68. The Ugly Duckling - MWhillow

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐÁNH GIÁ TRUYỆN

Bài nhận xét cho truyện The Ugly Duckling của bạn MWhillow, truyện bao gồm 4 chương với nội dung tóm lược như sau:

Ermintrude hay còn gọi là Ermi, là một cô bé bất hạnh từ lúc mới sinh. Những người thân trong gia đình cô lần lượt qua đời khiến cô phải chịu đựng sự hiểu lầm khủng khiếp về việc sự tồn tại của bản thân đã mang đến xui xẻo cho người khác, Ermi tự trách mình và cô lập khỏi xã hội xung quanh, cho đến khi cô gặp được Lucas – cậu nhóc hàng xóm với tâm hồn trong sáng không dùng ánh nhìn dè bỉu kẻ sát nhân nhìn cô, mà với đôi mắt giữa một người bạn với một người bạn.

I. Văn phong (30)

1. Cách dẫn truyện

Dẫn truyện tạm ổn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề với câu cú. Dùng ngôi kể thứ nhất là một điều khôn ngoan sối với cốt truyện đi sâu vào tâm lý nhân vật, nhưng ở đây người viết đang cố phô bày suy nghĩ của nhân vật quá nhiều và những suy nghĩ đó cũng theo hướng một chiều, vì vậy dẫn đến việc câu chuyện bị chững, lặp đi lặp lại cùng một cảm xúc và không gây hứng thú cho độc giả. (4)

2. Giọng văn

Giọng văn chưa ổn, câu cú chưa thực sự vững. Có nhiều đoạn đọc bị gồng và cố tạo drama quá mức. Cách tác giả cố kể lể dài dòng câu chuyện khiến cho nội dung truyện lẫn tâm lý nhân vật bị nông và bị phô bày ra quá nhiều. (2)

3. Từ ngữ

Có thể nhận thấy rằng vốn ngôn ngữ của tác giả không nhiều, khi các đoạn văn thường lặp đi lặp lại một sắc thái và nhiều đoạn lặp từ. Các từ vựng dùng để so sánh hoặc miêu tả cũng không thường xuất hiện trong truyện, chủ yếu đoạn văn bị khô là do thiếu thốn ngôn ngữ miêu tả. Vì thế, thiết nghĩ rằng tác giả cần phải trau dồi thêm vốn ngôn ngữ cho bản thân để có thể chuyển hóa sự tưởng tượng của mình thành ngôn ngữ chia sẻ đến với độc giả tốt hơn. (2)

II. Nội dung truyện (40)

1. Cốt truyện

Nội dung truyện trong bốn chương đầu vẫn chưa có gì đặc biệt. Trong suốt bốn chương truyện chỉ miêu tả lại nỗi thống khổ của Ermin và tình hình cuộc sống hiện tại của cô gái, ngoài ra không còn có bất cứ tình tiết hoặc sự kiện nổi bật gì khác. Chỉ xét trong những chương đầu tiên thì có thể nhận ra câu chuyện đang bị kéo dài quá mức và trở nên lê thê khi gần 6-7000 từ chỉ nói về một cảm xúc duy nhất của nhân vật chính là "mặc cảm". Tác giả cần phải biết tiết chế việc này hơn và sắp xếp lại tình tiết theo tiết tấu nhanh chậm để lấy đó làm "mồi nhử" độc giả tiếp tục theo dõi câu chuyện của mình. (1)

2. Nhân vật

Nhân vật trong The Ugly Duckling khá một chiều: một Ermin sầu não, một Lucas thánh thiện, một Chloe mean girl...Các tính cách nhân vật được phô bày theo kiểu rất thô và đóng đinh hình tượng nhân vật, điều này sẽ khiến người đọc cảm thấy nhàm chán khi mọi thứ đều được phô bày ra trần trụi như thể họ là những chú cừu non không biết suy nghĩ. Tác giả cần phải hiểu rằng tâm lý nhân vật là một sự hỗn loạn dựa trên điều kiện sống và các yếu tố tác động tới nhân vật, sự xung đột trong tâm lý và quan điểm là thứ hấp dẫn người đọc tiếp tục theo dõi để đoán biết nhân vật sẽ hành động ra sao trong từng tình huống. Việc tác giả viết lộ ra toàn bộ suy nghĩ của nhân vật sẽ khiến độc giả cảm thấy nhàm chán và không tiếp tục theo dõi câu chuyện khi chúng chẳng có gì hấp dẫn hay bí mật hơn nữa. (1)

3. Kiến thức

Có một số lỗi logic và lỗi kiến thức xảy ra trong câu chuyện. Đầu tiên phải kể tới tội ngộ sát của một đứa trẻ 13 tuổi với cha ruột mình. Điều đầu tiên, cảnh sát sẽ không ngay lập tức kết tội đứa bé, mà ngay cả khi đứa bé thừa nhận mình đã giết chết cha mình, thì khi đó các tổ chức xã hội hoặc tổ chức bảo vệ trẻ em sẽ vào cuộc. Khi xác nhận được Ermin đã từng bị bạo hành và xâm hại tình dục, bằng các nghiệp vụ điều tra, thì cô bé sẽ được trao lại cho họ hàng, trong trường hợp không họ hàng nào chấp nhận Ermin, cô bé mới được đưa vào trại mồ côi chứ không phải là trường giáo dưỡng. Chi tiết này cho thấy lỗ hổng lớn về kiến thức xã hội và pháp luật của tác giả, cũng như sự cố gồng gánh để nhét một đề tài lớn (bạo hành gia đình và ấu dâm) vào truyện trong khi khả năng của mình chưa thực sự đủ sức.

Kế đến, về việc Ermin rời trường giáo dưỡng đến sống cùng ông ngoại mình, và người ông bị thiệt mạng trong một tai nạn giao thông. Tác giả không cung cấp thêm thông tin nào khác về việc một đứa trẻ 15 tuổi tự sống một mình với tiền thừa kế, hay có một cuộc đấu đá gia sản (thường thấy) giữa những người họ hàng. Một lần nữa, tác giả lại để lộ sự thiếu hụt kiến thức của bản thân khi không nhắc đến bất kỳ tình tiết nào cho thấy Ermin có người giám hộ. Việc các thiếu niên dưới tuổi trưởng thành mất đi gia đình thường rơi vào hai trường hợp xử lý: đầu tiên với tình huống ông ngoại Ermin mất đột ngột và không để lại di chúc, tài sản sẽ chia đều cho các đứa con và có thể một trong những họ hàng còn lại sẽ nhận nuôi cô bé hoặc cô bé sẽ phải vào trại mồ côi. Trường hợp thứ hai là ông ngoại Ermin để lại toàn bộ tài sản cho cô bé bao gồm bất động sản, tiền mặt hoặc tài sản thừa kế thì sẽ dựa trên pháp luật nước sở tại mà chỉ định (hoặc để họ hàng chủ động) người giám hộ của cô bé đến năm 18 tuổi, lúc này người giám hộ sẽ phải chăm sóc Ermin cho đến khi cô bé có thể chủ động quản lý khối tài sản thừa kế của mình.

Tiếp theo, trong việc Ermin phải đi học tại một ngôi trường cấp 3 thối nát. Ermin hoàn toàn có thể khởi kiện (với bối cảnh truyện là ở nước ngoài) giáo viên và bạn học với tội hành hung, bạo hành và vu khống. Ngoài ra, cô bé còn có thể chủ động đề nghị thay đổi môi trường học tập dưới sự đồng ý của người giám hộ. Vì thế lý do "vì ông ngoại" mà tác giả đưa ra để giải thích việc Ermin chịu đựng học tập tại ngôi trường này là thiếu thuyết phục.

Trên đây là một số điểm sai kiến thức và phi logic ở trong truyện. Thiết nghĩ trước khi đặt bút xuống viết tiếp câu chuyện này lần nữa, tác giả nên củng cố kiến thức xã hội, kinh tế và pháp luật của bản thân nhiều hơn. (0)

4. Tính bất ngờ, hấp dẫn

Truyện không có bất cứ tính bất ngờ, hấp dẫn nào. (0)

III. Ý nghĩa (20)

1. Sự trải nghiệm

Truyện không thể hiện bất cứ sự trải nghiệm nào của tác giả. (0)

2. Ý nghĩa câu truyện

Nếu chỉ xét ở một phần câu chuyện, thì tác giả đã cố gắng đưa vào các tệ nạn bạo hành học đường, bạo hành gia đình và ấu dâm, cũng như lên án sự kỳ thị của xã hội đối với đối tượng lầm lỡ hoặc bị hiểu nhầm theo đúng thực trạng hiện nay. Tuy nhiên do cách xử lý yếu kém nên câu chuyện không nêu bật được các ý nghĩa vốn có và cần có. (2)

IV. Tính đột phá, ấn tượng (10)

Truyện không có tính đột phá, ấn tượng. (0)

V. Ý kiến tóm gọn của người review

Nhìn về ý nghĩa câu chuyện, nếu được xử lý tốt thì đây sẽ là một câu chuyện đáng đọc. Tuy nhiên do tác giả còn thiếu sót rất nhiều, nhất là về mảng kiến thức, nên sẽ cần một thời gian dài trau dồi và cập nhật các kiến thức cần thiết để xử lý câu chuyện. Hy vọng rằng thông qua bài review này, tác giả có thể xem xét kỹ lưỡng lại câu chuyện của mình và nâng cấp nó lên mức độ khác với khả năng sau khi được trau dồi của bản thân.

- Tổng điểm: 12/100.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro