Phần 2: Đồ chơi mới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cho đến mãi tận sau này, tôi vẫn còn nhớ như in tối hôm ấy. Em mở cửa bước vào, bất ngờ, không hề báo trước.

Tôi lúc đó đang ngồi dưới đất, sửa lại mũi lao. Lưỡi lao bị lỏng, sắp tuột khỏi cán, cần phải buộc lại cho chặt hơn. Ánh lửa hồng nhảy nhót trên tường.

Con Mèo thì đang nằm rúc mõm vào đống tro ấm, thỉnh thoảng rên ư ử. Nó có tật rên khẽ mỗi khi cảm thấy quá nhàn rỗi, như kiểu người ta hát vu vơ thôi. Một thứ tật buồn cười.

Nhà chỉ có một chủ và một chó, thỉnh thoảng cũng thấy buồn. Tôi đưa tay vỗ đầu nó làm nó hát to hơn. Nhưng đột ngột tiếng hát ngưng bặt. Đầu nó ngóc dậy, mắt trừng trừng nhìn ra cửa.

Nó là một con chó săn cực kì thính nhạy. Tôi nhìn theo nó.

Và cửa kẹt mở. Em đứng đó, quần áo xộc xệch lấm bẩn, thở như hụt hơi. Đám tóc vàng rối tung.

Tóc vàng. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy màu tóc rực rỡ lạ lùng đến thế. Như thể những sợi tơ vàng lấp lánh dưới ánh lửa. Da em trắng bệch, môi cũng tái đi vì kiệt sức; đôi mắt xanh biếc ngấn nước. Tôi ngẩn người.

Tôi đã nói Mèo là một con chó săn thính nhạy, nên không chần chừ một giây nào, nó sủa một tiếng, lao lên người em. Tôi vừa kịp quát lên một tiếng rắn đanh:

-Không được!

Và tôi vội đến bên em. Em nằm sõng xoài dưới bốn chân con Mèo và dường như cứng người lại vì sợ. Cũng phải thôi. Nhìn Mèo lúc này mà xem, đúng là một con mãnh thú đồ sộ và hoàn hảo. Nó có thể giết chết một lúc mấy gã đàn ông khỏe mạnh không có vũ khí trong tay. Mèo nhe hàm răng trắng ởn lởm chởm xuống tận mặt em mà gầm gừ, chờ tôi ra lệnh cắn. Nó có thể trở nên vô cùng dữ tợn trong những trường hợp thế này. Thật may, nó rất biết nghe lời. Mèo phục tùng duy nhất một mình tôi, bằng thái độ cực kì nghiêm túc và trung thành. Nếu không thì em làm sao thoát nổi chỉ sau một cú đớp của nó.

Tôi vỗ đầu Mèo, bảo nó tránh qua một bên. Nó lại rên lên ư ử, nhưng lần này không phải nó hát. Nó đang bực bội thật sự. 'Lẽ ra phải trừng phạt cô ta chứ ?' Ý nó bảo tôi thế 'Dám xồng xộc xông vào nhà giữa đêm khuya'.

Tôi không màng đến nó, cúi xuống bên em. Em sợ đến nỗi không nói được gì sau mười giây đầu tiên, chỉ thở dốc không thôi. Tôi vỗ vỗ vào vai em.

'Ổn rồi. Đừng sợ nữa. Có ta ở đây rồi mà.' - Đó là câu đầu tiên tôi nói với em. Từ lúc đó cho đến mãi mãi sau này, tôi vẫn an ủi em bằng câu nói ấy. Lạ thay, nó luôn có thể làm em ít nhiều bình tâm lại dù đang ở trong hoàn cảnh nào.

Em nhìn tôi không chớp, cắn chặt môi dưới. Tôi cũng có thời gian để ngắm nhìn em. Chân tay em lằn ngang dọc những vết xước bởi gai rừng. Bộ đồ em mặc- trước kia có lẽ màu trắng nhưng giờ thì không còn nhìn ra màu gì nữa- rách nát tả tơi và bẩn thỉu, nhất là ở phần vạt váy ngắn đến đầu gối. Nhưng nhìn kĩ ra thì em khá xinh. Kiểu xinh đẹp nhẹ nhàng, thánh thiện và trong trẻo như nước đầu nguồn. Biết miêu tả thế nào đây ? Tức là, nếu như vẻ đẹp quyến rũ hoàn hảo đến rụng rời của Isis làm người ta thèm khát ôm nghiến nàng trong đôi tay và tham lam nuốt trọn; thì đối với em, người ta chỉ muốn nâng niu em trên những đầu ngón tay sạch sẽ, ngắm nhìn một cách say mê vui thích.

Tôi đã cười với em. Không phải kiểu cười khi đứng trước những tốp cô gái trẻ măng với bộ ngực trần vác bình trên vai đi đến suối lấy nước, hay trước gã trưởng làng cùng đám tay chân vặt vãnh. Tôi cười kiểu của riêng tôi, kiểu cười thật nhất.

'Cô từ đâu đến?'- Tôi hỏi.

Chừng như em đã hoàn hồn. Em nhổm dậy, nhìn quanh quất sợ hãi, rồi quay lại phía tôi:

'Cứu tôi. Xin anh... Bọn chúng sắp đuổi tới nơi rồi.'

Vậy đấy, lần đầu tôi gặp em là như thế. Tôi đã giấu em trong nhà, dưới tấm nệm bằng lông thú và gần như nằm đè lên trên. Mấy thanh củi đang cháy bị dụi tắt. Căn nhà im lìm và tối tăm, chỉ có con Mèo là còn lục sục dưới chân giường. Khi bọn buôn nô lệ bước vào, Mèo xộc ra như thường lệ làm chúng sợ mất mật. Tôi quát nó, và y như rằng nó lại phải tiu nghỉu về nằm chỗ cũ. Bọn buôn nô lệ có hỏi han và tìm kiếm loanh quanh, nhưng đừng hòng cả gan mon men lại gần giường. Mèo nằm đó, có cho vàng cũng chẳng dám tiến thêm một bước chân.

Bọn chúng lục đục kéo ra. Từ bên ngoài vọng vào tôi nghe giọng của gã Carep. Chính xác là giọng hắn. Một gã trong làng, lùn béo, có cả một đàn vợ con nheo nhóc. Hắn thề lên thề xuống với bọn chúng. Không có cô ta trong này đâu, thưa các ông, tôi biết Memphis mà, anh ta sẽ không giấu cô gái tóc vàng đâu, nếu bắt được anh ta sẽ đem nộp các ông ngay; đại loại thế. Carep thực sự rất sợ tôi. Hắn thề có trời đi, dù phải chết treo cũng còn hơn là bước nửa bước vào nhà tôi để gặp con Mèo. Dù gì Mèo cũng từng "cắn đùa" hắn vào tay. (Trừ phi có kẻ nào ngu xuẩn tiến lại quá gần nó, thì nó chỉ đối xử kiểu đó với một vài gã làm nó cảm thấy ngứa mắt). Thế là nó chỉ đùa thôi, cũng làm hắn phải thuốc thang và cả tháng ở lì trong nhà. Vì vậy nên, dù họa chăng có biết được rằng tôi đang giấu em, Carep cũng phải lo liệu mà vuốt đuôi bọn kia. Hắn sợ tôi và con Mèo hơn là chúng.

Từ hôm đó tôi có thứ đồ chơi mới. Một cô gái tóc vàng.

Tôi lúc ấy chỉ coi em là đồ chơi mà thôi. Em cũng hiểu, và tôi biết là em có buồn giận. Nhưng khi này tôi còn trẻ quá, có để ý gì đâu. Mười chín tuổi và bận bịu với bao dự định lớn lao, tôi coi đây là chuyện vặt vãnh. Tôi bộc trực thẳng thắn, cái gì cũng nói huỵch toẹt ra không cần giấu diếm. Em biết hết, biết là tôi muốn có được Isis kia. Tất cả những cô gái khác chỉ là đồ chơi mà thôi. Tôi nuôi mộng lấy nàng làm vợ, dù nàng đã trở về Thebes và không biết đến bao giờ mới gặp lại.

Tôi săn thú đổi lấy vàng vụn, tích cóp dần dần, chắc chắn với dự định là khi nào đủ điều kiện sẽ đến Thebes. Thân là nam nhi, có chút chí hướng trong lòng, có ai không muốn đến kinh thành lập nghiệp kia chứ ? Tôi sẽ rời bỏ Liban, cái chốn thâm sơn cùng cốc này để tới một nơi đông vui đầy hứa hẹn. Tôi sẽ xin vào quân đội Hoàng gia, và tin rằng với khả năng của mình tôi thừa sức có thể lên được chức tướng quân. Trong trường hợp tiếp cận được với Isis, mọi thứ có thể dễ dàng hơn nữa. Nàng có muốn gặp lại tôi không ? Có chứ. Tôi nghĩ là có.

Vậy đấy, những ngày tháng đầu tiên tôi sống bên em, tôi chỉ chăm chăm với một mục đích ấy. Mục đích sống còn. Và tôi đã đối xử tệ với em biết chừng nào.

Đã bao nhiêu năm trôi qua. Giờ tôi ngồi đây, trong cũng điện Thebes mà suy nghĩ về những chuyện trước kia. Tôi có thể quên đi nhiều thứ, lầm lẫn nhiều thứ, nhưng kí ức về khoảng thời gian ấy vẫn luôn sống động trong tôi như một vết hằn.

À, tôi đã quên không kể. Tên em là Carol. Đừng ai gọi em là Tóc Vàng. Em có tên đấy. Carol. Carol Rido. Rido là họ của em. Em kể rằng chỗ em người ta thường được đặt họ theo cha, kiểu như một cái tên đánh dấu dòng dõi. Ai cũng thế cả.

Chỗ em có nhiều thứ kì lạ như thế. Em đã kể cho tôi biết bao nhiêu chuyện kì bí về thế giới của em. Chỗ em có những cỗ máy như những con chim lớn có thể chở người trên lưng và bay vượt biển, như những con cá khổng lồ mang người lặn xuống tận đáy nước, còn có thứ giúp người ta nói chuyện được với nhau dù có đang cách xa thế nào đi chăng nữa. Gọi là Điện Thoại. Sở dĩ tôi nhớ được tên nó bởi vì em hay nhiều lần buồn bã nhắc rằng: 'Giá mà có Điện Thoại thì chúng ta đã không phải chịu đựng.'

Nhưng đó là chuyện của chừng một, hai năm về sau. Bây giờ, quay lại chuyện tôi và em gặp nhau.

Tôi cho em sống chung nhà. Bọn buôn nô lệ thường nghỉ lại ở bãi đất trống gần làng một tuần để trữ thêm lương thực và nước, cái đó thì tôi biết chắc. Đây không phải lần đầu bọn chúng tạt qua làng tôi kiểu đó. Chúng buôn nô lệ từ Ai Cập sang Assyria hay ngược lại, từ Assyria về Ai Cập. Có khi sang cả tận Hittle. Dân làng Dahomey không ưa gì chúng, nhưng cũng không muốn gây chiến với bè lũ hung hãn ấy.

Một tuần đó, em lúc nào cũng bất an, sợ hãi, đôi lúc giật mình bởi một tiếng động không đâu. Em sợ bọn chúng tìm lại được mình, những tay đồ tể hôi hám sứt sẹo và lởm chởm râu ria đó. Chúng lùng sục em như muốn cày xới cả ngôi làng, bởi em hứa hẹn sẽ là một món hời- trinh nữ tóc vàng với gương mặt xinh đẹp đến thế. Gương mặt dễ làm người ta phải động lòng.

Em cũng sợ cả tôi nữa, hẳn rồi. Tôi lúc đó vốn không biết che đậy cảm xúc, và không sợ bất kì một cái gì; có khi tôi cáu bẳn, có khi dịu dàng. Khi tôi đã cáu tiết lên thì dù trước mặt có là vua đi nữa có lẽ tôi cũng không nương tay. Tôi còn nhớ tôi đã giận dữ thế nào khi em để sổng mất con thỏ lớn lông xám trong khi đi săn. Tôi bảo em là đồ vô dụng. Em không biết làm bất kì một thứ gì để có thể sinh tồn ở nơi này. Em sợ hãi đến rụng rời khi phải đứng đó giúp tôi làm thịt một con dê, em không thể cầm dao cho vững, em không biết dùng một thứ vũ khí đơn giản nào, em không biết đi đường rừng, em nấu ăn rất dở... Em yếu ớt đến như vậy đấy. Người ta vẫn nói đấy là kiểu đàn bà đuểnh đoảng. Ban đầu tôi cũng nghĩ thế.

Song vì lẽ em vẫn còn là một cô gái đẹp, nên tôi đối xử với em còn tử tế chán. "Tử tế chán" theo cách nghĩ của tôi lúc đó. Dù sống chung một nhà nhưng tôi đã không trêu đùa quá trớn với em. Bởi tôi đã nói rồi đấy, em có gương mặt dễ làm người ta phải động lòng. Cái nhìn của em làm tôi phải xấu hổ trước những ý định đen tối của mình. Vả lại, hồi đó tôi không thiếu đàn bà. Có đến hai chục cô ả trẻ trung xinh đẹp trong làng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của tôi. Làng Dahomey không xem trọng việc giữ gìn cho con gái trước khi lấy chồng. Thậm chí nếu anh cưới được một cô gái đã có nhiều con, anh xem như đã vớ bở. Nhiệm vụ của anh là làm cô ta có thật nhiều, thật nhiều con nữa. Làng Dahomey là thế.

Biết chuyện đó em kinh ngạc lắm. Em hỏi xem tôi đã có con chưa. Tôi nhếch miệng cười, đáp rằng chỉ có lũ ngu mới làm đàn bà có thai khi mọi chuyện chưa đâu vào đâu cả. Đó là thứ ràng buộc vớ vẩn nhất trần đời, khi tôi còn bao nhiêu chuyện phải làm. 'Tưởng có được con của ta dễ lắm sao?'- tôi nói. 'Vậy à?'- em thở dài- 'Thế mà tôi cứ tưởng anh phải có năm chục đứa rồi'.

Em thì xem trọng trinh tiết như thể tính mạng mình vậy. Tôi đã từng hôn em và bị em cho ăn tát. Em tát đau như Isis tát vậy. Trong chuyện này em kiêu ngạo không khác gì nàng. Em buộc tôi phải tôn trọng em. 'Anh không có quyền làm thế!'- Em bực tức nhắc đi nhắc lại câu nói ngớ ngẩn đó. Quyền gì ở đây chứ? Em là một nô lệ, tôi bắt được em. Tôi cho em thức ăn và chỗ ở. Như thế đã quá đủ để em buộc phải vâng lời dù tôi có sai em nhảy vào lửa đi chăng nữa. Và thế là tôi cáu tiết gấp bội. Em có phải là Isis đâu mà dám làm vậy? Nàng là nữ tư tế tối cao của cả đất nước Ai Cập rộng lớn, nàng có trong tay mấy ngàn người phục dịch, nàng đẹp hơn em. Em thì chỉ là một nô lệ. Tôi thô bạo nắm lấy vai em và dằn mạnh từng tiếng như thế. 'Còn sống với ta thì ngươi còn phải tuân lệnh! Hiểu không hả? Mau rút lại những lời lẽ ngu xuẩn đó, bằng không đừng trách ta!'.

Nhưng tôi chưa bao giờ bắt được em xin lỗi tôi. Em không chịu thua. Dù em không buộc nổi một sợi dây cho chắc nhưng em rất dũng cảm. Chẳng khóc lóc cũng chẳng van xin. Ánh mắt thách thức trong câm lặng của em nhiều lúc khiến tôi gần như phát điên. Tôi đọc được trong cái nhìn của em một thông điệp rõ ràng rằng: 'Nếu tôi không phải cậy nhờ anh kiểu này thì anh đừng hòng làm tới!'. Thật thế. Chẳng qua em không còn nơi nào để đi. Em không muốn chết rục xương trong rừng, dưới nanh sói dữ. Đường từ đây vào làng còn xa, em thì không quen đi rừng, thế nào cũng lạc. Biết vậy, đã bao lần tôi định bụng trừng phạt thái độ xấc láo của em bằng cách nhốt em bên ngoài nhà, nhưng rồi cơn giận mau chóng tan đi, tôi lại mở then cài để cửa đó. Tôi không làm vậy được. Dù bực tức đến đâu thì tôi cũng không muốn nhìn thấy em phải sợ hãi hay khóc lóc. Vả lại, con Mèo không thích thế. Nó sẽ lại rên rỉ và cào vào cửa.

Phải nói là con Mèo rất khó khăn trong việc thân thiết với người xa lạ. Trừ tôi ra, trước giờ chỉ có ông Imhotep là nó cảm thấy gần gũi được. Nhưng ông mất rồi. Bây giờ thì đến lượt em. Tôi ngạc nhiên lắm. Chỉ sau ba ngày là em có thể vuốt ve mõm nó, trong khi nó nằm phơi cái thân hình đồ sộ mà vươn bốn chân ra một cách khoan khoái. Đối với động vật, em có một tính nhẫn nại đến lạ lùng và tấm lòng trìu mến đầy yêu thương. 'Mèo. Lại đây với chị.'- Em gọi nó nhẹ nhàng như thế. Em xưng 'chị' với một con chó. Tôi thì chỉ có giật giọng cụt lủn kiểu: 'Mèo! Vào đây! Mau!'. Một vài con chó, như Mèo chẳng hạn, có trực giác rất tốt. Nó biết rõ ai là người chơi được. Thỉnh thoảng nó nghênh nghênh cái mặt nhìn tôi kiểu như muốn nói: 'Cô ấy là người chơi được'. Thật vậy. Tôi đến chết cười.

Dù sao cũng phải thừa nhận rằng em từng dịu dàng với con Mèo hơn tôi nhiều. Và nực cười nhất là tôi cảm thấy ghen với nó. Tại sao em không nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến đó kia chứ? Tại sao lúc nào em cũng chống đối tôi? Em còn sống yên ổn đến giờ này là nhờ tôi kia mà. Em còn dám từ chối những cử chỉ yêu đương của tôi, điều mà từ trước đến nay chưa cô gái nào làm được, trừ Isis- lại phải trừ nàng ra. Tôi bắt đầu nghi ngờ về khả năng của mình.

Một ngày nọ, Ismir ghé qua nhà tôi. Ismir là một gã trạc tuổi tôi, sống ở khu làng Nokoue cách Dahomey nửa ngày băng rừng. Hắn ta là con trai của trưởng làng. Trưởng làng Nokoue, theo tôi nhớ, cũng là một tay khá trong vai trò trưởng làng, nhưng thú tính và lỗ mãng. Hắn có những cô hầu tuổi chỉ chừng mười hai mười ba, và sở hữu một điệu cười khả ố khiến người ta cảm thấy buồn nôn. Một lão trưởng làng dễ gợi liên tưởng đến con bò to xác trụi thùi lủi, với những ngấn da chảy xệ lủng lẳng trên cổ và lưng, đang đứng quàm quạp ăn cỏ. Vậy là đủ hiểu.

Nhưng Ismir không giống cha hắn. Ý tôi là không giống một tẹo nào, đến mức làm ai cũng phải nghi ngờ xem hắn có thật sự là con trai trưởng làng Nokoue không. Ismir không mấy khi ở nhà. Hắn thích nay đây mai đó, đi hết từ nơi này đến nơi khác cùng các đoàn buôn và vác về đủ loại sách vở cùng những câu chuyện lạ lùng hắn bắt gặp. Tóc hắn rất dày và dài, màu bạch kim giống mẹ, cũng là của hiếm nhưng không phải thực sự lạ đời. Gương mặt hắn thanh tú và dễ nhìn, cũng có thể nói là đẹp, kiểu đẹp tinh xảo sang trọng như một bức tượng ngà voi. Thật khiến người ta rùng mình khi đặt hắn cạnh cha hắn, như kiểu đang xúc phạm một tấm lụa trắng bằng cách trét bùn lên nó.

Ismir lúc nào cũng có vẻ điềm đạm nho nhã. Không thể đoán được hắn đang nghĩ gì dưới gương mặt tĩnh như nước hồ đứng gió ấy. Hắn là loại người mà, khi đang ngồi đọc sách mà có đàn sói xộc và nhà, hắn sẽ bình thản đặt cuốn sách xuống, xếp lại chỗ ngồi cho gọn gàng, từ tốn phủi quần áo cho thẳng nếp rồi mới nhìn lũ sói bằng ánh mắt như-không-có-gì, chẳng khác nào đang nhìn vào một bức tường trắng. Hắn là như vậy đấy.

Tôi quen hắn từ năm mười hai hay mười ba tuổi gì đó, trong một phiên chợ. Làng Dahomey và làng Nokoue từ trước giờ vẫn có mối hảo hữu, tức là "hợp nhau". Hai gã trưởng làng đều ngu xuẩn như vậy cả, hợp nhau là điều dễ nhiểu. Nokoue đất đai cằn cỗi hơn chỗ chúng tôi nhiều, nhưng họ có bí kíp luyện sắt- cái thứ bí kíp họ giữ rịt như giữ mạng, suýt chút nữa là đem lên bàn thờ được rồi. Ngoài ra, họ còn là ngôi làng rất giỏi chuyện buôn bán. Ismir kế thừa cái truyền thống đó từ trong máu. Hắn đam mê rong ruổi theo các đoàn buôn đến những đất nước xa xôi. Tôi nghĩ hắn không hẳn là thích vàng bạc. Hắn chỉ đam mê những vùng đất mới.

Để tiện cho việc trao đổi thì một năm bốn lần có những phiên chợ lớn mở ra tại thung lũng bằng phẳng, ở đoạn giữa hai làng. Hồi đó tôi háo hức chờ mỗi ngày họp phiên chợ như chờ ngày tết, như bao đứa trẻ con khác. Người ta sẽ giăng những chiếc lều đủ màu sắc, và người đông đúc nhộn nhịp khắp cả một bãi trống giữa thung lũng rộng lớn. Có những đống lửa trại lớn được đốt lên vào buổi tối, quanh đó người ta ca hát nhảy múa. Đó là lúc tôi có thể mang những bộ da thú đã trữ sẵn ra bán lấy tiền. Năm ấy ông Imhotep không đi cùng tôi. Ông bảo tôi đã lớn, phải biết tự xoay sở.

Tôi đến phiên chợ từ rất sớm, dạo quanh những gian hàng bán vũ khí và thích mê. Người ta bày cả dưới đất, trên tấm chiếu cói trải rộng, toàn những vũ khí lạ mắt. Những món quý thì đặt trong khay có lót lụa. Tôi xem mãi không biết chán, dạo qua có đến ba bốn lượt. Khi lớn lên tôi sẽ mua cái cung này, sẽ mua thanh đoản kiếm kia, và ngọn lao dài nọ; tôi đã nhẩm tính hết trong bụng và chắc mẩm với kế hoạch của mình.

Lần đầu tôi gặp Ismir là lúc hắn đang cưỡi trên một con ngựa bạch. Tóc bạch kim cột sau lưng, bận bộ đồ trắng tinh sạch sẽ như bọn con gái. Tôi ghen tị đến mức không nói nên lời. Tôi chưa bao giờ được cưỡi ngựa, và trên mình chỉ có chiếc xà rông cũ mèm cùng chiếc bao lớn đựng da thú bên trong. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thèm được cưỡi ngựa như thế, thèm khát đến mức trong những khớp xương như có con gì đó đang bò lổn nhổn thúc bách. Tôi chận đường Ismir lại, hỏi xem tôi có thể mượn ngựa của hắn một lát được không.

Tất cả những gì thay đổi trên gương mặt hắn lúc đó là một cái nhíu mày.

'Hãy cứ để những kẻ tầm thường ngồi lên được chỗ của ta, ta sẽ nhận ra được sự tầm thường của mình.'- hắn nói.

Tôi đáp ngay: 'Nhưng hãy ngồi lên ngai vàng và đặt tay lên cây quyền trượng nạm ngọc, ta sẽ thấy hoàng đế cũng chỉ tầm thường vậy thôi. Xét cho cùng, tất cả chỉ là phù du mà thôi. Cái quan trọng nhất không thể thấy được qua những vật thể hữu hình.'

Im lặng vài giây.

'Ngươi đã đọc sách của thiền sư Rabanna?'

'Có một chút.'

Tôi nói là chỉ để nói vậy thôi, chứ thực tế thì khác. Ông Imhotep nhắc đoạn trích này suốt. Hồi đó tôi chẳng hiểu Rabanna muốn nói gì qua những ngôn từ cao siêu đó cả. Nhưng Ismir có vẻ bị tác động ít nhiều. Hẳn là hắn đã ngạc nhiên lắm: tôi đã đọc vanh vách không sai một từ đoạn tiếp theo sau câu hắn trích trong sách đó.

Tôi không nhớ rõ cuộc đối thoại diễn ra thế nào nữa, nhưng sau đó tôi đã có thể ngồi lên con ngựa bạch của hắn. Lúc ấy, tôi sung sướng đến mức cảm thấy như đời mình đã hoàn tất.

Mọi chuyện về sau cũng không có gì nhiều để kể. Đại khái là tôi và Ismir trở thành bạn thân của nhau. Tôi rất tin hắn, hắn cũng tin tôi. Hắn bắn cung rất cừ và cũng biết rất nhiều thứ hay ho linh tinh, như chuyện lễ hội đấu bò ở một đảo quốc xa xôi tên là Minoa chẳng hạn. Pho sách của hắn có tới vài trăm cuốn. Hắn không có vẻ nhạt nhẽo hay ngu ngốc như bọn nhóc cùng tuổi nên tôi thích chơi với hắn. Dù tính cách khác nhau một trời một vực nhưng tôi và Ismir làm gì cũng ăn ý cả, dù là nói lan man chuyện trên trời dưới bể hay đi săn. Tôi cho hắn những con thỏ nhỏ mà tôi bắt sống được, còn hắn thì tặng tôi mấy con dao, từ dao đi rừng, dao trổ đến dao róc thịt thú.

Trở lại chuyện Ismir đến thăm nhà tôi.

Trước đó hắn lại vừa thực hiện một chuyến đi dài ngày, băng qua sa mạc Syria cùng với một đoàn lái buôn. Đó là một hành trình xa xôi đầy mạo hiểm. Chuyến đi kéo dài đến hơn một năm.

Lúc ấy tôi đang trút lúa đại mạch vừa mua được trong làng từ trong chiếc giỏ mây vào hũ. Còn em, Carol, thì cho con Mèo ăn. Đột ngột có tiếng gõ cửa.

Em giật nảy mình, ngẩng phắt đâu lên nhìn về phía cửa, rồi nhìn sang tôi. Môi em run run, mấp máy như định nói gì đó. Tôi hất cằm về phía đống củi lớn đã bổ nhỏ và xếp gọn gàng nơi góc khuất trong nhà, ý chừng bảo em trốn vào đó. Em làm theo, rất nhanh.

Tôi cũng không quên ra lệnh cho con Mèo nằm im đó.

Rất hiếm khi có người ghé qua nhà tôi. Nhà cách xa làng, nằm sâu vào trong rừng, đường rất khó đi. Chỉ khi nào lại xảy ra chiến tranh thì gã trưởng làng mới cho người đi gọi. Hãn hữu thì có kiểu viếng thăm rớt từ trên trời xuống như Carol. Nếu không phải cả hai trường hợp trên thì chỉ có thể là...

Ismir.

Chính là hắn, Ismir. Hắn đứng trước cửa nhà vẫn với bộ dạng như thế. Áo quần là lượt sạch sẽ phẳng phiu, dáng vẻ bình thản, và 'nhìn đời bằng nửa con mắt' (thật vậy, đôi mắt hắn bao giờ cũng chỉ mở có một nửa, kể cả khi nghe báo tin cháy nhà đi chăng nữa). Bên cạnh đó là Luca, một gã người hầu trung thành mà hắn nẫng được trong một chuyến may mắn cách đây chừng ba năm- hắn đã cứu mạng Luca thì phải. Cũng như chuyện trong cái lần đi sang "trừng phạt" một ngôi làng phía Tây theo lệnh của gã trưởng làng, tôi tìm thấy Mèo vậy thôi. Khi nó còn bé bằng nắm tay và sợ hãi rúc vào bụi rậm ấy. Tôi rất muốn thử xem Luca và Mèo đánh nhau thì ai thắng, nhưng Ismir sẽ bất bình đấy.

Tôi vui khi thấy rằng hắn đã trở về. Tôi chào hắn theo kiểu này :

'Cậu đen hơn đấy, Ismir. Trông phong trần hơn rồi.'

Và hắn chào tôi lại theo kiểu này:

'À...'

Vẫn cái thái độ dửng dưng thế. Ismir không phải là kẻ thích đùa. Hắn quay sang phía Luca, và gã hầu hiểu ý hắn chỉ sau một cái đưa mắt vậy thôi. 'Khôn thật!'- tôi thầm nghĩ, song không nói ra. Luca, bằng hai tay, đưa cho tôi một bọc đồ lớn gấp đôi cái đầu hắn. Cách hắn nhìn tôi không có vẻ kính cẩn như khi hắn nhìn Ismir.

'Quà của tôi cho cậu.'- Ismir giải thích. Nói rồi hắn bước vào nhà tôi, khéo léo như một con cá đang bơi, theo lối kiểu cách và tinh tế như hắn vẫn làm. Tôi suýt nữa thì hỏi 'Cậu có lập một quy trình các bước riêng cho việc đi tiểu không?', nhưng ghìm lại được.

Ở một góc nhà đối diện với giường ngủ của tôi qua bếp lửa, tôi có kê một tấm phản gỗ nhẵn phủ vải bông cho em ngủ. Ismir tiến lại và ngồi ở đó. Nhà tôi không có những thứ ngớ ngẩn kiểu như bàn ghế tiếp khách.

'Cậu lại vừa đem đàn bà về nhà hả?'- Hắn hỏi. Tôi chắc là hắn đã ngửi thấy mùi con gái rồi.

'Tại sao dùng từ 'lại' được. Cậu đã từng thấy tôi đem đàn bà về nhà bao giờ rồi à?'

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro