn. Bước chân em khập khễnh như đang đi trên đống vỡ vụn lòng mình, cô độc lang thang qua hết triền đê, chẳng bao giờ ngoảnh lại.

Lúc này tôi mới dám bật khóc cho thỏa lòng mình. Tôi sợ những tiếng nấc này một khi lọt vào tai Trấn sẽ ghì lấy bước chân em. Tôi là đàn ông mà, lớn rồi ai lại đi lấy nước mắt để trói buộc một bàn tay ?

Chuyện này tôi hiểu tự cái thuở còn để đầu ba chởm. Con diều đứt dây, có khóc cũng chẳng quay về.

Từ nay về sau, khi gặp lại chỉ còn là người xa lạ.

Thạc Trấn của tôi đã theo gia đình lên Sài Gòn ở, mãi mãi bỏ lại mảnh tình tôi gửi gắm hôm nào. Nhiều đêm thức trắng, tôi lại thiết tha nhớ đến người con trai ấy. Tôi có dám trách ai đâu, một thằng đàn ông chẳng có nổi mười đồng trong túi, cả đời chỉ quẩn quanh với mùi rơm mạ thì làm sao có thể yêu ai ? Mà chân tình của tôi, cũng đâu nào đủ để giữ em ở lại cái miền quê cằn cõi này.

Tôi năm hai mươi mốt tuổi, lần đầu bẽ bàng vì chuyện tình yêu dang dở.

○◇○

Năm bốn mươi mốt, chiến tranh ập đến quê hương.

Tôi bịn rịn ôm lấy tấm lưng gầy của má trước sân làng. Gốc đa im lìm không còn tiếng trẻ con vui đùa hay điệu hát ru ngọt lịm ngày cũ, chỉ còn lại tiếng bom đạn ì đùng, lời oán trách thê lương trong những cơn đói rét.

Tía tôi chết dưới nồng súng của quân Nhật rồi chôn mình nơi đồng hoang quạnh vắng. Ôi mảnh đất cằn cõi mà tôi thương như một phần máu thịt, nay mịt mù khói lửa ngút trùng dương. Dòng sông quê từng nuôi tôi khôn lớn, đã nhuộm đỏ màu máu người chiến sĩ. Chiến tranh cướp đi tất thảy yên bình từng gói gọn ở mảnh đất quê tôi, rồi trả lại những đau thương mất mát không có gì xoa dịu nổi. Tôi lặng lẽ ngoái đầu nhìn quê hương lần sau cuối, đứt ruột nghĩ về những tháng năm thơ ấu đã đi qua. Nay cha già còn chưa yên mồ yên mả, mà thằng con đã khuất bóng sau màn lửa đạn mịt mờ.

Tía má ơi, đời này con nợ một chữ hiếu chưa tròn.

Kìa, dòng sông quê từng ngập màu hoa trắng, thuở nào có ai từng hái búp sen tươi. Kìa, mạ non chưa trổ, đồng hoang vắng, thuở nào có hai người từng tung cánh diều bay. Kìa, mấy nhịp cầu tre bấc qua con sông nhỏ, thuở nào đưa gót một người xa quê hương...

Nhớ mẹ già, giếng nước, con đê
Nhớ dòng sông nhỏ chảy về quê hương
Nhớ màu sen trắng tôi thương
Nhớ mùi rơm mạ vương trên cánh đồng

Tôi năm hai mươi sáu tuổi, ước đất nước mình sớm ngày thôi chinh chiến.

---

Trân quý dành tặng cho Vân Anh của em ❤

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro