Những mảng màu đơn sắc trong bức tranh tuyết rơi ngày đông

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Will it snow for Christmas? Một câu hỏi gợi ý cho người xem cảm giác thật đẹp với những bâng khuâng: liệu tuyết có rơi trong ngày Giáng Sinh để ấp ủ những mơ ước của người xem về hạnh phúc.

Biên kịch và đạo diễn đã rất cố gắng họa lại bộ phim với những khối, mảng, đường-nét một cách gần gũi nhất. Họ đã vẽ nên những nỗi đau định mệnh để kéo nhân vật chìm trong tâm lý bất định đi tìm một thứ hạnh phúc đẹp và thơ mộng. Với ý nghĩ đó tôi tự hỏi sao mình lại không cảm nhận vẻ đẹp của bộ phim qua cái nhìn khi thưởng thức một bức tranh tình yêu. Và tôi sẽ làm điều đó dưới đây.

Will it snow for Christmas? không chỉ là một bức tranh mà thôi, theo cách nhìn của tôi Will it snow for Christmas? là 3 bức tranh tại ba thời điểm khác nhau với cùng một phong cách vẻ. Bộ phim được cấu trúc diễn ra theo diễn tiến thời gian với diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật khiến nó trở thành 3 bức tranh được vẽ liên tiếp và từ đó bức tranh trước có ảnh hưởng đến màu sắc chủ đạo của bức tranh kế tiếp. Trước tiên tôi đi tìm hiểu và cảm nhận riêng rẽ từng bức tranh và sau đó liên kết chúng lại để cảm nhận đầy đủ toàn bộ cái đẹp của toàn cảnh tuyết rơi trong giáng sinh.

Bức tranh của quá khứ với cảm xúc đầu đời và nỗi đau định mệnh.

Khoảng thời gian Kang Jin 18 và Ji Hwan 16 tuổi, những độ tuổi vừa đủ để có cái nhìn về cuộc đời với những khao khát và trăn trở về thân phận của mình trong xã hội. Những độ tuổi để cảm xúc trong lòng có thể chớm nảy sinh để con tim rung lên trước tình yêu đầu đời. Những điều đó đã chi phối màu sắc chủ đạo của bức tranh là một màu trấng pha một chút tinh khôi và một chút tang tóc từ cái chết của Ji Jong.

Kang Jin với tình yêu dành cho người cha của mình, là cung bậc cảm xúc mạnh mẽ khiến Ji Hwan cố công tìm kiếm chiếc mặt dây chuyền tưởng rơi xuống sông.

Kang Jin với những mặc cảm về nghề nghiệp của mẹ mình để hằn học lên chống đối lại sự coi thường của xã hội đối với mẹ mình cũng như sự xem thường bản thân của mẹ theo cách nghĩ của một đứa con trai mới lớn chưa biết chấp nhận quan điểm sống của người khác.

Kang Jin với tình yêu (phải chăng là tình yêu?) đối với cô bé ương nghạnh Ji Hwan, những tranh cãi hay xao động kiểu học trò. Nó chẳng phải là những cảm xúc sâu sắc gì cho lắm, chỉ là sự đáp trả những trò chơi tuổi mới lớn – trò chơi tình yêu. Tình yêu đến như trò chơi nhưng ra đi và để lại những niềm day dứt khôn nguôi cho cả hai người chơi nó. Trò đùa của số phận.

Ji Hwan với sự ương nghạnh trong tính cách luôn làm sự việc thêm rắc rối. Cô bé hồn nhiên cũng nhận ra rằng con tim mình đã rung lên với sự nồng ấm mà Kang Jin dành cho mình. Có thể là một nụ cười hay đôi khi là sự chăm sóc từ đôi giày thể thao mà thôi. Cảnh quay này khá có ấn tượng với tôi vì đôi chân trần của Kang Jin đã bước chân vào lãnh giới của tình yêu kiểu học trò thật sự . Ji Hwan cũng vậy với bước đi lệnh khệnh trên đôi giày cao gót đã dẫn cô bé bước vào những cung bậc cảm xúc hạnh phúc của tình yêu.

Chỉ vậy thôi thì mối tình này cũng chỉ là một mối tình thơ ngây với kỷ niệm đẹp. Và điều đáng nói là gì để mối tình này cứ ám ảnh trong hai con người đến thế?Đổ ập vào đôi vai của hai người trẻ tuổi là cái chết của anh trai Ji Hwan, cái chết mà nguyên nhân gián tiếp từ sự hoài vọng về một chiếc mặt dây chuyền- đại diện cho người cha của Kang Jin. Câu nói "con đã mất cha rồi" như khóet sâu vào những day dứt như thế. Tiếp đó là sự day dứt với cảm giác tội lỗi về cái chết của anh mình. Và tiếp nữa là sự mất cân bằng trong tâm lý khi vô tình nghe mẹ nói "sao người ra đi không phải là Ji Hwan". Chóang váng trước lời nói đó, sự tổn thương thật sự khi nghe được chính mẹ ruột mình nói điều đó, lời nói rát buốt như muối xát vào vết thương đã sâu hoắn trong lòng một cô gái mới lớn vì cái chết của anh trai. Cô quyết định ra đi để tìm lại cân bằng, hay chính xác để chạy trốn cảm giác là kẻ tội đồ và dư thừa trong gia đình. Sự ra đi để trừng phạt bản thân mình vì cảm giác tội lỗi do mình gây ra. Dằn vặt bản thân mình với cái ước ao giá như đây không phải là sự thật. Ji Hwan lúc này mất cân bằng tâm lý thật sự , cô tự kỷ ám thị chính mình đã gây ra mọi chuyện.

Kang Jin tỏ tình như một sự an ủi với Ji Hwan về cái chết Ji Jong nhưng không đúng lúc càng làm nỗi đau trong Ji Hwan nghẹ lại và phải trực trào ra. Kang Jin lãnh đủ... Những lời nói cay độc, những sự dối gạt nhau trên sự phẫn nộ của Ji Hwan với chính mình và thế giới xung quanh được dịp bộc phát ra đổ lên đầu Kang Jin cả, một sự tìm lại cân bằng tâm lý nhất thời, một phản xạ không điều kiện để cô gái 16 tuổi chống chọi lại nỗi đau trong tim mình.

Cảnh quay chia ly với dòng sữa đổ như một đường gãy biểu thị cho sự tan vỡ của bức tranh quá khứ. Một sự tan vỡ cần đến 12 năm mới phai mờ nỗi đau.

Bức tranh tình yêu trong tuyết bay sau 8 năm xa cách.

8 năm sau, họ gặp lại nhau tình cờ.

Kang Jin trở thành một chàng trai gần như hoàn hảo, anh đã vượt qua mặc cảm về thân phận của mình, chấp nhận số phận của mình với vẻ điềm nhiên mà con người ta cần. (Thú thật tôi súyt bỏ bộ phim này khi thấy Kang Jin làm trong công trường, nếu thế tôi sợ bắt gặp lại những nhân vật Ko Soo từng đóng trong những bộ trước, nó làm tôi nản thật sự). Và tính cách Kang Jin là một điểm nhấn trong phim cùng với diễn xuất của Ko Soo. Một tính cách khá hay: kiệm lời và chỉ nói khi chẳng đặng đừng, nhưng nói ra câu nào câu đó đều đi vào lòng người. Với tính cách đó: quyết đóan và âm thầm hy sinh cho người mình yêu với tình yêu thầm lặng Kang Jin đã từng bước từng bước một xoa dịu nỗi đau trong trái tim Ji Hwan. ( Tôi thật sự thích kiểu yêu như thế nên nó hớp hồn tôi ngay, và có đôi lần khi xem phim tôi liên tưởng đến tình yêu huyền thọai của thuyền trưởng Rhert trong cuốn tiểu thuyết gối đầu giường của mình ). từ đó dẫn lối cho con tim Ji Hwan đi về với "bình yên".

Nói về Ji Hwan trong thời ký này thì đây là quá trình Ji Wan xoay sở với cuộc đời một cách vụng về với tâm lý vẫn còn bị ảnh hưởng từ cú shock tinh thần 8 năm trước. Cô bước đi trong cuộc đời và tìm kiếm cho mình niềm an ủi khi nói chuyện một mình với tấm ảnh gia đình, một tâm lý không định hình rõ màu sắc trong nó. Cảm giác trong cô chỉ là những dằn vặt về quá khứ. Cô quyết định cố yêu Tae Jun thì phải, tôi có cảm giác tình yêu của cô dành cho Tae Jun chỉ là cố bấu víu vào lý do để sống trong cuộc đời mà thôi. Sau lưng sự nhìn nhận không quen biết Kang Jin của cô là nỗi đau thật sự với những cảnh quay cô nấc lên rồi đập vào lồng ngực mình để có thể giải tỏa nỗi đau nghẹn trong tim mình. Cô cần Kang Jin để xoa dịu nỗi đau quá khứ, xóa đi những vết thương và hối tiếc dằn vặt lòng mình.

Kang Jin đã làm được điều đó. Kang Jin đã cố gắng đưa cô trở lại sống với hiện tại chứ không phải chìm ngập trong những ký ức tang thương. Kang Jin âm thầm chịu đựng với một tình yêu dành cho Ji Hwan tựa như vĩnh cữu 1 đời người. Những tình tiết được vẽ nên với 2 tình yêu bao quanh đôi nhân vật chính để tôn thêm tình yêu vĩnh cữu của họ. Tình yêu có cái sắc trắng từ sự hội tụ của các màu sắc trong quang phổ khác nhau và tụ về thành những hạt tuyết lất phất bay trong đêm mùa đông. Để nỗi đau tan ra và hạnh phúc bay lên.

Có lẽ trước khi đề cập đến cảnh quay trên thì tôi phải quay lại những diễn biến trong bức tranh tâm lý của cả Ji Hwan và Kang Jin để cảm xúc được thăng hoa trong khoảnh khắc ấy.

Kang Jin chấp nhận hy sinh sự nghiệp vì tình yêu một cách quyết đoán. Chấp nhận đánh đổi một phần cũng muốn trả lại cho Ji Hwan từ những mất mát của quá khứ mà một phần gián tiếp vì anh. Và thật sự Kang Jin phải cảm ơn Woo Jung, cô gái có cá tính mạnh mẽ và thóang đãng đã yêu anh chân thành.

Ji Hwan từ đó hiểu được tình yêu của Kang Jin và vực dậy được bản thân đi tìm hạnh phúc của mình. Thứ hạnh phúc làm cô được trẻ con lại lần nữa.

Kang Jin quay về với làng quê trong lành để tiếp tục cuộc đời của chàng trai 26 tuổi. Và anh tìm được hạnh phúc thật sự trong một đêm tuyết rơi với nụ hôn đẹp lung linh làm ấm hai trái tim với quá nhiều nỗi đau.

Bức tranh tình yêu này được tác giả vẽ nên theo màu chủ đạo như bức thứ nhất với thủ pháp phối màutương tự như bức tranh thứ nhất nhưng đã tạo được độ bóng từ các mâu thuẩn nên màu sắc bức tranh thật hòa hợp với các đường vẽ thể hiện tính logic của các mâu thuẩn , nét vẽ thể hiện đầy đủ cảm xúc và tình cảm của nhân vật với các mảng màu sáng tối đan xen tương xứng của các sắc độ đậm nhạt khác nhau là thành công lơn nhất của bộ phim. Chính điều đó đã tạo nên sự cân xứng tuyệt vời được taoh ra từ những điểm bất cân xứng trong các mâu thuẩn. Không thể đòi hỏi hơn ở một bức tranh tâm lý đặc tả về tình yêu có được cái thuyết phục về tâm lý đên vậy.

Bức tranh "chết màu" do biên kịch pha lại một màu đã dùng trong bức tranh trước.

Nếu bạn đã xem qua rating Kdrama của tôi bạn sẽ thấy lạ tại sao một người chuyên chê phim Hàn như tôi tại sao nãy giờ chỉ toàn khen phim này không? Thì đây, vấn đề cái kết muôn thửu mà tôi thường nhắc về phim Hàn lại được tôi tiếp tục ca. Đọc hay không là quyền của bạn. :d

Tôi khá thích quyết định của Kang Jin trong tập 11 mà tôi lấy lý do là tính "đời" của nó và sự phức tạp trong tâm lý của một người đàn ông với những sự đấu tranh nội tâm sâu trong tiềm thức của mình. Một sự chạy trốn số phận như Ji Hwan đã làm 8 năm về trước cộng với sự trả giá cho lòng hiếu thảo và những day dứt cho quá khứ thì quyết định của Kang Jin là có thể chấp nhận được với cách ra quyết định tránh ra quyết định để hối hận về sau. Ôi quyết định gây tranh cãi này mặc dù nó bị nhiều người không thích thì tôi vẫn cố chấp thích. nhưng cách giải quyết để thay đổi quyết định đó thì khiến tôi thất vọng thật sự cho một Kang Jin, cho biên kich Lee, cho bức tranh mà biên kịch này cố vẽ khi không còn những phút ngẫu hứng của một người nghệ sỹ.

Cách tác giả pha màu cho bức tranh này là một sự lặp lại của bức tranh trước nhưng tiếc thay tỷ lệ pha màu không thích hợp, và do pha quá nhiều nên màu bị chết và bức tranh trở nên nhạt nhòa và không có cái thần để bật lên mà thể hiện một sự sao chép kiêng kỵ trong nghệ thuật. Bức tranh 6 tập cuối là một bức tranh sao chép không hơn không kém. Sự cố gắng của tác giả cho trọn vẹn hai chứ "hạnh phúc" lại khiến cảm xúc của người xem kém hoàn thiện theo các mâu thuẩn dông dài bị drama hóa của bộ phim. Tôi tự hỏi 4 tập 12,13,14,15 của bộ phim nhằm để làm gì. Để giải quyết các mâu thuẩn nội tâm trong Kang Jin ư? Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy 4 tập đó chỉ là những đoạn phim tản mạn kể về Kang Jin và Ji Hwan không mục đích mà khiến người xem bực mình mà thôi. Một quá trình dài 3 năm Kang Jin vẫn không quên được Ji Hwan và Ji Hwan thì vẫn bên cạnh thì lý do anh cố thuyết phục mình không đến với Ji Hwan có thắng nổi bản chất và lòng tham của một người đàn ông không? Ai cũng có mưư cầu về hạnh phúc cho bản thân mình, ai cũng có cảm giác khao khát hơi ấm của người mình yêu cả. Và người ta nếu không thể giải quyết triệt để mâu thuẩn trong bản thân mà cụ thể với Kang jin là chạy trốn tình yêu của Ji Hwan thì quyết định cố làm anh giả của Ji Hwan chỉ làm cho bộ phim mang tính kịch nhiều hơn mà thôi.

Con người thật hoặc không thánh thiện như thế hoặc không nhút nhát đối diện với số phận như thế. Nó có phần thiếu thống nhất với Kang Jin những tập trước. Như tôi nói với một người bạn, tôi có thể hiểu được quyết định của Kang Jin nếu nó là quyết định tại thời điểm chứ không phải là một quá trình suy nghĩ những 3 năm của Kang Jin. Vì biên kich cố tạo ra 6 tập phim sau chỉ cố làm cho hoàn hảo bộ phim và đưa ra sự so sánh trong bức tranh tâm lý của Ji Hwan và Kang Jin với cùng một nút thắt là sự day dứt về cái chết của Ji Jong nên khiến khán giả có sự so sánh giữa cách giải quyết mâu thuẩn tâm lý hai nhân vật là điều không tránh khỏi. Ji Hwan được Kang Jin xoa dịu nỗi đau một cách từ từ rất thuyết phục, nỗi đau từ từ liền sẹo để tình yêu thăng hoa trong tập 10. Còn Ji Hwan có tầm quan trọng thế nào với Kang Jin trong 6 tập 4 tập này. Vô cùng mờ nhạt, tôi có thể trả lời như thế. Tôi thấy cô không làm gì được để giải tỏa sự day dứt của Kang Jin cả mặc dù cô là bác sĩ.

Vậy thì 4 tập đó được tác giả ve lên chỉ tạo cảm giác thừa thãi cho khán giả mà thôi. Một nút thắt là sự run rủi của số phận cho Kang Jin gặp lại mẹ sau 3 năm xa cách, để rồi hai người mẹ gặp nhau và tạo ra kịch tính cho phim. Sự tình cờ đó không thuyết phục được tôi vì cái xác suât của nó là không cao. Và đến khi nhận ra điều đó thì Kang Jin cũng chỉ đấu tranh yếu ớt cho tình yêu của mình, cơ hội quá nhiều cho Kang jin và tôi nghĩ sự chờ đợi của Ji Hwan quá vô vọng nếu không có mẹ Kang Jin xuất hiện và đấu tranh cho hạnh phúc của hai người.

Cái tôi cần để tác giả giải quyết mâu thuẩn trong nội tâm Kang Jin là tầm quan trọng hay tình yêu của anh dành cho Ji Hwan đến đâu để anh tự đấu tranh với chính mình và vượt khỏi mặc cảm, day dứt mà mình có với gia đình Ji Hwan thôi. Tại sao tác giả để cho tâm lý nhân vật Kang Jin đi theo hướng giải quyết lòng mình rỗng trước khi đón nhận lại tình yêu của Ji Hwan kia chứ . Như vậy có tuyệt đối quá không? Khi xem phim này thật tình tôi nghĩ sao tác giả không để Ji Hwan bị một cái gì đó (tai nạn?, cô đi đâu đó xa? hơi ác nhỉ.) để Kang Jin nhận ra tầm quan trọng của cô và đi tìm tình yêu của mình và bỏ qua sự thánh thiện ích kỷ của mình thì có lẽ phim thuyết phục tôi hơn.

Khi tôi xem hết tập 12, tôi vẫn trông chờ một sự chấp nhận lạc quan của nhân vật Kang Jin để tự điều hướng suy nghĩ và tình yêu của mình, tôi vẫn cố ru mình rằng biên kịch sẽ tạo đuợc sự đột phá chứ không ngờ biên kich đi theo lối mòn hoàn hảo của tình yêu.

Nói chung tôi thấy thật tiếc cho một kịch bản tưởng chừng như hoàn hảo lại có nguyên 4 tập thật sự thừa.

Bàn về tập cuối, nó được vẽ lên với những nét tương quan trong cấu trúc tập 10. Những trường đoạn xung đột được đẩy căng lên và một cái kết hạnh phúc với nụ hôn với những lời tâm tình tự sự cũng như tập 10. Cũng nơi chốn định mệnh với tập 10 là chốn chia tay cũ thì tập này là dòng sông cũ. Nhưng do so sánh với tập 10 thì tập này không kéo người xem chìm vào cảm xúc hư ảo được. Nó "sáng" quá trong dự tính của người xem vì thiếu độ bóng trong bản chất nên dù biên kịch đã cố vẽ và tô những màu huyền ảo đến mấy cũng không làm bức tranh đẹp bằng tập 10. Và tôi không thích cách giải quyết mâu thuẩn trong người mẹ Ji Hwan một cách không triệt để như tập cuối đưa ra.

Theo tôi thì cái gì đó mờ ảo luôn đem lại cảm xúc cho người xem hơn cái rõ ràng và khi biên kịch cố tình đặt lên bàn cân những cảnh quay trong phim cũng như tìm cái đối xứng cho bố cục bức tranh toàn cảnh lại là cái ...dở nhất trong phim này. Khi so sánh thì chắc sẽ có cái hay cái dở mà thông thường người xem nhớ đến phần đầu, cái kết phim nhiều hơn là đoạn giữa. Và cái kết này mờ nhạt hẳn so với đoạn đầu. Vậy thì tại sao lại liều lĩnh đưa ra những sự tương đồng như thế? Có lẽ sự so sánh nào cũng khập khiễng chăng. Cảnh quay hay nhất trong tập cuối có thể nói là cảnh Kang Jin thả chiếc mặt dây chuyền vào dòng sông cũ cũng như thả trôi quá khứ để tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân.

Bàn một chút về qúa khứ với hai tình yêu của thế hệ trước.

Đi vào tập đầu phim với 2 người phụ nữ yêu cùng một người đàn ông. Định mệnh ngang trái đã khiến hai người thật sự yêu nhau phải chia tay vì một lời nói dối. Tình yêu để rồi sau đó còn day dứt mãi trong trái tim mẹ Kang Jin và ba Ji Wan cùng nỗi lo sợ cứ hằn rõ ảm ảnh trong mắt mẹ Ji Wan. Mối tình như thế này đã bắt gặp rất nhiều trong phim Hàn rồi và bạn sẽ đặt câu hỏi nó sẽ được giải quyết như thế nào khi tình yêu này cứ dần liên quan đến tình yêu đôi trẻ. Khi xem phim câu trả lời sẽ có với sự mặc nhiên của cuộc đời. Cảnh phim đáng chú ý đối với tập hợp tình yêu này là cảnh mẹ Kang Jin nằm vạ trước xe tải và bị đánh khi chiếc xe mà ba mẹ Ji Wan đi qua, liệu ba Ji Wan sẽ làm gì với vô lăng và sẽ làm gì với trái tim của mình?

Những đêm mẹ Kang Jin đứng trước cánh cổng không khóa nhà Ji Wan để chờ đợi một cái gì đó vô vọng từ một lời hứa, một lời hứa cho người đàn ông trọn vẹn chữ "nghĩa phu thê". Đứng đó mòn mỏi chờ đợi ... và gặp một lần duy nhất... với những cảm xúc cao trào. Tôi tự hỏi tình yêu của họ là điều gì mà khiến thời gian chẳng thể xóa mờ. Tình yêu của họ là hai niềm day dứt, hai sự khao khát và là sợi dây bó buộc họ trong mớ bồng bông cuộc đời. Nhân vật người cha không dám đánh đổi hay chính xác là trả một cái giá hời cho quyết định của mình, tai sao thời trai trẻ lại thế và không sẵn sàng đương đầu với cuộc đời để có tình yêu? Một điều gì đó cứ xóay trong đầu tôi là sự không cương quyết của người cha, là sự dây dưa cầu toàn trong ông, ông không muốn có lỗi với ai nhiều cả, ông không quyết định khi mọi việc có thể dễ dàng mà lại quyết định khi sự việc khó khăn hơn. Có lẽ phải trả lời chính mình là vì đó là cuộc đời và chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Có lẽ phải hiểu quyết định của ông trong tập 11 là quyết định cho bản thân mình sau sự cầu toàn cho người khác, và để trọn vẹn cho một chữ "tình nhân ngãi". Cuộc đời đôi khi cầu toàn quá và tìm sự đối xứng hay cân bằng lại chuyển sự mất cân bằng cho những người xung quanh mà cụ thể là Kang Jin?

Sự yên phận,nổi loạn, sự mưu cầu hạnh phúc, khao khát tình yêu hay tham vọng của bản năng đều có trong tình yêu "già" này. Từ những sai lầm và dối trá trong quá khứ của người này kéo theo sự day dứt của người khác... Và nó cứ day dứt mãi vì họ không chấp nhận hiện thực, họ níu kéo một tình yêu vĩnh cữu huyền hoặc trong suy nghĩ nhưng lại không có gan để thay đổi số phận khi có thể, không có sự nhẫn tâm để dứt khóat một lần cho xong và kéo dài mãi cuộc đời mình chìm trong sự đau khổ do chính họ tạo nên...

Tác giả không giải quyết triệt để các mấu thuẩn này mà cố ý để nó lưng chừng với những niềm hối tiếc của hai người đàn bà, với tình yêu nhiều hệ lụy của họ và cái tan tác của tiếng khóc nghẹn ngào trong tập 11. Hạnh phúc đã không trọn vẹn cho một ai khi hai người vừa bắt đầu một cuộc hành trình mới trong cuộc đời. Liệu cha Ji Wan có hạnh phúc? Liệu mẹ Kang Jin có hạnh phúc? Liệu rằng trong lòng họ có lúc nào tuyết rơi không?

Tóm lại toàn bộ bộ phim có một kết cấu tưởng như hài hòa lại không thật sự hài hòa, 4 tập gần cuối có một sự lạc lõng nhất định với các tập còn lại. Bức tranh sử dụng quá nhiều thủ pháp để tô điểm cho nó nên hơi loãng ở đoạn cuối. Nhưng đây là một bộ phim đáng xem và bỏ thời gian suy nghĩ về nó vì chất cổ điển và những góc quay đẹp, những khung cảnh thơ trong nó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#review