19. Trên ngai vàng - Mio_BIY

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Link đọc tại đây: https://goo.gl/juKyZ1

Do từng được tác giả nhờ review truyện này và trên thực tế bản thân mình cũng đã comment nhận xét tại chương 1 của truyện. Gần đây muốn tổng hợp lại các truyện đã đọc và review nhưng khi kiểm tra lại thì không thấy comment của bản thân đâu cả (?__?), vì vậy nên đành đọc lại lần nữa và review lần nữa trong topic riêng, phòng trường hợp bị mất comment và cũng là đưa thêm một cái nhìn mới cho các bạn đang có nhu cầu tìm truyện đọc.

Một chương của Trên ngai vàng khá ngắn, có lẽ tầm trên dưới 1 đến 2k từ. Nội dung được tóm gọn và không mấy gợi mở ở chương đầu tiên, hoặc có thể nói là có khá nhiều lỗi logic trong chương đầu. 

Chương 1 của Trên ngai vàng được bắt đầu từ việc một nhân vật dẫn truyện kể về sự nghỉ ngơi của mình trong một quán trà chiều, với xung quanh là những kẻ ăn mặc sang trọng đi tham dự lễ hội tại kinh thành. Do tác giả chưa nói rõ bối cảnh hiện tại, nên người đọc chưa phân biệt được liệu vương quốc này có tồn tại sự phân biệt giai cấp hay chăng? Liệu quán trà chiều được nhắc tới có thuộc dạng quán hàng dành cho giới thượng lưu, nên mới có những người ăn mặc sang trọng đến quán và nghỉ chân sau khi tham gia lễ hội? 

Bên cạnh đó, nhân vật dẫn chuyện bắt đầu nhắc tới việc công chúa nước láng giềng bị mất tích trên đường được gả sang đất nước này, và điều này đang khiến quốc vương trở nên khó xử vì lo ngại có một cuộc chiến tranh sắp xảy ra. Tuy nhiên, chỉ trong vài câu văn lại có khá nhiều lỗi logic tồn tại: Trong tình cảnh đất nước đều biết rõ mối nguy cơ chiến tranh có thể sẽ xảy ra do việc công chúa nước láng giềng mất tích, thì họ có còn tâm trí tổ chức lễ hội ở kinh thành hay không? Và tại sao đất nước này lại phải lo lắng việc xảy ra chiến tranh? 

Để giải thích rõ hơn lỗi logic, chúng ta có thể nhìn thấy một vấn đề chính trị được đề cập tới trong truyện như sau: Gọi nước của người dẫn truyện là nước A, và nước láng giềng là nước B thì:

1. Nước B gả con gái cho đất nước A.

2. Trên đường được hộ tống ĐẾN đất nước A, thì công chúa biến mất. 

3. Đất nước A lo sợ sẽ xảy ra chiến tranh nên cuống cuồng đi tìm công chúa.

Có thể phân tích đơn giản như sau:

1. Nước B gả con, tức là sẽ hộ tống công chúa đến tận biên giới hoặc kinh thành để đôi bên quốc gia có thể làm lễ thành thân. Vì vậy, đoàn hộ tống công chúa sẽ PHẢI là quân lính của nước B.

2. Đoàn hộ tống làm công chúa mất tích (hoặc công chúa bỗng dưng mất tích) TRÊN ĐƯỜNG đi đến đất nước A, tức là công chúa VẪN CHƯA đặt chân vào lãnh thổ của đất nước A. Vì vậy, mọi trách nhiệm của đất nước A HOÀN TOÀN được miễn trừ. Trong trường hợp xét tội, thì trưởng đoàn hộ tống hoặc nguyên đoàn hộ tống công chúa mới là người bị xử tử do tắc trách. Tựu chung, việc công chúa mất tích hoàn toàn không do lỗi của đất nước A. Trừ phi tác giả miêu tả rõ đoàn hộ tống công chúa đã đi vào lãnh thổ của đất nước A.

3. Từ (1) và (2) có thể thấy rõ: việc quốc vương của đất nước A lo sợ là điều không thể xảy ra, và khi nó xảy ra chỉ là một lỗ hổng quá lớn về logic mạch truyện. Nói đúng ra, đất nước A phải là nước phát động chiến tranh và nước B mới phải là bên lo sợ đi tìm công chúa. Vì có đến 2 lý do lớn để sự việc diễn ra: 1 - Đoàn hộ tống công chúa trực thuộc đất nước B (trừ phi tác giả mô tả đoàn hộ tống là của đất nước A, và trong hầu hết các trường hợp, không có vị vua nào lại để cho đất nước đối phương hộ tống con gái mình), và công chúa mất tích trong lãnh thổ của đất nước B hoặc trong vùng trung lập => Trách nhiệm phần lớn được quy về phía đất nước gả con gái. 2 - Do sự giao kèo giữa đôi bên quốc vương, theo lẽ thường có thể thấy rõ trong trường hợp công chúa không được hộ tống đến đúng hẹn thì nghĩa là đất nước B đã bội ước không gả con gái, tương đương với việc đất nước này khước từ việc liên minh và lật lọng trước những giao kèo đã được thiết lập. Do vậy để trừ hậu hoạn thì đất nước A phải là nước gây khó dễ, đòi đền bù hoặc phát động chiến tranh mới đúng. Trong trường hợp này, còn không loại trừ đây là cái bẫy do chính đất nước A tạo ra để lấy cớ xâm lược nước B. 

Lỗ hổng lớn nhất trong truyện có liên quan tới kiến thức chính trị và quan hệ chính trị cho thấy tác giả chưa thực sự tìm hiểu đủ sâu về các vấn đề trên cũng như chưa tạo đủ bối cảnh cần thiết để người đọc không cảm thấy cốt truyện phi lý và thiếu logic.

Bên cạnh đó, logic diễn giải của nhân vật trong truyện rất lung tung và mơ hồ. Giả như bỏ qua lỗi logic lớn trong mối quan hệ chính trị giữa hai nước, thì trong chương 1 có ghi rõ: đất nước của người dẫn truyện nghi ngờ Phù thủy tóc xanh sống trong khu thung lũng Đen là kẻ bắt cóc công chúa, và đức vua cảm thấy khó khăn giữa hai sự lựa chọn: 1 là đối đầu với Phù thủy hùng mạnh, 2 là cuộc chiến không mấy tốt đẹp với nước láng giềng. Tại đây, một loạt những lỗi logic được hình thành dựa trên sự thiếu mô tả liên kết nhân vật bao gồm: 

1. Phù thủy tóc xanh được mô tả là hùng mạnh nhưng không bao giờ xen vào chuyện trị vì vương quốc, vậy lấy lí do và bằng chứng gì cho thấy bà ta bắt cóc công chúa trong khi không có bất kì dấu hiệu kì lạ từ người phù thủy này trước lúc diễn ra sự mất tích?

2. Trong trường hợp nghi ngờ phù thủy tóc xanh bắt cóc công chúa, quốc vương đã trị vị một đất nước rộng lớn cũng phải đủ khả năng nhận ra ba bước tối thiểu trong việc tìm ra công chúa bị mất tích: 

+ 1 - Cho người tìm hiểu, xác thực thông tin phù thủy có bắt cóc công chúa hay không; 

+ 2 - Đưa người đến thương thuyết với phù thủy trong trường hợp đã xác thực công chúa do phù thùy bắt cóc, để tránh việc giao tranh với một người được cho là "vô cùng quyền năng và hùng mạnh". Và ngay cả trong trường hợp không xác thực được thông tin phù thủy có bắt cóc công chúa hay không, thì quốc vương cũng phải đến thương thuyết hoặc tìm hiểu thông tin từ phù thủy để xác nhận; Cả điều (1) và (2) đều có thể lấy nhân sự từ quân đội hoặc đội lính tinh nhuệ của quốc gia, khi không thể hoàn thành mới bắt đầu truyền bá trong dân chúng. Việc truyền bá, dán cáo thị tìm người thăm dò thung lũng Đen như trong chương 2 tác giả nhắc đến quả thực vừa tiêu tốn thời gian vừa tiêu tốn sức lực của cả vương quốc.

+ 3 - Cho đến khi hai bước trên không thu hồi được kết quả hoặc phù thủy khước từ cung cấp thông tin, hoặc phù thủy xác nhận mình đã bắt cóc công chúa, thì việc chiến tranh đối đầu mới nên được đề cập tới. Bởi lẽ đối với thể chế phong kiến, bất cứ vị vương giả nào đều có được sự học tập và kiến thức vừa đủ để nhận biết phải TRÁNH giao tranh trong bất cứ trường hợp nào, việc này vừa để đảm bảo quân lực, vừa tránh việc sa lầy chiến tranh gây ra nhiều tổn hại đến nền kinh tế, chính trị (vì có thể trong lúc giao tranh với phù thủy, thì các nước thù địch sẽ đến gây chiến tạo thế gọng kìm hoặc cô lập) cho đất nước.

+ 4 - Thậm chí trong cả trường hợp phải đối đầu với nước B, thì quốc vương đất nước A vẫn có thể cho người thương thuyết điều đình các khoản giao ước, thậm chí lật lọng và quy trách trách nhiệm về phía nước B. Đó là lý do vì sao trong cách triều đình quân chủ chuyên chế lẫn lập hiến đều tồn tại quan lại hoặc những người chức quyền chuyên cố vấn về các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế...cho nhà vua. 

Tựu chung, việc khẳng định phù thủy tóc xanh là thủ phạm vừa cho thấy sự yếu kém suy luận của người trị vì một nước, vừa là sự thiếu logic trong các mối liên hệ, quan hệ và cho thấy sức miêu tả của tác giả vẫn còn đang bị hạn chế. Việc không trưng dụng nguồn lực quân đội tinh nhuệ mà quyết định dán cáo thị tìm người thương thuyết trong dân chúng tỏ rõ sự yếu kém của quân đội và lính tình báo trong đất nước. Cách viện dẫn của tác giả cho rằng lỗ hổng được cố tình tạo ra đôi khi sẽ trở nên phản tác dụng, vì chẳng ai muốn đọc tiếp những chương truyện đầy lỗ hổng mà thường sẽ luôn từ bỏ ngay từ đoạn đầu tiên thấy thiếu logic. 

Không loại trừ các mạch truyện có thể liên kết lại về sau, nhưng yếu tố miêu tả quá ít là thứ khiến người đọc cảm thấy chán nản ngay từ đầu. Nội dung có thể đặc sắc nhưng hành văn chưa thực sự làm nổi bật và gây ấn tượng, nếu tác giả chú ý chỉnh sửa mượt mà hơn thì có thể câu truyện sẽ sớm thu hút được những người đọc chất lượng và tạo thành một HIT đúng với giá trị của nó. 

Trong trường hợp lựa chọn truyện cùng thể loại, một câu truyện khác cũng có liên quan ít nhiều là Cổ Thành của @JulieLe627 sẽ khá thích hợp. Mình cũng đang theo dõi truyện này và thấy rất thích, có lẽ sẽ có một bài review ngắn sau khi đọc xong các phần được đăng tải. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro