70. VIỄN DƯƠNG - Dom_li

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Tác giả: 

Thể loại: Lãng mạn, oneshot

Link: https://www.wattpad.com/558155211-viễn-dương-_-đốm-oneshot-viễn-dương

Viễn dương là câu chuyện kể về hành trình của một cô gái trẻ, lên tàu để mở rộng đôi mắt mình nhìn thế giới rồi rơi vào lưới tình với một chàng trai đồng lứa. Đáng tiếc thay nụ hoa đương nở đã bị vùi dập dưới lớp giông bão của biển cả, chôn vùi cả một tương lai dự đầy tươi sáng.

Về cách dẫn chuyện, tác giả vẫn chưa làm được tốt lắm. Ngay từ đoạn đầu tiên bị ngắt quãng quá nhiều và cả câu chuyện mang đậm tính tự sự nhưng lại thiếu mô tả tâm lý dù đã đặt POV ngôi thứ nhất. Chất văn của Viễn dương mang đậm tính văn dịch phương Tây, tuy nhiên trong lời viết vẫn có bản sắc của tác giả. Đây là một điều đáng khen khi bên cạnh đó, người viết còn chú tâm tìm hiểu các chi tiết phù hợp về địa lý và văn hóa để đưa vào trong truyện. Tuy nhiên ở mạch dẫn đầu, người viết bị ngắt đoạn khá nhiều và đoạn mở đầu không thực sự cuốn hút. Câu chuyện được nhân vật "tôi" kể lại với giọng dửng dưng thiếu cá tính, thậm chí độ biến chuyển tâm lý cũng chưa được thể hiện rõ rệt. Như ở đoạn đầu tiên và đoạn thứ hai của câu chuyện, tác giả cố gắng thể hiện nhân vật nữ chính là người hoạt bát, cá tính nhưng cách xử lý hai đoạn tự sự này lại đều đặn và bằng phẳng quá, thiếu mất điểm nhấn cho cô gái trẻ. Nhịp độ câu văn từ đầu đến cuối khá đều, trong khi ở đoạn Bão, tác giả nên đẩy nhanh nhịp lên bằng cách sử dụng các câu đơn, ngắt đoạn và viết xúc tích lại (là cách mà người viết đã sử dụng ở đoạn đầu tiên, đáng lẽ đoạn này nên miêu tả bối cảnh rõ ràng hơn và nhấn mạnh một chút về lá bùa mà người mẹ đeo cho nhân vật nữ chính).

Về mặt ý nghĩa câu chuyện, Viễn Dương vẫn nằm trong khuôn motif của các truyện tình cảm khác: nữ chính/nam chính đi đến đâu đó, gặp một người rồi nảy sinh tình cảm, nhưng mối tình dang dở vì một tai nạn/hiểu lầm. Điều này trở thành một vết dớp ngăn cản tác giả phát triển thêm trình độ viết và cách xử lý câu chuyện của mình. Bên cạnh đó, ngoài việc nhấn mạnh tình cảm đôi lứa, dường như tác giả đã quên mất nhiều thứ ý nghĩa hơn mà đại dương có thể mang lại trong những chuyến du trình: đó là cảm giác sở hữu 7 phần trái đất, đón chờ đến với những miền đất mới lạ hay thậm chí người viết có thể làm nổi bật tinh thần sẵn sàng từ bỏ sinh mạng mình cho biển cả, khi đã quyết định gắn đời mình với phận lênh đênh ở đại dương. Viễn Dương vốn dĩ có nhiều hướng khai thác: để nữ chính nhìn thấy những chân trời mới và khẳng định vị thế của phụ nữ trên đại hải trình, hoặc chỉ đơn giản là viết về tinh thần đón đầu ngọn sóng, hay về quá trình mở rộng kết nối giữa các đất nước qua con đường hương liệu, hoặc nhấn mạnh vào một hoàn cảnh cụ thể của dân biển hay những nơi trao đổi hương liệu...rất nhiều nhánh rẽ có thể lựa chọn nhưng cuối cùng người viết lại quay về ngõ cụt cuối cùng: tình cảm lứa đôi. Đã có quá nhiều mối tình và chắc chắn hiếm có mối tình nào vượt qua được phân đoạn từ bỏ mạng sống mình của Jack dành cho Rose, mà với sức viết hiện tại, tác giả Viễn Dương sẽ khó đạt được cái thành công đó.

Về kiến thức, có phần ngợi khen và khuyến khích tác giả tiếp tục thể hiện mình trong việc tìm hiểu và lựa chọn đưa các kiến thức về xã hội, địa lý, chính trị và văn hóa vào trong câu chuyện. Điều này thể hiện rõ rằng tác giả nhận thức được và có chí tiến thủ trong việc trau dồi nền tảng cho nghiệp văn chương của mình. Có một vài kiến thức lượm lặt chưa hoàn thiện như người Ấn thường ăn cà ri với bánh Naan hơn là bánh Roti, đồng thời người viết cũng quên mất không nói rõ nhân vật chính của chúng ta xuất thân từ nơi nào. Vấn đề trang phục bị bỏ ngỏ, đây là điều đáng tiếc. Chỉ có một vài điểm mô tả trang phục, nhưng nếu đã viết về Nam Phi và Hồi giáo, thì điểm nhấn trang phục của họ có nhiều điểm đặc sắc mà tác giả cần lưu ý cũng như có thể phát triển làm chất liệu đặc biệt cho câu chuyện của mình. Tác giả cũng nên nhớ rằng trong Hồi giáo, phái nữ thường bị gò bó khá nhiều và cần thường xuyên sử dụng khăn che đầu.

Về nhân vật, như đã nói: nhân vật nữ chính khá mờ nhạt và cách thể hiện cũng hời hợt trong khi tình tiết được nhấn khá mạnh mẽ: một cái chết của người bạn thân thiết, người con trai mà cô nữ chính có cảm tình. Cả sự đau đớn của người cha cũng không được đủ đầy. Điều này khá nguy hiểm nếu tác giả hướng đến việc viết truyện dài hoặc tiểu thuyết. Ở điểm này, có lẽ người viết nên xem lại việc xây dựng nhân vật thay vì ép nhân vật cư xử theo ý muốn của mình như trong Viễn Dương.

Cuối cùng, trong đoạn kết: dường như cả câu chuyện kể về một hành trình dài không mang lại bất kỳ điều gì đến với nhân vật chính lẫn độc giả. Câu chuyện dài chỉ nói về nỗi mất mát và...chấm hết. Không có bất kỳ quan điểm nào được đưa ra hoặc chẳng có thứ gì thay đổi bên trong nhân vật chính. Người viết cần phải nhớ rằng khi nhân vật chính bắt đầu cuộc hành trình của mình, sẽ phải có điều gì đó thay đổi khi cô/anh ta trở lại cuộc sống bình thường. Nếu không có thứ gì đổi thay, thì cũng đâu cần bắt đầu chuyến đi dài và mệt mỏi đến vậy?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro