65. Anh - HiwashiYunako

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I. Văn phong (10/30)

1. Cách dẫn truyện (3.5)
Được đặt với góc nhìn thứ nhất, cách dẫn chuyện của em đi vào cảm xúc nhiều hơn và cho thấy rõ được sự chuyển biến nội tâm từng chút một của nữ chính. Dẫn khá mượt dù có một vài điểm chuyển đoạn chưa hay.

2. Giọng văn (4.5)
Giọng văn ổn, không pha tạp, nhẹ nhàng. Nhưng chính điều này lại làm em bị bó gọn, những câu văn trôi tuột đi mất  và khiến câu chuyện thiếu điểm nhấn. Một người bạn từng bảo chị thế này: Đã viết văn, thì phải dùng từ thật mạnh. Hoặc là có, hoặc là không; đẩy cảm xúc cao lên hết mức hoặc xuống quá độ để người đọc có thể hiểu được rõ rệt sự khác nhau giữa hai cung bậc. Văn của em nhẹ nhàng quá, nó thích hợp viết tản, nhưng không đọng lại lâu. Nếu muốn viết truyện dài, em nên đẩy giọng văn của mình lên thêm một bậc nữa sẽ tốt hơn.

3. Từ ngữ (2)
Từ ngữ bị lặp khá nhiều trong các đoạn. Không có nhiều sự miêu tả và so sánh thú vị, chúng ở mức tạm ổn và vừa đủ mấp mé tiêu chuẩn giúp người đọc gợi lên hình ảnh mường tượng mờ nhạt trong bối cảnh.

II. Nội dung truyện (10/40)

1. Cốt truyện (2)
Vẫn là motif thường thấy ở một câu chuyện tình, thông qua một điểm nhấn nào đó (mà ở đây là ly latte và đàn guitar) tác giả đã gợi lên những cảm xúc bắt nhịp giữa nam và nữ. Cao trào là người nam rời đi và người nữ ở lại chờ đợi hai năm để có một cái kết hạnh phúc bên nhau. Nhờ giọng văn nhẹ nhàng nên câu chuyện vẫn còn đọng lại một chút cảm xúc, nhưng về cốt truyện nó đã thuộc một motif quá cũ và được lặp lại quá nhiều. Nếu muốn "cải biên" motif như thế này, chị nghĩ em cần phải có những trải nghiệm nhất định để hiểu sâu sắc hơn cảm giác của người bị bỏ lại với đoạn tình cảm chưa kịp bắt đầu.

2. Nhân vật (3)
Nhân vật "anh" trong truyện nổi bật bởi màu tóc và ngoài ra không còn gì khác, đối với nữ chính lại càng mờ nhạt hơn. Người đọc không biết được cô ấy là ai, như thế nào mà chỉ cảm nhận được gợn sóng tình lăn tăn bên trong đó. Đáng lẽ phân cảnh lựa chọn giữa váy hoa và quần jean sẽ trở thành một chi tiết đắt giá nếu em xây dựng được nhân vật từ trước: hoặc là một cô nàng luôn cá tính và bụi bặm, vì đứng trước người mình em mà lựa chọn bẽn lẽn trong chiếc váy hoa. Hoặc dù có nữ tính đến mấy, thì cũng vì không muốn phiền đối phương mà ăn mặc trái phong cách của mình. Điều này cũng dễ làm nổi bật sự "say tình" của nữ chính, làm không khí và câu chuyện có thêm chiều sâu hơn.

3. Kiến thức (3)

Không có nhiều kiến thức trong truyện, hú hoạ vài thông tin về thời trang mà thậm chí tác giả còn không buồn giải thích cho người khác biết về chúng.
4. Tính bất ngờ, hấp dẫn (2)
Vì motif quá cũ, nên tính bất ngờ cũng không diễn ra. Từ đó câu chuyện trở nên thiếu điểm nhấn. Nhất là phân đoạn nam chính rời đi 2 năm rồi quay lại, tác giả cũng bỏ lửng lý do tạo ra lỗ hổng lớn cho phân đoạn cuối.

III. Ý nghĩa (5/20)

1. Sự trải nghiệm (2.5)
Chị có cảm giác như em chỉ đang lặp lại những gì mình đọc chứ không có sự sáng tạo và trải nghiệm qua câu chuyện của mình. Viết truyện, kể cả khi em dẫn về một câu chuyện tình, cũng là cách em bày tỏ tư duy hay quan điểm của mình đến với người đọc thông qua câu chữ.

2. Ý nghĩa câu truyện (2.5)
Tương tự như sự trải nghiệm, chị cũng không thấy tác giả đưa ra ý nghĩa gì xuyên suốt những câu văn. Liệu câu chuyện có đưa ra ý nghĩa về sự chờ đợi? Hay về vấn đề nào khác? Chẳng ai biết được vì nó không tồn tại ở đây.

IV. Tính đột phá, ấn tượng (0/10)
Giọng văn nhẹ nhàng, nhân vật mờ nhạt, tình tiết theo motif cũ đã giết chết tính đột phá trong truyện. Và cũng vì thế mà sự ấn tượng cũng không hề đọng lại cho người đọc sau khi lướt hết những câu văn.

V. Ý kiến tóm gọn của người review (3/10)

Chính ra thì truyện còn quá nhiều lỗ hổng cho thấy người viết vẫn chưa chắc tay và đang đi theo lối mòn. Điều này khá nguy hiểm nếu em muốn tiến lên phía trước trong niềm đam mê viết lách của mình.
- Tổng điểm: 28/100.

HiwashiYunako

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro