Tản mạn Xạ Điêu Tam Bộ Khúc với anh hùng và tình yêu.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xạ điêu tam bộ khúc là chùm truyện nổi tiếng nhất của Kim Dung nên hay được dựng thành phim nhất. Chủ đề chính của bộ ba này bàn về triết lý anh hùng gắn liền với sự đấu tranh giữa tính dân tộc và tính cá nhân trong ngòi bút của Kim Dung. Theo dòng chảy thời gian cũng như dòng chảy của tư tưởng tương tác với mục đích viết truyện, quan điểm về anh hùng của Kim Dung có thay đổi đáng kể hướng đến giá trị đa chiều nhiều hơn khi đi về các tác phẩm sau. Nói tính anh hùng của Kim Dung hướng tới giá trị đa chiều là nói đến cách Kim Dung phát triển tính cá nhân ngày càng rõ nét trên con đường đi tìm lý tưởng cho ngòi bút của mình.

Tôi thích truyện Kim Dung nhưng không đến mức nghiện, ngoài Thiên Long Bát Bộ và Tiếu Ngạo Giang Hồ, các truyện khác tôi đọc đúng một lần, một số truyện tôi vẫn bỏ giữa chừng nếu không thích. Phim chuyển thể thì xem kha khá, mà tôi luôn có suy nghĩ đơn giản là phim và truyện dù gì vẫn là hai thực thể khác nhau nên không nhất thiết phải nhất nhất nguyên tác, biên kịch và đạo diễn được quyền sáng tạo trong chừng mực nhất định, miễn là tạo được giá trị cho phim, hơn nữa là đừng làm suy suyển hồn tính của tác phẩm nếu không thật sự cần thiết. Nếu xem phim mà y như đọc truyện thì tôi nghĩ khán giả hãy chọn duy nhất một cách thưởng thức để tránh vướng bận. Thiết nghĩ nếu ai yêu cầu tính nguyên tác cao thật cao thì cách tốt nhất là không bận tâm đến phim dựng lại lại là cách hay nhất và chủ động nhất. Ngay cả Kim Dung còn sửa đi sửa lại truyện của mình vì chưa ưng ý thì huống hồ với một người khác có một quan điểm khác thì sự khác nhau là tất lẽ dĩ ngẫu.

Lan man về tương tác giữa phim và truyện chỉ để nói rằng tôi sẽ chỉ bàn về hồn tính nòng cốt trong Xạ điêu tam bộ khúc là chính yếu, sẽ có so sánh một vài tình tiết giữa truyện và phim nhằm minh chứng cho ý đồ của tôi, cùng đó cũng sẽ nhiều chuyện so sánh các phiên bản phim với nhau để chọn ra một tình tiết nào đó tôi cho là đắt nhất, đẹp nhất. Bạn có thể xem bài viết mang tính tổng hợp hoặc hỗn tạp theo quan điểm của bạn, tôi xác định bài viết của mình mang tính chất hỗn độn đúng như chủ của nó bây giờ không nhớ hết tình tiết, không phân biệt rạch ròi được đâu là truyện, đâu là phim. Chủ của bài viết bây giờ chỉ nhớ rằng đã đọc, đã xem, đã cảm nhận và đã nhớ về hồn tính của truyện và phim với những so sánh của riêng mình như thế nào mà thôi.

Anh hùng xạ điêu

Bắt đầu Xạ điêu tam bộ khúc là bi kịch của hai nhà Quách-Dương trong thời kỳ Nam Tống với loạn binh biến Tống-Kim. Câu chuyện Tĩnh Khang khơi mào cho Anh hùng xạ điêu đi những bước đầu tiên trên con đường tìm kiếm một hình ảnh anh hùng của Kim Dung. Sau Thư kiếm ân cừu lục và Bích huyết kiếm gắn liền với nhà Thanh và niềm hoài cố Hán tộc, Kim Dung tìm về với thời đại Nam Tống để xây dựng lên hình ảnh người anh hùng Quách Tĩnh trưởng thành qua từng giai đoạn. Quách Tĩnh mang hình ảnh của một người Hán tìm về quê hương cũng như Kim Dung tìm về với hành trình xây dựng tính dân tộc trong chuỗi tác phẩm của mình. Không ở đâu trong truyện Kim Dung tính dân tộc được thể hiện rõ nét như Anh hùng xạ điêu. Nhưng đặc sắc hơn hai tác phẩm trước là Kim Dung đã rời khỏi câu chuyện vương giả gắn liền với Càn Long trong TKACL hay Lý Tự Thành trong BHK để tìm đến với những người dân trong những biến động lịch sử, nơi trí sáng tạo dễ dàng được phát triển và trở nên gần gũi hơn với người đọc bình dân của thể loại kiếm hiệp.

Thế giới giang hồ của Kim Dung thực sự phát triển từ đây khi Kim Dung để ngòi bút của mình đi vào quang cảnh bao la của đất trời ngoài khung cảnh triều đình-vốn dành riêng cho những vở chính kịch giày xéo nhiều hơn tự do, vốn dành cho những toan tính nhiều hơn lý tưởng. Chính vì yếu tố đó chúng ta sẽ không lấy làm lạ vì sao Anh hùng xạ điêu lại được yêu thích nhiều hơn hai tác phẩm trước.

Tính dân tộc trong Anh hùng xạ điêu gần gũi hơn, đường dây phát triển mênh mang hơn dòng tính Hán tộc thoái trào bất lực được đặt trong thời kỳ Mãn-Thanh lên ngôi. Hạn chế lớn nhất của Anh hùng xạ điêu là vẫn chưa thoát được tính Hán tộc được mặc nhiên trân trọng của người Trung Quốc khi tả lại thế giới ngoài người Hán vẫn nham hiểm và độc ác-tính Hán tộc có nét mù quáng và khiên cưỡng dưới góc nhìn nhìn lại lịch sử. Vì tác phẩm của Kim Dung là hư cấu chứ không phải tác phẩm lịch sử nên Kim Dung có quyền sáng tạo, mà sáng tạo trong Anh hùng xạ điêu bị tính sùng Hán giới hạn dưới hình ảnh của thế sự giang hồ hướng về một triều đại đã đến thời kỳ thoái trào.

Nhưng như đã nhận xét, giang hồ trong thế giới của Kim Dung được mở ra rộng lớn và bao la hơn rất nhiều so với hai tác phẩm trước với Ngũ bá võ lâm-Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần thông. Thế giới của võ công mênh mang được Kim Dung đầu tư xây dựng từ đây với hình ảnh của thiên Cửu Âm chân kinh trác tuyệt khiến giang hồ hung hiểm đoạt tranh. Đúng, thế giới giang hồ đây mới đúng là thế giới giang hồ với Giang Nam Thất Qúai, Với Thất Tử Toàn Chân và những nhân sĩ phục vụ cho nhà Kim. Thế giới của giang hồ không bị đè nặng bởi tính chính trị với nét hỗn độn, với tính cá nhân được nâng lên một bậc tách biệt dần với tính tập thể đơn giản và đổ dồn. Nơi Anh hùng xạ điêu có một Bắc cái ham an ham chơi nhưng hiệp nghĩa lo cho thế sự Cái Bang thì cũng có Đông Tà bỏ mặc thế sự đi tìm sự tự do ẩn cư nơi chốn đảo Đào Hoa, có một Nam đế quy y cửa Phật tĩnh tâm nhìn lại thế sự thì cũng có một Tây Độc còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi danh vọng và sân si. Thế giới của những con người đam mê võ học và tìm kiếm đỉnh cao trong võ học-một yếu tố phi chính trị được Kim Dung đề cập rõ nét. Giang hồ chợt biết bay bỗng qua ngòi bút Kim Dung hơn với sự đa dạng và phức hợp của những con người tồn tại trong nó.

Trong Anh hùng xạ điêu tôi thích câu chuyện của thế hệ trước hơn câu chuyện của hai nhân vật chính, tôi thích sự đa dạng tương phản và tương hỗ nhau với tính cá nhân cùng những lý tưởng riêng của mỗi nhân vật. Một Hồng Thất Công đếm số người mình giết, giết người vì công lý và chính nghĩa theo quan điểm riêng, một Hoàng Dược Sư lửng lơ và lặng lờ với nét nửa chính nửa tà không phân biệt và cõi lòng tránh thế sự. Tôi thích sự phân cực như thế, sự phân cực trong thời cuộc mà Kim Dung đặt vào nó là thời kỳ thoái trào của nhà Tống khi người dân bơ vơ trong lý tưởng về một thế giới tốt đẹp để mỗi người đi tìm cho mình một mục đích sống riêng. Người ta không tập trung lại bao giờ không hội tụ được niềm tin về thế giới xung quanh.

Và bất chợt Kim Dung để Quách Tĩnh với sự chân thật, ngốc nghếch của mình hùng dũng tạo nên hình ảnh anh hùng một cách lãng mạn tuyến tính nhất có thể. Một chàng trai được nuôi lớn ở Đại Mạc với những kỷ niệm chân chất cùng gió và cát vùng Mông Cổ tìm về với lý tưởng của mình nơi giang hồ bủa vây chất chồng nguy hiểm. Trên con đường tìm về với tính Hán tộc của mình, Kim Dung để Qúach Tĩnh may mắn gặp được người con gái thông minh Hoàng Dung một dạ yêu thương, cùng duyên tình cờ hội ngộ vị bang chủ cái bang Hồng Thất Công và Hàng Long Thập Bát Chưởng. Từ đó xây dựng cơ duyên đến với Cửu Âm chân kinh, cùng Châu Bá Thông để trở thành người anh hùng lãnh hội đầy đủ võ công trác tuyệt của thiên hạ. Và khi trở về Qúach Tĩnh tìm đến lý tưởng bảo vệ cho giá trị còn sót lại của Tống triều và người dân trong cơn lầm than.

Thành thật tôi không thích sự lằng nhằng của Qúach Tĩnh trong quá trình phát triển tính cách, đặt biệt là cách Kim Dung tô hồng tâm tính trượng nghĩa của Qúach Tĩnh cả trong tính dân tộc lẫn trong tình yêu. Cuộc đời của Qúach Tĩnh như thế lại được Kim Dung vô tình gò vào câu chuyện lịch sử dù ban đầu đã cố gắng thoát ra. Cuối cùng Qúach Tĩnh là một chàng trai nước đôi bị động nhất trong chuyện Kim Dung mà tôi từng xem, kiểu không muốn mất gì mà cứ dở dở ương ương. Qúach Tĩnh mang trong mình đôi chút hình ảnh của những đạo sĩ phái Toàn Chân nhiều nên tham vọng cũng không có mà dứt khoát cũng không, quả quyết lại càng thiếu, chỉ có tính giảng đạo là nhiều. Những cảnh Qúach Tĩnh trở về rồi lại tìm đến chốn nguy hiểm để tạ lỗi, trở về giữ lời hứa với quá khứ của mình cho thấy Qúach Tĩnh chẳng muốn mất điều gì, chẳng bao giờ muốn xấu chút nào, kiểu gì thì cũng phải trọn đạo nghĩa tình, trọn nam nhi chi chí nên tâm lý nhân vật thanh thản đến không thực, mà cuộc đời vốn đâu dễ thanh thản như vậy khi đứng trên lưỡi dao kép để lựa chọn...

...Điều gì cần có lỗi vẫn phải có lỗi, cái gì cần bỏ qua thì phải bỏ qua và hối tiếc thì vẫn cứ phải hối tiếc đến suốt cuộc đời... Quách Tĩnh đã may mắn khi Hoàng Dung mù quáng không giơ càng chỉ chuyên kẹp người khác kẹp lại, khi Hoàng Dược Sư vì chiều con gái mà nhẹ tay, khi mà mọi người đều hiểu ý của y, khi mọi người tôn trọng đến bất lực ý chí của y nên y thoải mái được đi vào đau khổ, hùng dũng mà đi vào chí khí nam nhi. Nhưng chiến sự chẳng đẹp như mơ để cứ như bài thơ dây dưa và lằng nhằng như thế. Hiện thực là nơi Thiên Long Bát Bộ khi Kim Dung sửa lại và hợp lý hơn với số phận của Tiêu Phong, số phận anh hùng đứng giữa nơi sinh thành và nơi dưỡng dục mà vồ vập đau với những vết thương sâu hoắn buốt giá trái tim-khi Liêu cũng là đất Mẹ mà Tống cũng là đất Mẹ, chứ không phải chỉ Tống mới là đất Mẹ như Qúach Tĩnh định nghĩa trong chủ nghĩa mặc nhiên công nhận Hán hóa của Kim Dung lúc mới bất đầu viết truyện.

Thế hệ trước mở ra thì Kim Dung để thế hệ sau khép vào khung trời vừa mới lấp ló tính mênh mang đâu đây. Anh hùng trong Anh hùng xạ điêu đẹp đến phi thực, chân thành đến không tưởng và may mắn đến chưa bao giờ tự chủ số phận của mình trong hàng loạt những quy tắc xã hội. Anh hùng trong Anh hùng xạ điêu đẹp vì tính vị thân quên mình, đẹp vì tính trung dung biết điều, đẹp vì tính không làm mất lòng ai bao giờ, và người bị mất lòng luôn có tâm tình thông cảm và thấu hiểu. Anh hùng trong Anh hùng xạ điêu đơn giản là tâm lý công nhận mặt ngoài mà chưa đi sâu vào bên trong tâm lý con người mà thôi, mà Qúach Tĩnh là đại diện điển hình nhất cho hình ảnh anh hùng không tưởng sơ khai này. Có thể khẳng định Anh hùng xạ điêu ngầm mang tư tưởng tập thể-cộng đồng cao, thiếu đi tính cá nhân nên là câu chuyện đẹp về tình yêu Hán hóa, tình yêu Nam Tống với lý tưởng vì nước vì dân đơn giản cho hình ảnh một người anh hùng theo một thời đại nhất định.

Tôi không ưng ý thật sự một bản phim Anh hùng xạ điêu nào cả, tôi thích cách diễn tả câu chuyện cặp đôi chính trong bản phim năm 83 với Hoàng Dung của Ông Mỹ Linh, thích cách chăm chút cho câu chuyện của các diễn viên phụ trong bản 2001. Có lẽ đã không thích QT khi đọc truyện nên diễn viên nào đóng Quách Tĩnh cũng như nhau, nhớ Lý Á Bằng đóng Qúach Tĩnh có phần cường điệu nên không thích một chút. Thích cách diễn của diễn viên đóng vai QT trong Thần điêu đại hiệp 95, đúng Qúach Tĩnh lắm, nhưng đến Thần điêu đại hiệp thì QT chỉ còn là vai phụ, đất diễn rất ít.

Thần điêu hiệp lữ

Nhắc đến Thần Điêu hiệp lữ với hình ảnh anh hùng Dương Qúa khi Kim Dung cố tình tạo tương phản với hình ảnh Qúach Tĩnh, vì thế ngòi bút đi lố tạo nên những nét bút đậm và đều mực khi xây dựng theo công thức bổ khuyết những giá trị còn thiếu, nên lại bỏ khuyết đi những giá trị cần tồn tại của giang hồ đa dạng và phức tạp. Bởi vì ở Anh hùng xạ điêu, Kim Dung hắt hủi Dương Khang mà đề cao Quách Tĩnh nên trong Thần điêu hiệp lữ Kim Dung dùng sức mạnh của ngòi bút bù đắp cho con trai Dương Khang đầy đủ tất cả những giá trị mà theo cái cách ngày xưa Kim Dung dành cho Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Con tạo xoay vần khi thời gian trôi qua, và khi ngòi bút của Kim Dung vẫn muốn tập trung những gì tinh túy, khác lạ nhất dành cho cặp đôi tiên đồng ngọc nữ nên mọi thứ càng như mơ như mộng. Dương Qúa khác Quách Tĩnh, nhưng nổi trội như tuổi trẻ Qúach Tĩnh nổi trội vậy, Dương Qúa cũng may mắn thần kỳ mà đến được với võ công trác tuyệt, đến với người con gái tuyệt vời một lòng một dạ yêu thương, và cũng oái ăm cố chấp như Qúach Tĩnh ngày xưa với giá trị theo đuổi. Và vì thế các nhân vật phụ được lu mờ đúng với cái cách mà các nhân vật phụ đươc làm mờ để tôn Qúach Tĩnh và Hoàng Dung lên. Nhưng giờ đây người bị làm mờ lại là Quách Tĩnh mà Hoàng Dung từng một thời tỏa sáng.

Dương Qúa được Kim Dung vẽ lên với tính cách anh hùng tâm tính bạt mạng hướng về lý tưởng vị thân chứ không còn cương trực chính nghĩa. Dương Qúa được miêu tả đủ tiêu chuẩn để là một hiệp khách giang hồ lãng tử đẹp trai, tài hoa, bất cần và trượng nghĩa theo cách riêng biệt nhất. Anh hùng Dương Qúa được Kim Dung miêu tả lại đúng theo chữ Thần nên không thực, nên mơ mộng và lãng du đến bất ngờ. Thời đại mà Dương Qúa được đặt vàolại ít nội hàm hơn thời đại mà Quách tĩnh đến với giang hồ, ngoài ra thời đại đó đã có một Quách đại hiệp hào khí ngất trời nên tạo điều kiện cho Dương Qúa đi theo một lý tưởng hoàn toàn khác vì thế sự đã đổi thay và lý tưởng đã thay đổi. Câu chuyện của Thần điêu hiệp lữ nghiêng về mảng tình yêu, tình cảm gia đình nhiều hơn vì Kim Dung đành bỏ lơ tính dân tộc do thời đại đặt ra trên bờ vực diệt vong.

Cảm thế giang hồ chìm trong niềm bơ vơ mà trống vắng khí thế hừng hực của thời đại anh hùng hào kiệt, chưa kể nói đến Kim Dung còn trù bị cho sự hợp lý của việc nhà Tống suy vong khi để Hoàng Dung trao lại chức bang chủ cái bang, khi để Dương Qúa tìm về Chung Nam Sơn ẩn cư. Nếu đúng theo lịch sử thì khoảng 37 năm sau khi nước Kim diệt vong thì nhà Nam Tống cũng thất thủ mà mất nước vào tay nhà Nguyên. Ở thời kỳ gắn liền với lưỡi đao của lịch sử, Kim Dung phả vào câu chuyện tình yêu đơn phương nhiều như nấm sau mưa để thể hiện một niềm hoài vọng mơ tưởng hướng về anh hùng Dương Qúa. Không có câu chuyện nào nhiều tình yêu như Thần điêu hiệp lữ, tình yêu chu du từ Tiểu Long Nữ ngọc khiết băng thanh đến Lý Mạc Sầu, Công Tôn Lục Ngạn, Qúach Tương hướng về một giá trị phi thực và hy sinh cuồng loạn vì một giá trị hoài cố xa xăm. Trai tráng thời kỳ được Kim Dung bỏ lơ vất vưởng vì chẳng thể tạo một nhân vật lừng lẫy nào nữa ngoài Dương Qúa-có thể là một nhân vật tưởng tượng để nối tiếp Qúach Tĩnh khi Dương Qúa về Chung Nam Sơn ẩn cư. Chính vì thế cuộc đó Dương Qúa trở thành người anh hùng độc nhất đứng vào vị thế trung tâm hơn cả thế mà Qúach Tĩnh từng đứng-khi không xuất hiện cả Âu Dương Khắc hay Dương Khang đối chọi lại để thế cuộc vây hùng tam long tranh bá.

Dương Qúa được Kim Dung ưu ái cho Ngọc Nữ Tâm Kinh rồi đến Cửu Âm chân kinh, kiếm khí của Độc Cô cầu bại nên dù Kim Dung đã lấy đi một cánh tay nhưng lại tìm lại cho Dương Qúa những giá trị vượt bậc như một món hàng phải trả chi phí trước. Hình tượng Dương Qúa được Kim Dung xây dựng khi đứng đơn độc rất đẹp theo cách độc tôn. Nhưng giang hồ được Kim Dung xây dựng bao quanh Dương Qúa dường như kiệt quệ vì thiếu sức sống. Nơi Dương Qúa là ngọn đuốc rực rỡ nhất, kiêu hãnh nhất là hoàn cảnh thiếu lửa, thiếu tự do tiêu diêu để rực sáng, hoàn cảnh để Dương Qúa nổi bật lên tiêu điều và rệu rả nên Dương Qúa như ánh hào quang cuối cùng mà Kim Dung tạo nên trong cơn bão táp thời đại. Thiếu hụt ở Thần điêu đại hiệp là không khí giang hồ để Dương Qúa phát triển, anh hùng Dương Qúa phát triển và dừng lại cục bộ trong chữ Thần ở thời đại tiêu điều đổ nát chứ không có chốn phát triển, không bay bỗng tunh hoành ngang dọc vùng vẫy để hào sảng tìm kiếm lý tưởng trời bể mênh mông, mà lại sớm tìm về núi Chung Nam khiến cảm hứng của người xem hụt hẫng nghĩ Kim Dung đi quá đà trong nét tương phản với Qúach Tĩnh.

Lý tưởng về ở ẩn của Dương Qúa dễ khiến người ta nhận xét đây là một cuộc chốn chạy, ẩn cư khi chưa đi hết con đường cần đi, khó có thể ung dung tự tại mà ngao du sơn cùng thủy tận đi về tự do thanh thản. Tuy vậy, tôi vẫn thích Dương Qúa trong tương tác giữa Dương Qúa với thế giới giang hồ, trong tương tác này tính chủ động nghiêng về phía Dương Qúa, không có quá nhiều phép tắc giang hồ ràng buộc lại với bản lĩnh của mình, Dương Qúa bỏ đi nhưng tôi vẫn thích hơn Qúach Tĩnh ở lại. Tôi có thể nhận thấy cuộc ẩn dật của Dương Qúa có nhiều nuối tiếc, nhưng tôi có thể hiểu, có thể nhận thấy ước muốn mặc kệ thế sự vì cách nghĩ thời thế thay đổi theo tự nhiên và những người ẩn cư sẽ không màng đến. Tôi chỉ tiếc rằng Dương Qúa được Kim Dung đưa lên vị trí Thần điêu đại hiệp vội vàng khi chưa vùng vẫy cho oanh oanh liệt liệt trong 16 năm ngang dọc cuộc đời, để lại chiến tích nhiều hơn, độc lập hơn, gần hơn với chữ Thần trước khi tìm về với tình yêu chung thủy sau 16 năm cùng Tiểu Long Nữ. Vì thế Thần điêu đại hiệp thiếu đi chất cuồng của Tây Cuồng, thiếu đi chất nổi loạn của Dương Qúa khuấy động đất trời nghiêng ngã trong công cuộc tìm kiếm lại thân thế, trong công cuộc phục thù nhà và thù nước.

Dương Qúa vẫn trung dung, vẫn hiểu chuyện đến bất ngờ, vẫn khoan dung độ lượng và chí khí trượng phu chứ không cuồng loạn với ân đền oán trả kìm trong nghĩa trượng phu ngầm định cần có lắm để xứng danh. Qúa trình phát triển của anh hùng Dương Qúa thiếu đi tính khuynh đảo tiêu diêu, chữ Cuồng dành cho Dương Qúa không đắt chữ Tà dành cho Hoàng Dược Sư, hay chữ Độc trong Tây Độc. Ba chữ miêu tả tính cách Tà, Độc, Cuồng thì chữ Cuồng yếu nhất, ít gợi cảm giác đến người xem hơn hai chữ còn lại là điều đáng tiếc cho câu chuyện anh hùng Dương Qúa. Anh hùng trong Thần điêu hiệp lữ mù mờ trong đại dương tình cảm sâu nặng và mênh mang...

Tiểu Long Nữ là một trong những nhân vật nữ tôi thích nhất trong truyện Kim Dung, và Tiểu Long Nữ của Lý Nhược Đồng là vai diễn nữ tôi thích nhất trong các phim đã xem. Tôi vẫn xếp Thần điêu đại hiệp 95 vào một trong những drama yêu thích nhất vì nhân vật Tiểu Long Nữ ngọc thiết băng thanh được diễn tả rất trọn vẹn và vừa vặn. Tiểu Long Nữ không có nét thông minh, nghịch ngợm trong tà khí của Hoàng Dung, nhưng có nét lạnh lùng, thanh khiết trong nét chân thành đắt giá mà Lý Nhược Đồng đã lột tả được. Trong Thần điêu đại hiệp 95 tôi thích tương tác giữa cặp đôi chính, một trong những cặp đôi đẹp đôi nhất trên màn ảnh truyền hình tôi từng xem. Hạn chế của Thần điêu đại hiệp chính là không độc lập với Anh hùng xạ điêu nên không mở rộng được câu chuyện khi so sánh với thế giới giang hồ nhiều điểm nổi bật trong Anh hùng xạ điêu. Tuy nhiên nếu như xem xét hai câu chuyện Anh hùng xạ điêu và Thần điêu đại hiệp chung điểm mốc thì yếu tố tương hỗ được Kim Dung sử dụng nhằm tạo nên tính đa chiều cho câu chuyện như chính Kim Dung cũng đã nhận thấy mảng khuyết mà mình bỏ lở ở tác phẩm trước nên bổ sung sau này tạo nên một bức tranh có diện mạo đầy đủ hơn.

Tuy rằng bức tranh có diện mạo đầy đủ nhưng nhìn chung hồn tính bức tranh tổng thể thì AHXĐ VÀ TĐĐH vẫn bị tính tuyệt đối chế ngự, những nét bút vẫn cứng và cương chứ không bay bỗng cũng như không chặt chẽ tiêu sái. Điều đáng tiếc là ở hai tác phẩm kể trên tình tính anh hùng, đại hiệp được Kim Dung chú trọng nhưng chỉ dừng lại vừa đủ chứ không tiến xa hơn trong lòng người đọc, người xem.

Ỷ thiên đồ long ký

Cuối cùng của Xạ điêu tam bộ khúc là Ỷ thiên đồ long ký với anh hùng Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ được sinh ra trong một hoàn cảnh cô độc giữa Băng Hỏa Đảo, chứng kiến cái chết thảm của cha lẫn mẹ dưới sự nhẫn tâm của miệng lưỡi thế gian. Ý tứ của Ỷ thiên đồ long ký tiến xa hơn hai bộ truyện trước khi kết hợp tương tác chính tà và cả tính dân tộc trong nó. Tính anh hùng của Ỷ thiên đồ long ký đa chiều hơn khi phác họa hình ảnh Trương Vô Kỵ thật hơn nhiều so với hình ảnh Qúach Tĩnh và Dương Qúa. Trương Vô Kỵ chân thật nhưng không khù khờ, không dứt khoát nhưng quyết định nhất quán nhất cả trong lý tưởng lẫn tình yêu. Tính dân tộc trong Ỷ thiên đồ long ký không được miêu tả trực tiếp bằng con đường binh biến, không miêu tả ở những hoàn cảnh đối lập, chỉ đơn giản là miêu tả lại những cuộc đấu trí và đấu võ công để bật lên tâm tính con người và thay đổi tâm tính con người. Sự kết hợp chính tà khi xuất hiện Minh giáo cùng tương tác với Thiếu Lâm, Võ Đang khiến cục diện phim cân bằng hơn, rạch ròi hơn trên lý thuyết cửa miệng thế gian. Và trên lý thuyết chính tà tập thể đó mà cuộc sống của con người chịu nhiều ảnh hưởng khi nhận ra ranh giới mong manh ở miệng lưỡi không thể hiện hết sự phân cực trong Võ Lâm và sự phức tạp của lòng người.

Hình ảnh anh hùng của Trương Vô Kỵ trên lý thuyết cũng chính tà bất phân nhưng thiện tính luôn ở trong trái tim. Trương Vô Kỵ may mắn hơn cả Qúach Tĩnh và Dương Qúa đối với võ công khi tìm được Cửu dương thần công trong bụng khỉ, khi luyện được Càn khôn đại na di và Vô cực kiếm pháp của Võ đang. Nói về võ công, Trương Vô Kỵ gần như hội tụ đầy đủ tinh hoa của chính tà như Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Mà gần như nhân vật nam chính nào của Kim Dung cũng có duyên vô tình học được võ công nhiều hơn sự cố gắng, võ công mang sức mạnh khuynh thành trong truyện Kim Dung là một điểm mạnh riêng nhưng cũng là điểm yếu khi mọi thứ đều trở nên tình cờ liên tiếp tình cờ nhiều lần. Tuy nhiên bù vào đó quá trình phát triển tính cách của Trương Vô Kỵ nhất quán và hợp lý nhất trong ba nhân vật nam chính của Xạ điêu tam bộ khúc.

...Mang trong mình lời trăn trối của mẹ rằng phụ nữ rất nham hiểm nên phải coi chừng nhưng khi đối diện với phụ nữ thì tấm lòng đứa con trai mới lớn vẫn chẳng thể cưỡng lại sức hút của sự dịu dàng-dù sự dịu dàng đôi khi là giả dối. May mắn trong tình yêu không đến với Trương Vô Kỵ như đối với Qúach Tĩnh và Dương Qúa. Trương Vô Kỵ đa tình và không dứt khoát, lưỡng lự giữa cuộc đời những người phụ nữ Hân Ly, Tiểu Chiêu, Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn. Mỗi người phụ nữ đến và đi trong cuộc đời đều mang đến hạnh phúc thì cũng mang lại niềm đau khổ dằn xé Trương Vô Kỵ. Những mối tình đơn phương trong phim đều có sự tác động bởi Trương Vô Kỵ với bản tính ù ờ và thích trãi nghiệm, không rõ ràng, cũng không chung thủy nhất quán trong câu chuyện tình cảm-đúng như câu nói ''nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản''. Người ta chỉ có thể anh hùng hào phóng tại một thời điểm nào đó là tuyệt đối mà thôi, chứ người ta, mà cụ thể là Trương Vô Kỵ với chính cuộc sống tình cảm rắc rối của mình mang lại nhiều rắc rối trong hạnh phúc nhiều trãi nghiệm. Trương Vô Kỵ trên Quang Minh đỉnh trấn áp quần hùng để bảo vệ Minh Gíao là một trận đánh vô cùng lãng mạn của Kim Dung, mọi khó khăn đều có thể Càn khôn đại na di để vượt qua nhưng kiếm tình của nhi nữ thì vẫn xuyên qua được Càn khôn địa na di mà đâm vào người, lần thứ nhất...

Câu chuyện trong Ỷ thiên đồ long ký kết hợp nhuần nhuyễn tình yêu giữa xã hội, không đâu mà nhân vật nữ đặc sắc như trong Ỷ thiên đồ long ký, những mỹ nhân khuynh đảo đấng anh hùng lao đao lận đận. Triệu Mẫn được phát triển cao thủ hơn Hoàng Dung, thủ đoạn hơn, tàn nhẫn hơn và quyền lực hơn. Triệu Mẫn không si tình như Hoàng Dung, cô yêu nhưng vẫn tỉnh táo, không nhún nhường như Hoàng Dung, cô vẫn đi đúng theo tính cách và mục đích riêng của mình khi đứng trên bờ chiến tuyến đối lập với Trương Vô Kỵ. Cuộc đấu tranh giữa chính tà trong Ỷ thiên đồ long ký bắt đầu trở nên mơ hồ dần dần khi mỗi nhân vật chạm dần vào tham vọng và toan tính riêng một cách thật tự nhiên.

Mỗi nhân vật đi trên sự mâu thuẩn của mục đích mà tương tác với nhau. Nhân vật tưởng như phản diện cuối cùng không hẳn là phản diện, nhân vật chính diện cũng chưa hẳn đã chính diện toàn phần. Người ác không có nghĩa chỉ là đàn ông, không có nghĩa chỉ là phụ nữ, mà là bất kỳ ai với tham vọng chất đầy tàng trong Ỷ thiên kiếm và Đồ Long đao. Con đường đến với báu vật là con đường tranh chấp nảy lửa thể hiện nhiều hơn cả đức tính con người-có cả thủ đoạn lẫn mu muội. Con người ai cũng có lòng tham nhưng có người từ bỏ được, có người lại không. Khi Triệu Mẫn quỳ lạy cha tạ từ rời bỏ chốn vương giả cô đâu biết rằng quyết định của cô là một trong những quyết định khiến một vị anh hùng rời bỏ thế sự để ngày ngày vẽ chân mày cho cô. Tôi thích quyết định này của Triệu Mẫn khi Kim Dung dám để nhân vật đi theo lý tưởng của riêng mình, chứ không trung dung nước đôi như các quyết định khác. Quốc gia có thể thiếu Triệu Mẫn, vì cô biết sức người có giới hạn, nhưng cô cần phải tự quyết định số phận của mình chứ không để bó buộc trong những quy tắc khi hiểu rõ tình cảm của Trương Vô Kỵ. Có thể đối với một số người đánh giá quyết định trong sự lựa chọn tình cảm giữa Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn là lằng nhằng vô lý, nhưng tôi nghĩ mỗi quyết định đều đã được tự mỗi người trong cuộc suy nghĩ kỹ càng và cẩn trọng. Và đây là lần đầu tiên tính Hán tộc được Kim Dung một lần không đặt nặng, rất tiếc là được thực hiện bởi một cô gái nhà Nguyên. Từ đây mãi cho đến Lộc Đỉnh Ký mới gặp lại hình ảnh này một lần nữa để Kim Dung vượt qua tính dân tộc Hán hóa bó buộc trong tâm thức.

Tình yêu trong Ỷ thiên đồ long ký không như câu chuyện tình cảm trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ-câu chuyện tình cảm không có nội hàm mâu thuẩn, tình cảm nhất nhất chung thủy, nhất nhất thấu hiểu, chính nghĩa và cương trực trung trinh đến nhiều khi khiến người xem chán ngán. Hai câu chuyện tình yêu trong hai bộ Điêu cũ kỹ vì chẳng có khác biệt gì cả, các mối tình tựu thành chỉ do tác động từ bên ngoài vào chứ không phải tác động từ bên trong. Khi xem tôi luôn tự nghĩ Kim Dung những ngày đầu viết truyện cũng có hạn chế khi không đi sâu vào tâm lý nhân vật nên câu chuyện dàn trãi và thiếu chiều sâu trong những mảng tình cảm và phát triển tâm lý. Tôi thích câu chuyện tình cảm trong Ỷ thiên đồ long ký hơn cả, thích những nhân vật nữ chủ động ứng biến với cuộc đời, chủ động từ bỏ khi đến thời khắc chia ly, chủ động đánh trả khi không thể chịu đựng hơn nữa. Mỗi người đều có lựa chọn cho mình, dù lựa chọn đó mang lại cô đơn một kiếp hay từ bỏ thân phận để người đời (aka: người xem) đánh giá và nhận xét quyết định đó đúng sai riêng biệt. Tôi cũng thích cách xây dựng một Trương Vô Kỵ thực tế, thiếu dứt khoát, lưỡng lự và lấp lửng trong tình cảm của mình để rồi năm lần bảy lượt chịu thua dưới tay một người đàn bà từng thương-từng có lỗi. Cuộc sống luôn có lựa chọn mà tôi chắc rằng ai cũng phải lựa chọn cả trong lý tưởng và tình cảm. Trương Vô Kỵ cuối cùng đã lựa chọn Triệu Mẫn, cuối cùng đã dám đương đầu với sự tham la-ù lỳ trong cảm xúc của mình để chọn một người con gái mình thương, từ đó dám quyết định từ bỏ lý tưởng tuân theo tập thể để ẩn cư cùng lý tưởng riêng sau khi sắp xếp yên bề cho những nhiệm vụ cần sắp xếp.

Tính anh hùng trong Ỷ thiên đồ long ký được thực hiện tự nhiên hơn hai bộ truyện trước, những con ngườiđược xem là anh hùng với lý tưởng riêng dám đi vào cuộc tranh đua thế sự, dám thử một lần mọi thứ để rồi khi nhận thấy mình không thích hợp thì dừng lại và chọn con đường khác để đi, nhường lại con đường cho những người có tư chất thích hợp hơn phát triển sứ mệnh tập thể. Những nhân vật anh hùng trong truyện Kim Dung luôn mang đậm tính cá nhân, tính lý tưởng phi thực với võ công trác tuyệt, với cơ duyên may mắn mà sở hữu tiền đề võ công thượng thừa nên vốn dĩ là những con người được viết ra để cho ước mơ lãng mạn của người xem chìm trong tính cá nhân của họ, những nhân vật đó phi thực nên lý tưởng của họ không phải lúc nào cũng cần thực tế, không cần lúc nào cũng gắn với một hệ thức cố níu những gì đã qua trong diễn tiến câu chuyện lịch sử không thể lặp lại. Qúach Tĩnh là một nhân vật anh hùng tưởng tượng, Dương Qúa cũng là một nhân vật tưởng tượng nhưng được Kim Dung thả vào sức mạnh thay đổi câu chuyện lịch sử một cách khiên cưỡng nên họ vẫn mãi chỉ là anh hùng trong tưởng tượng mà thôi. Trương Vô Kỵ cũng không thay đổi được lịch sử nhưng Trương Vô Kỵ mang niềm tin vừa vặn cho những con người đi bên lề thời đại-chìm vào thế giới ẩn cư đúng theo tâm thức dừng lại trước khi chạm vào một thế giới khác-khác thế giới giang hồ võ công tuyệt đỉnh cùng hàng ngàn khuôn phép gò bó con người khi Trương Vô Kỵ hoàn toàn không có tham vọng, thiếu bản lĩnh để lãnh đạo một thời đại.

Hạn chế trong Ỷ thiên đồ long ký cũng chính là cách Kim Dung gò bó mình vào trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định nên chịu nhiều sự chi phối của dòng lịch sử mặc định trong lịch sử Trung Quốc, từ đó sức sáng tạo bị ràng buộc và dễ dàng bị chi phối bởi dữ liệu lịch sử. Điểm hay của Kim Dung khi gắn chặt thời kỳ lịch sử trong phim làm cho phim cụ thể hơn, khiến phim dường như có tính lịch sử hơn nhưng tác phẩm vẫn chỉ là những tác phẩm hư cấu khiến câu chuyện cải biên, tô hồng lịch sử mà không tự do và khoái hoạt như lý tưởng các nhân vật trong truyện Kim Dung hướng tới. Trong Xạ điêu tam bộ khúc , có lẽ điểm đặc sắc nhất thuộc về cách Kim Dung xây dựng những nhân vật nữ, mà đặc sắc nhất ở Ỷ thiên đồ long ký. Triệu Mẫn là một trong những nhân vật nữ thông minh nhất, ấn tượng nhất trong truyện của Kim Dung. Tôi thích phiên bản năm 1986 do Hồng Kông thực hiện với Trương Vô Kỵ của Lương Triều Vỹ diễn xuất vừa vặn.

Kết

Cách xây dựng hình ảnh những người anh hùng đa dạng với các kiểu khác nhau bổ khuyết cho nhau tạo nên thế giới đa dạng và phức tạp. Ba bộ truyện trong Xạ điêu tam bộ khúc khiến góc nhìn về anh hùng của Kim Dung càng về sâu càng phát triển hơn, đi sâu và phù hợp với dòng kiếm hiệp tự do mà ông theo đuổi hơn. Tuy cả ba truyện đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng mà với chuẩn mực đánh giá khác nhau sẽ thấy truyện này hay hơn truyện kia, nhưng chắc hẳn sẽ không ai phủ nhận sức hút tổng hòa của Xạ điêu tam bộ khúc với hình ảnh những nhân vật đi vào lòng người. Có thể nhân vật này đi vào lòng người theo cách lý tưởng nhất, nhân vật kia đi vào lòng người theo cách hiện thực hơn nhưng tất cả đều thể hiện trí tưởng tượng bay bỗng của Kim Dung đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh các nhân vật tượng hỗ nhau tạo nên tính đa chiều đặc sắc khó quên. Cả ba truyện cùng đề cập đến những vị anh hùng có thể là quá nhiều, và sẽ có rất ít khán giả chọn tâm đắc hơn hai truyện trong bộ này với sở thích riêng, mỗi bộ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng mà chỉ khi tổng hòa với nhau mới tạo được tính toàn diện của các góc nhìn khác nhau về anh hùng và tình yêu của anh hùng.

Tôi có nhớ Kim Dung thông qua Qúach Tĩnh luận rằng Thành Cát Tư Hãn không phải là anh hùng, để rồi hình ảnh Thành Cát Tư Hãn trân trối trăn trở cho góc nhìn của mình. Thì với Kim Dung cũng vậy, anh hùng của Kim Dung chưa chắc đã là anh hùng đối với người khác, anh hùng theo cách này chưa chắc đã là anh hùng theo cách khác, anh hùng trong hoàn cảnh này chưa chắc đã làm anh hùng theo hoàn cảnh khác. Tất cả đều là tương đối, và nếu tất cả đều là anh hùng, thì tất cả đều có thể không phải là anh hùng. Anh hùng đến cuối cùng cũng chỉ là một sự suy tôn và thần phục của con người đối với những chiến thắng cho lòng anh dũng, đến cuối cùng cũng là một tính từ do chính con người tạo ra, thì cũng có thể do con người phá đi. Anh hùng đến cuối cùng rồi có thể cũng như Thành Cát Tư Hãn đặt lại dấu hỏi cho cuộc đời mình. Hỏi thế gian ai là anh hùng, ai là thường dân? Mỗi người đều có lý tưởng cho riêng mình, anh hùng cũng là và chỉ là một lý tưởng trong vô vàn lý tưởng khác nhau, quan trọng hơn cả là chúng ta dám nắm bắt lý tương và dám buông tay lý tưởng hay không mà thôi.

*Tôi rất thích một chi tiết khác truyện trong bản Anh hùng xạ điêu 2001 của Trung Quốc khi đưa đến hình ảnh Hoàn Nhan Hồng Liệt tự tận lúc bị bắt. Các đối đáp mang tâm thức của một anh hùng lỡ thời, người anh hùng có độc ác, có thủ đoạn mà nhiều người đánh giá là gian hùng. Gian hùng cũng anh hùng theo cái cách rất riêng, anh hùng với dân tộc của họ, anh hùng với lý tưởng của họ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review